Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

vol76-img-kt1
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)
 

Tới, là một thực tập sinh kỹ năng làm việc 3 năm tại một trang trại dâu tây, đã luôn cố gắng nỗ lực học tập mỗi ngày và đỗ N3 chỉ sau khi tới Nhật một năm. Ngoài ra, ở nơi Tới thực tập có làm thêm nhiều nên chỉ trong 3 năm đi thực tập mà bạn ấy đã gửi về cho gia đình 3 triệu yên, và ngoài khoản gửi cho gia đình thì bản thân Tới cũng đã tiết kiệm cho mình được khoảng 1 triệu yên. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn nội dung công việc, quá trình học tập và cuộc sống hàng ngày của Tới tại Nhật Bản.

Gặp gỡ sempai số này

Bùi Ngọc Tới

  • Năm 2016 Tốt nghiệp THPT
  • Năm 2016 Làm việc tại nhà máy sửa xe máy
  • Năm 2018 Học tiếng Nhật tại công ty phái cử
  • Năm 2018 Đến Nhật Bản → Đào tạo → Thực tập kỹ năng tại trang trại dâu tây
  • Năm 2021 Hoàn thành chương trình đào tạo thực tập kỹ năng, làm việc tại một cửa hàng mì ramen
  • Năm 2022 Dự kiến trở về nước
Sinh năm 1998, tại Đồng Tháp

Đến Nhật Bản theo lời giới thiệu của người bạn thời thơ ấu

Đi du lịch cùng các bạn thời thơ ấu ở Việt Nam (trước khi đi Nhật 1 năm)

Mình đã tốt nghiệp cấp 3 vào năm 2016. Mặc dù mình đã thi đỗ đại học nhưng vì không muốn làm gánh nặng cho bố mẹ nên đã từ bỏ con đường học đại học và làm việc tại một nhà máy sửa xe máy ở TP.HCM trong khoảng một năm rưỡi. Sau đó, trong lúc mình trở về quê và tìm việc làm, một người bạn thời thơ ấu của mình đã giới thiệu cho mình chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.

Cô ấy đã đăng ký đi thực tập kỹ năng với công ty phái cử trước, và mình cũng đăng ký cùng công ty và bắt đầu học tiếng Nhật. Ba tháng sau, vào tháng 12 năm 2018 mình đã đến Nhật Bản, và từ tháng tiếp theo mình đã bắt đầu công việc của thực tập sinh kỹ năng tại một trang trại dâu tây ở thành phố Hokota, tỉnh Ibaraki. Vì mình nghĩ rằng ở Việt Nam, nếu chỉ tốt nghiệp cấp 3 thì chỉ có thể nhận được mức lương thấp, nhưng nếu đi thực tập kỹ năng ở Nhật Bản thì mình có thể nhận được mức lương cao hơn nên mình đã quyết tâm lựa chọn con đường đi Nhật.

Công việc ở trang trại dâu tây

Trang trại dâu tây mình đã làm việc

Trong chương trình đào tạo thực tập kỹ năng của mình thì công việc mỗi ngày là trồng dâu tây trong nhà lợp nhựa nilon. Nhân viên làm việc tại trang trại có 5 người Nhật Bản, 5 thực tập sinh kỹ năng người Việt Nam và 1 người Philippines. Một ngôi nhà cấp 4 tách biệt với nhà của giám đốc được dùng làm ký túc xá cho tụi mình và 3 người sẽ ở chung 1 phòng.

Trang trại mình đang làm việc có tất cả 66 nhà trồng dâu tây. Vào mùa thu hoạch dâu tây thì công việc rất bận rộn, một tháng chỉ có bốn ngày nghỉ. Tuy nhiên, giám đốc cho phép tụi mình ăn dâu tây trong giờ làm việc. Chúng mình đã hái và ăn dâu tây mỗi ngày, dù chỉ một ít thôi.

・ Công việc trong mùa thu hoạch (tháng 11 - tháng 5):Thu hoạch, phân loại (xếp hạng), sắp xếp dâu vào thùng, v.v.

・ Công việc trong tháng 6 – tháng 10: Trồng dâu giống (tưới nước, kiểm tra bệnh). Vệ sinh bên trong nhà trồng và thay thế thiết bị trồng trọt.

Số tiền tiết kiệm trong 3 năm

Mức lương về tay trung bình ở Nhật Bản (sau khi trừ đi thuế, bảo hiểm, ký túc xá, v.v.) là khoảng 160.000 yên. Từ tháng 1 năm 2019 cho đến khi kết thúc chương trình thực tập kỹ năng trong 3 năm mình đã gửi khoảng 3 triệu yên cho gia đình ở Việt Nam. Ngoài ra, mình cũng đã có thể tiết kiệm được khoảng 1 triệu yên cho riêng mình.

A: Số tiền trả cho công ty phái cử ở Việt Nam (tổng chi phí bao gồm cả tiền máy bay) = khoảng 750.000 yên B: Số tiền tiết kiệm được trong 3 năm ở Nhật = khoảng 4.000.000 yên

C: B - A (số chênh lệch) = 3.250.000 yên (khoảng 573.000.000 VNĐ)

Bố mẹ mình đã sử dụng số tiền mình gửi về dùng để xây ngôi nhà mới sau khi phá dỡ đi ngôi nhà cũ.

Chi tiêu của mình (trung bình 1 tháng)

※100 yên=17.625 VNĐ(tỷ giá ngày 1/08/2022)

Thu nhập: 160.000 yên
Lương về tay 160.000 yên
*Đây là số tiền sau khi trừ đi thuế, bảo hiểm, ký túc xá và tiền điện nước *Tiền ký túc xá là 7.000 yên *Tiền điện・Nước・Ga・Wi-Fi là 4.500 yên
Chi tiêu: 40.000 yên
Ăn uống 25.000 yên
Chi phí khác (Quần áo, đi lại) 10.000 yên
Ăn ngoài 5.000 yên
Chênh lệch: 120.000 yên
*Gửi về nhà 100.000 yên và tiết kiệm 20.000 yên ở Nhật

Học 2, 3 tiếng mỗi ngày

Mình vẫn tiếp tục học tiếng Nhật sau khi hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng

Sau khi đến Nhật một năm thì mình đã thi đỗ kỳ thi Năng lực Nhật ngữ (JLPT) N3 vào tháng 12 năm 2019. Trước khi đến Nhật Bản, mình chỉ học ở công ty phái cử ba tháng, cho nên khi ngày đầu tiên đến Nhật, mình hoàn toàn không hiểu gì về những lời hướng dẫn của giám đốc. Mình đã tự nhủ, “Mình không muốn cứ thế về Việt Nam mà hoàn toàn không hiểu tiếng Nhật như thế này”, vì vậy mình đã tự học mỗi tối 2, 3 tiếng. Mình chủ yếu sử dụng bộ sách “Shinkanzen Master” để học.

Vào buổi tối hay ngày nghỉ, khi các đồng nghiệp thường chơi game trong phòng thì mình đã tự học trong phòng bếp. Thực ra, mình muốn tham gia một lớp học tiếng Nhật tình nguyện vào cuối tuần, nhưng vào cuối tuần mình thường có việc bận nên mình đã nghỉ và tiếp tục tự học. Mình luôn cố gắng nói chuyện với người Nhật tại nơi làm việc nhiều nhất có thể. Bằng cách này, từ năm thứ hai sau khi mình đến Nhật Bản, mình đã được nhờ để thông dịch cho giám đốc và các bạn thực tập sinh khác.

Chuyển việc sau khi hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng

Đi ăn uống với các nhân viên cửa hàng mì ramen

Sau khi hoàn thành ba năm chương trình đào tạo thực tập kỹ năng, mình bắt đầu làm việc tại một cửa hàng mì ramen ở thành phố Mito vào tháng 12 năm 2021. Vì mình đã vượt qua kỳ thi kỹ năng ngành “nhà hàng” (外食) ở năm thứ ba khi là thực tập sinh kỹ năng nên mình có đủ điều kiện để trở thành một người nước ngoài hoạt động kỹ năng đặc định trong ngành nhà hàng. Tuy nhiên, vì cần có thời gian để có thể thay đổi tư cách lưu trú sang tư cách kỹ năng đặc định, nên khi bắt đầu công việc tại đây mình đã làm việc với tư cách là nhân viên làm thêm bằng visa hoạt động đặc định (特定活動) một thời gian ngắn.

Làm việc ở trang trại dâu tây rất là thoải mái, và mình cũng rất quý mến giám đốc cũ, nhưng với đặc thù công việc là “vào ngày mưa thì sẽ được nghỉ” nên mình đã không thể lên kế hoạch đi chơi vào những ngày đó được. Mình rất thích Nhật Bản và cũng muốn học thêm tiếng Nhật nên quyết định ở lại Nhật Bản, nhưng mình muốn chọn một nghề không phải là ngành nông nghiệp vì mình thích cuộc sống không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Tỉnh Ibaraki dễ sống

Ăn tại quán Việt Nam 123Dzô của anh Thành

Trong trường hợp chuyển việc sau khi hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng thì hầu hết mọi người sẽ chọn làm việc ở Tokyo hay Osaka, nhưng mình đã quyết định ở lại Ibaraki vì những lý do sau.

  • . Ở Tokyo có quá nhiều người. Mình thì muốn sống ở nơi yên tĩnh hơn.

  • . Vật giá ở Ibaraki rất rẻ. Đặc biệt, chi phí nhà ở rẻ hơn đáng kể so với Tokyo.

Một lý do khác khiến mình ở lại Ibaraki là mình có một người bạn rất thân tên là Thành cũng đang sống tại Ibaraki. Khi còn là thực tập sinh kỹ năng, mỗi tháng mình đều đến Mito bằng tàu điện để ăn món ăn Việt Nam, mua các nguyên liệu thực phẩm tại cửa hàng do anh Thành kinh doanh. Anh Thành đã giúp mình rất nhiều cho việc chuẩn bị bài kiểm tra kỹ năng và cũng chính anh ấy đã nhờ người quen là chủ tiệm mì ramen đã nhận mình vào làm việc.

Phương pháp học tập cho kỳ thi kỹ năng đặc định

Nhóm Facebook dành cho người Việt Nam dự thi kỳ thi kỹ năng

Sau khi kết thúc chương trình thực tập kỹ năng và chuyển qua tư cách kỹ năng đặc định mà bạn vẫn tiếp tục công việc ở nơi làm việc cũ thì không cần chuẩn bị gì đặc biệt. Ngay cả khi bạn chuyển sang nơi làm việc mới cùng ngành nghề thì sẽ cần sự hỗ trợ của đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn) nhưng không cần phải tham dự kỳ thi. Tuy nhiên, nếu bạn chuyển sang công việc khác, bạn phải vượt qua kỳ thi đánh giá kỹ năng (kỳ thi kỹ năng) cho công việc đó.

Mình đã vượt qua cả hai kỳ thi kỹ năng ngành “nhà hàng” và “điều dưỡng” mỗi ngành một lần. Ngành “nhà hàng” thì mình học trong 1 tháng, còn ngành “điều dưỡng” mình học trong 2 tuần. Mình sẽ giới thiệu cho các bạn phương pháp mình đã áp dụng học tập tại thời điểm đó.

  • ・ Giáo trình (có bản tiếng Việt) cho kỳ thi kỹ năng ngành “nhà hàng” và thông tin về ngày thi tại đây

  • ・ Mình đã đọc tài liệu tiếng Việt 2 lần trở lên và hiểu rõ nội dung trước khi đọc tài liệu bằng tiếng Nhật.

  • ・ Mình đã tham gia một nhóm Facebook dành cho người Việt Nam dự thi kỳ thi kỹ năng và thu thập các tài liệu, thông tin để học.

Tự mình đăng ký bảo hiểm hưu trí quốc dân

Giấy tờ liên quan đến bảo hiểm hưu trí quốc dân

Nhân tiện, mình cũng muốn giới thiệu cho các bạn biết rằng những người trên 20 tuổi sống ở Nhật Bản dù là người nước ngoài nhưng vẫn có nghĩa vụ phải tham gia bảo hiểm hưu trí quốc dân. Đối với “bảo hiểm hưu trí phúc lợi” thì công ty sẽ là người đăng ký và đóng phí bảo hiểm cho bạn, còn đối với “bảo hiểm hưu trí quốc dân” thì bạn phải tự đăng ký và đóng phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm hưu trí quốc dân năm 2022 là 16.590 yên mỗi tháng.

Nhưng giám đốc ở nơi làm việc cũ của tụi mình đã không đăng ký tham gia bảo hiểm hưu trí phúc lợi cho chúng mình. Mình đã phát hiện ra điều này khi đang là thực tập sinh kỹ năng năm thứ ba và khi mình tham khảo ý kiến của luật sư tại một hội tư vấn miễn phí thì đã được hướng dẫn rằng “Nếu bạn tự mình đăng ký bảo hiểm hưu trí quốc dân mà không đóng phí bảo hiểm trong 3 năm thì bạn có thể không nhận được tư cách lưu trú sang kỹ năng đặc định”. Vì vậy, mình đã đóng toàn bộ số tiền bảo hiểm chưa đóng 3 năm qua trong một lần. Có vẻ như chuyện này thỉnh thoảng xảy ra ở một vài công ty nhỏ nên các bạn hãy chú ý cẩn thận điều này nhé!

Dự định trong tương lai

Mình muốn làm việc ở Nhật Bản càng lâu càng tốt và cũng rất thích công việc ở cửa hàng ramen, nhưng mình không thể để mẹ sống một mình ở Việt Nam nên đã quyết định về nước vào tháng 8 năm 2022. Vào tháng 7 khi mình nói điều này cho giám đốc và cửa hàng trưởng về việc này, họ đã cảm thấy rất tiếc cho mình. Khi làm việc ở đây mình luôn được mọi người quan tâm giúp đỡ nên thật sự mình cảm thấy rất ngại khi phải nghỉ công việc ở đây và trở về nước.

Sau khi trở về nước, mình dự định sẽ nhập học ở một trường chuyên môn trong nước chuyên ngành kinh doanh vào năm 2023. Mình đã gửi khoảng 3 triệu yên cho gia đình trong 3 năm đi thực tập kỹ năng, và trong 3 năm đó cùng với 7 tháng đi làm tại quán mì ramen mình cũng đã tự tiết kiệm được cho mình khoảng 2 triệu yên, nên mình có thể yên tâm đi học đại học bằng số tiền đó. Ngoài ra, vì mình đã học tiếng Nhật nên mình vẫn muốn tiếp tục duy trì việc học sau khi trở về nước. Trong tương lai, mục tiêu của mình là quay trở lại Nhật Bản hoặc làm việc trong một công ty Nhật ở Việt Nam.