Văn hoá

Việt Nam OK, Nhật Bản DAME_31: Người Nhật ít ăn sáng ở ngoài

jp-ok-vn-dame-31-6
15/08/2022

Người Nhật không có thói quen buổi sáng ra ngoài ăn phở như ở Việt Nam. Họ thường ăn sáng ở nhà rồi mới đi làm, đi học. Vì thế hàng quán ở Nhật thường mở cửa từ 11 giờ sáng hoặc từ chiều tối. Rất ít các cửa hàng mở cửa phục vụ ăn sáng. Nhân thể chúng tôi cũng giới thiệu vài loại cửa hàng đặc biệt mở cửa phục vụ từ sáng.

Hiếm có hàng ăn mở cửa từ sáng

Buổi sáng, hàng quán ở Nhật đa số treo biển “Đang chuẩn bị” (tức chưa mở cửa)

Tháng đầu tiên sau khi sang Nhật, gia đình tôi dự kiến sẽ đến một điểm du lịch cách nhà khoảng 50km để tham quan. Để có cả ngày dài thăm thú, cả nhà tôi dậy từ 6h sáng. Kế hoạch là ra phố tìm một quán ăn sáng, sau đó sẽ bắt tàu sớm.

7h rời khỏi nhà. Đường phố gần như không một bóng người. Không có những cụ ông, cụ bà đi bộ tập thể dục, không có những quán ăn nghi ngút khói mở cửa đón khách. Nhà tôi ghé quán cà ri Cocoichibanya và Ramen và nhận ra rằng tận 10 giờ hoặc 11h sáng họ mới mở cửa.

Rốt cuộc cả nhà tôi đành ghé tạm một konbini mua bánh mỳ ăn tạm. Sau lần đó, tôi tò mò hỏi một số người bạn Nhật và biết rằng, người Nhật thường không ăn sáng ở ngoài như người Việt mình.

Quán ăn ở Việt Nam mở cửa từ sáng phục vụ khách

Ở Việt Nam, từ 4-5h sáng người dân đã tràn ra đường tập thể dục, các quán ăn đun nước dùng xình xịch từ 3-4h sáng để sẵn sàng phục vụ người dân ngay khi mặt trời ló rạng. Thậm chí từ 5-6h sáng bạn đã có thể bắt xe ôm, grab bike, taxi…

Trong khi đó ở Nhật, do công việc bận rộn, di chuyển bằng phương tiện công cộng thường tốn khá nhiều thời gian nên người Nhật ngủ khá muộn. Vài người bạn trong lớp con gái tôi kể rằng, bố mẹ chúng phải 9-10h mới về nhà, 11h mới ăn cơm tối và chuyện lên giường ngủ vào 12h là bình thường.

Do lối sống như vậy mà hiếm có gia đình Nhật nào ăn sáng ở ngoài như thói quen của người Việt. Và chính vì thế là các quán ăn ở Nhật không bán hàng ăn sáng mà chỉ mở cửa từ trưa trở đi mà thôi.

Bữa sáng ở quán café ở Nhật “Bữa sáng theo suất”

Tuy nhiên, cũng có một vài ngoại lệ. Sau đây là một vài loại hình cửa hàng bán món ăn sáng ở Nhật Bản.

◆ Một vài loại hình cửa hàng phục vụ ăn sáng

Cửa hàng Cafe
Đa phần cửa hàng café có bán “Morning Set” – Suất ăn sáng. Đa phần là món ăn nhẹ như bánh mì nướng, bánh mì sandwich hoặc bánh mì kẹp xúc xích và kèm theo đồ uống.
Một số cửa hàng bán món ăn nhanh (fast food)
Cửa hàng bán Gyudon (cơm tô thịt bò), cửa hàng mì soba, udon, cửa hàng bán hamburger.
Family Restaurant
Nhiều cửa hàng trong chuỗi Family Restaurant có phục vụ bữa sáng.
Cửa hàng ăn của khách sạn lớn
Các khách sạn nhỏ thì cửa hàng ăn chỉ phục vụ khách lưu trú nhưng các khách sạn lớn nhiều nơi mở cửa cho cả khách bên ngoài.

Đừng mong người Nhật tương tác thường xuyên trên mạng xã hội

Bình luận trên Facebook, reply trên story, chát chít thâu đêm trên các ứng dụng đã trở thành thói quen rất phổ biến ở Việt Nam kể từ khi các mạng xã hội (SNS) bùng nổ.

Người Việt dùng mạng xã hội vào rất nhiều mục đích khác nhau: Chia sẻ chuyện gia đình, chuyện nghề nghiệp, chuyện đời, bạn bè và với những người đông bạn trên mạng xã hội, các “tút” của họ thường kéo theo lượng tương tác rất lớn.

Tuy nhiên, nếu các bạn sang Nhật, kết bạn với người Nhật và mong họ sẽ tương tác trên mạng xã hội như người Việt thì không có chuyện đó đâu. Sẽ có vài sự khác biệt rất lớn mà các bạn phải chuẩn bị tâm lý như sau:

▶︎ Người Nhật, đặc biệt là các bạn trẻ, rất ít dùng Facebook. Mạng xã hội họ hay sử dụng là Twitter hoặc Instagram và LINE.

▶︎ Người Nhật mỗi khi đăng bài, thường là thông báo hoặc phát đi thông tin gì đó để chia sẻ với tất cả mọi người chứ không chỉ một nhóm người cụ thể nào. Ví dụ như: Hè này tôi sẽ đi du lịch Kyoto, cuối tuần tôi sẽ đi chèo thuyền kayak… Vì tính chất đăng bài chỉ để thông báo nên ai phản hồi thế nào không quá quan trọng.

Tôi có một người bạn Nhật. Ngoài đời chúng tôi khá thân thiết. Có một lần chị đăng tút về việc đi trượt tuyết. Tôi comment nhưng 1-2 ngày sau chị chẳng like, cũng chẳng reply.

Khi gặp tôi mới hỏi: “Chị chưa đọc comment của tôi trên Facebook à”. Chị rất thản thiên trả lời: “Tôi đọc rồi” với hàm ý “Có vấn đề gì không”.

Ở Nhật, không ít người không có phản ứng gì đối với bình luận của người khác đối với bài đăng trên mạng xã hội. Đơn giản là do khác biệt tính cách của từng người. Hoặc cũng có người không cần nhiều bình luận, chỉ cần có nhiều “thích” là được rồi. Vậy nên các bạn đừng cảm thấy buồn, phật lòng khi kết bạn với người Nhật mà họ không tương tác gì với bạn trên mạng xã hội nhé.

Hãy trật tự và giữ sạch đẹp trong quán café ở Nhật

Một quán café ở Hà Nội

“Đi café” là một hoạt động rất phổ biến ở Việt Nam. Người Việt tìm tới các quán café vì vô số mục đích: Gặp bạn bè, thư giãn, chụp ảnh, học bài, làm việc… Và một trong những nhu cầu đi café phổ biến bậc nhất ở Việt Nam là “Tám chuyện với bạn bè”.

Ở Việt Nam, các bậc phụ huynh thường bế theo con cái vào quán café, cho các con giao lưu phần các con, bố mẹ giao lưu phần bố mẹ. Những đứa trẻ khi vào quán café theo bố mẹ thường được cho phép chạy chơi tự do, nô đùa với những trẻ con khác khá huyên náo và đầm ấm.

Một quán café ở Osaka

Người Nhật cũng đi café và mục đích ngồi café của họ thường là để một mình thư giãn, hoặc gặp gỡ bạn bè, gặp đối tác bàn công việc. Những quán café bình thường ở Nhật rất hiếm khi có cảnh đưa trẻ em vào giao lưu, và kể cả khi có trẻ em trong quán thì những đứa trẻ đó cũng sẽ tự giác không gây ồn ào, hoặc chạy chơi lung tung.

Ở Nhật, nếu các mẹ bỉm sữa muốn đi café thì thường họ chọn những địa điểm như cửa hàng bán món ăn nhanh hamburger, Family Restaurant. Những địa điểm này thì giả sử trẻ con có ầm ĩ một chút cũng không ai khó chịu lắm.

Một quán café ở Hà Nội

Mới đây, tại quán café Highlands ở phố Hàm Nghi, Hà Nội, tôi đang làm việc với máy tính thì có một em bé (tầm 2-3 tuổi) chập chững đi về phía tôi, tay với ly cà phê của tôi đặt trên bàn. Thấy vậy tôi vội vàng ngẩng lên tìm bố mẹ cháu thì nhận ra mẹ cháu đang ngồi bấm điện thoại.

Khi phát hiện con mình ra bàn người khác chơi, mẹ cháu chỉ chạy tới bế con mình về chứ không hề xin lỗi vì đã làm phiền tới tôi.

“Trẻ con thì biết gì” là quan niệm phổ thông ở Việt Nam nên không mấy ai để ý đến việc này. Nhưng nếu việc như vậy diễn ra ở Nhật thì bà mẹ chắc chắn sẽ vội vàng chạy ra xin lỗi tôi ngay lập tức.

Cửa hàng café ở Nhật luôn gọn gàng sạch sẽ

Ngoài ra, đa phần các quán café ở Nhật đề cao tinh thần tự phục vụ. Khách hàng có ý thức tự dọn dẹp bàn của mình, vứt vỏ nylon hoặc gói đường vào thùng rác, lau khô các vết nước vương lại trên mặt bàn. Các bạn sẽ để ý rằng, ngay cả những học sinh cấp 2 của Nhật cũng đã có ý thức tự dọn bàn của mình trong quán café.

Tất nhiên là nhân viên của quán cũng làm việc rất cẩn thận. Các bạn nhân viên sẽ đi quanh các bàn, nếu thấy một cái bàn vương vãi nước, vỏ nylon, vỏ bánh kẹo, đồ ăn thức uống… thì nhân viên cũng sẽ dọn dẹp.

Những hành động tự giác của người Nhật góp phần giữ gìn sạch đẹp ở những quán café nên có thể nói “Trật tự” và “sạch sẽ” là quy định bất thành văn ở quán café Nhật Bản.