Du học - Xin việc

Học tiếng Nhật trước khi đi du học

hoc-tieng-nhat-truoc-khi-du-hoc-1
19/09/2022

Tháng 4 và tháng 10 là hai kỳ du học Nhật Bản chính. Mình nghĩ rằng có rất nhiều bạn chỉ mới bắt đầu học tiếng Nhật sau khi quyết định sẽ đi du học trường Nhật ngữ tại trung tâm tư vấn du học ở Việt Nam. Thông thường, bạn phải học tiếng Nhật hơn nửa năm tại trung tâm trước khi đi sang Nhật, nhưng thành công hay thất bại của việc du học phần lớn phụ thuộc vào mức độ bạn học tiếng Nhật trước khi bay như thế nào. Dựa trên kinh nghiệm của các anh chị sempai, ban biên tập sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho việc học tiếng Nhật trước khi đi du học của bạn.

1. Kế hoạch du học: Dành cho các bạn tốt nghiệp THPT

Trước hết, nếu bạn không đặt mục tiêu, bạn sẽ không có động lực học tập. Vì thế đầu tiên, hãy đặt mục tiêu cho kế hoạch du học và sự nghiệp của bạn sau khi du học.

Nếu bạn đã tốt nghiệp THPT tại Việt Nam thì chủ yếu sẽ đi du học theo hình thức sau đây. Và sau khi tốt nghiệp bạn sẽ làm việc cho một công ty Nhật Bản tại Việt Nam hoặc tìm việc làm tại Nhật Bản.

① Trường tiếng (1-2 năm) → Trường chuyên môn (2 năm) → Đại học (4 năm)
② Trường tiếng (1-2 năm) → Trường chuyên môn (2 năm)
③ Trường tiếng (1-2 năm) → Đại học (4 năm)

Chủ yếu các bạn sẽ học tại các trường tiếng từ 1 năm rưỡi đến 2 năm nhưng có những bạn đã học tiếng Nhật chăm chỉ 1 năm trước khi du học và sang Nhật sau khi đạt trình độ N3. Trong trường hợp đó, bạn sẽ có thể tốt nghiệp trường tiếng chỉ sau một năm học và như vậy thì chi phí du học sẽ rẻ hơn.

Kinh nghiệm của sempai vào học thẳng Đại học của Nhật từ đầu

④ Vào học Đại học của Nhật ngay từ đầu (4 năm)

Nếu bạn có N2 (JLPT) trở lên, bạn sẽ có thể dự thi vào Đại học từ đầu. Để thi đại học ở Nhật Bản, bạn cần học thêm các môn khác ngoài tiếng Nhật và cũng có những trường có các môn dự thi ít hơn.

2. Kế hoạch du học: Dành cho các bạn tốt nghiệp đại học

Kinh nghiệm của sempai chọn trường chuyên môn có tỷ lệ học sinh tìm được việc ở Nhật cao

Trong trường hợp bạn đã tốt nghiệp đại học, bạn có thể lựa chọn đi học trường tiếng Nhật hoặc học lên cao học sau khi học qua trường tiếng. Ngoài ra, nếu bạn lựa chọn trường chuyên môn có tỷ lệ học sinh tìm được việc làm cao, bạn có thể đi học một thời gian ngắn ở trường chuyên môn này.

Chẳng hạn như khóa học kinh doanh tại trường Ehle Gakuen – một trường chuyên môn ở Osaka, là một khóa học kéo dài một năm. Khóa học này có tỷ lệ học sinh tìm được việc làm cao và nếu bạn không tìm được việc trong năm đầu tiên sẽ được miễn phí học phí năm thứ hai.

external link Khoá học kinh doanh của trường Ehle Gakuen

3. Mối tương quan giữa chuyên ngành học và công việc

Có rất nhiều sinh viên năm cuối đã tốt nghiệp trường chuyên môn hoặc đại học tại Nhật Bản được cấp visa “Kỹ thuật – Tri thức Nhân văn – Nghiệp vụ Quốc tế” để làm việc tại Nhật. Trong trường hợp đó, sự phù hợp của chuyên ngành, chuyên môn bạn học ở trường và nội dung công việc sẽ được kiểm tra chặt chẽ.

Có nhiều trường hợp không thể qua được điều kiện này và không xin được tư cách lưu trú mới. Để tránh điều này xảy ra, hãy suy nghĩ kỹ về công việc bạn muốn làm trong tương lai, sau đó chọn khoa, chuyên ngành hoặc bộ môn tại trường đại học hoặc trường chuyên môn nhé.

Tư cách lưu trú Kỹ thuật

Cần có mối tương quan chặt chẽ giữa nội dung công việc với các khoa / chuyên ngành trong trường đại học, trường chuyên môn

Ví dụ công việc
= Kỹ sư IT (lập trình viên, kỹ sư hệ thống), làm thiết kế Website, làm việc tại bộ phận thiết kế – R&D (nghiên cứu và phát triển), giám sát công trường, quản lý sản xuất trong nhà máy (không trực tiếp thao tác máy)

Tư cách lưu trú Tri thức nhân văn

Cần có mối tương quan chặt chẽ giữa nội dung công việc với các khoa / chuyên ngành trong trường đại học, trường chuyên môn

Ví dụ công việc
= Kế toán, pháp lý, kinh doanh, tài chính, nhân sự, tổng vụ, xây dựng kế hoạch, hoạt động thương mại

Tư cách lưu trú Nghiệp vụ quốc tế

・ Tốt nghiệp đại học hoặc cao học ở Nhật → Không bị hỏi về mối tương quan giữa nội dung công việc và chuyên ngành, khoa đã học
・ Tốt nghiệp đại học hoặc cao học ở nước ngoài → Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ tiếng Nhật, không bị hỏi về mối tương quan
・ Trình độ học vấn cao nhất là tốt nghiệp trường chuyên môn ở Nhật → Cần có mối tương quan chặt chẽ giữa nội dung công việc với các khoa / chuyên ngành trong trường

Ví dụ công việc
= Kinh doanh thương mại; liên lạc với các cơ sở ở nước ngoài và đối tác kinh doanh của các công ty; làm việc tại các cửa hàng bán lẻ như cửa hàng miễn thuế, cửa hàng thuốc có nhiều khách hàng nước ngoài (không bao gồm nhà hàng và cửa hàng tiện lợi); quản lý, phiên dịch cho các nơi có thực tập sinh kỹ năng và du học sinh; làm việc trong khách sạn (quầy lễ tân hoặc liên lạc với công ty du lịch nước ngoài); làm việc trong công ty du lịch, công ty bất động sản cho người nước ngoài; làm việc trong công ty biên phiên dịch

Cổng tư vấn cá nhân

Nếu không biết cách chọn chuyên ngành, bạn có thể nhận được tư vấn bằng cách liên lạc qua email cho WA.SA.Bi. theo đường link dưới đây (miễn phí). WA.SA.Bi. có đội ngũ nhân viên đa quốc tịch giải đáp thắc mắc cho bạn.

external link Website hỗ trợ du học sinh “WA.SA.Bi” (Đa ngôn ngữ)

4. Học tiếng Nhật trước khi đi du học

Nếu bạn đi du học Nhật sau khi đạt được trình độ N3 ở Việt Nam, quá trình du học của bạn sẽ đạt được hiệu quả cao hơn, bạn cũng sẽ có thể rút ngắn được thời gian du học. Đây là video giới thiệu những anh chị sempai đã có trình độ tiếng Nhật cao rồi mới đi du học, họ đều nói tiếng Nhật rất giỏi.

Phương pháp học của các sempai đi du học sau khi đạt N3

Học tiếng Nhật trước khi đi du học_phần 1

“Trước khi đi du học, trong vòng 1 năm rưỡi, tôi đã có được bằng N3 và luôn cố gắng sử dụng tiếng Nhật trong đời sống thực tế. Nhờ vậy khi nhập học trường tiếng tại Nhật, tôi đã vượt qua kỳ thi đầu vào loại ưu và được xếp vào khóa học vốn dành cho những người học năm thứ 2 nên tôi đã tốt nghiệp trong vòng 1 năm. Thông thường phải mất 2 năm để ra trường nên tôi đã có thể tiết kiệm được 1 năm học phí và các chi phí phát sinh.”

Sempai đã tạo nhiều cơ hội nói chuyện với người Nhật tại Việt Nam

Học tiếng Nhật trước khi đi du học_phần 2

“Tôi mới du học ở Nhật hơn một năm, nhưng ở Việt Nam tôi đã tự tạo ra nhiều cơ hội để nói chuyện với người Nhật và tôi có thể nói chuyện với họ mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.”

5. Bị phát hiện làm thêm quá giờ

Tại sao làm thêm quá số giờ quy định bị phát hiện?

Tại Nhật Bản, du học sinh được phép đi làm thêm 28 giờ mỗi tuần. Gần đây, cục lưu trú xuất nhập cảnh đã trở nên nghiêm ngặt hơn về việc làm thêm quá giờ.

Có thể các trung tâm tư vấn du học giải thích rằng “Ở Nhật, bạn có thể tự trang trải học phí và sinh hoạt bằng cách đi làm thêm”. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Có nhiều trường hợp vì đã vay một số tiền lớn để đi du học nên các bạn ấy không thể học tập do làm việc quá sức, hoặc không thể gia hạn tư cách lưu trú do làm thêm quá giờ.

Về thu nhập và chi phí trong thời gian du học, tất cả đều được ghi rõ trong phần chi tiêu trong mục kinh nghiệm của tôi trong KOKORO.

6. Tổng kết

Đối với các bạn có dự định đi du học Nhật Bản, ban biên tập đã giới thiệu các mục như sau.

・ Lập kế hoạch nghề nghiệp và bắt đầu học tập
・ Mối tương quan giữa chuyên ngành trước khi đi du học và các công việc bạn có thể làm việc
・ Bí quyết học tiếng Nhật trước khi đi du học
・ Bị phát hiện làm thêm quá giờ

Vì bạn sẽ mất một khoản chi phí lớn để đi du học Nhật Bản nên hãy cố gắng học thật tốt để nói được nhiều tiếng Nhật nhất có thể. Và sau đó hãy thực hiện ước mơ trong tương lai của mình, chẳng hạn như đi học lên tại một trường chuyên môn hoặc đại học của Nhật Bản, làm việc tại Nhật hoặc làm việc cho một công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Để có thể hoàn thành mục tiêu này thì kinh nghiệm của các anh chị sempai đi trước rất hữu ích. Các bạn hãy đọc kỹ bài viết này cùng các các bài viết khác của KOKORO và chuẩn bị thật tốt trước khi sang Nhật để du học nhé!