Văn hoá

Việt Nam Ok, Nhật Bản Dame_Vol 33: Người Nhật không thích nước hoa quá thơm

221103-vn-ok-jp-dame-33- (9)
04/11/2022

Ở Việt Nam, bạn trở nên quyến rũ hơn, thu hút hơn nhờ mùi hương từ một chai nước hoa xịn sò. Nếu như bạn dùng một mùi hương hơi mạnh một chút thì mọi người cũng không để ý gì. Nhưng ở Nhật thì khác. Nếu như bạn xịt nước hoa hơi mạnh một chút thì người ta sẽ “tránh xa”. Trong bài này chúng tôi xin giới thiệu về “cảm nhận về nước hoa thơm nồng” và “quan niệm về để râu” tại Nhật Bản.

Nguyên tắc khi sử dụng nước hoa

Trong khoảng 5-6 năm gần đây, xu hướng chơi nước hoa ở Việt Nam ngày càng trở nên thông dụng. Trên các nền tảng như Youtube hay Tiktok, không khó để bắt gặp những video khuyến khích các chàng trai, cô gái “không cần đẹp, không cần sang, chỉ cần thơm là ghi điểm”.

Tôi có một cậu bạn trước khi sang Nhật du học có nhắn tin hỏi tôi vài kinh nghiệm sống. Trong cuộc trao đổi cậu tâm sự “em sẽ mang thật nhiều nước hoa sang để bản thân luôn được thơm tho”. Tôi hốt hoảng khuyên cậu ta dừng ngay ý định này. Quá thơm ở Nhật sẽ không được chào đón đâu.

Ở Nhật, cách nói “Smell harassment”, tiếng Nhật viết là スメハラ (sumehara), có nghĩa là quấy rối mùi, dạo gần đây không còn lạ lẫm gì nữa. Đây là hiện tượng mùi của cơ thể hoặc ở miệng gây ảnh hưởng tới những người xung quanh. Ngoài mùi cơ thể, miệng, mùi mồ hôi, mùi thuốc lá…, mùi nước hoa đậm cũng gây cảm giác khó chịu với những người xung quanh. Người Nhật cũng có người thích dùng nước hoa, nhưng đa phần là loại thơm nhẹ nhàng. Nhưng nhiều người không thích những loại mùi nồng và mạnh.

Sang tới Nhật bạn sẽ nhận ra những người Nhật xung quanh bạn hầu như không xịt nước hoa sử dụng bất kỳ hương liệu mạnh nào. Tôi có vài người bạn phương Tây sử dụng các mùi nước hoa nồng và nói chuyện với tôi rằng nhiều lúc trên xe điện họ thấy người Nhật tránh né ngồi cạnh…

Người Nhật không thích nước hoa quá nồng

Ở Nhật một số cửa hàng sushi thậm chí còn có hẳn quy định yêu cầu thực khách không xịt nước hoa mùi nồng khi vào cửa hàng. Bởi mùi thơm có thể sẽ lấn át cả mùi vị của thức ăn, ảnh hưởng tới quá trình thưởng thức thuần tuý của các thực khách khác.

Vậy nên ở Việt Nam các bạn cứ xịt nước hoa thoải mái nhưng sang Nhật, nếu vẫn mê xịt nước hoa quá thì dùng những mùi nhẹ nhàng thôi, chứ đừng dùng quá hắc và khi xịt thì cũng xịt vừa phải thôi nhé.

Đừng chơi mốt râu ria xồm xoàm

Có lẽ do ảnh hưởng của văn hoá phương Tây mà rất nhiều đàn ông Việt coi một bộ râu rậm là biểu hiện của sự nam tính, bụi bặm. Đặc biệt sau khi trào lưu sử dụng xe phân khối lớn kết hợp với một cây jeans, đi giày Red Wings, nuôi râu rậm rạp này nọ được du nhập mạnh mẽ qua những bộ phim thì xu hướng giới trẻ để râu ngày càng mạnh. Tuy nhiên, văn hóa Nhật Bản, nhất là tại các công ty ở Nhật thì lại không coi việc để râu là một xu hướng thời thượng.

Trong quá khứ, từ giai đoạn thế kỷ 16 – 17, để râu là biểu hiện của quyền lực ở Nhật. Tuy nhiên, sau chiến tranh thế giới thứ 2, văn hoá Nhật đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Công nghiệp và kinh tế phát triển, thế hệ những salaryman (người làm công ăn lương) ra đời. Họ đi làm công sở, mặc những bộ vest bảnh chọe và xu hướng mặt mũi láng cóng trở nên thịnh hành. Một người đàn ông với tóc tai gọn gàng, ăn mặc lịch sự, mặt mũi nhẵn nhụi được coi là chuẩn mực ở Nhật.

Gần đây, nhiều phụ nữ trẻ Nhật Bản bỏ nhiều tiền vào việc triệt lông toàn thân. Tôi có một vài người bạn nam giới người Nhật thậm chí còn không ngần ngại ghé các salon hoặc thẩm mỹ viện để triệt lông mặt, lông tay, lông chân. Họ cho rằng đó mới là tiêu chuẩn của sự gọn gàng, sạch sẽ. Thậm chí trong thời gian gần đây, xu hướng triệt cả lông nách cũng bắt đầu nở rộ.

Tàu điện Metro Osaka

Câu chuyện râu ria thậm chí từng trở thành một chủ đề được bàn tán xôn xao vào năm 2016, sau khi 2 nhân viên lái tàu của hãng Metro Osaka đâm đơn kiện chính quyền thành phố Osaka vì “họ đã bị đánh giá thấp năng lực làm việc, đơn giản chỉ vì họ không tuân theo quy định phải cạo râu”. Sau đó tòa ra phán quyết “Để râu là quyền tự do của con người” và ra lệnh cho chính quyền thành phố Osaka phải đền bù cho 2 nhân viên đó tới 440.000 yên. Sau câu chuyện “ầm ĩ” này, có lẽ định kiến của người Nhật đối với người để râu cũng phần nào giảm bớt.

Tuy nhiên, việc các chàng trai Nhật ham mê việc triệt lông cũng một phần là do họ cho rằng “Việc triệt lông và cạo râu sẽ tạo ấn tượng tốt đối với các cô gái”. Vậy nên các bạn nào mà thích một bộ râu xồm xoàn, nam tính kiểu Mỹ thì “tém tém” lại nếu sống ở Nhật nhé.