Du lịch - ăn uống

Sự khác biệt giữa chùa và đền

den-chua-001
12/12/2022

Nhật Bản có rất nhiều “chùa” và “đền”, nhiều nơi đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Vì tới thăm với mục đích du lịch v.v. nên nhiều bạn người nước ngoài không biết rõ sự khác biệt giữa chùa và đền ở Nhật. Vì vậy, trong bài viết này, chúng mình sẽ giới thiệu các đặc điểm của chùa và đền cũng như “điểm khác biệt về tôn giáo”, “điểm khác biệt về lối vào”, “các phong tục của Nhật liên quan đến đền chùa” v.v.

Điểm khác biệt về tôn giáo

Nói về chùa và đền, đầu tiên phải kể đến sự khác biệt về tôn giáo. Chùa là nơi thờ của Phật giáo, đền là nơi thờ của Thần đạo

・ Chùa = Phật giáo
・ Đền = Thần đạo

Chùa

Kinkakuji – Chùa Vàng (Kyoto)

Như các bạn đã biết, Phật giáo là một tôn giáo có nhiều tín đồ trên khắp thế giới. Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Độ, phát triển ở Trung Quốc, lan rộng và bén rễ ở nhiều nước châu Á. Phật giáo thờ “Phật”, tiêu biểu là Buddha.

Đền

Atsutajingu (Thành phố Nagoya)

Thần đạo là tín ngưỡng riêng có của Nhật Bản. Thần đạo tôn thờ rất nhiều vị thần của thiên nhiên, con người, đất đai v.v. Người Nhật tin rằng các vị thần trú ngụ trong vạn vật trong thế giới tự nhiên và họ gọi điều đó là “Yaoyorozu no Kami”. “Yaoyorozu” có nghĩa là “rất nhiều”.

Tên của các đền thờ Thần đạo

Đền thờ Thần đạo có rất nhiều cách gọi, ví dụ như “〇〇 jinja”, “〇〇 jingu”, “〇〇 gu”, “taisha” v.v.

Ngôi đền thờ Sugawara no Michizane – một học giả ở thế kỷ thứ 9 được gọi là “Tenmangu”. Ngôi đền thờ Tokugawa Ieyasu – một chỉ huy quân sự đã tạo ra thời kỳ Edo được gọi là “Toshogu”. “Tenmangu” và “Toshogu” có ở khắp các nơi ở Nhật Bản.

Điểm khác biệt về lối vào

Các công trình kiến trúc ở lối vào và trong khuôn viên chùa và đền có tên khác nhau.

・ Lối vào chùa = Yamamon – Sanmon
・ Lối vào đền = Torii

Yamamon của Todaiji (Tỉnh Nara)

“Yamamon” là lối vào chính thức của chùa. Sau khi đi qua cánh cổng này, bạn sẽ bước chân vào thế giới của Phật. Cũng có nơi viết và gọi đây là “Sanmon”.

Torii của Tsurugaokahachimangu (Tỉnh Kanagawa)

Ở lối vào đền, bạn sẽ thấy một công trình kiến trúc có tên là “Torii” và trông như thế này. Khi đi qua cánh cổng này, bạn sẽ bước vào thế giới linh thiêng.

Điểm khác biệt về cách khấn lễ

Chắp tay

Điểm khác biệt lớn nhất trong cách khấn lễ ở chùa và đền là việc có vỗ tay hay không.

Các bước khấn lễ ở chùa

Khi khấn lễ ở chùa, bạn đừng vỗ tay.

① Cho tiền lễ vào trong hòm (có nơi không cho).

② Nếu có chuông (sợi dây thừng có chuông ở trên cao) thì rung chuông. Sau đó, chắp tay trước ngực và khấn lễ.

③ Cuối cùng cúi chào 1 lần rồi rời đi.

Các bước khấn lễ ở đền

Ở đền, chúng ta sẽ “ Cúi chào 2 lần → Đập tay 2 lần → Cúi chào 1 lần”.

① Sau khi cúi chào, cho tiền lễ vào trong hòm (có nơi không cho).

② Nếu có chuông thì rung chuông. Sau đó, cúi sâu 2 lần.

③ Đập tay 2 lần, chắp tay rồi khấn lễ.

④ Cuối cùng cúi chào 1 lần rồi rời đi.

Phong tục đi lễ đầu năm v.v.

Đi lễ Shichigosan

Tôn giáo thể hiện trong các sự kiện trong năm

Có nhiều người nói rằng “Người Nhật ít sùng đạo”. Phật giáo và Thần đạo là 2 tôn giáo lớn nhưng nhiều người không thường xuyên đi lễ chùa, đền.

Thế nhưng, nhiều người Nhật thường đến đền chùa vào những dịp sau đây. Trong số đó, vào ngày lễ Shichigosan, họ chỉ đi tới đền.

Đi lễ đầu năm (Hatsumode)
Shichigosan: Nghi lễ cầu mong cho trẻ phát triển khoẻ mạnh
Cầu đỗ đạt trong các đợt thi đầu vào v.v.
・ Cầu tình duyên, cầu hôn nhân

Đi lễ đầu năm (Hatsumode)

Việc đi lễ chùa, đền vào đầu năm mới được gọi là “Hatsumode”. Đây là phong tục chào hỏi các vị thần phật, gửi lời cảm ơn vì năm cũ đã qua đi một cách bình an, cầu mong năm mới cũng sẽ khoẻ mạnh và bình an. Khi đó, nhiều người cũng sẽ cầu về đường kinh doanh, khoa cử, tình duyên v.v.

Nhiều người Nhật không câu nệ trong việc đi lễ đầu năm thì phải đi chùa hay đi đền. Có người năm ngoái đã đi đền nên năm nay sẽ đi chùa. Cũng có người đi chùa và đi đền trong cùng một ngày.

Những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng

Có một số ngôi đền rất thiêng với lời nguyện cầu ở một lĩnh vực nào đó. Chúng mình sẽ giới thiệu một vài ngôi đền trong số đó.

Thần học vấn

Ngôi đền thờ học giả – chính trị gia Sugawara no Michizane vào thế kỷ thứ 9 được gọi là “Tenmangu”, “Tenjin”, “Sugawara jinja” v.v. Michizane là người rất thông minh, nhanh trí nên rất nhiều phụ huynh và học sinh tới đây để cầu thi đỗ. Dazaifu tenmangu ở tỉnh Fukuoka rất nổi tiếng với việc cầu học vấn, khoa cử.

external link Dazaifu tenmangu (Tỉnh Fukuoka)

external link Kitano tenmangu (Tỉnh Kyoto)

external link Osaka tenmangu (Tỉnh Osaka)

Thần kết duyên, tình yêu

Có rất nhiều ngôi đền nổi tiếng với việc kết duyên. Chúng mình sẽ giới thiệu một số đền tiêu biểu.

external link Tokyodai jingu (Tokyo)

external link Kawagoehikawa jinja (Tỉnh Saitama)

external link Shiroyama hachimangu (Tỉnh Aichi)

external link Tsuyunoten jinja (Tên thường gọi: Ohatsutenjin – Tỉnh Osaka)

external link Ikuta jinja (Tỉnh Hyogo)

external link Izumo oyashiro taisha (Tỉnh Shimane)

Thần chuyển nhà

external link Hochigai jinja (Tỉnh Osaka)

external link Sarutahiko jinja (Tỉnh Mie)

Điểm khác biệt giữa việc có thêm “O” hay không

Khi nói chuyện, nhiều người Nhật thường gọi chùa là “otera”. Khi đó, “o” thể hiện sự tôn kính đối với ngôi chùa, đây trở thành cách nói lịch sự.

Thế nhưng, không có ai gọi đền là “ojinja”. Các bạn có biết vì sao không?

Lý do không phải vì người Nhật coi thường các ngôi đền, đây là chỉ là một cách gọi đã có từ lâu (quán ngữ). Không biết từ khi nào, cách gọi “otera” được lan rộng ở Nhật Bản. Có lẽ là vì đối với người Nhật, “otera” dễ phát âm và dễ nghe hơn là “tera”.

Tổng kết

Trong bài viết này, chúng mình đã giới thiệu về sự khác biệt giữa chùa và đền.

  • Điểm khác biệt về tôn giáo: Chùa là Phật giáo, Đền là Thần đạo
  • Điểm khác biệt về lối vào: Chùa là Yamamon hoặc Sanmon. Đền là Torii.
  • Cách khấn lễ: Lễ ở chùa không vỗ tay. Ở đền thì cúi chào 2 lần → đập tay 2 lần → cúi chào 1 lần.
  • Tôn giáo được thể hiện trong các dịp như đi lễ đầu năm, Shichigosan v.v.
  • Có cách nói là “otera” nhưng không có cách nói là “ojinja”.

Nếu bạn nhớ các đặc trưng và đặc điểm khác nhau của chùa và đền rồi tới thăm những nơi này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về ngôi chùa, ngôi đền đó. Các đền chùa ở Nhật có không gian thiên nhiên và kiến trúc rất đẹp. Khi ở Nhật, bạn hãy thưởng thức những vẻ đẹp này nhé.