Du lịch - ăn uống

Món ăn Nhật Bản_phần 9:Món ăn Năm mới Osechi

namasu 00
26/12/2022

Vào dịp Năm mới, trên bàn ăn của nhiều gia đình Nhật Bản đều có món ăn mừng Năm mới gọi là Osechi được bày trong một chiếc hộp vuông nhiều tầng. Những món ăn Osechi của Nhật Bản mang ý nghĩa “cầu chúc cho mọi người một năm mới mạnh khỏe”. Trước đây, những món ăn này đều do các gia đình tự chế biến nhưng ngày nay các cửa hàng bách hóa hoặc siêu thị, các quán và thậm chí cả các cửa hàng trên mạng đều có bán. Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu 3 món dễ chế biến và với khẩu vị người Việt Nam. Chúng ta cùng vào bếp nhé.

Món củ cải và cà rốt dầm giấm Kohaku namasu

Món củ cải cà rốt dầm giấm Kohaku namasu không chỉ có mặt trên bàn ăn ngày Năm mới và còn được xuất hiện trong các dịp lễ mừng khác. Từ “kouhaku”, có nghĩa là “hồng bạch” mang ý nghĩa chúc mừng, được thể hiện bằng màu trắng của củ cải và màu đỏ của cà rốt thái sợi. Ngoài ra, giấm và đường dùng để chế biến món ăn, cũng giúp cho cơ thể đỡ mệt mỏi.

Trong cà rốt có chất kali có tác dụng phòng huyết áp cao và β-Carotene (có trong màu vàng sậm) có tác dụng tăng cường miễn dịch. Trong củ cải có nhiều vitamin C và có chất oxidase giúp tiêu hóa tốt.

Nguyên liệu (phần 2~3 người)

1. Củ cải: 1/4 củ
2. Cà rốt: 1/3 củ

◆ Gia vị

・Muối: 1 thìa cà phê
・Đường: 2 thìa canh
・Giấm: 3 thìa canh
※Tùy ý thích có thể cho thêm vài lát ớt và một chút vỏ chanh Yuzu của Nhật.

Cách chế biến

  • 1Củ cải và cà rốt gọt bỏ vỏ, thái mỏng như trong ảnh.
  • 2Sau đó thái chỉ.

  • 3Rắc muối vào và bóp nhẹ, để độ 10 phút cho ngấm.
  • 4Sau 10 phút, rau đã ra nước, dùng tay vắt nhẹ cho kỹ.

  • 5Cho củ cải, cà rốt vào một chiếc túi zip, cho giấm và đường vào, dùng tay bóp nhẹ cho ngấm đều. Sau cùng nếu thích thì cho thêm vài lát ớt và vỏ chanh yuzu vào.
  • 6Cho vào tủ lạnh độ vài tiếng hoặc 1 ngày sau là có thể ăn được.

Củ cải tròn kabu tỉa hoa cúc ngâm giấm

Củ cải tròn tỉa hoa cúc ngâm giấm là một món ăn đẹp, không chỉ dùng trong món ăn Năm mới và còn được dùng trong nhiều dịp lễ mừng khác. Thời gian ngâm hơi lâu nhưng cách làm đơn giản. Từ một loại rau bình thường nhưng qua chế biến, kabu đã trở thành một món ăn đẹp.

Nguyên liệu (phần 2~3 người)

1. Củ cải tròn kabu (loại nhỏ) 4 củ

◆ Gia vị

(A) Phần để sơ chế
・Nước:250cc
・Muối:1/2 thìa canh

(B) Phần để ngâm
・Giấm:50cc
・Đường: 2 thìa canh
・Muối: 1/2 thìa cà phê
・Vài lát ớt khô

Cách chế biến

  • 1Cắt bỏ phần lá của kabu.
  • 2Dùng 2 chiếc đũa gỗ kẹp lấy củ kabu, thái lát dày khoảng 2mm, sâu độ 3/4 củ.

  • 3Xoay củ kabu 90 độ, thái ngang với độ dày 2mm.
  • 4Củ kabu thái xong như trong ảnh là được.

  • 5Cho gia vị phần A vào bát lớn, hòa cho tan, sau đó cho kabu đã thái xong vào, ngâm độ 30 phút.
  • 6Lấy kabu ra, dùng 2 tay vắt nhẹ cho bớt nước.

  • 7Cho gia vị trong mục B vào túi zip hòa cho tan, cho kabu đã vắt nước vào, bóp nhẹ. Cho vào tủ lạnh độ 2 giờ sau có thể ăn được.
  • 8Lấy kabu ra, bày vào bát, sửa sang lại cho thành hình gọn gàng, rồi cho vài lát ớt lên trên là xong.

Đậu đen ninh đường Kuromame

Đậu đen, tiếng Nhật là “kuromane”. Từ “mame” mang ý nghĩa cầu mong cho sức khỏe, mạnh mẽ, chăm chỉ, với mong muốn cầu cho mọi người luôn “ mạnh khỏe, làm việc chăm chỉ” nên từ xa xưa món kuromame ninh đường luôn không thể thiếu được trong món Osechi của người Nhật. Chúng tôi xin giới thiệu cách nấu món kuromame đơn giản.

Nguyên liệu (phần 3~4 người)

1. Đậu đen kuromame (đậu khô):200g
2. Nước:1200cc
3. Nước thêm vào khi ninh:100~150㏄
4. Đường (loại nào cũng được):170g
5. Xì dầu shoyu:2 thìa canh
6. Muối: 1/2 thìa cà phê
7. Đinh rỉ ( nếu có): khoảng 10 chiếc cho vào chiếc túi giấy lọc trà hoặc một vật bằng thép như trong ảnh

Cách chế biến

  • 1Cho nước vào 1 chiếc bát lớn, rồi cho đậu đen vào rửa nhẹ nhàng rồi vớt ra. Khi rửa nếu có hạt đậu nổi lên thì có thể hạt đậu đó bị hỏng, nên bỏ đi.
  • 2Cho nước, đường, xì dầu shoyu, muối và viên sắt (đinh rỉ) vào nồi đun sôi.

  • 3Sau khi nước sôi thì tắt bếp, cho ngay đậu vào, ngâm đậu qua đêm (thời gian ngâm đậu tối thiểu từ 10~12 tiếng).
  • 4Cho nồi lên bếp, để lửa to. Khi nước sôi thì vớt bọt. Sau đó cho 1/2 phần nước cho thêm vào (phần nước trong mục (3). Tiếp tục hớt bọt và cho thêm phần nước còn lại (tất cả độ 2~3 lần).

  • 5Sau đó, cho một chiếc vung chặn (otoshibuta) lên trên (không có cũng không sao). Đậy vung nồi và ninh nhỏ lửa trong vòng từ 3~4 tiếng. Lưu ý khi ninh luôn để nước ngập đỗ. Nếu thấy đỗ nhô lên mặt nước thì cho thêm nước sôi. Thử xem thấy đỗ nhừ thì bắt đầu ninh cho nước cạn cho tới khi đỗ nhô khỏi mặt nước là được.
    Lưu ý: Khi cho thêm nước phải dùng nước sôi, không được dùng nước lạnh vì nếu dùng nước lạnh, đỗ dễ bị nứt vỏ.
  • 6 Sau đó vớt đinh hoặc viên sắt ra.

  • 7Để vào hộp đựng, đợi cho đậu nguội hẳn thì cho tủ lạnh bảo quản.
  • 8Khi ăn, lấy một phần ra bày vào đĩa hoặc bát là xong. Đậu để vài ngày sẽ ngấm và lên màu đen bóng rất đẹp.