Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

vol79000
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)
Với mong muốn sau khi trở về nước, được làm ở một vị trí tốt trong công ty Nhật, chị Oanh đã sang Nhật Bản với tư cách thực tập sinh kỹ năng. Trong thời gian đó, chị Oanh vừa làm vừa học, chỉ sau khoảng ba năm, chị đã có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật. Cùng với việc được gia hạn thêm 2 năm tư cách thực tập sinh kỹ năng, chị Oanh đã đặt mục tiêu cho bản thân là chinh phục được tấm bằng Năng lực tiếng Nhật N1. Và cũng tại địa điểm thi JLPT, chị Oanh đã gặp được người bạn đời của mình.

Gặp gỡ sempai số này

Nguyễn Tú Oanh

  • Năm 2008  Tốt nghiệp Trường Đào tạo Kỹ thuật công nghệ may (TP. Hồ Chí Minh)
  • Năm 2009  Trường Cao Đẳng Công Thương TP.HCM
  • Năm 2011  Tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Công Thương TP.HCM
  • Năm 2012  Làm việc tại Doanh nghiệp Nhật (TP. Hồ Chí Minh)
  • Năm 2014  Thực tập sinh kỹ năng (Tỉnh Akita)
  • Năm 2017  Trở về Việt Nam và làm công việc phiên dịch tại một công ty ở TP.HCM
  • Năm 2019Thực tập sinh kỹ năng (Tỉnh Akita)
  • Năm 2021  Kết hôn tại Nhật Bản (Tỉnh Akita)
(Quê quán: tỉnh Bình Phước, năm sinh: 1987)

Vừa làm vừa học tiếng Nhật

Ảnh chụp cùng đồng nghiệp tại nhà máy ở TP. HCM(Ngày Phụ nữ Việt Nam)

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, mình làm việc cho một công ty Nhật Bản tại TP.HCM được gần hai năm. Đây là công ty sản xuất áo khoác, áo jacket và váy cho Burberry để xuất khẩu sang Nhật Bản, công việc của mình là kiểm tra và đóng gói sản phẩm.

Khi đó, mình mong muốn có thể chuyển sang một công việc văn phòng, nên đã tự học tiếng Nhật qua giáo trình "Minna no Nihongo", nhưng thật không dễ dàng để có thể sử dụng được tiếng Nhật. Thấy mình như vậy, cấp trên người Việt đã bảo với mình rằng “Nếu qua Nhật theo diện thực tập sinh kỹ năng, vừa có thể kiếm được tiền vừa có thể học được tiếng Nhật”. Cũng vì gia cảnh khó khăn, nên mình đã quyết định sang Nhật làm và kiếm tiền gửi về cho bố mẹ.

Công ty phái cử tại TP. Hồ Chí Minh

Lớp học tại Công ty phái cử

Mình được giới thiệu vào công ty phái cử có giám đốc là người quen của cấp trên. Tại đây, mình đã học tiếng Nhật khoảng 7 giờ trên lớp mỗi ngày và 3 giờ tự học vào buổi tối. Thời gian học tại công ty chỉ có 3 tháng, tuy khá ngắn nhưng do mình đã tự học từ trước, nên khi qua Nhật, mình đã có thể nói được một chút.

Mình được trở thành Thực tập sinh kỹ năng tại một công ty may ở tỉnh Akita. Mình đã nộp đơn ứng tuyển công việc về may mặc do đã có kinh nghiệm tại Việt Nam, và rất may mắn, mình đã được chọn là một trong 3 người trúng tuyển trên tổng số 10 ứng viên. Tổng chi phí mình đã trả cho cơ quan phái cử là 4,000 USD, trong đó một nửa mình dùng tiền tiết kiệm và phần còn lại vay của chị gái.

Gửi về nhà 3 triệu yên trong 3 năm làm Thực tập sinh kỹ năng

Mình đã làm Thực tập sinh kỹ năng trong ba năm kể từ năm 2014. Tại nhà máy công ty, có khoảng 10 thực tập sinh kỹ năng và khoảng 20 người Nhật, công việc của chúng mình là may đồng phục lao động bằng máy may và kiểm hàng trong giờ tăng ca. Lúc đầu, có 6 thực tập sinh người Trung Quốc và 3 người Việt Nam, nhưng đến năm thứ ba, chỉ còn lại thực tập sinh người Việt Nam.

Mức lương mình nhận được ở công ty giống như những gì mình đã giải thích trước khi đến Nhật Bản.Cũng có những lúc phải làm việc vào ngày lễ và làm thêm giờ, khi đó tiền phụ cấp được công ty chi trả rất rõ ràng. Ngoài ra, do chi phí sinh hoạt ở Akita tương đối rẻ, nên mình đã có thể gửi khoảng 3 triệu yên cho bố mẹ trong vòng 3 năm. Sau vài năm, mình quay trở lại Nhật Bản, và trong vòng 2 năm rưỡi, mình đã gửi về được khoảng 2.500.000 yên, giúp bố mẹ có thể mua nhà tại TP. Hồ Chí Minh.

Giám đốc rất thân thiện với các thực tập sinh

Ảnh chụp Tại Sân Golf được Giám đốc đưa đi thăm quan

Mình cảm thấy rất may mắn khi được làm việc tại công ty này. Nhân viên trong công ty rất tốt, bác Giám đốc cũng cực kỳ thân thiện với Thực tập sinh bọn mình. Ví dụ như, bác Giám đốc thường tự tay lái chiếc xe nhỏ của công ty và đưa chúng mình đi tham quan. Ngoài việc đưa chúng mình đi ngắm hoa Sakura, hái dâu, hái quả anh đào (Sakuranbo), bác cũng hay tổ chức tiệc toàn công ty (tiệc cuối năm vào tháng 12,.v.v..) và mời cả thực tập sinh chúng mình nữa.

Ngoài ra, có một siêu thị nhỏ gần ký túc xá và chúng mình thường mua đồ ăn ở đó. Tuy nhiên, mỗi tháng một lần, bác Giám đốc đều đưa chúng mình đến một siêu thị lớn ở xa.Ở đó, chúng mình có thể mua mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn với giá hời,...và mọi người ăn trưa cùng nhau rất vui.

Bảng chi tiêu của mình(Trung bình 1 tháng)

※Bảng chi tiêu trước khi kết hôn

※100 yên=khoảng 17,428 VND(Tỷ giá ngày 14/12/2022)

Thu nhập: 140,000 yên
Lương cơ bản ¥140,000
*Lương cơ bản là lương sau khi trừ thuế, bảo hiểm xã hội, tiền nhà,...
*Trong đó tiền nhà, tiện điện nước: 22,000 yên
Chi tiêu: 25,000 yên
Tiền ăn (Chủ yếu tự nấu nướng) ¥20,000
Tiền khác (Đồ dùng hằng ngày, ăn ngoài) ¥5,000
Tiền tiết kiệm hàng tháng: 115,000 yên

Giám đốc (ở giữa) và các Thực tập sinh nguời Việt Nam

Bác Giám đốc thường hay trò chuyện với các thực tập sinh trên đường đi mua sắm và trong giờ nghỉ giải lao.Bác nói rất chậm rãi, sử dụng các từ tiếng Nhật dễ hiểu để chúng mình có thể dễ dàng nghe được. Sau khi đến Nhật lần thứ hai, mình đã làm thêm công việc dạy tiếng Nhật vào buổi tối cho các hậu bối mỗi tuần một lần. Khi đó, bác Giám đốc sẽ trả tiền làm thêm giờ cho mình.

Sau đó, khi mình kết hôn và rời ký túc xá, mình đã lấy bằng lái xe để có thể đi làm từ nhà bằng ô tô. Trong chuyến xe đi làm đầu tiên của mình, Giám đốc đã ngồi ở ghế lái phụ và dõi theo mình trên suốt chặng đường đi.

Học tiếng Nhật vì tương lai

Sau khi đến Nhật Bản vào tháng 2 năm 2014, mình học tiếng Nhật vào tất cả các buổi tối, sau giờ làm việc. Thông thường, các đồng nghiệp của mình thích xem YouTube để giải trí, nhưng mình muốn học tốt tiếng Nhật để kiếm được công việc văn phòng tại một công ty Nhật Bản sau khi trở về nước, nên mình đã học một mình. Mình đã sử dụng các tài liệu như bộ sách "Speedmaster" và kênh Dũng Mori trên YouTube, khi gặp những câu khó, mình đã nhờ bác Giám đốc giải thích.

Tháng 7 năm 2015: Đỗ kỳ thi Năng lực Tiếng Nhật JLPT N4
Tháng 7 năm 2016: Đỗ N3
Tháng 7 năm 2018: Đỗ N2
Tháng 7 năm 2021: Đỗ N1

Sau khi đến Nhật Bản lần thứ hai vào năm 2019, mình đã học cùng với các thực tập sinh nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, mình cũng tham gia một lớp học tiếng Nhật trực tuyến miễn phí do một thầy giáo người Nhật dạy mỗi tuần

Tiếp tục tư cách Thực tập sinh kỹ năng dưới thể chế mới

Sau khi hoàn thành ba năm Thực tập kỹ thuật, mình trở lại Việt Nam và tìm được việc làm tại một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh chuyên sản xuất và xuất khẩu áo jacket sang Nhật Bản. Ở đây, công việc của mình là phiên dịch khi ông chủ người Nhật dạy nhân viên kỹ thuật may, biên dịch các thông số kỹ thuật của sản phẩm. Mình thực sự muốn được làm việc ở Nhật nhiều hơn, nhưng khi đó, tư cách Thực tập sinh Kỹ năng chỉ được ba năm, nên mình đã từ bỏ.

Tuy nhiên, khi mình quay về Việt Nam vào năm 2017, đã có một chương trình mới mang tên “Chương trình thực tập số 3” được thông qua và có hiệu lực. Chương trình này cho phép các thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành ba năm đầu tiên được tiếp tục đào tạo thêm hai năm nữa. Khi đọc được điều này trên báo, mình đã gọi điện cho bác Giám đốc tại Akita qua LINE. Mình hỏi bác rằng: "Hiện nay luật pháp đã thay đổi, mình có thể quay lại chương trình thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản. Và mình có thể làm việc tại công ty của Giám đốc một lần nữa không?" Bác Giám đốc rất vui và mình đã trở lại Nhật Bản vào tháng 9 năm 2018 để tiếp tục chương trình thực tập.

Cộng đồng người Việt

Trang(Góc bên trái)cùng vợ chồng mình tại nhà Giáo viên dạy Trà đạo

Trước đây, mình rất ít gặp gỡ người Việt Nam ngoài các đồng nghiệp ở tỉnh Akita. Tuy nhiên, trong phòng thi JLPT mình gặp được những người bạn Việt Nam cũng đang cố gắng học tiếng Nhật. Mình đã lấy can đảm, thử trò chuyện với các bạn giữa và sau kỳ thi, từ đó vòng tròn bạn bè của mình cũng dần được mở rộng.

Trong đó, mình rất thân với chị Trang, chị sống ở tỉnh Akita từ năm 2008 và đang nuôi con nhỏ. Chị đã cho mình rất nhiều lời khuyên, đưa mình đến thăm quan, trải nghiệm văn hoá tại nhà một giáo viên dạy cắm hoa,... Gần đây, do số người Việt Nam tăng lên, một cộng đồng người Việt Nam đã được thành lập. Tại đây, chúng mình tổ chức các buổi nướng thịt, thi đấu bóng đá và tổ chức tiệc Tết. Nếu tham gia những cộng đồng như thế này, bạn sẽ có thể gặp gỡ nhiều du học sinh, thực tập sinh kỹ thuật và kỹ sư Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ định mệnh tại địa điểm thi JLPT

Mình đã gặp được định mệnh của mình vào tháng 12 năm 2020 tại địa điểm thi JLPT (N1). Sau khi thi xong, mình và một số người Việt Nam cùng phòng thi thảo luận về kỳ thi bên ngoài lớp học, mình đã gặp anh Thắng, một kỹ sư.

Sau khi trao đổi tài khoản Facebook với anh Thắng, tháng sau anh ấy đã chủ động rủ mình lái xe đi chơi, cùng nhau đi ăn ở một nhà hàng và đi dạo trong công viên. Trước khi đồng ý đi chơi với anh, mình đã tham khảo ý kiến của bác Giám đốc, bác như người cha của mình ở Nhật Bản vậy. Và sau khi về, mình cũng báo cáo lại kết quả cho bác. Vào buổi hẹn hò thứ 2, bác đi cùng mình, tại quán cà phê, Giám đốc đã nói với anh Thắng: "Cháu có nghiêm túc hẹn hò với Oanh không?". Anh Thắng đáp: “Cháu muốn kết hôn với Oanh”, điều này làm mình hết sức ngạc nhiên.

Và như vậy, mình được anh Tân cầu hôn vào buổi hẹn hò thứ hai, và việc chuẩn bị cho lễ cưới được diễn ra nhanh chóng.

  • Một tuần sau khi chúng mình có cuộc nói chuyện 3 người với bác Giám đốc, mình và anh ấy đã báo cáo với cha mẹ hai bên ở Việt Nam (Tháng 1 năm 2021)
  • Bố mẹ anh Tân (ở Hà Nội) đến thăm bố mẹ mình (ở TP. Hồ Chí Minh) và lễ đính hôn được diễn ra với sự chứng kiến của cha mẹ hai bên (Tháng 2 năm 2021)
  • Lễ cưới (Tháng 5 năm 2021)
  • Tổ chức hôn lễ tại Việt Nam, sau khi dịch Corona bớt căng thẳng (Tháng 5 năm 2022)

Trước khi kết hôn, mình sống chung với các em cùng công ty trong khu ký túc xá tại tầng 2 của nhà máy. Nhưng sau khi đăng ký nhập hộ tịch, mình chuyển về sống tại ký túc xá của công ty chồng và mỗi ngày lái xe khoảng 40 km để đến công ty làm. Vào ngày nghỉ, mình đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa và học tiếng Nhật. Mình cũng bắt đầu trồng nhiều loại rau khác nhau trong khu vườn tại ký túc xá.

Mong muốn sinh sống tại Nhật lâu dài

Chồng mình hiện tại đang phụ trách các biện pháp đối phó sạt lở đất tại một công ty ở tỉnh Akita. Công việc của anh là điều tra tình trạng các sườn dốc gần các con đường và các tòa nhà để ngăn chặn sụt lún, xói mòn, đồng thời đưa ra các biện pháp đối phó. Chồng mình đang làm việc theo diện Tư cách lưu trú kỹ thuật, nên sau khi kết hôn, mình chuyển sang Tư cách định cư theo diện gia đình. Anh Tân rất yêu thích công việc này và muốn làm việc cho công ty này mãi mãi.

Từ khoảng năm thứ hai của kỳ thực tập kỹ thuật đầu tiên, mình cũng đã nghĩ sau này nếu có cơ hội, mình sẽ sinh sống lâu dài ở Nhật Bản. Giám đốc và các anh chị nhân viên rất tốt bụng, mức lương cao hơn so với công việc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, giao thông tại Nhật Bản an toàn, đường phố sạch đẹp, mình cũng rất thích văn hoá luôn nói “Cảm ơn” và “Xin lỗi” của người Nhật.

Những người bạn Việt Nam thân thiết cùng vợ chồng mình đi du lịch tới hồ Tazawa

Trước khi kết hôn, mình không thường xuyên ra ngoài ngoại trừ khi Giám đốc đưa chúng mình đi chơi. Nhưng sau khi kết hôn, chồng mình đã đưa mình đến nhiều nơi, khám phá nhiều điều mới mẻ. Nhờ có chồng, mình có nhiều cơ hội đi chơi, ăn uống, làm quen với bạn bè người Việt Nam sống tại Akita và các thực tập sinh kỹ năng khác. Cuộc sống của mình rất hạnh phúc và viên mãn.

Mình rất biết ơn vì đã có thể đến Nhật Bản, làm việc tại một công ty tốt và gặp chồng mình. Dù cho mai về sau, mình vẫn mong muốn được tiếp tục sinh sống và làm việc tại đất nước xinh đẹp này.