Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol8101
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)
Việt, đã xin nghỉ học giữa chừng tại Đại học Bách khoa Hà Nội để theo đuổi đam mê theo học thiết kế và hoạt hình tại Cao đẳng FPT Polytechnic và trường chuyên môn tại Nhật Bản. Sau khi du học trở về Việt Nam, Việt trở thành một nhà thiết kế đồ hoạ độc lập, nhận các đơn đặt hàng thiết kế và làm phụ đề cho phim hoạt hình Nhật Bản.

Gặp gỡ sempai số này

Nguyễn Hoàng Việt

  • Năm 2010Trường THPT Kim Liên (Hà Nội)
  • Năm 2010 Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
  • Năm 2013Thôi học tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
  • Năm 2013 Bắt đầu học tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (Hà Nội, thời gian học 3 năm)
  • Năm 2016Nhập học trường Tiếng Nhật (Tokyo, thời gian học 2 năm)
  • Năm 2018 Bắt đầu học tại Trường Chuyên môn Anime-Manga (Tỉnh Niigata)
  • Năm 2020Tốt nghiệp Trường Chuyên môn Anime-Manga
  • Năm 2020Trở lại Việt Nam, trở thành nhà thiết kế đồ hoạ
〈Sinh năm 1992, tại Hà Nội〉

Công việc làm phụ đề cho phim hoạt hình Anime

Kênh YouTube nơi chúng mình đăng tải các video anime với phụ đề tiếng Việt

Sau khi học tiếng Nhật và đồ hoạ tại Nhật Bản, mình trở về Việt Nam và hiện đang làm công việc thiết kế đồ hoạ. Bên cạnh đó, mình còn có một công việc phụ đó là làm phụ đề tiếng Việt cho các tác phẩm anime. Công việc của mình là dịch lời thoại của phim hoạt hình Nhật Bản sang tiếng Việt và thêm phụ đề tiếng Việt vào các video. Một trong những tác phẩm ăn khách gần đây: “SPY×FAMILY” đã có phụ đề tiếng Việt.

Công việc này được yêu cầu bởi một công ty phân phối video của Đài Loan. Từ năm 2020, mình thỉnh thoảng nhận được đơn đặt hàng với tư cách cá nhân, nhưng từ năm 2021, sau khi thành lập công ty, bên mình bắt đầu nhận đơn đặt hàng dựa trên hợp đồng.Nhờ đó, tính đến cuối năm 2022, chúng mình đã thêm phụ đề tiếng Việt cho hơn 200 đầu phim với khoảng hơn 2000 video. Sản phẩm mà chúng mình đã làm phụ đề có thể được xem tại Việt Nam trên kênh YouTube "Muse Việt Nam"

Ban đầu, nhóm được lập ra vì sở thích

Sử dụng phần mềm để làm phụ đề

Hiện tại, thành viên của team làm phụ đề Anime có 6 người, các thành viên quen nhau trên một trang web trao đổi thông tin về anime. Kể từ đầu những năm 2010, chúng mình đã bắt đầu thêm phụ đề tiếng Việt vào phim hoạt hình tiếng Anh có thể tải xuống từ Internet và rất thích thú khi xem chúng. Tuy nhiên, khi nghĩ lại về việc này, các trang web đó có thể đã đăng tải những Anime đó một cách bất hợp pháp (trái phép).

Khi nhiều nhất, nhóm mình có khoảng 10 người. Chúng mình đã được một công ty phân phối video của Đài Loan liên hệ trên trang Facebook của nhóm và mình đã hỗ làm phụ đề với tư cách là một người làm việc tự do, đó cũng là cái duyên đã đưa mình đến với công việc hiện tại.Sau đó, ba người trong team (bao gồm mình), thành lập công ty với tư cách là đồng quản lý, ký hợp đồng với hai công ty phân phối (một ở Đài Loan và một ở Trung Quốc), đồng thời nhận hợp đồng sản xuất phụ đề. Công việc được phân chia cho 6 người, 3 người quản lý và 3 người khác.

Bỏ học tại Trường đại học danh tiếng để theo đuổi đam mê

Ảnh tại trường Cao đẳng FPT(Ngoài cùng bên trái là mình)

Mình tốt nghiệp một trường cấp 3 tại Hà Nội, và sau đó thi vào Trường Đại học Bách Khoa. Khi đó, mình không suy nghĩ gì tới công việc trong tương lai, mà chọn trường theo lời khuyên của giáo viên và gia đình. Tuy nhiên, sau khi vào trường, mình nhận ra rằng mình phải lấy rất nhiều tín chỉ của các môn học mà bản thân không hứng thú, chẳng hạn như toán học, vật lý, kinh tế,...để tốt nghiệp.

Mặt khác, sau khi vào đại học, mình bắt đầu xem phim hoạt hình Nhật Bản (Anime) trên Internet, và càng ngày mình càng thích Anime hơn. Trong số những Anime mình đã xem hồi đó, mình thích nhất là "Seto no Hanayome" và "Suzumiya Haruhi no Yuuutsu". Nhờ đó, mình quyết định sẽ làm một công việc liên quan đến Internet như trở thành một nhà thiết kế đồ hoạ, vậy nên mình đã thôi học tại trường Đại học hiện tại và thi lại vào Cao đẳng FPT.

Quyết định du học Nhật Bản tự túc

Ảnh chụp cùng các bạn tại Trường Nhật Ngữ ở Tokyo (Mình đứng thứ 2 từ bên trái qua)

Tại Trường Cao đẳng FPT, mình được học biên tập video, thiết kế web, thiết kế tạp chí,... và đã lấy đủ số tín chỉ quy định trong 2 năm rưỡi. Sau đó, mình lên kế hoạch cụ thể cho vài năm tới, đó là: “Học tiếng Nhật và thiết kế tại Nhật Bản” → “Làm việc tại một công ty truyền thông đa phương tiện của Nhật Bản (bộ phận thiết kế) trong 5 năm” → “Trở về Việt Nam và thành lập một công ty truyền thông”. Mình đã đi du học Nhật Bản trước khi tốt nghiệp nửa năm.

Các giáo viên tiếng Nhật tại Trung tâm du học, người đã luôn giúp đỡ mình trong nửa năm trước khi đến Nhật Bản rất tốt bụng. Mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6, mình học ở trung tâm 3-4 tiếng và tự học ở nhà 2 tiếng.Mình cũng muốn có thể học nhiều Tiếng Nhật hơn trước khi qua Nhật, nhưng do còn luận văn tốt nghiệp nên chỉ sắp xếp được như vậy. Song song với đó, mình tìm kiếm thông tin về các trường dạy tiếng Nhật trong danh sách mà giáo viên đưa cho, và chọn một trường dạy tiếng Nhật lớn ở Tokyo.

・Chi phí trả cho trung tâm: 20,000,000 VND (Chưa bao gồm vé máy bay)

・Phí nhập học trường Nhật ngữ: 70,000 Yên

・Học phí tại trường Nhật ngữ (1 năm): 665,000 Yên

Cuộc sống tại Nhật Bản

Cùng các bạn và giáo viên tại trường Nhật ngữ đi Disneyland

Trong năm đầu tiên ở Nhật Bản, mình đã làm một công việc bán thời gian tại Cửa hàng Hanamaru Udon thông qua giới thiệu của Trường Nhật ngữ. Tiền lương mỗi giờ là 1,100 yên. Năm thứ hai, mình được một người bạn du học sinh giới thiệu công việc rửa xe taxi. Tiền lương mỗi giờ là 1,000 yên. Trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, mình đã làm thêm công việc phân loại các kiện hàng tại nhà kho của một công ty vận tải. Mình thường làm khuya, và mức lương mỗi giờ là 1,250 yên. Những công việc này tuy có thể giúp mình trang trải toàn bộ chi phí học tập, sinh sống tại Nhật, nhưng mình không có cơ hội giao tiếp với khách hàng và hầu hết đồng nghiệp của mình là người nước ngoài. Vậy nên khả năng tiếng Nhật của mình hầu như không được cải thiện.

Sau khi vào Trường Chuyên môn ở Niigata, mình đã làm công việc đóng gói các món ăn phụ tại quầy thức ăn chế biến sẵn ở siêu thị trong vòng hai năm. Tại đây, khả năng tiếng Nhật của mình tiến bộ nhanh chóng vì các cô, các bác đồng nghiệp luôn chủ động bắt chuyện với mình trong giờ nghỉ giải lao. Các cô, các bác rất tốt bụng, thỉnh thoảng còn cho mình bánh, kẹo. Điều đó, làm mình cảm thấy rất ấm áp.

Chi phí sinh hoạt(Trung bình 1 tháng)

※Chi phí sinh hoạt 2 năm tại Trường Nhật ngữ (Tokyo)

※100 Yên = Khoảng 17,802 VND(Tỷ giá ngày 12/01/2023)

Thu nhập: 130,000 Yên
Lương ¥130,000
※Công việc bán thời gian(Chủ yếu từ công việc rửa xe Taxi)
Chi tiêu: 120,000 Yên
Học phí ¥55,000
Tiền nhà ¥25,000
※Ở 2 người một phòng (Chi phí cho 1 người)
Điện, nước, ga (1 người) ¥5,000
Tiền ăn ¥20,000
※Tự nấu hoặc Cơm hộp ở Cửa hàng tiện lợi
Tiền cước điện thoại ¥5,000
Chi phí khác ¥10,000
Chênh lệch hằng tháng: 10,000 Yên

※Vì ở chung với bạn, và phòng nhỏ nên giá thuê rẻ hơn.

※Vào những dịp nghỉ dài như nghỉ hè, tôi đi làm thêm, và dùng số tiền đó để đi du lịch.

Trường Chuyên môn Anime-Manga

Sau khi tốt nghiệp Trường Nhật ngữ sau hai năm, mình đã chọn học tại một Trường Chuyên môn về Anime và Manga ở Niigata. Tại đây, mình đã học tất cả về thiết kế, đồ hoạ. Ở Cao đẳng FPT, mình chủ yếu học thiết kế website và tạp chí, nhưng vì rất thích Anime và Manga nên mình đã quyết định tham gia các tiết học về thiết kế nhân vật và hoạt hình ở Niigata. Ở đây, mình cũng được học cách sử dụng các phần mềm thiết kế.

Những khó khăn tại Nhật Bản

Khoảng thời gian khó quên tại trường Nhật ngữ

Điều làm mình thấy khó khăn khi ờ Nhật Bản, đó là định kiến không tốt của người Nhật về người Việt Nam. Chẳng hạn như, khi mình đi phỏng vấn công việc tại Siêu thị, mình đã bị Quản lý siêu thị hỏi rằng: “Người Việt Nam hay ăn cắp vặt lắm, không biết cậu thì sao nhỉ?”. Khi đó, mình đã nghĩ rằng, đó là một câu hỏi rất khiếm nhã, nhưng mình vẫn khẳng định với họ rằng: “Vâng, chắc chắn không có chuyện đó xảy ra”, và mình đã trúng tuyển. Thỉnh thoảng cũng có những trường hợp khác mình cảm thấy họ có thành kiến ​​như vậy. Tuy nhiên, khi tiếp tục làm việc tại siêu thị này, bằng nỗ lực của bản thân, mình đã nhận được sự tin tưởng từ quản lý và các đồng nghiệp.

Ngoài ra, mình còn từng gặp rắc rối với chính người Việt Nam. Ở trường Nhật ngữ của mình, trường cũng tạo điều kiện cho học sinh bằng công việc dọn dẹp các phòng học trong trường, mình cũng thi thoảng nhận làm thêm công việc này. Trong quá trình dọn dẹp, thường xuyên tìm được đồ các bạn học sinh làm rơi hoặc để quên, trong số đó, có cả một chiếc ví. Tuy nhiên, một trong những trưởng nhóm phụ trách vệ sinh người Việt Nam có thói quen lấy đồ làm của riêng thay vì giao chúng cho trường. Có một lần, em trai của trưởng nhóm phụ trách đó lấy trộm chiếc ví bị rơi và đổ lỗi cho mình. Nhờ có Camera giám sát trong phòng, mình đã được minh oan, nhưng thật đáng tiếc khi sự việc như thế này lại xảy ra giữa những người Việt Nam.

Quyết định tự kinh doanh vào những năm cuối của tuổi 20

Mình tốt nghiệp Trường Chuyên môn ở Nhật Bản khi 28 tuổi . Ban đầu, mình muốn sang Nhật học thiết kế và làm công việc liên quan đến thiết kế tại một công ty truyền thông đa phương tiện tại Nhật, nên mình định hướng sẽ vào công ty FPT Japan. Tuy nhiên, FPT Japan tập trung vào lập trình và hầu như không tuyển dụng vị trí thiết kế đồ hoạ.

Ngoài ra, kể từ mùa xuân năm 2020, khi mình tốt nghiệp trường Chuyên môn, sự lây lan mạnh của virus Corona chủng mới mới tại Nhật Bản khiến tìm việc làm trở nên khó khăn.Vì vậy, mình đã trở về Việt Nam vào tháng 7 cùng năm và bắt đầu làm việc với như một nhà thiết kế đồ hoạ tự do. Mình hiện đang nhận đơn đặt hàng thiết kế web, thiết kế biểu tượng, thiết kế tạp chí, thiết kế áp phích,...Ngoài ra còn có công việc làm phụ đề cho phim hoạt hình mình đã giới thiệu ở phần đầu. Tuy mình phải mất một thời gian dài để đến với công việc này, nhưng mình rất hài lòng vì đây là công việc mình yêu thích và mình có thể tự quyết định thời gian cũng như địa điểm làm việc.