Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol871
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Vào nửa cuối những năm 1990, có một chương trình mà các bệnh viện ở Nhật sẽ đón những sinh viên ưu tú người Việt sang Nhật du học và làm điều dưỡng cho những bệnh viện ấy sau khi tốt nghiệp. Chị Thuỳ là một trong số những người được chọn sang Nhật khi ấy. Trong thời điểm ở Nhật có rất ít du học sinh người Việt, chị ấy đã học tập và sinh sống như thế nào?

Gặp gỡ sempai số này

Lưu Thị Thùy

  • Năm 1998Tốt nghiệp THPT 〈Nam Định〉
  • Năm 1998Nhập học vào trung tâm tiếng Nhật〈Hà Nội〉
  • Năm 2001Nhập học vào trường đào tạo điều dưỡng〈Tokyo〉
  • Năm 2004Tốt nghiệp trường đào tạo điều dưỡng, làm việc tại bệnh viện Itakura〈Tỉnh Chiba〉
  • Năm 2009Làm việc tại công ty điều phối nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng〈Tỉnh Ibaraki〉
  • Năm 2010Trưởng văn phòng đại diện của công ty tại Hà Nội
  • Năm 2017Làm việc tại Grandsoul Vietnam〈Đến nay〉
  • Năm 2019Nhập học vào Đại học Chu Văn An (Quản trị kinh doanh)
  • Năm 2021Thành lập công ty Green Connection Việt Nam
  • Năm 2022Tốt nghiệp đại học
〈Sinh năm 1980, quê ở Nam Định〉

Đỗ đại học Y ở Việt Nam

Thầy giáo và bạn bè cấp ba (tôi là người ngồi thứ hai từ bên trái sang)

Ngày xưa, ở quê tôi (Nam Định), hệ thống y tế còn kém. Hồi học lớp 2, tôi bị đau bụng và phải tới trạm xá. Anh điều dưỡng lúc đó mải chơi bài nên tôi phải đợi khoảng 30 phút. Sau đó, tôi được bác sĩ khám và cho một quả chuối và đi về nhà. Tôi muốn trở thành bác sĩ để góp phần giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ. Khi tốt nghiệp cấp ba, tôi đã thi vào 2 trường đại học Y và đỗ vào Đại học Y Thái Bình. Tuy nhiên, nguyện vọng 1 của tôi là Đại học Y Hà Nội, tôi chỉ nằm ở danh sách dự bị.

Chương trình du học đào tạo điều dưỡng miễn phí

Ảnh chụp cùng bạn bè và thầy cô giáo ở lớp học của AHP tại Hà Nội

Hồi ấy, một số thí sinh nằm trong danh sách dự bị của Đại học Y Hà Nội nhận được đề xuất tham gia chương trình du học miễn phí từ AHP - một tổ chức NPO của Nhật. Nội dung chương trình như sau.

  • ❶ Sau khi đỗ vòng xét duyệt của AHP, học tiếng Nhật trong 17 tháng.
  • ❷ Sau khi có 2 Kyu (N2 bây giờ), thi vào trường đào tạo điều dưỡng ở Nhật.
  • ❸ Nếu thi đỗ thì học trong trường đó 3 năm.
  • ❹ Sau khi tốt nghiệp, làm việc ở bệnh viện do AHP chỉ định 4 năm trở lên.

AHP chi trả toàn bộ tiền học phí, tiền vé máy bay, sinh hoạt phí.Chương trình này gần giống với chế độ đào tạo điều dưỡng - hộ lý của EPA (Hiệp định Đối tác thương mại) nhưng hồi đó không có EPA. 14 bệnh viện trên toàn Nhật Bản cùng chi trả các chi phí và uỷ thác cho AHP vận hành chương trình. Đây là chương trình đào tạo điều dưỡng người nước ngoài đầu tiên của Nhật.

Đi ăn cùng bạn cùng khoá AHP〈Hà Nội, năm 2023〉

Chương trình này kéo dài trong 8 năm, tôi đã vượt qua vòng tuyển chọn của AHP (học bạ cấp ba, điểm thi tiếng Anh, phỏng vấn). Tôi tham gia chương trình vào khoá 4 và bắt đầu học tiếng Nhật từ đó.Tôi đã đỗ đại học Y Thái Bình nhưng hồi ấy rất ít người có thể đi du học nước ngoài nên tôi quyết định nắm bắt cơ hội trở thành điều dưỡng ở Nhật.

Trong 17 tháng ở Hà Nội, tôi học tiếng Nhật, toán, tiếng Anh v.v. khoảng 8 tiếng mỗi ngày. Buổi tối thì tôi tự học khoảng 2,3 tiếng. Toán và sinh vật vốn dĩ không khó nhưng phải giải các bài tập bằng tiếng Nhật để ôn thi nên tôi gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩa của các câu hỏi. Trong số 56 người học cùng tôi thì chỉ có khoảng 20 người đỗ 1 Kyu ~ 2 Kyu (bây giờ là N1~N2) và sang Nhật. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên, tôi và một số bạn khác đã không thành công trong việc thi vào trường đào tạo điều dưỡng nên đã quay về Việt Nam và học thêm 1 năm nữa.

Du học trường đào tạo điều dưỡng ở Nhật

Ảnh chụp cùng các bạn người Nhật ở trường đào tạo điều dưỡng (tôi ở góc bên phải)

Năm 2001, tôi đỗ vào trường chuyên đào tạo điều dưỡng Tokyo Toritsu Kitatama và bắt đầu hành trình du học mà tôi đầy mong ước. Thế nhưng, lúc mới học, mặc dù đã có 1 Kyu nhưng tôi cũng chỉ hiểu được một nửa nội dung bài giảng. Tôi ghi lại những từ chuyên ngành y tế mà thầy cô giảng rồi tự tìm nghĩa sau. Ngày ấy không có kim từ điển hay từ điển trên mạng nên tôi dành nhiều thời gian để tra từ điển giấy về y khoa.

Ban đầu, tôi thấy xấu hổ và rất ngại khi để các bạn người Nhật nghe tiếng Nhật của tôi. Thế nhưng, nhà trường xếp 4~5 bạn trở thành một nhóm thực tập nên tôi đã tích cực nói chuyện với các bạn khác trong nhóm. Khi ấy, du học sinh trong trường đào tạo điều dưỡng là “của hiếm” nên các bạn rất tốt với tôi.Cứ như vậy, tôi đã có thêm nhiều bạn người Nhật, sau giờ học chúng tôi cũng dính lấy nhau. Thời gian ở cùng bạn bè là khoảng thời gian cực kỳ vui.

Khó khăn của du học sinh ngày xưa

Ảnh chụp cùng các bạn thân người Nhật

Ngày ấy, trong trường của tôi còn có thêm 3 du học sinh khác cũng đi theo chương trình AHP, thế nhưng hai người đã bỏ học giữa chừng.Trong giờ học, khi không hiểu từ nào đấy, tôi hỏi các bạn xung quanh ngay lập tức. Để cảm ơn các bạn đã giúp đỡ mình, tôi rủ các bạn đến nhà và mời các bạn ăn món Việt, có lần còn để các bạn ngủ lại. Nhờ vậy, tôi có thể hòa nhập với môi trường xung quanh. Tuy nhiên, nếu du học sinh không tích cực như vậy thì có thể bị căng thẳng nhiều và dẫn tới bế tắc.

Vào những năm ấy, không phải trường nào cũng có thể hỗ trợ du học sinh một cách đầy đủ. Có một số sinh viên đi theo chương trình AHP đã thi đỗ nhưng trường chưa sẵn sàng tiếp nhận du học sinh nên những sinh viên đó không được nhập học. Ngoài ra, có trường đã nhận 1 du học sinh nhưng vì công tác hỗ trợ quá khó khăn nên từ năm tiếp theo không tiếp nhận du học sinh nữa.

Cuộc sống du học và việc làm thêm

Ảnh chụp cùng các bạn cùng làm thêm khi đi nhậu

Tôi từng sống ở gần ga JR Musashi Koganei (Tokyo) và hồi đó có rất ít người Việt ở khu tôi ở.Tôi nhớ nhà nhưng khi ấy internet chưa phổ biến nên hiếm khi lắm tôi mới dám gọi điện thoại quốc tế với chi phí đắt đỏ về cho gia đình.. Ngoài ra, ban đầu tôi không ăn được đồ Nhật nên tôi toàn ăn mì cốc. Và sau khi chán mì cốc, tôi lại chuyển sang ăn Mcdonald.

Sau khi sang Nhật được gần 1 năm, tôi đã quen với việc học trên trường, tôi không cần học nhiều vào cuối tuần cũng có thể theo kịp bài trên lớp nên tôi bắt đầu đi làm thêm. Tôi tìm thấy một công việc ở cửa hàng quần áo trên tạp chí giới thiệu việc làm. Tôi đã làm việc 8 tiếng mỗi ngày vào thứ bảy và chủ nhật. Tôi phụ trách công việc hỗ trợ khách, lên gấu ống quần (bằng máy may). Tôi đã kết thân với những người Nhật làm cùng.

Sổ tay thu chi của tôi (Trung bình 1 tháng)

※Năm thứ hai ở trường đào tạo điều dưỡng

※100 yên = Khoảng 18,003 đồng (Tỷ giá ngày 9/2/2023)

Thu nhập: 156,000 yên
AHP chu cấp sinh hoạt phí 66,000 yên
AHP hỗ trợ tiền nhà 15,000 yên
Lương 75,000 yên
※Làm thêm 1 việc (cửa hàng quần áo)
Chi tiêu: 98.000 yên
Tiền học phí ở trường 0 yên
※AHP chi trả
Tiền nhà 25,000 yên
※Năm thứ hai sống 1 mình
Tiền điện, nước, gas 8,000 yên
Tiền điện thoại 5,000 yên
Tiền ăn 25,000 yên
※Chủ yếu là tự nấu. Buổi trưa ăn cơm hộp tự làm.
Tiền giao lưu với bạn bè 15,000 yên
Các khoản khác 20,000 yên
※Tiền mua quần áo, sách vở, mỹ phẩm, đi lại v.v.
Chênh lệch hàng tháng (tiết kiệm): 58,000 yên

Làm điều dưỡng tại bệnh viện của Nhật

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trường đào tạo điều dưỡng, tôi bắt đầu làm việc tại bệnh viện Itakura ở tỉnh Chiba. Vào tháng thứ 9, tôi được phân vào phòng mổ - theo đúng nguyện vọng của tôi. Ở đấy có một chị rất kỹ tính. Khi tôi ghi lại quy trình công việc, chị ấy luôn kiểm tra lại nội dung giúp tôi. Trong lĩnh vực y tế, chúng ta không thể làm việc bừa bãi nên nhìn cách chị ấy làm việc, tôi hiểu được tầm quan trọng của sự nghiêm túc trong ngành y tế. Hơn nữa, các anh chị khác rất tốt bụng, mỗi khi tôi không hiểu chỉ thị gì đó thì mọi người nói lại 1 lần nữa mà không hề tỏ ra khó chịu.

Trong thời gian tôi làm việc ở bệnh viện Itakura, lúc đông nhất có 7 điều dưỡng của chương trình AHP làm việc cùng nhau và chúng tôi cùng sống trong một ký túc xá 2 tầng (phòng riêng). Ngoài ra, tôi kết bạn với một số nhân viên người Nhật (y tá, hộ lý, văn thư), và thường nhóm 2, 3 người rủ nhau đi ăn, mua sắm, xem phim v.v. cùng nhau.

Chuyển sang làm điều phối viện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng

Ảnh chụp giấy đăng ký kết hôn ở Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo (bên trái)

Khi còn làm ở bệnh viện Itakura, tôi đã tham gia Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam (VYSA) khi hội vừa mới thành lập. Tôi hỗ trợ hội tổ chức các sự kiện như giao lưu kết nối v.v. Nhờ vậy, bạn bè người Việt của tôi cũng đông hơn, tôi gặp chồng tôi trong một buổi ăn liên hoan ở nhà bạn và chúng tôi cưới nhau vào năm 2009.Khi đó, anh ấy là nghiên cứu sinh cao học ở Nhật. Sau khi kết hôn, anh đã đi xin việc và làm việc ở Nhật.

Sau khi kết hôn, tôi nghỉ việc ở bệnh viện Itakura - nơi tôi đã gắn bó 4 năm rưỡi, chuyển sang làm việc ở một công ty điều phối thử nghiệm thuốc.Cơ duyên bắt đầu từ Lễ hội Việt Nam được tổ chức hàng năm ở Tokyo và tôi đã quen một anh người Nhật trong lễ hội đó. Anh ấy biết là công ty này đang tìm một người Việt có thể nói giỏi tiếng Nhật và am hiểu về y tế nên anh ấy nhớ ra tôi và liên lạc với tôi. Nhờ sự giới thiệu của anh ấy, tôi đã gặp giám đốc của công ty này vài lần và sau đó vào làm việc chính thức.

Đến thăm bệnh viện với tư cách là điều phối viên nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (Tỉnh Ibaraki)

Bệnh viện Itakura là một môi trường làm việc rất tốt nhưng vì tôi đã kết thúc chương trình AHP nên tôi muốn xây dựng sự nghiệp và thử thách bản thân trên một con đường mới.Công ty này chuyên điều phối các thử nghiệm lâm sàng tại Nhật nhưng họ có dự án mới là tổng hợp dữ liệu thử nghiệm thuốc mới của các nước khác trên thế giới tại Việt Nam. Sau khi vào làm 1 năm rưỡi, vợ chồng tôi cùng về Việt Nam và tôi trở thành trưởng văn phòng đại diện của công ty ở Hà Nội.

Tôi đã tháp tùng khi giám đốc công ty đến thăm và làm việc với Bộ Y tế của Việt Nam, ngoài ra, tôi cũng tích cực kết nối với các đơn vị liên quan khác nhưng sau 8 năm mà các thử nghiệm lâm sàng vẫn không thể thực hiện được. Lý do là vì các hướng dẫn về thử nghiệm lâm sàng chưa được thiết lập tại Việt Nam, do đó khi đề nghị các bác sĩ tiến hành thử nghiệm lâm sàng thì cũng khó có thể thu thập được dữ liệu có độ tin cậy cao.

Chuyển sang làm việc ở công ty Nhật Bản khác

Thời điểm đó, tôi thấy việc thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam vẫn còn khó khăn nên tôi quyết định rút khỏi lĩnh vực này. Khi ấy, một người quen của chồng tôi đã giới thiệu cho tôi tập đoàn y tế Grandsoul. Tập đoàn này phát triển và phổ biến liệu pháp phòng chống và điều trị ung thư. Họ muốn tôi phụ trách công việc liên lạc và hỗ trợ trong công việc chuyển giao công nghệ nuôi cấy tế bào miễn dịch cho Đại học Y Hà Nội. Năm 2017, tôi chuyển sang công ty Grandsoul Việt Nam và bắt đầu làm việc ở đó cho tới nay. Ngoài ra, tôi cũng là người phụ trách điều phối bệnh nhân ung thư của Việt Nam sang Nhật điều trị.

Công ty Green Connection

Từ năm 2019, vừa đi làm, tôi vừa theo học ngành Quản trị kinh doanh của một trường đại học ở Hưng Yên. Tôi đã tốt nghiệp vào năm 2022.Năm 2021, tôi thành lập công ty “Green Connection Việt Nam” nhằm hỗ trợ các bạn người Việt đã từng thực tập kỹ năng ở Nhật tìm việc ở Việt Nam.

Một số bạn thực tập sinh kỹ năng đã có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn nhưng lại gặp khó khăn trong việc đi tìm nơi làm việc có thể phát huy bản thân sau khi về nước. Vì vậy, tôi thành lập công ty với mục đích giới thiệu các bạn người Việt ấy với các doanh nghiệp Nhật Bản, hỗ trợ các bạn thực tập sinh tìm kiếm việc làm sau khi về nước.Đồng tình ủng hộ chí hướng này của tôi, Ông Kajiwara Takahiro - chủ tịch của bệnh viện Itakura đã cùng đầu tư vào công ty này với tôi. Tôi sẽ cố gắng hết mình để đưa công ty đi đúng hướng và phát triển hơn nữa.