Fujita Hironobu
Nhật Bản đón năm mới theo lịch dương nên ngày cuối cùng của năm (Omisoka) là ngày 31 tháng 12. Gần đây cùng với sự đa dạng hóa lối sống, cách chuẩn bị đón năm mới của người Nhật Bản cũng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên chúng tôi xin phép được giới thiệu về ngày Omisoka của một gia đình bình thường theo lối truyền thống.
Tiếp sau Omisoka là ngày đầu năm nên mọi sự chuẩn bị cho năm mới thường được hoàn tất vào ngày này. Ở Nhật Bản, chuẩn bị cho năm mới bao gồm: viết và gửi bưu thiếp chúc mừng năm mới cho bạn bè, người quen; tùy từng gia đình mà có thể tự nấu hoặc đặt mua sẵn đồ ăn cho những ngày đầu năm mới (Osechi); chuẩn bị “Kagamimochi”, là một loại bánh có quả quýt đặt trên những lớp bánh dày; chuẩn bị vòng rơm “Shimenawa” để treo ở cửa nhà, vv..
Tiếp theo là những việc mà người Nhật làm vào ngày Omisoka theo tập tục truyền thống:
・Dọn dẹp nhà cửa: (cũng có nhiều người dọn dẹp xong vào ngày 30 trước đó) để đón ngày đầu tiên của năm mới (ngày 1 tháng 1) một cách thoải mái nhất, người ta làm những việc như thay lịch mới, dọn vệ sinh nhà cửa, trang trí Shimenawa và Kagamimochi…
・Ăn mì Toshikoshi Soba: là một nét văn hóa tiêu biểu của Nhật Bản vào ngày Omisoka. Mì soba dễ cắn đứt hơn các loại mì khác như Udon hay ramen, pasta … nên mang ý nghĩa “cắt đứt những điều không may mắn của 1 năm vừa qua”. Người ta ăn mì vào đêm Omisoka, trước khi năm qua nên được gọi là mì Toshikoshi Soba (“Toshikoshi” dịch sang tiếng Việt là “năm qua”). Tùy theo địa phương mà còn có những cách gọi như Omisoka Soba (tạm dịch: mì soba ngày tất niên), Toshikiri Soba (tạm dịch: mì soba cuối năm), Un Soba (tạm dịch: mì may mắn) vv..
・Xem chương trình NHK Kōhaku Uta Gassen: là chương trình ca nhạc có lịch sử lâu đời từ năm 1951 được người dân Nhật yêu thích, phát sóng trên kênh 1 của đài NHK. Các nghệ sĩ tham gia chương trình được chia thành hai đội: đội đỏ (bao gồm các nghệ sĩ nữ) và đội trắng (gồm các nghệ sĩ nam), từng thành viên của hai đội sẽ lần lượt trình diễn các ca khúc. Các nghệ sĩ được mời tham dự chương trình đều là những ca sĩ nổi tiếng của Nhật Bản nên chương trình có tỷ suất người xem rất cao, có vai trò khép lại một năm cũ.
・Joya no Kane: là một nghi lễ phật giáo được thực hiện từ cuối năm cũ đến đầu năm mới theo đạo Phật của Nhật Bản. Tại nhiều ngôi chùa sẽ gióng lên 108 hồi chuông vào khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của đêm Joya (là đêm giao thừa Omisoka). Chuông thường được do nhà sư của chùa đánh, song cũng có chùa cho phép người đến lễ chùa đánh chuông nên đây cũng sẽ là một trải nghiệm thú vị mà các bạn nên thử.