Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

13_sumb
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

LÊ VĂN LỢI

Sinh năm 1989 tại Thanh Hoá.
Tháng 6 năm 2007: Tốt nghiệp trường THPT Lê Viết Tạo
Tháng 9 năm 2007: Nhập học trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung
Tháng 6 năm 2010: Tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung
Tháng 7 năm 2010: Bắt đầu học tại khoa tiếng Nhật tại Công ty Du lịch IIG
Tháng 1 năm 2011: Tốt nghiệp khoa tiếng Nhật Công ty Du lịch IIG
Tháng 2 năm 2011: Trở thành thực tập sinh kỹ năng của Công ty Techno Taiyo
Tháng 2 năm 2014: Kết thúc chương trình thực tập sinh tại Công ty Techno Taiyo
Tháng 3 năm 2014: Bắt đầu làm việc tại văn phòng Công ty Techno Taiyo
Tháng 10 năm 2019: Thành lập trụ sở của Công ty Techno Taiyo tại Việt Nam

Mail: Loi@techno-t.co.jp

 

Lời mở đầu

     Anh Lợi đã có ba năm làm việc với tư cách thực tập sinh tại các công xưởng vừa và nhỏ tại Osaka trước khi quay về nước và được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc hai chi nhánh tại Việt Nam của cùng công ty. Ông bố của hai bé trai 6 và 11 tuổi hiện đang nhận mức lương tháng 24 triệu đồng (tương đương 11 vạn yên). Là một Giám đốc, ngày ngày anh bận rộn với nhiều công việc như kinh doanh, chăm sóc khách hàng, thuyết minh quy cách sản phẩm cho đối tác chế tạo cũng như quản lý chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân lực cho công ty chi nhánh… Tạo ra được chất lượng sản phẩm Nhật Bản ngay tại Hà Nội, công ty của anh đã có tên trong danh sách “Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu khu vực Bắc – Trung bộ năm 2019” do JETRO bình chọn.

Tại công xưởng của công ty chi nhánh ( Tháng 10 năm 2019)

    Giám đốc nơi anh Lợi từng thực tập, ông Toshio Mizuno cho biết: “Được sự đề xuất của nghiệp đoàn tiếp nhận, chúng tôi đã bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh. Vào thời điểm ban đầu chúng tôi nghĩ chỉ có thể thuê được nhân lực giá rẻ thôi, nhưng từ khi Lợi đến, tôi vô cùng cảm phục tác phong làm việc và năng lực của anh ấy. Hiện tại, chúng tôi xem các thực tập sinh đã từng và đang làm việc tại đây như tài sản của công ty, và dành cho họ chế độ đãi ngộ tương đương với người Nhật.”

    Ở phần tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu câu chuyện về trải nghiệm của anh Lợi, người đã được giám đốc Mizuno tin tưởng giao phó cả công ty chi nhánh ở Việt Nam.

Lợi cùng vợ và hai con trai trong buổi tiệc kỷ niệm 5 năm kết hôn tại một nhà hàng ở Hà Nội ( tháng 7/ 2019 )

Học tập là yếu tố rất quan trọng trước khi đến Nhật

   Trước khi tốt nghiệp Đại học, tôi đã tham dự buổi giới thiệu của công ty phái cử tại trường mình. Ở thời điểm đó, việc tiếp nhận thực tập sinh chưa phổ biến như hiện tại và đa phần người đỗ phỏng vấn đều là sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy hay ngắn hạn. Tôi đã ứng tuyển thực tập sinh vì muốn nâng cao kiến thức về cơ khí – chuyên ngành của tôi ở đại học.

    Tôi đã theo học nửa năm tại công ty phái cử. Hàng tháng đều có kỳ kiểm tra và tôi thường giữ thành tích thứ nhất, nhì trong lớp học có 36 người. Để đạt được điều đó, tôi đã rất cố gắng tự học ngoài giờ học chính. Mỗi sáng tôi dậy vào lúc 5 giờ và học từ 7 đến 11 giờ. Buổi chiều sau 4 tiếng học trên lớp, tôi quay về ký túc xá và học từ 19 đến 22 giờ rồi kết thúc một ngày lúc 23 giờ. Vị chi mỗi ngày tôi đã dành ra 4 tiếng học trên lớp và 7 tiếng tự học. Thậm chí trước các kỳ thi tôi còn tự học vào khoảng thời gian từ 2 đến 5 giờ sáng. Ngoài tôi ra, cũng có nhiều bạn nỗ lực tương tự như vậy.

     Những nỗ lực đó rồi cũng dần đơm hoa kết trái. Sau khi đến Nhật vào tháng 2 năm 2011, tôi đã đỗ Năng lực tiếng Nhật JLPT N4 vào tháng 7 cùng năm, đỗ N3 vào tháng 7 năm 2013 và đỗ N2 vào tháng 7 năm 2014 ngay khi vừa trở về Việt Nam. Gần đây có rất nhiều bạn đến Nhật với khả năng giao tiếp tiếng Nhật gần như bằng 0, khi ấy các bạn phải rất vất vả với cuộc sống ở Nhật. Thêm vào đó do không có căn bản tiếng Nhật cũng như thói quen học tập nên ngay cả khi sống tại Nhật Bản tận 3 năm, trình độ tiếng Nhật vẫn không hề có sự cải thiện.

Lợi trong lần được nghiệp đoàn dẫn đến thăm đền Fushimi Inari ( Kyoto) để mừng anh đỗ N4 (Mùa thu năm 2011)

Cuộc sống ở Nhật Bản

    Trong 3 năm ở Nhật, tôi đã gửi về cho gia đình tổng cộng 3.500.000 yên. Sau khi dùng 600.000 yên để trả số nợ đã vay nhằm chi trả cho công ty phái cử, bố mẹ tôi đã dành hết số tiền còn lại để mua một mảnh đất đứng tên tôi. Trong trường hợp của tôi, lương thực lãnh khá ổn định và tiền ký túc xá cũng rẻ, nên tôi có thể gửi tiền về cho gia đình. (Điều này sẽ thay đổi tuỳ vào công ty tiếp nhận)

    Ký túc xá nơi tôi ở có 2 phòng ngủ và nằm cách công ty 7 phút đi xe đạp. Sau năm đầu tiên sống một mình, năm thứ hai tôi sống cùng một bạn nữa. Mọi dụng cụ sinh hoạt và đồ điện gia dụng đều do công ty chuẩn bị cho chúng tôi.

Chi tiết chi tiêu của tôi trong vòng một tháng

※100 yên = 21943 đồng (tính tại thời điểm 31/3/2020)

Thu nhập (150000 yên)

Lương thực lãnh 150000 yên
※Lương thực lãnh là lương nhận được sau khi đã trừ tiền thuế, bảo hiểm, tiền trọ và phí tiêu thụ năng lượng sinh hoạt…
※Tiền trọ được khấu trừ là 25000 yên (công ty đã chuẩn bị mọi thiết bị như tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, tivi…)
※Tiền tiêu phí năng lượng sinh hoạt (điện, ga…) trong khoảng từ 3000 đến 5000 yên

Tiền chi (tổng chi 47000 đến 50000 yên)

Internet 2500 yên (chia đều cho 2 người)
Tiền điện thoại 5000 yên
Tiền ăn 30000 yên
Tiền tiêu vặt 9500 đến 12500 yên

Tiền chênh lệch (khoản tiết kiệm được) bình quân 100000 yên

     Tôi cũng thường gặp gỡ nhiều bạn đồng khóa ở công ty phái cử và nghiệp đoàn tiếp nhận. Mặc dù thực tập sinh làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau, nhưng vào những dịp sinh nhật các thành viên hoặc những kỳ nghỉ dài, chúng tôi lại tụ họp, cùng đi du lịch đến những địa điểm gần, cùng vui chơi ăn uống. Thỉnh thoảng, tôi cũng đi uống cùng các đàn anh thực tập sinh người Nhật.

Với nhóm 10 bạn đồng khóa ở công ty phái cử và nghiệp đoàn tiếp nhận tại Kyoto ( tháng 10 năm 2013)
Tiệc chia tay đàn anh người Nhật nghỉ việc công ty( 2013)

Kết thúc thời hạn thực tập, quay về công tác tại văn phòng chi nhánh

 

    Ở công ty tiếp nhận thực tập Techno Taiyo, tôi đã làm công việc gia công bào kim loại bằng máy. Kiến thức chuyên môn về cơ khí của tôi đã rất hữu dụng cho công việc này. Ngoài ra, nhờ duy trì và học vững tiếng Nhật trước và sau khi sang Nhật, càng ngày tôi càng tự tin hơn trong giao tiếp với người Nhật trong môi trường làm việc.

    Giám đốc Mizuno đã để mắt đến tác phong làm việc cùng năng lực ngôn ngữ của tôi và bảo rằng: “Hết thời hạn thực tập rồi vẫn tiếp tục cùng làm việc nhé!”. Từ khoảng 1 năm trước khi tôi về nước vào tháng 2 năm 2014, ông đã cùng tôi nhiều lần thăm Hà Nội, thành lập văn phòng đại diện và tìm được nhiều công ty đối tác về chế tạo. Tiếp đó, tôi cũng trở thành người chịu trách nhiệm cho dự án mới ngay khi về nước: đặt hàng chế tạo ngay tại Việt Nam các linh kiện vốn chỉ sản xuất ở Nhật rồi xuất khẩu sang Nhật. Sau khi có thêm 2 thực tập sinh nữa về nước và tham gia vào dự án, năm 2015 chúng tôi đã lập ra công ty chi nhánh Techno Taiyo Vietnam (TTV) do tôi làm giám đốc.

Thành lập công xưởng riêng

    Phát huy những thành quả đó, tháng 4 năm 2018 chúng tôi đã lập thêm một chi nhánh nữa mang tên Vina Techno (VT) và xây dựng công xưởng riêng tại Hà Nội. Đây là công xưởng chuyên gia công thép không gỉ và chế tạo ra các dụng cụ như thiết bị bếp. TTV là công ty thương nghiệp chuyên nhận đơn hàng chế tạo và xuất khẩu sang công ty mẹ Techno Taiyo, còn VT là một trong những công ty chế tạo mà TTV đặt hàng sản xuất. Thảo, người bạn cùng phòng với tôi trong thời kỳ thực tập sinh hiện đang đảm nhận khâu quản lý chất lượng, quản lý xuất – nhập hàng, nhân sự và tổng vụ. Về số nhân viên, TTV có 7 thành viên và VT có 25 thành viên, toàn bộ đều là người Việt Nam.

Quang cảnh làm việc tại công xưởng của Vina Techno ( tháng 10 năm 2019)
Một bữa cơm trưa tại công xưởng của Vina Techno (tháng 10 năm 2019)

    Tôi rất tự tin vào công xưởng riêng của chúng tôi. So với phần lớn dụng cụ bếp đang được bày bán rộng rãi trên thị trường Việt Nam (sản phẩm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam), sản phẩm của công ty chúng tôi vừa ưu việt về xử lý bề mặt, lại không gây thương tích cho người tiêu dùng cũng như khó gỉ sét. Từ giờ trở đi, chúng tôi rất mong muốn khai phá và thâm nhập vào thị trường quốc nội Việt Nam.

Hình ảnh các sản phẩm của Vina Techno

Giám đốc công ty thực tập

    Giám đốc Mizuno rất trân trọng nhân viên. Hiểu được hoàn cảnh của thực tập sinh chúng tôi phải vay nợ để đến Nhật, ông thường giao phần việc tăng ca cho chúng tôi ngay cả trong thời điểm đơn đặt hàng không nhiều. Sau khi tôi về nước, anh trai tôi cũng trở thành thực tập sinh cho công ty. Vào tháng 7 năm 2018 khi bố tôi qua đời, giám đốc chẳng những mua vé máy bay cho anh tôi về mà còn đưa anh ra tận sân bay. Ông cũng sang tận Thanh Hóa để dự lễ cưới của tôi vào tháng 7 năm 2014. Ngoài ra, ông cũng tin tưởng giao cho người Việt chúng tôi không chỉ việc đơn giản mà cả những công việc phức tạp, đối xử với chúng tôi không khác gì với người Nhật.

Tôi cùng giám đốc Mizuno trong một chuyến công tác thăm công ty mẹ Techno Taiyo ( tháng 3 năm 2020)

 

 

Những điều hay của nước Nhật và lời khuyên dành cho các bạn thực tập sinh

    Ngay khi vừa đến Nhật, tôi đã từng khổ sở vì đi tàu quá ga cần xuống. Lần đầu tiên phải tự về ký túc xá từ nhà học tập của đơn vị quản lý, tôi đã không xác định được phải lên tàu nào ở ga Tennoji (Osaka), bởi ga này có đến gần 20 đường tàu và vô cùng phức tạp. Khi đó vì quá hoang mang, tôi đã hỏi thăm một cụ bà bên cạnh bằng thứ tiếng Nhật bập bẹ, và bởi lo tôi không hiểu tiếng Nhật, bà đã đưa tôi đến tận chỗ lên tàu, đứng chờ cho đến khi cửa tàu khép hẳn rồi vẫy tay tiễn tôi đi. Trong khoảnh khắc đó tôi gần như bật khóc… Không chỉ có thế, ở Nhật có rất nhiều người tử tế. Osaka nơi tôi làm việc cũng là một vùng đất được biết đến với tình người nồng hậu, ấm áp.

    Ngoài ra, tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều từ cách làm việc của người Nhật. Thứ nhất, họ luôn có tinh thần trách nhiệm cao, dù thất bại cũng không biện minh đổ lỗi mà thay vào đó nỗ lực tránh để tái phạm sai lầm. Thứ hai, họ luôn có kế hoạch rõ ràng và làm việc đúng theo đó. Cuối cùng, họ luôn giữ kỷ luật về thời gian (người Việt Nam cũng có ý thức tuân thủ những nguyên tắc trên, nhưng nhiều trường hợp khi gặp trở ngại lại tìm cách biện minh). Thật may mắn, trong khoảng thời gian ở Nhật Bản tôi đã tôi luyện được những phẩm chất đó. Các bạn thực tập sinh sắp đến Nhật cũng hãy nỗ lực rèn luyện bản thân để trưởng thành tại đất nước Nhật Bản. Và để làm được điều đó, trước tiên hãy cố gắng chăm chỉ học tiếng Nhật, các bạn nhé!

Trong chuyến du lịch Myanmar (tháng 5 năm 2019)