Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

13735113_1054257838021109_4547939338047597281_o
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Trần Thanh Sơn

Sinh năm 1991 tại thành phố Hà Nội
6/2009: Tốt nghiệp trường THPT Vân Nội
9/2009: Nhập học ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử , Khoa Điện- Cơ điện tử, Đại học Dân lập Phương Đông
1/2014: Tốt nghiệp khoa Điện – Cơ điện tử Đại học dân lập Phương Đông
6/2014: Bắt đầu thực tập tại một công xưởng ở tỉnh Shizuoka
5/2017: Hoàn thành quá trình thực tập kỹ năng
6/2017: Bắt đầu công việc tại Công ty xuất khẩu lao động Hải Phong
2/2018: Thôi việc tại công ty xuất khẩu lao động
3/2018: Trở thành nhân viên chính thức của công ty SEI CONSULTING VIETNAM (SEIV)

Lời mở đầu

    Tập đoàn Công nghiệp điện khí Sumitomo là một tập đoàn hàng đầu thế giới với quy mô hơn 280 nghìn nhân viên trên toàn cầu cùng doanh thu năm 2018 ước đạt 3178 tỉ yên (khoảng 692.609.871.870.000 VND). Tại Việt Nam tập đoàn cũng sở hữu 15 công ty với hơn 40.000 nhân viên (trong đó có khoảng 100 người Nhật). Sơn, chàng trai lấy được chứng chỉ Năng lực Nhật ngữ N2 khi còn đang thực tập trước khi quay về nước đầu quân cho tập đoàn này, đã được công nhận về năng lực và thái độ làm việc. Vậy chàng trai này đã học tập, giao lưu thế nào trong những ngày làm thực tập sinh, bí quyết để được tuyển dụng vào một công ty lớn như vậy là gì? Mời các bạn cùng theo dõi câu chuyện trải nghiệm của Sơn trong bài viết này nhé!

Sơn tại nơi làm việc (tháng 2/2020)

Công việc tại tập đoàn Công nghiệp điện khí Sumitomo

    Tập đoàn Sumitomo lấy kỹ thuật sáng chế đường dây điện – dây cáp làm nội dung cơ bản, từ đó phát triển 5 lĩnh vực gồm xe ô tô, thông tin liên lạc, điện, năng lượng-môi trường và nguyên liệu công nghiệp. Công ty SEIV mà tôi công tác là công ty chuyên cung cấp dịch vụ kết nối đến các công ty con của tập đoàn tại Việt Nam. Tôi hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, thành phố Hà Nội. Tôi đảm nhận công việc của một thông dịch viên và một kỹ sư, với các nhiệm vụ như giảng dạy và thông dịch cho các đoàn tham quan học tập kỹ thuật từ các công ty, cũng như phiên dịch tài liệu, hồ sơ.

Sơ lược về nội dung hoạt động của tập đoàn (Ảnh: trang chủ tập đoàn Sumitomo)

Về lần phỏng vấn xin việc với tập đoàn Công nghiệp điện khí Sumitomo

 Tôi về nước vào năm 2017 sau khi hoàn thành thời gian thực tập. Ngay sau khi trở về, tôi nhận được lời mời và trở thành giáo viên tiếng Nhật cho trung tâm phái cử mà tôi từng gắn bó trước khi sang thực tập ở Nhật. Tuy nhiên do chưa hài lòng với công việc, một năm sau thông qua sự giới thiệu của công ty nhân sự, tôi nhận lời phỏng vấn với công ty SEIV. Buổi phỏng vấn được tiến hành bằng tiếng Nhật cùng với ba vị người Nhật. Trong buổi này, tôi được yêu cầu tham gia một phần “thông dịch giả định”, trong đó một vị giám khảo thuyết minh về kỹ thuật chuyên môn như một buổi tham quan học việc cho nhân viên thực thụ, và tôi có nhiệm vụ phải dịch lại những gì vị ấy nói.

Bản lý lịch mà Sơn đã nộp trong quá trình phỏng vấn tại tập đoàn Sumitomo (năm 2018)

     Tôi không ghi quá nhiều trong sơ yếu lý lịch, nhưng lại được hỏi và trả lời rất nhiều khi phỏng vấn. Khi được hỏi về những trải nghiệm tại đất nước Nhật Bản, tôi đã kể nhiều câu chuyện như việc học hỏi tác phong làm việc tuân thủ theo kế hoạch, việc cố gắng học hỏi từ sempai người Nhật và nâng cao trình độ tiếng Nhật cũng như chuyên ngành, hay việc tham gia lớp học tiếng Nhật miễn phí, tham gia cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật và góp mặt trong buổi giao lưu văn hóa tại nhà của giáo viên người Nhật…

Tham gia một buổi giao lưu quốc tế do giáo viên lớp tiếng Nhật miễn phí tổ chức (tháng 3/2017)

[Về buổi phỏng vấn]

※ Ban biên tập đã có cuộc trao đổi với ông Kensho Mishima, một trong các vị giám khảo đã phỏng vấn Sơn.

・Ông đánh giá thế nào về tác phong làm việc của bạn Sơn ạ?
 ‐ Cậu ấy luôn làm việc chăm chỉ và có chí cầu tiến. Hiện tại cậu ấy vẫn duy trì việc học tiếng Nhật và đang tiến bộ từng ngày. Ngoài ra Sơn còn là một người rất hoạt bát và thân thiện với tất cả mọi người.

・Ông đặt kỳ vọng gì vào những bạn trẻ người Việt trở về từ Nhật?
 ‐ Với những bạn có năng lực Nhật ngữ, chúng tôi giao phó cho họ nhiệm vụ kết nối, liên hệ với phía công ty mẹ ở Nhật Bản với tư cách là nhân viên kiêm thông dịch viên, đồng thời cũng để họ đảm nhiệm vị trí giảng viên cho các buổi tham quan học việc. Kể cả những bạn chưa đạt đến trình độ tiếng Nhật như thế nhưng có hiểu biết sâu về văn hóa làm việc của người Nhật, chúng tôi vẫn rất hy vọng các bạn có thể trở thành cầu nối giữa người Nhật với người Việt Nam.

・Ông xem trọng yếu tố nào trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng nhân sự Việt Nam từ Nhật trở về?
 ‐ Đầu tiên chúng tôi quan tâm đến năng lực tiếng Nhật hoặc tiếng Anh hơn là quá trình ở Nhật. Ngoài ra điều quan trọng là ứng viên có trình bày mạch lạc rõ ràng được về những điều đã học được hoặc đã nỗ lực tại Nhật Bản hay không. Nếu chỉ nói đơn giản rằng “Tôi đã học và làm việc tại Nhật” thì ai cũng như nhau cả, không thể lấy đó làm yếu tố quyết định được.

Với sempai người Việt tại chỗ làm (tháng 2/2020)

Quá trình thực tập kỹ năng

   Thời còn là sinh viên đại học, tôi từng là thành viên của Câu lạc bộ Robot và 3 lần tham gia cuộc thi chế tạo Robot mang tên “ABU Robocon”. Vốn yêu thích công nghệ chế tạo Robot và cũng có nguyện vọng được học hỏi kỹ thuật của Nhật Bản, tôi đã ứng tuyển vào chương trình thực tập kỹ năng. Vào tháng 1 năm 2013 tôi đỗ phỏng vấn thực tập sinh, và từ tháng kế tiếp tôi dành 4 tháng để học trước khi sang Nhật Bản. Tôi đã lựa chọn trở thành thực tập sinh vì được thông tin từ công ty nhân sự rằng đi theo chương trình Thực tập kỹ năng sẽ có cơ hội đến Nhật sớm hơn so với đi theo diện Kỹ sư.

Cùng các bạn nghiên cứu chế tạo Robot phục vụ cho cuộc thi (Ảnh thời sinh viên)

    Công ty thực tập của tôi là một công xưởng chế tạo máy điều hòa và tủ lạnh nằm tại thành phố Fuji, tỉnh Yamanashi. Tôi đảm nhiệm các công việc như gia công ép nguyên liệu, hàn và lắp ráp cũng như thông dịch trung gian giữa công ty với các bạn người Việt đến sau.

Cùng với các đồng nghiệp và sempai tại công xưởng nơi thực tập (tháng 3/2016)

Thu chi bình quân 1 tháng của tôi

※100 yên = 21.540 VND (tính tại thời điểm 29/3/2020)

Lương thực lãnh (80.000 ~ 120.000 yên)

Lương nhận thực tế 80.000~120.000 yên
※Là lương nhận thực tế sau khi đã trừ các khoản thuế, bảo hiểm xã hội và tiền ký túc xá
※Trong số này tiền ký túc xá là 25.000 yên (đã gồm tiền nước và phí tiêu thụ năng lượng, một phòng ký túc xá khá chật với 4 người ở và 2 giường tầng)

Chi tiêu (tổng 30.000~50.000 yên)

Tiền Wifi 500 yên
※Chia đều cho 8 người
Tiền ăn 20.000 ~ 25.000 yên
※Chủ yếu là tự nấu ăn
Tiền tiêu vặt – đi lại 10.000 ~ 20.000 yên
※Gồm tiền mua sắm quần áo, phí đi lại và thi thoảng ăn ngoài

Tiền chênh lệch (tiền tích lũy): 50.000~80.000 yên

※3 đến 4 tháng tôi lại gửi tiền về cho bố mẹ  (trong 3 năm đã gửi hơn 2 triệu yên)
※Phần tiền còn để dành được tôi dành để đi du lịch

Trên đỉnh núi Phú Sĩ sau khi leo đến đỉnh cùng đoàn 12 người Việt. Tôi đã trải nghiệm tất cả những gì tôi hằng mong ước ở Nhật: hoa anh đào, núi Phú Sĩ, chùa Kinkakuji và món Sushi. (tháng 8/2016)

Cùng giáo viên tiếng Nhật và các bạn học tại khu du lịch Saiko Iyashi no Sato Nemba (2015)

Việc học tiếng Nhật

   Mặc dù lúc vừa mới sang Nhật tôi không hiểu tiếng Nhật bao nhiêu, nhưng tôi đã cố gắng học từng chút một và tháng 12 năm 2014 tôi đã đỗ được N4, đến tháng 7 năm 2015 đỗ N3 và tháng 7 năm 2016 đỗ N2.

   Vì phòng ký túc xá nơi thực tập khá chật với 4 người một phòng, nên tôi chọn khoảng thời gian khi các bạn đang ngủ để có thể tập trung học tốt nhất. Cụ thể, tôi đi ngủ lúc 11h và thức dậy vào lúc 4h sáng rồi học đến 6h. Không gian học tập của tôi chính là chiếc bàn nhỏ kê cạnh giường. Để tránh không cho ánh sáng rọi vào làm phiền các bạn ngủ, tôi dùng tấm vách để ngăn lại. Ngoài ra những khi cần luyện tập đọc thành tiếng, tôi ra ngoài tiền sảnh rồi luyện tập ngoài hành lang (dù mùa đông rất lạnh). Những giờ nghỉ trưa, tôi cũng tranh thủ học với sổ ghi chép.

Chiếc bàn nhỏ kê cạnh giường là không gian học của tôi

   Về giáo trình học, tôi sử dụng giáo trình Minna no Nihongo (từ bài 26 đến 50, tương đương trình độ N4), đồng thời cũng học trên trang “News web Easy” của NHK. Đây là trang web giới thiệu các bản tin bằng tiếng Nhật đơn giản, lại có phiên âm furigana trên chữ Hán nữa. Tôi học bằng cách đọc các bản tin này trên điện thoại hoặc ipad, rồi luyện đọc thành tiếng ngoài hành lang. Ngoài hai nguồn giáo trình trên, tôi cũng có sử dụng các tài liệu dưới đây.

Dành cho trình độ N3:

“Luyện tập từ vựng N3 – Ghi nhớ từ âm thanh” (Mimikara Oboeru)

“Ngữ pháp Soumatome N3”

“Kanji Look and Learn”

Dành cho trình độ N2 :

“Luyện thi Năng lực Nhật ngữ N2 phần Từ vựng – Shinkanzen Master”

“Luyện tập Từ vựng N2 – Ghi nhớ từ âm thanh” (Mimikara Oboeru)

“Ngữ pháp Soumatome N2”

Ứng dụng Mazi trên internet

mazii https://mazii.net/

mazii https://mazii.net/search?hl=vi-VN

・Tài liệu dùng để ôn luyện ngay trước kỳ thi N2, N3

“Luyện tập triệt để theo từng dạng đề” (Pattern Betsu Tettei Drill)

Vở học tiếng Nhật của tôi

   Khi suy tính về công việc tương lai sau khi về nước, tôi cho rằng một khi đã có cơ hội sinh sống lâu dài tại Nhật Bản thì ngoài việc làm việc để có thu nhập ra, tôi phải cố gắng để nâng cao trình độ tiếng Nhật của mình. Bên cạnh đó, ngoài việc học sách vở, tôi còn tự tạo cho mình nhiều cơ hội để giao tiếp, trò chuyện. Ở nơi làm việc tôi chủ động bắt chuyện với người Nhật, còn những ngày nghỉ tôi cũng giao lưu với nhiều người xung quanh.

Tôi tận dụng cả 30 phút nghỉ trưa ở chỗ làm để học tiếng Nhật (tháng 11/2016)

Tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế

    Được sự giới thiệu của một sempai người Việt tại chỗ làm, vào chủ nhật hàng tuần tôi theo học lớp tiếng Nhật kéo dài 2 tiếng do người Nhật tình nguyện mở ra. Từ ký túc xá đến lớp là một quãng đường xuống dốc, vì vậy tôi di chuyển bằng xe đạp khi đi chỉ mất 30 phút, khi về mất 80 phút. Học viên của lớp học này khoảng 20 người gồm cả thực tập sinh và kỹ sư đến từ nhiều quốc gia như khu vực Đông Nam Á, Nam Mỹ…trong đó người Việt chiếm đại đa số. Ngôn ngữ giao tiếp chung trong lớp là tiếng Nhật, do đó tôi có được cơ hội dùng tiếng Nhật kể cả trong ngày nghỉ.

Tiết học cuối cùng của tôi tại FILS. Các lớp được phân chia theo trình độ, tại đó mọi người sẽ nói tiếng Nhật và nhận được sự hướng dẫn, chỉ dạy của các giáo viên người Nhật. (tháng 5/2017)

    Đây là tổ chức giao lưu quốc tế mang tên Fuji International Lounge (FILS). Hoạt động của FILS không chỉ dừng lại ở việc dạy và học tiếng Nhật mà còn mở rộng sang cả các hoạt động của địa phương như tham gia các lễ hội, ngày lễ Kính lão… Người đại diện của tổ chức – thầy Saito và vợ ông – cô Tamako cũng mở nhiều buổi tiệc trong năm và đưa chúng tôi đi tham quan nhiều nơi. Chúng tôi vẫn luôn gọi thầy và cô là “Bố” và “Mẹ”.

Buổi giao lưu tất niên của FILS với khoảng 100 người gồm cả người Nhật và người nước ngoài (tháng 12/2016)

Lời nhắn gửi đến các kouhai

   Có rất nhiều người Nhật hiền lành và tốt bụng. Họ có tinh thần trách nhiệm rất cao và luôn khắt khe với bản thân mình để làm việc theo kế hoạch. Ngoài ra, phong cảnh của nước Nhật vô cùng xinh đẹp, hệ thống giao thông công cộng như đường sắt cũng phát triển mạnh nên rất tiện lợi. Bên cạnh đó, các món ăn thuần Nhật đặc biệt là món Sushi cũng cực kỳ ngon. Vì lẽ đó tôi cảm thấy hành trình đến với Nhật Bản của mình thật sự đáng giá.

Cùng các bạn thực tập sinh đồng hương người Việt tại một công viên gần ký túc xá (tháng 4/2017)

   Nhờ những trải nghiệm và nỗ lực không ngừng, tôi đã tìm được việc làm ở một công ty tốt sau khi về nước. Tại đây, không chỉ ứng dụng được những kiến thức thời đại học cũng như vốn tiếng Nhật và văn hóa làm việc mà tôi đã học được trong thời gian thực tập, tôi còn còn học hỏi được rất nhiều điều từ công việc mỗi ngày. Được làm việc cho một công ty tốt như vậy, bản thân tôi với vai trò một người chồng và người cha của con gái vừa chào đời cũng cảm thấy vô cùng an tâm. Các bạn có dự định sang Nhật sắp tới đây, mong các bạn hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng, sử dụng hợp lý và hiệu quả thời gian của mình khi ở Nhật và chủ động trau dồi cho bản thân mình những hành trang hữu ích nhất cho quãng đường đời về sau. Tôi sẽ luôn cổ vũ các bạn!