Du lịch - ăn uống

★ Thông tin cơ bản: Chính trị – Kinh tế Nhật Bản

220126_国会_pixta_63400075_M
28/01/2022

Ở Nhật Bản, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, các đại biểu quốc hội được lựa chọn bằng cách bầu cử. Quốc hội sẽ chỉ định “Naikaku sori daijin”- thủ tướng từ một trong những thành viên Quốc hội. Bài viết này sẽ giới thiệu một cách khái về hệ thống chính trị và lịch sử kinh tế của Nhật.

3 nguyên tắc trong Hiến pháp Nhật Bản

Nền chính trị của Nhật được tổ chức dựa trên Hiến pháp. Đây là chế độ “Quân chủ lập hiến”. Hiến pháp Nhật Bản có 3 nguyên tắc sau đây.

・ Nhân dân làm chủ
・ Tôn trọng nhân quyền cơ bản
・ Chủ nghĩa hoà bình

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước

Phòng họp chính của toà Nghị sự Quốc hội

Chủ nghĩa dân chủ theo chế độ nghị viện

Hiến pháp Nhật Bản quy định rằng “Quyền làm chủ thuộc về nhân dân”. Đây gọi là “nhân dân làm chủ”.

Quyền làm chủ là “quyền quyết định cuối cùng về việc tổ chức chính trị như thế nào”. “Nhân dân làm chủ” có nghĩa là nhân dân nắm quyền quyết định cuối cùng về các vấn đề liên quan đến chính trị. Cụ thể, trong Quốc hội, với tư cách là đại diện của nhân dân – các thành viên của quốc hội được bầu bởi nhân dân (người nắm quyền) sẽ quyết định luật pháp và ngân sách. Vì thế, Hiến pháp quy định “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước”.

Hệ thống mà nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua nghị viện được gọi là “Chủ nghĩa dân chủ theo chế độ nghị viện”.

Đặc trưng của Quốc hội Nhật Bản

・ Chế độ lưỡng viện: Thượng viện (Tham nghị viện) và Hạ viện (Chúng nghị viện)
・ Nghị sĩ trong cả hai viện đều được nhân dân trực tiếp bầu ra.
・ Người nước ngoài không thể trở thành nghị sĩ.

Chế độ “Thiên hoàng là biểu tượng”

Nhân dân được nắm quyền làm chủ từ khi Hiến pháp hiện hành được thiết lập vào sau chiến tranh thế giới thứ II. Trong Hiến pháp trước khi xảy ra chiến tranh, người nắm quyền là Thiên hoàng. Trong hiến pháp hiện nay, Thiên hoàng là “biểu tượng của đất nước Nhật Bản”.

・ Chế độ cha truyền con nối
・ Thiên hoàng không có quyền lực liên quan đến chính trị, chỉ thực hiện những “công việc nhà nước” dưới sự tư vấn và phê duyệt của Nội các.

Chế độ nghị sĩ Nội các

Vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nên “Nội các” – cơ quan quản lý hành chính (hành pháp) nằm dưới sự kiểm soát của Quốc hội.

・ Quốc hội chỉ định người đứng đầu Nội các là “Naikaku sori daijin” (Thủ tướng) trong số những thành viên Quốc hội, lập ra Nội các.

・ Thủ tướng phải chọn ra hơn 50% thành viên của Nội các từ các thành viên Quốc hội.

・ Thủ tướng và Nội các cùng chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Như vậy, chế độ này gọi là “Chế độ nghị sĩ Nội các”. Hạ viện có thể bỏ phiếu không tín nhiệm Nội các. Trong trường hợp đó, Nội các sẽ đồng loạt từ chức hoặc thủ tướng sẽ giải tán Hạ viện.

Hành chính

Tòa Nghị sự Quốc hội (bên phải) và khu vực tập trung các cơ quan chính phủ của Nhật Bản (phía trước bên trái)

・ Nội các phụ trách các công việc hành chính. Cụ thể là thực hiện các chính sách dựa trên luật pháp và ngân sách do Quốc hội quy định.

・ Nội các đệ trình các dự thảo luật và ngân sách cho Quốc hội, kí kết các hiệp ước.

・ Thành viên của Nội các (Bộ Trưởng) chỉ đạo và giám sát với tư cách là người đứng đầu mỗi cơ quan hành chính của đất nước. Cơ quan hành chính của Nhật Bản bao gồm Văn phòng Nội các và 12 bộ.

Tam quyền phân lập

Hiến pháp Nhật Bản chia quyền lực chính trị thành ba phần: lập pháp – Quốc hội thực hiện, hành pháp – Nội các đảm nhiệm, tư pháp – Toà án phụ trách. Ngoài ra còn có một hệ thống trong đó ba cơ quan quyền lực kiểm soát lẫn nhau.

・ Quốc hội (Quyền lập pháp) → Nội các (Quyền hành pháp): Chế độ nghị sĩ Nội các, đưa ra nghị quyết không tín nhiệm Nội các.

・ Nội các → Quốc hội: Có quyền cho giải tán Hạ viện (Thủ tướng)

・ Quốc hội → Toà án (Quyền tư pháp): Quốc hội có thể mở phiên toà xét xử và buộc tội thẩm phán đã phạm tội.

・ Toà án → Quốc hội: Tòa án có quyền thẩm định luật pháp do Quốc hội ban hành có vi phạm Hiến pháp hay không.

Quyền tự trị tại các địa phương

Toà thị chính của địa phương

・ Nhật Bản có 47 tỉnh thành với khoảng 1700 thành phố, quận, huyện v.v. Các tỉnh, thành phố, quận, huyện và 23 quận trong Tokyo được gọi là “Chiho kokyo dantai – Tập thể công cộng địa phương” hoặc “Chiho jichi tai – Thể tự trị địa phương”.

・ Mỗi chính quyền địa phương có một số quy định riêng, chẳng hạn như cách xử lý rác, dịch vụ y tế – phúc lợi v.v. Một số quy định có hiệu lực tương tự như luật. Đây được gọi là “Sắc lệnh”. Sắc lệnh do hội đồng địa phương ban hành và chỉ áp dụng cho chính quyền địa phương đó.

Kinh tế Nhật Bản

Đồ điện gia dụng được dùng phổ biến vào thời kì tăng trưởng kinh tế cao độ của Nhật

Tăng trưởng kinh tế cao độ

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, từ năm 1955 đến năm 1973, tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế của Nhật Bản đã vượt mức bình quân 10% hàng năm, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh (tăng trưởng kinh tế cao) chưa từng có ở các nước khác. Trong thời kỳ này đã xảy ra những điều sau đây.

・ Chuyển đổi năng lượng từ than đá sang dầu mỏ
・ “Kế hoạch nhân đôi thu nhập” của Nội các vào thời điểm đó
・ Cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ (sản phẩm làm từ sợi tổng hợp, nhựa, thiết bị gia dụng v.v.)
・ Mở rộng tổ hợp hoá dầu
・ Ô tô cá nhân được phổ biến
・ Cách mạng phân phối, lưu thông hàng hoá (sự phát triển của hệ thống siêu thị v.v.)

Thu nhập của người dân tăng lên, tủ lạnh, máy giặt, tivi đen trắng, điện thoại v.v. trở nên phổ biến, đời sống nhân dân ngày càng ấm no. Tuy nhiên, ở Nhật cũng nảy sinh một số vấn đề như giá cả tăng cao, tình trạng quá tải ở các khu vực đô thị, dân số giảm ở các vùng nông thôn và ô nhiễm môi trường. Mức tăng trưởng cao đã bị dừng lại bởi cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973.

Kinh tế bong bóng

Khách sạn Plaza

Hội nghị Plaza (Plaza Accord) được tổ chức tại khách sạn Plaza ở New York năm 1985 với sự tham gia của các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của 5 nước phát triển (Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức) đã bàn về nội dung “điều chỉnh cân đối cán cân thanh toán quốc tế bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối”. Theo Hiệp định Plaza này, giá trị của đồng yên đã tăng lên so với mức giá thấp trước đây, đồng đô la Mỹ cũng không cao như trước nữa.

Theo Hiệp định, giá “1 đô la = 230 yên” trước khi có thỏa thuận trở thành “1 đô la = 120 yên” vào cuối năm 1987. Kết quả là, các công ty Nhật Bản đã mở rộng ra nước ngoài, một nền kinh tế bùng nổ được gọi là “nền kinh tế bong bóng” ra đời.

Tình hình hiện nay

Trong bảng xếp hạng GDP năm 2020, Nhật Bản đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, gấp gần 15 lần so với Việt Nam (thứ 38).

Được bao quanh bởi biển nên Nhật Bản có nguồn thủy sản dồi dào, nhiều núi nên tài nguyên rừng tương đối phong phú. Tuy nhiên, do khan hiếm tài nguyên khoáng sản nên Nhật phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu và năng lượng. Ngoài các ngành công nghiệp nặng như thép, máy móc và ô tô, các ngành công nghiệp như hóa chất, thuốc, dệt may, thực phẩm và vận tải đang phát triển, kỹ thuật xây dựng nhà cửa và công trình dân dụng (cầu đường) cũng ở đẳng cấp thế giới.