Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17408 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15723 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13242 views
Gặp gỡ sempai số này
OKADA CÚC
Sinh năm 1993 tại Hải Dương Tháng 5/2011: Tốt nghiệp trường THPT Tứ Kỳ 2
Tháng 2/2012: Vào làm việc tại Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (SDVN) thuộc tập đoàn Sumitomo Electric Industries
Tháng 12/2013: Thôi việc tại công ty SDVN
Tháng 6/2014: Vào làm việc tại công ty Sumiden Việt Nam Automotive Wire (SVAW) thuộc tập đoàn Sumitomo Electric Industries
Tháng 10/2015: Thôi việc tại công ty SVAW, vào học tại công ty phái cử
Tháng 7/2016: Sau quá trình tập huấn, bắt đầu thực tập kĩ năng tại tỉnh Nara
Tháng 7/2019: Kết thúc chương trình thực tập kĩ năng
Tháng 5/2019: Kết hôn với đồng nghiệp người Nhật ở công ty thực tập
Tháng 9/2019: Bắt đầu làm bán thời gian tại đơn vị có quan hệ với công ty thực tập
OKADA CÚC
Sinh năm 1993 tại Hải Dương Tháng 5/2011: Tốt nghiệp trường THPT Tứ Kỳ 2
Tháng 2/2012: Vào làm việc tại Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (SDVN) thuộc tập đoàn Sumitomo Electric Industries
Tháng 12/2013: Thôi việc tại công ty SDVN
Tháng 6/2014: Vào làm việc tại công ty Sumiden Việt Nam Automotive Wire (SVAW) thuộc tập đoàn Sumitomo Electric Industries
Tháng 10/2015: Thôi việc tại công ty SVAW, vào học tại công ty phái cử
Tháng 7/2016: Sau quá trình tập huấn, bắt đầu thực tập kĩ năng tại tỉnh Nara
Tháng 7/2019: Kết thúc chương trình thực tập kĩ năng
Tháng 5/2019: Kết hôn với đồng nghiệp người Nhật ở công ty thực tập
Tháng 9/2019: Bắt đầu làm bán thời gian tại đơn vị có quan hệ với công ty thực tập
Lời giới thiệu
Trong thời gian thực tập kĩ năng, chị Cúc được một nam đồng nghiệp người Nhật cầu hôn. Sau khi kết hôn, chị tiếp tục ở lại Nhật Bản sinh sống. Chúng ta hãy cùng xem tại sao chồng chị Cúc lại muốn được kết hôn với chị qua câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm của chị nhé.
Định hướng phát triển sự nghiệp bằng con đường thực tập kĩ năng
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi làm việc tổng cộng khoảng 3 năm tại 2 công ty của Nhật Bản tại quê nhà. Cả hai công ty (SDVN và SVAW) đều là công ty con của tập đoàn Sumitomo Electric Industries, sản xuất linh kiện điện cho xe ô tô. Công việc của tôi ở cả hai công ty đều là kiểm tra sản phẩm, nhưng do trong công ty có đồng nghiệp từng đi thực tập kĩ năng tại Nhật Bản, nên tôi cũng “muốn được đến Nhật”, “muốn thử học tiếng Nhật”, và đã sang Nhật Bản để thực tập kĩ năng. Mục tiêu ban đầu của tôi là sau khi về nước, với tiếng Nhật học được, sẽ quay về làm việc cho tập đoàn Sumitomo Electric Industries ở vị trí tốt hơn.
Số tiền trả cho công ty phái cử
Nhờ đồng nghiệp cũ giới thiệu, tôi chọn một công ty phái cử ở Hà Nội và học tập ở đó 6 tháng trước khi sang Nhật. Tôi trả cho công ty phái cử tổng số tiền khoảng 200.000.000 VND, bao gồm phí dịch vụ phái cử, tiền kí túc xá, tiền ăn và tiền học v.v... và chỉ mang theo người 3 vạn yên tiền mặt đi sang Nhật. Tính cả đồ mà cha mẹ chuẩn bị cho tôi mang theo khi đi Nhật, tổng số tiền vay nợ của gia đình tôi là khoảng 260.000.000 VND. Sau 18 tháng thực tập kĩ năng, tôi mới trả hết được khoản nợ này.
【Lời khuyên của Ban biên tập】
Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, học phí cho phần đào tạo tiếng Nhật trước khi thực tập kĩ năng, tương đương khoảng 520 giờ học không quá 5.900.000 VND, còn phí dịch vụ phái cử không quá 3.600 USD (đối với trường hợp hợp đồng 3 năm). Ngoài ra, chi phí đi lại để sang Nhật và về nước sẽ do đơn vị tiếp nhận thực tập sinh (công ty tiếp nhận thực tập) chi trả. Trường hợp bị thu vượt các mức phí quy định này, các bạn hãy xác nhận thật kĩ nội dung và yêu cầu cấp hoá đơn đầy đủ. Ngoài ra, nếu bị yêu cầu chi trả những khoản chi phí không rõ ràng thì hãy xem xét lựa chọn công ty phái cử thực tập khác nhé.
※Về những điểm cần lưu ý khi lựa chọn công ty phái cử, xin tham khảo bài viết dưới đây:
[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Số đặc biệt:Chi phí trả cho các công ty phái cử khác nhau đến mức nào/So sánh chi tiết
Làm các món ăn truyền thống trong thời gian thực tập
Tháng 8/2016, tôi vào làm việc tại một công ty chế biến và kinh doanh thực phẩm ở tỉnh Nara. Đây là công ty chế biến và kinh doanh món sushi truyền thống của tỉnh Nara gọi là “Kakinohazushi” (sushi lá cây hồng). Công việc của tôi tại xưởng bao gồm những việc như gói sushi vào lá hồng.
Tôi vào công ty này cùng đợt với 2 bạn cùng công ty phái cử, chúng tôi là những thực tập sinh người Việt đầu tiên ở đây. Ở công ty này đã có 6 thực tập sinh người Trung Quốc, tính cả chúng tôi thì xưởng này có khoảng 20 người. Ngoài công việc gói lá hồng, chúng tôi còn làm sushi cá thu nướng hay Chirashizushi (cơm sushi ở trên có phủ nhiều loại thực phẩm khác nhau) và đóng vào hộp bento.
Sổ tay thu chi của tôi (tính bình quân 1 tháng)
※ 100 yên = 21.876 VND (theo tỉ giá ngày 14/04/2020)
※ Các khoản thu chi cho đến khi trả được hết nợ
Lương về tay (100.000 yên)
Lương về tay | 100.000 yên ※ Đây là khoản tiền về tay sau khi trừ thuế, bảo hiểm và tiền kí túc xá ※ Trong các khoản đã khấu trừ, tiền kí túc xá là 16.000 yên (kí túc xá là phòng riêng) ※ Hầu như không có làm thêm giờ |
Chi phí (tổng cộng 20.000 yên)
Tiền điện, nước, ga | 6.000 yên ※ Tiền điện, tiền nước, tiền ga |
Wi-Fi | 600 yên ※ Chia đều theo số người dùng chung |
Tiền ăn | 8.000 ~ 8.500 yên ※ Chủ yếu là tự nấu (mang theo cơm hộp bento để ăn trưa) |
Chi phí lặt vặt | 5.000 yên ※ Tiền mua quần áo và thỉnh thoảng lắm thì ăn ngoài |
Khoản chênh lệch - Tiền để dành được (Trung bình khoảng 80.000 yên)
※ Gửi tiền về nhà 2 tháng một lần, mỗi lần 16 vạn yên
※ Tiền nợ nhiều nên cho đến khi trả được hết nợ, tức là khoảng 1 năm rưỡi, tôi hầu như không đi đâu chơi.
Học tiếng Nhật và giao lưu với người Nhật
Vì mục tiêu của tôi là phát triển sự nghiệp, nên sau khi đi làm về, mỗi tối tôi đều học 2 tiếng tại kí túc xá. Sau khi sang Nhật được 2 năm, tôi đỗ kì thi Năng lực tiếng Nhật trình độ N3. Ngoài ra, Chủ Nhật hằng tuần tôi còn đi học tiếng Nhật ở lớp miễn phí tại trung tâm văn hoá cộng đồng do các tình nguyện viên dạy, mỗi buổi 2 tiếng. Ở đây, tôi học rất nghiêm túc và được chọn phát biểu trong cuộc thi hùng biện của lớp.
Không chỉ vậy, hầu hết 100 học sinh tại lớp tiếng Nhật miễn phí đều là người Việt, nên tôi còn được giao lưu với thực tập sinh của các công ty khác. Chúng tôi cùng nhau đi chơi, tổ chức ăn uống nên tôi có thêm rất nhiều bạn bè.
Gặp gỡ và kết hôn với chồng người Nhật
Sau khi sang Nhật được 1 năm, vào tháng 9/2017, một nhân viên nam người Nhật hơn tôi 2 tuổi vào làm cùng xưởng với tôi. Hiện giờ, anh phụ trách phát triển sản phẩm kinh doanh nhưng khi mới vào công ty cũng bắt đầu với công việc gói món Kakinohazushi. Trong các thực tập sinh, tôi là người nói tiếng Nhật khá nhất nên tôi được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho anh cách gói lá hồng hay cách dọn vệ sinh v.v… Vì vậy, chúng tôi thường trao đổi về công việc, thế rồi anh đề nghị kết nối với tôi qua LINE, và chúng tôi bắt đầu liên lạc với nhau bằng LINE ngoài giờ làm việc. Từ những câu chuyện như “Chào em, em đang làm gì vậy?”, “Em đang học ạ", chúng tôi bắt đầu hẹn hò, cùng nhau ăn uống hay lái xe đi chơi.
Tôi từng đọc khá nhiều câu chuyện trên Facebook kiểu như “Trong thời gian thực tập, dù có yêu đương với người Nhật thì đến khi về nước cũng chấm dứt liên lạc thôi”. Tuy nhiên, tháng 2/2018, anh ấy nói với tôi rằng “Sau khi em thực tập xong, mình kết hôn nhé”. Thế là tháng 5/2019, chúng tôi đăng kí kết hôn tại Nhật Bản và chụp ảnh kỉ niệm. Về chuyện lấy chồng người Nhật, lúc đầu, mẹ tôi bảo “Mẹ muốn con về Việt Nam", nhưng sau nhiều lần trò chuyện qua điện thoại, mẹ cũng chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi. Chúng tôi dự định tháng 2/2020 sẽ tổ chức hôn lễ tại quê hương tôi, nhưng do ảnh hưởng của vi-rút corona chủng mới, đám cưới của chúng tôi đã phải hoãn lại.
Cuộc sống tại gia đình nhà chồng sau khi kết hôn
Chúng tôi sống cùng nhà với bố mẹ và em gái của chồng tôi. Tôi đã đề nghị với chồng chuyện về sống chung vì nghĩ rằng như vậy sẽ khiến cha mẹ anh ấy vui lòng. Hằng ngày, tôi cùng với mẹ chồng nấu nướng, và những khi công việc tại khách sạn thương mại mà mẹ chồng tôi kinh doanh trở nên bận rộn, tôi lại giúp bà việc thay khăn trải giường. Mẹ chồng đối xử với tôi rất tốt, chúng tôi cùng đi mua sắm và cùng nhau ăn trưa ngoài quán. Sinh nhật chồng, tôi làm các món nem rán, trứng cuộn thịt rán, gà rán, rau trộn củ quả để mời cả nhà cùng ăn. Ngày nghỉ, cả gia đình thường hay cùng nhau đi du lịch, xem pháo hoa, đi ăn các món ăn ngon, cuộc sống gia đình chúng tôi luôn vui vẻ.
【Phỏng vấn】Nội dung phỏng vấn anh Okada Takuya, chồng chị Cúc
Ban biên tập đã phỏng vấn xem anh Odaka thấy chị Cúc thu hút ở những điểm nào?
・Xin anh kể về lần đầu tiên gặp chị Cúc
―― Khi làm việc, chúng tôi mặc đồ trắng, đeo khẩu trang và trùm kín đầu nên chẳng nhìn thấy gì ngoài cặp mắt, nhưng khi các thực tập sinh nói chuyện thì tôi sẽ nhận ra là người nước ngoài. Tuy nhiên, riêng có mình Cúc là nói tiếng Nhật giỏi, lại thạo công việc nên ban đầu tôi cứ tưởng cô ấy là người Nhật. Làm việc được khoảng 1, 2 tuần, khi tôi hỏi tên thì mới biết cô ấy là người Việt.
・Do đâu mà anh chị bắt đầu hẹn hò với nhau?
―― Tiếng Nhật của cô ấy đủ để trò chuyện, vẻ ngoài lại dễ thương nên tôi nhắn tin qua LINE và mời cô ấy đi ăn.
・Yêu nhau thời gian chưa nhiều mà anh chị đã quyết định kết hôn nhỉ.
―― Hồi mới yêu nhau và trò chuyện, tôi nhận thấy cô ấy là người biết quan tâm đến gia đình, tính cách lại vui vẻ và tốt bụng. Ngoài ra, mặc dù dậy từ 3 giờ sáng, rồi làm công việc thực tập từ 4 giờ sáng đến tận 1 giờ chiều nhưng ngày nào cô ấy cũng dành 2 tiếng đồng hồ để học tại kí túc xá, Chủ Nhật còn đi đến lớp học tiếng Nhật nữa. Nỗ lực hơn người của cô ấy đã lôi cuốn tôi.
・Cô ấy làm dâu ra sao?
―― Cô ấy rất chu đáo và chịu khó làm việc nhà. Mẹ tôi quý cô ấy lắm, hai người thường cùng nhau đi mua sắm và ăn trưa cùng nhau nữa. Cô ấy dễ mến, lại rất quan tâm đến cha mẹ tôi nên rất được mẹ tôi yêu quý.
Bài viết liên quan
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí
“Lớp tiếng Nhật tình nguyện" đã giúp ích rất nhiều cho du học sinh và thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với những ai học ở các lớp này vẫn thấy chưa đủ, hoặc không có lớp học như vậy ở gần nơi mình sinh sống thì nên làm thế nào? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về Lotus Works, tổ chức pháp nhân phi lợi nhuận đang tổ chức các lớp học một thầy một trò online miễn phí. Lớp học một thầy một trò qua điện thoại video Giáo viên tình nguyện nói chuyện với học sinh qua mạng Hoạt động tình nguyện do một phụ nữ nội trợ gây dựng Lotus Works là pháp nhân phi lợi nhuận do một phụ nữ nội trợ ở Tokyo đứng ra kêu gọi “làm điều gì đó để giúp đỡ người Việt đang làm việc tại Nhật Bản" và tập hợp các giáo viên tình nguyện dạy tiếng Nhật qua mạng (bằng điện thoại video) cho thực tập sinh kỹ năng hoặc kỹ sư người Việt Nam. Tổ chức bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2013. Các giờ học của Lotus Works gồm có hội thoại, ngữ pháp, kanji, từ vựng, mỗi tuần 1 đến 2 buổi (mỗi buổi 45 phút). Có học sinh dùng máy tính bảng để học, nhưng cũng có cả học sinh học bằng điện thoại di động. Mục tiêu của tổ chức là giúp mọi người học tiếng Nhật để không gặp khó khăn trong cuộc sống ở Nhật và trong công việc, lấy phương pháp luyện thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) làm trọng tâm. Học một thầy một trò miễn phí Lớp học được tổ chức dưới hình thức một thầy một trò, thông qua Skype hoặc Messenger. Thông thường, mỗi học sinh học 2 buổi/tuần, 2 giáo viên mỗi người phụ trách một buổi. Giáo viên sẽ giao bài tập cho học sinh và buổi tiếp theo sẽ phải nộp bài, như vậy, những ngày không có buổi học, học sinh cũng sẽ cần phải học. Trên mạng có nhiều lớp học online có mất phí do các công ty cung cấp, nhưng lớp học của Lotus Works thì hoàn toàn miễn phí. Sau khi nộp bài qua mạng (trái), giáo viên sẽ chấm bài và chữa bài (phải). Địa chỉ liên hệ Nếu muốn đăng ký tham gia học online miễn phí, bạn hãy liên hệ với Lotus Works trên trang web. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Lotus Works ↑↑Phần cuối trang có mục “Hòm thư góp ý”, bạn có thể đăng ký học thông qua mục này. Thành tích của Lotus Works Tính đến tháng 3/2024, đã có tổng cộng 385 sempai thực tập sinh kỹ năng hoặc kỹ sư học tiếng Nhật với Lotus Works. Trong số đó, nhiều sempai đã đỗ chứng chỉ Năng lực tiếng Nhật (JLPT). N1 N2 N3 N4 Dự thi Đỗ Dự thi Đỗ Dự thi Đỗ Dự thi Đỗ Năm 2015 - - - - 11 5 8 4 Năm 2016 - - - - 36 19 9 7 Năm 2017 - - - - 26 12 0 6 Năm 2018 - - - - 17 5 5 5 Năm 2019 - - - - 22 8 17 6 Năm 2020 - - 2 2 15 8 3 2 Năm 2021 1 0 17 4 13 9 3 1 Năm 2022 5 0 21 7 10 8 6 2 Năm 2023 5 2 22 9 10 4 6 5 Tổng cộng 11 2 62 22 160 78 67 38 Đội ngũ giáo viên của Lotus Works Cựu học sinh đã về nước liên hoan với các giáo viên sống tại Hà Nội Vào thời điểm tháng 1/2024, Lotus Works có 85 giáo viên tình nguyện (20~76 tuổi). Hầu hết các giáo viên đều là người Nhật, có cả giáo viên nam và nữ. Các giáo viên sống ở rất nhiều nơi khác nhau, có 10 giáo viên hiện đang sống ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Thỉnh thoảng các giáo viên gặp nhau để trao đổi thông tin, giao lưu với học sinh. Cô giáo tình nguyện dạy thực tập sinh kỹ năng ở Kobe Học sinh của tôi (nữ giới) là thực tập sinh kỹ năng ngành điều dưỡng. Tôi cũng làm điều dưỡng nên ngoài tiếng Nhật thông dụng, tôi dạy cho học sinh những từ cần thiết liên quan đến điều dưỡng. Em ấy học mỗi tuần 1 buổi trong suốt một năm và đã vượt qua kỳ thi N2 thành công. Tôi và em ấy sẽ ôn lại toàn bộ kiến thức N2. Khả năng tiếng Nhật của em ấy đã tiến bộ đáng kể nên tôi sẽ tập trung ôn cho em ấy thi kỳ thi trở thành điều dưỡng viên. Cô giáo tình nguyện dạy cho người có kỹ năng đặc định ở Niigata Tôi đang dạy cho Trâm (làm việc ở xưởng bánh kẹo) để thi lấy N3. Tôi và bạn ấy chạc tuổi nhau nên ngoài việc học tiếng Nhật, chúng tôi trò chuyện rất vui về các chủ đề của nữ giới. Thông qua việc trò chuyện, tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống, tính cách của Trâm, chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau. Tôi cũng đang học ngoại ngữ nên tôi đặt mình vào vị trí của bạn ấy và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để dạy. Các sempai từng học với Lotus Works Thực tập sinh sempai từng học với Lotus Works Sempai 1 (Thực tập sinh kỹ năng, nữ) ・ Năm 2017: Bắt đầu thực tập kỹ năng・ Năm 2018: Đỗ N3・ Năm 2019: Đỗ N2 Tôi (nhân vật trong ảnh trên) từng thực tập kỹ năng tại một nhà máy ở tỉnh Aichi. Mỗi ngày, tôi học khoảng 2 tiếng, còn thứ Bảy, Chủ Nhật thì dành ra hơn 4 tiếng để học. Hồi luyện thi N3, tôi chủ yếu dùng bộ sách “Nihongo soumatome”, còn khi thi N2 thì luyện bằng bộ “Shinkanzen master". Ở chỗ làm, tôi không có cơ hội dùng tiếng Nhật nên việc học với Lotus Works là vô cùng hữu ích. Tôi có thể trò chuyện được với giáo viên nên có thể rèn luyện hội thoại và khả năng nghe tiếng Nhật. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Xem câu chuyện kinh nghiệm thực tế của sempai thực tập sinh kỹ năng này ở đây|KOKORO Sempai 2 (Thực tập sinh kỹ năng, nữ) ・ Năm 2018: Bắt đầu thực tập kỹ năng・ Năm 2020: Đỗ N2 Gần nơi tôi sống không có lớp học tiếng Nhật tình nguyện nên việc học online với Lotus Works rất có ích đối với tôi. Nơi tôi làm là trại nuôi gà nên không có nhiều cơ hội để trò chuyện, vì vậy, được hội thoại với giáo viên của Lotus Works và làm bài tập là những dịp rất quý báu để tôi được tiếp xúc với tiếng Nhật. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Xem câu chuyện kinh nghiệm thực tế của sempai thực tập sinh kỹ năng này ở đây|KOKORO Tổng kết Lotus Works tổ chức các lớp dạy tiếng Nhật miễn phí qua mạng. Học sinh có thể học bằng điện thoại di động, máy tính bảng hay máy vi tính kết nối Wi-Fi. Chia sẻ của bà Shimizu Ryuko, người đại diện Lotus Works Có rất nhiều thực tập sinh kỹ năng và kỹ sư muốn học tiếng Nhật một cách nghiêm túc. Học tiếng Nhật sẽ giúp các bạn trò chuyện được với sempai hoặc đồng nghiệp người Nhật và còn có thể tự mình đi du lịch nữa. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng giao lưu thông qua việc dạy tiếng Nhật cho các bạn trẻ người Việt tràn đầy nhiệt huyết sang Nhật nhưng ngôn ngữ còn chưa thông tỏ và trở thành những “người ông, người bà, người chị Nhật", giúp các bạn cảm thấy hài lòng khi đến Nhật Bản.
-
〈Tổng hợp bài viết〉Trước khi chọn công ty phái cử hãy biết trước những thông tin này!
Chúng tôi đã tổng hợp những thông tin cần thiết và không thể thiếu để các bạn đang muốn đi thực tập ở Nhật cũng như gia đình của các bạn tham khảo. Tuỳ vào từng công ty phái cử, chi phí phải bỏ ra có thể khác nhau tới vài nghìn đô la. Không những thế, dù đã trả nhiều tiền cho công ty phái cử thì cũng có rất nhiều người nhận mức lương ở Nhật rất thấp. Vì vậy, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn những thông tin thiết yếu để có thể đi Nhật với khoản chi phí hợp lý và có cuộc sống thực tập đầy ý nghĩa. Q1. Trong quá trình thực tập kỹ năng có thể tiết kiệm được bao nhiêu? Đầu tiên, số tiền mà bạn có thể tiết kiệm được trong 3 năm thực tập kỹ năng là khoảng bao nhiêu? ・ Tiền lương tại Nhật mỗi tháng và các chi phí sinh hoạt khoảng bao nhiêu? ・ Trong 3 năm, có thể gửi về Việt Nam bao nhiêu tiền? Để trả lời những câu hỏi trên, một tờ báo của Nhật đã thu thập thông tin từ rất nhiều thực tập sinh kỹ năng người Việt. Số đặc biệt: Thực tập sinh thực sự tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Q2. Có thể hoàn toàn yên tâm với công ty phái cử do người quen giới thiệu!? ・ Đừng chỉ tin vào sự giới thiệu từ người quen, với việc tự mình tìm công ty phái cử, bạn có thể tiết kiệm được vài nghìn đô la chi phí phải trả cho công ty phái cử! ・ Tuỳ từng công ty phái cử mà nội dung học tiếng Nhật, những hỗ trợ sau khi sang Nhật sẽ có sự khác biệt lớn. Có rất nhiều công ty tốt mà chi phí lại thấp, ngược lại, cũng có nhiều công ty chi phí cao mà chất lượng không tốt! Để lựa chọn công ty phái cử cần phải có bí quyết. Báo KOKORO – Tờ báo nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tổng hợp cách tìm công ty phái cử ở Việt Nam. Số đặc biệt: Cách lựa chọn công ty phái cử_01 Q3. Tuỳ từng công ty mà chi phí phái cử khác nhau đến thế sao!? ・ Tuỳ từng công ty phái cử mà chi phí khác nhau tới vài nghìn đô la. Công ty phái cử có chi phí thấp nhất khoảng bao nhiêu? Công ty phái cử có chi phí cao nhất khoảng bao nhiêu? ・ Có rất nhiều trường hợp “Đã trả rất nhiều tiền cho công ty phái cử nhưng mức lương ở Nhật lại thấp”, ngược lại, “Đã trả ít tiền cho công ty phái cử nhưng lương ở Nhật lại cao hơn mức trung bình”. ・ Vậy thì, các công ty phái cử có chi phí khác nhau như vậy là vì sao? Câu trả lời cho những câu hỏi và hiện tượng trên nằm trong bài viết này. Số đặc biệt: Phí trả cho công ty phái cử khác nhau đến mức nào Văn hoá Nhật Bản Cuối cùng, các bạn hãy thoả sức tìm hiểu sự khác nhau trong văn hoá Việt Nam và Nhật Bản nhé. Chủ đề lần này là: ・ Lau đũa trong quán ăn là kỳ lạ?・ Người Nhật thường không gọi điện cho bố mẹ?・ Người Nhật ghét cho mượn điện thoại? Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_18 Tổng kết ・ Với việc tự mình tìm công ty phái cử, bạn có thể tiết kiệm được vài nghìn đô la chi phí phải trả cho công ty phái cử. ・ Tuỳ vào từng công ty phái cử mà nội dung học tiếng Nhật, những hỗ trợ sau khi sang Nhật có sự khác biệt lớn. ・ Có rất nhiều công ty phái cử tốt mà chi phí lại thấp, cũng có công ty phái cử chi phí cao song chất lượng không tốt! ・ Có rất nhiều trường hợp “Đã trả rất nhiều tiền cho công ty phái cử nhưng mức lương ở Nhật lại thấp”. Lần này, chúng tôi đã giới thiệu các bài viết liên quan đến những thông tin nêu trên. KOKORO là trang web nhận được hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Các bạn hãy tìm hiểu thông tin trong các bài viết của KOKORO và tự mình tìm công ty phái cử nhé.
-
Kết hôn quốc tế_Phần 2
Lần trước, chúng tôi đã giới thiệu 4 cặp vợ chồng Nhật - Việt gặp gỡ ở Nhật. Trong số này chúng tôi xin giới thiệu 4 cặp đã gặp gỡ nhau ở Việt Nam. Kết hôn với cấp trên ở công ty Nhật Bản Chị Châu (sinh vào thập niên 1980) tốt nghiệp Khoa tiếng Nhật, trường Đại học Ngoại ngữ ở Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, chị vào làm việc tại một công ty Nhật Bản vào năm 2005. Vì tính chất công việc nên chị thường xuyên phải liên lạc, báo cáo với một anh cấp trên qua thư điện tử hoặc tin nhắn và đôi khi, người cấp trên cũng có những tin nhắn ít liên quan tới công việc. Một hôm, do hiểu nhầm nội dung tin nhắn của chị, anh tìm tới tận nơi chị sống để hỏi và nhân tiện mời chị đi uống cà phê. Và từ đó, hai người bắt đầu tìm hiểu nhau. Vì anh cũng nói được tiếng Việt nên câu chuyện giữa hai người thường xuyên diễn ra bằng cả 2 thứ tiếng.Vài tháng sau, chị mời anh về nhà chơi và gặp bố mẹ. Ở Việt Nam thì việc mời bạn trai hay bạn gái tới nhà chào cha mẹ cũng là điều bình thường nhưng sau này anh cho chị biết “Người Nhật thì chỉ khi nào có ý định kết hôn với nhau thì mới mời về chào cha mẹ”. Vì thế mà anh đến thăm và chào bố mẹ chị với tâm thế là sẽ kết hôn. Do anh nói được tiếng Việt, nên dễ dàng trò chuyện và được bố mẹ chị quý mến. Sau đó hai người hứa hôn, cha mẹ anh cũng sang thăm Việt Nam và đến chào cha mẹ chị. Năm 2006, một năm sau khi quen nhau, anh chị kết hôn và năm 2009, sau khi anh hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, gia đình anh chị giờ có 3 người, chuyển về Nhật sinh sống. Sau đó, anh chị sinh thêm một bé nữa và giờ gia đình nhỏ 4 người của chị Châu sống hạnh phúc vui vẻ. Khi sang Nhật chị cũng tìm được việc làm hợp ý. Chị học hỏi thêm được nhiều điều về xã hội Nhật thông qua những bạn bè người Nhật ở xung quanh do cùng gửi con nhà trẻ và bạn người Việt Nam thông qua mạng xã hội Facebook. Nhờ đó mà cuộc sống của chị ở Nhật ngày càng phong phú hơn. Kết hôn với đồng nghiệp quen trong thời gian làm việc ngắn hạn Chị Thủy (quê ở Hà Nội) là giáo viên tại một trường đại học ở Việt Nam. Khoảng năm 2000, một nam giáo viên người Nhật được cử đến làm giáo viên tại trường của chị theo một dự án của cơ quan hành chính độc lập của Nhật Bản và anh chị đã quen nhau. Chị Thủy tốt nghiệp khoa tiếng Nhật nên tiếng Nhật của chị rất giỏi. Sau thời gian giảng dạy ngắn hạn, anh trở về Nhật. Năm 2001, chị Thủy đi công tác ở Nhật và trong thời gian ở Nhật, anh chị gặp lại nhau. Anh thường xuyên tới thăm chị và hai người thường hẹn hò, đi ăn, đi du lịch với nhau. Ngày chị Thủy kết thúc chuyến công tác về nước, anh cùng đi chuyến máy bay để đưa chị về Việt Nam và khi tới nơi, anh chính thức cầu hôn. Năm 2002, anh chị kết hôn và tổ chức đám cưới ở Việt Nam. Cha mẹ và bạn bè của anh từ Nhật cũng sang Việt Nam chúc mừng anh chị. Sau đó vài tháng, anh chị trở về Nhật và tổ chức đám cưới một lần nữa ở Nhật. Cha mẹ chị Thủy không hề phản đối việc chị kết hôn với người nước ngoài vì khi còn trẻ ông bà cũng đã từng du học nước ngoài. Nhiều khi có những tranh luận hoặc bất đồng ý kiến do khác biệt về văn hóa nhưng anh chị luôn tôn trọng giá trị quan của nhau và luôn trao đổi kỹ với nhau. Anh chị có với nhau một cô con gái. Để cho con có thể nói được tiếng Việt, chị luôn cố gắng tạo nhiều nhiều dịp như dẫn con đi cùng mỗi khi có dịp tụ họp với bạn bè người Việt, đưa con về Việt Nam hoặc nấu món ăn Việt để cháu có thể nói tiếng Việt. Tuy chưa nói được nhiều nhưng con gái chị đều tích cực nói tiếng Việt mỗi khi có dịp. Kết hôn với anh họ của chồng bạn thân Chị Bảo Nghi (Quê Bà Rịa, sinh năm 1977) có một người bạn thân đi du học Nhật Bản và kết hôn với người Nhật. Sau đó, vợ chồng người bạn trở về Việt Nam và lập công ty. Anh chồng của bạn Bảo Nghi có nhờ một người em họ sang giúp công việc kinh doanh ở Việt Nam và Bảo Nghi cũng hay đến công ty của người bạn và đã gặp người em họ của chồng bạn tại đây (Khoảng năm 2010). Vì người em họ kia không biết tiếng Việt nên bạn của Bảo Nghi thường nhờ chị làm phiên kiêm hướng dẫn mỗi khi anh muốn đi chơi vào cuối tuần bằng xe máy hoặc mỗi khi công ty tổ chức đi chơi xa. Bảo Nghi nói tiếng Nhật giỏi vì học ngành Nhật Bản tại khoa Đông phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau đó, hai người có thêm nhiều dịp gặp gỡ và dần dần hẹn hò với nhau. Tháng 7/2011, anh thôi việc tại công ty của người anh họ ở Việt Nam và trở về Nhật. Hai người tiếp tục giữ liên hệ qua skype. Vào tháng 11 cùng năm, anh trở lại Việt Nam và cầu hôn. Bảo Nghi đã nhận lời. Ban đầu, cha mẹ Bảo Nghi cũng phản đối vì lo ngại “dù có nói được tiếng Nhật nhưng ở nước ngoài không có gia đình thân thích thì vất vả lắm”. Bản thân chị cũng băn khoăn khi nghĩ tới việc phải thôi công việc yêu thích đã làm trong nhiều năm. Nhưng cuối cùng, vượt qua những khó khăn, anh chị đã kết hôn vào tháng 8/2012. Một năm sau, chị sang Nhật và hiện nay anh chị có một bé gái 5 tuổi và sống hạnh phúc với nhau, chị cũng tìm thấy công việc phù hợp tại một công ty ở Nhật. Quen nhau qua bạn học cùng lớp tiếng Nhật Sau khi đi làm, chị Hương (sinh năm 1972, quê ở Hà Nội) đi học thêm lớp tiếng Nhật ban đêm. Khoảng năm 2000, người bạn cùng lớp lập một nhóm bạn để thỉnh thoảng đi du lịch, trong đó có một nam giới Nhật Bản hay sang công tác dài hạn tại công ty nơi cô làm việc. Đây một công ty Nhật Bản tiếp nhận một dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Sau này chị Hương và anh kết hôn với nhau, nhưng lúc đó, chị cũng không để ý đến anh lắm do đang có một vài đối tượng khác theo đuổi. Sau khi kết thúc chuyến công tác dài ngày, anh trở về Nhật nhưng thỉnh thoảng vẫn sang Việt Nam và cả nhóm lại đi du lịch, đi ăn uống với nhau. Thỉnh thoảng đi chơi với cả nhóm, các bạn hay trêu đùa “Hai người này hợp nhau đấy” và anh hình như cũng có thích nên 2 người bắt đầu thư từ cho nhau và bắt đầu tìm hiểu nhau lúc nào không hay. Khoảng năm 2004, anh chuyển sang làm việc tại một công ty khác và tự mình sang thành phố Hồ Chí Minh để mở văn phòng đại diện. Phần vì muốn có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở nước ngoài, phần vì có người yêu là chị, đang sống ở Việt Nam. Hai người tiếp tục yêu xa trong một thời gian nhưng nhận thấy không thể tiếp tục như vậy được nữa nên năm 2005 anh quyết định chuyển sang một công ty lớn khác có văn phòng tại Hà Nội và cùng trong năm đó, anh chị kết hôn. Sau khi kết hôn, anh vẫn làm việc tại Hà Nội, chị quyết định thi học khóa thạc sỹ về quản trị kinh doanh tại trường Đại học Ngoại thương ở Hà Nội. Năm 2007 anh về Nhật trước, chị tiếp tục học nốt năm cuối và sau khi tốt nghiệp, chị sang Nhật đoàn tụ gia đình. Năm 2009 anh chị sinh được một cháu trai. Thời gian đầu, vì ít nói tiếng Nhật nên anh chị dùng tiếng Anh là chủ yếu. Khi con trai độ 3 tuổi, nhận thấy cháu có vẻ hơi bị chậm nói nên chị quyết tâm học tiếng Nhật để nói chuyện bằng tiếng Nhật với con. Hiện chị vẫn tiếp tục theo học lớp tiếng Nhật tình nguyện ở địa phương, vui với việc trồng cây, làm đồ thủ công mỹ nghệ mà chị yêu thích, hài lòng với cuộc sống của một phụ nữ nội trợ toàn phần ở Nhật Bản. Tóm lược Trong 2 số liên tiếp, chúng tôi đã giới thiệu 8 cặp kết hôn Việt Nhật và có thể tóm lược lại như sau. ◆ Nơi gặp gỡ, hoàn cảnh gặp nhau (Phần gặp gỡ ở Nhật) 【Tại công ty tiến hành thực tập kỹ năng】 Kết hôn với đồng nghiệp nơi tiến hành thực tập kỹ năng, là người nói được tiếng Nhật giỏi nhất trong số các thực tập sinh kỹ năng nơi làm việc. 【Thông qua trang mai mối kết hôn】 Quen nhau qua trang mai mối kết hôn. Lựa chọn người có trình độ học vấn cao và tính cách tốt. 【Qua lớp học tiếng Nhật】 Gặp nhau tại lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện với tư cách là cô giáo và học sinh. 【Quen nhau tại khóa cao học khi du học】 Kết hôn với bạn đồng khóa tại khóa cao học tại một trường đại học Nhật Bản. Sau khi về nước, hai bên tiếp tục yêu nhau trong xa cách. ◆ Nơi gặp gỡ, hoàn cảnh gặp nhau (Phần gặp gỡ ở Việt Nam) 【Gặp gỡ ở công ty Nhật Bản】 Gặp người cấp trên tại công ty và kết hôn. Do hai bên trao đổi tin nhắn ngoài công việc và do hiểu nhầm một tin nhắn, anh đến mời chị đi uống cà phê. 【Gặp ở nơi làm việc là trường đại học】 Gặp đồng nghiệp là người Nhật được phái cử tới làm giáo viên một thời gian tại trường đại học nơi làm việc. Sau đó, bản thân đi Nhật công tác và 2 bên bắt đầu giai đoạn tìm hiểu nhau. 【Do bạn thân giới thiệu】 Bạn thân kết hôn với người Nhật. Chồng của bạn mời em họ sang làm việc tại Việt Nam, sau đó quen nhau và tiến tới giai đoạn tìm hiểu. 【Quen qua bạn cùng học lớp tiếng Nhật ban đêm】 Do bạn cùng lớp tiếng Nhật rủ nhau đi du lịch, đi ăn uống trong một nhóm có người Nhật sang công tác dài ngày ở Việt Nam rồi tiến tới tìm hiểu nhau. Những dịp gặp gỡ của các cặp vợ chồng Nhật Việt thật ngẫu nhiên và đa dạng. Biết đâu, một ngày nào đó, người bạn đời sẽ đột ngột xuất hiện ở nơi các bạn đang du học, đang thực hành kỹ năng hoặc nơi học tiếng Nhật…Số mệnh quả là không thể đoán trước phải không các bạn.
-
Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_22: Yêu đương không cần nhắn tin mỗi ngày
Tần suất nhắn tin của các cặp đôi yêu nhau ở Nhật ít hơn Việt Nam rất nhiều. Dắt thú cưng đi dạo ở Nhật phải mang vác nhiều đồ lỉnh kỉnh hơn ở Việt Nam… Chúng ta cùng tìm hiểu thêm những điểm khác nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản nhé. (Thạch Long) Yêu đương không cần nhắn tin mỗi ngày Cô em gái của tôi nhăn nhó cáu bẳn, đá thúng đụng nia trong bữa cơm trưa. Hỏi ra mới biết, hoá ra người yêu cô nàng không hiểu vì lý do gì mà quên không nhắn tin “Chúc ngày mới tốt lành em yêu”, và hôm trước thì chỉ “seen” tin nhắn mà không thèm reply. Cô ả bực lắm, mắng anh người yêu vô tâm các kiểu. Câu chuyện như thế này, ở Nhật cũng đôi khi có nhưng nói chung thì không có. Để tôi kể tiếp cho các bạn nghe câu chuyện thứ 2. Cháu gái tôi sinh năm 2000, sang Nhật du học ở thành phố Kyoto rồi yêu một cậu bạn cùng lớp người Nhật. Đáng tiếc, mối tình chỉ kéo dài hơn 2 tháng rồi tan vỡ vì một lý do lãng xẹt: Cô nàng nhắn tin cho người yêu quá nhiều. Gần như ngày nào cũng nhắn, đi đâu cũng nhắn và đòi hỏi được reply sau mỗi lần thủ thỉ tâm sự qua tin nhắn. Đối với đa phần người Nhật mà tôi biết thì công việc luôn quan trọng hơn chuyện tình cảm. Trong quan niệm của người Nhật, nếu chưa thấy bạn gái/bạn trai trả lời tin nhắn, có nghĩa là đối tác đang bận học, bận làm hoặc bận chuyện gì đó quan trọng. Khi nào rảnh sẽ nhắn lại. Cũng chính vì vậy sẽ là vô cùng bình thường khi một cặp đôi yêu nhau ở Nhật chỉ nhắn tin 2-3 lần trong tuần chứ không có chuyện ngày nào cũng nhắn, đi ăn cũng nhắn, đi chơi cũng nhắn… Nếu có người yêu là người Nhật, và để duy trì mối quan hệ yêu đương lâu dài, hãy lưu ý tới sự khác biệt này nhé. Dắt thú cưng đi dạo phải chuẩn bị những gì? Phong trào nuôi thú cưng ngày càng phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Trước giai đoạn Covid-19 bùng nổ, cứ đến cuối tuần là hội chơi thú cưng lại gặp mặt vô cùng đông đảo ở phố đi bộ. Họ chia sẻ kinh nghiệm, chụp ảnh, cho thú cưng giao lưu. Tuy nhiên, cứ sau mỗi cuộc giao lưu như vậy là kiểu gì những chú thú cưng cũng để lại một vài “sản phẩm” trên mặt đường và người chủ mặc nhiên coi chuyện dọn dẹp là của thiên hạ. Ở Nhật, văn hoá thú cưng thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng đi kèm với nó là rất nhiều ràng buộc liên quan tới việc chăm sóc thú cưng của bạn ở nơi công cộng. Biến báo “Hãy mang phân chó về” Thường thì người Nhật sẽ trang bị 1 chai nước, vài bịch nylon, giấy ướt và đặc biệt là dây dẫn thú cưng. Chai nước dùng để dội nếu thú cưng tè ra đường, còn túi nylon là để thu gom chất thải của thú cưng. Người Nhật sẽ dùng giấy ướt lau thật sạch nền đất nơi thú cưng của họ lỡ “bậy” ra đường rồi bỏ vào túi mang về nhà. Và ở Nhật tuyệt nhiên sẽ không có chuyện thú cưng được thả chạy lung tung ngoài đường đâu nhé. Muốn để cho chó chạy nhảy thì phải dẫn tới khu vực công viên rộng rãi, và phải xích vào một cái dây dắt có thể điều chỉnh độ dài. Vậy nên sang Nhật mà muốn nuôi chó, nuôi mèo thì để ý sự khác biệt này các bạn nhé. Người Nhật không đặt toilet trong phòng tắm? Một trong những thiết kế phổ biến nhất ở Việt Nam là toilet đặt chung trong phòng tắm gương sen. Nếu hiện đại hơn thì khu vực tắm được ngăn cách với toilet bằng nhà tắm kính, cốt là để nước trong nhà tắm không lênh láng ra sàn. Tuy nhiên, người Nhật lại không thích dạng thiết kế này. Tôi có vài người bạn Nhật sống ở khu Vinhomes Gardenia (Hà Nội). Họ cảm thấy rất bất tiện và thậm chí là khó chịu khi khu vực toilet lại đặt chung phòng với nơi để tắm rửa (ảnh minh họa). Đối với người Nhật như vậy là mất vệ sinh. Ở Nhật, cũng có trường hợp toilet được đặt chung phòng với buồng tắm. Đặc biệt là ở những căn phòng chung cư hoặc nhà tập thể dành cho người độc thân. Trường hợp dù phòng nhỏ nhưng toilet và nhà tắm cách nhau thì công ty bất động sản sẽ ghi rõ “Phòng tắm và toilet tách rời nhau”. Và đây sẽ là ưu thế của căn hộ cho thuê. Phòng tắm của nhà người Nhật Bản Đối với những căn nhà riêng biệt hoặc những căn hộ chung cư có nhiều phòng ngủ dành cho gia đình thì thông thường công trình phụ sẽ như sau: Toilet nằm ở một phòng riêng. Phòng tắm gồm 2 phần: phòng thay quần áo, nơi họ đặt bồn rửa mặt và máy giặt và phòng tắm có đặt bồn tắm và vòi sen nhưng người Nhật thường ngồi trên ghế khi kỳ cọ người. Gia đình tôi đã từng sống ở Nhật và công trình phụ trong một căn hộ dành cho gia đình được làm theo đúng kiểu “phòng thay đồ (có bồn rửa mặt và máy giặt) và phòng tắm” còn toilet nằm ở một phòng riêng biệt. Vậy nên ở Nhật các bạn sẽ không thấy những căn nhà có khu công trình phụ giống với thiết kế ở Việt Nam đâu nhé.