Cuộc sống - Visa
★ Thông tin cơ bản: Thủ tục tại chính quyền địa phương
Sau khi sang Nhật, bạn cần nộp cho các cơ quan hành chính (toà thị chính quận, thành phố) tại nơi mình sinh sống một số giấy tờ. Bài viết này sẽ giới thiệu những điểm quan trọng của “Tennyu todoke” (転入届) – khai báo địa chỉ khi chuyển đến Nhật, “Tenkyo todoke” (転居届) – thông báo chuyển nhà, “Tenshutsu todoke” (転出届) – thông báo về nước và không ở Nhật nữa. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ giải thích về giấy đăng ký kết hôn (婚姻届) và thẻ Số định danh cá nhân (マイナンバーカード).
〈Nội dung〉
1. Khai báo địa chỉ nhà
Tất cả những người nước ngoài có thẻ lưu trú đều phải khai báo địa chỉ cho chính quyền địa phương tại nơi mình sinh sống.
Trường hợp nhập cảnh mới
Sau khi quyết định nơi ở, trong vòng 14 ngày phải nộp giấy khai báo địa chỉ cho toà thị chính tại địa phương.
※ Khi đi khai báo cần mang cần thẻ lưu trú (người đang chờ thẻ lưu trú thì mang theo hộ chiếu)
※ Nếu sống cùng gia đình, cần có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con v.v.
■ Trình tự sau khi khai báo địa chỉ
① Sau khi nộp giấy khai báo địa chỉ, việc đăng ký địa chỉ ghi trong thẻ lưu trú cũng sẽ được hoàn tất.
② Phiếu chứng nhận cư trú được lập.
= Trên phiếu chứng nhận cư trú có ghi tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ v.v.
= Có thể xin bản sao của phiếu chứng nhận cư trú tại các toà thị chính (có mất phí). Phiếu chứng nhận cư trú được dùng để thực hiện các thủ tục và hợp đồng tại toà thị chính.
③ Cơ quan hành chính địa phương sẽ thông báo cho bạn Số định danh cá nhân (gửi qua đường bưu điện).
※ Số định danh cá nhân = Dãy số gồm 12 chữ số dùng để xác định cá nhân khi thực hiện các thủ tục tại Nhật như bảo hiểm xã hội, khai thuế v.v.
④ Có thể xin cấp thẻ Số định danh cá nhân (My number).
※ Nếu ghi lại số định danh cá nhân thì có thể sinh sống mà không cần đăng ký thẻ số định danh cá nhân.
Trường hợp chuyển nhà
① Trường hợp chuyển sang xã, phường, quận, thành phố khác
= Trước khi chuyển → Nộp giấy “Tenshutsu” (転出) cho chính quyền địa phương mình đã ở
= Sau khi chuyển → Nộp giấy “Tennyu” (転入) cho chính quyền địa phương của nơi ở mới
② Trường hợp chuyển cùng xã, phường, quận, thành phố
= Nộp cho chính quyền địa phương giấy “Tenkyo” (転居)
③ Trường hợp chuyển đi nước ngoài
= Nộp cho chính quyền địa phương giấy “Tenshutsu” (転出)
Về thủ tục chuyển đến – chuyển đi (Trang chủ của Bộ Nội vụ và Truyền thông / Tiếng Việt)
2. Giấy đăng ký kết hôn v.v.
Khi kết hôn ở Nhật
・ Khi kết hôn ở Nhật, hãy nộp giấy “Konin todoke” (婚姻届) cho toà thị chính địa phương. Ở toà thị chính có mẫu giấy đăng ký.
・ Hãy nộp giấy đăng ký kết hôn cùng với giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn – “Konin yoken gubi shomeisho” (婚姻要件具備証明書). Bạn có thể lấy được giấy này tại Đại sứ quán hoặc lãnh sứ quán Việt Nam. Nếu giấy được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải đính kèm theo bản dịch tiếng Nhật.
・ Sau khi nộp giấy đăng ký kết hôn, cuộc hôn nhân đó sẽ có hiệu lực tại Nhật Bản. Hãy xác nhận với Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán xem cuộc hôn nhân có hiệu lực tại nước mình hay không.
Ví dụ về những người Việt đã gặp và kết hôn với người Nhật sau khi sang Nhật
Số cặp vợ chồng người Nhật và người nước ngoài kết hôn ở Nhật đang tăng lên. Hãy cùng tìm hiểu xem họ đã quen biết nhau như thế nào và có cuộc sống sau khi kết hôn ra sao thông qua các bài viết dưới đây.
Cơ duyên gặp gỡ của các cặp vợ chồng Nhật – Việt (phần 1)|KOKORO
Nên duyên ở nơi thực tập, kết hôn với người Nhật (Kinh nghiệm của tôi)|KOKORO
Khi ly hôn ở Nhật
・ Khi cả hai vợ chồng đồng ý ly hôn → Nộp cho chính quyền địa phương “Rikon todoke” (離婚届).
・ Khi một bên không đồng ý ly hôn → Tiến hành ly hôn theo hình thức hoà giải hoặc xét xử.
3. Đăng ký con dấu
Thủ tục đăng ký con dấu tại toà thị chính của xã, phường, quận, thành phố được gọi là “Inkan toroku” (印鑑登録). Sau khi đăng ký xong, bạn có thể xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký con dấu – “Inkan toroku shomeisho” (印鑑登録証明書) (có mất phí).
※ Con dấu và giấy chứng nhận đăng ký con dấu có thể sẽ cần đến trong những trường hợp quan trọng như mua bán nhà đất v.v. Tuy nhiên, đối với trường hợp lưu trú trong vài năm, rất hiếm có trường hợp cần dùng đến nên không cần phải đi đăng ký con dấu ngay.
4. Chế độ Số định danh cá nhân
Những trường hợp chính cần có Số định danh cá nhân
- Khi nhận trợ cấp lương hưu, nuôi con, dịch vụ y tế
- Khi gửi tiền ra nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài
- Khi mở tài khoản ngân hàng
Thẻ Số định danh cá nhân (My number card)
Bạn có thể làm “My number card” có đính kèm chip IC, trên thẻ có tên, địa chỉ, ngày sinh, giới tính, ảnh thẻ cá nhân.
※ Dù không đăng ký làm thẻ thì Giấy thông báo mã số cá nhân “Kojin bango tsuchisho” (個人番号通知書) cũng sẽ được gửi đến nhà bạn qua đường bưu điện. Nếu bạn lưu lại thông tin về số định danh cá nhân này, bạn có thể sinh sống mà không đăng ký làm thẻ.
■ Dùng My number card vào việc gì
- Như là một loại chứng nhận danh tính
- Đăng ký khai báo thuế thu nhập online
- In bản sao phiếu chứng nhận cư trú tại cửa hàng tiện lợi
- Dùng thay cho thẻ bảo hiểm y tế
■ Cách đăng ký làm thẻ
・ Khi đăng ký địa chỉ tại chính quyền địa phương, bạn có thể đăng ký làm thẻ. Bạn sẽ nhận thẻ vào một khoảng thời gian sau đó.
・ Nếu không đăng ký làm thẻ tại toà thị chính, đơn đăng ký làm thẻ sẽ được gửi qua đường bưu điện. Bạn có thể dùng đơn đó để đăng ký online hoặc đăng ký qua đường bưu điện.
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17075 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15545 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13035 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài
Bài viết mới
Bài viết liên quan
-
★Thông tin cơ bản: Để sử dụng điện thoại di động, wifi ở Nhật
Ở Nhật, để sử dụng điện thoại di động, bạn cần phải ký hợp đồng với công ty viễn thông (nhà mạng). Bài viết này sẽ giới thiệu về cách ký hợp đồng kết nối mạng - gọi điện (mua SIM) và các loại SIM giá rẻ mà người nước ngoài cũng dễ dàng ký hợp đồng. Bài viết dành cho các bạn sắp sang Nhật hoặc đang ở Nhật và muốn ký hợp đồng mới, chuyển nhà mạng. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ nói về hợp đồng dùng wifi ở nhà. 〈Nội dung〉 1. Để sử dụng điện thoại di động ở Nhật ・ Ký hợp đồng với công ty điện thoại di động (nhà mạng) ・ Các loại SIM giá rẻ mà người nước ngoài cũng có thể dễ dàng ký hợp đồng 2. Cách ký hợp đồng kết nối mạng, gọi điện thoại ・ Ký hợp đồng ở đâu ・ Thủ tục ký hợp đồng với nhà mạng 3. Mua máy điện thoại di động ・ Không mua vội cũng được ・ SIM lock 4. Để sử dụng wifi ở phòng ・ Wifi miễn phí ・ Hợp đồng kết nối mạng 5. Bán điện thoại trong lúc đang còn hợp đồng là vi phạm pháp luật 1. Để sử dụng điện thoại di động ở Nhật Ký hợp đồng với công ty điện thoại di động (nhà mạng) Khi sử dụng điện thoại di động ở nước ngoài thì việc dùng SIM của nước đó sẽ tiết kiệm hơn. Chế độ SIM ở Việt Nam và Nhật khá khác nhau. Ở Việt Nam, nếu bạn lắp SIM vào điện thoại, bạn có thể gọi và sử dụng mạng ngay lập tức. Tiền cước phí bạn có thể nạp qua thẻ credit v.v. Thế nhưng, để gọi điện và sử dụng mạng (kết nối internet) ở Nhật, bạn cần ký hợp đồng với công ty viễn thông (nhà mạng). ・ Tiền cước phí tính theo tháng ・ Tiền cước hàng tháng được tính tùy theo gói cước viễn thông đã ký Các loại SIM giá rẻ mà người nước ngoài cũng có thể dễ dàng ký hợp đồng [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Người ngoài cũng có thể dễ dàng đăng ký SIM giá rẻ ở Nhật Bản Nếu sử dụng nhà mạng lớn, mỗi tháng phải mất tới 5000~8000 yên nhưng gần đây có rất nhiều hãng SIM giá rẻ trở nên phổ biến. Bài viết trên giải thích rất dễ hiểu về các loại SIM giá rẻ được nhiều người nước ngoài ở Nhật tin dùng. 2. Cách ký hợp đồng kết nối mạng, gọi điện thoại Ký hợp đồng ở đâu ・ Thủ tục ký hợp đồng kết nối mạng, gọi điện thoại sẽ được thực hiện ở các nhà mạng hoặc các đại lý. ・ Cũng có những đại lý tổng hợp tiếp nhận hợp đồng của nhiều nhà mạng khác nhau. ・ Trong các cửa hàng điện máy cũng có quầy bán điện thoại, quầy thụ lý hợp đồng của các nhà mạng. Có một số nhà mạng có thể sử dụng tiếng nước ngoài ở cửa hàng và trên trang chủ có tiếng nước ngoài. Gần đây, số lượng nhân viên người Việt ở các cửa hàng cũng đã tăng lên. Thủ tục ký hợp đồng với nhà mạng Nhân viên đang dùng máy tính bảng để giải thích về các gói hợp đồng Để ký hợp đồng, người ký phải chứng minh nhân thân. Bạn phải xuất trình ở quầy hoặc gửi qua bưu điện hoặc lên web và tải bản sao của những giấy tờ có ① Họ và tên ② Ngày tháng năm sinh ③Địa chỉ hiện tại. ◆ Ví dụ về các giấy tờ xác định nhân thân ・ Thẻ lưu trú ・ Hộ chiếu (cần ghi địa chỉ hiện tại) ・ Thẻ mã số cá nhân - My number card ・ Giấy đồng ý của người giám hộ (đối với người vị thành niên) ◆Thủ tục thanh toán cước phí Có rất nhiều nhà mạng yêu cầu thanh toán bằng thẻ tín dụng (thẻ credit). Vì thế, khi đi ký hợp đồng, bạn nên mang theo: ・ Thẻ tín dụng (thẻ credit) ・ Sổ (thẻ) ngân hàng của Nhật và con dấu “GTN Mobile” và “SIM VÀNG” đều là những nhà mạng SIM giá rẻ dành cho người nước ngoài, bạn có thể thanh toán ở cửa hàng tiện lợi hoặc chuyển khoản ngân hàng. Khi đó, bạn không cần phải có thẻ tín dụng. 3. Mua máy điện thoại di động Có nhiều người nước ngoài chỉ sử dụng wifi ở nhà Không mua vội cũng được Những bạn sắp sang Nhật hãy mang theo điện thoại từ Việt Nam nhé. Sau khi sử dụng máy đó một thời gian và quen với cuộc sống ở Nhật thì bạn có thể mua máy mới hoặc máy cũ vẫn chưa muộn. Máy cũ được bán ở rất nhiều cửa hàng điện máy lớn. ◆ Nếu bạn là du học sinh Trường bạn đang du học có thể giúp bạn mua máy và ký hợp đồng với nhà mạng nhưng bạn không cần ký hợp đồng ngay lập tức. Đã có những anh chị đi trước thấy hối hận vì sau khi sang Nhật đã mua ngay điện thoại do người của trường tiếng Nhật giới thiệu, “biết thế không mua vội, đợi đến khi quen với Nhật rồi mới mua thì tốt biết bao”. Điện thoại mà bạn mang từ Việt Nam sang có thể kết nối wifi ở nhà, ở trường, ở cửa hàng tiện lợi v.v. ◆ Nếu bạn là thực tập sinh kỹ năng Có hơn 50% thực tập sinh không dùng SIM cho tới khi kết thúc quá trình thực tập. Điện thoại của các bạn ấy có thể kết nối với wifi ở phòng, có bạn tiết kiệm tiền rồi mua điện thoại mình thích. SIM lock Cho tới mới đây, khi mua điện thoại ở Nhật, máy điện thoại của các hãng bị khoá và không thể dùng SIM của nhà mạng khác. Từ tháng 10 năm 2021, các loại điện thoại không bị khoá nữa nhưng khi bạn mua đồ cũ và lo lắng không biết là máy đó thế nào thì bạn có thể hỏi “máy không bị SIM lock chứ?” để xác nhận thông tin. 4. Để sử dụng wifi ở phòng Wifi miễn phí Bạn có thể kết nối wifi miễn phí ở sân bay, cửa hàng tiện lợi, các chuỗi cà phê, tàu tốc hành, xe buýt chạy cao tốc v..v. Tuy nhiên, ở Nhật mới chỉ có rất ít điểm có wifi miễn phí. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Tham khảo: Điểm wifi miễn phí! Danh sách các quán cà phê - cửa hàng tiện lợi - cơ quan hành chính Hợp đồng kết nối mạng Để sử dụng wifi ở nhà, bạn cần ký hợp đồng với công ty viễn thông. Thủ tục ký hợp đồng có thể thực hiện ở cửa hàng của công ty viễn thông hoặc qua website của công ty đó. Cước phí hàng tháng 4000~6000 yên. ◆ Nếu bạn là du học sinh ・ Có rất nhiều ký túc xá của trường có thể sử dụng wifi. ・ Để sử dụng wifi trong phòng bạn đã ký hợp đồng, bạn cần ký hợp đồng kết nối Internet. Mobile Wifi - Cục phát wifi Khi ký hợp đồng kết nối Internet nếu bạn chọn Mobile wifi - cục phát wifi, bạn sẽ dùng wifi cầm tay và điện thoại của bạn có thể kết nối wifi bất kỳ lúc nào. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Tham khảo: kakaku.com. So sánh giá cước kết nối Internet [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Tham khảo: Mobile wifi “GTN Wifi” dành cho người nước ngoài ◆ Nếu bạn là thực tập sinh Thực tập sinh học tiếng Nhật qua máy tính bảng kết nối wifi ở phòng Đối với thực tập sinh kỹ năng, hầu hết các ký túc xá của công ty đều có wifi. 5. Bán điện thoại trong lúc đang còn hợp đồng là vi phạm pháp luật Có một số nhóm người hoặc doanh nghiệp có ác ý khi tiếp cận bạn và nói “tôi sẽ thay bạn ký hợp đồng điện thoại”. Họ sẽ sử dụng những giấy tờ cá nhân của bạn để ký hợp đồng kết nối mạng - gọi điện và sử dụng số điện thoại của bạn với mục đích phạm pháp. Khi nhờ người khác làm hợp đồng, bạn phải xác nhận rõ nội dung hợp đồng. Việc bán điện thoại đã ký hợp đồng mà không báo cho công ty điện thoại là việc vi phạm pháp luật. Điện thoại đó có thể bị tội phạm sử dụng nên đừng tự tiện bán và cho người khác nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] 6 “việc làm thêm” trở thành tội phạm là?|KOKORO
-
Người nước ngoài cũng có thể dễ dàng đăng ký SIM giá rẻ ở Nhật Bản
Ở Việt Nam, nếu bạn đến cửa hàng điện thoại, chỉ chưa đầy 20 phút là bạn có thể mua SIM và có số điện thoại. Thế nhưng ở Nhật Bản, bạn phải ký hợp đồng với công ty điện thoại (nhà mạng) và nếu không trả cước phí hàng tháng thì không thể dùng SIM. Ngoài việc có ít gói cước giá rẻ, nhiều nhà mạng chỉ có phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng của Nhật nên mình rất khó tìm được nhà mạng phù hợp. Lần này là lần đầu tiên mình ký hợp đồng với 1 hãng SIM giá rẻ. Mình sẽ giới thiệu với các bạn phương thức thanh toán và so sánh giá cước, đặc điểm của các nhà mạng mà mình đã tìm được.〈Vân Hoàng〉 Lý do cần số điện thoại Tháng 10 năm 2020 mình sang Nhật và đây là lần du học thứ 3 của mình. Lúc mới sang, để cuộc sống thuận lợi và suôn sẻ thì mình đã phải làm những việc sau. ① Làm thủ tục tại UBND thành phố ② Mở tài khoản ngân hàng ③ Ký hợp đồng với nhà mạng Thủ tục (nộp đơn chuyển đổi chỗ ở v.v.) ở UBND thành phố và việc mở tài khoản ngân hàng mình đã làm xong mà không gặp vấn đề gì. Tiếp theo, một thứ không thể thiếu đó là số điện thoại phải không nào. Thông thường mình có thể gọi điện qua các ứng dụng SNS là được nhưng trong những trường hợp khẩn cấp hay khi làm các thủ tục hành chính thì đúng là cần tới số điện thoại di động. Trong trường hợp của mình, mình đã cần dùng số điện thoại vào các việc sau. ✔︎ Mình nhận học bổng Chính phủ nên khi làm thủ tục online để nhận học bổng của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Khoa học, Thể thao và Công nghệ Nhật Bản, mình cần nhập số điện thoại. ✔︎ Trường mình theo học có hệ thống quản lý thông tin của sinh viên, khi đăng ký thông tin trên hệ thống đó cũng cần nhập số điện thoại. ✔︎ Lần này sau khi du học 1 năm, mình quyết định ở lại Nhật làm việc, khi đi xin việc thì mình cũng phải viết số điện thoại vào sơ yếu lý lịch v.v. ✔︎ Khi mua hàng online thì cũng có lúc cần số điện thoại. Gói cước rẻ nhất của SB là 5000 yên/tháng! Trong lần du học đầu tiên (năm 2007~) và lần du học thứ hai (năm 2010~) mình đều sử dụng Softbank (SB). Lý do lần đầu mình chọn SB vì lúc đó SB có chiến dịch miễn phí cước điện thoại nội mạng, những bạn du học sinh xung quanh mình đều dùng SB. Khi đó, mình mua cả máy điện thoại nữa nên tính cả tiền trả góp mua máy hàng tháng thì mình mất 3000 ~ 4000 yên (khoảng 816.000 đồng) mỗi tháng. Lần thứ hai, mình không cần mua điện thoại nên mình đã chọn gói rẻ nhất không dùng internet, chỉ có cước gọi điện thoại. ※100 yên = 16.690 đồng (tỉ giá ngày 24/7/2023) Vì vậy lần thứ ba này mình cũng đến cửa hàng của SB để tìm hiểu và xin tư vấn, nhưng mình được giới thiệu gói cước rẻ nhất là khoảng 5000 yên/tháng. Mình đã rất sốc! Các gói bây giờ không chỉ có cước điện thoại mà còn bao gồm cả dung lượng internet nữa nên đắt hơn ngày trước. Trước khi sang Nhật, mình dùng SIM của Viettel, một tháng chỉ mất 90.000 đồng (khoảng 440 yên) mà lại được dùng internet không giới hạn. Ở Nhật mình không dùng đến internet mấy mà tại sao 1 tháng phải trả tới 5.000 yên nhỉ? Thật là khó tin. Mình đã thử hỏi nhân viên tư vấn là “Mình sống ở ký túc xá nên trong phòng đã có wifi rồi, có gói cước nào rẻ hơn nữa không?” nhưng mình bị từ chối thẳng thừng là “Công ty chúng tôi không có gói cước nào rẻ hơn”. Và thế là mình đã từ bỏ việc ký hợp đồng với SB. Phương thức thanh toán tiền của nhiều gói cước SIM giá rẻ Ở Nhật thì ngoài SB còn có docomo hay Au nhưng các nhà mạng lớn này đều không khác nhiều so với SB nên mình quyết định tìm một nhà mạng nhỏ. Mình đã liên lạc với người bạn thân đã ở Nhật 10 năm và một em khoá dưới vừa hoàn thành chương trình du học để hỏi và thu thập thông tin. LINE mobile Em khoá dưới của mình đã dùng “LINE mobile”. Theo lời em ấy, để ký được hợp đồng với LINE mobile thì cần làm các thủ tục như sau. ① Tạo tài khoản LINE của Nhật bằng số điện thoại ở Nhật ② Đăng ký LINE pay bằng tài khoản LINE của Nhật ③ Ký hợp đồng với LINE mobile với điều kiện thanh toán bằng LINE pay Em ấy nói đã được người quen cho dùng LINE Pay của người đó. Mình cũng có thể nhờ bạn bè hoặc người quen nhưng mình muốn thử tìm xem có nhà mạng nào thân thiện hơn không. ※Sau đó, LINE mobile đã ngừng cung cấp dịch vụ đăng ký tài khoản mới vào tháng 3 năm 2021. Chỉ có phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng Ở Nhật có nhiều hãng SIM giá rẻ nhưng phần lớn các hãng đều chỉ cho trả cước phí bằng thẻ tín dụng của Nhật. Trước đây người em của mình đã được một nhân viên trong cửa hàng bán đồ điện tử gia dụng ở Tokyo tư vấn là “thẻ tín dụng của Việt Nam cũng được chấp nhận” và em ấy đã đăng ký sim giá rẻ của “Bic SIM”. Thế nhưng, sau đó, nhà mạng liên lạc lại là “thẻ tín dụng của bạn không thể thanh toán tiền” và em ấy phải huỷ hợp đồng. Mặc dù đây không phải lỗi từ phía khách hàng, nhưng em ấy vẫn bị phạt khoảng 2000 yên vì huỷ hợp đồng giữa chừng. Mình và em ấy nói chuyện với nhau rồi tìm thấy nhà mạng giá rẻ tên là “UQ mobile” có vẻ có thể trả tiền bằng cách chuyển khoản nên mình thử đăng ký online. Thế nhưng, UQ mobile đã nhanh chóng phản hồi với nội dung chính là “sau khi xét duyệt, chúng tôi không thể tiếp nhận hợp đồng thanh toán bằng cách chuyển khoản ngân hàng hoặc tự động chuyển khoản”. Email thông báo kết quả xét duyệt của UQ mobile. “Chúng tôi không thể chấp nhận hợp đồng thanh toán bằng cách chuyển khoản ngân hàng. Quý khách hãy xem xét đến việc thanh toán bằng thẻ tín dụng”. “Rakuten mobile” cũng là một hãng lớn trong các hãng SIM giá rẻ và ngoài hình thức trả qua thẻ tín dụng, có vẻ họ cũng chấp nhận thanh toán bằng cách chuyển khoản ngân hàng, nhưng vẫn cần xét duyệt. SIM giá rẻ chấp nhận chuyển khoản ngân hàng LINE mobile, UQ mobile, Rakuten mobile mình đều không đăng ký được, đúng lúc khó khăn thì bạn thân của mình đã tìm thấy một nhà mạng mà từ trước đến giờ mình chưa nghe thấy tên và bạn ấy đã giới thiệu cho mình. Đó là nhà mạng “GTN mobile”, khi vào trang chủ của nhà mạng này, bạn sẽ thấy website của họ hỗ trợ đa ngôn ngữ và có cả tiếng Việt. ◆Gói dữ liệu kèm chức năng nghe gọi GTN (hàng tháng - bao gồm thuế) Dung lượng Cước phí (bao gồm thuế) 3G ¥1,200 10G ¥2,200 30G ¥4,200 50G ¥6,200 ※Có thể đăng ký SIM và mở thẻ tín dụng (Credit card) cùng một lúc. Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng đó, cước phí hàng tháng giảm 220 yên.※Có thể đăng ký từ nước ngoài (Có thể nhận SIM ở sân bay của Nhật).※Cước gọi mỗi 30 giây là 22 yên (bao gồm thuế). Thế là nhà mạng SIM giá rẻ này đã đáp ứng được 2 nhu cầu của mình là “gói cước rẻ” và chấp nhận “thanh toán qua cửa hàng tiện lợi hoặc chuyển khoản ngân hàng”. Đây là nhà mạng mình nghe tên lần đầu nhưng vì người quen của bạn mình đang làm việc ở đó nên mình tin tưởng và đăng ký online. Ngay lập tức, 2 hôm sau SIM và hợp đồng đã được gửi tới địa chỉ của mình, sau khi cho SIM vào điện thoại thì máy đã có thể nghe gọi. Mình quá đỗi vui mừng! Thật không thể tin được là mình có thể mua được SIM giá rẻ một cách đơn giản như vậy. Vấn đề về SIM điện thoại của mình cũng đã được giải quyết! [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang chủ của GTN mobile (đa ngôn ngữ) Ngoài ra, gần đây mình cũng được bạn mình giới thiệu một nhà mạng SIM giá rẻ tên là SIM VÀNG. Đây là SIM giá rẻ, chủ yếu phục vụ người Việt, người Myanmar, người Indonesia sống ở Nhật. Cũng giống như GTN mobile, người nước ngoài có thể thanh toán qua cửa hàng tiện lợi hoặc chuyển khoản ngân hàng. ◆Gói SIM VÀNG (hàng tháng - chưa gồm thuế) Dung lượng dữ liệu SIM dữ liệu SIM nghe gọi 1GB ¥600 ¥1,480 3GB ¥1,080 ¥2,180 5GB ¥1,380 ¥2,620 10GB ¥2,800 ¥4,180 25GB ¥3,180 ¥4,980 30GB ¥3,380 ¥5,180 ※SIM dữ liệu kèm chức năng nhận tin nhắn SMS: 150 yên/tháng.※SIM nghe gọi có cước phí mỗi 30 giây 20 yên.※Có SIM nghe gọi thoả thích (gọi miễn phí dưới 5 phút mỗi lần: 680 yên/tháng, dưới 10 phút: 850 yên/tháng, dưới 15 phút: 1,150 yên/tháng). [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang chủ của SIM VÀNG (Tiếng Việt) [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] KOKORO:Lựa chọn công ty điện thoại di động (SIM) một cách khôn ngoan Tổng kết Mình sẽ tổng kết lại bài viết về cước phí điện thoại và các phương thức thanh toán như sau nhé. ✔︎ Các nhà mạng lớn thường có cước phí cao. ✔︎ Nhiều hãng SIM giá rẻ chỉ cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng. ✔︎ GTN mobile hay SIM VÀNG là những hãng SIM giá rẻ hướng tới đối tượng là người nước ngoài nên khách hàng có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản ngân hàng hoặc thanh toán qua cửa hàng tiện lợi. Rất mong các bạn tham khảo các thông tin trong bài viết của mình.
-
★ Thông tin cơ bản: Thuế và bảng lương ở Nhật
Không phân biệt quốc tịch, tuổi tác, tư cách lưu trú, tất cả những người làm việc tại Nhật đều phải đóng “thuế thu nhập” (shotokuzei) và “thuế cư trú” (thuế thị dân) (jyuminzei). Bài viết này sẽ giới thiệu về cách đọc bảng lương và 2 loại thuế kể trên. Thuế thu nhập Dù là người Nhật hay người nước ngoài, khi nhận được lương khi làm việc tại Nhật đều phải đóng “thuế thu nhập”. ・ Thuế thu nhập là khoản thuế nộp cho nhà nước. ・ Khoản thuế thu nhập này được tính dựa trên thuế suất. Thu nhập càng cao thì thuế suất càng cao. ・ Thuế thu nhập sẽ được trừ tự động vào lương hàng tháng, công ty sẽ thay nhân viên đóng thuế cho nhà nước. ・ Đóng thuế thu nhập là nghĩa vụ, không liên quan đến tư cách lưu trú. Du học sinh khi đi làm thêm cũng phải đóng. Cách đọc bảng lương Ảnh ở trên là bảng lương của một thực tập sinh kỹ năng. KOKORO sẽ giải thích về cách đọc bảng lương và thuế thu nhập dựa trên bảng lương đó. A Tổng tiền lương (So shikyu gaku) 211.802 yên Đây là toàn bộ khoản tiền mà công ty phải trả cho nhân viên vì họ đã làm việc cho công ty. Khoản này còn có cách gọi khác là "Shikyu gaku", "Kyuyo". B Tổng tiền bảo hiểm xã hội (Shakai hoken no gokei gaku" 34.319 yên Tổng của 3 khoản (phí bảo hiểm xã hội) dưới đây. ① Bảo hiểm y tế ② Bảo hiểm hưu trí ③ Bảo hiểm thất nghiệp C Số tiền chịu thuế cư trú 177.483 yên Khoản "A - B". D Thuế thu nhập 2.340 yên Khoản thuế thu nhập được tính theo thuế suất phụ thuộc vào khoản C. Phí “Bảo hiểm xã hội” sẽ do công ty và người lao động cùng trả. Về bảo hiểm xã hội, bạn hãy tham khảo thêm bài viết phía dưới nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Bảo hiểm y tế và hưu trí Cách tính “E Khoản tiền đã được khấu trừ” A (Tổng tiền lương) + 211.802 yên B (Tổng phí bảo hiểm xã hội) – 34,319 yên D (Thuế thu nhập) -2,340 yên Nếu lấy A-B-D sẽ ra “Lương về tay” của người này. Nếu lấy khoản này trừ đi tiền nhà là 35.000 yên thì sẽ ra “Khoản tiền đã được khấu trừ” được chuyển vào tài khoản. Ở công ty này, “tiền nhà” bao gồm tiền ký túc xá, tiền điện – ga – nước. Công việc làm thêm của du học sinh và thuế Du học sinh không phải tham gia “Bảo hiểm hưu trí phúc lợi” và “Bảo hiểm y tế” nên hai khoản chi phí này sẽ không bị trừ vào lương làm thêm. Đổi lại, tự du học sinh tham gia “Kokuminnenkin – bảo hiểm hưu trí” và “Kokumin kenko hoken – bảo hiểm y tế quốc dân” – hai loại khác với người đi làm. Ngoài ra, du học sinh thường không thể tham gia “Bảo hiểm thất nghiệp” nên cũng không bị trừ khoản phí này. Thuế suất trong thuế thu nhập của du học sinh sẽ thay đổi theo số năm sống ở Nhật và mức thu nhập có được. Bạn hãy tham khảo thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Việc làm thêm của du học sinh và thuế * Trong bảng lương của du học sinh Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái v.v. thường không bị tính thuế thu nhập. Đó là vì Nhật Bản đã ký hiệp định về thuế với các nước nêu trên. Thế nhưng, giữa Nhật Bản và Việt Nam chưa có hiệp định này nên trên bảng lương của du học sinh Việt Nam có tính thuế thu nhập. Thuế cư trú (thuế thị dân) Thuế cư trú (thuế thị dân) là tên gọi gộp của 2 loại thuế “thuế địa phương” và “thuế tỉnh, thành phố”. Hai loại thuế này sẽ được gộp lại và trả cho địa phương (nơi đang ở - có phiếu dân cư) vào ngày 1 tháng 1. ・ Thuế thu nhập đóng cho nhà nước, thuế cư trú đóng cho nơi mình sống. ・ Thuế cư trú cũng được trừ từ lương, công ty sẽ thay người lao động nộp thuế cho địa phương. ・ Thuế cư trú được tính từ thu nhập của tháng 1 đến tháng 12 năm trước đó, từ tháng 6 năm đó cho tới tháng 5 năm tiếp theo, thuế sẽ được trừ vào lương hàng tháng. Vì vậy, đối với người nước ngoài bắt đầu làm việc ở Nhật, lương của năm đầu tiên chỉ bị trừ thuế, từ tháng 6 của năm thứ hai trở đi sẽ bị trừ thuế thu nhập và thuế cư trú. ・ Nếu không có gia đình ở Nhật và mức thu nhập của năm trước dưới 1.000.000 yên thì không cần phải đóng thuế cư trú. Thuế tiêu dùng Thuế tiêu dùng là khoản thuế bạn phải trả khi mua một sản phẩm hoặc nhận một dịch vụ (làm tóc, xem phim, v.v.) nào đó. Không giống như thuế thu nhập và thuế cư trú, nó không liên quan gì đến thu nhập. Thuế suất của thuế tiêu dùng là 10%, bạn sẽ trả luôn khi mua sản phẩm, thanh toán dịch vụ. Tuy nhiên, khi mua các loại thực phẩm và đồ uống (trừ các loại đồ uống có cồn), thuế suất là 8%. Đây gọi là “Keigen zeiritsu – 軽減税率” Nếu bạn mua đồ ăn thức uống tại cửa hàng bánh Hamburger, quán cà phê và ăn uống bên ngoài cửa hàng, mức thuế suất 8% sẽ được áp dụng, nhưng nếu bạn ăn uống trong cửa hàng, mức thuế suất sẽ là 10%. Để biết thêm về thuế của Nhật, hãy tham khảo bài viết dưới đây! [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] “Sổ tay hướng dẫn về cư trú và lao động” dành cho người nước ngoài (Chương 8: Thuế)
-
Vol. 9 Y tế
Làm thế nào để được hỗ trợ y tế tại Nhật Bản 1. Các loại cơ sở y tế 2. Tìm cơ sở y tế 3. Hỗ trợ ngôn ngữ 4. Bảo hiểm y tế 5. Các khoản phụ cấp 6. Thuốc Làm thế nào để được hỗ trợ y tế tại Nhật Bản Số người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đã vượt trên con số 400.000 người nhưng trong đó có nhiều người chưa thể nói tiếng Nhật trôi chảy. Họ cảm thấy khó khăn khi đi bệnh viện vì không tự tin vào khả năng tiếng Nhật của mình, dù có thể đi thì cũng không khó truyền đạt được với bác sĩ về bệnh tình của mình, không hiểu rõ bác sĩ chẩn đoán bệnh của mình ra sao. Đặc biệt là các bạn lưu học sinh đang phải đối mặt với khó khăn này khi bị ốm. Các bạn thực tập sinh, kỹ sư v.v. nhận được sự hỗ trợ của cơ quan tiếp nhận, nghiệp đoàn v.v. nhưng các bạn lưu học sinh mới sang Nhật thì không có kết nối với cá nhân hay đoàn thể nào có thể hỗ trợ được. Nếu phải nhập viện khẩn cấp do đột ngột bị bệnh, bạn có thể nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, nhưng hình thức hỗ trợ có chút khác biệt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn những kiến thức cơ bản cần có khi người nước ngoài đi khám và chữa bệnh ở Nhật. 1.Các loại cơ sở y tế Ở Nhật Bản có rất nhiều cơ sở y tế, mỗi nơi lại có một chức năng riêng. Nếu bạn bị ốm hay bị thương nhẹ, hãy tới phòng khám gần nhà mình. Sau khi nhận được giấy chuyển viện, bạn có thể tới khám ở những bệnh viện lớn hơn. ① Phòng khám - Clinic → Điều trị bệnh tật và chấn thương thường gặp trong đời sống hàng ngày ② Bệnh viện vừa và nhỏ → Khi cần nhập viện, phẫu thuật v.v. ▽ Khi cần điều trị khẩn cấp ③ Bệnh viện lớn → Bệnh nhân cấp cứu do bệnh tình nặng ▽ Khi cần hỗ trợ y tế ở mức độ cao 【Bảo hiểm y tế】 Tại bệnh viện hay các phòng khám, bạn hãy xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Nếu bạn không xuất trình thẻ thì bạn sẽ phải tự chi trả toàn bộ số tiền khám chữa bệnh. 【Các khoa khám bệnh chính】 Các khoa khám bệnh được chia ra theo từng loại bệnh và tình hình vết thương. Riêng bệnh nha khoa thường được khám tại phòng khám là chính. Khoa Nội Nơi khám chữa các bệnh thuộc cơ quan tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, huyết học, nội tiết, thần kinh v.v. và điều trị chủ yếu bằng thuốc. Tại đây cũng khám và chữa các bệnh thông thường như cảm cúm v.v. Khoa Ngoại Nơi khám chữa các bệnh ung thư, tổn thương bên ngoài v.v. điều trị chủ yếu bằng cách phẫu thuật. Khoa Nhi Nơi khám chữa bệnh cho trẻ em. Khoa Ngoại chỉnh hình Nơi điều trị các bệnh có liên quan đến hệ vận động và hệ thần kinh có liên quan đến những cơ quan như xương, khớp, cơ, gân v.v. Khoa Mắt Nơi điều trị các bệnh về mắt. Nha khoa Nơi điều trị các bệnh về răng, chỉnh hình răng hàm mặt v.v. Khoa Sản Nơi khám chữa cho phụ nữ đang mang thai, sinh đẻ, trẻ sơ sinh v.v. Tìm cơ sở y tế Dưới đây là cách tìm cơ sở y tế. ① Tìm qua tạp chí do UBND nơi bạn sinh sống phát hành ② Tìm qua Internet thông tin của các cơ sở y tế được cung cấp trên trang chủ của các tỉnh thành ③ Hỏi trực tiếp UBND nơi bạn sinh sống hoặc các tổ chức giao lưu quốc tế v.v. Đường link tổng hợp các tổ chức tư vấn (toàn quốc) của UBND và những tổ chức giao lưu quốc tế ④ Trung tâm hỗ trợ an toàn sức khỏe Có hơn 380 “Trung tâm hỗ trợ an toàn sức khỏe” được đặt tại các tỉnh thành, phòng y tế của các thành phố, các khu vực đặc biệt. Tại đây, bạn sẽ được hướng dẫn và giới thiệu các cơ sở y tế. ⑤ Trung tâm thông tin y tế quốc tế AMDA ・ Tại đây bạn sẽ được giới thiệu cơ sở y tế có ngôn ngữ bạn dùng hoặc được hướng dẫn chế độ phúc lợi y tế bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau (Điện thoại 03-6233-9266). Trung tâm hỗ trợ bằng tiếng Việt vào 10:00~16:00 thứ tư (thứ 2 và thứ 4 của tháng). ・ Trung tâm cũng có hỗ trợ thông dịch qua điện thoại hoặc thông dịch qua ZOOM (Tư vấn 050-3405-0397). Trang chủ của Trung tâm thông tin y tế quốc tế AMDA ⑥ Sở du lịch Trang web “Khi bạn thấy không khỏe” ◎ Khi khẩn cấp, hãy gọi 119 Khi bạn đột ngột bị bệnh hay bị thương nặng do tai nạn, hãy gọi tới số 119 để gọi xe cứu thương ! Hỗ trợ ngôn ngữ Ngày càng có nhiều bệnh viện tại Nhật hỗ trợ ngôn ngữ dành cho người nước ngoài. Phần lớn các bệnh viện trực thuộc trường đại học, bệnh viện đa khoa triển khai dịch vụ thông dịch qua điện thoại. Trong trường hợp cần thiết, có bệnh viện có thể nhờ phiên dịch viên đến tận nơi mà bệnh nhân không cần phải trả khoản phí nào. Có điều số lượng phiên dịch viên tiếng Nhật trong lĩnh vực y tế vẫn chưa nhiều. Người ta cũng chỉ ra rằng chất lượng thông dịch qua điện thoại cũng chưa được cao. Thế nhưng, kể từ sau chương trình EPA (Hiệp định đối tác kinh tế) được kí kết giữa Việt Nam và Nhật Bản, rất nhiều y tá từ Việt Nam sang Nhật để tham gia tập huấn và thực hành. Trong bối cảnh đó, gần đây số bệnh viện có thông dịch viên, bác sĩ, y tá người Việt đã tăng lên. Nếu bạn đến những bệnh viện này, bạn sẽ được hỗ trợ tận tình bằng tiếng Việt. Chúng tôi sẽ giới thiệu các cơ sở y tế có thể hỗ trợ bằng tiếng Việt theo từng khu vực ở trang tiếp theo, các bạn hãy tham khảo nhé! Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Tokyo) Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Kanto) Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Kansai) Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Tokai) Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Bắc Kyushu) Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Nam Kyushu) Bảo hiểm y tế Những người sống ở Nhật Bản, không phân biệt quốc tịch, đều phải tham gia bảo hiểm y tế công. (1) Bảo hiểm y tế Người tham gia bảo hiểm sẽ trả 30% chi phí khám chữa bệnh Người làm công ăn lương và gia đình của họ sẽ tham gia bảo hiểm này. Nếu tham gia bảo hiểm này thì khi đi khám tại các phòng khám nha khoa, bệnh viện v.v. bạn chỉ cần chi trả 1 phần phí khám chữa bệnh. Theo nguyên tắc, bạn và người thân trong gia đình sẽ trả 30% tổng chi phí khám chữa bệnh (trẻ em dưới 6 tuổi hoặc người gia từ 70~74 tuổi là 20%), 70% sẽ do bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên cũng có những dịch vụ y tế không nằm trong phạm vi được bảo hiểm. Phí bảo hiểm do công ty và người lao động cùng đóng, mỗi bên một nửa Tiền phí bảo hiểm hàng tháng sẽ do công ty và người lao động cùng đóng, mỗi bên chịu 50%. (2) Bảo hiểm y tế quốc dân Du học sinh cũng có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm Những người có đăng kí địa chỉ thường trú, dưới 75 tuổi và không nằm trong đối tượng sử dụng bảo hiểm y tế theo công ty thì phải tham gia Bảo hiểm y tế quốc dân. Du học sinh người nước ngoài cũng có nghĩa vụ tham gia. Người tham gia bảo hiểm sẽ trả 30% chi phí khám chữa bệnh Theo nguyên tắc, người tham gia bảo hiểm sau khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế sẽ trả 30% tổng chi phí khám chữa, 70% sẽ do bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên cũng có những dịch vụ y tế không nằm trong phạm vi được bảo hiểm. Cách thức tham gia Bạn sẽ làm thủ tục đăng kí tham gia tại UBND nơi bạn sinh sống. Khi đăng kí cần có thẻ lưu trú và hộ chiếu. Nếu bạn sống cùng gia đình, gia đình bạn cũng sẽ tham gia bảo hiểm. Bạn hãy xác nhận xem trên thẻ bảo hiểm có ghi tên của người trong gia đình mình hay không. Đăng kí thay đổi địa chỉ Nếu bạn thay đổi địa chỉ, bạn hãy đăng kí với UBND của nơi ở mới, sau đó nhận thẻ bảo hiểm mới. Nếu bạn không làm thủ tục này, thẻ bảo hiểm của bạn sẽ không sử dụng được và không được bảo hiểm y tế quốc dân chi trả. ※ Phí bảo hiểm có thể được giảm trừ theo điều kiện thu nhập và tình hình cuộc sống, để biết thông tin chi tiết, bạn hãy hỏi trực tiếp UBND nơi bạn sinh sống. Các khoản phụ cấp Trong bảo hiểm y tế có nhiều loại phụ cấp đi kèm, chúng tôi xin giới thiệu một phần trong số đó. 【Phí điều trị và dưỡng bệnh】 ✔︎ Khi chưa nhận được bảo hiểm ngay sau khi vào làm việc✔︎ Khi mua các vật dụng cần cho việc điều trị như mua thạch cao để bó bột v.v.✔︎ Khi đi vật lý trị liệu như châm cứu, bấm huyệt, mát xa v.v. theo chỉ định của bác sĩ✔︎ Khi khám chữa bệnh ở nước ngoài Trong những trường hợp trên, sau khi bạn trả toàn bộ chi phí khám chữa, bạn có thể làm đơn đề nghị với UBND nơi bạn đang sống và nếu được chấp thuận, ngoài phần chi phí bạn phải chịu, bạn sẽ được chi trả phí điều trị và dưỡng bệnh. 【Phí điều trị và dưỡng bệnh quá lớn】 Nếu số tiền phải chi trả cho các cơ sở y tế, tiền thuốc v.v. vượt quá mức quy định của một tháng (không bao gồm tiền ăn, tiền trả thêm để nâng cấp giường bệnh trong thời gian nhập viện), bạn sẽ được chi trả phần quá hạn mức đó. 【Tiền thai sản một lần】 Khi người được bảo hiểm hoặc người phụ thuộc vào người tham gia bảo hiểm sinh con, về nguyên tắc sẽ nhận được 420.000 yên / một trẻ sơ sinh. Thuốc Bạn có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc hoặc cửa hàng dược phẩm (drug store). Tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ nên bạn hãy lưu ý khi sử dụng. Hiệu thuốc Tại hiệu thuốc, dược sĩ sẽ điều chế và bán thuốc theo đơn bác sĩ đã kê. Bạn cũng có thể mua các loại dược phẩm khác. Ở Nhật, có rất nhiều loại thuốc không thể mua được nếu không có đơn của bác sĩ. Cũng có loại thuốc có thể mua mà không cần đơn nhưng nếu là thuốc có cùng tác dụng, khi bạn đưa đơn thuốc ra rồi mua thì bạn cũng sẽ được bảo hiểm chi trả 70%, bạn chỉ cần trả 30% thôi. Drug Store Đây là cửa hàng bán các loại thuốc không cần đơn của bác sĩ, các loại thực phẩm ăn uống, tạp hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày v.v. Cũng có drug store bán thuốc theo đơn. ◎ Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về y tế, hãy tham khảo tài liệu trong link đính kèm dưới đây. Sách hướng dẫn về đời sống – việc làm dành cho người nước ngoài (Chương 6: Y tế)
Xếp hạng bài viết phổ biến
-
Lớp học tiếng Nhật online miễn phí 17075 views
-
Không được ăn ốc bắt ở ruộng lúa 15545 views
-
“Đúng giờ” ở Nhật là như thế nào? 13035 views
Platinum Sponsor
Bronze Sponsors
- Global HR Strategy
- Trường Nhật Ngữ EHLE
Đơn vị hỗ trợ
- Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
- Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
- Văn phòng JNTO Hà Nội
- Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
- Hội Việt Nam (JAVN)
- Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
- Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế
Đơn vị hợp tác
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài