Liên lạc khi khẩn cấp
【Bị bệnh – bị thương nặng → Điện thoại số: 119】
Khi bạn đổ bệnh bất ngờ- bị thương- hỏa hoạn hãy gọi điện thoại đến số 119.
・Bạn gọi điện đến số 119 sẽ được hỏi “Hỏa hoạn hay Cấp cứu?” Bạn hãy trả lời “Cấp cứu”
・Bạn hãy nói địa chỉ, mốc đánh dấu nơi mà bạn muốn xe cấp cứu tới.
・Bạn hãy nói tuổi và bệnh trạng của người bệnh.
・Bạn hãy nói họ tên của mình và địa chỉ liên lạc.
【Hỏa hoạn → Điện thoại số: 119】
Khi có hỏa hoạn, bạn cũng gọi điện thoại đến số 119.
・Bạn gọi điện đến số 119 sẽ được hỏi “Hỏa hoạn hay Cấp cứu?” Bạn hãy trả lời “Hỏa hoạn”
・Bạn hãy nói địa điểm xảy ra hỏa hoạn.
・Bạn hãy nói họ tên của mình và địa chỉ liên lạc.
【Tai nạn giao thông – Kẻ gian → 110】
Khi bạn gặp tai nạn giao thông hay bắt gặp kẻ gian, hãy gọi điện thoại vào số 110 để báo cảnh sát. Nếu bạn không thể gọi điện thoại, hãy nhờ người ở gần đó giúp đỡ.
・Khi bạn gọi điện thoại tới số 110, sẽ có các câu hỏi như sau. Bạn hãy bình tĩnh trả lời các câu hỏi này.
・Cái gì xảy ra? Khi nào? Ở đâu?
・Họ tên và địa chỉ liên lạc của bạn
・Số người, độ tuổi, trang phục của đối tượng gây tai nạn hay kẻ gian
・Có người bị thương hay không?
Ứng phó khi xảy ra tai nạn giao thông
1. Dừng xe
・Bạn hãy dừng ngay xe lại.
・Đưa xe vào lề đường hay khoảnh đất trống, nơi an toàn để không làm cản trở các phương tiện giao thông khác.
2. Gọi cấp cứu – Báo cảnh sát
・Nếu có người bị thương, gọi xe cấp cứu (số điện thoại: 119).
・Không cố sức di chuyển người bị thương một cách không cần thiết cho đến khi xe cứu thương tới. Hãy làm theo các hướng dẫn của người trực 119, tiến hành cứu hộ trong phạm vi có thể, như sơ cứu cầm máu.
・Kể cả khi không có ai bị thương, vẫn cần phải báo cảnh sát (số điện thoại 110).
・Không được di chuyển khỏi hiện trường tai nạn, cho đến khi cảnh sát tới.
・Cảnh sát tới, bạn hãy báo lại sự tình tai nạn, nhờ cảnh sát xác nhận hiện trường.
3. Đi khám
・Khi xảy ra tai nạn, dù bạn nghĩ rằng mình không bị thương, hay chỉ bị thương nhẹ nhưng có khi sau này mới biết đó là bị thương nặng. Bạn nên nhanh chóng đi bác sỹ khám cho cẩn thận thì hơn.
4. Đề nghị cấp giấy chứng nhận tai nạn giao thông
・Có khi sẽ cần tới “Giấy chứng nhận tai nạn giao thông” cho thủ tục nhận các khoản trợ cấp khác nhau sau khi bạn bị tai nạn giao thông.
・Bạn có thể đề nghị Trung tâm lái xe an toàn, và nhận được “Giấy chứng nhận tai nạn giao thông”. Về thủ tục đề nghị, bạn hãy trao đổi với đồn cảnh sát- nơi mà bạn đã báo việc mình bị tai nạn.
・Nếu bạn không báo với cảnh sát, bạn không thể đề nghị cấp “Giấy chứng nhận tai nạn giao thông” được. Khi bị tai nạn giao thông, bạn nhất thiết phải báo cho cảnh sát.
Trung tâm lái xe an toàn
Thiên tai: Bão và mưa lớn tập trung
・Khi bão hay áp thấp đi ngang qua vùng gần Nhật Bản, sẽ xảy ra mưa lớn trên phạm vi rộng. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của hiện tượng trái đất ấm lên, bão có nhiều biến đổi lớn, ngoài ra còn có mưa to với mức độ rất khủng khiếp.
・Có nhiều trận mưa lớn tập trung cục bộ (mưa lớn Guerrilla)
・Ngày càng nhiều những trận mưa lớn như vậy làm phát sinh nhiều thiên tai lở núi đất, ngập lụt vv… gây thiệt hại lớn.
(1) Nước sông ngòi tràn bờ
Khi nước sông tràn bờ gây ra ngập lụt do có mưa lớn, thì nhà cửa ngập trong nước, con người bị cuốn trôi đi. Để bảo toàn tính mạng khi có ngập lụt, bạn hãy hành động như sau:
・Thường ngày bạn hãy xác định trước những địa điểm có nguy cơ bị ngập trong nước trên bản đồ cảnh báo nguy hiểm.
Bản đồ nguy cơ thiên tai
・Khi xảy ra mưa lớn thật sự, bạn hãy tự suy nghĩ và đi lánh nạn, dựa trên nội dung cảnh báo mà Cơ quan khí tượng Nhật Bản đưa ra.
・Khi có thông tin lánh nạn từ ủy ban hành chính địa phương nơi bạn sống, bạn hãy lánh nạn ở nơi an toàn. Về cách lánh nạn, chúng tôi sẽ giải thích ở bảng dưới trang này.
(2) Xói lở đất đá
Do mưa lớn có thể khiến cho núi, vách núi bị phá hủy, đất đá xói lở trôi xuống phá hủy các công trình xây dựng, gián đoạn đường bộ. Những hành động để bảo toàn tính mạng khi có thiên tai xói lở đất đá cũng giống như khi “(1) Nước sông ngòi tràn bờ”.
Thiên tai: Động đất
Ở khu vực xung quanh Nhật Bản có nhiều mảng kiến tạo tồn tại, ở đây trở thành vành đai xảy ra nhiều động đất nổi tiếng thế giới. Khi xảy ra động đất, có điều hết sức quan trọng là các bạn phải tự bảo vệ tính mạng của chính mình, hợp tác với những người trong địa phương mình bảo toàn tính mạng. Để bảo toàn tính mạng khi có động đất, từ ngày thường bạn hãy thực hiện những hành động như sau.
【Chuẩn bị】
① Nói trước với mọi người trong gia đình về địa điểm lánh nạn khi có động đất xảy ra.
② Tham gia các buổi diễn tập phòng chống thiên tai của địa phương mình, hiểu rõ các việc cần làm tại địa phương.
③ Chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm – nước uống đủ dùng trong 1 đến 2 tuần, và các vật dụng để xử lý vết thương.
※Nếu xảy ra thiên tai lớn, chỉ trong chớp mắt là hàng hóa ở các cửa hàng sẽ hết nhẵn, trong một thời gian dài không mua được.
④ Gia cố để các đồ đạc trong nhà không đổ. Kê đồ đạc sao cho nếu có đổ thì cũng không sao.
★Độ magnitude và độ địa chấn
・Magnitude là chữ số chỉ độ lớn của trận động đất. Chỉ số magnitude tăng lên 1 đơn vị thì năng lượng tăng lên khoảng 32 lần.
・Độ địa chấn biểu thị độ mạnh của cơn rung. Cơ quan khí tượng Nhật Bản công bố có 10 thang độ địa chấn.
(Khi xảy ra động đất)
Khi có động đất xảy ra, bạn hãy chú ý các điểm sau:
① Bình tĩnh hành động
・Trường hợp đang ở trong nhà hay các công trình xây dựng: Để tránh đồ vật rơi vào đầu, bạn hãy núp mình dưới gầm bàn, chờ cho tới khi hết rung lắc.
・Trường hợp đang ở ngoài: Nếu đứng ở gần các công trình xây dựng, có thể biển hiệu hay mảnh tường, kính cửa sổ của tòa nhà sẽ rơi xuống, vì vậy hãy lấy cặp sách hay gì đó che đầu và lánh vào nơi an toàn.
・Trường hợp đang lái xe: Bạn hãy dừng xe vào lề trái đường, tắt máy. Cứ để nguyên chìa khóa trên xe ô tô đó, đi bộ lánh vào nơi an toàn.
② Xử lý với lửa: Bạn hãy đề phòng hỏa hoạn do động đất
・Cảm thấy đất rung, bạn hãy tắt nguồn bếp gas và lò sưởi.
・Nếu lửa bén ra, bạn hãy cố gắng hết sức dùng bình xịt cứu hỏa dập lửa.
・Sau khi động đất, có thể gas sẽ bị rò rỉ, cho nên bạn không được bật lửa ngay.
③ Lánh vào nơi an toàn
・Có nguy cơ mái nhà đổ vỡ hoặc hỏa hoạn do động đất. Nếu ở gần núi, còn có nguy cơ lở núi, vì vậy cảm thấy đất rung, bạn hãy nhanh chóng lánh nạn ở nơi lánh nạn do địa phương mình đã chỉ định.
④ Hợp tác và giúp đỡ mọi người xung quanh
・Khi xảy ra thiên tai, điều quan trọng là bạn giúp đỡ những người xung quanh. Đặc biệt là bạn hãy kêu gọi, hợp tác, giúp đỡ những người cao tuổi sống đơn thân hay những người khuyết tật.
⑤ Cập nhật thông tin chính xác
・Cập nhật những thông tin chính xác, mới nhất dựa theo thông tin từ tivi, radio, điện thoại di động, loa thông báo phòng chống thiên tai.
★ Tin động đất khẩn cấp (Cảnh báo)
・Khi dự đoán sẽ có động đất chấn độ từ gần 5 độ trở lên, Cơ quan khí tượng Nhật Bản sẽ phát tin động đất khẩn cấp (Cảnh báo), cho các đối tượng là những khu vực dự đoán sẽ xảy ra động đất với chấn độ mạnh hơn 4 độ.
・Tin động đất khẩn cấp sẽ được truyền qua tivi, radio, điện thoại di động và loa phòng chống thiên tai của địa phương.
Hình ảnh về động đất và tin động đất khẩn cấp (tiếng Anh, tiếng Nhật vv…)
Thiên tai: Sóng thần
Khi đáy biển có động đất, đáy biển sẽ trồi lên sụt xuống. Từ đó gây ra sóng thần, sóng lan tỏa đi khắp tứ phương tám hướng.
【Chuẩn bị】
Để bảo toàn tính mạng khi có sóng thần, từ thường ngày bạn hãy xác định trước nơi sẽ lánh nạn, xác định rõ con đường an toàn để mình đi từ nhà tới nơi lánh nạn.
【Khi sóng thần có vẻ (hoặc thực sự) ập đến】
Bạn nhìn thấy sóng thần ập tới bờ biển rồi mới lánh nạn thì không thể kịp. Bạn hãy lưu ý các điểm sau đây và đi lánh nạn.
・Khi bạn cảm nhận thấy rung mạnh ở gần bờ biển hay sông ngòi, hoặc khi rung nhẹ nhưng chậm trong thời gian dài, thì hãy nhanh chóng rời bờ biển, bờ sông, lên khu đất cao như ngọn đồi hay tòa nhà lánh nạn để lánh nạn.
・Khi không cảm nhận được động đất, nhưng nếu nghe thấy Cơ quan khí tượng phát lệnh cảnh báo sóng thần, hãy đến nơi cao lánh nạn.
・Cập nhật thông tin chính xác qua tivi, radio, điện thoại di động, loa phòng chống thiên tai, internet vv…
Núi lửa phun trào
Ở Nhật Bản có rất nhiều núi lửa. Để bảo toàn tính mạng khi núi lửa phun trào, bạn hãy hành động như sau:
【Chuẩn bị】
・Từ thường ngày, bạn hãy xác định trên bản đồ cảnh báo nguy hiểm xem đâu là “phạm vi cần cảnh giác”.
・Khi bạn đang leo núi: Xác nhận thông tin liên quan tới mức độ cảnh báo mà Cơ quan khí tượng thông báo, thông tin liên quan tới núi lửa đó trên bản đồ cảnh báo nguy hiểm ▽ Xuất trình đăng ký leo núi ▽ Chuẩn bị sẵn thiết bị thông tin và mũ bảo hiểm.
【Khi núi lửa có vẻ sắp phun (hoặc đã phun)】
・Bạn tự phán đoán dựa trên “Thông báo khẩn cấp núi lửa phun trào”, “Cảnh báo núi lửa phun trào” do Cơ quan khí tượng thông báo, hoặc dựa trên mức độ cảnh báo núi lửa hoạt động để lánh nạn.
・Khi bạn cập nhật được thông tin như vậy trong lúc đang leo núi, hoặc khi núi lửa phun: Ngay lập tức rời khỏi khu vực miệng núi lửa. ▽ Lánh nạn ở các chòi trên núi hoặc chòi lánh nạn ▽ Đội mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu.
Thiên tai: Cách lánh nạn
【Nơi lánh nạn】
Trường hợp có vẻ sẽ (hoặc đã) xảy ra thiên tai
・Nhanh chóng đến nơi an toàn để lánh nạn.
・Xác định lại một lần nữa chắc chắn nơi lánh nạn trong khu vực mình đang sinh sống.
・Bạn có thể xác định được địa điểm của nơi lánh nạn trên trang chủ của Ủy ban hành chính địa phương nơi mình sinh sống.
・Nếu khó có thể đi tới nơi lánh nạn, thì hãy hành động để bảo vệ tính mạng mình, ví dụ như trốn vào nơi an toàn khác (công trình xây dựng chắc chắn ở gần đó, thậm chí có thể lên tầng 2 của nhà mình, ít nhất đó cũng là một nơi an toàn).
【Thông tin lánh nạn】
Thông tin lánh nạn khi có thể (hoặc đã) xảy ra thiên tai, có các loại như sau:
① Chuẩn bị lánh nạn
Là thông tin thúc giục những đối tượng cần mất nhiều thời gian chuẩn bị khi đi lánh nạn, như người cao tuổi, trẻ em. Khi có thông tin này, người cao tuổi, trẻ em, những người cần mất nhiều thời gian để đi lánh nạn (như phụ nữ có thai) và người nhà của họ sẽ bắt đầu chuẩn bị đi lánh nạn.
② Khuyến cáo lánh nạn
Là thông tin phát đi khi khả năng cao là thiên tai sẽ gây ra thiệt hại bất cứ lúc nào. Khi có thông tin này, bạn sẽ tới nơi lánh nạn hay nơi an toàn để lánh nạn.
③ Lệnh lánh nạn (Khẩn cấp)
Là thông tin phát đi khi thiệt hại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi có thông tin này, nếu bạn vẫn chưa đi lánh nạn, thì phải tới ngay nơi lánh nạn hay nơi an toàn để lánh nạn.
★ Thông tin lánh nạn có sử dụng “Mức độ cảnh báo”
~Mức độ cảnh báo là gì?~
・Là thông tin được phát đi cùng với thông tin lánh nạn và thông tin khí tượng phòng chống thiên tai, sao cho người dân thực hiện những hành động nên làm, khi thiên tai không phải sóng thần – như lũ lụt, xói lở đất đá – sắp xảy ra.
Cảnh báo mức độ 1→ Nâng cao đề phòng thiên tai (Tra cứu thông tin về mưa bão, sông ngòi qua tivi, hay internet)
Cảnh báo mức độ 2→ Chuẩn bị lánh nạn, xác định hành động lánh nạn (Tra cứu xem lánh nạn ở đâu, đi như thế nào)
Cảnh báo mức độ 3→ Những người cần nhiều thời gian để đi lánh nạn như người cao tuổi, trẻ em, phải đi lánh nạn.
Cảnh báo mức độ 4→ Tất cả mọi người phải lánh nạn
Cảnh báo mức độ 5→ Hành động tốt nhất để bảo toàn tính mạng của mình (Thiên tai đang xảy ra. Hãy bảo vệ tính mạng quý giá của mình!)
【Cách lánh nạn】
Khi đi lánh nạn, hãy chú ý các việc sau đây:
・Tuyệt đối phải tắt lửa trước khi đi lánh nạn.
・Vật dụng mang theo, càng gọn nhẹ càng tốt, đeo trên lưng hay sao đó để cho đôi tay được tự do nhất.
★Kết nối báo tin khi có thiên tai
・Khi xảy ra thiên tai lớn, có thể điện thoại sẽ khó kết nối.
・ Khi đó, bạn có thể sử dụng dịch vụ kết nối dùng trong thiên tai.
・Bạn gọi tới số 171, làm theo hướng dẫn là có thể thu âm hoặc nghe lại lời báo tin.
NTT Miền Đông Nhật Bản http://www.ntt-east.co.jp/saigai/web171/
NTT Miền Tây Nhật Bản https://www.ntt-west.co.jp/dengon/web171/
★ Bảng nhắn tin dùng khi có thiên tai(web171)(tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật)
Trang web có thể nhập được tin nhắn bằng ký tự bàn phím máy tính hay điện thoại thông minh.
https://www.web171.jp/web171app/topRedirect.do
★Dịch vụ nhắn tin của công ty điện thoại di động
docomo http://dengon.docomo.ne.jp/top.cgi
KDDI(au)http://dengon.ezweb.ne.jp/
SoftBank / Y!mobile http://dengon.softbank.ne.jp/
【Thông tin khí tượng quan trọng khi có thiên tai】
Khi có thiên tai, Cơ quan khí tượng của Nhật Bản sẽ truyền đi thông tin khí tượng quan trọng tới tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Bạn có thể cập nhật thông tin đó qua tivi, radio, internet vv…
Thông tin liên quan tới mưa lớn và động đất (có tiếng Việt)
Thông tin phòng chống thiên tai (lũ lụt, xói lở đất đá, động đất, núi lửa)
★Cảnh báo đặc biệt về mưa lớn
・Cơ quan khí tượng Nhật Bản có thể phát lệnh cảnh báo đặc biệt về mưa lớn. Cảnh báo đặc biệt về mưa lớn được phát đi khi khả năng cao sẽ xảy ra thiệt hại trầm trọng, như sau:
① Khi dự báo mưa lớn mấy chục năm mới có 1 lần
② Khi dự báo có bão mạnh mấy chục năm mới có 1 lần sẽ tới gần- đổ bộ vào Nhật Bản
★「Safety tips」- Phần mềm cung cấp thông tin hữu dụng khi có thiên tai
・Có phần mềm cung cấp thông tin hữu dụng khi có thiên tai, dành cho người du lịch nước ngoài. Tải về điện thoại thông minh thì khi thiên tai sắp xảy ra, sẽ có báo động.
① Tin động đất khẩn cấp (Cảnh báo “Sắp có rung lắc mạnh hãy cẩn thận”)
② Cảnh báo sóng thần (Kêu gọi “Sóng thần đang ập vào bờ, hãy mau chóng lên chỗ cao lánh nạn”)
③ Cảnh báo khí tượng đặc biệt (Kêu gọi “Thiên tai thời tiết mấy chục năm mới có 1 lần có thể xảy đến bất cứ lúc nào, người không thể đi lánh nạn hãy hành động để bảo toàn tính mạng của mình”)
④ Tin khẩn cấp núi lửa phun (Kêu gọi “Núi lửa đã phun trào, hãy cẩn thận”)