Cuộc sống - Visa

Vol. 9 Y tế

日本でくらすサムネ09_vn
29/09/2020

Làm thế nào để được hỗ trợ y tế tại Nhật Bản

Số người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đã vượt trên con số 400.000 người nhưng trong đó có nhiều người chưa thể nói tiếng Nhật trôi chảy. Họ cảm thấy khó khăn khi đi bệnh viện vì không tự tin vào khả năng tiếng Nhật của mình, dù có thể đi thì cũng không khó truyền đạt được với bác sĩ về bệnh tình của mình, không hiểu rõ bác sĩ chẩn đoán bệnh của mình ra sao.

Đặc biệt là các bạn lưu học sinh đang phải đối mặt với khó khăn này khi bị ốm. Các bạn thực tập sinh, kỹ sư v.v. nhận được sự hỗ trợ của cơ quan tiếp nhận, nghiệp đoàn v.v. nhưng các bạn lưu học sinh mới sang Nhật thì không có kết nối với cá nhân hay đoàn thể nào có thể hỗ trợ được. Nếu phải nhập viện khẩn cấp do đột ngột bị bệnh, bạn có thể nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, nhưng hình thức hỗ trợ có chút khác biệt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn những kiến thức cơ bản cần có khi người nước ngoài đi khám và chữa bệnh ở Nhật.

1.Các loại cơ sở y tế

Ở Nhật Bản có rất nhiều cơ sở y tế, mỗi nơi lại có một chức năng riêng. Nếu bạn bị ốm hay bị thương nhẹ, hãy tới phòng khám gần nhà mình. Sau khi nhận được giấy chuyển viện, bạn có thể tới khám ở những bệnh viện lớn hơn.

① Phòng khám – Clinic

→ Điều trị bệnh tật và chấn thương thường gặp trong đời sống hàng ngày

② Bệnh viện vừa và nhỏ

→ Khi cần nhập viện, phẫu thuật v.v. ▽ Khi cần điều trị khẩn cấp

③ Bệnh viện lớn

→ Bệnh nhân cấp cứu do bệnh tình nặng ▽ Khi cần hỗ trợ y tế ở mức độ cao

【Bảo hiểm y tế】

Tại bệnh viện hay các phòng khám, bạn hãy xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Nếu bạn không xuất trình thẻ thì bạn sẽ phải tự chi trả toàn bộ số tiền khám chữa bệnh.

【Các khoa khám bệnh chính】

Các khoa khám bệnh được chia ra theo từng loại bệnh và tình hình vết thương. Riêng bệnh nha khoa thường được khám tại phòng khám là chính.

Khoa Nội
Nơi khám chữa các bệnh thuộc cơ quan tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, huyết học, nội tiết, thần kinh v.v. và điều trị chủ yếu bằng thuốc. Tại đây cũng khám và chữa các bệnh thông thường như cảm cúm v.v.
Khoa Ngoại
Nơi khám chữa các bệnh ung thư, tổn thương bên ngoài v.v. điều trị chủ yếu bằng cách phẫu thuật.
Khoa Nhi
Nơi khám chữa bệnh cho trẻ em.
Khoa Ngoại chỉnh hình
Nơi điều trị các bệnh có liên quan đến hệ vận động và hệ thần kinh có liên quan đến những cơ quan như xương, khớp, cơ, gân v.v.
Khoa Mắt
Nơi điều trị các bệnh về mắt.
Nha khoa
Nơi điều trị các bệnh về răng, chỉnh hình răng hàm mặt v.v.
Khoa Sản
Nơi khám chữa cho phụ nữ đang mang thai, sinh đẻ, trẻ sơ sinh v.v.

Tìm cơ sở y tế

Dưới đây là cách tìm cơ sở y tế.

① Tìm qua tạp chí do UBND nơi bạn sinh sống phát hành

② Tìm qua Internet thông tin của các cơ sở y tế được cung cấp trên trang chủ của các tỉnh thành

③ Hỏi trực tiếp UBND nơi bạn sinh sống hoặc các tổ chức giao lưu quốc tế v.v.

Đường link tổng hợp các tổ chức tư vấn (toàn quốc) của UBND và những tổ chức giao lưu quốc tế

④ Trung tâm hỗ trợ an toàn sức khỏe

Có hơn 380 “Trung tâm hỗ trợ an toàn sức khỏe” được đặt tại các tỉnh thành, phòng y tế của các thành phố, các khu vực đặc biệt. Tại đây, bạn sẽ được hướng dẫn và giới thiệu các cơ sở y tế.

⑤ Trung tâm thông tin y tế quốc tế AMDA

・ Tại đây bạn sẽ được giới thiệu cơ sở y tế có ngôn ngữ bạn dùng hoặc được hướng dẫn chế độ phúc lợi y tế bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau (Điện thoại 03-6233-9266). Trung tâm hỗ trợ bằng tiếng Việt vào 10:00~16:00 thứ tư (thứ 2 và thứ 4 của tháng).

・ Trung tâm cũng có hỗ trợ thông dịch qua điện thoại hoặc thông dịch qua ZOOM (Tư vấn 050-3405-0397).

Trang chủ của Trung tâm thông tin y tế quốc tế AMDA

⑥ Sở du lịch

Trang web “Khi bạn thấy không khỏe”

◎ Khi khẩn cấp, hãy gọi 119

Khi bạn đột ngột bị bệnh hay bị thương nặng do tai nạn, hãy gọi tới số 119 để gọi xe cứu thương !

Hỗ trợ ngôn ngữ

Ngày càng có nhiều bệnh viện tại Nhật hỗ trợ ngôn ngữ dành cho người nước ngoài. Phần lớn các bệnh viện trực thuộc trường đại học, bệnh viện đa khoa triển khai dịch vụ thông dịch qua điện thoại. Trong trường hợp cần thiết, có bệnh viện có thể nhờ phiên dịch viên đến tận nơi mà bệnh nhân không cần phải trả khoản phí nào. Có điều số lượng phiên dịch viên tiếng Nhật trong lĩnh vực y tế vẫn chưa nhiều. Người ta cũng chỉ ra rằng chất lượng thông dịch qua điện thoại cũng chưa được cao.

Thế nhưng, kể từ sau chương trình EPA (Hiệp định đối tác kinh tế) được kí kết giữa Việt Nam và Nhật Bản, rất nhiều y tá từ Việt Nam sang Nhật để tham gia tập huấn và thực hành. Trong bối cảnh đó, gần đây số bệnh viện có thông dịch viên, bác sĩ, y tá người Việt đã tăng lên. Nếu bạn đến những bệnh viện này, bạn sẽ được hỗ trợ tận tình bằng tiếng Việt.

Chúng tôi sẽ giới thiệu các cơ sở y tế có thể hỗ trợ bằng tiếng Việt theo từng khu vực ở trang tiếp theo, các bạn hãy tham khảo nhé!

Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Tokyo)
Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Kanto)
Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Kansai)
Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Tokai)
Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Bắc Kyushu)
Các cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt (Nam Kyushu)

Bảo hiểm y tế

Những người sống ở Nhật Bản, không phân biệt quốc tịch, đều phải tham gia bảo hiểm y tế công.

(1) Bảo hiểm y tế

Người tham gia bảo hiểm sẽ trả 30% chi phí khám chữa bệnh

Người làm công ăn lương và gia đình của họ sẽ tham gia bảo hiểm này. Nếu tham gia bảo hiểm này thì khi đi khám tại các phòng khám nha khoa, bệnh viện v.v. bạn chỉ cần chi trả 1 phần phí khám chữa bệnh. Theo nguyên tắc, bạn và người thân trong gia đình sẽ trả 30% tổng chi phí khám chữa bệnh (trẻ em dưới 6 tuổi hoặc người gia từ 70~74 tuổi là 20%), 70% sẽ do bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên cũng có những dịch vụ y tế không nằm trong phạm vi được bảo hiểm.

Phí bảo hiểm do công ty và người lao động cùng đóng, mỗi bên một nửa

Tiền phí bảo hiểm hàng tháng sẽ do công ty và người lao động cùng đóng, mỗi bên chịu 50%.

(2) Bảo hiểm y tế quốc dân

Du học sinh cũng có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm

Những người có đăng kí địa chỉ thường trú, dưới 75 tuổi và không nằm trong đối tượng sử dụng bảo hiểm y tế theo công ty thì phải tham gia Bảo hiểm y tế quốc dân. Du học sinh người nước ngoài cũng có nghĩa vụ tham gia.

Người tham gia bảo hiểm sẽ trả 30% chi phí khám chữa bệnh

Theo nguyên tắc, người tham gia bảo hiểm sau khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế sẽ trả 30% tổng chi phí khám chữa, 70% sẽ do bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên cũng có những dịch vụ y tế không nằm trong phạm vi được bảo hiểm.

Cách thức tham gia

Bạn sẽ làm thủ tục đăng kí tham gia tại UBND nơi bạn sinh sống. Khi đăng kí cần có thẻ lưu trú và hộ chiếu. Nếu bạn sống cùng gia đình, gia đình bạn cũng sẽ tham gia bảo hiểm. Bạn hãy xác nhận xem trên thẻ bảo hiểm có ghi tên của người trong gia đình mình hay không.

Đăng kí thay đổi địa chỉ

Nếu bạn thay đổi địa chỉ, bạn hãy đăng kí với UBND của nơi ở mới, sau đó nhận thẻ bảo hiểm mới. Nếu bạn không làm thủ tục này, thẻ bảo hiểm của bạn sẽ không sử dụng được và không được bảo hiểm y tế quốc dân chi trả.

※ Phí bảo hiểm có thể được giảm trừ theo điều kiện thu nhập và tình hình cuộc sống, để biết thông tin chi tiết, bạn hãy hỏi trực tiếp UBND nơi bạn sinh sống.

Các khoản phụ cấp

Trong bảo hiểm y tế có nhiều loại phụ cấp đi kèm, chúng tôi xin giới thiệu một phần trong số đó.

【Phí điều trị và dưỡng bệnh】

✔︎ Khi chưa nhận được bảo hiểm ngay sau khi vào làm việc
✔︎ Khi mua các vật dụng cần cho việc điều trị như mua thạch cao để bó bột v.v.
✔︎ Khi đi vật lý trị liệu như châm cứu, bấm huyệt, mát xa v.v. theo chỉ định của bác sĩ
✔︎ Khi khám chữa bệnh ở nước ngoài

Trong những trường hợp trên, sau khi bạn trả toàn bộ chi phí khám chữa, bạn có thể làm đơn đề nghị với UBND nơi bạn đang sống và nếu được chấp thuận, ngoài phần chi phí bạn phải chịu, bạn sẽ được chi trả phí điều trị và dưỡng bệnh.

【Phí điều trị và dưỡng bệnh quá lớn】

Nếu số tiền phải chi trả cho các cơ sở y tế, tiền thuốc v.v. vượt quá mức quy định của một tháng (không bao gồm tiền ăn, tiền trả thêm để nâng cấp giường bệnh trong thời gian nhập viện), bạn sẽ được chi trả phần quá hạn mức đó.

【Tiền thai sản một lần】

Khi người được bảo hiểm hoặc người phụ thuộc vào người tham gia bảo hiểm sinh con, về nguyên tắc sẽ nhận được 420.000 yên / một trẻ sơ sinh.

Thuốc

Bạn có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc hoặc cửa hàng dược phẩm (drug store). Tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ nên bạn hãy lưu ý khi sử dụng.

Hiệu thuốc

Tại hiệu thuốc, dược sĩ sẽ điều chế và bán thuốc theo đơn bác sĩ đã kê. Bạn cũng có thể mua các loại dược phẩm khác. Ở Nhật, có rất nhiều loại thuốc không thể mua được nếu không có đơn của bác sĩ. Cũng có loại thuốc có thể mua mà không cần đơn nhưng nếu là thuốc có cùng tác dụng, khi bạn đưa đơn thuốc ra rồi mua thì bạn cũng sẽ được bảo hiểm chi trả 70%, bạn chỉ cần trả 30% thôi.

Drug Store

Đây là cửa hàng bán các loại thuốc không cần đơn của bác sĩ, các loại thực phẩm ăn uống, tạp hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày v.v. Cũng có drug store bán thuốc theo đơn.

◎ Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về y tế, hãy tham khảo tài liệu trong link đính kèm dưới đây.

Sách hướng dẫn về đời sống – việc làm dành cho người nước ngoài (Chương 6: Y tế)