Cuộc sống - Visa

★ Thông tin cơ bản: Quy định – tập quán trong cuộc sống

2112241-1
09/01/2024

Chúng ta hãy tuân thủ các quy định – tập quán trong cuộc sống và kết thân với hàng xóm nhé. Bài viết này sẽ giới thiệu một số quy tắc như Cách vứt rác ▽ Cách người Nhật cảm nhận tiếng ồn trong phòng ▽ Điểm chú ý liên quan đến điện thoại di động ▽ Biện pháp chống trộm v.v.

1. Cách vứt rác

Tuân thủ ngày và địa điểm vứt rác theo từng loại rác

Mỗi loại rác lại có ngày (thứ) và địa điểm vứt khác nhau. Mỗi khu vực có một quy định riêng, nếu bạn không tuân thủ chúng, rác của bạn sẽ không được thu gom.

Sau khi chuyển nhà, hãy đọc kĩ hướng dẫn liên quan đến việc vứt rác. Hướng dẫn này được phát khi làm thủ tục đăng ký địa chỉ tại các toà thị chính địa phương, khi ký hợp đồng thuê nhà tại văn phòng bất động sản. Nó cũng có thể nằm trong hòm thư nhà bạn.

Thông thường, chúng ta sẽ vứt rác vào buổi sáng.
Hãy sử dụng loại túi chỉ định của địa phương hoặc “túi nhìn thấy bên trong” để vứt nhé.

Ví dụ về các loại rác

Rác cháy được
Vụn giấy, rác tươi, dầu ăn, tã lót giấy, đồ cao su, đồ bằng da v.v.
Rác không cháy được
Bát đĩa, cốc vỡ (được bọc trong giấy dày), kim loại, thuỷ tinh v.v.
Rác tài nguyên
Lọ thuỷ tinh, lon, báo, sách, khay đựng đồ ăn bằng nhựa, chai nhựa, bìa các tông v.v.
Rác quá khổ
Đồ đạc như bàn, ghế v.v., xe đạp, chăn đệm v.v.
Rác đồ điện gia dụng
Máy điều hoà, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo v.v.

【Chú ý ①】Dầu ăn đã qua sử dụng

Không đổ dầu ăn đã qua sử dụng vào bồn rửa. Nếu cho nhiều giấy báo vào trong nồi, chảo, giấy sẽ hút dầu nên có thể vứt giấy đó như “rác cháy được”.

【Chú ý ②】Rác quá khổ

Bạn có thể sẽ cần phải liên lạc trước với cơ quan hành chính địa phương và hẹn ngày thu gom. Sau khi hẹn, mua “phiếu thu gom rác” (回収券) ở cửa hàng tiện lợi, sau đó dán lên rác cần vứt.

【Chú ý ③】Rác đồ điện gia dụng

・ Thu gom máy điều hoà, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo
= Nhờ đơn vị thu gom đã được cấp phép, phải trả “phí tái chế”.

・ Điểm thanh toán phí tái chế, điểm thu gom đồ cũ
= Cửa hàng mua sản phẩm mới hoặc cửa hàng đã mua sản phẩm muốn vứt

Nếu không hiểu rõ, hãy hỏi cơ quan hành chính tại địa phương của bạn.

Vứt rác trái phép (vứt rác bất hợp pháp)

Nếu vứt rác ngoài nơi quy định, bạn sẽ trở thành tội phạm. Việc vứt các loại vỏ lon, tàn thuốc lá v.v. trên đường (Poi sute ポイ捨て) cũng được coi là vi phạm pháp luật.

2. Tiếng ồn

Tại Nhật Bản, nếu nói to hoặc phát ra âm thanh lớn sẽ làm phiền tới những nhà xung quanh. Đặc biệt, nếu sống ở những khu chưng cư hay căn hộ, hãy chú ý không tạo ra tiếng ồn nhé.

・ Nói chuyện, mở tiệc, xem ti vi hay bật nhạc lớn trong phòng v.v. đều làm phiền đến hàng xóm.

・ Khi sử dụng máy giặt, máy hút bụi vào sáng sớm và đêm khuya, hãy chú ý để không làm phiền hàng xóm nhé.

3. Nhà vệ sinh

・ Khi sử dụng nhà vệ sinh, hãy dùng giấy có sẵn trong đó và vứt giấy vào bồn cầu. Ở một số đất nước và khu vực, giấy đã sử dụng được vứt vào thùng rác bên trong nhà vệ sinh, nhưng ở Nhật thì bạn hãy vứt vào bồn cầu nhé.

・ Nhà vệ sinh ở trung tâm thương mại, ga tàu thường có rất nhiều nút bấm. Nút xả nước thường được viết là “流す(FLUSH)”.

4. Dùng điện thoại di động khi đang di chuyển

・ Không vừa đi vừa nhìn vào điện thoại di động vì bạn có thể va vào người đi đường hoặc xe đạp v.v., gây ra thương tích hoặc tai nạn không đáng có.

・ Luật pháp nghiêm cấm sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe ô tô hoặc xe đạp.

5. Trên tàu điện, xe buýt

Hãy chú ý những điểm sau đây khi đi tàu điện, xe buýt

  • Không nói to
  • Không gọi điện thoại
  • Không nghe nhạc với âm lượng lớn (khi đeo tai nghe, chú ý để âm thanh không lọt ra ngoài)
  • Khi tàu xe đông người, đeo ba lô trước ngực để tránh làm phiền người khác

6. Suối nước nóng – nhà tắm công cộng

Hãy tuân thủ các quy định dưới đây khi sử dụng suối nước nóng, nhà tắm công cộng

  • Làm sạch cơ thể rồi mới vào bể tắm chung
  • Không mang theo khăn tắm vào bể tắm
  • Không sử dụng xà phòng, dầu gội đầu trong bể tắm
  • Có trường hợp người có hình xăm không được vào bể tắm

7. Sinh hoạt cộng đồng

Các tổ chức cộng đồng (Hội tự quản, tổ dân phố)

Ở Nhật Bản, cư dân của các địa phương có thể thành lập một cộng đồng (hội tự quản, tổ dân phố) để tổ chức nhiều hoạt động khác nhau. Chi phí cho các hoạt động này được các cư dân và công ty ở địa phương tự nguyện đóng góp.

Ví dụ về các hoạt động

  • Diễn tập phòng chống thảm hoạ, chuẩn bị cho những trường hợp như động đất, hoả hoạn v.v.
  • Hoạt động bảo vệ an toàn cho trẻ em từ nhà đến trường và ngược lại
  • Hoạt động phúc lợi dành cho người cao tuổi, người khuyết tật
  • Phổ biến thông báo từ toà thị chính v.v.
  • Tổ chức các sự kiện như lễ hội, hội thao v.v.

Tình làng nghĩa xóm

Nếu bạn thường xuyên chào hỏi hàng xóm, cùng tham gia các sự kiện giao lưu thì giữa bạn và hàng xóm sẽ khó phát sinh rắc rối, ngược lại, khi gặp khó khăn, bạn có thể nhận được lời khuyên, hỗ trợ. Ngoài ra, khi có hoả hoạn v.v. chúng ta rất cần đến sự trợ giúp lẫn nhau. Hãy làm thân với hàng xóm nhé.

8. Phòng chống tội phạm

Để tránh bị trộm cắp, sàm sỡ v.v., hãy chú ý những điều dưới đây.

  • Khi ra khỏi nhà, nhất định phải khoá cửa sổ và cửa chính.
  • Khi đỗ xe đạp, xe máy, nhất định phải khoá xe.
  • Không để những đồ vật quan trọng như ví v.v. ở nơi ngoài tầm mắt của mình.
  • Có tội phạm sẽ đi xe máy, xe đạp phía sau bạn rồi rình để giật túi xách của bạn.
  • Hạn chế tối đa việc đi qua nơi ít người vào buổi tối. Nếu bắt buộc phải đi qua, hãy mang theo còi phòng chống tội phạm.