Văn hoá

img detail
12/05/2020 Văn hoá

     Đứng ở bất kỳ đâu trên thang cuốn, tặng hoa cho người ốm, đưa tiền tip trong khách sạn, nhà hàng, huýt sáo vào buổi tối là những điều hết sức bình thường ở Việt Nam. Nhưng ở Nhật thì dame.

Xứ sở hoa anh đào, đất nước mặt trời mọc, mùa thu có lá vàng lá đỏ, xuân về thì hoa anh đào nở rộ… là những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, có thể đọc được ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, có những nét văn hóa tồn tại trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân xứ sở hoa anh đào mà rất ít người Việt để ý. Hãy cùng tìm hiểu về chúng.

Khi đi thang cuốn

Lê Hoàng An, sinh viên năm nhất đại học Kyushu (Fukuoka), vẫn không quên được thời khắc bị một người đàn ông Nhật vỗ vai đề nghị đứng dịch về bên trái khi đang lên thang cuốn. An hơi giật mình khi nhận ra gương mặt của người đàn ông này không hề dễ chịu chút nào.

Theo thói quen thời còn ở Việt Nam, An bước lên thang cuốn và đứng song song với người bạn đi cùng. Tuy nhiên, Nhật Bản đã xây dựng được văn hóa xếp hàng trên thang cuốn cực kỳ chuẩn chỉnh. Thường thì người đứng yên cần phải xếp hàng dịch về bên trái (ở khu vực Kansai thì là bên phải) để dành lối bên phải cho người đang vội có thể đi trước.

Tuy nhiên nếu như bạn ở khu vực Kansai như Osaka hoặc Kyoto thì người đi thang cuốn sẽ đứng về phía bên phải, dành lối đi về phía trái cho người nào muốn đi lên trước. Tại sao ở khu vực Kansai lại có quy định ngược như vậy? Lý do cũng có nhiều cách giải thích. Một cách giải thích cho rằng năm 1967 nhà ga Umeda của tuyến đường sắt Hankyu có lắp đặt loại thang cuốn đi bộ và có nhiều người vịn vào phía bên phải do có loa thông báo “Dành lối đi bên trái cho người muốn đi trước”. Từ đó hình thành thói quen đứng bên phải. Theo một cách giải thích khác thì năm 1970, khi Osaka đăng cai tổ chức Hội chợ quốc tế EXPO thì do có nhiều du khách nước ngoài, nên đã hình thành thói quen đứng bên phải cho phù hợp với thói quen của người châu Âu.


Khi đi thang cuốn ở Nhật thì người đứng yên cần phải xếp hàng dịch về bên trái (ở khu vực Kansai thì là bên phải)

     Ở Việt Nam, bạn có thể đứng ở bất kỳ bên nào trên thang nhưng sang tới Nhật, hãy đứng dịch về một bên kẻo lại đụng phải những cái lườm nguýt như An.

Tiền tip (tiền boa)

Ở Nhật Bản không có văn hóa cho tiền tip. Ở Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, văn hóa đưa tiền tip cho nhân viên phục vụ tương đối phổ biến. Nhiều người Việt quan niệm đơn giản rằng, khi họ được cung cấp dịch vụ như ý thì một chút tiền tip là cách để thể hiện sự hài lòng.


Tặng tiền tip sẽ khiến người Nhật nổi giận !?

     Tuy nhiên, đừng dại mà đưa tiền tip cho các nhân viên phục vụ ở Nhật nếu bạn không muốn rơi vào tình huống khó xử. Đối với người Nhật thì việc cung cấp một dịch vụ hoàn hảo là điều hiển nhiên. Thậm chí sẽ có nhiều người Nhật cảm thấy việc bạn đưa tiền tip là một sự sỉ nhục. Đối với họ, tiền không phải là thước đo giá trị. Người Nhật cung cấp dịch vụ xuất phát từ lòng hiếu khách chứ không phải để đổi lấy tiền boa.

Tặng hoa cho người ốm là…bất lịch sự !?

Tiếp theo, bạn có một người bạn Nhật đang nằm viện và nghĩ tới chuyện tới thăm. Theo thói quen của người Việt, bạn nghĩ rằng mình nên mua một vài bông hoa giúp người bệnh cảm thấy vui tươi hơn. Nếu muốn mua hoa, xin hãy lưu ý vài điểm sau:

Bản thân việc tặng hoa cho người ốm không có vấn đề gì, nhưng các loài hoa có màu trắng ở Nhật đều liên quan đến đám tang. Vì thế nên tránh các loại hoa màu trắng hoặc hoa cúc, là loại hoa chuyên được cắm bàn thờ phật. Ngoài ra các loài hoa đỏ thì khiến người bệnh liên tưởng tới máu. Vì thế nếu tặng hoa cho người sau khi bị mổ thì ta nên tránh nhé.


Ở Nhật tặng hoa cho người ốm là…bất lịch sự?

     Tệ hơn nữa, nếu bạn tặng cho người ốm những loài hoa được trồng trong chậu thì thê thảm rồi. Bởi hoa trồng trong chậu có rễ, tiếng Nhật đọc là “Netsuku” và từ này dễ làm người ta liên tưởng tới từ “ngủ mãi” trong tiếng Nhật. Bạn đang mong người bệnh ngủ mãi hay sao? Ở một số vùng thì hoa trồng trong chậu sẽ khiến người bệnh nghĩ rằng chúng ta đang chúc họ nằm viện lâu tới mọc rễ. Hơn nữa, tùy theo bệnh viện mà có những nơi người ta không cho phép cắm hoa trong phòng bệnh nên nếu muốn tặng hoa, chúng ta nên hỏi trước xem có được phép không nhé. Bởi những loại hoa có hương thơm mạnh hoặc có phấn hoa… có thể ảnh hưởng tới người bệnh hoặc người nằm cùng phòng. Nên thường thì người ta tránh tặng hoa cho người ốm.

Huýt sáo

Vào một đêm trăng thanh gió mát, bạn cao hứng và quyết định huýt sáo vài giai điệu cho vui vẻ. Bạn thoải mái làm điều đó ở Việt Nam nhưng ở Nhật thì đừng. Tiếng huýt sáo có rất nhiều giai thoại ở Nhật.


Huýt sáo ngoài đường

     Ở một số vùng, người Nhật quan niệm rằng tiếng huýt sáo là cách kẻ trộm gọi nhau vào ban đêm. Vậy nên chỉ cần nghe tiếng huýt sáo người dân sẽ theo phản xạ lùng xục tìm kẻ gian.

Thời xa xưa hơn nữa, sáo là công cụ được sử dụng khi gọi hồn. Vậy nên tiếng sáo vang lên ban đêm sẽ khiến nhiều người cảm thấy rùng rợn, giống như việc có hồn ma nào đó đang được gọi lên. Trẻ con ở nhiều vùng thì được người lớn dạy rằng, nếu huýt sáo thì rắn sẽ vào nhà. Nói tóm lại, tiếng sáo vang lên ban đêm chỉ liên quan tới những điều không tốt.

Những nét văn hóa dân gian góp phần tạo nên đặc trưng cho mỗi dân tộc. Vậy nên hãy tìm hiểu và tôn trọng những điều kiêng kị để chí ít thì cũng không bị coi là bất lịch sự trong đời sống hàng ngày.