Kinh nghiệm của tôi (Thực tập kỹ năng - Kỹ năng đặc định)

01
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)
 

Gặp gỡ sempai số này

Chị Chu Thị Mức
  • Tháng 5/2014Tốt nghiệp trường THPT Lương Tài 〈Bắc Ninh〉
  • Tháng 9/2014Vào học trường trung cấp hộ lý 〈Hà Nội〉
  • Tháng 7/2017Tốt nghiệp trường trung cấp
  • Tháng 9/2017Vào học tại trung tâm tiếng Nhật 〈Hà Nội〉
  • Tháng 9/2018Sang Nhật → Tập huấn kỹ năng → Thực tập kỹ năng tại nhà máy 〈Tỉnh Mie〉

〈Sinh năm 1996 tại tỉnh Bắc Ninh〉

anhnangcuaanh9296@gmail.com

Lời giới thiệu

    Chị Mức làm việc tại nhà máy ở vùng nông thôn. Quanh vùng này ít hàng quán và cửa hiệu, nhưng vì quen thuộc với sông núi, đồng ruộng, lại có bạn bè xung quanh nên cuộc sống hằng ngày của chị rất vui vẻ. Chị Mức luôn nỗ lực cố gắng từng chút một trong việc học tiếng Nhật nên dù mới chỉ sang Nhật chưa đầy 2 năm, chị đã có thể nói chuyện hằng ngày bằng tiếng Nhật mà không gặp khó khăn gì. Sau đây, chị Mức sẽ giới thiệu về điểm hay của vùng nông thôn và việc học tiếng Nhật.

Ga JR Sanagu ở gần kí túc xá của chị Mức. Đây là ga nhỏ, ít khách. (Tháng 7/2020)

Ga JR Sanagu ở gần kí túc xá của chị Mức. Đây là ga nhỏ, ít khách. (Tháng 7/2020)

Lý do đến Nhật Bản và số tiền trả cho công ty phái cử

Ảnh trái: Lễ tốt nghiệp trường trung cấp ở Hà Nội (Năm 2017) Ảnh phải: Trong trường trung cấp (khoảng năm 2015)

    Tôi đã học ngành hộ lý tại trường trung cấp ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn thấy quanh cảnh và phố xá ở Nhật trên tivi, tôi cảm thấy rất thích, hơn nữa, tôi còn nghe bạn tôi trước đây từng sang Nhật thực tập kĩ năng kể chuyện nên đã quyết định đến Nhật Bản.

    Tôi đã sử dụng dịch vụ của cùng công ty phái cử ở Hà Nội mà bạn tôi đã dùng. Tổng số tiền tôi trả cho công ty là 6.000 đô la Mỹ, trong đó bao gồm cả học phí và tiền kí túc xá trong một năm. Số tiền này cha tôi đã vay mượn từ họ hàng.

【Lời khuyên của Ban biên tập】     Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, công ty phái cử không được thu của thực tập sinh quá 5.900.000 đồng cho 520 giờ học tiếng Nhật, và không được thu quá 3.600 đô la Mỹ phí dịch vụ (trường hợp ký hợp đồng lao động 3 năm). Tiền vé máy đến Nhật Bản và về Việt Nam do công ty tiếp nhận thực tập trả. Cơ quan phái cử không được phép giữ tiền đặt cọc phòng ngừa việc bỏ trốn. Nếu thấy số tiền phải trả cho cơ quan phái cử khác với quy định này, các bạn nên giữ lại biên lai thanh toán với cơ quan phái cử hoặc tìm những cơ quan phái cử khác.

Nội dung thực tập kĩ năng

Ảnh kỉ niệm trước cửa trụ sở công ty, chụp cùng các thực tập sinh chuẩn bị về nước (Tháng 12/2019)

   Nơi tôi thực tập kĩ năng là công ty có tên là Miyake ở tỉnh Mie, chuyên sản xuất linh kiện vòng bi và các linh phụ kiện ô tô, xe đạp. Công việc của tôi là kiểm tra linh kiện ô tô. Trụ sở công ty và nhà máy nơi tôi làm việc có mặt bằng rộng tới khoảng 5 héc-ta, hiện nay đang có khoảng 300 người làm việc tại đây.

   Giờ làm việc của chúng tôi là từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều (ca đêm là từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau). Ở chỗ làm, bình thường chúng tôi im lặng làm việc, nhưng vào giờ nghỉ vẫn hay tán chuyện với người Nhật. Có lần, tôi còn ngồi ăn cơm và trò chuyện với bác lao công trong nhà ăn nhân viên nữa. Link:Công ty Miyake

Ảnh kỉ niệm trước cửa trụ sở công ty, chụp cùng các thực tập sinh chuẩn bị về nước (Tháng 12/2019)

Đi làm bằng xe đạp

Bãi để xe đạp ở nhà máy (Tháng 2020)

    Đi xe đạp từ kí túc xá đến nhà máy mất khoảng 10 phút. Chúng tôi mặc đồng phục nhà máy rồi mới ra khỏi kí túc xá. Những hôm trời mưa, tôi mặc áo mưa và đạp xe. Nghe theo lời khuyên của sempai đã về nước, tôi mua áo mưa ở Việt Nam và mang sang Nhật. Lý do là áo mưa mua ở Nhật rất đắt.

Bãi để xe đạp ở nhà máy (Tháng 2020)

Tụ tập ăn uống với bạn bè cùng thực tập

    Vào ngày nghỉ, tôi thường gọi điện thoại video nói chuyện với mẹ hoặc ra siêu thị mua sắm. Từ kí túc xá ra siêu thị gần đó đi xe đạp khoảng 10 phút, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng đi ra trung tâm mua sắm ở khu đô thị lớn. Đi ra đến đó mất khoảng 40 phút.

    Kí túc xá nam và nữ ở ngay cạnh nhau, số nam thực tập sinh người Việt là khoảng 15 người, nữ khoảng 10 người. Có nhiều nhóm vài bạn nam nữ thân nhau, vào ngày nghỉ, các nhóm thường cùng nhau đi chơi hoặc tổ chức ăn uống ở kí túc xá. Các món ăn thường là lẩu, thịt nướng với bia. Những lần tụ tập ăn uống như vậy rất vui vẻ.

Ngắm hoa anh đào ở bờ sông gần nhà (Tháng 4/2020)

Ngắm hoa anh đào ở bờ sông gần nhà (Tháng 4/2020)

Đi hái nho với bạn cùng kí túc xá (Năm 2019 tại tỉnh Aichi)

Đi hái nho với bạn cùng kí túc xá (Năm 2019 tại tỉnh Aichi)

Vì dịch Covid-19 mà say mê câu cá

Câu được cá trê ở con sông gần nhà (Tháng 5/2020)

   Ngay trước cửa kí túc xá nơi tôi ở có một con sông. Thời gian gần đây, nhóm chúng tôi bắt đầu mê môn câu cá. Sông ngòi ở Nhật Bản rất sạch sẽ, có rất nhiều cá và rùa. Ở Việt Nam không có mấy con sông sạch sẽ được như vậy. Do đó, khi thấy nước sông trong sạch, tất cả chúng tôi đều thấy rất hào hứng.

   Do dịch Covid-19 lan rộng nên khoảng 2, 3 tháng nay, chúng tôi phải nghỉ làm rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu rủ nhau thành từng nhóm vài người đi câu cá. Chúng tôi mua cần câu cũ rồi lấy giun đất móc vào lưỡi câu làm mồi rồi thả câu, vậy mà câu được cả cá trê. Ở Việt Nam, người dân hay ăn cá trê. Những hôm câu được cá trê, chúng tôi lại mở tiệc nướng BBQ cùng nhau ăn rất vui vẻ.

   Khi kể chuyện này ở công ty, người Nhật đều rất ngạc nhiên. Họ bảo “người Nhật không ăn cá trê". Tôi nghĩ đây chỉ là do khác biệt văn hoá. Cá trê thực ra rất ngon nên nếu có cơ hội, mọi người hãy thử ăn xem nhé.

Câu được cá trê ở con sông gần nhà (Tháng 5/2020)

Sổ tay chi tiêu của tôi (tính trung bình một tháng)

※100 yên=21,662 VND (tỉ giá ngày 22/7/2020)
Thu nhập (tổng cộng 140.000 yên ~ 160.000 yên)
Tiền lương về tay

140.000 yên ~ 160.000 yên

※Đây là số tiền được nhận về tay sau khi đã trừ thuế, phí bảo hiểm xã hội, tiền kí túc xá

□Thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc giảm đi thì số tiền này giảm còn 86.000 yên

□Trong số tiền bị trừ, tiền kí túc xá là 35.000 yên (bao gồm tiền nước, điện, ga và tiền ăn trưa những ngày đi làm, kí túc xá mỗi người một phòng).

Chi phí (tổng cộng 30.000 yên)
Wi-Fi

800 yên

※Chi phí chia đều cho 5 người

Tiền ăn

25.000 yên

※Chủ yếu là tự nấu

Tiền tiêu vặt, chi phí đi lại

4.200 yên

※Hầu như không mua quần áo hay mỹ phẩm

Tiền dư ra, tiết kiệm được (110.000 yên ~ 130.000 yên)
Số tiền dư ra

110.000 yên ~ 130.000 yên

※Cứ 2, 3 tháng 1 lần, tôi lại gửi tiền về cho bố mẹ (mỗi lần 240.000 yên)

※Những đợt có đi du lịch thì tiền gửi về nhà lại giảm bớt

Thực đơn trong nhà ăn nhân viên (chọn các món ăn trưa chọn từ đây)

Thực đơn trong nhà ăn nhân viên (chọn các món ăn trưa chọn từ đây)

Kí túc xá của nữ thực tập sinh kĩ năng

Kí túc xá của nữ thực tập sinh kĩ năng

Đi du lịch vào ngày nghỉ

Đi du lịch trong ngày đến Osaka (Tháng 7/2019)

   Vào ngày nghỉ, thỉnh thoảng tôi lại đi du lịch (trong ngày hoặc nghỉ lại một đêm). Ở đây có các tour du lịch bằng xe buýt dành cho người Việt nên tôi thường hay tham gia các chuyến đi như vậy một mình. Cho đến nay, tôi đã đi Tokyo, Shirakawa-go, Osaka, Nabananosato (tỉnh Mie) v.v...

   Trong các nơi từng đến, tôi thích nhất là Osaka. Lần đi Osaka, tôi và một người bạn nữa cùng đi bằng tàu điện. Nơi đây rất náo nhiệt và rộn rã, khiến tôi thấy không khí có gì đó khá giống với Việt Nam.

Đi du lịch trong ngày đến Osaka (Tháng 7/2019)

Shirakawa-go (Tháng 1/2019)

Shirakawa-go (Tháng 1/2019)

Khu phố Trung Hoa ở Yokohama (Tháng 8/2019)

Khu phố Trung Hoa ở Yokohama (Tháng 8/2019)

Học tiếng Nhật

Học tập bằng máy tính bảng ở kí túc xá (Tháng 7/2020)

   Để tăng thêm cơ hội dùng tiếng Nhật, tôi theo học lớp học miễn phí trên mạng của tổ chức pháp nhân phi lợi nhuận “Lotus Works". Mỗi tuần 2 buổi (mỗi buổi từ 30 đến 60 phút), tôi lại học ngữ pháp và chữ Hán với giáo viên tình nguyện người nhật qua Skype. Học như vậy sẽ giúp luyện tập cả hội thoại và khả năng nghe hiểu nữa. Giáo viên còn cho bài tập, chấm điểm và chữa bài cho tôi nữa.

    Khi học với Lotus Works, thời gian đầu tôi học bằng điện thoại di động, nhưng xem tài liệu học tập bằng màn hình điện thoại khó quá nên tôi đã mua một chiếc máy tính bảng cũ với giá khoảng 3 vạn yên.

Link: Lotus Works

Học tập bằng máy tính bảng ở kí túc xá (Tháng 7/2020)

   Ngoài ra, mỗi ngày tôi dành khoảng 1 tiếng (ngày nghỉ là 3 tiếng) để học bài bằng giáo trình. Tôi cũng thường xuyên dùng các kênh học tiếng Nhật trên YouTube.

Link: Dũngmori

Link: Riki nihongo

Làm ruộng

Chụp ảnh cùng ông lão tại ruộng rau (7/2020)

   Dọc đường tôi đi làm có rất nhiều ruộng. Trong số đó có một ruộng rau khoảng 290m2 do một ông lão một mình chăm sóc. Khoảng 1 năm trước, vào ngày nghỉ, tôi đạp xe đến mảnh ruộng đó và quyết tâm nói chuyện với ông. “Chào ông ạ!” “Chào cháu. Cháu từ đâu đến vậy?” “Cháu đến từ Việt Nam ạ.” Chúng tôi cứ thế trò chuyện và trở nên thân quen, rồi tôi bắt đầu được ông cho phép giúp chăm sóc mảnh ruộng.

   Ngoài những hôm trời mưa, mỗi ngày, trên đường đi làm, tôi dành ra khoảng 20 ~ 30 phút để tưới nước cho toàn bộ mảnh ruộng. Thỉnh thoảng tôi lại nhổ cỏ dại nữa. Thế rồi ông cho tôi mượn một khoảnh đất khoảng 3m x 5m để tự trồng rau (rau muống Việt Nam, mướp đắng và cà tím v.v…) và ông còn cho tôi rất nhiều rau nữa.

   Sau khi gieo hạt, cây nảy mầm và lớn dần lên, ra hoa kết trái. Theo dõi quá trình cây mọc lên rất thú vị, làm việc cùng ông lão cũng rất vui vẻ. Tên ông là Yamazaki Kenichi, 78 tuổi. Tôi biết ơn ông rất nhiều.

Chụp ảnh cùng ông lão tại ruộng rau (7/2020)

Tận hưởng cuộc sống vùng thôn quê

Phòng ở của tôi trong kí túc xá (Năm 2020)

   Quanh khu tôi sống hầu như không có cửa hàng, cửa hiệu. Mỗi tháng khoảng 2 lần, chúng tôi lại rủ nhau thành nhóm 2, 3 người đi đến trung tâm mua sắm ở khu đô thị lớn. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ vào trong các quán ăn. Chúng tôi thấy tự nấu nướng rồi cùng nhau ăn trong kí túc xá vừa ngon hơn vừa vui vẻ hơn.

   Khi xem thông tin tuyển dụng của công ty, tôi không tưởng tượng được chỗ mình sắp đến là nơi như thế nào, và khi mới về công ty làm việc, tôi đã nghĩ rằng nơi đây thật buồn chán. Thế nhưng, ở đây có sông núi, ruộng vườn, trong kí túc xá lại có nhiều bè bạn nên cuộc sống của tôi ngày nào cũng vui vẻ. Bây giờ tôi lại nghĩ rằng mình thật may mắn vì đã đến thực tập ở một nơi rất tốt.

   Sau khi kết thúc chương trình thực tập kĩ năng và về Việt Nam, tôi muốn trở thành giáo viên tiếng Nhật hoặc làm một công việc gì đó sử dụng tiếng Nhật.

Phòng ở của tôi trong kí túc xá (Năm 2020)

Vở học của chị Mức

【Phỏng vấn】 Nhận xét của bà Umeda Keiko, giáo viên của Lotus Works đang dạy tiếng Nhật cho chị Mức

   Lần nào em Mức cũng gửi gần hết tiền lương về cho bố mẹ. Ở Nhật có chính sách hỗ trợ cho người dân bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả người dân bao gồm cả người nước ngoài cũng đều nhận được 10 vạn yên. Em Mức bảo rằng em rất băn khoăn: “Thường ngày rửa mặt xong, em chẳng dùng thêm mỹ phẩm gì nên bị mọc mụn. Khi nào nhận được 10 vạn yên, em không biết là nên mua nước hoa hồng rồi gửi phần tiền còn lại về nhà hay gửi hết tiền về". Cuối cùng, Mức chẳng mua gì mà gửi hết số tiền đó về cho gia đình.

   Em Mức vừa làm việc nghiêm túc, vừa cố gắng học tập. Mức ghi chép tiếng Nhật trong vở rất sạch đẹp và đầy đủ. Trong mọi việc, Mức luôn lạc quan, vui tươi và nỗ lực hết mình khiến tôi rất cảm kích. Mong em hãy tiếp tục cố gắng nhé.

Vở học của chị Mức