Kinh nghiệm của tôi (Du học - Nhân lực chất lượng cao)

vol40_img
By KOKORO(Báo Mainichi+VAIJ;Đơn vị hỗ trợ: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, v.v.)

Gặp gỡ sempai số này

Lỗ Thị Mạnh
  • Tháng 5/2015Tốt nghiệp trường THPT Sơn Tây 〈Hà Nội〉
  • Tháng 8/2015Nhập học Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội 〈Hà Nội〉
  • Tháng 3/2018Du học 1 năm theo chương trình Trao đổi Sinh viên tại khoa Thông tin và truyền thông, Đại học Meiji 〈Tokyo〉
  • Tháng 6/2019Du học ngắn hạn tại Đại học Meiji (1 tháng)
  • Tháng 7/2020Làm việc tại công ty IT của Nhật 〈Hà Nội〉
  • Tháng 7/2020Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội

〈Sinh năm 1997, quê quán Hà Nội〉

Giới thiệu

Tình nguyện viên trao quà cho thiếu nhi (tháng 12/2017, Hà Nội)

 Mạnh là một cô gái có nhiều thành tích xuất sắc, có thể kể đến như: Lọt vào Top 5 của cuộc thi “Đại sứ thiện chí Hoa Anh Đào”- một cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn gái trẻ Hà Nội. Khi là sinh viên, Mạnh đã tích cực học tiếng Nhật thông qua nhiều hoạt động khác nhau và đã nhận được học bổng trao đổi sinh viên một năm. Sau đây, Mạnh sẽ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về các phương pháp học tiếng Nhật, về cuộc sống du học cũng như là quá trình vào làm việc tại công ty Nhật Bản.

Tình nguyện viên trao quà cho thiếu nhi (tháng 12/2017, Hà Nội)

Làm việc tại công ty Nhật Bản ở Hà Nội

Ảnh chụp cùng đồng nghiệp tại một nhà hàng ở Hà Nội (tháng 7/2020)

 Vì học tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản và cũng đã từng du học tại Nhật nên tôi mong muốn sẽ làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Corona nên không thể xuất ngoại được, vì thế tôi đã chọn làm việc tại Hà Nội - quê hương của mình từ tháng 7/2020. Khi tìm việc, trước tiên tôi đã suy nghĩ xem hiện tại mình muốn làm gì, và tương lai thì mình muốn trở thành người như thế nào. Từ đó, tôi bắt đầu tìm kiếm những vị trí công việc thích hợp trên các trang tin tuyển dụng, qua sự giới thiệu của người quen, và nộp hồ sơ ứng tuyển.

 Với công ty hiện tại, tôi đã nộp hồ sơ ứng tuyển bằng 2 thứ tiếng và phỏng vấn bằng tiếng Nhật. Tôi đã chuẩn bị cho buổi phỏng vấn bằng cách nghĩ ra những câu hỏi có thể được hỏi và luyện tập trả lời phỏng vấn nhiều lần. Trong lần phỏng vấn thật, tôi đã được hỏi một câu rằng “Công ty chúng tôi là công ty nhỏ và là công ty mới được thành lập, em có e ngại về vấn đề này không?” thì tôi đã trả lời rằng “Tôi mong muốn được cùng với mọi người xây dựng công ty, và trong tương lai tôi sẽ trở thành một thành viên không thể thiếu của công ty”.

Ảnh chụp cùng đồng nghiệp tại một nhà hàng ở Hà Nội (tháng 7/2020)

Học tiếng Nhật

Sau đây tôi xin giới thiệu tới các bạn cách mà tôi đã học tiếng Nhật khi còn là sinh viên.

Ảnh chụp cùng với hội viên Hội nghị sinh viên Việt Nam – Nhật Bản (tháng 2/2016, Hà Nội)

Học nhóm Khi là sinh viên năm thứ nhất, tôi thấy mình còn kém về chữ Hán, để khắc phục điều này tôi đã tham gia vào Hội thân hữu Việt Nhật (viết tắt JVC) . Hồi ấy JVC mới chỉ là một câu lạc bộ dạy và học tiếng Nhật, được chia thành các nhóm Kanji・Giao tiếp・Ngữ pháp・Đọc hiểu. Ngoài những giờ học ở đây, tôi cùng với các bạn mà tôi đã quen ở Câu lạc bộ JVC lập nhóm cùng nhau tự học luyện thi kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT). Link:日越親友会

Hội nghị sinh viên Việt Nam - Nhật Bản Đây là nơi tụ họp của những con người có cùng niềm đam mê tiếng Nhật; nơi giao lưu với các sinh viên Nhật Bản. Chúng tôi thường dẫn các bạn sinh viên đến từ Nhật đi tham quan, thi thoảng cùng nhau soạn tài liệu giới thiệu văn hóa Nhật – Việt (bằng tiếng Nhật). Link:越日学生会議

Ảnh chụp cùng với hội viên Hội nghị sinh viên Việt Nam – Nhật Bản (tháng 2/2016, Hà Nội)

Công việc dạy thêm ở trung tâm tiếng Nhật Riki Nihongo

Tham gia hoạt động tình nguyện do người Nhật tổ chức Khi còn là sinh viên năm nhất, năm hai, tôi thường tham gia hoạt động tình nguyện nhặt rác, làm sạch đẹp khu vực hồ Hoàn Kiếm một tháng hai lần. Đây là hoạt động do một người Nhật đứng ra tổ chức. Sau khi nhặt rác xong thì chúng tôi cùng nhau uống cà phê và trò chuyện bằng tiếng Nhật. Nhờ hoạt động này mà khả năng giao tiếp của tôi đã tăng lên đáng kể. Link:Lam sach dep Ho Guom voi Ninomiya

Làm thêm Khi năng lực tiếng Nhật của tôi tốt lên, tôi bắt đầu làm giáo viên, phụ trách lớp luyện thi N4 ở Trung tâm tiếng Nhật Riki Nihongo.

Phim truyền hình và phim hoạt hình Nhật Bản Tôi cũng hay xem phim truyền hình, phim hoạt hình của Nhật (phim tiếng Nhật có phụ đề tiếng Việt). Nhờ đó mà khả năng nghe của tôi tiến bộ hơn. Bằng cách bắt chước những lời thoại yêu thích, phát âm của tôi cũng trở nên hay hơn.

Công việc dạy thêm ở trung tâm tiếng Nhật Riki Nihongo

Tài liệu và các nguồn học tiếng Nhật

Thời sinh viên, ngoài giờ học trên trường thì tôi thường tự học khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Dưới đây là những tài liệu mà tôi đã sử dụng.

Minna no nihongo = Giáo trình cơ bản cho nhập môn tiếng Nhật. ◆ Bộ sách「新完全マスター」(NXBスリーエーネットワーク) = được những người dự thi JLPT đánh giá cao. Bộ sách có nhiều bài tập. Đặc biệt, quyển “Đọc hiểu” là quyển được ưa chuộng nhất. ◆ Bộ sách「耳から覚える日本語能力試験」(NXBアルク) = quyển “Từ vựng” được ưa chuộng nhất. Sách có đĩa CD, file nghe MP3 nên có thể vừa nghe vừa ghi nhớ từ vựng. ◆ Bộ sách「日本語総まとめ」(NXBアスク出版) = so với bộ sách「新完全マスター」thì bộ sách này có ít bài tập hơn, tuy nhiên sách được thiết kế theo lộ trình học mỗi ngày 2 trang và hoàn thành trong 8 tuần, nên dễ duy trì cho những người tự học. ◆ NHK のNews Web Easy (online) = có thể đọc tin tức bằng tiếng Nhật dễ hiểu. Web này có cả video nữa nên cũng có thể luyện nghe được.

 Những lúc có thời gian thì tôi cũng xem các kênh youtube để học thêm. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi cũng vừa nghe nhạc Nhật vừa làm việc gì đó để bản thân mình được “tắm ngôn ngữ”.

1. あかね的日本語教室 2. Hiro Vlog 3. The Hanoi Chamomile 4. Samurai Chan 5. Giang Vũ

Một năm du học trao đổi

Với nhóm du học sinh trao đổi tại trường ĐH Meiji (năm 2019)

 Sau khi tiếng Nhật của tôi được nâng cao hơn, vào năm 3 đại học, tôi được chọn đi du học với tư cách là sinh viên trao đổi tại trường Đại học Meiji, Tokyo. Trong thời gian du học, tôi có làm thêm ở một quán ăn chuyên về cơm thịt bò với vị trí là nhân viên phục vụ (đón khách, bưng bê, thanh toán). Lúc đầu khi mới vào làm việc, cũng có lúc tôi không hiểu những gì mà đồng nghiệp người Nhật nói. Nhưng mọi người ở đây đều rất tốt, nếu có từ tiếng Nhật nào không hiểu thì mọi người lại giải thích giúp tôi. Thỉnh thoảng vào những ngày nghỉ, tôi cũng cùng các bạn ấy đi chơi với nhau.

 Tôi đã tìm được công việc làm thêm này thông qua trang tin tuyển dụng Townwork (tiếng Nhật).

Với nhóm du học sinh trao đổi tại trường ĐH Meiji (năm 2019)

Sổ tay chi tiêu của tôi (tính trung bình một tháng)

 ※Chi phí sinh hoạt trong thời gian du học trao đổi ở Tokyo ※100 yên=21,943 đ(tỉ giá ngày 9/8/2020)

※Chi phí sinh hoạt trong thời gian du học trao đổi ở Tokyo ※100 yên=21,943 đ(tỉ giá ngày 9/8/2020)

Thu nhập(Tổng thu nhập 115,000 yên ~ 120,000 yên)
Làm thêm (1 việc)

115,000 yên ~ 120,000 yên

※Quán ăn

Chi tiêu(Tổng cộng 92,000 yên ~ 97,000 yên)
Tiền nhà

50,000 yên

※Đã bao gồm tiền nước, điện, ga, wifi

※Phòng 1 người (có đồ dùng)

※Nhà tắm, bếp, nhà vệ sinh: sử dụng chung

Học phí

0 yên

※Chế độ miễn học phí theo sự hợp tác giữa trường ĐHQG Hà Nội và Đại học Meiji

Điện thoại di động

2,000 yên

※Sử dụng Sim LINE

Tiền ăn

25,000 yên

※Ăn ở quán làm thêm thì được tính giá ưu đãi 60%

Chi phí khác

15,000 yên ~ 20,000 yên

※Ăn ngoài, quần áo, phí đi lại, mỹ phẩm

Tiền dư ra, tiết kiệm được (trung bình 23,000 yên)
Số tiền dư ra

~ 23,000 yên

※Vào những kỳ nghỉ dài, tôi có thể làm thêm được nhiều giờ hơn (Dưới 40h một tuần), sau 10 tháng tôi dành dụm được 300 nghìn yên. Tôi đã sử dụng một phần của số tiền đó để mua vé máy bay và mua quà khi về nước (quần áo Uniqlo, bánh kẹo, mỹ phẩm,...)

Nơi ở trọ của tôi là do trường đại học Meiji giới thiệu, vì là nhà ở ghép (share house) nên ở đó có cả người đã đi làm sinh sống. Phòng ăn và nhà bếp là khu vực sử dụng chung, nên chúng tôi thường gặp mặt nhau rất vui. Hằng tháng, chúng tôi, thường là 5~20 người, tụ tập lại ăn uống cùng nhau. Thỉnh thoảng tôi cũng nấu món Việt Nam chiêu đãi mọi người. Hai người bạn rất thân với tôi đó là một cô người Nhật, cô đang làm nhân viên công ty, và một chú người Nhật đang nghiên cứu về ngôn ngữ học. Tôi và hai cô chú thường đi ăn và đi du lịch với nhau.

Một bữa tiệc tại nhà trọ ở Tokyo (tháng 8/2018)

Một bữa tiệc tại nhà trọ ở Tokyo (tháng 8/2018)

Đi du lịch núi Takao (Tokyo) cùng với bạn cùng nhà trọ (tháng 11/2018)

Đi du lịch núi Takao (Tokyo) cùng với bạn cùng nhà trọ (tháng 11/2018)

Trở lại Nhật với vai trò Đại sứ của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản

Trải nghiệm trang phục yukata khi du học (tháng 6/2019)

 Kết thúc kỳ du học trao đổi, tôi trở về Hà Nội, 3 tháng sau một lần nữa tôi lại được quay lại Đại học Meiji để trao đổi sinh viên ngắn hạn 1 tháng. Khi đó, tôi đã đăng quang cuộc thi tuyển Đại sứ FJLC tại ngày hội Japan Day Festival được tổ chức hằng năm của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, và tôi đã nhận được chuyến du học ngắn hạn với vai trò là Đại sứ (được đài thọ chi phí đi lại và ăn ở). Tôi sang Nhật cùng với 6 em sinh viên cùng đại học. Bên cạnh việc cùng nhau tham dự các giờ học nghiên cứu của sinh viên đại học, chúng tôi cũng được đi du lịch Tateyama (tỉnh Toyama), Kamakura (tỉnh Kanagawa), và tham quan học tập tại các địa điểm như Hoàng cung, Tòa nhà Quốc hội, Đền thờ Meiji,...

Trải nghiệm trang phục yukata khi du học (tháng 6/2019)

Phong cách trang điểm của phụ nữ Nhật

 Trước đây tôi không thích trang điểm, nhưng kể từ khi đi du học thì tôi bắt đầu quan tâm đến phong cách trang điểm đẹp tự nhiên của phụ nữ Nhật Bản. Ví dụ như tôi đã thấy có nhiều người trang điểm má hồng phớt nhẹ rất tự nhiên. Ban đầu tôi còn nghĩ đó là làn da mộc, nhưng sau đó thì rất bất ngờ khi biết đó là trang điểm. Tôi bắt đầu lên mạng mày mò để học cách trang điểm cũng như đến trang điểm thử tại quầy tư vấn bán mỹ phẩm ở trung tâm thương mại. Sau thời gian 1 năm du học, khả năng tự trang điểm của tôi cũng nâng cao lên trông thấy.

 Vì “bị mê” đồ trang điểm của Nhật nên ngay cả sau khi kết thúc kỳ du học, thỉnh thoảng tôi vẫn nhờ bạn là tiếp viên hàng không mua giúp mỹ phẩm của Nhật.

Chung kết cuộc thi “Đại sứ thiện chí Hoa Anh Đào”

Chung kết cuộc thi “Đại sứ thiện chí Hoa Anh Đào” – vào Top 5 (tháng 3/2019)

 Cuộc thi “Đại sứ thiện chí Hoa Anh Đào” là cuộc thi do thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Công ty AIC phối hợp tổ chức hai năm 1 lần tại Hà Nội. Điều kiện để dự thi là nữ công dân Việt Nam sinh sống tại Hà Nội từ 18 đến 28 tuổi. Vào tháng 3/2019, 50 thí sinh vượt qua vòng hồ sơ được phỏng vấn để chọn ra 15 thí sinh vào vòng chung kết. Tôi may mắn là một trong 15 thí sinh được chọn. Chúng tôi được trải nghiệm văn hóa Nhật Bản thông qua các hoạt động: Thực hành làm món sushi, thưởng thức Trà Đạo, và được đến Nhật tham quan 1 tuần vào tháng 9 cùng năm ấy.

Chung kết cuộc thi “Đại sứ thiện chí Hoa Anh Đào” – vào Top 5 (tháng 3/2019)

Ước mơ tương lai

 Hiện tại tôi đang làm công việc IT communicator. Khi công ty tôi nhận được yêu cầu phát triển các ứng dụng từ công ty mẹ bên Nhật, nhiệm vụ của tôi là truyền đạt lại nội dung yêu cầu của khách hàng cho các kỹ sư ở Việt Nam. Công việc này cũng bao gồm cả việc biên dịch các tài liệu kỹ thuật từ tiếng Nhật sang tiếng Việt.

 Trong tương lai, nếu có cơ hội tôi cũng mong muốn được làm việc ở phía công ty mẹ. Ở đó, ngoài việc lương cao hơn ở Việt Nam thì tôi còn có cơ hội nâng cao khả năng tiếng Nhật của mình hơn nữa. Cuộc sống du học thực sự thú vị và đáng nhớ, vì thế tôi muốn được trở lại và sinh sống ở Nhật một lần nữa. Còn hiện tại, tôi nghĩ rằng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm việc và cống hiến cho công ty.