Ở Việt Nam, bạn có thể thoải mái đánh một giấc vào buổi trưa sau khi lấp đầy cái dạ dày trống rỗng. Nhưng ở Nhật, giấc ngủ trưa sẽ đồng nghĩa với sự lười biếng.
Giấc ngủ trưa đã được khoa học chứng minh là rất có lợi cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, một giấc ngủ ngắn từ 10 – 20 phút giúp bạn tỉnh táo và tăng cường năng lượng tốt nhất trong tất cả các khoảng thời gian ngủ.
Biết là ngủ trưa rất tốt nhưng đừng dại mà lôi chăn chiếu trải ra sàn đánh một giấc vào giờ nghỉ trưa nếu bạn đang đi làm ở Nhật. Bạn có nhớ Nobita trong truyện Doraemon không? Cu cậu bị chúng bạn coi là lười biếng chỉ vì lỡ chợp mắt vào một trưa Hè oi ả.
Ở Nhật, bạn sẽ rất thường xuyên thấy cảnh người Nhật làm việc xuyên trưa. Những người mang cơm trưa theo sẽ ăn suất của mình rất nhanh rồi tiếp tục công việc. Họ sẽ được coi là chăm chỉ.
Những người không mang cơm trưa theo hoặc là ra quán ăn, hoặc là vào combini mua cơm suất rồi mang ra công viên ngồi ăn.
Nhân chuyện ăn trưa ở công viên thì đây cũng là một trong những sự khác biệt dẫn tới tình trạng người Việt thích ngủ trưa còn người Nhật (và một số quốc gia khác) thì không. Nó liên quan tới khí hậu. Nhật Bản là nước ôn đới nên số ngày lạnh sẽ nhiều hơn ngày nóng. Vậy nên người Nhật rất thích khí hậu vào buổi trưa, khi mặt trời chiếu ánh nắng ấm áp. Còn ở Việt Nam thì bạn biết rồi đó. Cái tầm 40 – 45 độ mà kéo ra công viên ăn cơm chắc phát điên mất.
Tuy nhiên gần đây, tại Nhật Bản, thái độ đối với việc “ngủ trưa” cũng đã có sự thay đổi. Như đã nói trên, giấc ngủ trưa ngắn độ 30 phút sẽ khiến cơ thể sảng khoái và tăng năng suất công việc, nên một số công ty bắt đầu có trang bị phòng nghủ để khuyến khích nhân viên ngủ trưa. Nhưng đa phần người Nhật đều không ngủ trưa.
Tôi biết nhiều bạn Việt Nam mở được quán ăn, shop thời trang ở Nhật. Khi không có khách, các bạn rất thoải mái ngồi lướt Facebook, chơi game hoặc xem một bộ phim trên điện thoại. Khách vào mới tạm dừng, đứng dậy tiếp khách.
Nhưng đừng dùng cách đó nếu các bạn làm việc cho một cửa hàng dịch vụ của Nhật, như cắt tóc, bán hàng thời trang chẳng hạn. Người Nhật sẽ luôn đứng trong tư thế chào đón khách. Bạn không nghe nhầm đâu: Họ luôn luôn đứng, kể cả ghế đầy trong cửa hàng. Gần chỗ tôi có một cửa hàng cắt tóc của Nhật. Nhân viên đứng làm việc suốt 8 tiếng đồng hồ.
Trong quá trình tiếp khách, ngay cả khi khách mời bạn ngồi cạnh họ bạn cũng không được phép ngồi. Hãy chống đầu gối xuống sàn nhà như thể đang quỳ. Không có gì đáng xấu hổ ở đây cả. Đối với người Nhật thì khách hàng là thượng đế, nên không có chuyện bạn ngồi ngang hàng với thượng đế đâu.
Ở Việt Nam có 2 kiểu vứt rác chính: Vứt vào thùng rác công cộng, hoặc (rất xin lỗi) vứt toẹt ra gốc cây. Chẳng có ai dở hơi lại mang rác về nhà làm gì. Nhưng ở Nhật chuyện này là hoàn toàn bình thường.
Bạn sẽ rất hiếm khi gặp những thùng rác công cộng ở ngoài đường tại Nhật. Lý do? Vì trong quá khứ đã từng xảy ra nhiều vụ việc có liên quan tới thùng rác công cộng, nên người Nhật sợ có ai đó sẽ bỏ những vật nguy hiểm, ví dụ như… một quả bom trong thùng rác chẳng hạn! Vì vậy họ rất hạn chế để thùng rác nơi công cộng. Bạn chỉ có thể vứt chai nhựa, vỏ lon vào các thùng rác dựng cạnh máy bán hàng tự động. Còn rác thải sinh hoạt như thức ăn, vỏ hộp, túi nylon thì làm ơn mang về nhà, phân loại và bỏ ra nơi quy định theo lịch vứt rác trong tuần chứ đừng cố đi tìm thùng rác làm gì cho bực mình.
Ở Việt Nam có một kiểu nhậu mỗi ông ôm một chai rồi tự rót cho bản thân. Chuyện quá ư là bình thường. Nhưng ở Nhật, bạn sẽ bị coi là… bất lịch sự nếu tự rót rượu cho bản thân mình. Nghe kì quặc lắm đúng không, nhưng đây là văn hóa Nhật.
Văn hóa “chuốc rượu” của Nhật Bản như sau: Hãy để cho người khác rót cho mình, uống một ngụm xong thì đáp lễ bằng cách rót lại cho họ. Nếu bạn đang ở trong một bàn tiệc, đừng uống ly của mình cho đến khi tất cả các thành viên khác trong bàn đều có ly trước mặt. Khi ăn kiểu mỗi người được dọn một bàn riêng cũng vậy. Đợi khi tất cả mọi người đều có phần rồi thì ta hay bắt đầu ăn nhé!
Khi có ai đó rót cho bạn, hãy đảm bảo là ly của bạn hoàn toàn cạn sạch. Nếu tửu lượng của bạn hơi yếu, hãy để ly của mình luôn đầy. Người Nhật sẽ không ép bạn uống trong đa số tình huống (tất nhiên có trường hợp ngoại lệ). Khi tham dự một bữa tiệc của công ty thì người trẻ nhất sẽ đảm trách nhiệm vụ gọi đồ uống và rót cho những đàn anh, đàn chị của mình.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng nên dùng 2 tay để cầm chai hoặc bình rượu để rót hoặc cầm cốc để đón nhận rượu do người khác rót cho mình. Đó là lịch sự tối thiểu thôi mà.