Dịch cúm thường xảy ra vào mùa Đông ở Nhật Bản. Hiện vắc-xin phòng bệnh COVID-19 đang được phát triển, còn vắc-xin phòng bệnh cúm mùa thì đã có từ lâu. Do dịch bệnh vi-rút corona vẫn đang tiếp diễn nên nếu chẳng may bị cúm và bị sốt cao, dễ bị ngờ là bị bệnh do vi-rút corona chủng mới. Để tránh tình trạng này nên dự kiến, năm nay số người muốn tiên chủng vắc-xin cúm sẽ gia tăng. Vả lại việc tiên vắc-xin cúm cũng có thể ngăn không để bệnh dễ biến chứng nặng nếu chẳng may bị lây cả cúm mùa và COVID-19 cùng một lúc.
Vắc xin phòng cúm có 2 tác dụng là “ngăn chặn sự khởi phát ngay cả khi bị nhiễm vi-rút” và “ngăn bệnh trở nên trầm trọng sau khởi phát.” Bên cạnh việc phòng chống vi rút xâm nhập cơ thể như rửa tay súc miệng, tránh tiếp xúc với nguồn nhiễm, đeo khẩu trang… thì việc tiêm vắc xin là một giải pháp lựa chọn để bảo vệ cơ thể.
Gần 20 năm là một nhân viên y tế thuộc đối tượng bắt buộc phải tiêm phòng cúm vi rút flu nên cá nhân mình đánh giá tiêm phòng là cần thiết và nên thực hiện. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế – Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, năm nay dự kiến lượng vắc-xin đủ cho khoảng 63.000.000 người. Đây là số lượng được chuẩn bị nhiều nhất trong 5 năm qua. Mặc dù số lượng vắc xin được chuẩn bị nhiều như vậy nhưng do ảnh hưởng của COVID 19 nên vẫn dự đoán là thiếu so với nhu cầu muốn tiêm phòng của người dân. Cũng như mọi năm, năm nay với đối tượng ưu tiên đã được tiêm từ ngày 1/10 và những đối tượng còn lại sẽ có thể tiêm từ 26/10 tại các phòng khám và bệnh viện.
– Người từ 65 tuổi trở lên
– Nhân viên y tế
– Người có bệnh nền
– Phụ nữ có thai
– Trẻ em (từ trên 6 tháng) đến hết lớp 2 tiểu học
Chi phí cũng tùy vào đối tượng ưu tiên hay không mà địa phương, nơi công tác sẽ đánh giá hỗ trợ để “miễn phí tiêm phòng hay giảm giá”. Khi không có hỗ trợ thì chi phí tiêm phòng dao động ở mức trên dưới 3.000 yên, tùy từng cơ sở y tế.
Như nói ở trên, năm nay, nhiều khả năng số người muốn tiên vắc-xin sẽ vượt quá số lượng vắc xin nên nếu muốn tiêm, các bạn nên sớm gọi điện thoại hỏi hoặc vào trang web của bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhà để xem cách thức lấy hẹn và thời kỳ tiêm cũng như chi phí. Các phòng khám bệnh viện nhỏ tại địa phương có lẽ là rất thuận tiện và ít phải chờ đợi.
Giống như các loại tiêm phòng khác, khi đến chỗ tiêm, chúng ta cần điền thông tin cần thiết trong đó có những thông tin liên quan tới bệnh nền, đã từng tiêm trong thời gian gần đây, dị ứng thuốc hay có bất thường khi tiêm phòng hay không. Điền đầy đủ thông tin ở tờ giấy hỏi bệnh “monshin hyo” và ký tên đồng ý muốn tiêm phòng là thủ tục hành chính cần thiết. Điều này giúp bác sĩ và phía bệnh viện nắm rõ để đảm bảo an toàn khi tiêm phòng xử lý nhanh khi có phản ứng phụ xảy ra. Vào ngày tiêm phòng thông thường bác sĩ sẽ căn dặn là vẫn có thể tắm nhưng không nên ngâm bồn tắm nước nóng, tránh cọ sát vết tiêm.
Một trong những phản ứng phụ dễ thấy nhất là sưng nơi tiêm, ngứa hay có sốt nhẹ. Dù tiêm phòng được đánh giá an toàn nhưng phản ứng phụ vẫn có khả năng xuất hiện nên cần lắng nghe giải thích và khi thấy có bất thường thì hãy liên hệ với cơ sở y tế nơi đã tiêm để có xử lý phù hợp.
Kokoro đã có nhiều bài giới thiệu các bệnh viện, phòng khám… có hỗ trợ tiếng Việt trên toàn quốc. Đây cũng là một trong những lựa chọn để chúng ta lựa chọn tiêm vắc xin.
Các bạn có thể tham khảo:
Một số cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt ở khu vực Kanto
Một số cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt ở khu vực Kansai
Một số cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt ở khu vực Tokai