Cuộc sống - Visa | Tin mới nhất
Các bạn người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở Tokyo đã bao giờ “muốn nhận được tư vấn từ người mình tin tưởng” khi gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống chưa? Khi đó, chắc hẳn bạn sẽ tìm kiếm thông tin do người Việt viết trên mạng xã hội. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng thường ẩn chứa nhiều thông tin sai lệch. Khi “muốn nhận được tư vấn từ người đáng tin cậy”, “muốn xin tư vấn từ chuyên gia có kiến thức về pháp luật”, bạn thử dùng “東京都多言語相談ナビ (Tokyo Multilingual Consultation Navi - Tư vấn đa ngôn ngữ...
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hợp tác với bệnh viện đại học của Nhật...
16/01/20257 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất
02/05/2024Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...
18/03/2024Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn cách đăng kí, cách thanh toán tiền, cách kết thúc hợp đồng sử dụng điện, gas, nước. Về cách đăng kí để bắt đầu sử dụng, khi bạn kí hợp đồng thuê nhà thì bạn nên hỏi rõ người của bên bất động sản nhé. <Nội dung bài viết> 1.Điện 2.Gas 3.Nước 1.Điện Để bắt đầu sử dụng điện ① Chọn ngày bắt đầu sử dụng. ② Đăng kí với công ty điện lực qua internet hoặc điện thoại. ③ Vào ngày bắt đầu sử dụng thì bật cầu dao điện là có thể dùng được. Nhưng tùy vào trang thiết bị của từng nơi ở, cũng có thể sẽ cần người của công ty điện lực đến tận nơi. Tiền điện và cách thanh toán Tiền điện Về cơ bản thì tiền điện tương ứng với lượng điện bạn đã sử dụng nhưng khoản “tiền điện cơ bản” (kihon ryokin) thì là khoản cố định mỗi tháng phải trả không liên quan đến lượng điện đã tiêu thụ. Tổng số tiền cố định và tiền ứng với lượng điện bạn đã sử dụng sẽ là tiền điện mỗi tháng. ※Về lượng điện bạn đã sử dụng, mỗi tháng 1 lần, người của công ty điện lực sẽ kiểm tra và xác nhận công tơ điện được lắp đặt tại từng nhà. Dựa theo số liệu này, hằng tháng bạn sẽ nhận được “thông báo lượng điện tiêu thụ” (denki goshiyoryo no oshirase) từ công ty điện lực. Cách thanh toán tiền điện Có các cách thanh toán như: tự động trừ từ tài khoản ngân hàng, thanh toán tại cửa hàng tiện lợi hoặc ngân hàng, thanh toán bằng thẻ tín dụng v.v. Kết thúc sử dụng điện ① Chọn ngày kết thúc sử dụng. ② Đăng kí hủy hợp đồng với công ty điện lực qua internet hoặc điện thoại. ③ Vào ngày kết thúc sử dụng, về cơ bản là không cần sự có mặt của người sử dụng điện. Nhưng nếu người của công ty điện lực không thể kiểm tra công tơ điện từ bên ngoài thì bạn sẽ cần có mặt ở nhà để gặp họ. 2.Gas Để có thể sử dụng gas tại gia đình thì có một số loại gas như gas thành phố (toshigasu), gas LP v.v. Bạn hãy chọn loại bếp gas phù hợp với loại gas nhà bạn sử dụng nhé. Nếu bạn dùng loại bếp không phù hợp với loại gas thì có thể sẽ xảy ra hỏa hoạn hoặc gas không cháy hết dẫn đến nguy hiểm. Để bắt đầu sử dụng gas ① Chọn ngày bắt đầu sử dụng gas. ② Đăng kí với công ty gas ở nơi bạn sống hoặc với nhà phân phối gas LP qua internet hoặc điện thoại. ③ Một vài ngày sau đó, sau khi người của công ty gas đến kiểm tra gas thì họ sẽ mở gas và hướng dẫn bạn cách sử dụng. Tiền gas và cách thanh toán Tiền gas Tiền gas cũng có khoản “tiền gas cơ bản” (kihon ryokin) giống như tiền điện. Hằng tháng bạn sẽ trả tổng tiền cố định và tiền ứng với số gas đã dùng. Mỗi tháng công ty gas sẽ kiểm tra công tơ gas của từng nhà và yêu cầu bạn đóng tiền. Cách thanh toán tiền gas Có các cách thanh toán như: tự động trừ từ tài khoản ngân hàng, thanh toán tại cửa hàng tiện lợi hoặc ngân hàng, thanh toán bằng thẻ tín dụng v.v. Kết thúc sử dụng gas ① Chọn ngày kết thúc sử dụng. ② Đăng kí hủy hợp đồng với công ty gas hoặc đại lý phân phối gas LP qua internet hoặc điện thoại. ③ Vào ngày kết thúc sử dụng, tuỳ vào chỗ lắp đặt công tơ gas, có thể là bạn sẽ cần ở nhà để gặp nhân viên tới kiểm tra gas. 3.Nước Để bắt đầu sử dụng nước Khi bắt đầu sử dụng nước, bạn cần đăng kí với bộ phận phụ trách nước của khu vực bạn sống hoặc với công ty nước. Tiền nước và cách thanh toán Tiền nước Hằng tháng bạn sẽ trả tổng tiền cố định và tiền ứng với số nước đã dùng. Mỗi tháng công ty nước sẽ kiểm tra công tơ nước của từng nhà và yêu cầu bạn đóng tiền. Cách thanh toán tiền nước Có các cách thanh toán như: tự động trừ từ tài khoản ngân hàng, thanh toán tại cửa hàng tiện lợi hoặc ngân hàng, thanh toán bằng thẻ tín dụng v.v. Kết thúc sử dụng nước Khi muốn dừng sử dụng nước, bạn cần phải nộp đơn lên sở cấp nước hoặc công ty cấp nước của địa phương để yêu cầu dừng sử dụng nước. Vào ngày kết thúc sử dụng, tuỳ vào chỗ lắp đặt công tơ nước, có thể là bạn sẽ cần ở nhà để gặp nhân viên tới kiểm tra công tơ.
09/01/2024
Bảo hiểm lao động của Nhật là hệ thống chi trả chi phí y tế và chi phí sinh hoạt khi người lao động bị thương hoặc bị bệnh do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà). Dù chỉ tuyển dụng 1 công nhân thì các công ty cũng phải tham gia bảo hiểm lao động. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu các loại bảo hiểm lao động, đối tượng được nhận bảo hiểm (người được nhận tiền bảo hiểm), cách đăng ký nhận bảo hiểm v.v. 〈Nội dung〉 1. Bảo hiểm lao động là gì? 2. Ví dụ cụ thể về tai nạn lao động 3. Đối tượng được nhận bảo hiểm lao động 4. 7 loại trợ cấp chính của bảo hiểm lao động 5. Tai nạn lao động là “tai nạn trong khi làm việc” và “tai nạn đi lại” 6. Cách xin trợ cấp bảo hiểm lao động 7. Cơ sở y tế được chỉ định sử dụng bảo hiểm lao động 8. Tổng kết 1. Bảo hiểm lao động là gì? Người nước ngoài cũng có thể nhận bảo hiểm lao động Chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà) được gọi là “tai nạn lao động”. “Bảo hiểm lao động” là hệ thống chi trả chi phí y tế và chi phí sinh hoạt liên quan đến chấn thương và bệnh tật do tai nạn lao động. Tên chính thức của “Bảo hiểm lao động” là “Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động”. Người nước ngoài làm việc tại Nhật cũng có thể nhận chi phí y tế từ bảo hiểm lao động. Tai nạn lao động Chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà). Trong tiếng Nhật thường gọi tắt là “rosai”. Công nhậntai nạn lao động Cục tiêu chuẩn lao động công nhận chấn thương hoặc bệnh tật của người lao động là tai nạn lao động và quyết định chi trả (bồi thường) tiền bảo hiểm lao động. Bồi thường Bù đắp thiệt hại (ví dụ như chi phí y tế) do chấn thương hoặc bệnh tật gây ra. Cụ thể hơn, đây là “trợ cấp bảo hiểm”. Tiền trợ cấp Tiền được trả dưới dạng trợ cấp. Tiền trợ cấp hàng năm Tiền trợ cấp được trả hàng năm. Sự khác biệt giữa bảo hiểm lao động và bảo hiểm y tế là gì? Bảo hiểm y tế công (bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế quốc dân) cũng bồi thường chi phí điều trị chấn thương và bệnh tật. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế và bảo hiểm y tế quốc dân chỉ chi trả các chi phí y tế cho chấn thương và bệnh tật không liên quan đến công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà), bảo hiểm này không thể sử dụng khi bị tai nạn lao động. 2. Ví dụ cụ thể về tai nạn lao động Tai nạn lao động (rosai) có thể là những việc dưới đây. Tai nạn trong khi làm việc (ví dụ) Bị thương vì bị dụng cụ, một bộ phận của sản phẩm rơi từ trên cao xuống và trúng vào người. Bị thương vì làm bàn việc bị sập và mình bị ngã theo. Bị thương vì vấp phải vật liệu và bị ngã. Bị thương vì bị xe nâng hàng đâm vào người. Bị đau lưng vì mang vật nặng. Bị đứt ngón tay vì vướng tay vào máy. Bị thương nặng vì rơi từ trên cao xuống. Tai nạn trong lúc đi lại (ví dụ) Bị sốc nhiệt khi đi bộ đi làm. Bị ô tô đâm khi đang di chuyển tới chỗ làm. Bị ngã và bị thương trên đường đi xe đạp ra ga để đi làm. Bị ngã và bị thương khi đi bộ đi làm. Nhiều loại tai nạn lao động Ngoài những trường hợp kể trên, những trường hợp như “bị trầm cảm do bị lạm dụng quyền lực hoặc bị bắt nạt ở nơi làm việc”, “bị bệnh tim hoặc bệnh về não do làm việc dài” cũng có thể được coi là tai nạn lao động. Còn rất nhiều loại tai nạn lao động khác. 3. Đối tượng được nhận bảo hiểm lao động Nhân viên làm thêm cũng là đối tượng của bảo hiểm lao động ・ Dù chỉ tuyển dụng 1 người lao động thì chủ sử dụng lao động (công ty v.v.) cũng phải tham gia bảo hiểm lao động. ・ Phí bảo hiểm lao động do chủ sử dụng lao động chi trả toàn bộ. ・ Đối tượng của bảo hiểm lao động không chỉ là nhân viên chính thức (nhân viên toàn thời gian). Tất cả người lao động bao gồm nhân viên bán thời gian, nhân viên làm thêm, nhân viên hợp đồng, nhân viên làm việc theo ngày v.v. cũng là đối tượng được bảo hiểm Đối với nhân viên tạm thời (nhân viên phái cử), công ty giới thiệu và cung cấp nhân sự tạm thời sẽ tham gia bảo hiểm lao động. Xác định có phải là “người lao động” hay không Dựa vào thực chất để xác định có phải là “người lao động” hay không Những người làm việc theo hợp đồng uỷ thác với một công ty nào đó và không nhận mệnh lệnh từ công ty (người làm việc độc lập, người làm việc tự do, v.v.) không phải là “người lao động” nên về nguyên tắc, không thể tham gia bảo hiểm lao động. Tuy nhiên, dù hình thức là uỷ thác nhưng người đó vẫn làm việc theo mệnh lệnh của công ty thì vẫn được coi là người lao động và có thể sử dụng bảo hiểm lao động. Chế độ tham gia đặc biệt Giám đốc công ty, người làm việc độc lập v.v. không phải là “người lao động” nên không thể tham gia bảo hiểm lao động. Tuy nhiên, những người như vậy có thể tham gia chế độ “tham gia đặc biệt” 4. 7 loại trợ cấp chính của bảo hiểm lao động Các loại trợ cấp bảo hiểm lao động Tên các loại trợ cấp bảo hiểm lao động Các trợ cấp của bảo hiểm lao động có tên khác nhau tùy thuộc vào việc đó là tai nạn trong khi làm việc hay là tai nạn đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà). Trợ cấp bảo hiểm lao động do làm nhiều công việc cũng có tên gọi khác nhau. Tên trợ cấp Nội dung 〇〇 hosho kyufu Trợ cấp tai nạn trong khi làm việc (chấn thương hoặc bệnh tật do công việc) 〇〇 kyufu Trợ cấp tai nạn đi lại (chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra trong quá trình đi đến chỗ làm và về nhà) Fukusujigyo rodosha 〇〇 kyufu Trợ cấp đối với chấn thương hoặc bệnh tật do nhiều công việc gây ra 7 loại trợ cấp chính của bảo hiểm lao động Trợ cấp của bảo hiểm lao động có 7 loại chính. Trợ cấp (bồi thường) điều trị Trợ cấp cho người lao động điều trị khi bị thương, bị bệnh do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà). Trợ cấp (bồi thường) nghỉ làm Trợ cấp khi người lao động không nhận được lương, phải nghỉ làm để điều trị chấn thương và bệnh tật do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà). Có thể nhận tiền từ ngày thứ 4 của đợt nghỉ. Trợ cấp (bồi thường) bệnh tật hàng năm Khi đã điều trị chấn thương, bệnh tật do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà) trên 1 năm 6 tháng nhưng vẫn chưa khỏi (tình trạng bệnh không ổn định) và có thương tật trên mức nhất định thì được chuyển từ trợ cấp (bồi thường) nghỉ làm sang trợ cấp hàng năm. Trợ cấp (bồi thường) khuyết tật Trợ cấp (bao gồm lương hưu) khi các triệu chứng của chấn thương hoặc bệnh tật do công việc hoặc đi lại trở nên cố định và để lại khuyết tật trên mức nhất định. Trợ cấp (bồi thường) người thân Trợ cấp lương hưu, trợ cấp 1 lần khi người lao động tử vong do tai nạn lao động, đảm bảo sinh kế cho gia đình người mất. Tiền mai táng v.v.(Trợ cấp mai táng) Trợ cấp 1 phần chi phí mai táng khi người lao động tử vong do tai nạn lao động. Trợ cấp (bồi thường) điều dưỡng Trợ cấp dành cho người nhận trợ cấp (bồi thường) khuyết tật hàng năm hoặc trợ cấp (bồi thường) thương tật hàng năm, người bị khuyết tật đặc biệt nặng và đang được chăm sóc, điều dưỡng. ※ Lược bỏ phần “Trợ cấp dành cho người lao động thuộc nhiều công ty, tổ chức”. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Các loại trợ cấp bảo hiểm lao động và khoản tiền trợ cấp v.v. (Bản khái quát) Tiếng Việt | Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Điều bảo hiểm lao động không chi trả Bảo hiểm lao động sẽ chi trả chi phí điều trị, chi phí nằm viện, v.v. liên quan đến tai nạn lao động. Thế nhưng bảo hiểm lao động sẽ không chi trả “tiền bồi thường” cho chấn thương hoặc bệnh tật do công ty của bạn gây ra. Nếu muốn nhận tiền bồi thường, bạn cần phải thương lượng với công ty và có thể sẽ phải ra tòa. Tuy nhiên, nếu phía công ty không vi phạm nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho lao động hoặc không vi phạm pháp luật thì yêu cầu bồi thường sẽ không được chấp nhận ngay cả khi ra toà. 5. Tai nạn lao động là “tai nạn trong khi làm việc” và “tai nạn đi lại” Tai nạn lao động gồm 2 loại là “tai nạn trong khi làm việc” và “tai nạn đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà)”. Tai nạn trong khi làm việc Tai nạn lao động xảy ra do công việc được gọi là “gyomu saigai”. Chẳng hạn như những trường hợp dưới đây. Bị thương trong khi đang làm việc Trong khi đang tạm nghỉ, bị thương ở nhà vệ sinh v.v. Bị thương trong khi đang chuẩn bị làm việc hoặc đang dọn dẹp sau khi làm xong Bị thương khi đi công tác Để một tai nạn được công nhận là “gyomu saigai” thì phải có khả năng hoàn thành công việc và khả năng do công việc gây ra. Khả năng hoàn thành công việc Đây là chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra trong quá trình làm việc. Ngay cả khi bạn đang làm việc tại nhà, nếu chấn thương hoặc bệnh tật của bạn xảy ra trong giờ làm việc, khả năng hoàn thành công việc của bạn sẽ được công nhận. Khả năng do công việc gây ra Đây là công việc gây chấn thương hoặc bệnh tật. Nếu chấn thương xảy ra trong giờ làm việc do những nguyên nhân không liên quan đến công việc thì có thể không được coi là khả năng do công việc gây ra. ※ Do khó xác định các bệnh như rối loạn tâm thần, bệnh về não, bệnh tim có phải do công việc gây ra hay không nên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thiết lập các tiêu chuẩn công nhận nguyên nhân gây bệnh. Tai nạn đi lại Tai nạn lao động xảy ra do đi lại được gọi là “tsukin saigai”. Để được công nhận là tai nạn đi lại, cần có 4 điều kiện sau đây. ① Nội dung đi lại ② Mối quan hệ giữa việc đi lại và công việc ③ Di chuyển bằng lộ trình, phương pháp hợp lý ④ Việc đi lại không phải là công việc Sau đây, chúng tôi sẽ giải thích về 4 điều kiện này. ① Nội dung đi lại được công nhận là tai nạn đi lại Di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và di chuyển từ nơi làm việc về nhà Di chuyển từ địa điểm làm việc này sang địa điểm làm việc khác Di chuyển từ nhà bạn đang ở 1 mình (nơi bạn sống xa gia đình để đi làm) đến nơi gia đình bạn sinh sống và ngược lại. ※ Nếu bạn đi lộ trình khác xa với lộ trình di chuyển thông thường, di chuyển đến công ty và về nhà bị gián đoạn thì việc di chuyển sau khi bị gián đoạn không được coi là “tsukin - đi làm hoặc đi về từ nơi làm việc”. Ví dụ: việc di chuyển đi ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp và việc di chuyển sau đó không được coi là “tsukin”. Tuy nhiên, việc đi chệch khỏi lộ trình thông thường hoặc làm gián đoạn hành trình để mua những thứ bạn cần cho cuộc sống hàng ngày hoặc đến bệnh viện đều được tính là “tsukin”. ② Mối quan hệ giữa việc đi lại và công việc Để được công nhận là tai nạn đi lại, bạn phải có kế hoạch làm việc hoặc thực tế làm việc vào ngày bị thương hoặc bị bệnh. Ngoài ra, để “di chuyển giữa nơi ở 1 mình và nơi gia đình bạn sinh sống”, bạn phải đi lại vào ngày hôm trước, trong ngày hoặc ngày hôm sau ngày làm việc của bạn. ③ Di chuyển bằng lộ trình, phương pháp hợp lý Nếu bạn đi đường vòng hoặc đi đường khác để nhân tiện ghé vào đâu đó mà không có lý do chính đáng thì không được tính là “tsukin”. ④ Việc đi lại không phải là công việc Tai nạn lao động do công việc di chuyển không phải là “tai nạn đi lại” mà là “tai nạn trong khi làm việc”. 6. Cách xin trợ cấp bảo hiểm lao động “Rosai shinsei” là gì Để nhận được tiền từ bảo hiểm lao động, chấn thương hoặc bệnh tật của bạn phải được công nhận là “tai nạn lao động”. Cục tiêu chuẩn lao động sẽ công nhận tai nạn lao động. Rosai shinsei(Xin trợ cấp bảo hiểm lao động) Yêu cầu (xin) Cục tiêu chuẩn lao động thanh toán trợ cấp bảo hiểm lao động Rosai nintei(Công nhận tai nạn lao động) Cục tiêu chuẩn lao động công nhận chấn thương hoặc bệnh tật của người lao động là tai nạn lao động và quyết định chi trả trợ cấp bảo hiểm lao động. Tên chính thức trong tiếng Nhật là “Rosai hoken kyufu shikyu kettei”. Trong mẫu đơn yêu cầu trợ cấp bảo hiểm lao động (= mẫu đơn xin công nhận tai nạn lao động) có một phần do công ty điền nên thường thì các công ty sẽ chuẩn bị đơn và nộp đơn. Mẫu đơn được tổng hợp ở trang dưới đây. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Đơn xin trợ cấp bảo hiểm lao động|Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Trình tự xin trợ cấp bảo hiểm lao động 1. Nói chuyện với công ty (Nếu công ty không hỗ trợ, hãy xin tư vấn của Cục tiêu chuẩn lao động) 2. Chuẩn bị đơn xin trợ cấp bảo hiểm lao động, mang theo hồ sơ cần thiết và đi cùng người của công ty đến Cục tiêu chuẩn lao động gần nhất để nộp hồ sơ 3. Điều tra sự cố tai nạn lao động: Cục tiêu chuẩn lao động điều tra về sự cố tai nạn lao động 4. Công nhận tai nạn lao động (= Quyết định chi trả trợ cấp tai nạn lao động): sau khi chấn thương hoặc bệnh tật của bạn được công nhận là tai nạn lao động, tiền trợ cấp sẽ được chuyển vào tài khoản mà bạn đã chỉ định. Hiệu lực của việc xin trợ cấp Việc xin trợ cấp (thời hạn nộp đơn) có hiệu lực là 2 năm hoặc 5 năm. ◎Để biết thêm thông tin chi tiết về cách nộp đơn xin trợ cấp, thời hạn nộp đơn, hãy đọc hướng dẫn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Các loại trợ cấp bảo hiểm lao động và khoản tiền trợ cấp v.v. (Bản chi tiết) Tiếng Việt | Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản 7. Cơ sở y tế được chỉ định sử dụng bảo hiểm lao động Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ đến bệnh viện trước khi có kết quả xin trợ cấp bảo hiểm lao động. Khi đó, hãy thông báo với bệnh viện rằng bạn đang nộp đơn xin trợ cấp bảo hiểm lao động trước khi đến bệnh viện. Nếu cơ sở y tế đó là “cơ sở y tế được chỉ định sử dụng bảo hiểm lao động”, bạn có thể nhận trợ cấp (bồi thường) điều trị và được điều trị mà không phải trả bất kỳ chi phí nào. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang tìm kiếm “Cơ sở y tế được chỉ định sử dụng bảo hiểm lao động”|Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản → Nếu chấn thương hoặc bệnh tật của bạn không được công nhận là tai nạn lao động, bạn sẽ sử dụng bảo hiểm y tế, do đó bạn sẽ tự chi trả một phần chi phí y tế. → Nếu người lao động điều trị tại bệnh viện không phải là “cơ sở y tế được chỉ định” thì trước tiên người lao động phải thanh toán trước chi phí y tế. Sau đó, nếu tai nạn được công nhận là tai nạn lao động thì người lao động sẽ được nhận lại phần chi phí y tế đã chi trả. 8. Tổng kết ・ Chấn thương hoặc bệnh tật xảy ra do công việc hoặc đi lại (đi đến chỗ làm và về nhà) được gọi là tai nạn lao động. Bảo hiểm lao động là hệ thống chi trả chi phí y tế cho các chấn thương và bệnh tật do tai nạn lao động gây ra. ・ Người nước ngoài cũng có thể nhận chi phí y tế từ bảo hiểm lao động. ・ Tai nạn lao động bao gồm 2 loại là “tai nạn trong khi làm việc và “tai nạn đi lại”. ・ Có 7 loại trợ cấp chính của bảo hiểm lao động. Trợ cấp (bồi thường) điều trị Trợ cấp (bồi thường) nghỉ làm Trợ cấp (bồi thường) bệnh tật hàng năm Trợ cấp (bồi thường) khuyết tật Trợ cấp (bồi thường) người thân Tiền mai táng v.v. (Trợ cấp mai táng) Trợ cấp (bồi thường) điều dưỡng ・ Thường thì công ty sẽ chuẩn bị đơn xin trợ cấp bảo hiểm lao động. Nếu công ty của bạn không hỗ trợ, hãy xin tư vấn từ Cục tiêu chuẩn lao động hoặc tổ chức hỗ trợ gần công ty của bạn. ・ Nếu Cục tiêu chuẩn lao động công nhận chấn thương hoặc bệnh tật của bạn là tai nạn lao động, tiền trợ cấp của bạn sẽ được chuyển vào tài khoản mà bạn đã chỉ định.
27/12/2023
Các con đường ở Nhật bản thường được bảo trì rất tốt nên việc di chuyển bằng xe đạp khá là thuận tiện. Tuy nhiên, nếu vi phạm luật giao thông dành cho xe đạp và gây ra tai nạn thì bạn cũng có thể bị đòi bồi thường thiệt hại một số tiền lớn cho nạn nhân. Hơn nữa, việc không biết luật có thể dẫn đến việc bị cảnh sát bắt giữ và xử phạt. Để các bạn có thể đi xe đạp an toàn và thoải mái tại Nhật Bản, chúng tôi xin được giới thiệu về luật giao thông và bảo hiểm xe đạp thông qua nhiều hình ảnh và minh họa." 〈Nội dung〉 1.Ở Nhật thì xe đạp cũng được coi như một loại ô tô 2.6 hành vi vi phạm pháp luật dễ mắc phải khi đi xe đạp 3.Luật dành cho xe đạp 4.Hãy đội mũ bảo hiểm 5.Hãy tham gia bảo hiểm xe đạp để tránh các khoản bồi thường lớn! 6.Xe đạp cũng có thể bị đánh cắp ở Nhật Bản 7.Cần có bằng lái khi lái xe gắn máy 8.Tóm lược 1.Ở Nhật thì xe đạp cũng được coi như một loại ô tô Ở Nhật Bản, xe đạp được phân loại là “xe thô sơ” và có các quy tắc lái xe được quy định rõ trong luật giao thông đường bộ. “Xe thô sơ” cũng được coi như là một loại ô tô và sẽ bị phạt nếu vi phạm quy tắc lái xe. Xe đạp thông thường (dài không quá 190 cm, rộng không quá 60 cm) thường được gọi là “xe đạp thông thường”. Đi xe đạp thông thường thì không cần bằng lái. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích về luật giao thông dành cho xe đạp thông thường." 2.6 hành vi vi phạm pháp luật dễ mắc phải khi đi xe đạp ① Lái xe khi sử dụng rượu bia là hành vi vi phạm pháp luật Lái xe khi sử dụng rượu bia là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này được phân loại thành hai nhóm. Lái xe trong tình trạng có hơi rượu Lái xe trong tình trạng 1 lít hơi thở hơi thở chứa hơn 0.15mg cồn Lái xe khi say rượu Lái xe trong tình trạng say xỉn, bất kể nồng độ cồn trong hơi thở là bao nhiêu đi chăng nữa. Nếu đi xe đạp trong trạng thái "lái xe khi say rượu", bạn có thể bị phạt với mức "tù dưới 5 năm hoặc phạt tiền dưới 1 triệu yên" ở Nhật Bản. Ở Nhật Bản, việc cảnh sát dừng xe đạp trên đường lại để kiểm tra khá phổ biến. Nếu lỗi "lái xe say rượu" bị phát hiện và xử phạt trong quá trình kiểm tra thì có thể gây ảnh hưởng đến việc gia hạn thị thực cư trú và các vấn đề khác. Mặc dù không có hình phạt cụ thể dành cho việc đi xe đạp trong tình trạng "lái xe trong tình trạng có hơi rượu" nhưng việc này vẫn bị cấm theo luật giao thông đường bộ. ② Phải bật đèn khi lái xe vào ban đêm Đi xe đạp vào buổi tối mà không bật đèn hoặc đèn bị hỏng nên không bật là hành vi vi phạm pháp luật. Ngay cả khi đang di chuyển ở những khu vực sáng sủa như các khu phố sầm uất thì bạn cũng phải bật đèn vào buổi tối. ③ Sử dụng điện thoại khi đang lái xe là hành vi vi phạm pháp luật Việc vừa đi xe đạp bằng một tay vừa nghe điện thoại, hoặc nhìn màn hình điện thoại di động là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu sử dụng điện thoại di động khi đi xe đạp thì khi xảy ra tai nạn, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn và có thể phải bồi thường một số tiền lớn cho nạn nhân. Nhất định phải dừng xe lại khi bạn muốn xem màn hình hoặc khi gọi điện thoại. Vừa lái xe vừa cầm ô bằng một tay là hành vi vi phạm pháp luật Khi đi xe đạp vào ngày mưa mà dùng một tay để giữ ô, một tay giữ ghi đông là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế hãy mặc áo mưa khi lái xe nhé. Lái xe bằng một tay làm cho việc di chuyển trở nên không ổn định. Lái xe bằng một tay sẽ khiến cho bạn khó phanh lại hơn. Ô sẽ gây cản trở tầm nhìn của bạn. Chở người khác bằng xe đạp là hành vi vi phạm pháp luật (trừ trường hợp chở trẻ nhỏ) Về nguyên tắc thì việc chở người khác bằng xe đạp là hành vi bị cấm. Thế nhưng, bạn có thể chở trẻ nhỏ bằng xe đạp. Để chở trẻ nhỏ thì cần phải thỏa mãn các điều kiện như ▽ Người lái xe phải trên 16 tuổi ▽ Người ngồi sau phải là trẻ em chưa đến tuổi học tiểu học ▽ Phải sử dụng ghế chuyên dụng dành cho trẻ nhỏ. ※ Nếu sử dụng "xe đạp chở được hai trẻ nhỏ cùng lúc" đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, bạn có thể để mỗi bé ngồi một chỗ, một ở trước và một ở sau. ※ Hãy đội mũ bảo hiểm cho các bé khi đi xe. Không được đeo tai nghe khi lái xe Nếu vừa đạp xe vừa nghe nhạc bằng tai nghe headphone hoặc tai nghe earphone thì sẽ không thể nghe thấy những âm thanh xung quanh, khiến cho bạn khó nhận biết được nguy hiểm. Vì vậy đừng đeo tai nghe khi đi đi xe đạp nhé. 3.Luật dành cho xe đạp Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu những quy định cơ bản dành cho xe đạp khi lưu thông trên đường. Nguyên tắc là đi trên làn đường dành cho xe ô tô Xe đạp được phân loại là “xe thô sơ” theo luật giao thông đường bộ. Vì vậy, ở những khu vực có phân chia vỉa hè và đường dành cho xe ô tô thì về nguyên tắc, xe đạp phải đi trên làn đường dành cho ô tô. Những trường hợp có thể đi trên vỉa hè Xe đạp có thể chạy trên vỉa hè nếu có biển báo này. Trường hợp nào xe đạp được phép đi trên vỉa hè? Về nguyên tắc thì xe đạp phải đi trên đường, nhưng trong những trường hợp sau đây, xe đạp có thể di chuyển trên vỉa hè như một ngoại lệ. Trường hợp biển báo giao thông chỉ rõ rằng xe đạp cũng có thể di chuyển trên vỉa hè Trường hợp người lái xe dưới 12 tuổi hoặc trên 70 tuổi Trường hợp người lái xe có khiếm khuyết trên cơ thể ở một mức độ nhất định Trường hợp bị ảnh hưởng bởi công trường làm đường hoặc sự cản trở từ các phương tiện dừng đỗ, làm cho việc di chuyển trên đường trở nên khó khăn. Những điểm cần chú ý khi chạy trên vỉa hè Khi có người đi bộ thì hãy lái xe ở tốc độ chậm sao cho có thể dừng lại bất kì lúc nào nhé. ・ Khi có người đi bộ thì phải di chuyển với tốc độ có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Nếu bạn dường như có vẻ gây cản trở việc di chuyển của họ thì phải dừng lại. ・ Không được sử dụng chuông xe đạp để yêu cầu người đi bộ nhường đường. Chỉ nên sử dụng chuông khi cần thiết để đảm bảo an toàn và tránh nguy hiểm. ・ Khi đi xe đạp trên vỉa hè, bạn có thể di chuyển theo bất kỳ hướng nào, nhưng phải đi ở phần gần đường cho xe chạy hơn so với giữa vỉa hè. ・ Chấp nhận việc xe đạp đi ngược chiều nhau (tức là hai xe đạp đi qua nhau) trên vỉa hè. Làn đường dành cho xe đạp trên vỉa hè Khi có làn đường dành cho xe đạp trên vỉa hè, bạn phải đi trên làn đó. Tuy nhiên, nếu có người đi bộ trên làn đường dành cho xe đạp thì bạn không được làm cản trở việc đi bộ của họ. Cách di chuyển trên làn đường dành cho xe ô tô Hãy di chuyển ở bên trái của làn đường dành cho ô tô Đối với làn đường ô tô, xe đạp phải đi ở phía bên trái theo hướng di chuyển. Nếu vi phạm, có thể bị phạt "tù dưới 3 tháng hoặc phạt tiền dưới 50 nghìn yên". Chạy trên lề đường Xe đạp chạy trên lề trái đường Xe gắn máy không thể chạy trên lề đường, nhưng xe đạp có thể di chuyển trong khu vực này (cũng có thể di chuyển bên ngoài lề đường). Tuy nhiên, không được đạp xe ngược chiều nhau trong lề đường , vì vậy hãy đi ở lề đường bên trái hướng di chuyển. Làn đường dành cho xe đạp trên làn đường của xe ô tô Nếu có làn đường dành cho xe đạp trên đường thì bạn phải di chuyển trong làn đó. Tuy nhiên, không được đi xe đạp ngược chiều nhau trong khu vực này, vì vậy hãy di chuyển ở bên trái của làn đường dành cho xe đạp theo hướng đi. Đường một chiều Nếu có biển báo trên đường một chiều có ghi "Ngoại trừ xe đạp" thì xe đạp có thể di chuyển theo hướng ngược lại của đường một chiều (di chuyển ngược chiều). Trong trường hợp này, xe đạp cũng phải di chuyển ở bên trái của hướng đi. Rẽ phải bằng hai bước Khi xe đạp rẽ phải tại ngã tư, bạn phải thực hiện hai bước rẽ phải ở bất kỳ ngã rẽ nào. Đầu tiên, đi thẳng qua ngã tư theo đèn tín hiệu trước mặt, sau đó quay sang phải và đi qua ngã tư một lần nữa theo đèn tín hiệu ở phía trước. 4.Hãy đội mũ bảo hiểm Không có mức phạt nào dành cho việc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp. Tuy nhiên, theo luật bạn nên cố gắng đội mũ bảo hiểm. Khoảng 70% số vụ tai nạn xe đạp khiến người lái xe tử vong là do chấn thương ở đầu. Vì vậy hãy đội mũ bảo hiểm bất cứ khi nào có thể. Ngoài ra, khi đi cùng trẻ em thì hãy đội mũ bảo hiểm cho cả các bé nhé. 5.Hãy tham gia bảo hiểm xe đạp để tránh các khoản bồi thường lớn! Nếu bạn dùng xe đạp tông vào người đi bộ và làm người đó bị thương thì bạn có thể phải trả một khoản chi phí y tế và bồi thường lớn. Vì lý do này, nhiều chính quyền địa phương đã yêu cầu người đi xe đạp bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xe đạp. Những trường hợp mà bảo hiểm chi trả cho tai nạn xe đạp là những trường hợp dưới đây. ・ Điều khoản bảo hiểm thương tật được bán dưới những tên gọi như “bảo hiểm xe đạp” ・ Điều khoản bảo hiểm xe đạp ・ Điều khoản bảo hiểm hỏa hoạn ・ Bảo hiểm kèm theo thẻ tín dụng ・ Bảo hiểm trách nhiệm cá nhân (個人賠償責任保険), bảo hiểm trách nhiệm hàng ngày (日常賠償保険), bảo hiểm hỗ trợ trách nhiệm lẫn nhau (賠償責任共済) Bảo hiểm của thực tập sinh kĩ năng Đối với thực tập sinh kỹ năng, công ty tiếp nhận thường mua bảo hiểm cho họ và bảo hiểm đó cũng bao gồm cả tai nạn xe đạp. Những trường hợp bồi thường cao do liên quan đến tai nạn xe đạp Phán quyết của tòa án Kobe(Năm 2013) Một học sinh tiểu học (11 tuổi) đang đạp xe đi về nhà buổi tối thì va chạm trực diện với một người đi bộ (62 tuổi) khiến cho người này bị đập đầu mạnh đến bất tỉnh.→ Phán quyết ra lệnh bồi thường 95,21 triệu yên Phán quyết của tòa án Tokyo (Năm 2003) Một học sinh trung học đi xe đạp băng qua đường chéo vào ban ngày và va chạm với một người đàn ông (24 tuổi) đang đi xe đạp từ hướng ngược lại. Người đàn ông bị đập đầu mạnh xuống đất và không thể nói được.→ Phán quyết ra lệnh bồi thường 92,66 triệu yên 6.Xe đạp cũng có thể bị đánh cắp ở Nhật Bản Đăng ký chống trộm (nhãn màu cam) Đăng ký chống trộm Đăng ký chống trộm cho xe đạp giúp chứng minh rằng chiếc xe đạp đó là của chính bạn. Mặt khác cũng khiến cho việc tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn nếu bị trộm mất. Bắt buộc phải đăng ký chống trộm theo quy định của pháp luật. Ngay cả khi bạn mua hàng online hoặc được bạn bè nhượng lại xe đã qua sử dụng thì cũng hãy mang xe đến cửa tiệm và đăng ký chống trộm nhé. Phí đăng ký Phí đăng ký đăng ký chống trộm khác nhau tùy theo từng địa phương, nhưng ở Tokyo là 660 yên (miễn thuế) và ở Osaka là 600 yên (miễn thuế). Thời hạn có hiệu lực của đăng ký chống trộm Hạn hiệu lực của đăng ký chống trộm ở Tokyo và Osaka là 10 năm. Sau khi hết hạn cần đăng ký chống trộm lại một lần nữa. Lợi ích của việc đăng ký chống trộm ・ Khi chiếc xe đạp bị mất và được báo cáo cho cảnh sát thì họ sẽ tìm kiếm chiếc xe dựa trên số đăng ký an ninh, do đó việc đăng ký an ninh cho xe đạp sẽ giúp nó được tìm thấy dễ dàng hơn. ・ Ở Nhật Bản, việc người lái xe đạp bị cảnh sát dừng lại để kiểm tra và đặt câu hỏi trong lúc làm nhiệm vụ xảy ra khá thường xuyên. Trong trường hợp đó, nếu chiếc xe không được đăng ký an ninh, thì thời gian kiểm tra của cảnh sát sẽ dài hơn so với trường hợp có đăng ký an ninh. ・ Khi kiểm tra làm nhiệm vụ, cảnh sát sẽ dựa vào số đăng ký an ninh của chiếc xe đạp để kiểm tra thông tin chủ sở hữu, vì vậy nếu chiếc xe là xe bị đánh cắp thì sẽ được phát hiện ngay lập tức. Do đó, người muốn đánh cắp xe đạp thường tránh xa những chiếc xe đã đăng ký an ninh, chính vì vậy những chiếc xe này khó bị mất trộm hơn. Ổ khóa Vì xe đạp ở Nhật Bản dễ bị mất trộm nên hãy nhớ phải khóa xe vào nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Câu chuyện trải nghiệm của du học sinh bị mất trộm xe đạp ở Nhật Bản|KOKORO 7.Cần có bằng lái khi lái xe gắn máy Sự khác biệt giữa xe đạp trợ lực điện và xe đạp điện Xe đạp trợ lực điện thì không cần bằng lái “Xe đạp trợ lực điện” là một loại xe đạp thông thường nên không cần có bằng lái xe. Đây là dòng xe đạp sử dụng động cơ điện để hỗ trợ cho việc chạy xe, giúp bạn dễ dàng đạp khi xuất phát hoặc lên dốc. Tuy nhiên, cũng có thể lái xe mà không cần động cơ điện. Xe đạp điện thì phải có bằng lái "Xe đạp điện" là loại xe đạp sử dụng động cơ (mô tơ) để tự chạy mà không cần phải đạp. Tên chính thức là "xe đạp gắn động cơ có bàn đạp", và theo luật pháp Nhật Bản, nó được phân loại giống như xe đạp có động cơ (xe gắn máy). Xe đạp điện còn được gọi là “xe gắn máy”, “xe đạp điện có bàn đạp” và “xe đạp điện hoàn chỉnh”. Người nước ngoài thường mua xe đạp điện thông qua mạng internet, nhưng để lái xe đạp điện ở Nhật Bản, bạn cần phải có bằng lái xe gắn máy. 8.Tóm lược Bằng lái xe Khi đi xe đạp bình thường thì không cần phải có bằng lái. Tuy nhiên, nếu như đi xe đạp điện loại mà không cần phải đạp cũng có thể tự di chuyển như “xe gắn máy” thì bắt buộc phải có bằng lái. 6 hành vi vi phạm pháp luật mà người đi xe đạp dễ mắc phải Sử dụng rượu bia khi lái xe Lái xe vào ban đêm mà không bật đèn phía trước Vừa đi xe vừa sử dụng điện thoại Vừa đi xe vừa che ô bằng một tay Chở người khác bằng xe đạp Vừa đi xe vừa sử dụng tai nghe Những luật cơ bản dành cho người đi xe đạp Về nguyên tắc phải chạy trên đường ô tô. Có thể chạy trong lề đường. Thường thì sẽ đi về bên trái theo hướng di chuyển. Cũng có những trường hợp được phép chạy xe trên vỉa hè nhưng phải ưu tiên người đi bộ. Không được bấm chuông để yêu cầu người đi bộ nhường đường cho mình. Khi rẽ phải tại các giao lộ thì phải thực hiện hai bước rẽ phải. Bảo hiểm xe đạp Có nhiều quy định của các chính quyền địa phương yêu cầu phải tham gia bảo hiểm xe đạp. Hãy tham gia bảo hiểm xe đạp để tránh bị yêu cầu các khoản bồi thường lớn khi xảy ra tai nạn nhé.
20/12/2023
Nếu bạn có bằng lái xe thì bạn có thể làm được khá nhiều việc. Thế nhưng, để có được “bằng lái xe ô tô” tại Nhật Bản, thường cần phải đăng ký học tại trường dạy lái xe ô tô, và chi phí này có thể lên đến khoảng 300,000 yên tùy thuộc vào từng khu vực. Tuy nhiên, có các lựa chọn như “học nội trú” hay các chương trình cho vay tiền để hỗ trợ việc lấy bằng lái xe, giúp bạn có thể lấy được bằng với chi phí thấp hơn so với hình thức thông thường. Ngoài ra, cũng có các trường dạy lái xe hỗ trợ tiếng nước ngoài. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích về những cách thức giúp lấy bằng lái xe tại Nhật Bản. <Nội dung bài viết> 1. Các loại bằng lái chính và trường dạy lái xe ô tô 2. Nội dung học và quá trình cho tới khi lấy được bằng 3. Các chế độ hỗ trợ trong việc học lái xe ô tô 4. Rẻ! Nhanh! Nhận bằng lái xe một cách nhanh chóng bằng hình thức “học nội trú” 5. Dự thi và lấy bằng ở trung tâm sát hạch bằng lái xe (免許センター) 6. Tái cấp bằng lái định kì và thủ tục thay đổi địa chỉ, tên, v.v. 7. Tóm lược 1. Các loại bằng lái chính và trường dạy lái xe ô tô Đào tạo tại trường dạy lái xe Bằng lái thông thường và trường dạy lái xe Cần phải có bằng lái xe để lái ô tô ở Nhật Bản. Các giấy phép lái xe thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày bao gồm giấy phép lái xe ô tô thông thường (普通免許) và giấy phép lái xe gắn máy (原付免許). Giấy phép lái xe ô tô thông thường (普通免許) ・ Giấy phép cho phép lái xe ô tô chở khách thông thường hoặc xe gắn máy. ・ Bạn có thể nhận được giấy phép này nếu vượt qua cả bài kiểm tra thực hành và bài kiểm tra lý thuyết tại trung tâm cấp bằng lái xe (trung tâm sát hạch bằng lái xe) tại địa phương mà bạn sinh sống. Giấy phép lái xe gắn máy (原付免許) ・Giấy phép cho phép lái xe gắn máy (phân khối 50cc đổ xuống, xe gắn máy) ・Có thể nhận được bằng việc thi lý thuyết và học khóa học ngắn hạn sau kì thi. Việc đỗ kỳ thi thực hành tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) có vẻ khó khăn, nhưng nếu bạn theo học một trường dạy lái xe được chính phủ công nhận và có được "chứng chỉ tốt nghiệp," bạn sẽ được miễn thi thực hành. Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều tham gia các trường dạy lái xe để hướng đến mục tiêu lấy bằng lái xe thông thường (普通免許). Bằng lái thông thường (普通免許) phải từ 18 tuổi trở lên ・ Ở Nhật thì phải từ 18 tuổi trở lên mới có thể lấy bằng lái thông thường (普通免許). ・ Bằng lái xe gắn máy (原付免許) thì có thể thi từ năm 16 tuổi, 2. Nội dung học và quá trình cho tới khi lấy được bằng Chúng tôi sẽ giải thích quy trình tại trường dạy lái xe để lấy bằng lái xe thông thường. Quy trình tổng thể tại trường dạy lái xe Bạn sẽ học luật giao thông và các kĩ thuật lái xe tại trường dạy lái xe. ・ 1 tiết học lý thuyết kéo dài 50 phút (học tại lớp học): 26 tiết ・ Học thực hành: 31 tiết trong trường hợp chỉ lái xe AT (automatic), 34 tiết cho bằng lái xe MT (xe có hộp số). Có giới hạn về số tiết học có thể tham gia trong một ngày. ※ Nếu bạn không đỗ các bài kiểm tra giữa kỳ thì bạn phải tham gia học thực hành bổ sung trước khi thi lại. ・ Cũng có các trường dạy lái xe mà bạn có thể học vào buổi tối. Hoặc bạn cũng có thể tham gia học chỉ vào cuối tuần. ・ Thời gian hoàn thành đến khi tốt nghiệp thường mất khoảng 2-3 tháng. Nếu tham gia học một cách tập trung, có thể chỉ mất khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, bắt buộc phải tốt nghiệp trong vòng 9 tháng. Tại các thành phố, có thể sẽ gặp phải khó khăn trong việc đặt lịch học thực hành dẫn đến kéo dài thời gian đào tạo. ・ Chi phí trung bình cho việc học lái xe ô tô (tính đến năm 2023) là từ 240,000 đến 300,000 yen. Chi phí này có thể thay đổi tùy theo từng khu vực. Học giai đoạn 1 Học lý thuyết・10 tiết Bạn sẽ được học về luật giao thông cơ bản và bảo vệ người đi bộ. Các bài giảng sử dụng sách giáo trình chung trên toàn quốc. Học thực hành・15 tiết(Trường hợp chỉ học xe AT thì 12 tiết) Tại trường dạy lái xe, bạn sẽ học về cách khởi động, dừng lại, cách rẽ tại ngã tư, cũng như cách đỗ xe. Giáo viên sẽ ngồi ở ghế phụ và hướng dẫn bạn, cho dù bạn có lái xe một cách nguy hiểm thì họ vẫn có thể sử dụng phanh hỗ trợ để dừng lại. Thi sát hạch(Thường gọi là修検)và thi cấp giấy phép tạm thời karimen (仮免) Sau khi kết thúc toàn bộ việc học lý thuyết và thực hành của giai đoạn 1 thì kì thi sát hạch và thi cấp giấy phép tạm thời karimen (仮免) sẽ được tổ chức. Kì thi sát hạch(tên thường gọi・修検) Người học sẽ lái xe trên đường tập luyện trong trường, với giáo viên ngồi ở ghế phụ và các học viên khác ngồi ở ghế sau. Nếu bạn không đỗ, bạn sẽ phải tham gia ít nhất một buổi học thêm trước khi thi lại. Bạn sẽ không thể tiến đến giai đoạn tiếp theo cho đến khi thi đỗ. Kì thi cấp giấy phép tạm thời karimen (仮免) Trả lời câu hỏi ở dạng đánh dấu ◯✕. Trả lời đúng 45/50 câu thì sẽ tính là thi đỗ. Trong bài thi lý thuyết có một số câu hỏi rất dễ mắc lỗi, vì vậy hãy nhớ đọc kỹ câu hỏi. Ngoài ra, hãy nghiên cứu nhiều lần các bài luyện tập và các câu hỏi đã từng được ra trong quá khứ. Nếu trượt, bạn sẽ phải thi lại. Thường sẽ phát sinh chi phí nếu bạn phải thi lại kì thi sát hạch hoặc bài thi lý thuyết. Ngoài ra, các lớp học bổ sung cũng thường mất phí. Nếu bạn đỗ kì thi sát hạch và kì thi cấp bằng tạm thời karimen (仮免) thì bạn sẽ được cấp “bằng lái xe tạm thời”, và có thể tiến hành học lái xe ngoài đường. Giai đoạn 2 Học lý thuyết・16 tiết Học cách phòng chống tai nạn giao thông và lái xe trong điều kiện bất lợi. Học thực hành・19 tiết Sau khi bạn nhận được bằng lái xe tạm thời nhờ đỗ kì thi sát hạch, thì sẽ bắt đầu lái xe ngoài đường cùng với giáo viên của trường dạy lái xe. Ở giai đoạn 2 thì sẽ lái xe đồng thời cả trong khuôn viên trường và ngoài đường. Cũng sẽ lái xe cả trên đường cao tốc nữa. Thi thực hành tốt nghiệp(Tên thường gọi・卒検) Bạn sẽ thi thực hành tốt nghiệp sau khi hoàn thành tất cả các bài học của giai đoạn 2. Kì thi này được tiến hành cả trong khuôn viên trường dạy lái xe và đường bên ngoài. Nếu vi phạm những lỗi nghiêm trọng như bỏ qua đèn tín hiệu hoặc không tạm dừng, thì kỳ thi sẽ kết thúc ngay tại đó và bạn sẽ bị đánh giá là không đạt. Tuy nhiên, nếu chỉ vi phạm những lỗi nhỏ thì chỉ bị trừ một ít điểm, vì thế hãy tiếp tục lái xe một cách bình tĩnh cho đến hết bài thi. Nếu bạn không đỗ kì thi thực hành tốt nghiệp, thì bạn sẽ phải học bổ sung trước khi thi lại. Nếu vượt qua kì thi thực hành tốt nghiệp, thì bạn sẽ nhận được chứng nhận tốt nghiệp từ trường dạy lái xe. Có giấy chứng nhận này thì bạn sẽ không cần tham gia “thi thực hành” tại trung tâm sát hạch lái xe (運転免許センター) nữa. 3. Các chế độ hỗ trợ trong việc học lái xe ô tô Học bằng đa ngôn ngữ Có những trường dạy lái xe bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc hay tiếng Việt. Thường thì chi phí sẽ cao hơn so với trường dạy bằng tiếng Nhật. Bạn hãy tìm kiếm bằng những từ khóa như là「ベトナム語+自動車教習」nhé. Giáo trình bằng tiếng nước ngoài Phiên bản tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha) của giáo trình được sử dụng tại các trường dạy lái xe đều có sẵn trên thị trường. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về luật giao thông và lái xe an toàn. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Về phiên bản tiếng nước ngoài của『Quy tắc giao thông - 交通の教則』|JAF Khoản vay hỗ trợ bằng lái xe Thường thì bạn sẽ trả hết chi phí trong một lần khi đến trường dạy lái xe. Hãy tiết kiệm trước đó hoặc tìm những trường dạy lái xe cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng. Hoặc cũng có những trường có thể trả phí đào tạo bằng một khoản vay (trả góp). Mặc dù tính cả lãi vào thì cũng hơi đắt, nhưng sinh viên cũng có thể tiếp cận được khoản vay này. Giảm giá cho sinh viên Cũng có những trường dạy lái xe sẽ giảm giá cho sinh viên. 4. Rẻ! Nhanh! Nhận bằng lái xe một cách nhanh chóng bằng hình thức “học nội trú” Dạy lái xe bằng hình thức “học nội trú”, giúp bạn có thể hoàn thành trong thời gian ngắn với chi phí thấp Có một phương pháp gọi là “học nội trú” dành cho những người muốn lấy bằng nhanh chóng với chi phí thấp. Ở trường "học nội trú", bạn sẽ được ở tại các cơ sở lưu trú do trường dạy lái xe chuẩn bị và học một cách tập trung. Với hình thức "học nội trú", bạn có thể tốt nghiệp sau khoảng 2 tuần, chi phí cũng thường thấp hơn so với việc học tại các trung tâm đào tạo lái xe thông thường. Đây là lựa chọn được khuyến khích đối với những người có thể dành ra được một khoảng thời gian tập trung, chẳng hạn như du học sinh. Các trường dạy lái xe cung cấp hình thức học nội trú giá rẻ thường có nhiều ở các địa phương. Một số nơi có thể chi trả cả phí đi lại từ nơi bạn sinh sống tới trường dạy lái xe. Chi phí cho hình thức học nội trú thường rẻ hơn trong những khoảng thời gian có ít hoạt động như từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 10 đến tháng 12, trong khi trong những khoảng có kì nghỉ dài như nghỉ hè hay từ tháng 2 đến tháng 3, gần lúc các trường học chuẩn bị tốt nghiệp thường có chi phí cao hơn. Thêm vào đó, chi phí cũng sẽ có sự khác biệt tùy vào việc bạn chọn ở phòng đơn hay ở chung với người khác. Lợi ích của học nội trú Nếu bạn học lái xe tại các trung tâm đào tạo ở Tokyo, thường sẽ mất khoảng 300,000 yên và việc đặt lịch học thực hành cũng có thể gặp khó khăn, đôi khi phải mất đến vài tháng để tốt nghiệp. Ngược lại, học nội trú có "chi phí thấp" và "thời gian ngắn" so với hình thức trên. Có thể giao lưu với những học viên khác. Có thể thăm quan ngắm cảnh. Có một bài viết về trải nghiệm tham gia học lái xe nội trúc của một du học sinh người Việt Nam, các bạn hãy đọc thử nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Mình đã đi học bằng lái ô tô nội trú|KOKORO 5. Dự thi và lấy bằng ở trung tâm sát hạch bằng lái xe (免許センター) Trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) Sau khi tốt nghiệp trường dạy lái xe, bạn sẽ dự thi lý thuyết tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) ở địa phương mà mình sinh sống. Có thể sẽ có nơi cho đặt lịch hẹn nên hãy tìm hiểu trước nhé. Từ 90 điểm trở lên sẽ được tính là đỗ Trả lời 95 câu trong vòng 50 phút và đạt được 90 điểm trở lên (100 điểm là điểm tuyệt đối) thì bạn sẽ được tính là đỗ. Có 90 câu hỏi hình thức trả lời ◯✕ (1 điểm/câu) và 5 câu hỏi có tranh minh họa (2 điểm/câu). Bạn sẽ được cấp bằng luôn trong ngày hôm đó. Chi phí khác nhau tùy theo từng tỉnh. Tokyo thì là 3,800 yên (phí dự thi 1,750 yên, phí cấp bằng 2,050 yên). ※ Thời điểm hiện tại là năm 2023 Những đồ vật cần mang theo khi đi thi gồm: Giấy chứng nhận tốt nghiệp trường lái xe, bằng lái xe tạm thời karimen, chứng minh thư (thẻ lưu trú hoặc thẻ my number), thẻ cư trú, ảnh, bút. Những địa phương có thể dự thi bằng tiếng nước ngoài Cũng có trường hợp có thể thi bằng tiếng nước ngoài. Mỗi địa phương khác nhau sẽ có ngôn ngữ dự thi khác nhau. ◆ Ví dụ về những địa phương có thể dự thi kì thi lý thuyết bằng tiếng nước ngoài Tiếng Anh Tiếng Trung Tiếng Bồ Đào Nha Tiếng Việt Hokkaido 〇 〇 Miyagi 〇 〇 〇 Saitama 〇 〇 〇 〇 Chiba 〇 〇 Tokyo 〇 Kanagawa 〇 〇 〇 〇 Ishikawa 〇 〇 〇 〇 Shizuoka 〇 〇 〇 〇 Aichi 〇 〇 〇 〇 Kyoto 〇 〇 Osaka 〇 〇 〇 〇 Hyogo 〇 〇 〇 〇 Okayama 〇 〇 〇 〇 Hiroshima 〇 〇 〇 〇 Ehime 〇 〇 〇 〇 Fukuoka 〇 〇 〇 (Đến thời điểm hiện tại là tháng 11 năm 2023) 6. Tái cấp bằng lái định kì và thủ tục thay đổi địa chỉ, tên, v.v. Thời hạn hiệu lực của bằng lái xe và thủ tục cấp lại Bằng lái xe thường có hiệu lực trong một thời gian nhất định, khi đến hạn thì ta cần làm thủ tục xin cấp lại. Tùy theo tuổi tác và việc có vi phạm giao thông hay không mà thời hạn hiệu lực của bằng lái xe sẽ khác nhau. Nếu như không cấp lại thì bằng lái xe sẽ bị vô hiệu hóa. Bằng lái xe của Nhật có 3 màu là vàng kim, xanh dương, xanh lá cây. Xanh lá cây ・ Là giấy phép đầu tiên bạn nhận được khi có bằng lái, thời hạn hiệu lực là 3 năm Xanh dương ・ Những người lấy được bằng lái dưới 5 năm, thời hạn hiệu lực là 3 năm・ Người từ 71 tuổi trở lên, thời hạn hiệu lực là 3 năm・ Ngoài những trường hợp trên, là những người trong vòng 5 năm có vi phạm một lỗi nhỏ, thời hạn hiệu lực là 5 năm・ Nếu vi phạm nhiều hơn thì thời hạn hiệu lực còn 3 năm Vàng kim ・ Giấy phép này được cấp cho người lái xe không gây tai nạn, không vi phạm trong 5 năm trước khi giấy phép lái xe hết hạn, thời hạn hiệu lực là 5 năm. Gần đến hạn phải cấp lại giấy phép thì một bưu thiếp sẽ được gửi tới nhà bạn (theo địa chỉ ghi trên bằng lái) để thông báo. Thủ tục cấp lại giấy phép sẽ được tiến hành tại đồn công an hoặc trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター). Người vi phạm luật giao thông trong thời gian giấy phép lái xe còn hiệu lực trước ngày cấp lại, sẽ không được cấp lại nếu không tham gia lớp học về an toàn giao thông. Thời hạn cấp lại là khoảng 2 tháng tính từ ngày sinh nhật gần nhất so với ngày hết hạn, nên hãy làm thủ tục trong khoảng thời gian đó nhé. Thay đổi địa chỉ, tên họ, v.v. Khi thay đổi địa chỉ hoặc tên họ, thì cần phải nộp các tài liệu cần thiết lên đồn công an hoặc trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) để thay đổi thông tin trên bằng lái. 7. Tóm lược ・ Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều theo học trường lái xe để lấy bằng lái xe thông thường. Thời gian đào tạo thường từ 2 đến 3 tháng và học viên phải tốt nghiệp trong vòng 9 tháng. ・ Chi phí của trường dạy lái xe vào khoảng 240,000 ~ 300,000 yên. Tùy theo từng vùng mà chi phí trung bình sẽ khác nhau. ・ Ở trường sẽ có các môn lý thuyết và các môn thực hành, giai đoạn 1 sẽ học thực hành lái xe trong trường, giai đoạn 2 thì lái xe cả trong khuôn viên trường và đường bên ngoài. Trước khi học lên giai đoạn 2 thì phải đỗ kì thi sát hạch và kì thi lý thuyết. ・ Kết thúc giai đoạn 2, nếu bạn đỗ kì thi thực hành tốt nghiệp thì sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Sau đó, bạn không cần dự thi kì thi thực hành tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) nữa. ・ Nếu bạn đạt 90 điểm trở lên trong kì thi lý thuyết tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) thì bạn sẽ nhận được bằng lái xe ngay trong hôm đó. Sau đó, khi đến hạn hết hiệu lực của bằng lái, thì bạn cần làm thủ tục cấp tại đồn công an hoặc trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター).
10/12/2023
Để lấy được bằng lái xe ở Nhật Bản, có thể mất khoảng 300,000 yên cho việc đăng ký tại trường dạy lái xe ô tô. Tuy nhiên, nếu đã có bằng lái xe từ nước ngoài thì bạn có thể tham gia kỳ thi tại một trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) ở Nhật Bản với mục đích chuyển đổi sang bằng lái xe Nhật Bản. Trong quá trình này, bạn cũng có thể được miễn giảm một số phần của kỳ thi. Hơn nữa, bạn cũng có thể sử dụng bằng lái quốc tế mà bạn đã có để lái xe ở Nhật Bản. Bài viết này sẽ giải thích quá trình đổi bằng lái xe và các vấn đề liên quan đến bằng lái quốc tế. <このページの内容> 1. Chuyển đổi từ bằng lái quốc tế thành bằng lái của Nhật 2. Lái xe bằng bằng lái quốc tế 3. Lấy bằng lái xe ở Nhật Bản 4. Tóm lược 1. Chuyển đổi từ bằng lái quốc tế thành bằng lái của Nhật Những người đã có bằng lái nước ngoài có thể lấy bằng lái ở Nhật Bản mà không cần phải tham gia một số phần của kỳ thi lấy bằng lái xe (kỳ thi lý thuyết và kỳ thi thực hành) tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター). Thủ tục này được gọi là "Chuyển đổi bằng lái xe." Điều kiện để được miễn thi Để nhận được bằng lái Nhật Bản mà không cần thi viết hoặc thi thực hành thì bạn phải đáp ứng các điều kiện sau. Phải có bằng lái nước ngoài còn thời hạn hiệu lực. Chứng minh được rằng bạn đã ở trong nước tổng cộng từ 3 tháng trở lên sau khi có bằng lái xe nước ngoài (bắt buộc phải có giấy tờ chứng minh thời gian lưu trú, chẳng hạn như hộ chiếu có đóng dấu xuất nhập cảnh). Cách đăng ký chuyển đổi bằng lái xe Trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) Để được cấp bằng lái xe ở Nhật Bản, bạn cần nộp đơn tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) (hoặc Trường thi cấp giấy phép lái xe) thuộc tỉnh/thành phố mà bạn đang sinh sống. Dưới đây là danh sách tài liệu bạn cần nộp. Trung tâm này thường do cảnh sát quản lý. ① Đơn xin = Hãy nộp cùng 1 bản “phiếu hỏi” liên quan đến tình trạng sức khỏe của bạn. Đôi khi nhân viên của trung tâm sát hạch bằng lái xe (運転免許センター) cũng sẽ hỏi những câu liên quan đến các triệu chứng bệnh của bạn. ② 1 ảnh (dọc 3.0 cm x ngang 2.4cm) = Chụp chính diện từ ngực trở lên, không đội mũ. Ảnh phải được chụp trong vòng 6 tháng gần nhất. Nền trắng. ③ Bản sao của thẻ cư trú (Người chưa đăng ký cư trú thì dùng hộ chiếu v.v.) = Tài liệu phải ghi rõ quốc tịch ④ Chứng minh thư(Thẻ bảo hiểm sức khỏe, thẻ my number, thẻ ngoại kiều v.v.) = Chỉ cần trình ra. ⑤ Bằng lái xe nước ngoài ⑥ Bản dịch tiếng Nhật của bằng lái xe nước ngoài = Là tài liệu được tạo ra bởi các cơ quan hoặc tổ chức cụ thể (như sẽ được giới thiệu dưới đây). ⑦ Tài liệu xác nhận rằng bạn đã ở trong nước từ 3 tháng trở lên sau khi có bằng lái xe nước ngoài = Hộ chiếu có đóng dấu xuất nhập cảnh của quốc gia đó. Nếu không được đóng dấu, vui lòng cung cấp bằng chứng cư trú tại đất nước đó. ⑧ Lệ phí Các cơ quan và tổ chức được phép cung cấp bản dịch tiếng Nhật của bằng lái xe nước ngoài ・ Cơ quan hành chính ở nước ngoài nơi bạn đã nhận bằng lái xe nước ngoài của mình (ví dụ: cơ quan cảnh sát). ・ Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của quốc gia bạn ở Nhật Bản, nơi bạn nhận bằng lái xe nước ngoài của mình. ・ Tổ chức pháp nhân ô tô Nhật Bản (JAF) Những giải thích liên quan đến việc đổi bằng lái được ghi ở trang sau. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cục cảnh sát HP (警察庁HP) 2. Lái xe bằng bằng lái quốc tế Bằng lái quốc tế có thể sử dụng ở Nhật Bản Những người có "Bằng lái xe quốc tế" dựa trên "Công ước về giao thông đường bộ" (gọi tắt là Công ước Geneva) có thể lái xe ở Nhật Bản. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Những quốc gia tham gia Công ước Geneva|Cục cảnh sát Bằng lái xe quốc tế duy nhất có thể được sử dụng ở Nhật Bản là bằng do các quốc gia đã tham gia Công ước Geneva cấp và có kiểu mẫu do công ước đó xác định. ※ Việt Nam không tham gia Công ước Geneva (tính đến thời điểm tháng 4/2023) ※ Mặc dù Pháp, Bỉ và Monaco có tham gia Công ước Geneva nhưng họ không cấp bằng lái xe quốc tế theo kiểu Công ước Geneva. Tuy nhiên, nếu bạn đính kèm bản dịch tiếng Nhật vào bằng lái của các quốc gia này thì bạn vẫn có thể lái xe ở Nhật Bản. Thời hạn có thể lái xe với bằng lái quốc tế Nhật Bản có quy định về thời hạn sử dụng bằng lái quốc tế. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một vài trường hợp ví dụ. Dành cho những người đã đăng ký cư trú tại Nhật Bản Trường hợp Thời hạn được lái xe bằng bằng lái quốc tế Trường hợp rời khỏi Nhật Bản, lấy bằng lái xe quốc tế ở nước ngoài, và sau đó quay lại Nhật Bản sau ít nhất 3 tháng kể từ ngày xuất cảnh. 1 năm kể từ ngày cấp bằng lái xe quốc tế Trường hợp rời Nhật Bản, lấy bằng lái xe quốc tế ở nước ngoài, và sau đó quay lại Nhật Bản trong khoảng thời gian ít hơn 3 tháng kể từ ngày xuất cảnh. Bạn có thể lái xe trong vòng 1 năm tính từ ngày nhập cảnh trước đó, không phải là ngày bạn nhập cảnh trở lại. Ví dụ, nếu bạn ở lại Nhật Bản trong 2 năm, sau đó xuất cảnh để lấy Bằng lái xe quốc tế và quay lại Nhật Bản trong thời gian ít hơn 3 tháng từ ngày xuất cảnh, bạn sẽ không thể sử dụng bằng lái quốc tế đó ở Nhật Bản, vì đã qua hơn 1 năm kể từ ngày nhập cảnh đầu tiên. Dành cho những người chưa đăng ký cư trú tại Nhật Bản Trường hợp Thời hạn được lái xe bằng bằng lái quốc tế Trường hợp đến Nhật Bản lần đầu tiên sau khi lấy bằng lái xe ở nước ngoài 1 năm kể từ ngày cấp bằng lái xe quốc tế Trường hợp đến Nhật Bản lần đầu và không xuất cảnh mà nhận bằng lái quốc tế qua đường bưu điện Có thể lái xe kể từ ngày lấy bằng lái xe quốc tế, thời hạn là một năm kể từ ngày nhập cảnh vào Nhật Bản. 3. Lấy bằng lái xe ở Nhật Bản Trường dạy lái xe Cần phải có bằng lái xe để lái ô tô ở Nhật Bản. Các giấy phép lái xe được sử dụng phổ biến trong đời sống bao gồm: Giấy phép lái xe ô tô thông thường (普通免許) ・ Giấy phép cho phép lái xe ô tô chở khách thông thường hoặc xe gắn máy ・ Bạn có thể nhận được giấy phép này nếu vượt qua cả bài kiểm tra thực hành và bài kiểm tra lý thuyết tại trung tâm cấp bằng lái xe (trung tâm sát hạch bằng lái xe) tại địa phương mà bạn sinh sống. Giấy phép lái xe gắn máy (原付免許) ・ Giấy phép cho phép lái xe gắn máy (phân khối 50cc đổ xuống, xe gắn máy) ・ Có thể nhận được bằng việc thi lý thuyết và học khóa học ngắn hạn sau kì thi. Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều theo học trường lái xe để lấy bằng lái xe thông thường. Hãy đọc bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Giải thích chi tiết về cách lấy bằng lái xe ở Nhật Bản|KOKORO 4. Tóm lược Chuyển đổi bằng lái xe Người có bằng lái xe nước ngoài còn hiệu lực, và có thể chứng minh đã lưu trú từ 3 tháng trở lên ở quốc gia đó, có thể được cấp giấy phép lái xe Nhật Bản tại trung tâm sát hạch bằng lái xe (日本の免許運転センター) mà không cần thi một số phần của kỳ thi (kỳ thi thực hành, kỳ thi lý thuyết). Tuy nhiên, phải nộp các tài liệu như bản sao thẻ cư trú (hoặc hộ chiếu nếu không đăng ký cư trú) và bằng lái xe nước ngoài. Bằng lái xe quốc tế Có thể lái xe ở Nhật Bản bằng bằng lái quốc tế được cấp ở nước ngoài. Chỉ những bằng lái quốc tế có kiểu mẫu được định bởi Công ước Geneva mới có thể được sử dụng ở Nhật Bản và có nhiều giới hạn khác nhau về thời gian bạn có thể lái xe. Lấy bằng lái xe ở Nhật Bản Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều theo học trường dạy lái xe để lấy bằng lái xe.
06/12/2023
Khi sống ở Nhật Bản, người nước ngoài nhận được nhiều lời đề nghị “kiếm tiền tiêu vặt” từ người quen hoặc thông qua mạng xã hội. Ví dụ: “Tôi sẽ mua thẻ rút tiền hoặc sổ ngân hàng của bạn với giá cao. Những bạn về nước hãy bán lại thẻ và sổ ngân hàng nhé”, “Nếu bạn giúp tôi rút tiền mặt từ máy ATM, tôi sẽ đưa bạn ○ vạn yên”, “Tôi sẽ mua điện thoại di động của bạn với giá cao”, “Bạn chỉ cần mang giúp tôi hành lý, bạn sẽ nhận được ○ vạn yên” v.v. Thoạt nhìn, đây có vẻ như là “một công việc dễ kiếm tiền” nhưng thực chất lại rất nguy hiểm. Nếu bạn nhận những công việc như vậy, bản thân điều đó đã là một tội phạm. Việc này cũng trở thành việc tiếp tay cho một tội phạm lớn nào đó. Chúng tôi sẽ giới thiệu một vài trường hợp người nước ngoài nhận làm những việc như vậy và thực sự đã bị bắt. <Nội dung> 1. Bị bắt vì cho người khác dùng tài khoản của mình 2. Bị bắt vì rút tiền từ tài khoản của người khác 3. Bị bắt vì mua điện thoại di động do người khác ký hợp đồng 4. Bị bắt vì nhận và vận chuyển tiền mặt 5. Bị bắt vì làm thêm “vận chuyển đồ để nhận 2 vạn yên” 6. Tổng kết 1. Bị bắt vì cho người khác dùng tài khoản của mình ※Ảnh minh hoạ Năm 2023, cảnh sát tỉnh Saitama bắt giữ một du học sinh Việt Nam 22 tuổi sống ở thành phố Niigata vì tình nghi lừa đảo sau khi mở tài khoản ngân hàng. Du học sinh giải thích rằng “tài khoản này sẽ dùng để gửi và rút tiền trang trải chi phí sinh hoạt” nhưng thực tế là để người khác sử dụng. Đây là tội lừa đảo vì du học sinh này đã lừa dối ngân hàng. Theo cảnh sát, du học sinh này đã mở tài khoản tại một ngân hàng ở thành phố Niigata, sau đó chia sẻ mật khẩu ngân hàng (Internet banking) và các thông tin của mình với người khác, cho phép họ tự do sử dụng tài khoản. Trong 13 tháng sau đó, khoảng 650 triệu yên đã được chuyển vào tài khoản này trong 400 lần giao dịch từ nhiều tài khoản của người Việt Nam (ở Nhật Bản và Việt Nam). Số tiền được chuyển vào tài khoản này là tiền lừa được từ nhiều nạn nhân và sau đó được chuyển sang các tài khoản khác và bị người khác rút tiền mặt. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Mua bán thẻ ATM hoặc sổ ngân hàng là phạm tội!|KOKORO 2. Bị bắt vì rút tiền từ tài khoản của người khác Năm 2023, Sở Cảnh sát Thủ đô (cảnh sát Tokyo) thông báo đã bắt giữ một người đàn ông Trung Quốc thất nghiệp (33 tuổi) vì tình nghi trộm cắp vì rút tiền từ máy ATM bằng thẻ ngân hàng của người khác. Có khả năng cao là người đàn ông này đã sử dụng 184 thẻ rút tiền mặt của người khác để rút hơn 50 triệu yên. Người đàn ông này bị bắt vì rút tổng cộng 776.000 yên từ máy ATM tại 9 cửa hàng tiện lợi ở Tokyo bằng thẻ ngân hàng của người Việt Nam. Việc rút tiền bằng thẻ ATM của người khác bị coi là hành vi trộm cắp. Rất nhiều nạn nhân mua sản phẩm từ trang mua sắm trực tuyến giả mạo do nhóm lừa đảo điều hành đã chuyển tiền vào tài khoản này. Trang web giới thiệu quần áo và đồng hồ với giá rẻ, nhưng đó là một trang lừa đảo. Trang web sẽ không gửi hàng ngay cả khi khách hàng đã thanh toán đơn hàng. Nhóm lừa đảo này đã vận hành một số trang web như vậy và được cho là đã lừa đảo khoảng 5000 người trên khắp Nhật Bản với số tiền hơn 100 triệu yên. Những người bán thẻ rút tiền hoặc sổ ngân hàng cũng là tội phạm vì vi phạm Luật phòng chống chuyển tiền có được từ các hành vi phạm pháp. 3. Bị bắt vì mua điện thoại di động do người khác ký hợp đồng Năm 2023, Cảnh sát tỉnh Saitama đã bắt giữ một người đàn ông Việt Nam 26 tuổi sống trong tỉnh vì nghi ngờ người này vi phạm Luật phòng chống sử dụng điện thoại di động bất chính vì anh ta đã mua điện thoại di động do người khác ký hợp đồng. Anh ta bị tình nghi là đã mua 4 chiếc điện thoại di động và 4 thẻ SIM do một phụ nữ nước ngoài ở độ tuổi 60 ký hợp đồng. Đồng phạm của người đàn ông này đã sử dụng mạng xã hội để tìm người bán điện thoại di động và người phụ nữ này đã đăng ký làm việc này. Sau đó, người phụ nữ này được yêu cầu đến một cửa hàng điện thoại di động, ký hợp đồng, mua một chiếc điện thoại di động và bán cho người đàn ông. Việc mua hoặc bán điện thoại di động có SIM là tội phạm. 4. Bị bắt vì nhận và vận chuyển tiền mặt Năm 2023, một người phụ nữ lớn tuổi ở tỉnh Saitama nhận được điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là con trai bà và nói rằng: “Hôm nay con phải gửi tiền cho đối tác kinh doanh nhưng con đã đánh mất túi xách có tiền của công ty trong đó. Mẹ hãy giúp con”. Sau đó, một người đàn ông đóng giả là cấp dưới của con trai bà đến gần nhà bà và bà đưa cho anh ta 1,3 triệu yên tiền mặt. Tuy nhiên, ngày hôm sau, bà lại nhận được một cuộc điện thoại nói: “Chúng con vẫn chưa có đủ tiền. Cấp dưới của con sẽ lại đến lấy tiền”. Bà thấy đáng nghi nên đã thử tự mình gọi điện cho con trai mình. Sau đó, bà nhận ra người gọi hôm qua không phải là con trai bà. Bà gọi cảnh sát và họ đã nấp sẵn để đợi “người đàn ông cấp dưới” đến lấy tiền. Một người đàn ông Việt Nam (28 tuổi) xuất hiện ở đó và bị bắt giữ. Người đàn ông này từng là thực tập sinh kỹ năng và đã bỏ trốn. Sau khi bỏ trốn, anh ta chỉ có thể tìm được công việc làm thêm ngắn hạn và đang gặp khó khăn về tiền bạc. Lúc đó, anh ta thấy một bài đăng trên mạng xã hội với nội dung “Có ai đang tìm việc không?”. Khi liên hệ với người đăng bài đó, anh ta được giới thiệu với một người Nhật đóng vai trò là người sai việc. Công việc được sai là nhận tiền mặt của người lớn tuổi, mang đến công viên và đưa cho một người Nhật. Người đàn ông Việt Nam này đã thực hiện nhiệm vụ này 4-5 lần trong khoảng hai tháng trước khi bị bắt. Với “công việc” cuối cùng, anh ta đã nhận được 30.000 yên. Người đàn ông này bị buộc tội âm mưu lừa đảo và bị kết án 3 năm tù giam và 4 năm tù treo. Loại lừa đảo này được gọi là “lừa đảo đặc biệt”. Vào năm 2022, số người nước ngoài bị cảnh sát bắt giữ vì liên quan đến lừa đảo đặc biệt là 145 người, cao nhất từ trước đến nay. Khoảng 58% trong số này đảm nhận vai trò nhận tiền mặt (Ukeko) và khoảng 20% đảm nhận vai trò rút tiền mặt từ máy ATM (Deshiko). 5. Bị bắt vì làm thêm “vận chuyển đồ để nhận 2 vạn yên” Năm 2022, một người đàn ông Việt Nam (25 tuổi), từng là thực tập sinh kỹ năng, đang mang theo một gói hàng theo yêu cầu của một người khác ở thành phố Osaka thì bị cảnh sát bao vây và bắt giữ vì vi phạm Luật ma túy đặc biệt. Bên trong gói hàng là MDMA, một loại ma túy tổng hợp. Người đàn ông này nhận được lời nhờ vả của một người đàn ông giống người Việt mà anh ta gặp ở khu trung tâm thành phố cách đây một tháng. “Kẹo được chuyển đến phòng của tôi, nhưng tôi không muốn gặp chủ nhà vì tôi đóng tiền thuê nhà và trả hóa đơn tiền điện gas muộn. Tôi muốn bạn lấy đồ của tôi và mang đến cho tôi”. Sau khi bỏ trốn khỏi chương trình thực tập kỹ năng, người đàn ông này không tìm được việc làm ổn định và đang gặp khó khăn về tiền bạc nên đã nhận “công việc” này với mức thù lao 20.000 yên. Anh ta đến căn hộ được chỉ định, nhận gói hàng từ người giao hàng, khi mở hộp ra thì thấy bên trong có hạt cà phê và một hộp sôcôla. Thấy vậy, anh ta thở phào nhẹ nhõm, cho đồ vào túi xách và khi rời khỏi căn hộ thì bị bắt ngay sau đó. Gói hàng được vận chuyển bằng đường hàng không từ Đức và trong quá trình kiểm tra hải quan, 985 viên MDMA (với giá cuối cùng khoảng 4,93 triệu yên) đã được tìm thấy trong túi hạt cà phê. Cảnh sát đang điều tra xem liệu bên trong có bị thay thế bằng thứ khác hay không và gói hàng sẽ được mang đi đâu. Người đàn ông bị kết án 1 năm 6 tháng tù giam, 3 năm tù treo. 6. Tổng kết Nếu bạn bán thẻ ngân hàng hoặc điện thoại di động của mình cho người khác, hoặc giúp ai đó mang hành lý với mục đích “kiếm tiền tiêu vặt”, thì bản thân điều đó đã là một tội phạm. Việc này cũng trở thành việc tiếp tay cho một tội phạm nào đó. Nếu bạn nhẹ dạ và nhận lời mời làm việc với suy nghĩ rằng “có thể kiếm tiền bằng một công việc đơn giản”, bạn có thể bị cảnh sát bắt giữ như một tội phạm, hoặc trong một số trường hợp, bạn có thể bị trục xuất về nước. Hãy cẩn thận với những “việc ngon” và “câu chuyện đáng ngờ” - có thể kiếm được rất nhiều tiền với một công việc dễ dàng! ① Mua bán tài khoản ngân hàng ・ Việc bán thẻ rút tiền hoặc sổ ngân hàng của bạn cho người khác là tội phạm (Vi phạm Luật phòng chống chuyển tiền có được từ các hành vi phạm pháp). Tài khoản đó sẽ được dùng để bắt nạn nhân bị lừa đảo chuyển tiền vào v.v. ・ Việc mở tài khoản của chính mình với mục đích cho người khác sử dụng cũng là tội phạm (lừa đảo). ② Rút tiền bằng tài khoản của mình Việc rút tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bạn và gửi vào tài khoản khác hoặc đưa cho người khác là tội phạm (Vi phạm Luật phòng chống chuyển tiền có được từ các hành vi phạm pháp). Số tiền đó là tiền liên quan đến lừa đảo và chuyển tiền bất hợp pháp. ③ Rút tiền mặt từ ngân hàng của người khác Việc rút tiền từ ATM bằng thẻ của người khác là tội phạm (trộm cắp). ④ Mua bán điện thoại di động Việc bán điện thoại di động cho người khác là tội phạm (Vi phạm Luật phòng chống sử dụng điện thoại di động bất chính). Điện thoại đó được sử dụng cho các tội phạm như lừa đảo v.v.. ⑤ Nhận tiền từ người lạ Việc nhận tiền từ người khác theo yêu cầu của ai đó là việc bạn đang tiếp tay cho một tội phạm (chẳng hạn như lừa đảo v.v.). ⑥ Nhận, giao, vận chuyển đồ, hành lý Việc nhận đồ, vận chuyển đồ, gửi đồ đi đâu đó cũng có nguy cơ cao trở thành tội phạm (lừa đảo, vi phạm Luật kiểm soát chất kích thích v.v.).
03/12/2023
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài