Du lịch - ăn uống | Tin mới nhất
Mùa hè ở Nhật có rất nhiều sự kiện như Tanabata (Thất tịch), kỳ nghỉ lễ Obon, lễ hội mùa hè, pháo hoa v.v. Khác với Việt Nam, Nhật Bản tổ chức lễ hội pháo hoa vào mùa hè. Đây là “lễ hội pháo hoa” làm bao người say mê bởi những bông pháo hoa to và đẹp nhuộm bầu trời đêm mùa hè. Khi người nước ngoài lần đầu xem pháo hoa của Nhật, họ sẽ bị ngạc nhiên bởi chất lượng và số lượng pháo được bắn lên bầu trời. Trong bài viết này, chúng mình sẽ giới thiệu cách thưởng thức lễ hội pháo hoa - điểm đặc trưng của mùa hè Nhật Bản cũng...
Mình đã đi thăm quan nhà máy sản xuất bia và bánh kẹo!
20/06/2023Những quán Takoyaki nổi tiếng ở phía nam Osaka
13/03/2023Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn các quán ăn Việt Nam ở Osaka – trung tâm kinh tế, văn hóa của phía Tây Nhật Bản. <Nội dung bài viết> 1.Khu vực phía Nam 2.Khu vực gần ga Honmachi 3.Khu vực phía Bắc 4.Khu vực Tennoji 5.Khu vực khác Khu vực phía Nam Khu vực phía Nam Thành phố Osaka có 2 khu vực sầm uất là khu vực “Bắc” và khu vực “Nam”. Khu vực xung quanh ga Osaka được gọi là khu vực “Bắc”, còn khu vực xung quanh ga Namba- Shinsaibashi – Yotsubashi dược gọi là khu vực “Nam”. Khu vực Dotonburi mà người Việt Nam yêu thích nằm giữa ga Namba và ga Shinsaibashi, thuộc khu vực “Nam”. Khu phố nào ở đây cũng mang đậm chất Osaka, được giới trẻ và khách du lịch Châu Á yêu thích. Quán ăn chúng tôi giới thiệu đầu tiên là quán Long Đình với nhiều món ăn 3 miền. Quán có không gian khá rộng rãi, được trang trí bằng đèn lồng mang đậm tính truyền thống của Việt Nam, rất thích hợp cho việc sống ảo và thưởng thức các buổi biểu diễn ghita. Hình ảnh từ Facebook của quán Long Đình Long Đình (Shinsaibashi) Địa chỉ 2-8-3 Nishishinsaibashi, Chuo-ku, Osaka-shi Điện thoại 06-6484-5658 Thời gian mở cửa 11:00~15:00、17:00~24:00 Ngày nghỉ định kì Không có Món ăn Phở bò 850 yên, bánh xèo 900 yên, bún chả Hà Nội 950 yên Cách đi Đi bộ 5 phút từ ga Namba Quán ăn được yêu thích với những món ăn chuẩn vị Sài Gòn và giá cả phải chăng mang tên Gia Đình. Quán có thiết kế thêm cả phòng hát karaoke nữa đấy. Bạn có thể thưởng thức bò né, bún bò, bánh xèo v.v. tại đây. Hình ảnh từ Facebook của quán Gia đình Gia đình Địa chỉ 2-7-22 Nishishinsaibashi, Chuo-ku, Osaka-shi Điện thoại 06-4708-4284 Thời gian mở cửa 11:00~24:00 Ngày nghỉ định kì Không có Cách đi Đi bộ khoảng 280m từ ga Osaka Namba Quán Bánh Mì Saigon có chủ quán là người Sài Gòn. Ngoài bánh mì, ở đây có cả bún bò huế, phở, bánh cuốn v.v. Đặc biệt, quán có món hủ tiếu nam vang rất ngon. Bánh Mì Saigon (Namba) Địa chỉ 2-8-80-2F Nambanaka, Naniwa-ku, Osaka-shi Điện thoại 080-1458-6907 Thời gian mở cửa 11:00~17:00 (Chủ nhật và ngày lễ mở đến 16:00) Ngày nghỉ định kì Thứ 7 Món ăn Bánh mì pate giò 400 yên, bánh mì thịt xay 400 yên, bánh mì thịt nướng 400 yên Cách đi Đi bộ khoảng 300m từ ga Nankai Namba Gần khu vực ga Yotsubashi có quán Chảo lửa với bún bò huế, bún chả ngon, Các món ăn ở đây đều ngon, hơn nữa, nhìn từ ngoài vào quán cũng rất sang chảnh. Hình ảnh từ Instagram của quán Chảo lửa Chảo lửa Địa chỉ 1-14-1 Minamihorie, Nishi-ku, Osaka-shi Điện thoại 06-6537-6789 Thời gian mở cửa 11:30~23:00 Ngày nghỉ định kì Không có định Món ăn Giò 550 yên, bánh xèo 1,700 yên, bún chả 1,180 yên, chả cá 1,700 Cách đi Đi bộ khoảng 300m từ ga Yotsubashi Khu vực gần ga Honmachi Từ ga Namba, đi qua Shinsaibashi rồi đi chếch lên phía bắc sẽ đến ga Honmachi, bước vào khu phố của các văn phòng kinh doanh. Ở khu vực này có quán Tram’s Kitchen với các món ăn miền Nam, món ăn ở đây là đặc sắc là bánh hỏi thịt nướng và cà ri vịt chấm bánh mì. ※Hình ảnh từ trang chủ của Tram’s kitchen Tram’s Kitchen Địa chỉ 4-8-7 Honmachi, Chuo-ku, Osaka-shi Điện thoại 06-6121-2855 Thời gian mở cửa 17:30~23:00 Ngày nghỉ định kì Không có Món ăn (bao gồm thuế) Gỏi cuốn (2 chiếc) 550 yên, chả giò (4 chiếc) 750 yên, cà ri vịt 590 yên Cách đi Đi bộ khoảng 220m từ ga Honmachi Tiếp theo, món bún chả của quán Nón Lá với nước chấm nóng thơm ngon đến mức khiến bạn chảy nước miếng. Hình ảnh từ trang chủ của quán Nón lá Nón lá Địa chỉ 3-3-15-B1 Bingomachi, Chuo-ku, Osaka-shi Điện thoại 06-6210-4327 Thời gian mở cửa 11:00~23:00 Ngày nghỉ định kì Không có Món ăn (bao gồm thuế) Phở bò 800 yên, bún chả 880 yên, bánh xèo 1,290 yên Cách đi Đi bộ khoảng 230m từ ga Honmachi Khu vực phía Bắc Khu vực phía “Bắc” xung quanh ga Osaka – Umeda là khu vực sầm uất nhất ở Osaka với nhiều tòa nhà cao tầng, các cửa hàng thời trang cao cấp, khu bách hóa tổng hợp và khu trung tâm thương mại. Quán Bia hơi ở khu vực này được các bạn người Việt đánh giá là “đặc biệt ngon”. Ngoài những món như ếch xào lăn, hủ tiếu, cơm gà thì những món đậm hương vị Bắc bộ như chả cá Lã Vọng, lẩu riêu cua bò v.v. cũng để lại dấu ấn sâu sắc gợi nhớ hương vị quê nhà. Ngoài ra, rời khỏi khu vực phía Bắc, từ quán Chào Sài Gòn ở gần ga Higobashi, bạn có thể nhìn thấy cảnh đêm tuyệt đẹp của Osaka. Thực đơn ở đây rất đa dạng, cách trình bày cũng rất đẹp mắt. Bên trong quán Bia hơi Bia hơi Địa chỉ 2-15-B1 Kakudacho, Kita-ku, Osaka-shi Điện thoại 06-6292-2345 Thời gian mở cửa 11:30~21:00 Ngày nghỉ định kì Không có Món ăn (bao gồm thuế) Bánh xèo 1,650 yên, bún chả 1,170 yên, bún bò Huế 1,050 yên Cách đi Đi bộ khoảng 270m từ ga Hankyu - Osaka Umeda Chào Sài Gòn (Higobashi) Địa chỉ Khách sạn Apa 30F 1-2-1 Tosabori, Nishi-ku, Osaka-shi Điện thoại 06-6447-2155 Thời gian mở cửa 11:30~14:30、17:00~23:00 Ngày nghỉ định kì Thứ 2 Món ăn (bao gồm thuế) Gỏi cuốn 600 yên, bánh xèo 1,190 yên, rau muống xào thịt bò 840 yên Cách đi Đi bộ khoảng 150m từ ga Higobashi Khu vực Tennoji Từ khu vực phía Nam đi lên hướng nam một chút là tới khu vực Tennoji có tòa tháp “Tsutenkaku” – biểu tượng của thành phố Osaka. Rời khỏi khu vực này, đi gần về phía ga Teradacho có Quán Ông Nhật với các món đặc biệt và hiếm thấy như bún thịt nướng, vịt quay, bánh tráng nướng. Ngoài ra, khu vực gần ga Tennoji có bánh mì của quán Bánh mì Việt Nam, pate ở đây cũng được đánh giá cao. Hình ảnh từ Facebook của quán Bánh mì Việt Nam Quán Ông Nhật Địa chỉ 2-2-1 Ikunonishi, Ikuno-ku, Osaka-shi Điện thoại 090-9163-6979 Thời gian mở cửa 11:00~23:00 Ngày nghỉ định kì Không có Món ăn Bún chả 890 yên, bánh xèo 990 yên, bún bò Huế 850 yên Cách đi Đi bộ khoảng 180m từ ga Teradacho Bánh Mì Việt Nam Địa chỉ 3-2-9 Ebisuhigashi, Naniwa-ku, Osaka-shi Điện thoại 080-9287-2492 Thời gian mở cửa 10:00~22:00 Ngày nghỉ định kì Thứ 3 Món ăn (bao gồm thuế) Bánh mì pate thịt gà 550 yên, bánh mì pate xá xíu 590 yên Cách đi Đi bộ khoảng 300m từ ga Shinimamiya Khu vực khác Hình ảnh từ trang chủ của Full house Chúng tôi sẽ giới thiệu cả các quán ăn ở các khu vực khác của thành phố Osaka. Ga Miyakojima Gần ga Miyakojima có quán Phở Việt rất ngon. Ngoài món phở trứ danh thì quán cũng có những món lạ và hiếm như lẩu ếch lá giang, dê xào sả ớt v.v. Phở Việt Địa chỉ 3-28-13 Miyakojimahondori, Miyakojima-ku, Osaka-shi Điện thoại 06-6180-6298 Thời gian mở cửa [Thứ 3~ thứ 6]11:00~14:00, 17:00~23:00[thứ 7 - chủ nhật]11:00~23:00 Ngày nghỉ định kì Thứ 2 Món ăn Bánh xèo 1,200 yên, phở bò 4 loại 950 yên, bún bò Huế 780 yên Cách đi Đi bộ khoảng 380m từ ga Miyakojima Ga Hanazonocho Gần ga Hanazonocho và ga Haginochaya có quán Cây lúa với món bún măng vịt, bún bò đậm chất miền Nam do chủ quán người Đà Lạt chế biến. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn ốc sườn sụn, bánh đa cua Hải Phòng tại đây. Cây lúa Địa chỉ 1-1-9 Bainan, Nishinari-ku, Osaka-shi Điện thoại 050-5539-1741 Thời gian mở cửa 11:00~22:00 Ngày nghỉ định kì Chủ nhật Món ăn Phở gà 780 yên, bánh xèo 1,050 yên, bún chả 980 yên Cách đi Đi bộ khoảng 130m từ ga Hanazonocho Ga Imazato Khu vực gần ga Imazato có nhiều người Việt sinh sống nên cũng có vài quán ăn Việt Nam được mở ra. Trong đó có quán Full house nổi tiếng với món bún bò, bún thịt nướng thơm ngon. Full House Địa chỉ 2-13-35 Oimazato minami, Higashinari-ku, Osaka-shi Điện thoại 090-4902-3979 Thời gian mở cửa 10:00~22:00 Ngày nghỉ định kì Thứ 2 Món ăn Bánh mì 450~550 yên Cách đi Đi bộ khoảng 330m từ ga Imazato Trong bài viết này chúng tôi đã giới thiệu 13 quán ăn Việt Nam trong thành phố Osaka. Osaka còn rất nhiều quán ăn Việt Nam thơm ngon khác, các bạn hãy chờ đón ở bài viết tiếp theo nhé.
07/04/2021
Fukuoka – khu vực phồn vinh từ xa xưa, là nơi giao lưu với nước ngoài và ngày nay vẫn giữ trọng trách là cửa ngõ của khu vực châu Á. Nơi đây cởi mở, dễ dàng tiếp nhận con người và mọi vật từ bên ngoài. Cho đến tháng 6 năm 2020, số người Việt sống tại khu vực Kyushu đã vượt trên 40,000 người, trong đó có 18,000 người đang sống ở tỉnh Fukuoka. Tại Fukuoka có Tổng Lãnh sự quán, sân bay Fukuoka có nhiều chuyến bay bay thẳng Fukuoka – Việt Nam. So với khu vực thủ đô Tokyo và vùng phụ cận, khu vực Kansai thì nơi đây không có nhiều quán ăn Việt Nam bằng, nhưng trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số quán ăn trong thành phố Fukuoka. (Do ảnh hưởng của COVID-19, thời gian mở cửa, ngày nghỉ định kì của các quán có thể sẽ có sự thay đổi)【Akiba Ako】 <Nội dung bài viết> 1.Minami Jujisei 2.Sài Gòn 3.Miss Saigon 4.Xin chào (Ropponmatsu) 5.Việt Bar Ăn Đi 6.Asian Marche Minami Jujisei Đây là một quán ăn lâu đời đã mở cửa được 40 năm. Chủ quán là người Nhật Bản trước đây từng sống ở Sài Gòn, sau đó về Nhật Bản cùng vợ người Việt và các con rồi mở quán này. Hiện nay con trai của ông chủ quán đang kinh doanh quán Xin chào (sẽ được nói ở dưới). Các món ăn được yêu thích của quán là chả giò (nem rán), gỏi cuốn, cua rang muối v.v. Bạn cũng có thể gọi phở hoặc cháo, bia và các món đi kèm. Cơm, món chính và xúp là sự kết hợp sẽ khiến bạn hài lòng. Minami Jujisei Địa chỉ 4-12-27 Hatakaekiminami, Hakata-ku, Fukuoka-shi Điện thoại 092-474-6932 Thời gian mở cửa 17:00~22:00 Ngày nghỉ định kì Thứ 2 Món ăn Chả giò 650 yên, phở bò 700 yên, cua rang muối 1,800 yên Cách đi Đi bộ khoảng 1,03m từ ga Higashihie Sài Gòn Bước vào quán, bạn sẽ nhận ra hương vị Việt Nam vì ở đây bày bán các loại bánh kẹo, bún phở khô, thực phẩm đóng lon, đóng chai v.v. và thực đơn ở đây cũng rất phong phú. Tôi nhận ra rằng trong các quán được kể ra lần này có lẽ chỉ có quán ăn này là có nhân viên phục vụ mặc áo dài. Ở đây món ăn nào cũng thơm ngon khiến ta liên tưởng tới những món ở Việt Nam. Các món tráng miệng cũng rất đa dạng. Có nhiều khách người Việt thường tới đây nên đây chính là minh chứng cho việc hương vị của món ăn rất Việt Nam. Sài Gòn Địa chỉ 3-6-24 Tenjin, Chuo-ku, Fukuoka-shi Điện thoại 092-721-1284 Thời gian mở cửa 17:00~24:00 Ngày nghỉ định kì Không có Món ăn Chả giò 700 yên, phở bò 700 yên, bánh xèo 700 yên Cách đi Đi bộ khoảng 380m từ ga Tenjin Miss Saigon Gần đây, quán Miss Saigon đã chuyển về khu chợ Yoshizuka – nơi tập trung nhiều quán ăn của các nước châu Á. Bạn sẽ thấy các món ăn rất đa dạng, từ các suất ăn trưa với giá cả phải chăng đến các món nhắm rượu. Hương vị ở đây cũng rất thơm ngon. Miss Saigon Địa chỉ 1-18-5 Yoshizuka, Hakata-ku, Fukuoka-shi Điện thoại 092-621-5077 Thời gian mở cửa 8:00~15:00、17:00~22:00 Ngày nghỉ định kì Thứ 3 (đầu tiên và thứ ba của tháng) Món ăn Rau muống xào tỏi 600 yên, gà xào sả 600 yên Cách đi Đi bộ khoảng 440m từ ga Yoshizuka Xin chào (Ropponmatsu) Đây là quán ăn được mở ra bởi con trai của ông chủ quán Minami Jujisei đã giới thiệu ở trên. Quán ăn chỉ có 7 chỗ ngồi tại quầy, sát với khu vực bếp nên ở đây rất ấm cúng, thực khách có thể nói chuyện với người khách bên cạnh. Năm 2019, quán Xin Chào ở Hoshikuma cũng đã được khai trương. Xin Chào (Ropponmatsu) Địa chỉ 2-3-17 Ropponmatsu, Chuo-ku, Fukuoka-shi Điện thoại 050-5486-7987 Thời gian mở cửa 11:00~14:00、18:00~23:00 Ngày nghỉ định kì Thứ 5 Món ăn Chả giò 800 yên, phở gà 800 yên, cơm chiên Sài Gòn 600 yên Cách đi Đi bộ khoảng 170m từ ga Ropponmatsu Việt Bar Ăn Đi Bạn có thể gọi món đơn lẻ, gọi theo suất định sẵn ăn tại quán hoặc mua mang về, mua qua Uber eats. Tại đây, bạn được thưởng thức món Việt tại các miền, từ bún chả miền Bắc đến bánh xèo của miền Nam. Bạn cũng có thể gọi lẩu nhưng cần đặt trước. Những chiếc đèn lồng, những bức tranh cổ động trên tường là điểm nhấn của quán này. Việt Bar Ăn Đi Địa chỉ 2-1-17 Daimyo, Chuo-ku, Fukuoka-shi Điện thoại 050-5595-8868 Thời gian mở cửa 11:30~15:00、17:30~22:30 Ngày nghỉ định kì Không có Món ăn (bao gồm thuế) Gỏi cuốn (1 chiếc) 280 yên, bánh xèo 860 yên, phở gà 830 yên Cách đi Đi bộ khoảng 350m từ ga Akasaka Asian Marche Đây không phải là quán ăn Việt Nam, đây là cửa hàng bán rau quả kiêm phục vụ cả các món ăn của các khu vực Đông Nam Á, trong đó có bánh mì Việt Nam với nhiều rau thơm. Bạn nên gọi trước khi đến vì có ngày cửa hàng không làm bánh mì. Bạn sẽ thấy rau được bán ngay cửa vào, còn bên trong thì bán tạp hóa và các thực phẩm của nhiều nước. Các loại rau và rau thơm được bày trong không gian hẹp bên trong cửa hàng nhỏ bé. Cửa hàng có chỗ ngồi tại quầy đối diện với bếp nên bạn sẽ được đầu bếp hướng dẫn tận tình về các món ăn, cách ăn. Asian Marche Địa chỉ 1-22-20 Takasago, Chuo-ku, Fukuoka-shi Điện thoại 090-6771-1427 Thời gian mở cửa 11:00~16:00 Ngày nghỉ định kì Chủ nhật, ngày 5 hàng tháng Món ăn Bánh xèo 980 yên, bánh mì 950 yên ※kèm salad, xúp Cách đi Đi bộ khoảng 320m từ ga Yakuin Trong khi tôi viết bài này thì cũng đã có thêm một số quán ăn khác khai trương. Chẳng hạn như là “Bánh mì Green” (khu Hakozaki), quán cà phê Việt có tên “Vina House Fukudaimae”. Tôi mong được thưởng thức các món ăn Việt Nam tại đây.
07/04/2021
“Bánh mì”, món ăn nhanh của Việt Nam làm từ những chiếc bánh mì thơm phức nhân thịt kẹp thêm các loại rau thơm. Những chiếc bánh mì vừa đầy đặn vừa ngon lành không chỉ hấp dẫn đối với người Việt mà ngày nay đã làm ngây ngất biết bao người Nhật, bất kể già trẻ gái trai. Thời gian gần đây, số lượng các cửa hiệu chuyên bán bánh mì gia tăng rất nhanh, mỗi nơi lại có hương vị và dịch vụ đặc trưng riêng. Trong bài viết lần này, chúng tôi xin giới thiệu 6 cửa hiệu bánh mì ở Tokyo do 10 thành viên yêu thích bánh mì trong ban biên tập KOKORO tuyển chọn! 1. EBISU BÁNH MÌ BAKERY Trái: Bánh mì Sài Gòn, món được ưa chuộng nhất (780 yên), *cỡ nhỏ 550 yênPhải: Ngay cả khi đã qua giờ cao điểm quán vẫn không ngớt khách Cửa hàng được hơn nửa số thành viên trong ban biên tập bình chọn danh hiệu “cửa hiệu ngon nhất” là EBISU BÁNH MÌ BAKERY ở Ebisu. Ngày ban biên tập đến lấy tin, dù đã quá giờ ăn trưa nhưng vẫn không ngớt khách, cả người Nhật lẫn người Việt. Bánh mì ở đây do quán tự làm, vỏ ngoài thì giòn còn ruột thì mềm xốp, được khen ngợi là “chuẩn vị bánh mì Việt Nam". Một điểm vô cùng hấp dẫn nữa là món pa-tê đặc biệt của quán được phết thật đầy đặn nhưng hoàn toàn không bị ngán. Món được ưa chuộng nhất của quán là “Bánh mì Sài Gòn"! EBISU BÁNH MÌ BAKERY Địa chỉ Tokyo-to, Shibuya-ku, Ebisu 1-8-14, trong Ebisu Store Điện thoại 03-6319-5390 Giờ mở cửa 11:00~20:30 (gọi món lần cuối vào 20:00 giờ) Nghỉ định kỳ Không (Ngày nghỉ đột xuất sẽ được thông báo trên blog) Thực đơn Bánh mì Sài gòn 780 yên, Bánh mì thịt heo 680 yên... Cách đi đến Cách ga JR Ebisu khoảng 170 mét 2. Bánh Mì Xin Chào Bánh mì chả (cỡ nhỏ) 380 yên, * cỡ vừa 560 yên Cửa hiệu được đánh giá cao ngang ngửa với Ebisu Bánh Mì Bakery và được nhiều thành viên trong ban biên tập lựa chọn là Bánh Mì Xin Chào ở Takadanobaba. Cửa hiệu này do hai anh em cựu du học sinh người Việt mở, đến nay đã có thêm các cửa hàng cùng chuỗi thương hiệu ở Asakusa, Kobe v.v… và nghe nói trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở thêm cả ở Sapporo. Ngoài món chả Việt Nam do cửa hiệu tự chế biến, các món pa-tê và dưa góp ở đây cũng có hương vị đặc trưng riêng. Với phương châm “cung cấp bánh mì chuẩn vị với mức giá phải chăng" của hai anh em chủ quán, tại đây có cả bánh mì cỡ nhỏ với giá dưới 500 yên. Bánh Mì Xin Chào Địa chỉ Tokyo-to, Shinjuku-ku, Takadanobaba 4-13-9 Sasao biru, tầng 1 Điện thoại 03-6279-1588 Giờ mở cửa 10:00~21:00 Nghỉ định kỳ Không Thực đơn Bánh mì chả, Bánh mì thịt heo nướng… giá 560 yên (cỡ nhỏ 380 yên) Cách đi đến Cách ga JR Takadanobaba khoảng 350 mét 3. Bánh Mì Ngon Ngon Bánh mì đặc biệt được mọi người ưa chuộng nhất (720 yên). Nguyên liệu làm nhân bánh phong phú đến bất ngờ. Có lẽ là do quanh khu Takadanobaba có nhiều trường tiếng Nhật nên rất dễ gặp các du học sinh người Việt ở đó. Tại đây có rất nhiều cửa hàng thực phẩm Việt Nam hướng đến các khách hàng này và cũng tương tự như vậy, số cửa hàng bánh mì ở đây nhiều hơn hẳn nơi khác. Trong số đó, Bánh Mì Ngon Ngon được coi là một đại diện cho các cửa hàng chuyên bánh mì ở Takadanobaba. Tất cả các loại bánh mì của cửa hiệu này đều có lượng nhân đầy đặn như chực trào ra. Món bánh mì mà chúng tôi ăn hôm đi lấy tư liệu viết bài quả thực xứng đáng với cái tên “bánh mì đặc biệt". Nhân thịt xá xíu, trứng chiên, các loại dưa góp đủ màu và cả rau mùi được kẹp đầy ắp trong chiếc bánh. Khi ăn, chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng vì từng miếng từng miếng đều cảm nhận được sự phong phú và độ ngon lành của các loại nhân. Có thể nói bánh mì rất có lợi thế vì dễ dàng mang về được (nhất là trong thời gian này), nhưng không gian trong cửa hiệu cũng rất thư giãn. Bánh Mì Ngon Ngon Địa chỉ Tokyo-to, Shinjuku-ku, Takadanobaba 4-17-15 Điện thoại 03-6279-3083 Giờ mở cửa 11:00~22:00 Nghỉ định kỳ Không Thực đơn Bánh mì thịt gà nướng 570 yên, Bún bò Huế 900 yên. Cách đi đến Cách ga JR Takadanobaba khoảng 350 mét 4. Bánh Mì ☆ Sandwich Bánh mì thịt bò nướng (600 yên). Nhân thịt bò đầy ắp! Mặc dù chủ là người Nhật, nhưng cửa hàng nổi tiếng về chất lượng và được nhiều người Việt đánh giá là “bánh mì chuẩn vị Việt Nam”. Bánh mì ở đây do quán tự làm, giòn và xốp. Trong các loại nhân, ngoài món xá xíu được rất nhiều người ưa thích, món bánh mì thịt bò nướng sả có độ đầy đặn khiến thực khách nam cũng cảm thấy hài lòng. Cửa hàng được nhiều người ưa chuộng đến mức khách xếp hàng trước cả khi mở cửa nhưng chỗ ngồi ăn lại giới hạn nên các bạn hãy lưu ý nhé! Bánh Mì ☆ Sandwich Địa chỉ Tokyo-to, Shinjuku-ku, Takadanobaba 4-9-18 Tầng 1 Điện thoại 03-5937-4547 Giờ mở cửa 【Ngày thường trong tuần】 11:00~19:00 【Thứ Bảy】 11:00~18:00 ※ Bán đến khi hết hàng Nghỉ định kỳ Chủ Nhật, thứ Hai Thực đơn Thịt nguội và pa-tê 550 yên, Tôm và trái bơ 550 yên ※ Cả hai loại đều là bánh mì Cách đi đến Cách ga Takadanobaba khoảng 90 mét 5. Stand Bánh Mì Quán Stand Bánh Mì nằm ở gần ga Gakugei-Daigaku mà các bạn trẻ thường hay tụ tập. Bánh mì ở đây không có vị hoàn toàn giống như bánh mì truyền thống kiểu Việt Nam nhưng chúng tôi cho rằng hương vị mới mẻ này nhất định sẽ khiến các bạn cảm thấy thích thú. Điểm độc đáo của quán là món bánh mì tự làm từ men tự nhiên. Ngoài bánh mì, quán còn có cả đồ ăn Việt Nam nhưng đa số các món này cũng có hương vị mới lạ được kết hợp giữa phong vị Việt Nam và nhiều nơi khác. Cách bày biện món ăn ở đây cũng đẹp mắt, chỉ ngắm thôi cũng đã cảm thấy thích thú. Đồ uống của quán cũng rất phong phú. Tuy nhiên, so với các quán chuyên bánh mì khác thì giá cả ở đây đắt hơn một chút. Stand Bánh Mì Địa chỉ Tokyo-to, Meguro-ku, Takaban 2-16-23 M&K Takaban Tầng 1 Điện thoại 03-6451-0827 Giờ mở cửa 11:00~14:30 / 18:00〜22:00(gọi món lần cuối vào 21:00 giờ) Nghỉ định kỳ Thứ Ba hằng tuần, thứ Tư tuần thứ nhất và thứ 3 Thực đơn Bánh mì nguyên bản 880 yên, Cơm gà thịt vịt (Cỡ vừa)950 yên, Phở gà Daisen từ sợi phở “tươi" 880 yên Cách đi đến Cách ga Gakugeidaigaku trên tuyến Tokyu Toyoko khoảng 200m 6. CYCLO Bánh mì (quán Ebisu) Bánh mì gà kho sả + nhiều rau mùi (600 yên). Nhân nhiều đến trào ra khỏi bánh! CYCLO Bánh Mì nằm trong EBISU FOOD HALL, có chỗ ngồi ăn rộng rãi nên có thể thưởng thức bánh mì cùng với đồ ăn và bia rượu của các quán khác. Bánh mì của cửa hiệu này cũng có hương vị hơi khác so với vị bánh mì truyền thống của Việt Nam nhưng ở đây lại có điểm khác biệt là nhân bánh được nhồi đầy ắp, khiến ta cảm thấy đáng tiền. Ngoài ra, một điểm hấp dẫn khác của quán là “thêm rau mùi miễn phí". Trong các cửa hàng chuyên bánh mì, quán này khá tân tiến trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài ra, việc gọi món đơn giản hẳn cũng khiến khách hàng hài lòng. CYCLO Bánh Mì (Quán Ebisu) Địa chỉ Tokyo-to, Shibuya-ku, Ebisuminami 1-1-9 Tầng 1 Điện thoại 03-5773-5959 Giờ mở cửa 11:00~22:00 Nghỉ định kỳ Cuối năm và đầu năm mới Thực đơn Gà kho sả(Bánh mì)600 yên, Bánh mì Cảm ơn 700 yên Cách đi đến Cách ga JR Ebisu khoảng 50m * Để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19, một số cửa hàng có thể chỉ bán mang về hoặc thay đổi thời gian mở cửa v.v...
15/04/2021
Giữa tình hình dịch bệnh do vi-rút corona chủng mới bùng phát thì gần đây, một loại hình dịch vụ lại đang thu hút được nhiều sự chú ý. Ship đồ ăn đến tận nhà, từ trước đến nay tiếng Nhật vẫn gọi là “demae" hay “takuhai", nhưng thời gian gần đây, do Internet và điện thoại thông minh trở nên phổ biến nên dịch vụ này trở nên dễ sử dụng hơn rất nhiều. Hiện nay, tại Nhật Bản thì dịch vụ “Demae-can" và “Uber Eats" là nổi tiếng nhất. Mặc dù cả hai dịch vụ này có điểm chung là khách hàng có thể lựa chọn thực đơn của rất nhiều cửa hàng khác nhau, nhưng mỗi dịch vụ lại có hệ thống và đặc trưng hoàn toàn khác biệt. Sau đây, tôi xin được giới thiệu với các bạn về những điểm đáng chú ý cũng như cảm nhận thực tế khi sử dụng hai dịch vụ này. Thời gian gần đây, ta rất dễ bắt gặp các nhân viên đưa hàng của Uber Eats Demae-can: “Lão làng” Demae-can chính thức bắt đầu cung cấp dịch vụ ship đồ ăn từ năm 2000. Trước đây, nói đến “demae" thì mọi người sẽ hình dung đó là kiểu kinh doanh dùng tờ rơi và tạp chí để quảng cáo, và nhân viên quán sẽ tự đi giao hàng bằng xe đạp, xe máy hoặc ô tô. Tuy nhiên, Demae-can lại nhận uỷ thác từ các cửa hàng ăn uống, đứng ra làm đầu mối thay mặt các cửa hàng thực hiện việc tiếp nhận, thu thập đơn đặt hàng, giao hàng, giải quyết khiếu nại qua Internet, và xây dựng nên một hệ thống rất mới lạ vào thời điểm đó. Gần đây, ngoài việc hợp tác với các công ty như NTT Docomo hay LINE để mở rộng mạng lưới, công ty còn bắt tay với các toà báo có mạng lưới nhân viên giao báo trên khắp cả nước để tăng số lượng nhân viên giao hàng. Uber Eats: Số lượng đơn hàng, cửa hiệu và nhân viên giao hàng cùng tăng vọt! Uber Eats đã triển khai dịch vụ ở khắp các nước trên thế giới. Đối với thị trường Nhật Bản, năm 2016, công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Tokyo. Đặc trưng riêng độc đáo của dịch vụ này là “nhân viên giao hàng chính là người dân”. Các cửa hàng ăn uống sẽ không cần nhân viên giao hàng nữa. Và không chỉ ship các món như sushi hay pizza, Uber Eats có thể giao cho khách rất nhiều thực đơn với các dạng đồ ăn phong phú. Chỉ cần đặt hàng từ ứng dụng điện thoại hoặc máy tính, cửa hàng và shipper sẽ được kết nối với nhau. Đây là cơ chế giúp đưa được đồ ăn đến tay khách hàng với hiệu quả rất cao. Cách làm này cũng giống như các dịch vụ ship đồ ăn đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam như các Grab hay Go-Jek. Nhận xét sau khi dùng thử dịch vụ Tôi đã thử dùng hai dịch vụ này để gọi đồ ăn. Mặc dù cùng thao tác trên trang web nên việc tải ứng dụng hay nhập thông tin cho cảm giác tương tự nhau, nhưng tôi cũng đồng thời nhận thấy khá nhiều điểm khác biệt. Điểm mạnh của Demae-can ・Quy mô trên toàn quốc! Quả thực xứng danh là dịch vụ “lão làng", Demae-can cung ứng dịch vụ trên khắp cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, phạm vi giao hàng của Demae-can rộng hơn hẳn so với Uber Eats. ・Tạo cảm giác an tâm Thời gian chờ giao hàng được ghi rõ ràng, và đồ ăn trên thực tế được giao đúng hẹn. ・Chỉ thu thêm phí giao hàng Đôi khi cũng có cửa hiệu miễn luôn cả phí giao hàng. * Trong khi đó, Uber Eats thì thu thêm cả phí giao dịch, phí dịch vụ. ・Có thể thanh toán cả bằng tiền mặt Ví dụ một thực đơn của Demae-can Điểm mạnh của Uber Eats ・Giao hàng nhanh chóng! Có lẽ là nhờ hệ thống ghép quán và người giao hàng đã nêu ở trên chăng? ・Có thể xem được người giao hàng đang đi tới đâu Nhờ tính năng GPS, khách hàng có thể yên tâm vì biết được chính xác shipper đang đi tới đâu. ・Có thể đặt hàng dù chỉ một món Nhiều dịch vụ ship đồ ăn khác thường quy định số tiền đặt hàng hay số suất ăn tối thiểu, nhưng với Uber Eats, bạn có thể đặt duy nhất một món cũng được. * Tuy nhiên, thay vào đó, với các đơn hàng có giá trị dưới 700 Yên, khách sẽ bị thu thêm 150 yên tiền phí giao dịch. ・Người giao hàng rất lịch sự! Đây là một trong những điều khiến tác giả bài viết rất ấn tượng. Trước khi đặt hàng, tôi đã lo lắng vì nghe nói rằng “Mọi người mặc trang phục tự do, cũng chả biết shipper là người như thế nào”, nhưng cuối cùng người giao hàng lại cư xử hết sức đúng mực. → Sau khi nhận hàng xong, tôi mới hiểu lý do. Uber Eats có tính năng “đánh giá người giao hàng” ngay trong ứng dụng. Đây là tính năng nhằm cải thiện tác phong, thái độ của người giao hàng. ・Có thể đặt mua cả bữa ăn trưa tại một quán cà phê nhỏ ở địa phương Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của Uber Eats. Trong hoàn cảnh bệnh dịch vi-rút corona như hiện nay, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người mua hàng mà còn là cứu cánh đắc lực cho các quán ăn nữa. ・Có thể thanh toán cả bằng tiền mặt. Uber Eats quả thực có nhiều ưu điểm, nhưng… ・Hơi đắt và có gì đó không hoàn toàn an tâm? Uber Eats quả thực có rất nhiều điểm mạnh, nhưng cảm nhận thành thật của tác giả bài viết là “Hơi đắt thì phải…”. Ngoài phí vận chuyển, người mua còn bị thu thêm phí thủ tục và 10% phí dịch vụ. Hơn nữa, trong trường hợp của tôi thì không có trục trặc gì xảy ra, nhưng tôi có cảm giác rằng nếu phát sinh vấn đề gì đó trong việc đặt hàng, thì dù có gọi điện thoại đến quán cũng khó mà giải quyết được. Vì dịch vụ này còn mới nên tôi hi vọng sẽ có thêm các cải tiến sau này. Một số cửa hàng chấp nhận đặt đồ bằng cả hai dịch vụ Kết luận Ngoài hai dịch vụ đã nêu ở trên, dịch vụ giao hàng của các cửa hàng, quán ăn khác, ví dụ như “McDelivery" của McDonald’s, cũng đang có nhiều cải tiến. Trong hoàn cảnh phải hạn chế ra ngoài như hiện nay, các bạn hãy thử sử dụng dịch vụ ship đồ ăn một cách “tài tình” để được thưởng thức những món ăn thật ngon miệng nhé!
22/05/2020
Tại quốc gia có cường độ làm việc cao như Nhật Bản thì những ngày cuối tuần là thời gian để người lao động xả stress (làm mới cuộc sống). Đây cũng là thời gian quan trọng để họ có thể nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình – những người mà ngày thường không thể thong thả ở cùng nhau, bằng cách cuối tuần cùng nhau ra ngoài chơi. Cụ thể hơn thì cuối tuần họ làm gì nhỉ? Qua cái nhìn của một người Việt Nam, chúng ta cùng xem người Nhật hưởng thụ ngày cuối tuần ra sao nhé. 【Thạch Long】 Tối thứ sáu với nhiều buổi nhậu Xã hội đương đại Nhật Bản, kể từ thời Minh Trị (1868~1912) và đặc biệt là vào giai đoạn kinh tế Nhật Bản tăng trưởng vượt bậc (từ năm 1955-1973) tới năm 1980, người dân vẫn đi học và đi làm nửa ngày thứ Bảy chứ không được nghỉ cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật như hiện nay. Tháng 1/1989, Chính phủ ra quy định cho phép cán bộ công nhân viên chức nhà nước được nghỉ ngày thứ Bảy của tuần thứ 2 và tuần thứ 4 và bắt đầu từ ngày 1/5/1992 trở đi mới được nghỉ hoàn toàn 2 ngày cuối tuần. Thêm vào đó, việc thay đổi ngày nghỉ cuối tuần cũng khiến cho suy nghĩ của người Nhật về “ngày cuối tuần” cũng thay đổi theo. Hiện nay thì việc “nghỉ thứ bảy chủ nhật” là việc bình thường. Từ khi được nghỉ hoàn toàn 2 ngày vào cuối tuần, không phải đi làm đi học nửa ngày thứ Bảy như trước nữa thì tối thứ Sáu trở thành buổi tối tưng bừng nhất trong tuần vì “Ngày mai là ngày nghỉ”. Trước khi Covid-19 bùng nổ, tất cả các quán nhậu, quán ăn đều đông nghịt vào tối thứ Sáu và thành phần tham dự đa phần là các nhân viên công sở. Họ vẫn mặc nguyên trang phục công sở và “cháy” hết mình. Tại các nhà ga lớn, nếu bạn nhìn thấy những người đàn ông bước đi xiêu vẹo vì say rượu mà vẫn nghiêm trang trong bộ vest chỉnh chu, đó chắc chắn là tối thứ Sáu. Sau khi đại dịch qua đi, cảnh tượng này chắc sẽ lại trở trên những góc phố trung tâm ở Nhật Bản. Cách trải qua thứ bảy, chủ nhật Theo một khảo sát của Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (năm 2014, có thể chọn nhiều đáp án) về cách nghỉ ngơi cuối tuần thì những lựa chọn như “Không làm gì cả chỉ ngủ”, hoặc “Nghe đài hoặc xem vô tuyến”, “Lướt mạng internet” ở cả nam lẫn nữ đều ở vị trí cao nhất. Tiếp theo đó là “Vận động, chơi thể thao hoặc đi bộ” (đối với nam giới) và “Đi mua sắm” (đối với nữ giới). Số liệu này cho thấy đối với nhiều người, cuối tuần là dịp để họ nghỉ ngơi trong yên tĩnh, nghỉ hoàn toàn sau một tuần làm việc căng thẳng và vất vả. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cách trải qua ngày nghỉ của người Nhật Bản (điều tra của Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) Tuy nhiên, gần đây, số người thích các hoạt động ngoài trời như đi đến những nơi tràn đầy thiên nhiên cùng gia đình và bạn bè mình vào ngày nghỉ đã tăng lên. Chắc là những người dân sống ở đô thị thường làm mới cuộc sống bằng cách tận hưởng thiên nhiên, nghỉ ngơi, thưởng thức những món ngon ở trên núi, gần sông, ở onsen v.v. nhỉ? Thời gian gần đây, các cặp yêu nhau, hoặc gia đình có con cái hoặc bạn bè rủ nhau cùng tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời đơn giản mà không đi xa cũng trở nên phổ biến hơn. Mô tuýp quen thuộc của các cặp vợ chồng có con cái là tới công viên lớn dựng lều cắm trại. Họ sẽ tới một công viên lớn, mang theo lều hoặc đơn giản là tấm trải và đồ ăn ăn cùng với các loại dụng cụ vui chơi như bóng, diều, đĩa ném v.v. cùng vui chơi với con cái. Các công viên ở Nhật thường vô cùng sạch sẽ, nhiều bãi cỏ trống để người dân dựng lều, trẻ em vui đùa. Có nhiều khu vực còn có chỗ để người dân làm thịt nướng BBQ nữa. Du lịch hoặc leo núi Những bạn trẻ (bao gồm cả các cặp đôi) thường đi dạo ngắm cảnh. Họ hay chọn những nơi có cảnh đẹp như vườn hoa, bãi biển, đền chùa, di tích nổi tiếng để vừa tản bộ, vừa chụp ảnh. Những người độc thân thì có xu hướng khám phá những khu vực mới để chụp ảnh, câu cá. Những người thích lái xe sẽ đi xa hơn một chút, tới các tỉnh lân cận, thăm thú đó đây. Ngủ một tối ở nhà trọ - khách sạn, thưởng thức onsen, đặc sản ở địa phương. Thông thường, những người nghỉ thứ bảy chủ nhật thì vào chủ nhật họ sẽ về sớm để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một tuần mới. Một hoạt động nữa cũng vô cùng phổ biến vào dịp cuối tuần là leo núi. Đây là hoạt động thu hút được rất nhiều người tham gia, đa phần là người già và những nam thanh nữ tú đam mê các môn vận động thể chất. Do địa hình Nhật Bản có rất nhiều núi non, nhiều núi kể cả dễ leo và khó leo nên thường thì những người đam mê leo núi không cần phải đi quá xa để thỏa mãn khát vọng chinh phục những đỉnh cao của mình. Tôi có biết một cặp vợ chồng người Nhật năm nay trên dưới 80 tuổi. Từ lúc 60 tuổi, mặc dù người chồng có bệnh tiểu đường, nhưng hầu như tháng nào hai ông bà cũng lái xe đi khắp nơi trong nước để leo núi. Hiện họ đã leo gần như tất cả mọi ngọn núi đáng kể của Nhật Bản và có những nơi núi không quá cao và vì thích nên họ còn leo tới vài lần. Siêu thị ngày chủ nhật Thời mới sang Nhật, tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến những ngày Chủ Nhật đường xá vắng tanh nhưng các siêu thị lại luôn đông đúc. Tìm hiểu mới biết, người Nhật coi ngày Chủ Nhật là ngày chuẩn bị cho buổi đi làm đầu tuần nên có đi chơi xa họ cũng bố trí trở về sớm hoặc đi chợ mua thực phẩm chuẩn bị cho cả một tuần tới. Nếu như vào những ngày thường, lực lượng đi siêu thị thường là những phụ nữ làm nội trợ toàn thời gian thì vào Chủ Nhật, việc đi chợ sẽ đông vui hơn vì sẽ có thêm chồng con đi phụ giúp. Vào thời gian cuối ngày, rất đông gia đình đi mua sắm vì nhiều siêu thị giảm giá các loại thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đây cũng là một lý do mà các siêu thị lại đông vào thời gian muộn như vậy.
06/07/2021
Câu cá là một trong những hoạt động vui chơi ngoài trời đơn giản và dễ dàng tiếp cận, giúp cơ thể khoẻ mạnh, và giảm bớt nhiều căng thẳng, áp lực. Nhật Bản được bao quanh bởi biển và có nhiều sông nên có rất nhiều điểm lý tưởng để câu cá, và rất nhiều người Việt Nam thích câu cá tại đây. Tuy nhiên, để có thể câu cá ở Nhật Bản, bạn phải tuân thủ các luật và cách cư xử cơ bản, ghóp phần bảo vệ môi trường và tránh gặp phải các rắc rối không đáng có. 1. Trải nghiệm của tôi Tôi sang Nhật Bản đã đến nay đã là năm thứ 13. Từ khi còn ở Việt Nam tôi đã có đam mê với các hoạt động câu cá. Thường thường tại Việt Nam không có chuyện đi học cả ngày mà sẽ là học một buổi, buổi còn lại sẽ dành cho các hoạt động khác như đi học thêm, hoặc ở nhà phụ giúp cha mẹ, các hoạt động ngoại khoá, giải trí khác. Các anh hàng xóm hàng tuần thường rủ tôi một hoặc hai buổi đi câu. Địa điểm thường là ao hồ, sông suối và cá mà chúng tôi nhắm đến sẽ là các loại cá như cá chuối, cá trê hoặc cá chim trắng. Mua đồ câu sau khi đến Nhật Sau khi tốt nghiệp cấp 3 và trải qua một khoá học ngắn hạn 6 tháng tại một trường tiếng, tôi đến Nhật Bản học tiếp 2 năm để chuẩn bị cho kì thi vào đại học. Thời gian này thực sự là tôi không có nhiều tiền và thời gian cho lắm. Sau khi lên đại học, và có một chút dư giả về thời gian, cộng với việc trường đại học khá là gần biển cho nên tôi đã bắt đầu chạy ra biển câu cá trên chiếc xe máy con con của mình. Tuy nhiên, câu cá trên biển rất khác với câu cá ở ao hồ tại Việt Nam. Tôi phải tìm hiểu loại cá để câu, độ dài dây câu cần thiết, phương pháp câu cá, v.v. trên các video YouTube. Sau đó, tôi quyết định sử dụng Sabiki để bắt cá thu ngựa (aji) và cá thu (saba), vì chúng tương đối dễ câu. Sabiki là một phương pháp câu trong đó các lưỡi câu sẽ được xếp thành hàng và gắn với các mồi giả để dụ cá. Phương pháp này rất dễ dàng cho người mới bắt đầu và không tốn nhiều chi phí.。 Về dụng cụ câu, tôi có ghé qua cửa hàng Hard 0ff - một cửa hàng chuyên về đồ cũ tại Nhật Bản. Tôi chọn một chiếc cần có thể điều chỉnh độ dài, một máy câu dọc của Daiwa với mức giá tầm 7,000 yên. Về thẻo câu, tôi ra Daiso để mua, vì ở đây có bán thẻo câu khá là rẻ và vừa đủ đối với Sabiki. Mồi thì mua ở siêu thị gần nhà, đó là loại tôm bột đông lạnh, bán theo túi 500g một, bỏ vào tủ lạnh và chờ cho đến hôm đi câu. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cửa hàng đồ cũ(KOKORO) Hành trình rong ruổi câu cá ở Akita Khoảng cách từ trường đại học quốc lập Akita đến Cảng Akita là khoảng 8 km, và mỗi lần chạy xe đến đấy câu cá khoảng 20 phút. Trong vài lần đầu tiên bắt đầu câu cá biển, tôi đã câu được 10 đến 15 con cá thu ngựa và cá thu dài tầm khoảng 15 cm. Sau đó, tôi có một bữa tối rất ngon với cá tươi, vì mùi vị hoàn toàn khác với cá đông lạnh trong siêu thị. Sau khi đi câu về, tôi thường hay rủ bạn bè qua nhà ăn cá rán và qua những buổi như vậy, đã có thêm một số người tỏ ý muốn đi câu cùng tôi. Tôi chia sẽ kinh nghiệm mua đồ câu của mình cho họ, và sau đó tất cả đã đi câu cùng nhau, có khi lên đến 8 người. Lần này vì không phải ai cũng sở hữu xe máy cho nên chuyển sang phương tiện đi xe đạp, cả nhóm đi xe đạp tầm 8km để đi câu. Tất nhiên không phải hôm nào cũng câu được cá, những hôm đấy chúng tôi hay gọi là “móm” và khá là uể oải khi ra về. Tuy nhiên với tôi, dù câu được hay không câu được chúng đều là những kỉ niệm đáng quý của tôi khi còn học tại Akita. Đến bây giờ tôi đang làm việc tại Tokyo, bẵng đi một thời gian tôi đã không còn đi câu kéo gì cả. Tuy nhiên bây giờ đã có một chút dư giả về tài chính cũng như thời gian, tôi đã tái khởi động lại hoạt động này của mình. Mua một bộ đồ câu mới dành cho các loại cá kích cỡ to hơn, lấy bằng lái thuyền để chủ động câu cá ở ngoài khơi, đánh tiếng xung quanh để tập hợp những người có cùng sở thích. Và tôi hi vọng sẽ có nhiều trải nghiệm mới tại vịnh Tokyo vào thời gian sắp tới. 2. Luật liên quan đến câu cá giải trí Câu cá là một hoạt động giải trí để đánh bắt cá ở biển, sông, hồ, v.v.. Tuy nhiên cần có sự cân bằng giữa việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quyền khai thác thủy sản, và câu cá giải trí ở Nhật Bản (Yuryo = thu thập cá, động vật có vỏ và rong biển cho mục đích phi thương mại) được pháp luật quy định. Luật câu cá giải trí Quy định của Luật ngư ngiệp Luật ngư nghiệp quy định về quyền khai thác và giấy phép khai thác thủy sản. Quyền nghề cá là quyền được độc quyền hoạt động một nghề cá cụ thể trong một vùng nước cụ thể. Câu cá giải trí không bị cấm hoàn toàn ngay cả ở những vùng nước mà quyền này đã được thiết lập, nhưng bạn có thể sẽ bị vi phạm nếu thực hiện bất kỳ hành vi nào sau đây. ✔︎ Cản trở hoạt động của nghề cá. ✔︎ Làm tổn hại đến giá trị của ngư trường ✔︎ Thu thập động vật có vỏ như bào ngư và tảo bẹ, rong biển như rong biển wakame và tảo bẹ, và các động vật thủy sinh như tôm Ise và bạch tuộc tại ngư trường nơi ngư dân thu thập sò và rong biển. Ngoài ra, khi câu cá thuộc đối tượng quy định trong Quyền nghề cá trên mặt nước nội địa (sông, hồ, ao, ...) thì phí câu cá giải trí và thời gian câu cá giải trí được quy định cụ thể và các bạn phải tuân thủ các quy tắc này. Luật bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Bộ luật trên có một số quy định về việc câu cá giải trí như sau. ✔︎ Cấm đánh bắt bằng phương pháp sử dụng chất nổ hoặc chất độc. ✔︎ Trừ những trường hợp được cấp phép, không cho phép đánh bắt cá Sake (một chủng cá hồi) tại vùng nước nội địa. Các quy định về điều chỉnh nghề cá Các Quy định điều chỉnh nghề cá là các quy định do các thống đốc tỉnh thành lập dựa trên Luật ngư nghiệp và Luật bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, đưa ra các quy định cụ thể đối với hoạt động câu cá giải trí trên biển và nội dung của các quy định này khác nhau tùy thuộc vào từng tỉnh. ✔︎ Người đánh bắt giải trí được phép thu gom cá, sò bằng các phương tiện như sào, lưới, tay, ... nhưng trong nhiều trường hợp không được phép sử dụng các dụng cụ mà ngư dân có thể sử dụng. ✔︎ Đối với cá tráp biển đỏ, cá trắm, cá diếc, nghêu ... quy định kích thước nhỏ nhất có thể đánh bắt. ✔︎ Với một số loại cá đặc thù như Ayu sẽ có quy định về thời gian được phép đánh bắt. 3. Quy tắc hành xử khi câu cá Tuân thủ luật và quy tắc hành xử để tận hưởng thú vui câu cá Chúng ta hãy không chỉ tuân thủ luật pháp mà còn phải để ý xung quanh khi câu cá. Hãy để tôi cho bạn một số ví dụ về các quy tắc hành xử này nhé. Tránh xa các khu vực cấm. Hãy bảo vệ môi trường tự nhiên của điểm câu cá. Nhớ mang theo lon rỗng, túi ni lông, cặn mồi, móc câu và dây câu về nhà. Không neo đậu tàu thuyền gần các phương tiện khai thác thủy sản như lưới giăng sẵn, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tránh xa các dụng cụ đánh cá được đặt trong bến cảng. Thả cá nhỏ và cố gắng bảo tồn tài nguyên. Tránh đánh bắt cá nhiều hơn mức bạn cần. Nếu bạn bắt được thứ gì đó không phải là thứ bạn nhắm tới, chẳng hạn như cá nóc hay sao biển, hãy thả nó trở lại nước. 4. Những lời khuyên về an toàn Khi đi câu một mình, nhớ nói với người thân về địa điểm câu và thời gian mình về nhà. Đây là một gợi ý để câu cá an toàn. Chủ động đảm bảo an toàn cho mình khi đi câu cá nhé. Kiểm tra thời tiết trước khi đi câu Cố gắng đi câu với nhiều hơn một người. Nếu bạn đi một mình, hãy cho gia đình biết bạn sẽ đi đâu và khi nào bạn sẽ quay về. Khi quăng cần, hãy đảm bảo rằng không có người xung quanh bạn. Không câu cá gần dây điện, hoặc cột điện. Khi đi câu bằng thuyền, triệt để tuân thủ các quy tắc hàng hải.
02/09/2021
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài