Du lịch - ăn uống | Tin mới nhất

Pháo hoa ở Nhật Bản

Mùa hè ở Nhật có rất nhiều sự kiện như Tanabata (Thất tịch), kỳ nghỉ lễ Obon, lễ hội mùa hè, pháo hoa v.v. Khác với Việt Nam, Nhật Bản tổ chức lễ hội pháo hoa vào mùa hè. Đây là “lễ hội pháo hoa” làm bao người say mê bởi những bông pháo hoa to và đẹp nhuộm bầu trời đêm mùa hè. Khi người nước ngoài lần đầu xem pháo hoa của Nhật, họ sẽ bị ngạc nhiên bởi chất lượng và số lượng pháo được bắn lên bầu trời. Trong bài viết này, chúng mình sẽ giới thiệu cách thưởng thức lễ hội pháo hoa - điểm đặc trưng của mùa hè Nhật Bản cũng...

15/07/2023
  • Mình đã đi thăm quan nhà máy sản xuất bia và bánh kẹo!

    20/06/2023
    Các bạn có muốn biết các sản phẩm của Nhật được sản xuất như thế nào không? Ở Nhật, bạn có thể “tham quan nhà máy” miễn phí. Trên khắp Nhật Bản có rất nhiều nhà máy mà bạn có thể đăng ký tham quan miễn phí. Tham quan nhà máy là một hoạt động được nhiều trường học tổ chức và cũng là một hoạt động vui chơi vào ngày nghỉ của mọi người. Tuỳ vào từng nhà máy, bạn có thể được ăn thử, uống thử, trải nghiệm làm thử thứ gì đó. Mình đã đi tham quan nhà máy sản xuất bia (Suntory) và nhà máy sản xuất bánh kẹo (Glico). Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn về hai nhà máy này. Suntory 〈Nhà máy sản xuất bia từ nước thiên nhiên〉 Kyoto Suntory là công ty sản xuất và phân phối các sản phẩm bia như “Kinmugi”, “The Premium Malt’s” v.v. Ở Suntory 〈Nhà máy sản xuất bia từ nước thiên nhiên〉 Kyoto, bạn có thể xem 1 số công đoạn sản xuất bia và được thưởng thức The Premium Malt’s miễn phí! Buổi tham quan kéo dài khoảng 70 phút nhưng mình thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Ở khu vực lễ tân, bạn sẽ nhận được sổ tay giới thiệu về Suntory. Cuối buổi tham quan, người tham gia sẽ được uống thử bia nhưng những người lái xe ô tô đến thì không thể uống bia nên Suntory cũng chuẩn bị đồ uống không cồn cho những người không uống được. Suntory sẽ phát dây đeo cổ để phân biệt người uống bia và người không uống bia. Người có thể uống bia sẽ đeo dây “màu xanh lá cây”, người không thể uống bia sẽ đeo dây “màu hồng”. Trong 1 ngày, Suntory tổ chức nhiều chuyến tham quan theo từng khung giờ khác nhau. Khi tới giờ bắt đầu, nhân viên của Suntory sẽ giới thiệu với bạn về thành phần của bia v.v. ở phòng tiếp đó, sau đó bạn sẽ được di chuyển đến nhà máy để tận mắt tìm hiểu quy trình sản xuất bia. Bình chứa bia Trước khi vào nhà máy, bạn sẽ nhìn thấy những bình chứa bia khổng lồ này. Bạn có biết những bình chứa này cao bao nhiêu không? Câu trả lời sẽ được bật mí trong chuyến tham quan! Ảnh trên là ảnh chụp các bể ủ. Quá trình ủ bia là quá trình tạo ra “dịch nha” từ “mạch nha”. Bạn có thể nhìn dây chuyền sản xuất từ trên cao. Vào những ngày bảo trì và kiểm tra hệ thống, bạn không thể xem dây chuyền hoạt động nhưng khi đó bạn có thể xem video ghi lại quá trình sản xuất bia. Sau khi kết thúc chuyến tham quan bên trong nhà máy, bạn sẽ đi đến phòng thưởng thức bia bằng xe buýt. Trên xe buýt, bạn có thể nhìn thấy cả phía sau của nhà máy - nơi mà bình thường không thể thấy được. Chuyến tham quan này vô cùng thú vị. Ở phòng thưởng thức bia, mỗi vị khách sẽ nhận được 1 cốc “The Premium Malt’s”. Sau đó, để mọi người có thể thử uống và so sánh các vị bia, bạn sẽ nhận được thêm các loại bia khác như “The Premium Malt’s Master’s Dream” v.v. Không chỉ thưởng thức vị bia, bạn có thể cảm nhận cả màu bia và hương thơm của từng loại bia. Những bạn thích uống bia hãy thử trải nghiệm nhé! Sau khi thưởng thức bia, bạn có thể mua bia ở quầy quà tặng. Cách đặt chỗ ① Truy cập Trang hẹn lịch trước ② Chọn “ガイドツアー (Guide Tour)” - tham quan có hướng dẫn ③ Chọn “見学希望日” -ngày muốn tham quan ④ Kiểm tra “受付状況” - tình trạng đặt trước ⑤ Chọn “予約” - đặt trước ⑥ Nhập thông tin cá nhân (tên v.v.) vào Đơn đăng ký đặt trước trên Internet ⑦ Xác nhận thông tin ⑧ Hoàn tất thủ tục đăng ký đặt trước Suntory 〈Nhà máy sản xuất bia từ nước thiên nhiên〉 Kyoto 3-1-1 Choshi, Nagaokakyo-shi, Kyoto 9:30 ~ 17:00 Miễn phí (Khoảng 70 phút) ・ Đi bộ 10 phút từ "Ga Nishiyama Tennozan Hankyu" ・ Có xe buýt miễn phí từ "Ga Nishiyama Tennozan Hankyu", "Ga JR Nagaokakyo" Hướng dẫn cách đi[iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Hướng dẫn cách đi Ngày nghỉ: Cuối năm cũ, đầu năm mới, ngày nghỉ của nhà máy (có cả ngày nghỉ không cố định) [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang tham quan nhà máy Glicopia Kobe “Ezaki Glico” nổi tiếng với tấm biển vận động viên chạy Marathon ở Dotonbori Osaka là một trong những nhà sản xuất bánh kẹo hàng đầu của Nhật Bản với những sản phẩm như “Pocky”, “Bisco”, “Ice no Mi” v.v. Ở Glicopia Kobe, bạn có thể tìm hiểu quy trình sản xuất Pocky. Tại khu vực lễ tân, bạn sẽ nhận được “PRETZ vị salad siêu ngon” phiên bản giới hạn chỉ có ở nhà máy. Hộp bánh này gửi gắm thông điệp “Cảm ơn bạn đã không ngại đường xá xa xôi tới đây”. Trong phòng tiếp đón, bạn sẽ được xem các video quảng cáo của ngày xưa. Các video này khác hẳn với các video quảng cáo hiện nay nên mình thấy rất thú vị. Chiếc máy màu cam này là chiếc máy bán hàng tự động của Glico (= máy bán caramel). Nó đã được sử dụng vào khoảng 100 năm trước. Thời ấy tivi vẫn chưa phổ biến nên khi bạn cho tiền xu vào chiếc máy này, bạn có thể xem một đoạn phim có nhạc trên chiếc màn hình bé bé. Khi đoạn phim kết thúc, caramel và tiền thừa sẽ rơi ra. Nếu bạn mua tiếp, bạn có thể xem phần tiếp theo của đoạn phim. Tiếp theo, bạn sẽ đi qua chiếc Pocky khổng lồ cao khoảng 3m để tham quan nhà máy. Ở đây, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều sản phẩm được bày bán từ năm 1922 cho đến nay. Những “món đồ chơi” có trong sản phẩm cũng được trưng bày tại đây. Đây là những “sứ giả” khiến cho các sản phẩm của Glico trở nên nổi tiếng và được nhiều người yêu thích. ※ Hình ảnh trên trang chủ của Ezaki Glico Bạn sẽ được trải nghiệm “Digital cooking” - Làm bánh kỹ thuật số. Ở phòng này bạn không được phép chụp ảnh. Bạn sẽ vừa nhìn màn hình kỹ thuật số vừa thử làm chiếc bánh của riêng mình. Chiếc bánh của riêng bạn sẽ trở thành kỷ niệm đáng nhớ của bạn (bánh kỹ thuật số nên bạn không thể ăn được). Sau khi bạn đã làm bánh xong, nhân viên của Glico sẽ có một “bài thuyết trình” cực kỳ thú vị về các sản phẩm. Sau đó, bạn sẽ tham quan khu vực sản xuất Pocky nhưng khu vực này là khu vực cấm quay phim chụp ảnh. Bạn hãy tới tham quan để tận mắt nhìn thấy quy trình sản xuất Pocky nhé! Cuối cùng, bạn sẽ chụp ảnh kỷ niệm và ngắm nhìn rất nhiều loại Pocky. Ở đây có cả Pocky “vị takoyaki” - phiên bản giới hạn chỉ có ở khu vực Kinki. Mình muốn ăn thử tất cả các loại!!! Cách đặt chỗ ① Truy cập Trang hẹn lịch trước ② Kiểm tra tình trạng đặt chỗ ③ Chọn ngày muốn tham quan ④ Nhập thông tin đặt chỗ ⑤ Xác nhận thông tin đã nhập ⑥ Xác nhận email ⑦ Nhận mã đặt chỗ * Có thể đặt chỗ từ 2 người trở lên. * Có thể trải nghiệm làm bánh “Bisco” (mất phí, 1 ngày 2 lần). Glicopia Kobe 7-1 Takatsukadai, Nishi-ku, Kobe-shi, Hyogo 9:30 ~ 16:30 Tham quan nhà máy: Khoảng 80 phútTrải nghiệm trả phí: Khoản 70 phút Đi tàu điện ngầm của Kobe tới ga Seishin Chuo rồi đi xe buýt Shinki số 12 "đi Okubo Ekimae" hoặc tuyến 70, 73, 74 "Đi Oshibe Dani (Sakae)" rồi xuống ở "Takatsukadai 1 chome", đi bộ 1 phút. Ngày nghỉ: Thứ sáu hàng tuần, Obon, cuối năm cũ, đầu năm mới, ngày bảo trì nhà máy [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang tham quan nhà máy Tổng kết Mình đã giới thiệu với các bạn về chuyến tham quan nhà máy sản xuất bia Suntory (thành phố Nagaokakyo - Kyoto) và nhà máy sản xuất bánh kẹo Glico (thành phố Kobe - Hyogo). Ở nhà máy bia, bạn có thể uống bia tươi. Và ở cả hai nhà máy, bạn đều có thể tận mắt nhìn thấy nơi sản xuất và quy trình sản xuất. Ở khắp Nhật Bản có rất nhiều “chuyến tham quan nhà máy” mà cả người lớn và trẻ em đều yêu thích. Nói tới Suntory thì ngoài nhà máy ở Kyoto được giới thiệu trong bài viết này, bạn có thể đi tham quan nhà máy bia ở Tokyo và Kumamoto, nhà máy chưng cất rượu Whisky ở Osaka và Yamanashi, nhà máy rượu vang ở Yamanashi, nhà máy nước thiên nhiên ở Yamanashi - Nagano - Tottori - Kumamoto. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Tham quan nhà máy Suntory (Toàn Nhật Bản) Bạn cũng có thể tham quan các nhà máy khác của Ezaki Glico ở Chiba, Saitama. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Tham quan nhà máy Glico (Toàn Nhật Bản) Bạn có thể tham quan nhà máy nào ở khu vực bạn sinh sống nhỉ? Bạn hãy tìm thông tin với từ khoá “khu vực + 工場見学”. Trong bài viết này mình đã giới thiệu trải nghiệm “tham quan nhà máy” vào ngày nghỉ mà ít bạn biết tới. Bạn cũng thử đi tham quan với bạn bè, người yêu của bạn nhé!
  • Những quán Takoyaki nổi tiếng ở phía nam Osaka

    13/03/2023
    Nếu tới Osaka, các bạn muốn ăn gì? Nhắc tới món ăn nổi tiếng ở Osaka, chắc chắn mọi người sẽ trả lời là “Takoyaki”, “Okonomiyaki”. Những quán nổi tiếng với Takoyaki và Okonomiyaki ở Osaka ngon hơn hẳn những quán khác. Trong bài viết lần này, mình sẽ giới thiệu với các bạn 6 quán Takoyaki nổi tiếng ở Osaka. Khu vực phía Nam Ở phía nam thành phố Osaka, khu Dotonbori nổi tiếng với biển hiệu Glico, khu Namba - Shinsaibashi là những khu nổi tiếng với phong cách “vừa đi vừa ăn” takoyaki v.v. Phần lớn các quán takoyaki ở đây đều không có chỗ ngồi bên trong quán, mọi người thường mua mang đi. Takoyaki Dotonbori Kukuru Honten Trong số rất nhiều cửa hàng bán đồ mang đi, quán “Takoyaki Dotonbori Kukuru Honten” là quán có thể ngồi ăn bên trong quán. Khi xếp hàng, dãy đứng chờ vào quán ăn và dãy đứng chờ mua mang đi là hai dãy khác nhau nên bạn hãy để ý để không đứng nhầm nhé (bạn cũng có thể đặt bàn trước). 8 viên takoyaki cỡ M có miếng bạch tuộc to Thực đơn mua mang đi là “8 viên takoyaki cỡ M có miếng bạch tuộc to” (890 yên bao gồm thuế). Đây là món takoyaki cực kỳ truyền thống với mayonnaise, sốt takoyaki, rong biển, cá ngừ bào. 8 viên takoyaki kim chi Với một chút biến tấu, “takoyaki kim chi”, “takoyaki sốt cà chua và húng quế” v.v. cũng là những món ăn “mới” mà cũ. Những món đặc biệt này chỉ có thể thưởng thức bên trong quán. Bên trong quán Takoyaki Dotonbori Kukuru Honten Bên trong quán có chỗ ngồi kiểu quầy bar và ngồi bàn kiểu Nhật. Khách hàng sẽ quét mã QR rồi gọi món bằng điện thoại. Chuỗi “Kukuru” cũng có quán trong ga JR Shin Osaka. Takoyaki Dotonbori Kukuru Honten 1-10-5 Dotonbori, Chuo-ku, Osaka Cách ga Namba 500mCách ga Shinsaibashi 650m 11:00~21:00 thứ hai ~ thứ sáu10:00~21:00 thứ bảy, chủ nhật Mở cửa quanh năm 〈Mang về〉8 viên takoyaki cỡ M có miếng bạch tuộc to: 890 yên (bao gồm thuế)〈Ăn tại quán〉8 viên takoyaki phô mai thịt xông khói: 1080 yên, 8 viên takoyaki kim chi: 1080 yên, Yakisoba: 780 yên (bao gồm thuế) Trang chủ của chuỗi Kukuru Kureoru Dotonbori “Kureoru" là quán takoyaki có biển hiệu lớn màu vàng khiến thực khách có thể nhận ra quán ngay. Trong thời gian đứng xếp hàng chờ gọi đồ, khách hàng có thể nhìn thấy nhân viên của quán làm takoyaki ngay trước mặt mình. Trên cửa quán có treo thực đơn rất to nên trong lúc chờ đợi bạn có thể chọn món. Quán cũng có chỗ ngồi bên trong nhưng đa phần mọi người chọn mua mang đi. Đây là các loại takoyaki “mẫu”. Thoáng nhìn thì thấy chúng không khác gì với takoyaki thật nhỉ! 6 viên takoyaki Takoyaki nóng hổi vừa được làm xong, quyện với nước sốt đem lại một hương vị tuyệt vời. Đây là vị ngon có thể làm bạn quên đi cả quãng thời gian chờ đợi trước đó. Kureoru Dotonbori 1-6-4 Dotonbori, Chuo-ku, Osaka Cách ga Namba 350mCách ga Shinsaibashi 800m Ăn tại quán 11:00~23:00Mang về 10:00~23:00Đóng tiếp nhận đơn 22:00 Mở cửa quanh năm 〈Điển hình〉6 viên takoyaki 550 yên, 6 viên takoyaki nhiều hành lá và trứng lòng đào 650 yên, takoyaki muối 650 yên (bao gồm thuế)6 viên takoyaki rau mầm, 6 viên takoyaki phô mai trứng cá mayonnaise, 6 viên takoyaki mơ thía tô, 6 viên takoyaki củ cải bào ponzu mayonnaise v.v.: 650 yên (bao gồm thuế) Trang chủ của chuỗi Kureoru Takoyakidoraku Wanaka Sennichimae Quán “Wanaka” cũng là một trong những quán được người dân Osaka đánh giá là rất ngon. Thực khách sẽ đứng chờ mua takoyaki và nhìn nhân viên của quán làm takoyaki. Quán cũng có chỗ ngồi bên trong. 12 viên takoyaki Takoyaki có vỏ giòn, nhân mềm mềm và tan ra, ngoài nước sốt takoyaki, bạn có thể ăn cùng muối hoặc nước súp vị nước tương. Takoyaki ở đây có rất nhiều cá ngừ bào. 8 viên Wankodako “Wankodako” là takoyaki nướng theo kiểu Akashi và ăn cùng nước súp. Takoyakidoraku Wanaka Sennichimae 11-19 Namba Sennichimae, Chuo-ku, Osaka Cách ga Namba 450mCách ga Nipponbashi 450m 10:30~21:00 thứ hai ~ thứ sáu9:30~21:00 thứ bảy, chủ nhật Mở cửa quanh năm 〈Điển hình〉8 viên takoyaki 600 yên, 12 viên takoyaki 600 yên (bao gồm thuế)8 viên takoyaki ponzu: 650 yên, 8 viên takoyaki hành lá muối ponzu: 750 yên, 8 viên Wankodako: 700 yên, Takosen: 200 yên (bao gồm thuế) グル-プのHP Khu vực Tennoji - Shinsekai Khu vực Tennoji có tòa nhà “Abeno Harukasu”, khu Shinsekai bên cạnh Tennoji có “Tsutenkaku”, đây là hai địa điểm du lịch của phía nam Osaka. Bạn có thể ngắm nhìn những điểm tham quan này và thưởng thức takoyaki ở đây. Abeno Takoyaki Yamachan Honten Nếu là người Osaka thì không ai không biết đến “Yamachan”. Các quán khác trong chuỗi có “yakisoba” v.v. nhưng ở quán chính “honten” thì chỉ có takoyaki trứ danh. Takoyaki vị xì dầu bơ Takoyaki có vỏ ngoài giòn giòn, bên trong mềm mềm tạo nên “hương vị gây nghiện”. Abeno Takoyaki Yamachan Honten 1-2-34 Abenosuji, Abeno-ku, Osaka Cách ga Tennoji 200mCách ga Abeno 300m 11:00〜22:00 Mở cửa quanh năm 〈Điển hình〉Takoyaki 8 viên 720 yên, 10 viên 870 yên, 12 viên 1020 yên (bao gồm thuế)Vị "best", "young", "bình thường", "cay", "muối dầu vừng", "mơ muối" v.v. Trang chủ của chuỗi Yamachan Takoyaki Ichiban Osaka Shinsekai “Ichiban” là quán takoyaki không chỉ nổi tiếng với người Nhật mà còn nổi tiếng với cả người nước ngoài. Nếu bạn gọi thêm đồ uống thì bạn có thể ngồi ăn ở quán. 6 viên takoyaki (vị tương ngọt Kyushu) Takoyaki ở đây rất to. Quán còn cho rất nhiều mayonnaise nên những bạn thích mayonnaise hãy đến đây nhé. Gần quán còn có nhiều quán chơi trò chơi kiểu Nhật nên bạn vừa có thể ăn takoyaki vừa vui chơi trong không khí cực kỳ lễ hội. Takosen “Takosen” là món có 2 viên takoyaki kẹp giữa bánh gạo. Đây cũng là một món rất được yêu thích. Takoyaki Ichiban Osaka Shinsekai 3-1-14 Ebisuhigashi, Naniwa-ku, Osaka Cách ga Doubutsuenmae 350mCách ga Shinimamiya 450m 10:00~21:00 Mở cửa quanh năm 〈Điển hình〉Takoyaki 6 viên 600 yên, 8 viên 800 yên, Takosen 500 yên (bao gồm thuế)Vị sốt takoyaki, ponzu, muối mayonnaise, nước tương ngọt Kyushu, muối v.v. Shinsekai Kankan “Kankan” là quán lúc nào cũng đông khách. Trước quán có để rất nhiều ảnh của những người nổi tiếng đã đến quán. Quán rất đông khách vì takoyaki ngon và giá cả cực kỳ hợp lý. “Kankan” chỉ có 1 món duy nhất, đấy là “8 viên takoyaki” và bạn có thể thưởng thức chỉ với 450 yên! 8 viên takoyaki Takoyaki mềm mềm, tan chảy cùng nước sốt ngòn ngọt. Đây là một món ngon không thể cưỡng lại! Shinsekai Kankan 3-5-16 Ebisuhigashi, Naniwa-ku, Osaka Cách ga Doubutsuenmae 450mCách ga Shinimamiya 500m 9:30〜18:00 Nghỉ cố định thứ hai, thứ ba 8 viên takoyaki: 450 yên (bao gồm thuế) Tổng kết Trong bài viết này, mình đã giới thiệu với các bạn 6 quán takoyaki nổi tiếng ở khu vực Namba và Tennoji do chính những bạn người Việt đang sống ở Osaka lựa chọn. 〈Dotonbori〉 ・ Takoya Dotonbori Kukuru Honten ・ Kureoru Dotonbori 〈Namba - Sennichimae〉 ・ Takoyakidoraku Wanaka Sennichimae 〈Tennoji〉 ・ Abeno Takoyaki Yamachan Honten 〈Shinsekai〉 ・ Takoyaki Ichiban Osaka Shinsekai ・ Shinsekai Kankan Khi đi chơi Kyoto, Osaka, các bạn hãy ăn thử takoyaki mang đậm bản sắc của Osaka nhé. Có rất nhiều món đáng để bạn ăn thử đấy!
  • Các loại “Oden” và cách mua

    17/02/2023
    Từ xa xưa, “Oden” đã được người Nhật yêu thích và đây đã trở thành món ngon kinh điển vào mùa đông. Gần đây, nhiều cửa hàng tiện lợi đã bán Oden ở khu vực gần quầy tính tiền nhưng đối với người nước ngoài chúng mình thì không biết Oden là gì, có những thành phần gì nên cảm thấy do dự khi mua và ăn thử. Trong bài viết này, chúng mình sẽ giới thiệu về các loại Oden và cách mua Oden. Bạn có muốn nếm thử hương vị kinh điển, vừa ngon vừa rẻ của Nhật Bản không? Oden là gì Oden là một món hầm đơn giản của Nhật, đã có lịch sử trên 1200 năm. Nước dùng của Oden là nước cá ngừ bào hoặc tảo bẹ. Sau khi cho nhiều loại nguyên liệu vào và ninh nhỏ lửa trong một thời gian dài, nước dùng của Oden sẽ ngấm vào các loại nguyên liệu. Vị ngọt tự nhiên của nguyên liệu sẽ hòa quyện với vị ngọt của nước dùng tạo nên một hương vị cực kì tuyệt vời và tinh tế. Nước dùng của Oden ở mỗi vùng của Nhật hơi khác nhau một chút. ・ Kanto: Nước cốt của cá ngừ bào và nước tương (shoyu). ・ Kansai: Nước của tảo bẹ và nước tương (shoyu), vị ngọt thanh. ・ Kyushu: Nước cốt từ xương gà và nước tương ngọt (shoyu) của Kyushu. Các loại nguyên liệu có trong Oden Gần đây, Oden được bày bán ở các cửa hàng tiện lợi nhưng nếu bạn không biết Oden có những gì thì bạn sẽ khó chọn phải không nào? Chúng mình sẽ giới thiệu những nguyên liệu truyền thống thông qua từng ảnh nhé. Nguyên liệu có trong Oden được gọi là “Oden no tane” đấy. Các nguyên liệu truyền thống Đây là những nguyên liệu truyền thống đã có từ ngày xưa. ① Atsuage: Đậu phụ chiên. Nước dùng của Oden sẽ ngấm vào phần vỏ đậu tạo nên vị ngọt lan tỏa trong miệng. ② Củ cải: Củ cải được cắt thành khoanh hình tròn. Đậu phụ chiên, trứng, chikuwa (chả cá), konnyaku (khoai nưa), ganmodoki (đậu phụ trộn rau củ), gân bò là những nguyên liệu truyền thống. ③ Shirataki (Ito konnyaku): Đây là khoai nưa dạng sợi. Món này ở Kanto gọi là “shirataki”, còn ở Kansai gọi là “ito konnyaku”. ④ Khoai tây: Khoai tây được ninh nhừ, đây là nguyên liệu không hề khó kiếm. ⑤ Trứng: Trứng luộc được hầm kỹ. Lòng đỏ trứng ngấm nước dùng của Oden nên đây là một món tuyệt phẩm. ⑥ Konnyaku: Vị giống như konnyaku dạng sợi. ⑦ Gân bò: Gân gót chân của bò. Gân bò ngấm nước dùng nên hương vị rất đậm đà. ⑧ Ganmodoki: Đậu hũ được nghiền nhuyễn, trộn cùng cà rốt, củ sen, ngưu bàng rồi chiên ngập dầu. Nó có vị ngon ngọt và mọng nước. ⑨ Đậu phụ ⑩ Yuba: Váng đậu. ⑪ Mochi kinchaku: Đậu phụ chiên nhân bánh dày. Các nguyên liệu đa dạng khác Ngoài những nguyên liệu truyền thống, các quán ăn và các gia đình cho thêm nhiều loại nguyên liệu khác vào Oden để món ăn trở nên phong phú hơn. ① Măng: Nguyên liệu thường được cho vào Oden. ② Ginnan: Quả của cây rẻ quạt. ③ Nấm hương ④ Kukiwakame: Phần lõi cứng của tảo biển. Ngoài ra còn có những nguyên liệu khác như ・ Bạch tuộc ・ Hanpen (chả cá: thịt cá trộn với khoai từ) ・ Satsumaage (chả cá: thịt cá trộn với cà rốt, ngưu bàng v.v.) ・ Goboten (chả cá có ngưu bàng ở trong) ・ Xúc xích Ăn cùng Karashi, không phải là Wasabi “Karashi” có màu vàng, ở bên trái ảnh Khi ăn sushi, mọi người thường ăn cùng wasabi (mù tạt xanh). Thế nhưng, khi ăn Oden thì chúng ta sẽ ăn cùng “Karashi” (mù tạt vàng). Có nhiều giả thuyết khác nhau về lý do tại sao mọi người ăn Oden với mù tạt vàng. Người ta nói rằng khi Oden được bán ở các quầy hàng trên đường phố, có người đã bị ngộ độc. Nếu ăn Oden với mù tạt vàng thì có thể tránh bị ngộ độc thực phẩm vì mù tạt có tác dụng diệt khuẩn. Đây là giả thuyết thuyết phục nhất. Mua Oden ở cửa hàng tiện lợi Oden ở cửa hàng tiện lợi thường do khách hàng tự phục vụ. Khách hàng cho đồ ăn vào bát rồi mang đến quầy thanh toán để trả tiền. ⭕️ Tự lấy đồ ăn cho vào bát Ở các cửa hàng tiện lợi thường có quầy Oden vừa rẻ vừa ngon vừa tiện. Bạn hãy cho những món bạn thích vào bát, lấy thêm nước dùng rồi mang tới quầy thanh toán nhé. ❌ Không được lấy tay chọc vào đồ ăn Kể cả bạn có nhầm đi chăng nữa thì cũng không được dùng tay chạm trực tiếp vào Oden ở trong nồi. Ở quầy Oden có kẹp và đũa nên bạn hãy dùng chúng. Ăn Oden ở nhà Oden rất dễ nấu tại nhà vì tất cả những gì bạn phải làm là cắt nguyên liệu và cho chúng vào hầm. Nước dùng của Oden được làm từ nước cốt tảo bẹ hoặc cá ngừ bào, cho thêm rượu dùng để nấu ăn, nước tương, mirin (nước đường dùng để nấu ăn). Bạn có thể tìm công thức chi tiết ở trên mạng. Ngoài ra, nếu lười thì bạn có thể mua gia vị của Oden (dạng bột), các nguyên liệu chế biến sẵn, cắt sẵn ở siêu thị. Nếu bạn bè bạn tới chơi thì mọi người có thể cùng nhau ăn Oden. Nếu bạn ăn 1 mình và không ăn hết thì có thể để nguyên các nguyên liệu trong nồi và bảo quản trong tủ lạnh rồi ăn trong 2,3 ngày. Người ta nói là “Oden của ngày thứ hai ăn ngon hơn ngày đầu tiên” vì nước dùng của Oden ngấm vào các nguyên liệu nên Oden càng ngon hơn. Oden cũng rất hợp với cơm trắng nhé! Các quán Oden Chắc hẳn nhiều bạn sẽ đi du lịch Kyoto, Osaka nên mình xin giới thiệu 3 quán Oden đặc biệt nổi tiếng ở Osaka để các bạn có thể ghé qua. Nếu bạn không biết gần nhà bạn có quán nào không, bạn có thể tìm trên mạng với từ khoá “おでん 美味しい店 〇〇 (khu vực nhà bạn)”. Các quán Oden đã được yêu mến từ ngày xưa nên có rất nhiều quán có vẻ ngoài cũ kỹ. Quán nào càng lâu đời thì hương vị Oden càng thơm ngon. Hana Kujira 2-8-2 Fukushima, Fukushima-ku, Osaka Cách ga JR Fukushima 300mCách ga JR Shin Fukushima 100m 16:00~23:00 Ngày nghỉ cố định: Tết, tháng 8 (nghỉ 1 tháng) Không thể đặt trước, chỉ thanh toán bằng tiền mặt Tako Ume 1-1-8 Dotonbori, Chuo-ku, Osaka Cách ga Nipponbashi (Metro, Kintetsu) 270m 16:00~22:50 Không có ngày nghỉ cố định (Nghỉ 31/12~3/1) Có thể đặt trước, có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, không thể thanh toán bằng thẻ từ Yokaro 2-9-9 Shimanouchi, Chuo-ku, Osaka Cách ga Nipponbashi (Metro, Kintetsu) 500m 17:30~22:00 Ngày nghỉ cố định: chủ nhật, thứ hai, ngày lễ Không thể đặt trước, chỉ thanh toán bằng tiền mặt Tổng kết “Oden” được bán trong các cửa hàng tiện lợi của Nhật từ mùa thu tới đầu xuân. Trong bài viết này, chúng mình đã giới thiệu các nguyên liệu có trong Oden và cách mua Oden - món ăn được yêu thích từ xa xưa - được xếp ngang hàng với các món lẩu trong mùa đông. Các nguyên liệu truyền thống của Oden là đậu phụ chiên, củ cải, khoai tây, chikuwa, konnyaku, gân bò, ganmodoki v.v. Khi bạn mua ở cửa hàng tiện lợi, bạn sẽ tự cho đồ ăn vào bát rồi mang tới quầy thanh toán, tuy nhiên tuyệt đối đừng chạm tay trực tiếp vào đồ ăn và nước dùng nhé. Đối với những bạn muốn thưởng thức Oden tại nhà, người ta nói rằng “Oden của ngày thứ hai ngon hơn ngày đầu tiên”, vì vậy bạn hãy thử ăn vào ngày thứ hai nữa! Các nguyên liệu có thể cho vào Oden là vô tận. Hãy thưởng thức Oden theo cách riêng của bạn nhé.

Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư

[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]

  • Công thức nấu món ngon Việt Nam_Phần 6: Giò xào

    Sắp sửa đến Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Hẳn bất cứ người Việt Nam nào đang sinh sống và làm việc ở Nhật cũng rất nhớ nhà, nhất là khi do đại dịch vi-rút corona khiến chúng ta không thể về nước để cùng sum vầy gia đình, bạn bè trong dịp Tết âm lịch cổ truyền. Rất may là hiện nay ở Nhật, các cửa hàng bán thực phẩm Việt Nam ngày càng nhiều và các mặt hàng ngày càng phong phú. Những nguyên liệu tưởng chừng như rất khó như lá dong, lá chuối, thịt có bì… hiện có thể mua tại cửa hàng hoặc đặt mua qua mạng dễ dàng thuận tiện. Các bài viết giới thiệu về các cửa hàng thực phẩm: Các cửa hàng bán nguyên liệu nấu đồ ăn Việt Nam (Tokyo) Các cửa hàng bán nguyên liệu nấu đồ ăn Việt Nam (tỉnh Saitama) Hôm nay, Kokoro xin giới thiệu cách làm giò xào, một trong những món vào dịp Tết của người Việt Nam chúng ta. Giò xào là sự kết hợp hài hòa giữa hương vị của nước mắm, hạt tiêu, giữa màu hồng của thịt, màu trắng trong của mỡ, màu đen của mộc nhĩ trông đẹp mắt và khi ăn thấy sần sật, rất ngon miệng. Vì ở Nhật không phải lúc nào cũng mua được thịt thủ, nên chúng tôi sẽ giới thiệu cách làm giò xào với thịt lợn ba chỉ có bì và tai lợn nhé. ※Hiện nay có bán sẵn các loại khuôn i-nốc làm giò xào, các bạn có thể dùng khuôn cho tiện cũng được. Giò xào Nguyên liệu 1. Thịt lợn ba chỉ: 1 kg 2. Tai lợn: 2 cái 3. Mộc nhĩ (nấm mèo) khô độ: 30g 4. Nước mắm: 3 thìa canh 5. Hạt tiêu xay: lượng vừa đủ 6. Lá chuối: 4 ~5 miếng (45cm) 7. Dây nylon để buộc Cách làm 1Thịt và tai lợn để rã đông, cạo sạch lông (nếu có), rửa sạch. Trần qua nước sôi có cho muối và gừng cho thơm. Sau đó đem thái thịt dài rộng độ 5mm, dày độ 3mm, tai lợn thái càng mỏng càng tốt. 2Mộc nhĩ (nấm mèo) đem ngâm nước ấm cho mềm. Rửa sạch, bỏ chân rồi thái chỉ. 3Lá chuối rửa sạch, trần qua nước sôi cho mềm. 4Dùng một chiếc chảo lớn sâu lòng. Bắc chảo lên bếp, để chảo nóng rồi cho thịt ba chỉ đã thái vào trước. Xào lửa lớn cho thịt ra bớt mỡ rồi cho tai vào xào tiếp. Để lửa nhỏ cho bì mềm. Xào độ 5 phút thì cho nhĩ thái chỉ vào. Tiếp tục xào nhỏ lửa. Cho hạt tiêu và nước mắm vào xào tiếp cho tới lúc nước thịt cạn hết và thấy đáy chảo chỉ còn nước mỡ trong là được. Tất cả từ lúc bắt đầu xào đến lúc được là độ 30 phút. 5Chuẩn bị 3 hoặc 4 đoạn dây nylon dài độ 30cm. Lót 1 tờ giấy báo lên mặt bàn để khi gói mỡ không dây bẩn ra mặt bếp. Để những sợi dây này song song với nhau dọc với người, cách nhau chừng 3~5cm, phía trên xếp 4 miếng lá chuối chồng lên nhau sao cho có chiều dài độ 35cm. Nhớ xếp lớp lá trên ngược thớ với lớp lá dưới. 6Cho thịt ở mục (4) vào giữa chỗ lá chuối, dàn thành khối thịt hình chữ nhật có chiều dài độ 20cm~25cm. Cầm 2 đầu lá chuối lên rồi gập ra phía trước sao cho lá chuối bao vừa vặn vào khối thịt. sau đó lần lượt buộc gá những sợi dây nylon đặt bên dưới để giữ cho cây giò chắc chắn. 6Cho thịt ở mục (4) vào giữa chỗ lá chuối, dàn thành khối thịt hình chữ nhật có chiều dài độ 20cm~25cm. Cầm 2 đầu lá chuối lên rồi gập ra phía trước sao cho lá chuối bao vừa vặn vào khối thịt. sau đó lần lượt buộc gá những sợi dây nylon đặt bên dưới để giữ cho cây giò chắc chắn. 7Bẻ gập 1 đầu lá chuối vào rồi dựng cây giò lên. Dùng đũa nấu chọc chọc vào bên trong để lèn cho thịt chặt vào với nhau. Bẻ đầu lá chuối gập lại như kiểu bọc kẹo. Làm tương tự với đầu kia của cây giò. Lấy 1 đoạn dây nylon khác buộc dọc cây giò theo hình chữ thập. 7Bẻ gập 1 đầu lá chuối vào rồi dựng cây giò lên. Dùng đũa nấu chọc chọc vào bên trong để lèn cho thịt chặt vào với nhau. Bẻ đầu lá chuối gập lại như kiểu bọc kẹo. Làm tương tự với đầu kia của cây giò. Lấy 1 đoạn dây nylon khác buộc dọc cây giò theo hình chữ thập. 8Sau đó bắt đầu quấn giò. Buộc chặt 1 đầu dây vào cây giò, rồi vừa xoay cây giò vừa giữ dây buộc sao cho dây quấn chặt và đều cả thân giò. Quấn đến đâu thì tháo sợi dây buộc gá ra đến đó và nắn cho cây giò được tròn. Sau cùng thặt chặt dây lại. 9Để giò ở chỗ mát mẻ hoặc trong tủ lạnh qua một đêm là được ăn. 10Khi ăn có thể kèm với dưa góp hay kiệu thì càng ngon 10Khi ăn có thể kèm với dưa góp hay kiệu thì càng ngon Chúc các bạn thành công và đón Tết Nguyên đán vui vẻ trên đất Nhật.

    27/01/2021

  • Akihabara – Phố điện tử; Thiên đường Anime –

     Bạn có quan tâm và hứng thú với điều gì ở Nhật Bản? Có vẻ như trong mắt giới trẻ Việt đó là “Anime” và “Manga”, còn đối với người trung niên trở lên là “đồ điện tử”.  Nói đến đây, không thể không nhắc đến Akihabara ở Tokyo, một con phố có cả văn hóa đại chúng (pop culture) - Anime, Manga và đồ điện tử. Akihabara, viết tắt là (AKIBA), thuộc quận Chiyoda, nằm ở trung tâm 23 quận của Tokyo, là một cái tên rất thân thuộc với tất cả mọi người trên khắp thế giới. Akihabara có nhiều tên gọi như “phố điện tử”, “cứ điểm văn hóa pop của thế giới”…; đặc biệt nó được biết đến như “thiên đường của các Otaku”.  Otaku là một tiếng lóng trong tiếng Nhật chủ yếu ám chỉ những người yêu thích “Anime”, “Manga”, “Game”, “Cosplay”, ... Không chỉ người Nhật mà các Otaku nước ngoài khác cũng đổ về Akihabara để tìm cho mình những món đồ độc chỉ có bán tại đây.  Sau chiến tranh thế giới thứ II, ở Akihabara mọc lên rất nhiều cửa hàng bán đồ điện tử, phụ kiện và phát triển thành phố điện tử; đến ngày nay số lượng lớn đồ điện tử, phụ kiện vẫn được bán ra và còn có nhiều cửa hàng miễn thuế dành cho khách du lịch.  Trước kia, “Otaku” chỉ những người có thú vui mua rồi tháo lắp đài radio, thiết bị di động cầm tay,... ở Akihabara. Thời đại thay đổi, ý nghĩa của từ “Otaku” cũng thay đổi theo và trong lúc đó khách tham quan đã tăng lên. Chắc hẳn vì ở các cửa hàng có nhân viên nói được tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt... nên người nước ngoài có thể yên tâm mua sắm.  Ngoài ra, không thể bỏ qua sự tồn tại của các quán “café Maid”, nơi có thể thư thái cơ thể và tinh thần mỏi mệt sau khi mua sắm. Dường như đây cũng là lý do khiến Akihabara là một trong những điểm tham quan nổi bật ở Nhật thu hút du khách nước ngoài trên thế giới.  Vào ngày chủ nhật, “Thiên đường dành cho người đi bộ” - ngày Car-Free Day (Cấm đi xe) được thực hiện, nếu bạn tới Akihabara, chuyến tham quan và cuộc sống ở Tokyo của bạn sẽ trở nên trọn vẹn hơn đó. Nhất định hãy dành thời gian khám phá những điều mới lạ và trải nghiệm sự bất ngờ ở Akihabara nhé!

    24/11/2019

  • Suối nước nóng cho khỉ

     Bạn có biết tới điểm tham quan “Suối nước nóng cho khỉ” ở Nhật? Nằm ở “Công viên khỉ Jigokudani” thuộc khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Shiga Kogen, phía Bắc tỉnh Nagano. Đây là nơi duy nhất trên thế giới có thể nhìn thấy loài khỉ tuyết Nhật Bản ngâm mình trong suối nước nóng. Loài khỉ này được đăng trên tạp chí “LIFE” của Mỹ năm 1970, hơn nữa vào năm 1998_khi thế vận hội mùa đông tổ chức tại Nagano, có rất nhiều người đến từ các nước trong đó có cả vận động viên đã tới đây tham quan, và nơi đây trở thành đề tài nóng được thế giới biết đến với cái tên “Snow Monkey”. Hiện nay, đây là địa điểm du lịch mà nhiều người nước ngoài yêu thích đặc biệt là người Âu Mỹ.  Những chú khỉ trong công viên ngâm mình trong suối nước nóng để chống chọi lại cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông ở Jigokudani (hay còn gọi là thung lũng địa ngục), chủ yếu chỉ có khỉ cái và khỉ con tắm, con đực có vẻ như canh chừng kẻ địch bên ngoài để bảo vệ bày đàn của mình nên không vào. Mùa đông khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 sẽ dễ bắt gặp hình ảnh khỉ đang ngâm mình tắm nhưng vào tắm hay không còn tùy thuộc vào chúng, nên trước khi đi các bạn nhớ hãy cập nhật thông tin mới nhất trên website chính thức của Công viên khỉ Jigokudani.  Để đảm bảo an toàn và không làm tổn hại đến môi trường sinh thái, ở đây nghiêm cấm du khách không được cho khỉ ăn. Đó là quy định cần thiết để chúng ta có thể quan sát được dáng vẻ tự nhiên của khỉ nên các bạn hãy lưu ý. Sau khi ngắm nhìn đàn khỉ ngâm mình trong suối nước nóng, con người cũng có thể tắm suối nước nóng ở nhà trọ bên cạnh. Nếu may mắn, cũng có thể tắm chung ở nhà tắm lộ thiên cùng với khỉ.  Về cách di chuyển, bạn có thể đi bằng xe buýt và ô tô nhưng đến giữa chừng phải đi bộ mất 30~40 phút. Vì đi bộ đường núi tuyết nên các bạn cần chuẩn bị các cách chống lạnh và giày gai... Vào thứ bảy, chủ nhật, có xe buýt mini chạy (phải đặt trước), có thể rút ngắn được thời gian đi bộ còn khoảng 10 phút.  Ngoài ra, dù không phải loài “hoang dã” nhưng cũng có những địa điểm khác bạn có thể ngắm được điệu bộ các chú khỉ trong bồn tắm. Hãy thử “Chikozan Park Children's Zoo_Công viên sở thú trẻ em Chikozan” (thành phố Sayama, tỉnh Saitama), “Hakodate Tropical Botanical Garden_Vườn thực vật nhiệt đới Hakodate” (thành phố Hakodate, Hokkaido), “Kyoto City Zoo_Sở thú thành phố Kyoto” (thành phố Kyoto, thủ phủ Kyoto).  Ở Việt Nam cũng có điểm tham quan “Đảo khỉ” ở thành phố biển Nha Trang nhưng đối với một đất nước không có tuyết, không có văn hóa Onsen như Việt Nam thì khi nhìn thấy “Snow Monkey” chắc chắn bạn sẽ cực kỳ ngạc nhiên. Nếu đã cất công đến Nhật, nhất định hãy trải nghiệm điều tuyệt vời có một không hai này nhé!

    10/01/2020

  • Các món mỳ của Nhật Bản

     Nghe nói người Việt Nam chúng ta, dù đi du lịch, đi công tác, hoặc đi du học ở nước ngoài, trong hành lý ngoài những thứ cần dùng cho chuyến đi bao giờ cũng có thêm mỳ gói ăn liền. Ngoài lý do để tiết kiệm thời gian hoặc vì chân ướt chân ráo mới đến nơi, chưa quen với khẩu vị của món ăn nước đó thì còn 1 lý do nữa là: không biết trong những món ăn ở nước ngoài, món nào là món như thế nào. Món nào dễ ăn, món nào khó ăn…  Nếu khi ở trong nước, các bạn có thể biết món ăn Nhật Bản qua những món điển hình như sashimi, sushi, thì khi đến Nhật Bản sẽ thấy có muôn vàn các cửa hàng ăn bán các loại món ăn khác nhau. Từ món Nhật, món Trung Hoa, món châu Âu, món Việt Nam và món ăn của nhiều nước khác nhau. Mặc dù các quán ăn ở Nhật thường có những món ăn mẫu trưng bày ở phía trước cửa hoặc trên thực đơn cũng thường kèm theo ảnh để thực khách dễ hình dung nhưng chắc chắn không ít người trong chúng ta sẽ lúng túng không biết chọn món gì khi phải đi ăn ở ngoài.  Trong số những món ăn bình dân ở Nhật, các món mỳ được nhiều người ưa thích và hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn một số món mỳ phổ biến nhất.  Phổ biến nhất và dễ ăn nhất là món mỳ Ramen. Đây là món ăn vốn từ món mỳ nước của Trung Quốc đã được cải tiến đi cho phù hợp với thị hiếu của người Nhật. Món mỳ này có rất nhiều loại khác nhau, từ cách nêm nước dùng đến các loại cái bày lên trên mỳ. Tùy theo từng vùng cũng có kiểu “nêm gia vị riêng”. Ví dụ như ở Hokkaido người ta chủ yếu nấu nước dùng từ cá mòi nhỏ phơi khô. Ở Fukuoka thuộc khu vực Kyushu thì người ta lại hay dùng nước ninh từ xương lợn làm nước dùng. Có nơi dùng nước dùng từ tôm hoặc từ xương gà, tương tự như phở của Việt Nam. Gia vị để nêm cũng có nhiều loại từ nêm bằng xì dầu, muối, tương miso… Việc kết hợp các loại thực phẩm để nấu nước dùng và cách nêm nếm đã tạo ra hằng sa hà số các loại mỳ khác nhau.  Thường gặp nhất là Shoyu ramen, loại mỳ được chan nước dùng nêm vị xì dầu. Cái thường là một miếng thịt lợn xá xíu kiểu Nhật, vài lát măng ninh nhừ, một ít rong biển wakame hoặc rau chân vịt luộc và một miếng rong biển khô và hành thái nhỏ. Đôi khi có cửa hàng còn cho thêm một lát chả cá Naruto thái vát mỏng. Món mỳ Chashu ramen có vị giống như Shoyu ramen nhưng có nhiều thịt hơn, rất phù hợp với các bạn nam giới ăn khỏe và thích ăn thịt. ⒸMainichi Shinbun  Đối với các bạn nữ thích ăn có rau thì có món mỳ Gomoku soba, tạm hiểu là mỳ thập cẩm, nước dùng thường nêm muối, cũng có nơi dùng xì dầu. Mỳ này thường có các loại rau như rau cải thảo, cà rốt, hành tây xào với thịt, tôm, mực và cho thêm bột năng cho sánh và thường có thêm một quả trứng chim cút. Tương tự món mỳ thập cẩm này là món mỳ Chambon-men. Cái phía trên mỳ cũng dùng nhiều rau nhưng ít thịt và nhiều loại hải sản hơn và nước không dùng bột năng để làm sánh. ⒸMainichi Shinbun  Người Nhật rất thích cải tiến các món ăn của nước khác thành món ăn của mình. Việc dùng nhiều loại thực phẩm để nấu nước dùng là đặc điểm của người Nhật. Có thể nói mỳ Miso ramen, tức mỳ vị tương miso là một ví dụ đặc trưng. Nước dùng được nêm bằng tương miso, một loại gia vị chủ yếu trong ẩm thực Nhật Bản. Bên trên thường là thịt lợn băm xào nêm tương miso và ớt, cộng với giá xào với bắp cải và có thêm ngô ngọt luộc chín. Có lẽ lần đầu các bạn chưa quen với khẩu vị kiểu này, nhưng một khi đã quen rồi thì sẽ cảm thấy rất ngon.  Mấy năm trở lại đây, Nhật Bản xuất hiện món mỳ tsuke-men, tức là mỳ chấm. Mỳ trần chín được bày ra đĩa, kèm thêm bát nước chấm là nước dùng khá mặn nêm vị xì dầu trong bỏ thịt lợn xá xíu kiểu Nhật Bản. Khi ăn ta chấm mỳ vào bát nước dùng rồi ăn. Món này có thể nói tương tự như món bún chả của Việt Nam vậy.  Vào mùa Hè, người Nhật thường thích ăn món Hiyashi chuka, tức là món mỳ lạnh Trung Hoa. Mỳ trần chín để nguội, bày ra đĩa, phía trên bày các loại rau thịt ưa thích, ví dụ thịt xá xíu khiểu Nhật Bản, trứng tráng mỏng, dưa chuột… tất cả đều được thái chỉ, có nơi còn bày thêm cả tôm nõn hoặc thịt cua nữa. Khi ăn rưới nước sốt chua ngọt vào, trộn đều rồi ăn. Món này khá dễ ăn đối với người Việt Nam vì nó tương tự như món bún xào thịt bò vậy.  Ngoài những món mỳ Ramen phổ biến nhất như trên, Nhật Bản còn có rất nhiều món mỳ khác nữa. Mong rằng các bạn khi có thời gian hãy đi ra ngoài và tự mình khám phá thêm thế giới mỳ ở Nhật Bản nhé.

    13/04/2020

  • Tô cơm Nhật Bản-Cơm tô là đồ ăn nhanh của Nhật Bản-

        Đến Nhật khi một chữ cái bẻ đôi không biết nên mỗi lần phải đi ăn trưa một mình, tôi luôn chọn những quán bên ngoài có tủ kính bày mô hình các suất ăn giống y như thật để dễ gọi món. Các món cơm thường được bày theo suất có bát cơm nhỏ đặt cạnh bát canh tương miso, thịt hoặc cá làm món chính cùng chút dưa muối ăn kèm. Mì thì đựng trong bát tô với nước dùng cùng rau thịt phủ bên trên. Thế nên, tôi mặc định cơm là ăn theo suất, còn đựng trong bát tô lúc nào cũng là mì.    Phải cho đến một lần tình cờ “chọn” phải donburi, tôi mới biết hóa ra cũng có món cơm đựng trong bát tô. Đây là món ăn có cơm trắng xới vào bát tô, bên trên có phủ trứng, thịt, cá, rau… cùng nước sốt. Chỉ một bát cơm đủ các thành phần của suất ăn, đủ chất và nhanh gọn. Sau đây là một số món donburi phổ biến tại Nhật và theo cảm nhận của tôi là cũng hợp khẩu vị người Việt Nam.    1. Tendon (天丼) cơm phủ rau củ, thịt và hải sản tẩm bột rán (Tempura)    So với các món donburi khác, 1 bát tendon thường nhìn đầy đặn hơn với một con tôm to, miếng cá to tẩm bột vàng ruộm, miếng khoai lang, củ sen, cà tím, bí đỏ cắt khoanh bọc bột. Lớp bột mỏng phủ bên ngoài miếng cá, tôm giòn tan, rưới chút nước sốt thanh nhẹ pha từ nước dùng dashi, mirin, đường và xì dầu. “Chất” như vậy nên mỗi lần ăn tendon tôi đều no lặc lè đến tận chiều.   2. Katsudon (カツ丼) - Cơm phủ thịt lợn bọc bột chiên giòn và trứng đúc    Tên gọi của món ăn này xuất phát từ Tonkatsu, tức món thịt lợn cốt lết bọc bột rán rồi thái miếng. Thịt lợn rán xong được cho vào chảo có hành tây thái nhỏ ninh với nước xốt mặn ngọt, sau cùng rưới trứng đánh tan lên trên, đợi cho trứng chín vừa tới thì trút ra, phủ lên cơm, rắc chút lá mùi tây (mitsuba) thái nhỏ. À mà nghe nói, trước ngày thi, các sĩ tử thường ăn katsudon, bởi “katsu” đồng âm với từ chiến thắng. Thế nên bạn nào muốn an tâm thi cử thì cũng thử học người Nhật ăn katsudon trước ngày thi nhé.    3. Oyakodon (親子丼) – Cơm phủ trứng đúc thịt gà và hành tây ninh    Tôi được biết về món này khi học tiếng Nhật, cô giáo có giới thiệu tên món ăn là cơm mẹ - con (oya – ko) bởi dùng nguyên liệu là thịt và trứng gà. Nên đây là món donburi tôi nhớ tên nhanh nhất, và cũng đã thử nấu bởi cách nấu rất đơn giản nhưng ngon. Thịt gà với hành tây rim với nước dùng dashi và xì dầu, không có dầu mỡ nên vị thanh và ngọt. Sau cùng đổ trứng đánh tan vào, rắc chút hành và lá mitsuba thái nhỏ lên trên là chúng ta có món ăn thanh thoát cả mùi và vị. Ⓒ毎日新聞社    4. Gyudon (牛丼)– Cơm phủ thịt bò    Đây là món nấu bằng thịt bò ba chỉ và hành tây ninh nước dùng mặn ngọt. Đây có thể nói là một trong những món donburi phổ biến nhất, ngon miệng mà giàu dinh dưỡng. Thường thì người Nhật đập thêm 1 quả trứng sống lên trên thịt bò rồi trộn đều, ăn cùng cơm nóng không hề thấy tanh mà dẻo dẻo. Ở Nhật có những cửa hàng chuyên bán món kyudon này. Nếu đến Nhật, các bạn thử đi ăn xem sao nhé.    5. Kaisen don (海鮮丼)    Cơm phủ cá và hải sản tươi sashimi. Phải thú thật là sau 2 năm sống ở Nhật tôi mới mạnh dạn dám thử món này, vì lúc đó mới ăn được cá sống sashimi. Bát kaisendon với những lát cá ngừ Meguro vuông vắn đỏ trong veo như ngọc, cá hồi màu cam lóng lánh, mực tôm sò điệp nõn nà đặt trên cơm trắng, nổi bật trong tô cơm màu đen vô cùng ngon mắt, khi ăn rưới chút xì dầu trộn wasabi. Dùng cơm nóng với hải sản tươi, cảm giác rất khác khi ăn cơm sushi, các bạn thử xem nhé. Donburi là một món ăn nhanh gọn, đủ chất nên nhiều người gọi donburi là fastfood – thức ăn nhanh của Nhật. Các bà mẹ bận rộn cũng có thể nấu donburi khi không có thời gian bày biện nhiều món hoặc có thể tận dụng các thực phẩm còn thừa trong tủ và mọi người có thể sử dụng vô số nguyên liệu khác nhau và sáng tạo ra nhiều món mới. Các bạn cũng thử xem sao nhé.

    15/04/2020

  • Các loại bánh kẹo được yêu thích nhất ở Nhật Bản

      Nhắc đến bánh kẹo Nhật, không chỉ người Việt Nam mà cả những người nước ngoài khác trên thế giới chắc hẳn đều hiện lên trong đầu ấn tượng: "phong phú", "ngon", "đẹp mắt".   Không hề nói quá khi gọi Nhật Bản là thiên đường bánh kẹo. Bánh kẹo được bày bán nhiều ở cửa hàng tiện lợi combini - một nơi không thể thiếu trong cuộc sống ở Nhật với nhiều loại đa dạng: từ những sản phẩm được ưa chuộng nhiều năm cho đến những sản phẩm chỉ bán trong thời gian ngắn hay sản phẩm mới... Ở các tỉnh thành, địa phương trên cả nước cũng có nhiều thương hiệu bánh kẹo khác nhau, có những loại sử dụng nguyên liệu địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Ở Việt Nam không phải không có các loại bánh kẹo đặc trưng riêng của từng vùng nhưng ở Nhật Bản phong phú hơn về chủng loại.  Về hương vị và thiết kế của bánh kẹo Nhật, tôi nghĩ nhiều người đã biết tới. Không chỉ cảm nhận độ ngon bằng lưỡi mà còn thưởng thức bằng mắt và bằng tim, đây là một trong những nét văn hóa của Nhật Bản. Ngoài ra, trong văn hóa bánh kẹo của Nhật còn có sự kết hợp giữa bánh kẹo hiện đại với nguyên liệu truyền thống như vị trà xanh, đậu đỏ..., đã tạo nên một loại hình mới. Kỹ thuật sản xuất bánh kẹo này của Nhật được thế giới đánh giá rất cao, và kỹ thuật đáng ngạc nhiên ấy còn ẩn giấu ở ngay cả những loại bánh kẹo ăn vặt phổ thông như snack.     Ví dụ, phải kể đến Pocky - một sản phẩm ngon tuyệt hảo được bán chạy trong nhiều năm, với thanh bánh quy giòn tan bọc bởi một lớp sô cô la đậm đà. Việc duy trì được chất lượng lâu năm như vậy chắc chắn phải nhờ vào kỹ thuật sản xuất cao.  Có những xưởng sản xuất bánh kẹo cho phép vào tham quan nếu đặt lịch trước, vì vậy các bạn hãy thử tìm kiếm "Okashi Koujou Kengaku - Tham quan xưởng sản xuất bánh kẹo". Ăn các loại bánh kẹo mà bạn đã xem quy trình sản xuất có lẽ sẽ cảm thấy ngon hơn hẳn ấy.  Sau đây, tôi xin phép giới thiệu 5 loại tuyệt nhất trong số những loại bánh kẹo tôi đã ăn. Nếu có cơ hội các bạn cũng hãy ăn thử nhé. Tokyo Banana (Bánh chuối Tokyo) Shiroi Koibito (Người yêu trắng) Hokkaido Nama Chocolate (Sô cô la tươi) Royce Warabi Mochi vị Matcha (vị trà xanh) KitKat các vị

    03/11/2019

Đơn vị vận hành

Nhà tài trợ Bạch Kim

Đơn vị hỗ trợ

  • Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
  • Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
  • Văn phòng JNTO Hà Nội
  • Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
  • Hội Việt Nam (JAVN)
  • Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
  • Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế

Đơn vị hợp tác

Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)

Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài

WA.SA.Bi.

Danh mục

  • Khác biệt văn hoá

    Khác biệt văn hoá

  • Sinh hoạt - Chi phí

    Sinh hoạt - Chi phí

  • Xuất nhập cảnh - Visa

    Xuất nhập cảnh - Visa

  • Làm thêm - Xin việc

    Làm thêm - Xin việc

  • Bốn mùa - Du lịch

    Bốn mùa - Du lịch

  • Hỗ trợ người nước ngoài

    Hỗ trợ người nước ngoài

  • Cộng đồng

    Cộng đồng

  • Bí quyết học tiếng Nhật

    Bí quyết học tiếng Nhật

  • Y tế - Sức khoẻ

    Y tế - Sức khoẻ

  • Nhà hàng - Siêu thị Việt

    Nhà hàng - Siêu thị Việt

  • Thực tập kỹ năng

    Thực tập kỹ năng

  • Kỹ năng đặc định

    Kỹ năng đặc định

  • Nhân lực chất lượng cao

    Nhân lực chất lượng cao

  • Du học

    Du học

  • Phòng chống thiên tai

    Phòng chống thiên tai