Blog | Tin mới nhất
“Lớp tiếng Nhật tình nguyện" đã giúp ích rất nhiều cho du học sinh và thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với những ai học ở các lớp này vẫn thấy chưa đủ, hoặc không có lớp học như vậy ở gần nơi mình sinh sống thì nên làm thế nào? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về Lotus Works, tổ chức pháp nhân phi lợi nhuận đang tổ chức các lớp học một thầy một trò online miễn phí. Lớp học một thầy một trò qua điện thoại video Giáo viên tình nguyện nói chuyện với học sinh qua mạng ...
Người nước ngoài cũng có thể dễ dàng đăng ký SIM giá rẻ ở Nhật Bản
04/02/2024Lừa đảo vé máy bay – đâu là những thủ đoạn và dấu hiệu?
26/11/2022Các cửa hàng bán thực phẩm Việt Nam – Tỉnh Aichi
24/03/2022Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Dựa trên kết quả khảo sát thực hiện trên mạng xã hội, chúng tôi xin tổng kết một số thông tin về đời sống của người Việt ở Nhật Bản (bao gồm bánh kẹo, món ăn ngoài, quần áo...) như sau. Đây là loạt bài có tên là “Hỏi ý kiến 100 người Việt ở Nhật Bản”. Dựa trên kết quả khảo sát thực hiện qua mạng xã hội, chúng tôi đã tổng kết được một số thông tin về đời sống của người Việt Nam đang cư trú dài hạn (hoặc định cư) ở Nhật Bản (bao gồm các loại bánh kẹo, món ăn ngoài, quần áo...). Q. Hỏi ý kiến 100 người Việt trẻ tuổi sống tại Nhật Bản: “Khi về Việt Nam chơi, bạn mua (hoặc đã mua) loại bánh kẹo nào làm quà?” ➡Thứ 1:Kitkat (49%) Thứ 2:Meiji (sô-cô-la) (17%) Thứ 3:Tokyo banana (8%) Chúng tôi đã nhờ người tham gia khảo sát chọn ra 2 trong số 6 lựa chọn bao gồm 5 loại bánh kẹo được người Việt Nam ở Nhật đánh giá cao và 1 lựa chọn “loại khác”. Kết quả là Kitkat chiếm đến 49% số lượng câu trả lời hợp lệ, vượt trội lên ở vị trí thứ nhất. Thứ 2 là sô-cô-la của hãng Meiji. Món bánh “Tokyo banana”, chủ yếu chỉ có thể mua được ở quanh khu vực thủ đô, vượt qua món bánh “Shiroikoibito” của Hokkaido để giành vị trí thứ 3. Kitkat là loại bánh kem xốp bọc sô-cô-la, được bán ở Anh từ lâu. Ở Nhật Bản, công ty Fujiya bắt đầu bán loại bánh này từ năm 1973 và hiện nay công ty Nestlé đang tiếp nối công việc này. Ở nhiều địa điểm tham quan còn có loại Kitkat "đặc sản của vùng". ◆ Các loại Kitkat đặc sản của vùng ◆ Tokyo banana Bạn có thể mua bánh Tokyo banana ở các nhà ga Tokyo, Shinagawa, Ueno, Shinjuku, Ikebukuro, Omiya, Yokohama, Shin Yokohama... hoặc các sân bay (Haneda, Narita, Chubu Kokusai...) ◆ Tokyo banana Bạn có thể mua bánh Tokyo banana ở các nhà ga Tokyo, Shinagawa, Ueno, Shinjuku, Ikebukuro, Omiya, Yokohama, Shin Yokohama... hoặc các sân bay (Haneda, Narita, Chubu Kokusai...) Q. Hỏi ý kiến 100 người Việt trẻ tuổi sống tại Nhật Bản: “Bạn thường hay ăn ngoài ở quán ăn nào?” ➡Thứ 1: Sushi băng chuyền (23%) Thứ 2: Gyudon (cơm thịt bò) (20%) Thứ 3: Mì ramen (19%) Quán sushi băng chuyền chiếm 23% số câu trả lời và giành vị trí thứ nhất! Quán gyudon và ramen đứng ở các vị trí tiếp theo, có số lần được lựa chọn suýt soát nhau. Các quán sushi đắt tiền thì quả là tốn kém, nhưng quán sushi băng chuyền khoảng 100 yên/đĩa thì được cả người Việt và người Nhật yêu thích. Ngoài ra, chúng tôi rất mong khách ghé thăm ngắn ngày cũng thử ăn món ramen nổi tiếng thế giới của Nhật Bản. Trong thời gian ở Nhật, các bạn hãy ăn thử và so sánh hương vị của các quán ramen nổi tiếng xem sao nhé. Tiếp nối từ vị trí thứ 4 trở xuống là “quán udon, soba”, “chuỗi quán ăn gia đình”, “quán ăn Trung Hoa”, “cửa hàng ham-bơ-gơ”. Q. Hỏi ý kiến 100 người Việt trẻ tuổi sống tại Nhật Bản: “Bạn thích món ăn nào của Nhật Bản?” ➡Thứ 1: Sushi (24%) Thứ 2: Gyudon (cơm thịt bò) (15%) Thứ 3: Sashimi (15%) Thứ 4: Mì Ramen (15%) Chúng tôi nhờ người tham gia khảo sát chọn ra 3 món ăn Nhật yêu thích nhất, và chẳng có gì bất ngờ, ”sushi” đã giành vị trí cao nhất. Các món đứng từ thứ 2 đến thứ 4 là gyudon, sashimi và ramen với tỉ lệ lựa chọn gần như bằng nhau. Q. Hỏi ý kiến 100 người Việt trẻ tuổi sống tại Nhật Bản: “Bạn mua quần áo mặc hằng ngày ở đâu? Bạn hay mua quần áo của hãng nào nhất?” ➡Thứ 1: UNIQLO (39%) Thứ 2: GU (18%) Thứ 3: Zara (17%) Thứ 4: H&M (16%) UNIQLO là nhãn hàng chiếm vị trí thứ nhất. UNIQLO có cửa hàng ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản và bán hàng cả qua mạng. Theo lời một bạn nữ người Việt trong độ tuổi 20 (là nhân viên công ty) thường hay mua quần áo UNIQLO làm quà mang về Việt Nam thì “các loại áo khoác chống tia UV hay áo khoác siêu nhẹ rất được ưa chuộng”. Ở vị trí thứ 2 đến thứ 4 là các nhãn hiệu GU, ZARA, H&M với tỉ lệ được lựa chọn suýt soát nhau. Đứng vị trí thứ 5 là nhãn hiệu Shimamura nổi tiếng với mức giá phải chăng. Các bạn thấy thế nào về bài viết “Hỏi ý kiến 100 người Việt trẻ tuổi sống tại Nhật Bản (về bánh kẹo, món ăn ngoài, quần áo)” ạ? Các bạn người Việt mới sang Nhật, những người sắp sửa sang Nhật hãy tham khảo bài viết này nhé. ※ Đối tượng khảo sát lần này chủ yếu là người Việt trong độ tuổi 20, 30 (bao gồm du học sinh, nhân viên công ty, thực tập sinh kỹ năng, người theo visa gia đình...), trong đó khoảng 70% là nữ giới.
25/12/2020
Gần đây mình đã “xoay như chong chóng” với “các thủ tục hành chính” liên quan đến việc tiêm vắc xin COVID-19, mỗi nhân viên hành chính lại nói một kiểu, chẳng ai nhận trách nhiệm về mình. Nhật Bản là một đất nước có nhiều dịch vụ tư nhân đa dạng với sự góp mặt của các trung tâm thương mại, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, v.v. nhưng thật đáng tiếc là một số cơ quan hành chính nhà nước lại làm việc không linh hoạt. Mình sẽ kể lại trải nghiệm của mình qua bài viết này. 〈Vân Hoàng〉 Thủ tục hành chính thiếu linh hoạt Mình học thạc sĩ ở Đại học Ngoại Ngữ Tokyo tới hết tháng 9 năm 2021 và từ tháng 10 mình bắt đầu làm việc tại một công ty ở Tokyo. Trước khi đi làm, mình sống trong ký túc xá của trường ở thành phố Fuchu (Tokyo) nhưng từ cuối tháng 9 thì mình chuyển đến sống ở quận Kita (cũng thuộc Tokyo). Vào tháng 8, mình đã nhận được phiếu tiêm chủng vắc xin COVID-19 nên mình đã tiêm mũi đầu tiên tại thành phố Fuchu. Sau khi chuyển nhà, mình định tiêm mũi thứ 2 thì gặp phải khó khăn trong cách xử lý của các cơ quan hành chính. Mình sẽ trình bày chi tiết hơn ở bên dưới. Sau khi nhận được phiếu tiêm, mình lên kế hoạch như sau: ❶ Ngày 14 tháng 9: Tiêm mũi thứ 1 ❷ Ngày 24 tháng 9: Tham dự lễ tốt nghiệp khoá thạc sĩ tại trường ❸ Ngày 26 tháng 9: Làm thủ tục thay đổi địa chỉ chỗ ở (Toà thị chính thành phố Fuchu) ❹ Ngày 30 tháng 9: Chuyển nhà ❺ Ngày 1 tháng 10: Làm thủ tục chuyển đến (Toà thị chính quận Kita) ❻ Ngày 5 tháng 10: Tiêm mũi thứ 2 Kết quả là… ❶ Mình đã tiêm mũi đầu tiên ở thành phố Fuchu vào ngày 14 tháng 9 mà không gặp vấn đề gì. Ở hội trường tiêm, mình đã cho họ xem thẻ bảo hiểm. Sau khi tiêm xong, họ nói với mình là “Mũi thứ 2 cũng tiêm ở đây nhé” và đưa cho mình tờ giấy hướng dẫn. ❸ Vào ngày 26 tháng 9, sau khi làm thủ tục chuyển đi ở toà thị chính thành phố Fuchu, ở quầy phụ trách thẻ bảo hiểm, một nhân viên hành chính lớn tuổi đã nói với mình là “Thẻ bảo hiểm của cháu sẽ hết hiệu lực từ ngày 30 tháng 9, hãy cho thẻ vào phong bì này và gửi lại cho chúng tôi qua đường bưu điện”. Mình đã hỏi “Cháu định đi tiêm mũi thứ 2 vào ngày 10 tháng 5 ở thành phố Fuchu. Nếu không có thẻ bảo hiểm thì có được tiêm không?”. Bác phụ trách đã trả lời là, “Cháu có mã số cá nhân (My number card) đúng không nào? My number card là một loại thẻ chứng minh danh tính “mạnh” hơn cả thẻ bảo hiểm nên hãy mang nó đến hội trường tiêm để cho họ xem thẻ đó là được”. ❹❺ Nghe vậy, mình yên tâm chuyển đi và làm thủ tục chuyển đến ở toà thị chính quận Kita. ❻ Thế nhưng, vào ngày 5 tháng 10, mình đến hội trường tiêm lần trước, sau khi điền địa chỉ mới vào phiếu khảo sát trước khi tiêm, người phụ trách ở đó nói với mình, “Em không còn là người dân của thành phố Fuchu nên không được tiêm ở đây nữa”. Mình hỏi về việc tiêm chủng trước đó rồi nên mình nghĩ sẽ không có vấn đề gì và trung thực viết địa chỉ mới, vậy mà… Không kiện ai được… Mình đã thử lập luận như thế này. “Mũi 1 và mũi 2 phải đăng kí đồng thời phải không?” “Khi làm thủ tục chuyển đi ở thành phố Fuchu, nhân viên hành chính đã nói với em là có thể tiêm mũi 2 ở đây.” “Việc tiêm chủng được thực hiện theo chế độ đặt trước nên vắc xin để tiêm cho em đã được chuẩn bị rồi. Nếu không tiêm cho em thì vắc xin đó sẽ được xử lý như thế nào?” Thế nhưng, chị phụ trách đó không bàn bạc với ai về thắc mắc của mình mà chị ấy chỉ lặp đi lặp lại câu “theo nguyên tắc, lần này bạn không được tiêm ở đây”. Chỉ cần người phụ trách thử hỏi ý kiến cấp cao hơn giúp mình thì dù kết quả không có gì thay đổi, mình cũng cảm thấy thuyết phục hơn. Chị ấy nghe mình nói nhưng cũng như không, chỉ lặp đi lặp lại một câu trả lời như cái máy vậy. Mình mới nghĩ trong đầu, “Thế này thì có khác gì thủ tục hành chính ở Việt Nam đâu!” Mình đành bỏ cuộc. Sau đó, chị ấy có gọi cho Trung tâm tiêm chủng vắc xin của quận Kita để thông báo về trường hợp của mình. Đầu dây bên kia trả lời, “Quận Kita sẽ cấp phiếu tiêm chủng mới, nên hãy đăng kí tiêm mũi 2 ở quận Kita nhé”. Cách xử lý linh hoạt của phòng khám đã “cứu” mình Hôm sau, mình tâm sự với đồng nghiệp trong công ty về chuyện tiêm vắc xin. Ngay lập tức, chị ấy giới thiệu cho mình một vài website có thể đặt lịch tiêm online. Trong số đó, có một trang đăng tải danh sách các phòng khám có thể tiêm vắc xin trong quận Kita, nên mình đã thử gọi cho một phòng khám gần nhà. Phòng khám đó trả lời mình là, “Theo nguyên tắc phải đăng kí mũi 1 và mũi 2 đồng thời, bạn không thể chỉ hẹn tiêm mũi 2. Tuy nhiên, nếu có người huỷ tiêm thì chúng tôi sẽ liên lạc lại”. Sau đó chừng 10 ngày, sáng ngày 15 tháng 10, phòng khám đó gọi cho mình và nói, “Đã có người huỷ lịch hẹn. Bạn có thể đến tiêm vào hôm nay hoặc ngày mai không?”. Và thế là mình đã hoàn thành mũi thứ 2! Lời nói của nhân viên hành chính mỗi lần một kiểu Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây. Mình vẫn cần làm thủ tục dán tem chứng nhận đã hoàn thành việc tiêm chủng. Lần đi tiêm mũi 2, phòng khám gọi cho Trung tâm tiêm chủng vắc xin để hỏi về việc này và nhận được câu trả lời là, “Chúng tôi sẽ cấp phiếu tiêm, hãy mang phiếu đó tới phòng khám để họ dán lên giấy chứng nhận”. Vậy mà, chờ mãi nhưng không thấy phiếu tiêm được chuyển đến, mình tự gọi đến Trung tâm xem sao. Một nhân viên nhận điện thoại khi đó nói là, “Với trường hợp này, nếu không làm thủ tục đăng kí, chúng tôi không thể phát hành phiếu tiêm mới”. Khi được hỏi về thông tin cá nhân, mình cung cấp rất chi tiết và nhờ họ làm thủ tục qua điện thoại. Sau đó, mình vẫn không thấy phiếu tiêm được chuyển đến, mình gọi lại cho Trung tâm đó một lần nữa vào ngày 11 tháng 11. Mình nhận được câu trả lời là “Sau khi đăng kí, phải mất khoảng 3 tuần mới phát hành được phiếu tiêm, hãy vui lòng đợi thêm 1 tuần nữa”. Ngay ngày hôm sau, Trung tâm gọi cho mình và nói, “Chúng tôi không thể cấp phiếu tiêm mới vì xác nhận được bạn đã tiêm đủ 2 mũi”. Mình đã quá mệt với cách xử lý mà mỗi người nói một kiểu như thế này, mình đáp lại là, “Vâng, tôi hiểu rồi”. Tổng kết Phiếu tiêm của mình vẫn chỉ có 1 tem chứng nhận đã tiêm… Mình xin tóm tắt lại cách giải thích và xử lý không thống nhất trong khâu hành chính như sau: 〈Thành phố Fuchu〉 ・ Ngày 26 tháng 9 (Người phụ trách thẻ bảo hiểm): “Nếu có My number card, cháu sẽ được tiêm mũi thứ 2 mà không gặp vấn đề gì” ・ Ngày 5 tháng 10 (Người phụ trách tại hội trường tiêm) “Em không còn là người dân của thành phố Fuchu nên không được tiêm ở đây” 〈Trung tâm tiêm chủng vắc xin của quận Kita〉 ・ Ngày 5 tháng 10 (Người A) “Tuần sau chúng tôi sẽ cấp phiếu tiêm mới” ・ Ngày 15 tháng 10 (Người B) “Trong tuần này phiếu tiêm sẽ được chuyển đến, hãy mang phiếu đó tới phòng khám” ・ Ngày 28 tháng 10 (Người C) “Đối với những người mới chuyển đến, nếu không làm thủ tục đăng kí thì chúng tôi không thể cấp phiếu mới” ・ Ngày 11 tháng 11 (Người D) “Việc phát hành phiếu tiêm mới sẽ mất khoảng 3 tuần kể từ ngày đăng kí” ・ Ngày 12 tháng 11 (Người E) “Bạn đã tiêm đủ 2 mũi rồi nên chúng tôi không thể phát hành phiếu tiêm mới” Nhìn lại cả quá trình, rõ ràng là mỗi người giải thích theo một kiểu khác nhau, không ai có trách nhiệm với phát ngôn của mình và theo sát đến cùng cả. Mình từng gặp cách xử lý tương tự thế này ở Việt Nam rồi, nhưng ở một đất nước mà dịch vụ tư nhân phát triển và văn minh như Nhật Bản, thủ tục hành chính lại nhiêu khê, kém hiệu quả và thiếu trách nhiệm làm mình khá bất ngờ. Tuy vậy, các cơ quan hành chính của Việt Nam vẫn có những biện pháp xử lý không “chính thống” cho lắm. Nếu bạn có người quen, rồi nhờ được ai đó có “tiếng nói” một tí, thì vấn đề của bạn sẽ được giải quyết thật dễ dàng chỉ với một cuộc gọi điện thoại. Cơ quan hành chính của Nhật thì không có những chuyện như vậy, nói là “trong sạch” thì đúng là “trong sạch” thật, nhưng bỏ ra nhiều công sức và thời gian mà cuối cùng thì vấn đề vẫn không được giải quyết triệt để. Kết cục là trên giấy xác nhận của mình vẫn chưa được dán tem đã tiêm mũi 2. Chẳng hạn, khi cần về Việt Nam ngắn ngày, mình cần có chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi nếu định lấy hộ chiếu vắc xin. Họ nói, có thể xin cấp một tờ giấy chứng nhận khác để thay thế bằng cách gửi giấy tờ qua đường bưu điện, nhưng vì chưa làm nên mình vẫn hơi lo không biết thực tế mọi chuyện có suôn sẻ hay không.
07/12/2021
Việt Nam từng được đánh giá là “có thành tích xuất sắc trong công cuộc chống dịch COVID-19”, nhưng từ tháng 5 vừa qua, số ca nhiễm lại tăng vọt và lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Việc tiếp nhận vắc-xin COVID-19 của Việt Nam hiện đang chậm trễ hơn so với các nước trong khu vực, dự kiến đến hết năm nay sẽ tiêm phòng được cho 75% dân số. Ngày 16/6, khoảng 1 triệu liều vắc-xin do chính phủ Nhật Bản viện trợ miễn phí đã được vận chuyển sang Việt Nam bằng đường hàng không, máy bay chở lô vắc-xin nói trên đã hạ cánh xuống Hà Nội ngay trong ngày. Nhật Bản viện trợ miễn phí vắc-xin Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều vắc-xin do hãng AstraZeneca của Anh sản xuất. Đây là đợt viện trợ miễn phí vắc-xin cho nước ngoài thứ 2 sau đợt ủng hộ vắc-xin cho Đài Loan. Ngoài Nhật Bản, Việt Nam cũng có kế hoạch tiếp nhận vắc-xin viện trợ từ các quốc gia khác. Bộ Y tế Việt Nam nêu rõ mục tiêu đến cuối năm nay sẽ có 150 triệu liều vắc-xin, đủ để tiêm cho khoảng 75% dân số. Trong số đó, ngoài vắc-xin tiếp nhận từ nước ngoài, sẽ có cả vắc-xin do Việt Nam tự sản xuất trong nước. Số ca nhiễm tăng vọt kể từ tháng 5 Tại Việt Nam, từ tháng 5 vừa qua, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng vọt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 26/5, Việt Nam có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất là 470 ca. Bước sang tháng 6, số ca nhiễm mới được công bố tại Việt Nam vẫn ở con số vài chục ca mỗi ngày trong nhiều ngày liên tiếp. Mặc dù Việt Nam đã áp dụng triệt để chính sách hạn chế nhập cảnh và cách ly, kiểm soát được số ca lây nhiễm và được thế giới đánh giá là “có thành tích xuất sắc trong việc chống dịch COVID-19”, nhưng thời gian gần đây, số ca nhiễm không rõ nguồn lây tăng lên và dịch bệnh bùng phát trở lại. Phát hiện biến thể vi-rút mới tại Việt Nam Ngày 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long công bố rằng tại Việt Nam đã phát hiện biến thể vi-rút mới có cả đột biến của biến thể phát hiện tại Ấn Độ và Anh. Sau đó, chuyên gia của WHO giải thích rằng “đây không phải là biến thể kết hợp của 2 loại trên mà là phái sinh từ biến thể Ấn Độ”. Mặc dù biến thể mới này được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với các chủng vi-rút từ trước đến nay, nhưng WHO cho rằng “các biện pháp điều trị cũng như vắc-xin đang áp dụng từ trước đến nay vẫn có hiệu quả đối với 4 biến thể vi-rút khiến nhiều người lo ngại được phát hiện tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn độ”. Khi biết tin Việt Nam phát hiện biến thể mới, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp phòng dịch đối với người nhập cảnh từ Việt Nam. Từ trước đến nay, người từ Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản được yêu cầu tự cách ly trong vòng 14 ngày, nhưng từ nay, trong 14 ngày cách ly thì 6 ngày đầu phải lưu trú tại cơ sở do cơ quan kiểm dịch chỉ định. Ngoài ra, người nhập cảnh sẽ phải làm xét nghiệm vào các ngày thứ 3 và thứ 6 kể từ khi nhập cảnh vào Nhật Bản. Nỗ lực điều phối vắc-xin Thông tin cho biết đến cuối tháng 5, tỉ lệ tiêm vắc-xin tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 1%, thấp nhất trong số 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống nga Putin nhờ trợ giúp Việt Nam trong việc cung ứng vắc-xin. Cho đến nay, ngoài vắc-xin do công ty AstraZeneca của Anh sản xuất, Chính phủ Việt Nam còn cấp phép sử dụng cho vắc-xin Sputnik V của Nga. Sang tháng 6, Việt Nam tiếp tục cấp phép cho vắc-xin do Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Bộ Y tế cho biết dự kiến trong năm nay sẽ có được 150 triệu liều vắc-xin. Ngoài việc đề nghị chính phủ các nước và các hãng dược phẩm hợp tác, bộ còn hướng tới cho các công ty dược phẩm trực thuộc tham gia mua vắc-xin.
17/06/2021
Mấy ngày qua, dịch COVID-19 lại bùng phát mạnh ở Nhật Bản. Bài viết này sẽ tổng kết lại các biện pháp cơ bản và các điểm cần lưu ý để phòng tránh dịch bệnh trước khi thời tiết thực sự bước vào mùa Đông, mùa của bệnh dịch lây nhiễm hằng năm. Đeo khẩu trang, rửa tay, khử trùng tay, súc miệng Biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất là đeo khẩu trang. Sử dụng siêu máy tính “Fugaku” để phân tích sự phát tán giọt bắn khi ho, người ta biết rằng dù đeo khẩu trang bằng vải không dệt hay khẩu trang vải thông thường đều có thể hạn chế 80% lượng giọt bắn. Mặt khác, cũng thông qua phân tích trên siêu máy tính “Fugaku”, người ta biết rằng kể cả khi đeo tấm chắn mặt thì một lượng lớn các giọt bắn nhỏ vẫn lọt ra ngoài qua các chỗ hở. Rửa tay, khử trùng tay và súc miệng cũng là các biện pháp phòng dịch rất quan trọng. Không chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang Khi tháo hay điều chỉnh khẩu trang, đừng chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang mà hãy cầm vào phần quai đeo. Ngoài ra, khi tháo khẩu trang xong thì hãy nhớ rửa tay sạch sẽ. Theo trang web của viện nghiên cứu phòng chống vi-rút, vi khuẩn. Theo trang web của viện nghiên cứu phòng chống vi-rút, vi khuẩn. 5 bối cảnh có nguy cơ lây nhiễm cao “Ban cố vấn” gồm các chuyên gia đưa ra các lời khuyên cho Bộ Y tế Nhật Bản về biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã nêu ra “5 hoàn cảnh” có nguy cơ lây nhiễm cao như sau: ① Nhiều người cùng sống chung trong không gian chật hẹp ② Di chuyển từ nơi này sang nơi khác ③ Liên hoan, tiệc tùng có uống rượu bia ④ Ăn uống đông người trong thời gian kéo dài ⑤ Trò chuyện mà không đeo khẩu trang Ví dụ về hoạt động ①: Kí túc xá của du học sinh hoặc thực tập sinh kỹ năng. Có một số trường hợp được cho là xảy ra lây nhiễm do nhiều người dùng chung phòng hoặc nhà vệ sinh kí túc xá. Ví dụ về bối cảnh ②: Một số trường hợp bị nghi là lây nhiễm trong phòng nghỉ, phòng hút thuốc hoặc phòng thay đồ ở chỗ làm. Ví dụ về bối cảnh ③: Khi đã uống say, bạn bè lại đông đúc thì dễ trò chuyện lớn tiếng khiến lượng giọt bắn tăng lên. 5 điểm cần lưu ý khi ăn liên hoan, tiệc tùng Khi đã uống rượu, lại có đông bạn bè thì mọi người thường trò chuyện lớn tiếng, khiến lượng giọt bắn tăng lên. Hơn nữa, khi đi nhậu tiếp tăng 2, tăng 3 thì thời gian tiếp xúc dài hơn khiến nguy cơ lây nhiễm tăng lên. Vì vậy, thủ đô Tokyo đưa ra 5 đề xuất dưới đây khi liên hoan, tiệc tùng: ① Tổ chức liên hoan “ít người” ② Tổ chức liên hoan “thời gian ngắn”, (ví dụ như chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ) ③ “Nói chuyện nhỏ nhẹ” khi liên hoan ④ Chia đồ ăn thành các “đĩa nhỏ” ⑤ “Thường xuyên” rửa tay, khử trùng tay, đeo khẩu trang, thông khí Cán bộ của Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu của Nhật Bản chỉ ra rằng “Tiếp xúc với nhau trong thời gian dài, tháo khẩu trang ra để ăn uống trong thời gian dài, đi nhậu liên tiếp nhiều quán khác nhau, nói chuyện lớn tiếng v.v. là những hành vi có nguy cơ lây nhiễm cao.” Lời kêu gọi “Đeo khẩu trang trước và sau khi ăn” của nhà hàng
25/11/2020
Năm nay, số người muốn tiêm phòng cúm có khả năng gia tăng Dịch cúm thường xảy ra vào mùa Đông ở Nhật Bản. Hiện vắc-xin phòng bệnh COVID-19 đang được phát triển, còn vắc-xin phòng bệnh cúm mùa thì đã có từ lâu. Do dịch bệnh vi-rút corona vẫn đang tiếp diễn nên nếu chẳng may bị cúm và bị sốt cao, dễ bị ngờ là bị bệnh do vi-rút corona chủng mới. Để tránh tình trạng này nên dự kiến, năm nay số người muốn tiên chủng vắc-xin cúm sẽ gia tăng. Vả lại việc tiên vắc-xin cúm cũng có thể ngăn không để bệnh dễ biến chứng nặng nếu chẳng may bị lây cả cúm mùa và COVID-19 cùng một lúc. Hiệu quả của việc tiêm vắc-xin Vắc xin phòng cúm có 2 tác dụng là "ngăn chặn sự khởi phát ngay cả khi bị nhiễm vi-rút" và "ngăn bệnh trở nên trầm trọng sau khởi phát." Bên cạnh việc phòng chống vi rút xâm nhập cơ thể như rửa tay súc miệng, tránh tiếp xúc với nguồn nhiễm, đeo khẩu trang... thì việc tiêm vắc xin là một giải pháp lựa chọn để bảo vệ cơ thể. Gần 20 năm là một nhân viên y tế thuộc đối tượng bắt buộc phải tiêm phòng cúm vi rút flu nên cá nhân mình đánh giá tiêm phòng là cần thiết và nên thực hiện. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, năm nay dự kiến lượng vắc-xin đủ cho khoảng 63.000.000 người. Đây là số lượng được chuẩn bị nhiều nhất trong 5 năm qua. Mặc dù số lượng vắc xin được chuẩn bị nhiều như vậy nhưng do ảnh hưởng của COVID 19 nên vẫn dự đoán là thiếu so với nhu cầu muốn tiêm phòng của người dân. Cũng như mọi năm, năm nay với đối tượng ưu tiên đã được tiêm từ ngày 1/10 và những đối tượng còn lại sẽ có thể tiêm từ 26/10 tại các phòng khám và bệnh viện. Các đối tượng ưu tiên tiêm phòng cúm mùa - Người từ 65 tuổi trở lên - Nhân viên y tế - Người có bệnh nền - Phụ nữ có thai - Trẻ em (từ trên 6 tháng) đến hết lớp 2 tiểu học Chi phí Chi phí cũng tùy vào đối tượng ưu tiên hay không mà địa phương, nơi công tác sẽ đánh giá hỗ trợ để “miễn phí tiêm phòng hay giảm giá”. Khi không có hỗ trợ thì chi phí tiêm phòng dao động ở mức trên dưới 3.000 yên, tùy từng cơ sở y tế. Cách đăng ký tiêm phòng Như nói ở trên, năm nay, nhiều khả năng số người muốn tiên vắc-xin sẽ vượt quá số lượng vắc xin nên nếu muốn tiêm, các bạn nên sớm gọi điện thoại hỏi hoặc vào trang web của bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhà để xem cách thức lấy hẹn và thời kỳ tiêm cũng như chi phí. Các phòng khám bệnh viện nhỏ tại địa phương có lẽ là rất thuận tiện và ít phải chờ đợi. Khi tiêm phòng cần lưu ý gì? Giống như các loại tiêm phòng khác, khi đến chỗ tiêm, chúng ta cần điền thông tin cần thiết trong đó có những thông tin liên quan tới bệnh nền, đã từng tiêm trong thời gian gần đây, dị ứng thuốc hay có bất thường khi tiêm phòng hay không. Điền đầy đủ thông tin ở tờ giấy hỏi bệnh “monshin hyo” và ký tên đồng ý muốn tiêm phòng là thủ tục hành chính cần thiết. Điều này giúp bác sĩ và phía bệnh viện nắm rõ để đảm bảo an toàn khi tiêm phòng xử lý nhanh khi có phản ứng phụ xảy ra. Vào ngày tiêm phòng thông thường bác sĩ sẽ căn dặn là vẫn có thể tắm nhưng không nên ngâm bồn tắm nước nóng, tránh cọ sát vết tiêm. Một trong những phản ứng phụ dễ thấy nhất là sưng nơi tiêm, ngứa hay có sốt nhẹ. Dù tiêm phòng được đánh giá an toàn nhưng phản ứng phụ vẫn có khả năng xuất hiện nên cần lắng nghe giải thích và khi thấy có bất thường thì hãy liên hệ với cơ sở y tế nơi đã tiêm để có xử lý phù hợp. Cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt Kokoro đã có nhiều bài giới thiệu các bệnh viện, phòng khám... có hỗ trợ tiếng Việt trên toàn quốc. Đây cũng là một trong những lựa chọn để chúng ta lựa chọn tiêm vắc xin. Các bạn có thể tham khảo: Một số cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt ở khu vực Kanto Một số cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt ở khu vực Kansai Một số cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt ở khu vực Tokai Một số cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt ở khu vực Bắc Kyushu Một số cơ sở y tế có hỗ trợ tiếng Việt ở khu vực Nam Kyushu
16/10/2020
Để ngăn chặn bùng phát vi-rút corona chủng mới, Chính phủ Nhật Bản đã sớm đưa ra quy định cấm hoặc hạn chế nhập cảnh với người nước ngoài bao gồm cả người Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay do số ca nhiễm mới trong nước đã giảm nên Nhật Bản quyết định dần dần nới lỏng quy định hạn chế nhập cảnh đối với lao động và du học sinh người nước ngoài. Tôi đến Nhật Bản du học 11 năm trước và hiện tôi đang làm việc và sống cùng gia đình 4 người tại Tokyo. Tháng 3 năm nay, tôi cho 2 con gái (cháu lớn 8 tuổi và cháu bé 5 tuổi) về Việt Nam thăm quê. Do Nhật Bản hạn chế người nước ngoài nhập cảnh nên hai con tôi không thể quay trở lại Nhật Bản. Mãi đến đầu tháng 9 năm nay, sau nửa năm trời hai con tôi mới sang lại Nhật và đoàn tụ được với gia đình. Vì đại dịch COVID-19 nên gia đình chúng tôi đã phải tốn rất nhiều công sức và cả tiền bạc mới đưa được 2 con trở lại Nhật Bản. Sau đây, tôi xin chia sẻ với các bạn quá trình hai con gái tôi quay lại Nhật, từ việc đăng ký tái nhập cảnh cho đến các thủ tục tại sân bay. Đặt vé máy bay sang Nhật Hồi tháng 3, tôi cho 2 con gái về Việt Nam thăm quê nhưng do đại dịch COVID-19, hai cháu bị mắc kẹt ở Việt Nam. Do cả tôi và vợ đều ở lại Nhật nên để đưa được 2 con sang đây, chúng tôi phải làm giấy uỷ quyền nhờ người quen đi cùng chuyến bay dẫn các cháu sang. Trước tiên, chúng tôi liên hệ với đại lý vé máy bay để đặt vé, ngày bay dự kiến là 2/9. Đại lý vé máy bay thông báo cho chúng tôi giá vé là 8.400.000 đồng/người (tương đương hơn 40.000 yên Nhật), nhưng do chưa thể biết chắc chắn máy bay có bay được hay không nên nhân viên phòng vé khuyên chúng tôi chỉ nên đặt vé chờ cho đến khi làm xong hết thủ tục với Đại sứ quán và có kết quả xét nghiệm PCR thì mới chính thức xuất vé. Đăng ký tái nhập cảnh ở Đại sứ quán (hoặc Lãnh sự quán) Quê tôi ở Thanh Hoá, cách Hà Nội gần 200km, việc ăn ở và đi lại giữa 2 nơi rất phiền phức và bất tiện nên để làm tất cả các thủ tục cho kịp chuyến bay ngày 2/9, hai con tôi phải đi cùng bà nội lên Hà Nội từ trước đó 6 ngày. Dưới đây là các hồ sơ chúng tôi phải nộp cho đại sứ quán. Giấy tờ để đăng ký xin tại một đại lý du lịch ở Thanh Hoá, mẹ tôi thay mặt các cháu khai vào đó. [Xem thêm Mẫu khai đăng ký tái nhập cảnh] ◇ Các giấy tờ cần thiết 1 Đơn xin cấp Giấy xác nhận nộp hồ sơ liên quan đến việc tái nhập cảnh https://www.mofa.go.jp/mofaj/files/100078392.pdf 1 bản gốc 2 Hộ chiếu và bản photocopy các trang trong hộ chiếu như sau: - Trang có ảnh chân dung - Trang có đóng dấu cấp phép tái nhập cảnh - Hai mặt của Giấy ghi chú tái nhập cảnh dán trong hộ chiếu (Thẻ ED) 1 bản gốc và 1 bản photocopy 3 Thẻ lưu trú và bản photocopy thẻ lưu trú (2 mặt) - Chỉ cần xuất trình bản gốc và nộp bản photocopy 1 bản gốc và 1 bản photocopy 1 Đơn xin cấp Giấy xác nhận nộp hồ sơ liên quan đến việc tái nhập cảnh https://www.mofa.go.jp/mofaj/files/100078392.pdf 1 bản gốc 2 Hộ chiếu và bản photocopy các trang trong hộ chiếu như sau: - Trang có ảnh chân dung - Trang có đóng dấu cấp phép tái nhập cảnh - Hai mặt của Giấy ghi chú tái nhập cảnh dán trong hộ chiếu (Thẻ ED) 1 bản gốc và 1 bản photocopy 3 Thẻ lưu trú và bản photocopy thẻ lưu trú (2 mặt) - Chỉ cần xuất trình bản gốc và nộp bản photocopy 1 bản gốc và 1 bản photocopy ◇ Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Đại sứ quán Ngày làm việc Từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ ngày lễ) Thời gian làm việc Tiếp nhận hồ sơ Sáng: 8:30~11:30 Trả kết quả Chiều: 13:30~16:45 Ngày làm việc Từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ ngày lễ) Thời gian làm việc Tiếp nhận hồ sơ Sáng: 8:30~11:30 Trả kết quả Chiều: 13:30~16:45 Kết quả Thông thường, sau từ 3 đến 4 ngày kể từ khi đăng ký sẽ nhận được kết quả (không tính thứ 7 và Chủ Nhật). Sau 3 ngày kể từ khi đăng ký, mẹ tôi nhận được điện thoại của nhân viên Đại sứ quán thông báo đã được cấp phép tái nhập cảnh và lên nhận giấy tờ. Khi nhận giấy tờ tại đại sứ quán, chúng tôi cũng được phát tờ hướng dẫn thực hiện các thủ tục tiếp theo. Xét nghiệm PCR trước khi xuất cảnh Bước tiếp theo là đi xét nghiệm PCR tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép làm xét nghiệm. Thông thường, kết quả xét nghiệm sẽ được trả vào ngày hôm sau. Giấy kết quả xét nghiệm (chứng minh không nhiễm bệnh) có hiệu lực trong vòng 72 giờ. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính thì sẽ nhận được “Giấy chứng nhận xét nghiệm trước khi xuất cảnh” do Bộ Y tế cấp. https://www.vn.emb-japan.go.jp/files/100083823.pdf Cần phải trình giấy chứng nhận này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam cũng như tại sân bay sau khi hạ cánh xuống Nhật Bản. Nếu không mang theo giấy chứng nhận này, bạn sẽ bị từ chối không cho nhập cảnh. Hai con tôi đi theo bà nội đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để thực hiện xét nghiệm PCR. Thông thường, sau một ngày mới nhận được kết quả, nhưng hôm đó 2 con tôi được ưu tiên làm xét nghiệm lấy kết quả trong ngày. Chi phí xét nghiệm là 2.030.000 đồng/người (tương đương gần 10.000 yên Nhật). ◇ Dưới đây là một số cơ sở y tế ở Việt Nam có thể thực hiện xét nghiệm PCR 1Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: +84-24-6278-4169 Thời gian xét nghiệm: Các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, sáng từ 8 giờ đến 10 giờ, chiều từ 14 giờ đến 15 giờ (trừ ngày lễ). Giấy tờ cần thiết: Visa hoặc Giấy xác nhận nộp hồ sơ liên quan đến việc tái nhập cảnh, vé máy bay. 2Trung tâm dịch vụ xét nghiệm, tiêm chủng - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) Địa chỉ: Số 1 phố Yec Xanh, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: +84-903293968 (Cần liên hệ trước khi đến làm xét nghiệm) Thời gian xét nghiệm: Tất cả các ngày (bao gồm cả thứ Bảy, Chủ nhật) từ 7 giờ 30 phút sáng đến 5 giờ 30 phút chiều. Giấy tờ cần thiết: Visa hoặc Giấy xác nhận nộp hồ sơ liên quan đến việc tái nhập cảnh, vé máy bay. Mua vé máy bay Sau khi nhận đủ giấy tờ của Đại sứ quán và kết quả xét nghiệm PCR, mẹ tôi đã tới đại lý vé máy bay tại Hà Nội để được xuất vé chính thức. Ra sân bay Mẹ tôi đưa 2 cháu ra sân bay Nội Bài và chờ ở đó cho đến khi các cháu làm xong các thủ tục an ninh. Hai vợ chồng tôi liên lạc với các con bằng messenger để đảm bảo rằng các con tới cửa ra máy bay an toàn. Cứ như thế, hai con tôi đã lên được đúng máy bay để sang sân bay Narita. Vợ chồng tôi đã rất lo lắng không biết con có lên máy bay an toàn hay không, nhưng có lẽ do gia đình tôi đã nhiều lần về Việt Nam nên các cháu đã quen với việc này. Xét nghiệm PCR khi nhập cảnh Khi tới các sân bay ở Nhật Bản (Narita, Haneda, Kansai), các bạn sẽ phải đợi vài tiếng đồng hồ để làm xét nghiệm PCR. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì bạn có thể đường đường chính chính nhập cảnh vào Nhật Bản. Sau khi hạ cánh xuống sân bay Narita, các con đã liên lạc với chúng tôi bằng điện thoại di động. Các con thực hiện xét nghiệm ngay tại sân bay Narita và phải chờ 4 tiếng để nhận kết quả. Hai vợ chồng chúng tôi đứng ngồi không yên ở ngoài sân bay, nhưng cuối cùng thì các cháu cũng nhận được kết quả xét nghiệm âm tính và đi ra cổng. Thế là gia đình 4 người chúng tôi đã được đoàn tụ sau nửa năm trời xa cách! Cách ly 14 ngày Sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản, bạn sẽ không được rời sân bay bằng các phương tiện giao thông công cộng. Trường hợp không có xe riêng hay taxi đến đón, bạn sẽ phải ở 14 ngày tại cơ sở cách ly (là khách sạn chuyên để cách ly) ở gần sân bay. Những ai có thể tự về nhà hoặc đến nơi ở của đoàn thể quản lý mà không sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì phải cách ly 14 ngày tại nhà riêng hoặc phòng riêng ở ký túc xá. Dù ở nhà riêng hay ký túc xá thì hằng ngày vẫn sẽ có các cơ sở y tế của Nhật Bản liên lạc để theo dõi tình hình sức khoẻ của bạn. Sau 14 ngày này, nếu bạn không có triệu chứng bệnh thì sẽ được quay trở lại cuộc sống bình thường. Hai con gái tôi đã kết thúc quá trình cách ly tại nhà và chuẩn bị trở lại trường tiểu học và trường mẫu giáo. Chúng tôi rất vui mừng vì cả nhà lại được đoàn tụ với nhau và các con lại được đến trường. Trên đây là câu chuyện thực tế về quá trình tái nhập cảnh đối với người đã có thẻ lưu trú tại Nhật Bản. KOKORO hy vọng những thông tin này có thể giúp các bạn chuẩn bị tốt nhất cho cuộc hành trình của mình.
23/09/2020
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài