Category | Tin mới nhất

“Seiza” (正座) có phải là kiểu ngồi truyền thống của Nhật Bản không?

Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...

04/05/2024
  • 7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất

    02/05/2024
    Chào các bạn! Mình là nhân viên tổng đài người Việt Nam tại một công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động cho người nước ngoài, chuyên tư vấn hỗ trợ cuộc sống hàng ngày cho khách hàng. Các bạn nghĩ rằng những vấn đề nào mà người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật cần được hỗ trợ nhiều nhất? Có rất nhiều cuộc gọi tư vấn đã gọi đến tổng đài như “Tôi đã nhận được khiếu nại về tiếng ồn”, “Tôi đột nhiên bị cắt điện”, “Tôi muốn đi khám nha khoa”, và “Tôi không biết cách đổ rác”. Trong số đó, mình sẽ nói về nội dung của 7 vấn đề cần được tư vấn nhiều nhất mà mình nhận được và cách xử lý các vấn đề đó. 〈Nội dung〉 1. Hỗ trợ cuộc sống cho người nước ngoài 2. “Tiếng ồn” - vấn đề rắc rối nổi cộm của người Việt 3. Rắc rối với việc đổ rác 4. Hỗ trợ về sử dụng dịch vụ y tế 5. Điện và ga đã bị cắt! 6. Tư vấn liên quan đến hợp đồng nhà ở 7. Câu hỏi liên quan đến tư cách cư trú và visa 8. Bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế 9. Tổng kết 1. Hỗ trợ cuộc sống cho người nước ngoài Chúng mình đang trả lời các cuộc điện thoại của khách hàng tại GTN, công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo lãnh thuê nhà người nước ngoài thuê nhà ở Nhật Bản và các hợp đồng điện thoại di động. Số lượng tư vấn mà chúng mình nhận được chỉ tính riêng ở nhóm Việt Nam (5 người) là hơn 2.000 cuộc gọi mỗi tháng. Trong số đó, mình sẽ giới thiệu 7 vấn đề đặc biệt có nhiều cuộc gọi nhất, bằng các câu chuyện thực tế để giới thiệu đến các bạn. Mình hy vọng rằng những điều mình chia sẻ hôm nay sẽ là những thông tin hữu ích mà các bạn có thể tham khảo để chính bạn và gia đình có thể sống thoải mái tại Nhật Bản. Tham khảo: Dịch vụ tư vấn của GTN bằng ứng dụng [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trợ lý GTN (GTN Assistants) ※Đây là một dịch vụ tùy chọn của GTN Mobile. GTN Mobile có các tính năng đặc trưng sau nên rất được các bạn người nước ngoài mới đến Nhật Bản ưa chuộng và cũng có nhiều cuộc gọi cần tư vấn của người dùng dịch vụ này. ・ Có thể làm hợp đồng mạng mà không cần thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng ・ Thời gian thẩm tra ngắn ・ Có thể làm thủ tục bằng tiếng Việt ・ Bạn có thể đăng ký một thẻ tín dụng cùng lúc. 2. “Tiếng ồn” - vấn đề rắc rối nổi cộm của người Việt Karaoke tại nhà ở Việt Nam Các cuộc gọi tư vấn nhiều nhất từ các bạn Việt Nam mà mình nhận được liên quan đến tiếng ồn. Có cuộc gọi của người Việt Nam như: “Em đã bị cảnh sát nhắc nhở vì hàng xóm bị quấy rầy bởi tiếng ồn do em gây ra”, thì cũng có các cuộc gọi từ công ty quản lý như: “Những người hàng xóm sống ở đây cảm thấy bị quấy rầy bởi tiếng ồn nên tôi muốn nhắc nhở những người sống trong toà nhà này”. Ở Việt Nam, phố xá, nhà cửa sôi động hẳn lên từ sáng sớm. Nhiều gia đình có dàn karaoke tại gia và việc người ta hát karaoke tại nhà vào ban đêm không phải là hiếm. Tuy nhiên, người Nhật thích môi trường sống yên tĩnh nên nếu bạn gây ồn ào trong phòng, hàng xóm sẽ ngay lập tức phàn nàn với công ty quản lý. Nguyên nhân của những phàn nàn về tiếng ồn thường không phải là vấn đề ở Việt Nam, nhưng ở Nhật, nó có thể gây phiền toái cho những người xung quanh bạn. ◆ Ví dụ về “tiếng ồn” gây ra phàn nàn ・ Khi gọi điện thoại, nói chuyện to tiếng khi đang mở cửa sổ. ・ Kết nối điện thoại di động với loa và xem video mở âm lượng to. ・ Tổ chức tiệc đông người trong nhà và gây ồn ào. ・ Bật nhạc nền hát karaoke bằng micro không dây trong nhà. Bên cạnh đó, công ty quản lý thường xuyên nhận được những lời phàn nàn về tiếng đóng mở cửa và tiếng bước chân trong phòng (điều này không chỉ ở người Việt Nam). Có gần 100 cuộc gọi tư vấn về tiếng ồn từ người Việt Nam trong một tháng. Chúng mình đã giải thích văn hóa Nhật Bản và yêu cầu không được tái diễn tình trạng này, nhưng nếu không có cải thiện, công ty quản lý nhà sẽ bắt viết cam kết không tái diễn và trong một số trường hợp sẽ bị buộc phải chuyển ra ngoài. 3. Rắc rối với việc đổ rác Cùng với tiếng ồn, có rất nhiều cuộc gọi tư vấn về cách đổ rác. Có rất nhiều người gọi cho mình khi không biết phải làm gì sau khi bị người quản lý hoặc hàng xóm nhắc nhở về cách đổ rác sai. 〈Tư vấn〉Tôi không biết cách phân loại và thu gom rác. Phương thức phân loại và thu gom rác sẽ khác nhau tùy thuộc vào quận, huyện nơi bạn sinh sống. Khi các tổng đài viên bọn mình nhận được tư vấn sẽ phải kiểm tra cách thức phân loại và đổ rác tại địa phương, sau đó liên hệ với người cần tư vấn và thông báo chi tiết cho họ. 〈Tư vấn〉Tôi không biết nơi đổ rác. Có nhiều điểm thu gom rác mà bạn không được phép bỏ rác cho đến sáng ngày thu gom. Trong trường hợp đó, sẽ khó tìm được điểm thu gom rác nên chúng mình sẽ liên hệ với công ty quản lý nhà ở để tìm hiểu. Rác quá khổ không được thu gom do vứt rác không đúng cách 〈Tư vấn〉Tôi không biết cách bỏ rác quá khổ (rác lớn). Câu hỏi thường gặp nhất về rác là làm thế nào để xử lý rác quá khổ. Các cuộc gọi tư vấn đến như “Em muốn vứt bỏ tấm nệm của mình”, “Em muốn vứt bỏ vali của mình”, “Em muốn vứt bỏ chiếc giường của mình”. Khi vứt rác lớn, ví dụ như ở Tokyo, quy trình sau đây là bắt buộc. ① Đăng ký trước cho “Trung tâm tiếp nhận rác quá khổ” qua điện thoại hoặc internet. ② Mua “phiếu xử lý rác” tại cửa hàng tiện lợi để được thu gom rác. ③ Dán phiếu xử lý rác vào rác cần được xử lý và bỏ rác đúng nơi quy định vào ngày thu gom đã được chỉ định. Tuy nhiên, có nhiều người nước ngoài không thể tự tìm hiểu được nơi để gọi điện thoại hoặc mua phiếu xử lý rác bao nhiêu tiền thì được. Khi đó chúng mình sẽ phải tìm hiểu về cách xử lý rác lớn trong khu vực của người cần được tư vấn, hoặc có khi cũng phải thay mặt họ để gọi cho “Trung tâm tiếp nhận rác quá khổ” để đặt lịch hẹn thu gom giúp. Ngoài ra, đôi khi mình gửi sẵn một văn bản tiếng Nhật cho người gọi tư vấn như “Vui lòng bán cho tôi phiếu xử lý rác giá ◎◎ yên” để đưa cho nhân viên cửa hàng tiện lợi. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Quy định - tập quán trong cuộc sống|KOKORO 4. Hỗ trợ về sử dụng dịch vụ y tế Số lượng cuộc gọi tư vấn khác ngoài tiếng ồn và xử lý rác là tương đương nhau, nhưng trong số đó, hỗ trợ y tế đặc biệt hữu ích cho khách hàng. Trước tiên, hãy để mình giới thiệu các đối ứng cơ bản của chúng mình đối với cuộc gọi cần tư vấn về y tế. ① Tìm kiếm các phòng khám trên internet. Khi đó mình thường phải đọc thật kỹ các bài đánh giá bằng tiếng Nhật. ② Giới thiệu một số phòng khám và nhờ họ lựa chọn. ※ Nếu có phòng khám nói được tiếng Anh hoặc tiếng Việt, chúng mình sẽ ưu tiên giới thiệu.※ Ngoài ra, chúng mình sẽ giới thiệu các phòng khám chấp nhận phiên dịch qua điện thoại. ③ Trong một số trường hợp, sẽ thay mặt người cần tư vấn đặt hẹn phòng khám do họ lựa chọn. ④ Có trường hợp sử dụng ứng dụng điện thoại để phiên dịch (phiên dịch viên y tế) khi người gọi tư vấn đi khám sức khỏe. Các tổng đài viên bọn mình để có thể phiên dịch y tế một cách chính xác thì phải được đào tạo bài bản, tự học và lấy chứng chỉ phiên dịch y tế. Bây giờ chúng ta hãy cùng xem một số ví dụ cụ thể. 〈Tư vấn〉Em muốn điều trị sâu răng Tư vấn y tế phổ biến nhất là tư vấn về điều trị nha khoa. Ngoài việc tìm và cho bạn biết nên đến phòng khám nha khoa nào, mình còn phụ trách việc phiên dịch y tế (qua điện thoại) khi người nhận tư vấn đến khám tại phòng khám nha khoa. 〈Tư vấn〉Em muốn phẫu thuật. ・ Giới thiệu bệnh viện ・ Phiên dịch qua điện thoại khi khám trước phẫu thuật (những việc không nên làm trước khi phẫu thuật, chuẩn bị phẫu thuật, thủ tục nhập viện) 〈Tư vấn〉Em bị nhiễm corona rồi. ・Người cần tư vấn (nam giới), trung tâm y tế công cộng và mình đã có một cuộc gọi ba bên bằng điện thoại có thể kết nối đủ 3 người. ・Dựa trên cuộc nói chuyện qua điện thoại, người cần tư vấn đã được nhập viện gần đó trong một tuần. Mình thường nhận được các cuộc gọi như “Em đã nhận được phiếu tiêm chủng, nhưng em không biết phải làm gì tiếp theo”. Mình sẽ tìm địa điểm tiêm chủng gần nơi bạn ấy sinh sống và đặt lịch tiêm giúp. Cũng có nhiều cuộc gọi thắc mắc của các bạn nữ trẻ “Em muốn được tiêm vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung”. 5. Điện và ga đã bị cắt! 〈Tư vấn〉Điện và ga đã bị cắt. Có rất nhiều trường hợp bị cắt điện, ga do không thanh toán hóa đơn. Những cuộc gọi tư vấn nội dung này nhiều nhất là của các bạn du học sinh, những người thanh toán chi phí tại cửa hàng tiện lợi. Có tháng bạn sơ ý quên thanh toán tiền điện, tiền ga, sau đó nhận được giấy nhắc nhở của công ty điện lực nhưng bỏ qua vì không biết đó là gì, và cho đến một ngày điện và ga đã bị cắt. Trong những trường hợp như vậy, mình sẽ liên hệ với công ty điện lực hoặc công ty ga và hỏi họ lý do tại sao điện hoặc ga lại bị cắt. Tuỳ theo trường hợp, mình cùng với người cần tư vấn sẽ nói chuyện với công ty điện lực thông qua cuộc gọi ba bên. Khi biết số tiền chưa thanh toán, sẽ được công ty cho biết mã số nhập vào máy tại cửa hàng tiện lợi. Khi đó mình sẽ giải thích cho người cần tư vấn và yêu cầu họ hoàn tất thủ tục thanh toán tại cửa hàng tiện lợi. 6. Tư vấn liên quan đến hợp đồng nhà ở Mình thường xuyên nhận được những thắc mắc về hợp đồng thuê nhà. 〈Tư vấn〉Thời gian hợp đồng sắp hết hạn. Em nên làm gì để gia hạn? Phương thức gia hạn hợp đồng ở mỗi công ty quản lý sẽ khác nhau, vì vậy mình sẽ gọi điện cho công ty quản lý để tìm hiểu và truyền đạt lại cho người cần tư vấn biết cách thực hiện. 〈Tư vấn〉Hãy chỉ cho em các thủ tục khi ra nhà. Có rất nhiều các cuộc gọi tư vấn về về thủ tục ra nhà (kết thúc hợp đồng) và các chi phí liên quan. “Nên báo trước cho công ty quản lý bao nhiêu ngày?”, “Tiền dọn dẹp phòng đã được thanh toán chưa? Hay bây giờ mới phải trả?”, “Tiền nhà tháng cuối cùng có được tính theo ngày không?”, v.v…là những câu hỏi mình phải tìm hiểu và truyền đạt lại cho người gọi tư vấn. Ở Nhật, nếu bạn thông báo với công ty quản lý về việc chuyển đi muộn, hợp đồng sẽ tự động được gia hạn và bạn sẽ bị tính phí gia hạn (ở vùng Kanto thường là một tháng tiền thuê nhà), vì vậy hãy cẩn thận. 〈Tư vấn〉Tôi không thể chấp nhận chi phí sửa chữa khi ra nhà Không ít trường hợp gặp rắc rối với chủ nhà và công ty quản lý về chi phí sửa chữa khi ra nhà. Nếu bạn đã hút thuốc trong phòng, bạn có thể bị tính phí thay thế giấy dán tường, giấy dán cửa, v.v. Trong nhiều trường hợp, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả tiền. Tuy nhiên, vẫn có chỗ có thể thương lượng vì nó phụ thuộc vào việc bạn đã sống ở nhà này bao lâu và mức độ bẩn của nó. Chúng mình cũng có thể hỗ trợ trong các cuộc đàm phán. 〈Tư vấn〉Điều hoà bị hỏng Có rất nhiều cuộc gọi về các thiết bị trong phòng bị hỏng. Đặc biệt là vào mùa hè, có nhiều cuộc gọi cần tư vấn về việc “máy lạnh bị hỏng”. Có rất nhiều trường hợp mình được nhờ hỗ trợ tư vấn vì “Em đã nói chuyện với công ty quản lý, nhưng bên đó mãi không sửa cho em, nên em muốn được hỗ trợ giúp”. Nếu điều hòa trên 10 năm thì có thể thay thế, còn trường hợp dưới 10 năm thì thường là sẽ được sửa chữa. 7. Câu hỏi liên quan đến tư cách cư trú và visa 〈Tư vấn〉Muốn được hướng dẫn thủ tục nhập cảnh Do sự phức tạp của các thủ tục nhập cảnh vì ảnh hưởng của corona, số lượng các cuộc gọi tư vấn như vậy đã tăng lên. Chúng mình sẽ cho bạn biết nên chuẩn bị những gì trước khi nhập cảnh vào Nhật Bản và những thủ tục cần làm sau khi đến Nhật Bản. Những người đã kí hợp đồng dịch vụ điện thoại với GTN có thể đăng ký tùy chọn dịch vụ Trợ lý GTN (GTN Assistants) và sử dụng dịch vụ tư vấn của chúng mình trước khi đến Nhật Bản. Ở Việt Nam cũng có văn phòng tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, và bạn có thể đăng ký điện thoại di động GTN và các dịch vụ tùy chọn trước khi đến Nhật Bản. Cục xuất nhập cảnh 〈Tư vấn〉Tôi là kỹ năng đặc định và có thể bảo lãnh vợ qua Nhật được không? 〈Tư vấn〉Tôi đã nhận được một tài liệu từ cục xuất nhập cảnh, nhưng không hiểu nội dung của nó. 〈Tư vấn〉Em là du học sinh và em nên làm gì để chuyển sang visa lao động hay kỹ năng đặc định? Các cuộc gọi tư vấn như thế này từ ngày xưa đã có rất nhiều. Chúng mình sẽ truyền đạt lại nội dung trong tài liệu, đối với những nội dung khó, sẽ thay mặt người cần tư vấn gọi điện lên cục xuất nhập cảnh và xác nhận thông tin. 8. Bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế 〈Tư vấn〉Em nhận được giấy yêu cầu thanh toán bảo hiểm hưu trí, em phải làm gì? Mình thường nhận được các cuộc gọi như: “Em đã nhận được giấy yêu cầu thanh toán bảo hiểm hưu trí quốc dân và bảo hiểm y tế quốc dân. Em nên làm gì?”. Theo nguyên tắc chung, những khoản này phải được thanh toán. Mình sẽ yêu cầu người gọi tư vấn gửi hình ảnh của giấy tờ và truyền đạt lại nội dung của giấy tờ đó. Trong một số trường hợp, chúng mình sẽ thay cho người cần tư vấn gọi cho uỷ ban thành phố để kiểm tra. 〈Tư vấn〉Em muốn biết số tiền bảo hiểm y tế quốc dân chưa đóng. Chúng mình sẽ đại diện gọi đến uỷ ban thành phố, hoặc sẽ phiên dịch thông qua một cuộc gọi ba bên, bao gồm cả người cần tư vấn. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Những điểm qua trọng liên quan đến bảo hiểm hưu trí|KOKORO Tổng kết Trong bài viết này, mình đã giới thiệu về dịch vụ tư vấn mà nhân viên tổng đài tư vấn qua điện thoại hỗ trợ cuộc sống của chúng mình thường nhận được từ khách hàng Việt Nam và cách trả lời chúng. 7 vấn đề đặc biệt phổ biến cần được tư vấn của người Việt ・ Tiếng ồn・ Rắc rối với việc đổ rác・ Hỗ trợ về sử dụng dịch vụ y tế・ Điện và gas đã bị cắt!・ Tư vấn liên quan đến hợp đồng nhà ở・ Câu hỏi liên quan đến tư cách cư trú và visa・ Bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế Những tổng đài viên tư vấn sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ người dùng Trợ lý GTN (GTN Assistants), nhưng chúng mình hy vọng rằng những bạn đọc khác cũng sẽ tham khảo bài viết này để tránh những rắc rối nhiều nhất có thể và sống một cuộc sống vui vẻ ở Nhật Bản. Tác giả Hoàng Thị Đan Thi Sinh năm 1991. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Huế đã làm việc cho một công ty của Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng một năm rưỡi. Sau khi du học Nhật Bản trong 2 năm từ năm 2013, đã làm nhân viên tổng đài tư vấn của bộ phận hỗ trợ cuộc sống của GTN từ năm 2016. Sở thích là xem phim và đi du lịch.
  • Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...

    18/03/2024
    Ở Nhật Bản, dịch vụ điện thoại di động được cung cấp dưới hình thức hợp đồng với mức cước nghe gọi・dữ liệu rất đắt đỏ. Bài viết lần này sẽ gửi tới các bạn sắp sửa sang Nhật cũng như những ai đang sinh sống tại Nhật mà có ý định đăng ký sử dụng dịch vụ lần đầu hay chuyển công ty điện thoại di động (công ty viễn thông = nhà cung cấp dịch vụ) cách lựa chọn dịch vụ nghe gọi・dữ liệu (SIM) một cách khôn ngoan để tiết kiệm chi phí. 〈Nội dung bài viết〉 1. Những trường hợp cần có hợp đồng nghe gọi・dữ liệu 2. Nhà mạng lớn có chất lượng dịch vụ tốt nhưng giá cao 3. SIM giá rẻ ở Nhật 4. SIM giá rẻ mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký tại Nhật 5. Một số ví dụ về các gói cước SIM giá rẻ 6. Nhược điểm của SIM giá rẻ và cách khắc phục 7. Tổng kết 1. Những trường hợp cần có hợp đồng nghe gọi・dữ liệu Ở Nhật, cước dịch vụ di động nghe gọi・dữ liệu hàng tháng rất đắt đỏ. Do đó, có nhiều bạn thực tập sinh kĩ năng chỉ chủ yếu sử dụng Wi-Fi ở ký túc xá của công ty (hoặc nhà riêng) và không hề dùng thẻ SIM cho đến tận khi về nước. Thế nhưng, nếu như bạn là du học sinh hoặc kỹ sư, thì sẽ có những lúc cần có số điện thoại của riêng mình để đi xin việc hoặc liên lạc với chỗ làm. Vì vậy, có thể cuộc sống của bạn sẽ trở nên bất tiện nếu không có số điện thoại (SIM). Ngoài ra, sở hữu số điện thoại (SIM liên lạc) cũng sẽ có ích trong những trường hợp cần gọi cho cảnh sát (110) hay cứu thương (119). Ở Việt Nam, SIM trả trước được sử dụng rất phổ biến, nhưng ở Nhật lại gần như không có hình thức này. Chính vì vậy, bạn cần phải kí hợp đồng với nhà mạng (công ty viễn thông) và trả cước dịch vụ nghe gọi・dữ liệu hàng tháng. Tùy theo nhà mạng cũng như nội dung hợp đồng (gói cước + lựa chọn thêm) mà mức phí hàng tháng này có thể rất khác nhau. 2. Nhà mạng lớn có chất lượng dịch vụ tốt nhưng giá cao 3 nhà mạng lớn 3 nhà mạng (công ty viễn thông) lớn ở Nhật Bản là docomo, au và Softbank, cung cấp dịch vụ dữ liệu tốc độ cao và chất lượng nghe gọi tốt. Các nhà mạng này cũng có nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ nghe gọi trong nước không giới hạn và dung lượng dữ liệu cao (không giới hạn) với mức giá cố định. Cước dịch vụ hàng tháng Tuy nhiên, đa số cước dịch vụ nghe gọi・dữ liệu hàng tháng sẽ rơi vào khoảng từ 5,000 đến 8,000 yên. Nếu cộng thêm cả tiền mua điện thoại di động vào thì con số này sẽ vô cùng đắt đỏ. Nếu bạn mua một chiếc điện thoại được nhiều người ưa thích như iPhone chẳng hạn, rồi kí hợp đồng dịch vụ nghe gọi・dữ liệu nữa thì nhiều khả năng số tiền bạn phải trả hàng tháng (gồm tiền cước nghe gọi・dữ liệu + trả góp điện thoại) sẽ vượt quá 10,000 yên. Phí hủy dịch vụ (phí hủy hợp đồng) Tính đến năm 2021, nếu bạn chuyển sang sử dụng nhà mạng khác thì sẽ phải mất khoảng 10,000 yên. Nếu hủy hợp đồng vào giữa thời hạn hợp đồng hai năm, thì phải trả khoảng 10.000 yên "phí vi phạm hợp đồng" và thêm 3,300 yên cho thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, hiện nay cả hai khoản phí này đều đã được loại bỏ. Nhưng nếu bạn vẫn đang trả góp tiền điện thoại thì bạn cần phải thanh toán nốt số tiền còn lại khi hủy hợp đồng với nhà mạng. 3. SIM giá rẻ ở Nhật Gần đây, số lượng người sử dụng SIM giá rẻ không phải của các nhà mạng lớn đang dần tăng lên. Nếu bạn muốn giữ cước phí nghe gọi・dữ liệu trên điện thoại di động của mình ở mức thấp, thì hãy thử cân nhắc đến “SIM giá rẻ” nhé. Để sử dụng được SIM giá rẻ thì cần phải có điện thoại chưa lắp SIM, nhưng bù lại lại có những gói cước với giá dưới 1.000 yên mỗi tháng. Ngoài ra còn có cả loại SIM giá rẻ mà bạn có thể đăng ký thông qua website. Nếu chọn ký hợp đồng tại cửa hàng, thì cũng nhiều nơi có nhân viên người Việt, tuy nhiên nếu có người từ đoàn thể, công ty, trường học hoặc bạn bè đi cùng vẫn sẽ an toàn hơn. Các gói cước và mức giá Gói cước có nghe gọi và gói cước chỉ dùng dữ liệu Đối với SIM giá rẻ, có hai loại gói cước chính là “gói cước có nghe gọi” và “gói cước chỉ dùng dữ liệu”. Điểm khác nhau của hai gói cước này chính là khả năng nghe gọi điện thoại. Với gói cước có nghe gọi thì bạn có thể thực hiện cuộc gọi từ số điện thoại có đầu số là 080 hoặc 090. Cước cuộc gọi Giá cước nghe gọi trung bình của gói cước nghe gọi là 22 yên cho 30 giây. Ngoài ra còn có các gói và lựa chọn khác như “cước cố định 5 phút” cho phép bạn thực hiện các cuộc gọi có thời lượng dưới 5 phút không giới hạn số lần, “cước cố định 10 phút”, hay gói “gọi không giới hạn'' cho phép thực hiện cuộc gọi không giới hạn. Tuy nhiên, nếu bạn gọi điện bằng SNS (chẳng hạn như LINE hoặc Messenger) thì sẽ không bị tính phí. Có cả các gói cước nghe gọi với giá dưới 1.000 yên Một số gói SIM giá rẻ có giá dưới 1.000 yên mỗi tháng. Bạn có thể chọn gói cơ bản hoặc các gói lựa chọn tùy thêm dựa trên nhu cầu sử dụng dữ liệu và thời gian nghe gọi của mình. Nếu bạn có thói quen kết nối Internet qua Wi-Fi ở nhà, ký túc xá, trường học, hoặc nơi làm thêm v.v. và không sử dụng Internet nhiều ở những nơi khác, thì có thể đăng ký gói cước có dung lượng dữ liệu thấp. Các giấy tờ cần thiết để ký hợp đồng ・ Giấy tờ chứng minh nhân thân (như thẻ lưu trú v.v.) ・ Trường hợp thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng → Sổ ngân hàng (hoặc thẻ ATM) và con dấu cá nhân ・ Trường hợp thanh toán bằng thẻ tín dụng→Thẻ tín dụng 4. SIM giá rẻ mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký tại Nhật GTN Mobile GTN Mobile – Đăng ký không cần tài khoản ngân hàng Nhật Bản hay thẻ tín dụng〈quảng cáo〉 Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn hai loại SIM giá rẻ mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký. GTN Mobile chỉ cung cấp dịch vụ cho người nước ngoài và cũng là một trong những loại SIM rẻ nhất mà người nước ngoài có thể đăng ký tại Nhật Bản. Nó có các ưu điểm như sau: có thể ký hợp đồng ngay cả khi bạn không có tài khoản ngân hàng tại Nhật hoặc thẻ tín dụng, có thể thanh toán tại cửa hàng tiện lợi và có thể đăng ký bằng tiếng Việt. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] GTN Mobile Đặc điểm của GTN Mobile Ngay cả những người mới đến Nhật Bản và chưa có tài khoản ngân hàng ở Nhật hoặc thẻ tín dụng cũng có thể đăng ký. Có thể thanh toán tại cửa hàng tiện lợi hoặc bằng cách tự động trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. Có thể sử dụng tiếng Việt (khi đăng ký hoặc liên hệ với nhà mạng). Có thể đăng ký SIM từ nước ngoài và nhận SIM tại sân bay ở Nhật. Có thể đăng ký thẻ tín dụng dành riêng cho người nước ngoài cùng lúc với thẻ SIM. Có thể nhận hỗ trợ, tư vấn miễn phí bằng tiếng Việt. 〈Ví dụ các gói cước có kèm nghe gọi〉 ・3GB:1,200 yên/tháng ・10GB:2,200 yên/tháng ※ Tất cả các cuộc gọi trong nước là 22 yên/ 30 giây (cũng có cả gói cước gọi không giới hạn) ※ Tất cả giá đã bao gồm thuế SIM VÀNG mà người Việt ưa thích Hợp đồng SIM VÀNG yêu cầu phải có thẻ tín dụng được phát hành tại Nhật Bản, nhưng bạn cũng có thể thảo luận về các phương thức thanh toán khác. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] SIM VANG 〈Ví dụ các gói cước có kèm nghe gọi〉 ・1GB:1,628 yên/tháng ・3GB:2,398 yên/tháng ・5GB:2,882 yên/tháng ※ Tất cả các cuộc gọi trong nước là 22 yên/ 30 giây (lựa chọn thêm: gói cước cố định 5 phút, cước cố định 10 phút, cước cố định 15 phút) ※ Tất cả giá đã bao gồm thuế 5. Một số ví dụ về các gói cước SIM giá rẻ Ở Nhật còn rất nhiều loại SIM giá rẻ khác. Nếu tìm kiếm bằng những từ khóa như "SIM giá rẻ", "so sánh", bạn sẽ thấy rất nhiều bài viết so sánh dịch vụ, giá cả của các nhà mạng khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn không có thẻ tín dụng được phát hành tại Nhật Bản thì có thể sẽ khó đăng ký hơn. Chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một số gói SIM giá rẻ của các nhà mạng khác nhau. ※ Có lẽ nhiều người nước ngoài muốn có điện thoại chỉ để liên lạc với nơi làm việc của họ, vì vậy chúng tôi chỉ giới thiệu tới các bạn những gói cước nghe gọi. ※ Bài viết này giả định rằng bạn sẽ kết nối Internet chủ yếu ở nhà, quán cà phê, cửa hàng tiện lợi, v.v. và sẽ giảm thiểu các hoạt động liên lạc dữ liệu khác. ※ Tất cả giá đã bao gồm thuế. ※ Tất cả "cuộc gọi thoại" là cuộc gọi được thực hiện trong phạm vi Nhật Bản (các cuộc gọi quốc tế sẽ được tính phí riêng). ◆ Giá cước một số loại SIM giá rẻ phổ biến tại Nhật (tính đến thời điểm hiện tại là tháng 3 năm 2024) LINEMO ・ 3GB:990 yên/tháng・ 20GB:2,728 yên/tháng・ LINE có gói Giga free (dùng không giới hạn)・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:5 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn) IIJmio (aiaijeimio) ・ 2GB:850 yên/tháng・ 5GB:990 yên/tháng・ 10GB:1,500 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 11 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:5 phút với mức giá cố định, 10 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn) mineo (maineo) ・ 1GB:1,298 yên/tháng・ 5GB:1,518 yên/tháng・ 10GB:1,958 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:10 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn) BIGLOBE Mobile ・ 1GB:1,078 yên/tháng・ 3GB:1,320 yên/tháng・ 6GB:1,870 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Nếu dùng ứng dụng thì là 9.9 yên/30 giây) Rakuten mobile ・ 3GB:1,078 yên/tháng・ 20GB:2,178 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:15 phút với mức giá cố định)(Nếu dùng ứng dụng thì miễn phí) UQmobile 〈Gói cước Mini mini〉・ 4GB:2,365 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây (Lựa chọn thêm:10 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn)〈Gói cước Komi komi〉・ 20GB:3,278 yên/tháng・ Miễn phí cho các cuộc gọi dưới 10 phút, không giới hạn số lần(Nếu vượt quá 10 phút thì cước phí là 22 yên/30 giây đối với thời gian vượt quá giới hạn)(Lựa chọn thêm:Nghe gọi không giới hạn) Y!mobile (waimobile) ・ 4GB:2,365 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:10 phút với mức gia cố định, nghe gọi không giới hạn) 6. Nhược điểm của SIM giá rẻ và cách khắc phục Chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn những nhược điểm của SIM giá rẻ và các cách khắc phục. ① Tốc độ truy cập dữ liệu không ổn định Nhược điểm của SIM giá rẻ là tốc độ truy cập dữ liệu. Các hãng SIM giá rẻ chỉ thuê lại một phần đường truyền của 3 nhà mạng lớn nên trong những khoảng thời gian có nhiều người cùng sử dụng thì tốc độ truy cập dữ liệu thường bị chậm đi. 〈Cách khắc phục〉 ・ Nếu kết nối với Wi-Fi ở nhà, quán cafe hoặc cửa hàng tiện lợi thì sẽ giải quyết được vấn đề tốc độ truy cập dữ liệu. ・ Nên duy trì kết nối Internet ở mức tối thiểu trong các nhà hàng đông đúc hay trên các chuyến tàu vào giờ cao điểm đi lại. ② Hầu như đều thanh toán bằng thẻ tín dụng Thanh toán cước phí hàng tháng của SIM giá rẻ chủ yếu được thực hiện bằng thẻ tín dụng, nhưng cũng có những loại SIM giá rẻ cho phép bạn thanh toán tại cửa hàng tiện lợi hoặc tự động trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] GTN Mobile, không cần thẻ tín dụng ③ Nhà mạng giá rẻ bán ít mẫu điện thoại hơn Nếu mua điện thoại khi ký hợp đồng với các nhà mạng SIM giá rẻ, bạn sẽ thấy có ít mẫu điện thoại có thể lựa chọn hơn so với 3 nhà mạng lớn. 〈Cách khắc phục〉 Gần đây có một số loại điện thoại không có sẵn SIM và có thể sử dụng bằng cách lắp thẻ SIM khác vào, vì vậy bạn có thể mua những chiếc như vậy từ Việt Nam sang, hoặc mua một chiếc đã qua sử dụng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tùy loại SIM mà có thể xảy ra trường hợp không tương thích với máy, thế nên khi kí hợp đồng thì hãy kiểm tra xem máy có nhận SIM không nhé. ④ Hỗ trợ 3 nhà mạng lớn có rất nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ, nhưng nhiều nhà mạng SIM giá rẻ lại thường chỉ hỗ trợ thông qua hình thức chat. 7. Tổng kết Bạn sẽ không thể sử dụng điện thoại di động ở Nhật Bản trừ khi ký hợp đồng với nhà mạng và trả cước hàng tháng. Ba nhà mạng lớn của Nhật Bản cung cấp tốc độ truy cập dữ liệu và chất lượng cuộc gọi tuyệt vời nhưng chúng có giá từ 5.000 đến 8.000 yên mỗi tháng. Tuy nhiên, ở Nhật Bản có rất nhiều loại SIM giá rẻ, và một số gói cước có giá dưới 1.000 yên mỗi tháng. Các cuộc gọi trong nước thường có giá 22 yên/30 giây và có các sự lựa chọn thêm như ''Gọi với mức cước cố định'' cho phép bạn thực hiện bao nhiêu cuộc gọi tùy thích trong vòng 5 phút (hoặc 10, 15 phút) và ''Gọi không giới hạn'' cho phép thực hiện cuộc gọi không giới hạn. Ngoài ra còn có gói "cuộc gọi không giới hạn". Nhược điểm của SIM giá rẻ là khả năng liên lạc có thể không ổn định, nhưng điều này có thể được khắc phục bằng cách sử dụng Wi-Fi của cửa hàng, hoặc hạn chế sử dụng ở khu vực đông người. Ngoài ra, trong khi nhiều nơi yêu cầu phải có thẻ tín dụng phát hành tại Nhật Bản để ký hợp đồng thì cũng có những loại SIM giá rẻ cho phép bạn ký hợp đồng mà không cần có tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng Nhật Bản.
  • Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản

    13/03/2024
    Sau khi đi du học tốt nghiệp ra trường, mình quyết định ở lại Nhật làm việc từ đó đến giờ thấm thoắt đã hơn 13 năm. Năm 2012, mình kết hôn và sinh được 2 bé. Bé lớn nhà mình đi nhà trẻ (hoikuen) được 4 năm và hiện giờ đã chuyển sang học mẫu giáo (yochien). Bé nhỏ mới được hơn 1 tuổi đang chuẩn bị đi nhà trẻ. Mọi người thường nói với nhau rằng rất khó để giành được một suất vào nhà trẻ ở Nhật Bản. Trong bài viết này, thông qua kinh nghiệm của bản thân, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số bí quyết về cách chuẩn bị và nộp đơn nhập học vào nhà trẻ của Nhật Bản. Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các mẹ bỉm sữa có con ở giai đoạn sắp đi nhà trẻ như mình nhé. (Bài viết được viết vào năm 2022. Sau đó, thông tin về các chế độ đã được cập nhật.) 〈Nội dung〉 1. 5 điểm khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam ・ Khác biệt 1: Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) ・ Khác biệt 2: Nơi nộp hồ sơ ・ Khác biệt 3: Thời gian nhập học và nộp đơn ・ Khác biệt 4: Phí giữ trẻ ・ Khác biệt 5: Phân chia lớp 2. Sự khác biệt giữa nhà trẻ và mẫu giáo 3. Cách chọn nhà trẻ của mình 4. Tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ! 5. Tham quan nhà trẻ sớm 6. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký 7. Bí quyết là biết số điểm mình có 8. Lời kết ◆Nội dung◆ 1. 5 điểm khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam ・ Khác biệt 1: Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) ・ Khác biệt 2: Nơi nộp hồ sơ ・ Khác biệt 3: Thời gian nhập học và nộp đơn ・ Khác biệt 4: Phí giữ trẻ ・ Khác biệt 5: Phân chia lớp 2. Sự khác biệt giữa nhà trẻ và mẫu giáo 3. Cách chọn nhà trẻ của mình 4. Tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ! 5. Tham quan nhà trẻ sớm 6. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký 7. Bí quyết là biết số điểm mình có 8. Lời kết 1. 5 điểm khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam Nhà trẻ ở Nhật Bản Trước tiên, mình sẽ giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu nhất về sự khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam. ◆ Nhà trẻ/ Mẫu giáo ở Việt Nam Các trường mẫu giáo và nhà trẻ ở Việt Nam bao gồm các cơ sở như dưới đây. Và nhà trẻ cũng được phân ra thành trường công lập và trường tư thục. Nhà trẻ Nhà trẻ sẽ đón nhận các bé trong độ tuổi từ 0 tuổi đến 3 tuổi Mẫu giáo Mẫu giáo sẽ đón nhận các bé vào học ở độ tuổi từ 3 tuổi cho đến trước tuổi vào tiểu học Cơ sở giống như trường giữ trẻ ở Nhật:Mầm non Cơ sở có đặc điểm của cả nhà trẻ và mẫu giáo ◆ Nhà trẻ ở Nhật Bản Nhà trẻ ngoài chứng nhận cũng có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau Ở Nhật cũng có nhà trẻ công lập và tư thục, nhưng chủ yếu người ta phân chia nhà trẻ theo nhà trẻ được chứng nhận và nhà trẻ ngoài chứng nhận. Nhà trẻ được chứng nhận là cơ sở giữ trẻ đáp ứng các tiêu chuẩn do chính phủ đặt ra (về quy mô cơ sở, số lượng nhân viên chăm sóc trẻ, có hay không có phòng ăn ở trường, v.v.) và được tỉnh trưởng phê chuẩn. Các nhà trẻ ngoài chứng nhận cũng đáp ứng được các nhu cầu cần thiết của phụ huynh, nhưng phí giữ trẻ thường cao hơn so với các nhà trẻ được chứng nhận. ◆ Sự khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam Sự khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam bao gồm 5 đặc điểm lớn như dưới đây: ① Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) ② Nơi nộp hồ sơ ③ Thời gian nhập học và nộp đơn ④ Phí giữ trẻ ⑤ Phân chia lớp Khác biệt 1: Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) Nhà trẻ ở Nhật Bản Điểm khác biệt lớn nhất giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam là tiêu chuẩn nhập học (điều kiện xét tuyển). Các trường mẫu giáo công lập tại Việt Nam tiếp nhận con em theo tuyến tức là cứ là cư dân ở địa phương là có quyền nộp đơn. Tuy nhiên, để đăng ký vào nhà trẻ được chứng nhận ở Nhật Bản thì bố mẹ (người giám hộ) phải có lí do chính đáng cho việc không thể chăm sóc con cái của mình như là do công việc, bệnh tật, hay phải chăm sóc bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo, v.v. thì mới có thể nộp đơn xin nhập học. Mỗi một khu vực có các tiêu chí xét tuyển do chính phủ thiết lập cho từng vùng và hoàn cảnh của người nộp đơn dựa trên tính thiết yếu của việc gửi sẽ được số hóa theo chỉ số xét tuyển. Các chỉ số xét tuyển được gọi là “điểm”. Nói một cách đơn giản là điểm càng cao thì nhu cầu gửi trẻ đi nhà trẻ càng tăng và ưu tiên được trúng tuyển càng cao. Dưới đây là một vài ví dụ về các yếu tố quyết định điểm số: ・ Số ngày và số giờ làm việc của bố mẹ ・ Ông bà có sống ở gần hay không? ・ Thu nhập của gia đình (thu nhập tính theo hộ gia đình) ・ Hộ gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân hoặc hộ gia đình mà bố hoặc mẹ đi làm xa nhà ・ Có anh chị em cũng đang học tại nhà trẻ đó Khác biệt 2: Nơi nộp hồ sơ Nơi nộp hồ sơ nhập học cũng có sự khác biệt lớn. Để vào nhà trẻ ở Việt Nam, dù là nhà trẻ công lập hay tư thục, bố mẹ đều phải trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký tại trường và sau khi có giấy báo trúng tuyển nhập học thì trẻ sẽ được vào học. Nhưng ở Nhật thì lại khác, để vào nhà trẻ được chứng nhận thì bố mẹ phải thông qua ủy ban quận để nộp đơn đăng ký. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn muốn đăng ký cho con mình học tại nhà trẻ ngoài chứng nhận thì bạn có thể nộp đơn xin nhập học trực tiếp tại trường. ・ Ở Việt Nam, vì bố mẹ sẽ nộp đơn trực tiếp vào nhà trẻ nên khi còn chỗ trống (chỉ tiêu tuyển sinh) thì bé có thể vào học. ・ Đối với các nhà trẻ được chứng nhận ở Nhật Bản, ủy ban quận sẽ quyết định bé có thể được nhập học hay không dựa vào hệ thống điểm số nên bố mẹ không thể tự do quyết định nộp đơn đăng ký vào nhà trẻ cụ thể nào. Khác biệt 3: Thời gian nhập học và nộp đơn Kết quả xét tuyển sẽ được công bố vào tháng 1 đến tháng 2. Trong trường hợp không trúng tuyển, bố mẹ có thể nộp đơn cho bé vào đợt tuyển sinh lần 2. Điểm khác biệt thứ ba là thời điểm nhập học. Ở Việt Nam, trẻ em sẽ đi nhà trẻ vào tháng 8 hàng năm, nhưng ở Nhật Bản, thời gian vào nhà trẻ của các bé lại là tháng 4 hàng năm. Ở Nhật Bản, thời hạn nộp hồ sơ để vào nhà trẻ là 5 đến 6 tháng trước khi trẻ nhập học nên bố mẹ cần chuẩn bị sớm các giấy tờ cần thiết. Về cách thức nộp đơn, có một số ủy ban quận nhận đơn trực tiếp, nhưng cũng có những nơi chỉ chấp nhận hồ sơ được gửi qua đường bưu điện. Hạn nộp hồ sơ đăng ký rất quan trọng khi bạn muốn cho trẻ vào nhà trẻ ở Nhật Bản, vì vậy bố mẹ cũng phải cẩn thận để ý thời hạn này nhé! ◆Quy trình từ nộp đơn đăng ký đến khi nhập học nhà trẻ (ví dụ) ・ Nộp hồ sơ tại ủy ban quận: Tháng 10 đến tháng 12 năm trước ・ Xét tuyển: Tháng 1 đến tháng 2 ・ Thông báo kết quả xét tuyển: Tháng 1 đến tháng 2 ・ Phỏng vấn / Kiểm tra sức khỏe: Tháng 2 đến tháng 3 ・ Nhập học: tháng 4 Khác biệt 4: Phí giữ trẻ Phí giữ trẻ tại các nhà trẻ công lập ở Việt Nam là chi phí cố định giống nhau bất kể hoàn cảnh gia đình như thế nào, nhưng mức phí ở các nhà trẻ tư thục là hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào từng trường. Ở Nhật Bản, phí giữ trẻ cho bé từ 0 tuổi đến 2 tuổi đi nhà trẻ được chứng nhận sẽ thay đổi tùy thuộc vào thu nhập của hộ gia đình. Với trẻ em từ 3 đến 5 tuổi ở các nhà trẻ được chứng nhận là miễn phí hoàn toàn. Còn trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học tại các nhà trẻ ngoài chứng nhận thì sẽ được nhận khoản hỗ trợ không hoàn lại tối đa là 37.000 yên mỗi tháng. Khác biệt 5: Phân chia lớp Con trai lớn của mình bắt đầu học từ lớp 1 tuổi (ảnh lúc con 2 tuổi) Trong trường hợp các nhà trẻ công lập ở Việt Nam, các lớp học được xác định theo năm sinh (tháng 1 đến tháng 12), nhưng ở Nhật Bản thì hơi khác một chút. Niên khóa của các trường học, mẫu giáo và nhà trẻ Nhật Bản bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 năm sau đó. Vì lý do này, các lớp được phân chia theo niên khóa tính theo mốc tháng 4 hàng năm. Cụ thể, các lớp học và năm học được phân chia theo độ tuổi của bé tính ở thời điểm ngày 1 tháng 4 hàng năm, và cứ vào tháng 4 các em sẽ được lên lớp. Tròn tuổi tính mốc ngày 1 tháng 4 Lớp trực thuộc 5 tuổi Lớp Nencho(trẻ 5 tuổi) 4 tuổi Lớp Nenchu(trẻ 4 tuổi) 3 tuổi Lớp Nensho(trẻ 3 tuổi) 2 tuổi Lớp trẻ 2 tuổi 1 tuổi Lớp trẻ 1 tuổi 0 tuổi Lớp trẻ 0 tuổi Tròn tuổi tính mốc ngày 1 tháng 4 Lớp trực thuộc 5 tuổi Lớp Nencho (trẻ 5 tuổi) 4 tuổi Lớp Nenchu (trẻ 4 tuổi) 3 tuổi Lớp Nensho (trẻ 3 tuổi) 2 tuổi Lớp trẻ 2 tuổi 1 tuổi Lớp trẻ 1 tuổi 0 tuổi Lớp trẻ 0 tuổi 2. Sự khác biệt giữa nhà trẻ và mẫu giáo Chỉ có nhà trẻ mới có thể nhận giữ trẻ dưới 3 tuổi Có rất nhiều điểm khác nhau giữa trường mẫu giáo và nhà trẻ ở Nhật Bản. Mình sẽ tóm tắt thông tin ở bảng bên dưới như sau: Nhóm tuổi đối tượng Các bé từ 0 đến 6 tuổi (trước tuổi đi học tiểu học) có thể đi nhà trẻ, nhưng chỉ có các bé từ 3 tuổi trở lên mới được đi học ở trường mẫu giáo. Các kỳ nghỉ dài Các trường mẫu giáo ở Nhật có nghỉ hè, nghỉ đông và nghỉ xuân nữa. Trong thời gian đó trường không nhận giữ trẻ, nhưng nhà trẻ thì nhận giữ trẻ quanh năm. Thời gian giữ trẻ Trường mẫu giáo hầu hết nhận giữ trẻ từ 9 giờ đến 14 giờ, nếu thời gian có kéo dài thì cũng chỉ là từ 8 giờ đến 17 giờ. Nhưng ở nhà trẻ, đa phần các trường nhận giữ bé từ 7 giờ đến 19 giờ. Vì cả hai vợ chồng mình đều phải đi làm, ông bà cả hai bên đều không ở gần, vì vậy bọn mình không còn cách nào khác là gửi con trai lớn vào nhà trẻ. Tuy nhiên năm ngoái do mình mang thai và nghỉ sinh bé thứ hai, đồng thời chuyển nhà nên hiện mình gửi con trai lớn ở trường mẫu giáo. 3. Cách chọn nhà trẻ của mình Con trai lớn (khi bé 1 tuổi) Mình thực sự bắt đầu công việc chuẩn bị hồ sơ để nộp đăng ký đi nhà trẻ cho con trai đầu (sinh năm 2016) là vào mùa hè năm 2017. Trong tiết trời nóng như đổ lửa, mình vẫn nhớ như in cảm giác vừa bế con vừa đi đến uỷ ban quận rồi tham quan nhà trẻ để lo đầy đủ tất cả các giấy tờ cần thiết. Khi lựa chọn nhà trẻ cho bé, mình đặc biệt chú trọng 4 điểm sau đây: ① Nhà trẻ được chứng nhận (Mình nghĩ sẽ an toàn hơn nếu trường đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc gia) ② Vị trí gần nhà (Vì công ty xa nhà nên mình muốn thời gian đưa đón bé càng ngắn càng tốt) ③ Giáo viên tốt nhiệt tình, đặc biệt chú trọng việc có nhiều thầy cô có kinh nghiệm lâu năm với trẻ nhỏ. ④ Có sân vườn với diện tích vừa đủ (để trẻ thoải mái vận động) Để xác định gần nhà mình có các nhà trẻ như thế nào cách đơn giản nhất là tải bản đồ nhà trẻ từ trên trang chủ của uỷ ban quận các bạn nhé. Đồng thời mình tải luôn danh sách ghi số lượng tuyển sinh của các trường để khoanh vùng tìm nhà trẻ phù hợp. Sau khi đọc cẩn thận và kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin, mình đã chọn ra được 7 trường đáp ứng nhu cầu của mình và lên lịch trình tham quan. 4. Tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ! Trước hết, hãy tập hợp thông tin ở uỷ ban quận và trên trang chủ! Để vào nhà trẻ ở Nhật ai cũng nói là không dễ dàng chút nào. Thế nên trong đơn đăng ký, bạn hãy viết tất cả tên các nhà trẻ mà bạn nghĩ có thể gửi bé vào được theo thứ tự nguyện vọng từ cao xuống thấp nhé. Tuy vậy vì tỷ lệ cạnh tranh cao nên thường thì khả năng được chọn của nguyện vọng một là thấp và thậm chí việc bạn không trúng nguyện vọng nào cũng không có gì là lạ cả. Vậy nên cách tốt nhất là ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh sai sót và tăng khả năng đỗ cho bé nhé. Đầu tiên, mình đã đến uỷ ban quận hỏi nhân viên tư vấn tuyển sinh nhà trẻ thời hạn nộp hồ sơ và các lưu ý và nhận đơn đăng ký. Bạn cũng có thể kiểm tra thời hạn đăng ký trên trang web hoặc qua điện thoại nhé. Mình đã thất bại trong lần “ra quân đầu tiên”...! Con trai đầu của mình sinh cuối năm 2016 (sau tháng 4 là lúc niên học bên Nhật bắt đầu). Vậy nên mình đã nộp hồ sơ xét tuyển vào tháng 11 năm 2016 để bé có thể đi nhà trẻ vào tháng 4 năm 2017, nhưng đáng tiếc là bé không được chọn. Năm 2017, một lần nữa mình nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển giữa kỳ nhưng lại không đỗ cũng cùng lý do là không còn chỉ tiêu trống cho bé. Vào tháng 11 năm 2017 mình đã nộp hồ sơ lần 3 và cuối cùng cũng đỗ nên con trai lớn của mình bắt đầu đi nhà trẻ từ tháng 4 năm 2018. Mình không có ấn tượng là xin vào nhà trẻ ở Việt Nam khó nên khi trượt hết lần này đến lần khác ở bên này thì mình đã rất bất ngờ. Xin nhà trẻ Nhật mệt thật chứ đùa đâu! Các bố mẹ cũng cần chú ý tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp đơn nhé. Một người bạn Việt Nam của mình đã gặp phải tình cảnh dở khóc dở cười là tuy chỉ nộp hồ sơ muộn có một ngày thôi nhưng đã không được ủy ban quận chấp nhận. Ngay cả khi bé nhà bạn đủ điều kiện nhập học thì cũng sẽ không thể đỗ nếu bạn trễ thời hạn, vì vậy các bố mẹ hãy cẩn thận điểm này nhé! 5. Tham quan nhà trẻ sớm Hãy đến tham quan nhà trẻ trước khi nộp đơn nhé. Nhà trẻ là nơi đầu tiên bé sinh hoạt cộng đồng và là nơi các bạn nhỏ trải qua tương đối thời gian trong 5 năm đầu đời nên mình thực sự rất lưu ý vấn đề này. Thêm một điều nữa là trong đơn đăng ký có cột điền tên nhà trẻ từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 5 nên mình quyết định dành thời gian tham quan nhà trẻ cũng là để xác định thứ tự trên dưới này cho dễ nữa. Mình đã gọi điện đến từng nhà trẻ và đặt lịch hẹn, sau đó đến thăm 7 nhà trẻ trong chỉ 2 tuần. Khi đến nơi và trực tiếp tham quan các nhà trẻ, mình phát hiện ra rất nhiều điều mà mình không thể biết được nếu chỉ đọc thông tin trên bản đồ hay trang web của nhà trẻ. Ví dụ, có nhà trẻ mặc dù nhìn trên bản đồ thì thấy rất gần nhưng thực tế khi đi thử đến đó thì đoạn đường lại có rất nhiều dốc và phải dừng nhiều vì đèn tín hiệu giao thông nên rốt cuộc có thể lại tốn rất nhiều thời gian cho việc đưa đón con. Ngoài ra, có nhà trẻ mặc dù ban đầu mình không thích lắm vì có vẻ xa nhà nhưng khi đến tận nơi thì mới biết là trường mới và các giáo viên rất tận tình và tất nhiên, ngược lại cũng có nơi gần nhà nhưng cơ sở thiết bị đã cũ lại không có sân vườn nữa. Có rất nhiều điểm mà chỉ sau khi tham quan thực tế bạn mới có thể nhận ra Ngoài ra còn là vấn đề về sở thích nữa. Ví dụ đơn giản là mình thì mình nghĩ là một nhà trẻ có nhiều cây xanh thì tốt quá rồi, nhưng có một cô bạn người Nhật của mình lại chia sẻ rằng: “Nhà trẻ mà có nhiều cây xanh bao quá thì chắc sẽ có nhiều muỗi và côn trùng lắm nên mình không thích lắm đâu!”. Đó là lý do tại sao tốt nhất bạn nên xác định rõ tiêu chuẩn của riêng mình và trực tiếp tham quan trường để xác nhận trước khi ghi nguyện vọng chứ không nên cứ nghe bảo tốt là xin vào. Bạn bận thì không còn cách nào chứ nếu có đôi chút thời gian thì mình khuyên các bạn hãy đến tham quan trường vì thực sự rất hữu ích đó. 6. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký Các hồ sơ đăng ký xét tuyển có thể hơi khác nhau tùy thuộc vào khu vực bạn sinh sống, nhưng nếu bạn sống ở quận Arakawa-ku, Tokyo thì các tài liệu sau đây là bắt buộc. ① Đơn đăng ký nhập học ② Đơn xin hỗ trợ (trợ cấp) ③ Giấy xác nhận các mục quan trọng / Giấy đồng ý ④ Giấy thông báo về tình trạng sức khoẻ của trẻ ⑤ Giấy chứng nhận việc làm * Của cả hai vợ chồng ⑥ Giấy xác nhận tổng thu nhập và số thuế phải đóng của năm gần đây nhất * Của cả hai vợ chồng Mình đã xin giấy ở mục ⑤ từ công ty qua bưu điện và mục ⑥ trực tiếp tại uỷ ban quận. 7. Bí quyết là biết số điểm mình có Kiểm tra các tiêu chí xét tuyển trên trang chủ của uỷ ban quận Ở Nhật Bản, quá trình chuẩn bị cho một đứa trẻ đi học mẫu giáo được gọi là “hoạt động tìm nhà trẻ” (tiếng Nhật đọc là “hokatsu”). Bí quyết hokatsu của mình là phải biết điểm số (chỉ số dùng để xét vào trường) của mình đang có là bao nhiêu. Mình đã tính số điểm mình theo các bước như sau: ◆ Cách kiểm tra điểm số ・ Mình đã kiểm tra các tiêu chí xét tuyển trên trang chủ của uỷ ban quận và tự thử tính điểm cho mình. Tuy nhiên có một vài điểm mình đọc mà vẫn không hiều nên mình đã gọi điện hỏi nhân viên phụ trách tuyển sinh ở uỷ ban quận. Các chuyên viên rất nhiệt tình giúp mình giải đáp mọi thắc mắc nên mình đã xác định tương đối chính xác số điểm của mình trước khi nộp hồ sơ. ・ Thêm nữa là khi đến tham quan thực tế các nhà trẻ, mình đã “khéo” hỏi mức điểm chuẩn để đỗ để xác định xem bé nhà mình có thể vào nhà trẻ với số điểm của mình đang có hay không. Dựa vào đấy để mình cân nhắc khi ghi thứ tự nguyện vọng. Tuy nhiên, một số nhà trẻ có thể không tiết lộ thông tin này nên mình có thu thập thông tin từ các mẹ bỉm trong cùng khu mình sống để có căn cứ phán đoán thêm đấy. ◆ Cách viết đơn đăng ký Trong đơn đăng ký chỉ có 5 dòng để ghi nguyện vọng, nhưng mình đã mạnh dạn viết tên của tất cả các nhà trẻ mà mình mong bé có thể vào được. Thêm vào đó, mình đã viết thêm mong muốn của mình vào rìa đơn đăng ký với nội dung là: “Mong quận xem xét vì đây là cơ hội cuối cùng để tôi có thể quay trở lại làm việc. Bất kỳ trường mẫu giáo nào trong số 7 nguyện vọng của tôi ghi ở trên nếu được chọn tôi cũng xin chấp nhận hết”. Thay vì chỉ đơn giản là yêu cầu giúp đỡ “Hãy cho con tôi vào học” thì sẽ hữu ích hơn nếu bạn viết ra các nội dung một cách cụ thể, chẳng hạn như “Tôi không thể kéo dài thời gian nghỉ chăm sóc bé” hoặc “Ông bà bị bệnh nên tôi không có ai để nhờ trông con hộ được”. Thật may mắn là sau nhiều lần đăng kí không được thì cuối cùng con trai lớn của mình đã vào được trường mẫu giáo mà là nguyện vọng một luôn các bạn ạ. 8. Lời kết Mình và con trai đầu Trong bài viết này, mình đã giới thiệu đến các bạn về một số điểm khác biệt giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam, khác biệt giữa nhà trẻ và trường mẫu giáo của Nhật và những bước chuẩn bị căn bản để đăng kí vào nhà trẻ Nhật dựa trên kinh nghiệm của mình. Có thể là nửa đùa nửa thật thôi nhưng người Nhật có câu nói ví von là “để đỗ vào nhà trẻ ở Nhật Bản khó ngang như thi đại học” các bạn ạ. Cũng chính vì vào nhà trẻ khó nên bản thân mình từng chứng kiến nhiều gia đình bạn bè thậm chí đã phải chuyển nhà chỉ để được trúng nhà trẻ. Hơn nữa, đối với những người nước ngoài như tụi mình lại có thêm rào cản về ngôn ngữ nữa nên việc chọn và đỗ vào nhà trẻ lại càng vất vả hơn nhiều lần. Vì vậy mình viết bài này với mong muốn sẽ giúp ích phần nào cho các phụ huynh dễ dàng hơn trong quá trình tìm hiểu về việc vào nhà trẻ ở Nhật, làm sao để mình chuẩn bị cho hành trang đầu đời của bé thật suôn sẻ nhé. Việc nuôi dạy con cái rồi tìm nhà trẻ ở Nhật quả thật không đơn giản, nhưng mình mong các bạn hãy vững tin. Nghĩ một cách tích cực đi thì mọi vất vả sau này nhìn lại có khi lại thành chuyện vui để kể cũng nên. Vậy ngại gì đâu, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để cùng đạt mục tiêu nhé! Tác giả Nguyễn Thùy Nhung Sinh năm 1986 tại Hà Nội. Năm 2004-2009: Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia Hà Nội (Du học 1 năm tại Đại học Tokyo). Năm 2009-2011: Du học tại Khoa Du lịch, Đại học Rikkyo bằng học bổng của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Năm 2011: Làm việc tại công ty sản xuất máy móc công nghiệp của Nhật Bản. Kết hôn năm 2012, sinh con trai lớn năm 2016, sinh con trai thứ hai năm 2021. Vừa đi làm vừa chăm con.

Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư

[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]

  • 〈Tổng hợp bài viết〉Trước khi chọn công ty phái cử hãy biết trước những thông tin này!

    Chúng tôi đã tổng hợp những thông tin cần thiết và không thể thiếu để các bạn đang muốn đi thực tập ở Nhật cũng như gia đình của các bạn tham khảo. Tuỳ vào từng công ty phái cử, chi phí phải bỏ ra có thể khác nhau tới vài nghìn đô la. Không những thế, dù đã trả nhiều tiền cho công ty phái cử thì cũng có rất nhiều người nhận mức lương ở Nhật rất thấp. Vì vậy, chúng tôi sẽ gửi đến các bạn những thông tin thiết yếu để có thể đi Nhật với khoản chi phí hợp lý và có cuộc sống thực tập đầy ý nghĩa. Q1. Trong quá trình thực tập kỹ năng có thể tiết kiệm được bao nhiêu? Đầu tiên, số tiền mà bạn có thể tiết kiệm được trong 3 năm thực tập kỹ năng là khoảng bao nhiêu? ・ Tiền lương tại Nhật mỗi tháng và các chi phí sinh hoạt khoảng bao nhiêu? ・ Trong 3 năm, có thể gửi về Việt Nam bao nhiêu tiền? Để trả lời những câu hỏi trên, một tờ báo của Nhật đã thu thập thông tin từ rất nhiều thực tập sinh kỹ năng người Việt. Số đặc biệt: Thực tập sinh thực sự tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Q2. Có thể hoàn toàn yên tâm với công ty phái cử do người quen giới thiệu!? ・ Đừng chỉ tin vào sự giới thiệu từ người quen, với việc tự mình tìm công ty phái cử, bạn có thể tiết kiệm được vài nghìn đô la chi phí phải trả cho công ty phái cử! ・ Tuỳ từng công ty phái cử mà nội dung học tiếng Nhật, những hỗ trợ sau khi sang Nhật sẽ có sự khác biệt lớn. Có rất nhiều công ty tốt mà chi phí lại thấp, ngược lại, cũng có nhiều công ty chi phí cao mà chất lượng không tốt! Để lựa chọn công ty phái cử cần phải có bí quyết. Báo KOKORO – Tờ báo nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tổng hợp cách tìm công ty phái cử ở Việt Nam. Số đặc biệt: Cách lựa chọn công ty phái cử_01 Q3. Tuỳ từng công ty mà chi phí phái cử khác nhau đến thế sao!? ・ Tuỳ từng công ty phái cử mà chi phí khác nhau tới vài nghìn đô la. Công ty phái cử có chi phí thấp nhất khoảng bao nhiêu? Công ty phái cử có chi phí cao nhất khoảng bao nhiêu? ・ Có rất nhiều trường hợp “Đã trả rất nhiều tiền cho công ty phái cử nhưng mức lương ở Nhật lại thấp”, ngược lại, “Đã trả ít tiền cho công ty phái cử nhưng lương ở Nhật lại cao hơn mức trung bình”. ・ Vậy thì, các công ty phái cử có chi phí khác nhau như vậy là vì sao? Câu trả lời cho những câu hỏi và hiện tượng trên nằm trong bài viết này. Số đặc biệt: Phí trả cho công ty phái cử khác nhau đến mức nào Văn hoá Nhật Bản Cuối cùng, các bạn hãy thoả sức tìm hiểu sự khác nhau trong văn hoá Việt Nam và Nhật Bản nhé. Chủ đề lần này là: ・ Lau đũa trong quán ăn là kỳ lạ?・ Người Nhật thường không gọi điện cho bố mẹ?・ Người Nhật ghét cho mượn điện thoại? Việt Nam OK – Nhật Bản DAME_18 Tổng kết ・ Với việc tự mình tìm công ty phái cử, bạn có thể tiết kiệm được vài nghìn đô la chi phí phải trả cho công ty phái cử. ・ Tuỳ vào từng công ty phái cử mà nội dung học tiếng Nhật, những hỗ trợ sau khi sang Nhật có sự khác biệt lớn. ・ Có rất nhiều công ty phái cử tốt mà chi phí lại thấp, cũng có công ty phái cử chi phí cao song chất lượng không tốt! ・ Có rất nhiều trường hợp “Đã trả rất nhiều tiền cho công ty phái cử nhưng mức lương ở Nhật lại thấp”. Lần này, chúng tôi đã giới thiệu các bài viết liên quan đến những thông tin nêu trên. KOKORO là trang web nhận được hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Các bạn hãy tìm hiểu thông tin trong các bài viết của KOKORO và tự mình tìm công ty phái cử nhé.

    05/05/2022

  • Vượt qua “nỗi sợ kính ngữ”! Hãy nhớ kính ngữ như thế này!

    Nếu được hỏi "Khi học tiếng Nhật thì cái gì khó nhất?”, có lẽ đa phần người nước ngoài sẽ trả lời là: “Kính ngữ!”. Mình cũng vậy. Kính ngữ vừa nhiều vừa phức tạp nhỉ. Hơn nữa, chúng mình thường dùng kính ngữ với “người trên” nên mình luôn phải “căng não” suy nghĩ xem kính ngữ mà mình dùng có đúng hay không. Nếu các bạn muốn “vượt qua nỗi sợ kính ngữ” thì hãy tham khảo bài viết này để học cách ghi nhớ và sử dụng kính ngữ chính xác nhé! Các loại kính ngữ Vậy bản chất kính ngữ là gì? Kính ngữ thực ra chỉ là những cách nói được dùng để bày tỏ “thái độ tôn trọng đối phương”. Kính ngữ gồm 3 loại chính sau đây. Tôn kính ngữ (Sonkeigo) Được dùng để mô tả hành động của đối phương, nhằm mục đích tôn cao vị thế của họ. Chủ ngữ thường là người trên. Khiêm nhường ngữ (Kenjogo) Được dùng để mô tả hành động của bản thân, nhằm mục đích hạ thấp mình và nâng cao vị thế đối phương. Chủ ngữ thường là bản thân hoặc người cùng nhóm người với mình. Từ ngữ lịch sự (Teineigo) Là cách nói lịch sự để thể hiện sự tôn trọng đối phương. So với tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ, từ ngữ lịch sự chỉ thể hiện một chút thái độ tôn trọng. Chú ý tới người thực hiện hành động (誰が) và đối tượng mà hành động hướng tới (誰に) Kể cả có thuộc lòng các loại kính ngữ thì chúng ta cũng tốn kha khá thời gian để có thể phân biệt và sử dụng thành thạo. Vì vậy, khi dùng kính ngữ, đầu tiên, bạn hãy xác định ai là người thực hiện hành động và đối tượng mà hành động hướng tới. Nói cách khác, hãy trả lời hai câu hỏi:「だれが?」(Chủ ngữ là ai?) và「だれに?」(Hành động hướng tới ai?). Chúng ta cùng xem các ví dụ cụ thể nhé. 【Ví dụ】 ✕ 社長が私に「いつもありがとう。これからもがんばってね!」と言いました。 ◎ 社長が私に「いつもありがとう。これからもがんばってね!」とおっしゃいました。 →→ Chủ ngữ của「言いました」(=だれが)là giám đốc (người trên). Vì vậy, chúng ta sẽ chuyển「言いました」sang tôn kính ngữ. ・ Kính ngữ của「言う」:「おっしゃる」 ・ Dạng quá khứ của「おっしゃる」:「おっしゃった」 ・ Cách nói lịch sự của「おっしゃった」:「おっしゃいました」 【Ví dụ】 ✕ 私は社長に「ありがとうございます!頑張ります!」と言いました。 ◎ 私は社長に「ありがとうございます!頑張ります!」と申し上げました。 →→ Chủ ngữ của「言いました」là “tôi" (người nói) và đối tượng hướng đến là giám đốc. Nói cách khác,「言いました」là hành động của người nói, hướng tới đối tượng là người trên nên「言いました」cần được chuyển sang tôn kính ngữ. ・ Tôn kính ngữ của「言う」:「申し上げる」 ・ Dạng quá khứ của「申し上げる」:「申し上げた」 ・ Cách nói lịch sự của「申し上げた」:「申し上げました」 Các cách nói「おっしゃいました」,「申し上げました」và「言いました」tưởng giống mà lại khác nhau hoàn toàn nhỉ! Chúng ta phải nhớ từng cách sử dụng riêng, khó ghê! Các lỗi kính ngữ mà người nước ngoài thường mắc phải Ở phần này, mình sẽ giới thiệu những lỗi kính ngữ mà người nước ngoài chúng mình hay mắc phải. Các bạn có thấy các câu trả lời ở dưới có điểm chưa hợp lý không? Cùng suy nghĩ nhé! 【Tìm lỗi sai】 Đối phương: あなたの弟さんはどこに住んでいますか?Mình: 私の弟さんは名古屋に住んでいます。 (Câu đúng) 私の弟は名古屋に住んでいます。 (Giải thích) Đối phương dùng cách gọi「弟さん」để thể hiện sự tôn trọng với người nghe (tôi) và em trai của người nghe. Tuy nhiên, “mình" không được thêm「さん」 vào sau cách gọi những người thân của mình. Đây chính là một trong những lỗi mà người nước ngoài hay gặp nhất! 【Tìm lỗi sai】 Một đối tác đã đến công ty của mình và hỏi như sau. Đối phương: こんにちは。社長さんはいらっしゃいますか?Mình: いらっしゃいません。あいにく、社長さんは外出しておられます。 (Câu đúng) おりません。あいにく、社長は外出しております。 (Giải thích) 「外出しておられます」là tôn kính ngữ của「外出しています」. Do chủ ngữ là giám đốc - người trên, nên chắc sẽ có nhiều bạn nghĩ mình nên sử dụng tôn kính ngữ để mô tả hành động「外出する」. Tuy nhiên, trong trường hợp trả lời người không thuộc công ty của mình, cách suy nghĩ này là sai. Lí do là vì người ở ngoài công ty cần được đưa lên vị thế cao hơn mình và những người thuộc công ty mình. Bên cạnh đó, việc dùng cách gọi「さん」cho giám đốc (người trong công ty) cũng là không chính xác. 【Tìm lỗi sai】 Một vị khách đã tới cửa hàng mình làm việc và hỏi “Chủ cửa hàng có ở đây không?”. Mình đã mời vị khách đó ngồi và đi thông báo cho chủ cửa hàng biết. Mình: お客様が参りました。(お客様は)あちらでお待ちしています。 (Câu đúng) お客様がいらっしゃいました。(お客様は)あちらでお待ちになっています。 (Giải thích) Vì chủ ngữ của「来ました」là「お客様」nên chúng ta cần chuyển「来ました」thành「いらっしゃいました」.「参りました」là khiêm nhường ngữ của「来ました」. Khiêm nhường ngữ chỉ được dùng trong trường hợp chủ ngữ là người thân hoặc thuộc cùng một nhóm người với mình. Nếu sử dụng khiêm nhường ngữ để mô tả hành động của khách thì sẽ bị cho là thất lễ đó! 【Tìm lỗi sai】 Mình đến thăm khách hàng/đối tác và được mời ăn bánh ngọt. Sau đó, mình kể lại việc đó cho sếp khi đã quay trở lại công ty. Mình: 私はケーキを召し上がりました。とてもおいしかったです。 (Câu đúng) 私はケーキをいただきました。とてもおいしかったです。 (Giải thích) Ở đây, chủ ngữ của hành động ăn bánh chính là “mình”. Do chủ ngữ là “mình" nên「食べました」cần được chuyển thành khiêm nhường ngữ「いただきました」. 「召し上がる」là tôn kính ngữ của「食べる」nên đừng sử dụng khi người thực hiện hành động là bản thân mình nhé! 【Tìm lỗi sai】 Đối tác: 私がお渡しした資料の動画をご覧になりましたか? Mình: はい、いただいた資料の動画をご覧になりました。 (Câu đúng) はい、いただいた資料の動画を拝見しました。 (Giải thích) Do chủ ngữ của「見ました」là “mình” nên chúng ta cần sử dụng khiêm nhường ngữ của 「見ました」là「拝見しました」. 「ご覧になりました」là tôn kính ngữ của「見ました」nên đừng sử dụng khi người thực hiện hành động là bản thân mình nhé! 3 bí quyết để dùng kính ngữ chính xác Vậy thì, để tránh sai kính ngữ, chúng ta cần lưu ý những điểm gì? 3 bí quyết sau đây sẽ giúp bạn dùng kính ngữ một cách thuần thục. ① Luôn xác định chủ ngữ Nguyên nhân lớn nhất của việc dùng sai kính ngữ là do người nói không xác định chính xác chủ ngữ của câu. Chỉ cần trả lời câu hỏi “Người thực hiện hành động đó là ai?”, các bạn sẽ biết ngay chủ ngữ của câu đó thôi. Sau khi xác định được chủ ngữ rồi, hãy áp dụng các quy tắc sau để giảm lỗi sai kính ngữ nhé! ・ Khi chủ ngữ là đối phương hoặc người khác (đa phần là người trên) → Dùng tôn kính ngữ ・ Khi chủ ngữ là bản thân hoặc những người thân, cùng nhóm với mình →Dùng khiêm nhường ngữ ② Ghi nhớ các loại kính ngữ thường sử dụng Việc lặp lại và ghi nhớ các câu kính ngữ hay dùng cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, các bạn cũng có thể chú ý nghe cách sử dụng kính ngữ của những người xung quanh (như ở nơi làm việc chẳng hạn). Việc này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cách dùng kính ngữ mình đã học đó! Tôn kính ngữ Khiêm nhường ngữ Cách nói đề cao đối phương một cách trực tiếp Cách nói đề cao đối phương bằng việc hạ thấp mình Chủ ngữ Đa phần là người trên Bản thân mình hoặc những người xung quanh mình (gia đình, đồng nghiệp, v.v.) する なさる、される いたす、させていただく 言う おっしゃる、言われる 申す、申し上げる 行く 行かれる うかがう、参る 来る いらっしゃる、来られる、お越しになる 参る、うかがう 食べる 召し上がる、お食べになる いただく 見る ご覧になる 拝見する 読む お読みになる 拝読する 聞く お聞きになる 拝聴する、うかがう 会う お会いになる、会われる お目にかかる 帰る お帰りになる、帰られる おいとまする 会社 貴社、御社(おんしゃ) 弊社(へいしゃ) ③ "Tuyệt chiêu” tìm kiếm với Google Có một phương pháp giúp bạn tra cứu cách dùng kính ngữ chính xác trên Google, bạn đã biết chưa? Ví dụ, bạn muốn kiểm tra câu「ご時間をいただきますでしょうか」có đúng hay không. Khi đó, hãy thêm dấu ngoặc kép “ ” ở đầu và cuối câu rồi thử tìm kiếm “お時間をいただきますでしょうか” trên Google xem sao nhé! Ngay lập tức, câu “お時間をいただけますでしょうか” sẽ xuất hiện đằng sau chữ “Có phải bạn muốn tìm” (tiếng Nhật là「もしかして」). Thông thường, đề xuất này của Google sẽ là cách nói đúng. Tổng kết Nguyên tắc khi sử dụng kính ngữ là xác định người thực hiện hành động (chủ ngữ là ai?). Nếu chủ ngữ là người trên thì dùng tôn kính ngữ, nếu chủ ngữ là mình hoặc người thân - cùng nhóm với mình thì dùng khiêm nhường ngữ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi sử dụng kính ngữ là “Đối phương có cảm nhận được thái độ tôn trọng của mình không?”. Ví dụ, các câu như 「お召し上がりになってください」 và 「お伺いいたします」 đang mắc phải một lỗi sai được gọi là “lỗi lặp kính ngữ” (二重敬語). Tuy nhiên, cách nói này lại giúp thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn so với cách dùng kính ngữ chính xác (「召し上がってください」và「伺います」) nên lỗi lặp kính ngữ vẫn “được” rất nhiều người Nhật sử dụng. Ngoài ra, những lúc không thể “bật ra” ngay câu sử dụng kính ngữ, các bạn cũng đừng nên suy nghĩ quá nhiều mà hãy sử dụng dạng「〜です」,「〜ます」quen thuộc nhé! Chúng ta nên ưu tiên hiệu quả của việc giao tiếp, còn cách dùng kính ngữ thì chúng ta có thể tra cứu sau và ghi nhớ dần dần mà!

    03/05/2022

  • Những địa điểm ngắm hoa nổi tiếng để đi ngắm trong Tuần lễ vàng

    Tháng 5 ở Nhật Bản được gọi là "Hana no Tsuki" – Tháng của hoa. Vào dịp này, nhiều loài hoa nở rộ trên khắp đất nước. Vào thời điểm này, nhiều người thường tới các địa điểm như công viên vì nó trùng với kỳ nghỉ kéo dài mà người Nhật gọi là Golden Week, tức Tuần lễ vàng. Tại sao bạn không đi xem những loài hoa rực rỡ như đỗ quyên, cúc áo, nemophila và hoa tử đằng? Chúng tôi sẽ giới thiệu những điểm hoa nổi tiếng mà các bạn có thể đến chơi trong Tuần lễ vàng này nhé. Các đại điểm xung quanh Tokyo Công viên Kasama Tsutsuji(Tỉnh Ibaraki) 🌺 Khung cảnh ngoạn mục của mùa xuân, nơi toàn bộ ngọn núi được nhuộm một màu đỏ tươi. ▶︎ 616-7 Kasama, Kasama-shi ▶︎ 5 phút đi xe buýt từ ga JR Kasama ▶︎ Lễ hội Kasama Tsutsuji lần thứ 51 (Cho đến Chủ nhật, ngày 8 tháng 5) ▶︎ Phí vào cửa: 500 yên cho học sinh trung học phổ thông trở lên, miễn phí cho học sinh trung học cơ sở trở xuống ▶︎︎ Trang web chính thức Vườn mẫu đơn Tsukuba(Tỉnh Ibaraki) Vườn hoa mẫu đơn lớn nhất thế giới ▶︎︎ 500 Wakaguri, Tsukuba-shi ▶︎︎ 20 phút đi xe buýt từ ga JR Ushiku, xuống tại "Kukizaki Wakaguri", 5 phút đi bộ ▶︎︎ Mở cửa giới hạn mùa xuân = đến ngày 22 tháng 5 (CN) ▶︎︎ Phí vào cửa: 1000 yên cho học sinh trung học phổ thông trở lên, miễn phí cho học sinh trung học cơ sở trở xuống ▶︎︎ Trang web chính thức Công viên Kaihin Hitachi (tỉnh Ibaraki) "Miharashi no Oka" một khung cảnh tuyệt đẹp với không gian được phủ đầy bởi loài hoa Nemophila ▶︎︎ 605-4 Mawatari Onuma, Hitachinaka-shi ▶︎︎ 15 phút đi xe buýt từ Lối ra phía Đông số 2 của Ga JR Katsuta, xuống tại "Lối ra phía Tây Kaihin Koen" ▶︎︎ Thời gian: Cho đến hết Chủ nhật, ngày 29 tháng 5 ▶︎︎ Phí vào cửa: 450 yên cho học sinh trung học phổ thông trở lên, 210 yên cho người từ 65 tuổi, miễn phí cho học sinh trung học cơ sở trở xuống  ▶︎︎ Trang web chính thức Công viên hoa Ashikaga (tỉnh Tochigi) Ảnh: Báo Mainichi Nơi nổi tiếng với hơn 350 cây hoa tử đằng nở rộ. Bạn cũng có thể ngắm đỗ quyên cho đến đầu tháng Năm. ▶︎︎ 607 Hasama-cho, Ashikaga-shi ▶︎︎ 3 phút đi bộ từ ga JR Ashikaga Flower Park ▶︎︎ Lễ hội Ofuji 2022 = Cho đến Chủ nhật, ngày 22 tháng 5. Sáng cho đến ngày 15 tháng 5 (CN) ▶︎︎ Phí vào cửa (tháng 4-5): Học sinh trung học cơ sở trở lên 800-2000 yên, trẻ từ 4 tuổi trở lên đến học sinh tiểu học 400-1000 yên (Phí thay đổi tùy thời điểm) ▶︎︎ Trang web chính thức Công viên rừng quốc gia Musashi Kyuryo (tỉnh Saitama) Khoảng 700.000 bông Poppy đang nở rộ, cùng với không khí trong lành và những cánh rừng bạt ngàn. ▶︎︎ Namegawa-shi Yamata 1920 ▶︎︎ Xe buýt từ Ga Shinrinkoen (Đường sắt Tobu) hoặc Ga Kumagaya (Đường sắt JR, Chichibu) ▶︎︎ Phí vào cửa: 450 yên cho học sinh trung học phổ thông trở lên, 210 yên cho người 65 tuổi trở lên, miễn phí cho học sinh trung học cơ sở trở xuống ▶︎︎ Trang web chính thức Công viên nông nghiệp Akebonoyama (tỉnh Chiba) Những bông hoa mùa xuân đầy rực rỡ như poppy đua nhau khoe sắc ▶︎︎ Kashiwa-shi, Fuse 2005-2 ▶︎︎ Từ lối ra phía bắc của ga JR Abiko, bắt xe buýt đến Công viên Nông nghiệp Akebonoyama trong 17 phút và xuống ở điểm cuối. ▶︎︎ Phí vào cửa: Miễn phí ▶︎︎ Trang web chính thức Vườn hồng Keisei (tỉnh Chiba) 🌹 10.000 bông hồng đang nở rộ. Ngoài ra còn có những "vòm hoa hồng" rất đẹp. ▶︎︎ 755 Owada Shinden, Yachiyo-shi ▶︎︎ Xuống tại Ga Yachiyo Midorigaoka trên Đường sắt Toyo Rapid, và đi bộ trong 15 phút. Ngoài ra, bạn có thể xuống tại ga Keisei Yachiyodai và đi xe buýt khoảng 30 phút. ▶︎︎ Lễ hội “Sắc màu mùa xuân” : Cho đến Chủ nhật, ngày 12 tháng 6 ▶︎︎ Phí vào cửa: 1500 yên cho học sinh trung học phổ thông trở lên, 1200 yên cho người trên 65 tuổi trở lên, miễn phí cho học sinh trung học cơ sở trở xuống ▶︎︎ Trang web chính thức Làng Đức ở Tokyo (tỉnh Chiba) Phong cảnh của Hyakka Ryoran nơi những bông hoa đầy màu sắc đang nở rộ ▶︎︎ 419 Nagayoshi, Sodegaura-shi ▶︎︎ Xuống tại ga JR Sodegaura và đi xe buýt thường khoảng 1 giờ. Hoặc xuống tại ga JR Chiba và bắt xe buýt cao tốc Kapina. ▶︎︎ Vé vào cửa: 800 yên cho học sinh trung học cơ sở trở lên, 400 yên cho học sinh tiểu học, trẻ từ 4 tuổi ▶︎︎ Trang web chính thức Công viên Showa Kinen (Tokyo) Tận hưởng mùa xuân rực rỡ sắc hoa. ▶︎︎ 3173 Midoricho, Tachikawa-shi ▶︎︎ 10 phút đi bộ từ ga JR Tachikawa. 2 phút đi bộ từ ga JR Nishi-Tachikawa. 8 phút đi bộ từ ga Tachikawa-Kita trên tuyến Monorail của thành phố Tama. ▶︎︎ Phí vào cửa: 450 yên cho người từ 15 tuổi trở lên, 210 yên cho người từ 65 tuổi trở lên, miễn phí cho học sinh trung học cơ sở trở xuống ▶︎︎ Trang web chính thức Các điểm nổi tiếng về hoa ở vùng Tokai Công viên vườn Hamanako (tỉnh Shizuoka) Khoảng 300.000 bông nemophila ở "Hana Hiroba". Bạn cũng có thể tham quan những bông hồng đang nở rộ tại "Bảo tàng hoa". ▶︎︎ 5475-1 Murakushi-cho, Nishi-ku, Hamamatsu-shi ▶︎︎ Khoảng 1 giờ đi xe buýt từ ga JR Hamamatsu, xuống tại "Hamanako Garden Park" ▶︎︎ SPRING FESTA 2022 = Cho đến ngày 5 tháng 6 (CN) ▶︎︎ Phí vào cửa: Miễn phí ▶︎︎ Trang web chính thức Công viên hoa Hamamatsu (tỉnh Shizuoka) Bữa tiệc màu sắc, ánh sáng cùng với hoa tử đằng. ▶︎︎ 195 Kanzanji-cho, Nishi-ku, Hamamatsu-shi, Shizuoka ▶︎︎ Khoảng 40 phút đi xe buýt từ lối ra phía bắc của ga Hamamatsu, xuống tại "Flower Park" ▶︎︎ Fuji & Smile Garden Illumination = Cho đến ngày 30 tháng 4 ▶︎︎ Phí vào cửa: 1000 yên cho học sinh trung học phổ thông trở lên, 500 yên cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ▶︎︎ Trang web chính thức Công viên Himenosawa (tỉnh Shizuoka) 🌺 Khoảng 60.000 cây đỗ quyên lấp đầy các sườn núi. ▶︎︎ 1164-1 Himenosawa, Izusan, Atami-shi, Shizuoka ▶︎︎ Từ ga JR Atami, bắt xe buýt Izuhakone và xuống tại "Công viên Himenosawa". ▶︎︎ Lễ hội hoa = Cho đến Chủ nhật, ngày 8 tháng 5 ▶︎︎ Phí vào cửa: Miễn phí ▶︎︎ Trang web chính thức Hirofujien (tỉnh Aichi) Kiệt tác “Hiro Nagafuji” ▶︎︎ 3-37 Nihongimachi, Hekinan-shi, Aichi ▶︎︎ Từ ga Meitetsu Kitashinkawa, bắt xe buýt miễn phí và xuống tại "Hirotoen Nishi" ▶︎︎ Lễ hội Sonoto Hiroto = Cho đến ngày 5 tháng 5 (ngày lễ) ▶︎︎ Phí vào cửa: Miễn phí ▶︎︎ Trang web chính thức Vườn hoa dại Bluebonnet ở cảng Nagoya (tỉnh Aichi) Loài hoa Bluebonnet biểu tượng đang nở rộ. Công viên hoa bên bờ biển. ▶︎︎ 42 Shiomicho, Minato-ku, Nagoya ▶︎︎ 18 phút đi xe buýt từ "Koto-dori" gần ga Meitetsu Oe, xuống tại "Wildflower Garden" ▶︎︎ Thời gian tốt nhất để xem Bluebonnet = cho đến giữa tháng 5 ▶︎︎ Phí vào cửa: 300 yên cho học sinh trung học phổ thông trở lên, 200 yên cho người 65 tuổi trở lên, 150 yên cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ▶︎︎ Trang web chính thức Địa điểm nổi tiếng về hoa ở Keihanshin Công viên Osaka Maishima Seaside (Thành phố Osaka) Cánh đồng hoa rộng lớn và cảnh biển với khoảng 1 triệu cây hoa hồng môn nở rộ ▶︎︎ 2 Hokkoryokuchi, Konohana-ku, Osaka ▶︎︎ 15 phút đi xe buýt Maishima Active từ ga JR Sakurajima (xuống tại Hotel Lodge Maishima Mae), 20 phút đi xe buýt (Cosmo Dream Line) từ ga Osaka Metro Cosmosquare (xuống tại Hotel Lodge Maishima Mae) ▶︎︎ Lễ hội Nemophila 2022 = Cho đến Chủ nhật, ngày 8 tháng 5 ▶︎︎ Phí vào cửa: 1200 yên cho học sinh trung học cơ sở trở lên, 600 yên cho học sinh tiểu học 4 tuổi ▶︎︎ Trang web chính thức Vườn bách thảo Nagai của Thành phố Osaka (Thành phố Osaka) Khoảng 25.000 bông Nemophila khoe sắc ▶︎︎ 1-23 Công viên Nagai, Higashisumiyoshi-ku, Osaka ▶︎︎ 800 m từ lối ra số 3 của ga Osaka Metro Nagai, 1 km từ ga JR Nagai ▶︎︎ Hội chợ Nemophila = Cho đến ngày 5 tháng 5 (Thứ Năm / ngày lễ) ▶︎︎ Phí vào cửa: 200 yên cho học sinh trung học phổ thông trở lên, miễn phí cho học sinh trung học cơ sở trở xuống ▶︎︎ Trang web chính thức Công viên kỷ niệm Expo '70 (thành phố Suita, tỉnh Osaka) Khoảng 380.000 bông poppy phủ đầy các ngọn đồi và các loài hoa theo mùa khác đang nở rộ. ▶︎︎ 1-1 Senri Expo Park, Suita-shi, Osaka-fu ▶︎︎ Ga Osaka Monorail Expo Memorial Park hoặc ga Koen Higashiguchi ▶︎︎ Poppy Fair = Cho đến Chủ nhật, ngày 8 tháng 5 ▶︎︎ Phí vào cửa: 260 yên cho học sinh trung học phổ thông trở lên, 80 yên cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ▶︎︎ Trang web chính thức Nhà máy lọc nước Keage (Thành phố Kyoto) 🌺 Cảnh tượng rực rỡ với khoảng 5000 cây đỗ quyên. Bạn cũng có thể thưởng thức quang cảnh của thị trấn từ trên đồi. ▶︎︎ 3 Awadaguchi Kachocho, Higashiyama-ku, Kyoto ▶︎︎ Cách ga tàu điện ngầm Kijo một đoạn đi bộ ngắn ▶︎︎ Chỉ mở cửa vào thời gian GW hàng năm = Năm 2022 bị hủy bỏ do ảnh hưởng của bệnh dịch ▶︎︎ Phí vào cửa: Miễn phí ▶︎︎ Trang web chính thức Đền Byodo-in (tỉnh Kyoto) Một trong những điểm ngắm hoa tử đằng đẹp nhất ở Kyoto. Bản thân Byodo-in cũng là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. ▶︎︎ 116 Renge, Uji-shi, Kyoto-fu ▶︎︎ 10 phút đi bộ từ ga JR / Uji hoặc ga Keihan / Uji ▶︎︎ Giá vé vào cửa: 600 Yên cho người lớn, 400 Yên cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, 300 Yên cho học sinh tiểu học ▶︎︎ Thời điểm tốt nhất để ngắm hoa tử đằng = cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 ▶︎︎ Trang web chính thức Sorakuen (Thành phố Kobe) 🌺 Khoảng 4000 cây đỗ quyên trang trí đẹp mắt cho khu vườn và bạn có thể tận hưởng khu vườn Nhật Bản. ▶︎︎ 5-3-1 Nakayamatedori, Chuo-ku, Kobe ▶︎︎ 5 phút đi bộ từ ga tàu điện ngầm / Kencho-mae, 10 phút đi bộ từ ga JR Motomachi hoặc ga Hanshin / Motomachi ▶︎︎ Lễ hội hoa đỗ quyên = Cho đến Chủ nhật, ngày 8 tháng 5 ▶︎︎ Phí vào cửa: 300 yên cho học sinh từ 15 tuổi trở lên, 150 yên cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ▶︎︎ Trang web chính thức Kobe Nunobiki Herb Garden / Cáp treo (Thành phố Kobe) 🌼 Tận hưởng bầu không khí của một khu nghỉ dưỡng với các loài hoa mùa xuân như cúc la mã và nemophila. Khung cảnh của thành phố Kobe cũng rất tuyệt vời. ▶︎︎ 1-4-3 Kitano-cho, Chuo-ku, Kobe ▶︎︎ Đi bộ từ ga tàu điện ngầm Shin-Kobe và lên cáp treo sau đó. ▶︎︎ GARDEN FEST 2022 -Spring = Cho đến Chủ nhật, ngày 3 tháng 7 ▶︎︎ Cáp treo (khứ hồi): Học sinh trung học phổ thông trở lên 1800 yên, học sinh tiểu học và trung học cơ sở 900 yên * Miễn phí vé vào cửa ▶︎︎ Trang web chính thức

    28/04/2022

  • Số đặc biệt: Các thư viện tuyệt đẹp là địa điểm du lịch nổi tiếng

    Trong các thư viện công cộng của Nhật Bản có rất nhiều tòa nhà tuyệt đẹp được đăng tải trên Instagram. Đi đến nơi vui chơi nào cũng phải tốn tiền nhưng nếu là thư viện thì miễn phí. Bạn có thể đến một thư viện gần nhà hoặc ghé qua một thư viện địa phương khi đi du lịch. Ngoài việc chụp hình bên ngoài, bạn cũng có thể tham quan và sử dụng các tiện ích bên trong thư viện miễn phí. Dưới đây là một số thư viện ngoài mục đích sử dụng như trước giờ còn là địa điểm thu hút khách du lịch. 4 thư viện đẹp nhất do KOKORO bình chọn Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu các thư viện ở từng khu vực nên ghé thăm, nhưng trước tiên chúng tôi sẽ giới thiệu về 4 thư viện “đặc biệt có giá trị khi đến tham quan” do ban biên tập KOKORO lựa chọn. Các bạn hãy kiểm tra trang web của từng thư viện để biết ngày và giờ mở cửa nhé. 1. Thư viện Yusuhara Kumonoue (Tỉnh Kochi) Thư viện Yusuhara Kumonoue ở thị trấn Yusuhara, tỉnh Kochi được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Kuma Kengo. Các bức tường bên ngoài và nội thất bên trong của thư viện sử dụng rất nhiều gỗ khai thác tại địa phương để hoàn thành cho nên thư viện có mùi hương của gỗ. Ngoài ra còn có một khu vực leo núi nhân tạo miễn phí (mang tất khi sử dụng). ・1212-2 Yusuhara, thị trấn Yusuhara ・0889-65-1900 ・Cách di chuyển: Xe ô tô. Từ ga JR Suzaki đi xe buýt 77 phút. Từ ga JR Uwajima đi xe buýt 90 phút. ・Trang web 2. Thư viện thành phố Toyama – Toà nhà chính (Tỉnh Toyama) Thư viện này nằm trong một cơ sở có tên là "TOYAMA Kirari". Tòa nhà này cũng được thiết kế bởi Kuma Kengo và có một giếng trời lớn bên trong. Bức tường bên ngoài được tạo nên bởi sự kết hợp của kính, nhôm và đá, ánh sáng được phản chiếu ở nhiều góc độ khác nhau để chiếu vào. Bảo tàng Nghệ thuật Thủy tinh Toyama cũng nằm trong cùng tòa nhà. Thư viện có một không gian dành riêng để sử dụng máy tính cá nhân và có thể sử dụng Wi-Fi miễn phí. Ngoài ra còn có các quán cà phê và cửa hàng. ・5-1 Nishicho, thành phố Toyama ・076-461-3200 ・Cách di chuyển: Đi bộ từ trạm xe điện thành phố "Nishicho" hoặc "Grand Plaza-mae" 1-2 phút. Đi bộ từ ga JR Toyama 20 phút. ・Trang web 3. Thư viện Kanazawa Umi Mirai (Tỉnh Ishikawa) Thư viện với đặc trưng là một bức tường bên ngoài với khoảng 6.000 cửa sổ tròn, và đã giành được nhiều giải thưởng liên quan đến kiến ​​trúc và thiết kế. Năm 2014, thư viện này đã được chọn là một trong "20 thư viện hấp dẫn nhất trên thế giới" bởi sách hướng dẫn du lịch của Hoa Kỳ. ※ Kể từ tháng 4 năm 2022, thư viện không được phép vào vì mục đích chụp ảnh như một biện pháp đối phó với virus corona mới. ・1-1 Jichumachi, Kanazawa ・076-266-2011 ・Cách di chuyển: Đi xe buýt từ cửa Tây ga JR Kanazawa ・Trang web 4. Thư viện kỷ niệm Nakajima (Tỉnh Akita) "Thư viện kỷ niệm Nakajima" nằm trong khuôn viên của Đại học Quốc tế Akita đã giành được Giải thưởng Thiết kế Đẹp và được chọn là số 1 ở miền Đông Nhật Bản trong "Bảng xếp hạng Thư viện Đẹp" do các công ty báo chí tổ chức khảo sát. Người dân cũng có thể vào thư viện này. Trong số 83.000 cuốn sách trong bộ sưu tập, khoảng 52.000 cuốn là sách nước ngoài, nhưng trong khu vực sách tiếng Nhật được thiết kế đặt những chiếc ghế sofa. ※ Kể từ tháng 4 năm 2022, việc sử dụng dịch vụ của người dân không phải sinh viên bị tạm ngừng do các biện pháp chống lại virus corona mới. ・Okutsubakidai , Yuwatsubakigawa, Thành phố Akita ・018-886-5907 ・Cách di chuyển: Đi xe buýt từ lối ra phía nam của ga JR Wada 13 phút ・Trang web Thư viện đẹp trên khắp Nhật Bản Chúng tôi đã giới thiệu 4 “thư viện đặc biệt đáng ghé thăm” do ban biên tập KOKORO chọn lọc. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều thư viện đáng ghé thăm khác. Chúng tôi sẽ giới thiệu 12 thư viện trong số đó. Một số thư viện từ chối đến với mục đích tham quan do các biện pháp phòng chống virus corona mới, vì vậy hãy kiểm tra thông tin trên trang web của từng thư viện. Thư viện thông tin thành phố Ebetsu (Hokkaido) ・7 Nopporosuehiro-cho, Ebetsu-shi ・011-384-0202 ・Cách di chuyển: Cách ga JR Nopporo khoảng 15 phút đi bộ. Từ trạm xe buýt JR "trước Thư viện Thông tin" ngay gần đó. ・Trang web Thư viện thành phố Sendai (Tỉnh Miyagi) Thư viện nằm trong cơ sở công cộng "Sendai Mediatheque", có không gian tổ chức sự kiện và phòng trưng bày. Là công trình do kiến ​​trúc sư nổi tiếng thiết kế và xây dựng. ・2-1 Kasugamachi, Aoba-ku, Sendai ・022-261-1585 ・Cách di chuyển: Cách ga JR Sendai khoảng 1,5 km. Cách 550 m từ ga Chikatetsu Kotodai. ・Trang web Thư viện thành phố Hanno (Tỉnh Saitama) ・19-5 Yamate-cho, Hanno-shi ・042-972-2114 ・Cách di chuyển: Cách ga Hanno tuyến Seibu Ikebukuro 15 phút đi bộ. Đi bộ 3 phút từ trạm xe buýt "Tenranzan Iriguchi" từ lối ra phía bắc của ga. ・Trang web Thư viện văn hoá Hibiya quận Chiyoda (Tokyo) Một thư viện hình tam giác tuyệt đẹp ở Công viên Hibiya. Ngoài ra còn có các quán cà phê và nhà hàng. Trong thư viện cấm quay phim chụp ảnh. ・1-4 Hibiyakoen, Chiyoda-ku ・03-3502-3343 ・Cách di chuyển: Đi bộ một đoạn từ ga Tokyo Metro Uchisaiwaicho hoặc ga Kasumigaseki ・Trang web Thư viện tỉnh Yamanashi (Tỉnh Yamanashi) ・2-8-1 Kitaguchi, Thành phố Kofu ・055-255-1040 ・Cách di chuyển: Đi bộ từ ga JR Kofu 3 phút ・Trang web Thư viện thị trấn Obuse-Machitosho Terraso (Tỉnh Nagano) ・1491-2 Obuse, Obuse-cho, Kamitakai-gun ・026-247-2747 ・Cách di chuyển: Cách 130 m từ ga Obuse tuyến tàu điện Nagano ・Trang web Thư viện trung tâm thành phố Gifu (Tỉnh Gifu) Nằm trong một toà nhà văn hóa có tên "Minna no Mori Gifu Media Cosmos", có tầm nhìn từ sân thượng rất đẹp. Ngoài ra còn có không gian dành cho phụ huynh và trẻ em, không gian dành riêng cho thanh niên (YA = học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông), và có phòng để sử dụng máy tính cá nhân. ・40-5 Tsukasamachi, Thành phố Gifu ・058-262-2924 ・Cách di chuyển: Đi xe buýt từ ga JR Gifu ・Trang web Thư viện trung tâm thành phố Komaki (Tỉnh Aichi) ・1-234 Chuo, Thành phố Komaki ・0568-73-9951 ・Cách di chuyển: Đi bộ 2 phút từ lối ra phía tây của ga Meitetsu Komaki ・Trang web Thư viện Nakanoshima phủ Osaka (Osaka) Bên ngoài mang phong cách Phục hưng và không gian bên trong là kiến ​​trúc lịch sử Baroque, được xây dựng vào năm 1904. Đây là một công trình được công nhận là di sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Ở tầng hai, có một nhà hàng chuyên món ăn Bắc Âu được các trang dành cho người sành ăn đánh giá cao. ・1-2-10 Nakanoshima, Kita-ku, Osaka ・06-6203-0474 ・Cách di chuyển: ・Trang web Thư viện trung tâm thành phố Yamaguchi (Tỉnh Yamaguchi) ※ Ảnh: Từ trang web chính thức của Thư viện Thành phố Yamaguchi ・7-7 Nakazonocho, Thành phố Yamaguchi ・083-901-1040 ・Cách di chuyển: Đi xe buýt 16 phút từ ga JR Yamaguchi, xuống tại "Trước trung tâm nghệ thuật thông tin". ・Trang web Thư viện Otepia Kochi (Tỉnh Kochi) Thư viện nằm ở trung tâm của Thành phố Kochi và gần các điểm thu hút khách du lịch như chợ Hirome và phố mua sắm Obiyamachi. ・2-1-1 Otesuji, Thành phố Kochi ・088-823-4946 ・Cách di chuyển: Đi bộ khoảng 20 phút từ ga JR Kochi, hoặc khoảng 15 phút đi xe điện trên mặt đất. ・Trang web Thư viện thành phố Takeo (Tỉnh Saga) Không chỉ có ngoại thất đạt giải Thiết kế đẹp mà tầm nhìn trong thư viện cũng rất đẹp. Ngoài Starbucks trong tòa nhà, có một quán cà phê bánh kếp trong thư viện trẻ em thành phố Takeo ngay bên cạnh. ・5304-1 Takeo, Takeo-cho, Takeo-shi ・0954-20-0222 ・Cách di chuyển: cách 1 km từ ga JR Takeo Onsen ・Trang web Tổng kết Có rất nhiều tòa nhà đẹp trong các thư viện Nhật Bản. Tại sao bạn không thử ghé thăm thư viện gần nhà vào cuối tuần và ngày lễ, hoặc ghé qua các thư viện địa phương khi đi du lịch? Hiện tại, một số thư viện đang hạn chế số khách đến thư viện do các biện pháp phòng chống virus corona mới, nhưng bạn có thể ngắm nhìn từ bên ngoài. Ngoài ra, trong thời gian hoạt động bình thường, bạn nên đưa thư viện vào lộ trình tham quan, đến tham quan thư viện và thưởng thức thức uống tại các quán cà phê!

    25/04/2022

  • Thư viện công – Không gian rộng rãi, miễn phí

    Nhật Bản có rất nhiều thư viện ở khắp nơi trên toàn quốc. Nhiều người đến đây để đọc sách, học tập và thậm chí dùng nơi đây là nơi tụ tập với nhau. Thư viện công là nơi ai cũng có thể sử dụng miễn phí. Người nước ngoài ở Nhật Bản, ví dụ như du học sinh, người lao động… ai cũng có thể sử dụng được. Người Việt Nam sống và làm việc tại Nhật, nếu tiếp cận dịch vụ công cộng này, cuộc sống của các bạn có thể trở nên dễ dàng, và phong phú hơn rất nhiều. Có thể nói không quá rằng nếu không sử dụng thư viện công ở Nhật Bản, sẽ là một điều đáng tiếc. (Ảnh: Thư viện của tỉnh Yamanashi.) Những lợi ích của thư viện công Nhiều thư viện có ghế sô-fa để đọc sách Bất cứ trường đại học nào ở Nhật Bản cũng có thư viện nhưng chỉ có sinh viên của trường mới được sử dụng. Các trường chuyên môn hoặc trường tiếng cũng thường có phòng mượn sách, nhưng đa phần đều đóng cửa cuối tuần. Ngược lại, các thư viện công thì cuối tuần vẫn mở cửa từ sáng đến tối và người nước ngoài hoặc người không sống tại khu vực đó cũng vẫn có thể sử dụng được. Thư viện công, đa phần là do tỉnh hoặc thành phố quản lý. Theo thống kê của Hiệp hội Thư viện Nhật Bản tính tới năm 2021, Nhật có khoảng 3.316 thư viện các loại với tổng cộng khoảng 460 triệu đầu sách. Nơi có thể ngồi học miễn phí ・ Nhiều thư viện cho phép người sử dụng mang sách, tư liệu riêng vào học tập hoặc làm việc tại đây. Hiện có nhiều người sử dụng các cửa hàng café để học tập và làm việc, nhưng nếu tận dụng thư viện thì bạn sẽ không phải trả tiền. Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết ở phần sau. ・ Tại thư viện có nhiều người tới đọc sách, học tập và làm việc, nên khi tới đó, ta sẽ có thêm động lực hoặc làm tăng thêm khả năng tập trung của mình. ・ Đa phần sách ở các thư viện ở Nhật Bản là sách tiếng Nhật nhưng cũng có nhiều loại sách nói về du lịch, giải trí hoặc tạp chí ảnh. Có thể mượn cả sách và đĩa CD tại thư viện ・ Có thể mượn sách của thư viện để về nhà đọc hoặc mang theo đọc khi đi tàu. Mượn sách miễn phí. ・ Có nhiều thư viện cho mượn đĩa nhạc CD hoặc đĩa phim DVD miễn phí. Cách tìm Thư viện Các bạn có thể sử dụng các phần mềm bản đồ có trên điện thoại thông minh như Google Maps hoặc Apple Maps, nhập từ khoá 「図書館」và bấm tìm kiếm. Rất nhanh phần mềm sẽ tìm ra những thư viện ở gần bạn nhất. Vì là một trong những cơ sở thiết yếu, nên hầu hết các thư viện đều có thể dễ dàng đi đến bằng xe điện hoặc xe buýt, rất thuận tiện kể cả với những bạn không có phương tiện cá nhân. Ngoài những khu vực trung tâm thì nhiều thư viện đều có bãi đậu xe. Cách mượn sách ở thư viện Tòa nhà có Thư viện Trung ương Thành phố Kawaguchi Từ thời sinh viên, tôi chủ yếu sử dụng thư viện của trường đại học nơi tôi theo học nhưng từ khi đi làm, tôi chỉ sử dụng thư viện công cộng. Lần này, tôi đã tới Thư viện Trung ương Thành phố Kawaguchi ở gần nơi tôi sinh sống để làm “Thẻ sử dụng thư viện”. Quầy làm thủ tục đăng ký làm thẻ Khi tôi đến quầy tiếp tân thì được nhân viên ở đó hỏi “Anh muốn đăng ký làm thẻ sử dụng thư viện à” và sau đó hướng dẫn tôi tới quầy đăng ký làm thẻ. Để được làm thẻ sử dụng thư viện tại đây thì cần có những điều kiện sau: ・ Người sống tại thành phố Kawaguchi ・ Người làm việc tại thành phố Kawaguchi ・ Người đi học tại thành phố Kawaguchi Cũng có những thư viện cho phép người đi làm, đi học ngang qua khu vực đó được làm thẻ thư viện. Giấy đăng ký làm thẻ sử dụng thư viện Tại quầy đăng ký làm thẻ, bạn sẽ phải điền vào một tờ phiếu “Giấy đăng ký sử dụng thư viện” (図書館利用申込書) những thông tin như: địa chỉ, tên tuổi rồi đưa lại cho nhân viên làm thủ tục. Khi làm thủ tục, cần phải xuất trình thẻ lưu trú hoặc giấy tờ tùy thân. Sau đó nhân viên phụ trách sẽ làm thẻ cho bạn. Ảnh trên là “Thẻ sử dụng thư viện” mà tôi vừa làm. Thành phố Kawaguchi có tới 7 hoặc 8 thư viện. Chỉ cần 1 thẻ này là ta có thể mượn sách ở tất cả những thư viện khác trong thành phố. Sau khi tìm kiếm những cuốn sách muốn mượn thì hãy mang tới quầy cùng với thẻ sử dụng thư viện là ta sẽ được mượn sách. Lần này tôi đã mượn cuốn sách Lịch sử các nước (tiếng Anh) và sách về gôn (tiếng Nhật). Sau khi làm xong thủ tục cho mượn sách, nhân viên sẽ đưa sách cùng với “phiếu mượn”. Phiếu này ghi rõ tên sách và thời gian phải trả sách (ở Thư viện Thành phố Kawaguchi, có thể mượn sách trong vòng 2 tuần, tính từ ngày mượn). Giấy này khá quan trọng cho nên đừng làm mất cho đến khi trả lại nhé. Bạn có thể tìm kiếm sách hoặc đăng ký sách muốn mượn thông qua hệ thống trên mạng của thư viện. Khi làm thẻ sử dụng thư viện, người ta sẽ cấp cho bạn mật khẩu để có thể sử dụng trang web của thư viện để tìm kiếm và đăng ký mượn sách qua mạng. Cách trả sách Việc này còn đơn giản hơn việc mượn sách nữa. Các bạn chỉ cần đem đến quầy trả sách trong thời hạn thôi. Một số nơi còn đặt một hộp trả sách trong trường hợp thư viện đóng cửa. Chỉ cần cho sách vào hộp là xong. Trường hợp qua 2 tuần mà vẫn chưa đọc xong, ta có thể làm thủ tục “Mượn lại” (再貸出). Bạn mang sách tới quầy trả lại, rồi làm thủ tục mượn tiếp. Tuy nhiên, trường hợp đã có người đăng ký mượn trước thì ta phải trả mà không thể tiếp tục mượn được. Không chỉ là chỗ mượn sách Thư viện còn là nơi để học tập hoặc làm việc Những lúc cảm thấy khi ở nhà “không thể tập trung vào việc học”, bạn có thể tìm đến những thư viện có góc dành riêng cho việc học tập “学習スペース” hoặc phòng học tập “学習室”.Tuy nhiên khi có nhiều người cùng đến học hoặc có những nhón nói chuyện thì cũng lại khó tập trung. Có những thư viện mà khi đến quầy lễ tân, bạn đưa thẻ sử dụng thư viện ra hỏi thì sẽ được phát phiếu sử dụng góc học tập. Cũng có những nơi cần đăng ký mới được sử dụng những khu vực như vậy. Trường hợp chỉ đọc sách thì ngoài bàn ghế thông thường, nhiều thư viện còn đặt ghế sô-fa để người sử dụng thoải mái ngồi đọc. Cũng có những thư viện cho phép học tập hoặc làm việc tại những khu vực đọc sách thông thường. Góc có thể ngồi ăn uống Có những thư viện kiêm cả căng tin hoặc cửa hàng cafe để người đọc sách sử dụng. Dịch vụ giúp tìm tài liệu nghiên cứu Có những thư viện có dịch vụ giúp tìm kiếm những tư liệu cần thiết, trong trường hợp để viết luận văn chẳng hạn. Ví dụ, bạn đến thư viện và nói “Tôi muốn viết về lịch sử Việt Nam, xin hãy giới thiệu cho tôi những tư liên liên quan tới văn hóa, chính trị, nông nghiệp v.v.” thì nhân viên thư viện sẽ tìm kiếm và giới thiệu sách giúp bạn. Thậm chí họ còn giới thiệu cả những tài liệu, bài báo, bài đăng tạp chí có liên quan nữa. Tổng kết Thư viện công cộng tại Nhật Bản là nơi không chỉ cho mượn sách mà còn cung cấp địa điểm để có thể ngồi học tập hoặc làm việc và giúp ta tìm kiếm những tư liệu cần thiết. Ngoài ra cũng có những thư viện có cả căng tin hoặc cửa hàng café. Thư viên công cộng là nơi bất cứ ai, từ sinh viên đến người đi làm, từ người Nhật tới người nước ngoài, đều có thể sử dụng miễn phí. Có thể không quá lời khi nói rằng “không sử dụng thư viện công cộng sẽ là một thiệt thòi lớn”. Thư viện công cộng là một dịch vụ hỗ trợ thân thiện cho cuộc sống và học tập của bạn ở Nhật Bản.

    22/04/2022

  • Sổ tư vấn file 11: Bảo hiểm hưu trí dành cho du học sinh

    Toàn bộ người dân Nhật Bản và người nước ngoài trên 20 tuổi đang sinh sống ở Nhật đều tham gia bảo hiểm hưu trí quốc dân (du học sinh v.v.) hoặc bảo hiểm hưu trí phúc lợi và phải đóng phí bảo hiểm hàng tháng. Nếu bạn là du học sinh, khi bạn xin miễn giảm phí bảo hiểm tại toà thị chính, bạn sẽ được miễn đóng bảo hiểm cho tới khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu không xin miễn giảm, việc đóng phí sẽ trở thành “đóng muộn”. Sau khi đi làm ở Nhật, bạn sẽ bị yêu cầu đóng phần phí đã đóng muộn. Bài viết này sẽ giải thích dễ hiểu về số tiền bảo hiểm, việc có phải đóng hay không, làm thế nào để được miễn đóng bảo hiểm cho tới khi tốt nghiệp. MụcBảo hiểm hưu trí “Du học sinh thì không cần đóng bảo hiểm hưu trí” là sai! Nếu bạn là du học sinh ở Nhật, sau khi đón tuổi 20, bạn phải tham gia bảo hiểm hưu trí quốc dân và phải đóng phí bảo hiểm hàng tháng. Phí bảo hiểm hưu trí quốc dân là 16,590 yên/tháng (Năm 2022). Nếu bạn xin miễn giảm phí bảo hiểm tại toà thị chính, bạn sẽ được miễn đóng bảo hiểm, nhưng nếu không xin miễn và lười đóng phí thì việc này sẽ trở thành “đóng muộn”, sau khi tốt nghiệp bạn sẽ bị truy thu toàn bộ khoản phí bảo hiểm này. ※ 10,000 yên = Khoảng 1,825,000 đồng (Thời điểm 13/4/2022) Ví dụ, sau khi trên 20 tuổi, có một người đã có 3 năm 8 tháng du học ở Nhật quyết định ở lại Nhật để đi làm và kết hôn. Người đó đã bị truy thu khoản phí bảo hiểm hưu trí của 3 năm 8 tháng sau khi tốt nghiệp. Nếu tính theo mức phí bảo hiểm của năm 2022, phí bảo hiểm của 3 năm 8 tháng là 729,960 yên. Chế độ bảo hiểm hưu trí ở Nhật Có hai chế độ bảo hiểm hưu trí công ở Nhật là “Bảo hiểm hưu trí phúc lợi” và “Bảo hiểm hưu trí quốc dân”. Với những người nước ngoài có tư cách là Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế, Kỹ năng đặc định, Thực tập sinh kỹ năng thì thông thường, công ty sẽ làm thủ tục để họ tham gia “Bảo hiểm hưu trí phúc lợi”, phí bảo hiểm sẽ được trừ tự động từ tiền lương hàng tháng. Du học sinh thì tự mình tham gia Bảo hiểm hưu trí quốc dân, tự mình đóng phí. Phí bảo hiểm hưu trí quốc dân hàng tháng trong năm 2022 là 16,590 yên. Cách tham gia và xin miễn đóng phí sẽ được giải thích bên dưới. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Chế độ bảo hiểm hưu trí quốc dân (Tiếng Việt) Ưu điểm của việc tham gia bảo hiểm lương hưu Nếu tham gia bảo hiểm lương hưu, bạn sẽ nhận được tiền trong các trường hợp sau. ・ Lương hưu tuổi già: những người đã đóng bảo hiểm trên 10 năm, sau 65 tuổi sẽ nhận được tiền lương hưu hàng năm. ・ Trợ cấp thương tật: người đóng tiền sẽ nhận được tiền khi bị thương, bị khuyết tật mà không cần xét tới độ tuổi. ・ Tiền tử tuất: Nếu người đóng bảo hiểm mất, vợ/chồng hoặc con của người đó sẽ nhận được tiền. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài không sống lâu ở Nhật thì không nhận được “lương hưu tuổi già”. Vì thế, Nhật Bản có chế độ hoàn trả một phần phí bảo hiểm hưu trí mà người nước ngoài đã đóng tới khi về nước sau khi người đó về nước. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Để nhận lại tiền bảo hiểm hưu trí Cách tham gia bảo hiểm hưu trí quốc dân Vậy, để tham gia bảo hiêm hưu trí quốc dân, du học sinh nên làm gì? Việc tham gia “Bảo hiểm hưu trí phúc lợi” sẽ được công ty làm thủ tục cho nhưng “Bảo hiểm hưu trí quốc dân” do tự mình tham gia, tự mình đóng phí. Cách tham gia bảo hiểm hưu trí quốc dân như sau. ・ Người sang Nhật sau khi đã trên 20 tuổi → Sau khi đăng ký địa chỉ tại cơ quan chính quyền, có thể làm thủ tục tham gia bảo hiểm ở đó hoặc ở văn phòng hưu trí gần nhà. ・Người sang Nhật khi dưới 19 tuổi → Trong vòng 2 tuần sau khi bước sang tuổi 20, “Giấy thông báo mã số hưu trí cơ sở”, giấy đóng phí bảo hiểm v.v. sẽ được gửi tới nhà. Nếu xin miễn giảm theo “Chế độ đóng bảo hiểm hưu trí đặc biệt dành cho học sinh – sinh viên”, du học sinh sẽ được miễn đóng bảo hiểm. * Nếu đã sang 20 tuổi mà vẫn chưa nhận được giấy tờ, bạn cần làm thủ tục ở các cơ quan chính quyền hoặc văn phòng bảo hiểm hưu trí gần nhà. * Khi xin việc ở Nhật, bạn sẽ cần tới “Giấy thông báo mã số bảo hiểm hưu trí cơ sở” nên hãy giữ cẩn thận nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Hướng dẫn tham gia bảo hiểm hưu trí quốc dân (Tiếng Việt) Chế độ đóng bảo hiểm hưu trí đặc biệt cho học sinh – sinh viên Du học sinh có “Chế độ đóng bảo hiểm hưu trí đặc biệt dành cho học sinh – sinh viên” – không cần đóng bảo hiểm cho tới khi tốt nghiệp. Nếu đăng ký là mình thuộc chế độ này, thông thường du học sinh sẽ được miễn đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu không làm đơn đăng ký và không đóng bảo hiểm thì việc đóng phí sẽ trở thành “đóng muộn”, sau khi tốt nghiệp, người đó sẽ bị truy thu tất cả tiền phí bảo hiểm. Về chế độ đóng bảo hiểm hưu trí đặc biệt dành cho học sinh – sinh viên, sau khi tốt nghiệp cũng có thể làm đơn xin miễn đóng. Tuy nhiên, việc miễn đóng chỉ áp dụng cho 2 năm 1 tháng trước khi nộp đơn xin miễn giảm. Về khoản phí đóng muộn trước thời gian đó, bạn buộc phải đóng. Giả dụ bạn đóng muộn 4 năm, sau khi xin miễn đóng bạn được miễn 2 năm thì bạn vẫn có nghĩa vụ đóng bảo hiểm của 2 năm còn lại. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Chế độ đóng bảo hiểm hưu trí đặc biệt dành cho học sinh – sinh viên | Cơ quan bảo hiểm hưu trí Nhật Bản Nếu không đóng phần bảo hiểm đóng muộn thì sao? Nếu sau khi tốt nghiệp bạn bị truy thu toàn bộ khoản phí bảo hiểm đã đóng muộn do không đăng ký “Chế độ đóng bảo hiểm hưu trí đặc biệt dành cho học sinh – sinh viên” và bạn không đóng thì có thể gặp phải những bất lợi dưới đây. ・ Không thể gia hạn thời gian lưu trú. ・ Bị tịch thu tài sản (tiền tiết kiệm, lương v.v.). ・ Không xin được quyền vĩnh trú. ・ Khi bản thân mình mất đi thì người thân của mình sẽ không nhận được tiền tử tuất, khi bị thương tật cũng không nhận được trợ cấp. Trong số đó, về “quyền vĩnh trú”, để được công nhận quyền vĩnh trú, việc đóng thuế và đóng bảo hiểm hưu trí rất quan trọng. Dù có đóng hết tất cả các khoản bảo hiểm chưa đóng ngay trước khi xin vĩnh trú thì thông tin đã đóng muộn quá lâu cũng sẽ không mất đi nên việc xin quyền vĩnh trú sẽ gặp khó khăn. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Bảo hiểm y tế và hưu trí Khi gặp vấn đề với việc chi trả? Văn phòng bảo hiểm hưu trí (Điểm có bảng màu đỏ) Nếu bị truy thu tất cả phần bảo hiểm đóng muộn, bạn hãy nói chuyện với công ty hoặc người của văn phòng bảo hiểm hưu trí về cách đóng bảo hiểm. ・ Bạn có thể đăng ký “Chế độ đóng bảo hiểm hưu trí đặc biệt dành cho học sinh – sinh viên” sau hạn đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng với 2 năm 1 tháng trước thời điểm đăng ký. ・ Bạn có thể chia nhỏ khoản phí bảo hiểm trong quá khứ để đóng thành nhiều đợt. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Văn phòng bảo hiểm hưu trí toàn Nhật Bản Tổng kết và giải pháp Tin đồn “Du học sinh thì không cần đóng bảo hiểm hưu trí” là sai. Việc du học sinh không cần đóng bảo hiểm hưu trí chỉ được áp dụng sau khi du học sinh đăng ký chế độ đóng bảo hiểm hưu trí đặc biệt dành cho học sinh – sinh viên và được chấp thuận. Nếu không đăng ký và không đóng bảo hiểm thì sẽ trở thành “đóng muộn”, sau khi tốt nghiệp sẽ bị truy thu toàn bộ số tiền bảo hiểm hưu trí. Việc không đóng tiền khi bị truy thu sẽ ảnh hưởng tới việc xét duyệt gia hạn tư cách lưu trú, sẽ bị tịch thu tài sản. Sau khi bước sang tuổi 20, bạn sẽ nhận được giấy thông báo từ văn phòng bảo hiểm hưu trí nên hãy đăng ký “Chế độ đóng bảo hiểm đặc biệt dành cho học sinh – sinh viên”. Hơn nữa, hãy giữ cẩn thận “Giấy thông báo mã số hưu trí cơ sở” được gửi kèm trong các giấy tờ thông báo.

    14/04/2022

Đơn vị vận hành

Nhà tài trợ Bạch Kim

Đơn vị hỗ trợ

  • Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
  • Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
  • Văn phòng JNTO Hà Nội
  • Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
  • Hội Việt Nam (JAVN)
  • Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
  • Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế

Đơn vị hợp tác

Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)

Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài

WA.SA.Bi.

Danh mục

  • Khác biệt văn hoá

    Khác biệt văn hoá

  • Sinh hoạt - Chi phí

    Sinh hoạt - Chi phí

  • Xuất nhập cảnh - Visa

    Xuất nhập cảnh - Visa

  • Làm thêm - Xin việc

    Làm thêm - Xin việc

  • Bốn mùa - Du lịch

    Bốn mùa - Du lịch

  • Hỗ trợ người nước ngoài

    Hỗ trợ người nước ngoài

  • Cộng đồng

    Cộng đồng

  • Bí quyết học tiếng Nhật

    Bí quyết học tiếng Nhật

  • Y tế - Sức khoẻ

    Y tế - Sức khoẻ

  • Nhà hàng - Siêu thị Việt

    Nhà hàng - Siêu thị Việt

  • Thực tập kỹ năng

    Thực tập kỹ năng

  • Kỹ năng đặc định

    Kỹ năng đặc định

  • Nhân lực chất lượng cao

    Nhân lực chất lượng cao

  • Du học

    Du học

  • Phòng chống thiên tai

    Phòng chống thiên tai