Category | Tin mới nhất
Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...
7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất
02/05/2024Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...
18/03/2024Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản
13/03/2024Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Ở Nhật Bản, khi đi tắm, người ta tắm rửa trước ở ngoài rồi mới vào ngâm ở bồn tắm và cả gia đình đều dùng chung nước nóng trong bồn. Trong số này chúng tôi sẽ giới thiệu về sự khác biệt trong cách tắm bồn ở Nhật, việc “dán giấy báo đỗ xe phạm luật” và “khi mua xe đạp nếu không đăng ký với cảnh sát sẽ ra sao”.【Thạch Long】 Tắm bồn ở Nhật Bản khác với ở Việt Nam Ngày xưa nhà bà ngoại tôi có bồn tắm. Tôi và 2 đứa em chiều nào cũng đòi ngâm bồn. Bà tôi thường sắp xếp thế này: Bà xả đầy nước vào bồn tắm cho tôi ngâm (và nghịch) trước. Tôi xong thì bà xả hết nước trong bồn, tráng qua cho sạch rồi lại xả nước mới đầy bồn cho em tôi ngâm. Cứ mỗi lần có người cần tắm bồn lại là chu trình: Xả sạch nước cũ, tráng lại, xả nước mới rồi ngâm. Có lẽ phải 99% người Việt có cách tắm bồn như vậy. Nhưng ở Nhật thì khác. Tôi có bà chị sống ở Nhật, có kể tôi nghe câu chuyện thế này. Có lần chị đón một người khách Việt Nam đến chơi ngủ lại. Vì là khách nên chị tôi bảo cậu ý đi tắm trước. Xong xuôi, cu cậu bảo em xả sạch nước trong bồn, cho nước mới vào để cho người sau tắm rồi. Chị tôi nghe chuyện phá lên cười. Tắm bồn trong gia đình người Nhật cũng tuân theo chu trình như tắm onsen hoặc nhà tắm công cộng Sento vậy. Một ngày chỉ đun nước tắm bồn một lần. Các thành viên trong gia đình sẽ lần lượt vào tắm và ngâm người trong bồn nước nóng đó (giữa chừng có thể cho thêm nước nóng vào hoặc đun lại nếu bồn tắm có chức năng tự đun lại nước trong bồn). Để nước nóng trong bồn không bị bẩn, trước khi vào ngâm bồn, người ta thường làm như sau. ・ Trước khi vào bồn tắm, dùng gáo hoặc vòi sen tắm rửa qua. ・ Sau khi ngâm người trong bồn cho ấm người thì mới ra khỏi bồn để tắm rửa, gội đầu. ・ Sau đó lại vào bồn ngâm người thêm một lúc cho người ấm trở lại. Tắm rửa gội đầu ở ngoài bồn tắm Như vậy có thể nói nguyên tắc cơ bản trong cách tắm bồn ở Nhật là: Tắm rửa xong thì mới vào bồn để “ngâm người trong nước nóng”. Khi ngâm, lưu ý giữ không để cho nước bị bẩn để cả nhà lần lượt dùng chung. Chính vì cách tắm này mà phòng tắm của người Nhật thường thiết kế theo kiểu có bồn tắm và chỗ để ngồi tắm rửa gội đầu còn nhà vệ sinh sẽ nằm ở nơi tách biệt. Ngoài ra, cách tắm bồn ở Nhật cũng có những đặc điểm khác như. ・ Nhà có trẻ em thì thường cả cha mẹ con cái đều vào tắm chung một lượt với nhau. ・ Vợ chồng cùng đi tắm với nhau cũng không phải là điều hiếm có. ・ Có thể tận dụng nước nóng ở bồn tắm để giặt giũ. Ở Nhật, máy giặt có gắn bộ phận bơm nước từ bồn tắm lên để giặt khá phổ biến và người ta thường thiết kế chỗ để máy giặt sát với phòng tắm để tiện cho việc tái sử dụng nước trong bồn. Vậy nên nếu bạn là khách của một gia đình Nhật thì bạn cứ việc đi tắm trước, nhưng tắm xong thì đừng xả sạch nước của nhà người ta nhé. Dán thông điệp lên xe người khác. Đừng!!? Dạo gần đây dân mạng Việt Nam tranh cãi vô cùng gay gắt về vụ một chiếc xe đỗ dưới lòng đường vô tình lại chắn tầm nhìn của một quán ăn vỉa hè. Chủ quán bức xúc lấy băng dính dán xung quanh xe cảnh cáo. Cư dân mạng chia làm 2 luồng ý kiến. Người bênh thì cho rằng chiếc xe đỗ thiếu ý thức. Người phản đối thì lập luận rằng, kể cả chiếc xe đỗ có sai đi chăng nữa, chủ quán ăn cũng không được phép lấy băng dính tự tiện dán chằng chịt lên xe của người khác. Như vậy có khả năng phạm tội phá họai tài sản. Lấy băng dính dán chằng chịt lên xe người khác thì đúng là hơi quá. Nhưng ở Việt Nam, chuyện xe ô tô đỗ dưới lòng đường bị dán giấy nhắc nhở là quá bình thường. Nhẹ nhàng thì là một tờ giấy A4 dán vào kính xe ghi dòng chữ: “Không đỗ xe ở đây”. Nặng hơn có thể bị đổ rác lên xe để cảnh cáo. Ở Nhật thì không được tuỳ tiện kiểu này. Đa phần ai cũng hiểu là việc tự tiện dán giấy lên xe của người khác có thể dẫn tới những rắc rối. Cùng lắm thì họ kẹp một mảnh giấy ở cần gạt nước, hoặc đa phần thì im lặng chịu. Khi thấy xe đỗ sai quy định, đa phần người Nhật sẽ gọi điện báo cho cảnh sát biết để cảnh sát giải quyết theo luật. Nếu bạn gặp trường hợp khó chịu như vậy, hãy gọi điện cho cảnh sát nhé. Mua xe đạp cũng phải đăng ký Mua xe đạp ở Việt Nam đơn giản như bạn ra cửa hàng mua cái quần, cái áo vậy. Mua về là dùng thôi. Ở Việt Nam, xe đạp được coi là phương tiện thô sơ nên không cần phải có thủ tục gì về mặt pháp lý. Ở Nhật, xe đạp cũng là một phương tiện giao thông đơn giản, giá cả phải chăng và không cần có bằng lái xe và người Việt Nam ở Nhật cũng nhiều người sử dụng xe đạp. Tuy nhiên, khi mua xe đạp ở Nhật, phải được “Bohan Toroku” – tức là đăng ký để phòng chống mất cắp. Đây là quy định bắt buộc theo luật ở Nhật, chúng ta đừng quên nhé. Cách đăng ký thì không có gì phức tạp. Thông thường các cửa hàng bán xe đạp đều có dịch vụ đăng ký giúp khi bạn mua xe ở đó. Tùy địa phương mà phí đăng ký có khác nhau. Ví dụ ở Tokyo thì phí là 660 yên (không phải mất thuế tiêu dùng). Nhãn số xe được đăng ký Bohan Toroku Trường hợp mua xe qua mạng hoặc mua xe cũ qua ứng dụng Free market thì cần phải tự đi đăng ký. Khi đi đăng ký, cần mang theo những thứ như sau. ① Xe đạp ② Giấy bảo hành hoặc giấy chứng nhận mua xe. ③ Thẻ lưu trú hoặc giấy tờ tùy thân Trường hợp mua xe qua ứng dụng Free market thì thường sẽ không có giấy tờ ở mục ② nhưng cần phải có giấy bán lại (trong đó có thông tin người bán và có đóng dấu). Trường hợp được bạn hoặc các sempai nhường lại thì cần có giấy nhượng quyền và nếu cùng người cho xe tới cửa hàng nhờ đăng ký thì sẽ rất tiện lợi. Cảnh sát đang chất vất (ảnh minh họa) Vậy tại sao lại cần phải Bohan Toroku khi mua xe đạp? Ở Nhật luật quy định là khi mua xe đạp cần phải đăng ký đề phòng mất cắp. Nhưng nếu không đăng ký cũng không vì thế mà bị phạt. Tuy nhiên nếu không đăng ký có sẽ gặp phải vài trường hợp sau. Trường hợp bị mất xe và bạn ra trình báo với cảnh sát mà nếu xe không có đăng ký thì xác xuất tìm được rất thấp. Nếu có đăng ký thì nhãn đăng ký dán trên xe sẽ là đặc điểm để nhận dạng. Có trường hợp, đang đi thì có thể bị cảnh sát dừng xe lại để chất vấn. Nếu xe không có đăng ký thì sẽ bị hỏi lý do vì sao và cảnh sát sẽ phải xác nhận xe không phải là đồ ăn cắp và như vậy rất mất thời gian. Tôi cũng đã từng bị cảnh sát dừng xe và bị chất vấn rất phiền phức. Việc đăng ký xe đạp hết sức đơn giản nên khi xin xe đạp từ người khác bạn đừng quên yêu cầu họ đưa cho bạn giấy tờ, rồi đi đăng ký Bohan Toroku để tránh gặp các rắc rối nhé.
06/04/2022
Trong thời gian đi tìm việc, nếu nhận được lời mời tham gia phỏng vấn, ngoài việc luyện tập trả lời các câu hỏi trong buổi phỏng vấn chính thức, chúng ta nên lưu ý đến những điểm gì khác nữa? Bài viết này sẽ giới thiệu về “quy tắc ứng xử khi liên lạc với công ty qua email”, “trang phục, đầu tóc khi đi phỏng vấn”, “điểm chú ý khi phỏng vấn online”, v.v. ※ Về “Những câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn”, bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Những câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn Trả lời email trong vòng 24 tiếng Trên Sơ yếu lý lịch hay Đơn xin ứng tuyển (Entry sheet) có mục ghi địa chỉ email cá nhân. Trong thời gian đi xin việc, công ty sẽ liên lạc với bạn qua email là chủ yếu. Kết quả tuyển chọn hồ sơ, hướng dẫn tham gia phỏng vấn v.v. cũng sẽ được gửi qua email. Gần đây, có nhiều người sử dụng tính năng gửi tin nhắn của các mạng xã hội, số người sử dụng email để liên lạc cũng đã ít đi khá nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian đi xin việc, bạn hãy thường xuyên kiểm tra hòm thư của mình nhé. Hơn nữa, nếu nhận được liên lạc qua email, hãy trả lời email trong vòng 24 tiếng kể từ lúc thư tới. Đây là một quy tắc ứng xử khi đi tìm việc ở Nhật. Không phải cứ trong vòng 24 tiếng là được, đối với email từ các công ty, bạn hãy cố gắng trả lời sớm nhất có thể nhé. ・ Thường xuyên kiểm tra xem có email quan trọng được gửi đến không. ・ Cố gắng trả lời email đó sớm nhất có thể. Khi bạn đi làm, những việc này là những quy tắc ứng xử quan trọng trong kinh doanh. Ngay trong thời gian đi tìm việc, việc bạn có thể trả lời nhanh hay không cũng là một trong những tiêu chí để nhà tuyển dụng đánh giá bạn đấy. Vì vậy, chúng mình sẽ giới thiệu một mẫu thư trả lời khi nhận được lời mời tham gia phỏng vấn. Các bạn hãy tham khảo nhé. Mẫu thư trả lời khi nhận được lời mời phỏng vấn 株式会社◯◯◯◯ 採用担当・△△様 お世話になっております。 貴社求人に応募致しました○○と申します。 この度は面接日程のご連絡をいただき、誠にありがとうございます。 ご指定いただいた日時に貴社にお伺いさせていただきます。 4月25日(月)午前10:00 場所:貴社名古屋支社5階・第1会議室 面接の機会をいただきましたことに厚く御礼申し上げます。 当日は何卒よろしくお願い申し上げます。 --------------- 名前 〒000-0000 住所 電話番号 123-4567-8901 メール ◯◯@◯◯.com --------------- Điểm chú ý khi phỏng vấn online Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các buổi giới thiệu về công ty và phỏng vấn vòng 1 được tổ chức online khá nhiều. Chúng ta cần chuẩn bị gì để tham gia các buổi này? Các ứng dụng được sử dụng để phỏng vấn online Các ứng dụng như Zoom, Skype, Microsoft Teams v.v. thường được sử dụng để phỏng vấn online. Nhiều bạn du học sinh tham gia phỏng vấn bằng điện thoại di động nhưng nếu bạn có máy tính cá nhân (laptop) thì bạn nên sử dụng máy tính nhé. Nếu dùng máy tính, bạn có thể dùng các chế độ bật tắt tiếng dễ dàng hơn và nhìn thấy rõ biểu cảm của đối phương. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ có điện thoại di động, bạn hãy mua “kệ để điện thoại” có bán ở các cửa hàng 100 yên nhé. Chiếc kệ đó sẽ giúp bạn cố định màn hình nên hai tay của bạn được tự do, bạn có thể phỏng vấn trong một tư thế tốt nhất. Hình nền Trong các ứng dụng họp, bạn có thể thay đổi hình nền của mình. Nếu đằng sau bạn là một bức tường trắng thì bạn có thể tham gia phỏng vấn mà không cần thay hình nền. Tuy nhiên, nếu máy giặt hay các đồ dùng khác trong nhà bạn cũng bị lọt vào khung hình thì chúng có thể sẽ gây ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng. Trong trường hợp đó, bạn hãy thay hình nền phù hợp với buổi phỏng vấn nhé. Kết nối Internet Nếu đang phỏng vấn giữa chừng mà mạng internet nhà bạn lại gặp vấn đề khiến cho màn hình bị đơ, âm thanh bị đứt đoạn thì bạn không thể cho người phỏng vấn biết được hết những điểm tốt của bạn. Dây mạng LAN sẽ có đường truyền ổn định hơn Wi-Fi. Khi đó, bạn sẽ dùng máy tính cá nhân chứ không phải là điện thoại di động. Tác phong khi tham gia phỏng vấn trực tiếp Muộn hoặc tới sát giờ phỏng vấn là điều cấm kỵ! Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có nhiều buổi phỏng vấn được tổ chức dưới hình thức online nhưng thường thì cho tới khi vào công ty làm việc, bạn sẽ có ít nhất 1 lần tham gia phỏng vấn trực tiếp. Chúng ta cần chuẩn bị như thế nào cho buổi phỏng vấn trực tiếp này nhỉ? Tìm đường đến nơi phỏng vấn Nơi phỏng vấn sẽ được viết trong email mời tham gia phỏng vấn. Đầu tiên, bạn hãy tra trước thời gian cần di chuyển và đường đi từ nhà tới nơi phỏng vấn nhé. Sau đó, bạn hãy nghĩ tới việc chẳng may là tàu gặp tai nạn hay gì đó nên bị chậm chuyến, như vậy bạn nên chọn tàu tới được ga gần nơi phỏng vấn sớm hơn giờ hẹn phỏng vấn. Ngoài ra, khi tìm đường từ ga tới nơi phỏng vấn, bạn có thể tra trước bằng Google maps hoặc Street view. Nếu làm như vậy thì hôm đi phỏng vấn bạn sẽ tránh được nguy cơ bị lạc. Tới sớm hơn 10 phút Việc bạn để người khác phải chờ sẽ làm lãng phí thời gian của họ và để họ nghĩ rằng bạn đang coi thường họ. Thế nhưng, nếu đến quá sớm thì bạn có thể sẽ làm phiền đến các kế hoạch khác của họ. Vậy thì, tới địa điểm hẹn phỏng vấn và gặp lễ tân của công ty khoảng 5 phút trước giờ hẹn là lý tưởng nhé. ・ Hãy đến ga gần nơi phỏng vấn sớm hơn. ・ Nghĩ tới việc có thể bị lạc đường và tới nơi phỏng vấn trước 10 phút trở lên. ・ Sau khi thấy nơi phỏng vấn, đợi ở gần đó một chút, vào gặp lễ tân trước giờ hẹn khoảng 5 phút. Trang phục và đầu tóc Để nhận được ấn tượng tốt nhất từ người phỏng vấn, bạn hãy thật chỉnh chu nhé. Đặc biệt, chúng ta hãy quan tâm tới trang phục và đầu tóc. Bạn hãy tham khảo các mục dưới đây và kiểm tra lại 2,3 lần trước khi ra khỏi nhà nhé. Nam giới ▢ Tóc: Có nhiều gàu hay không? ▢ Mặt: Có nhiều râu quai nón không? Còn chỗ râu nào cần phải cạo không? ▢ Vest: Áo vest có nếp nhăn không? ▢ Vest: Trên áo có gàu không? ▢ Vest: Quần có ly (nếp gấp) thẳng không? ▢ Vest: Túi áo và túi quần có bị phồng không? Nữ giới ▢ Tóc: Tóc mái có dài quá không? ▢ Tóc: Màu tóc có sáng quá không? ▢ Tóc: Tóc dài đã được buộc lại chưa? ▢ Vest: Có mặc đúng theo quy chuẩn không? ▢ Vest: Màu có sặc sỡ quá không? ▢ Vest: Váy có ngắn quá không? ▢ Vest: Đã đi giày, dép có quai chưa? Đồ mang theo Bạn đừng quên mang theo sổ tay, bút viết, nhật ký cá nhân. Ngoài ra, để cho chắc thì bạn hãy cho thêm 1 bộ sơ yếu lý lịch dự phòng vào túi xách nhé. Tổng kết Khi phỏng vấn xin việc, việc luyện tập trả lời để có thể phỏng vấn suôn sẻ là việc vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nếu trước khi phỏng vấn, bạn để lại ấn tượng xấu thì điều đó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng của buổi phỏng vấn. Để không gặp phải chuyện như vậy, bài viết lần này đã giới thiệu đến các bạn “quy tắc ứng xử cơ bản khi liên lạc qua email”, “trang phục - đầu tóc khi đi phỏng vấn”, “việc chuẩn bị để tới nơi phỏng vấn thuận lợi”, v.v.
07/04/2022
Gặp gỡ sempai số này Trần Lê Quỳnh Nhi Tháng 9/2017: Vào học Trường Đại học Ngoại Ngữ Huế Tháng 9/2017:Vào học tại Trung tâm Nhật ngữ(6 tháng) Tháng 1/2018: Thôi học tại Trường Đại học Ngoại Ngữ Huế Tháng 1/2018: Vào học tại Trường tiếng Nhật Tháng 4/2020: Vào học tại Trường chuyên môn
06/04/2022
Ở Tokyo mới có một cửa hàng cà phê Việt Nam kiêm cửa hàng sách tiếng Việt và là tụ điểm của người Việt Nam đủ mọi lứa tuổi. Không chỉ những người sống xung quanh khu vực Tokyo mà cả những ai đi du lịch tới đây cũng có thể tới giao lưu và cảm nhận không khí gần gũi của quê hương. Cửa hàng cà phê nơi tụ hội của người Việt Nam Các bạn ở Nhật Bản hẳn đã từng nghe tới loại hình cửa hàng cà phê kiêm nơi đọc sách manga ở Nhật Bản có tên gọi Manga kissa (Manga là truyện tranh manga, kissa là viết tắt của kissaten nghĩa là cửa hàng café). Khi tới đây khách hàng có thể gọi đồ uống và tự do đọc những cuốn sách mà mình ưa thích. Đầu tháng 2 vừa qua, các bạn trẻ ở Tokyo kháo nhau có một cửa hàng cà phê Việt Nam vừa được khai trương có tên là iShite - Cà phê Sách Việt nên vào một ngày đầu Xuân ấm áp, chúng tôi đã ghé thăm cửa hàng. Ở một góc phố nhỏ yên tĩnh nằm cách ga Yotsuya của tuyến đường sắt JR vài phút đi bộ, có một tòa nhà trắng xinh xắn. Men theo đường cầu thang xoắn ốc đi xuống tầng hầm, chúng tôi bước vào một cửa hàng nhỏ nhắn với những chiếc bàn gỗ mộc mạc, tràn ngập sách và mùi cà phê thơm lừng trong tiếng nhạc Việt Nam nhẹ nhàng, mang lại một cảm giác gần gũi, thân thương. Chủ nhân là 2 cựu du học sinh Tại đây, chúng tôi đã được gặp anh Trần Đình Cương và chị Vũ Linh Hương, đồng kinh doanh cửa hàng này. Đó là 2 bạn còn rất trẻ chưa đầy 30 tuổi (cả hai cùng sinh năm 1995) và câu chuyện về kinh doanh cũng như nỗi thôi thúc làm điều gì đó cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật của 2 bạn đã cuốn hút chúng tôi trong suốt buổi trò chuyện. Cương và Hương đều sang Nhật Bản để học tiếng Nhật từ năm 2016 và cùng biết nhau từ khi còn hoạt động trong Hội Thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA). Trong thời gian học đại học, Cương đã từng làm rất nhiều việc liên quan tới kinh doanh. Sau đó anh bỏ học giữa chừng và đứng ra lập công ty nhân lực, cơ sở lưu trú, cửa hàng cà phê và tư vấn bất động sản. Còn Hương thì sau khi học xong trường tiếng Nhật, chị vào học đại học và đi làm 1 năm trước khi nghỉ việc để cùng Cương mở cửa hàng cà phê này. Tạo địa điểm để mọi người tiếp xúc với sách Việt Nam Kệ sách tại cửa hàng Hương vốn đam mê với sách và từ khi còn hoạt động trong hội VYSA chị vẫn ước ao “một ngày nào đó sẽ mang sách Việt Nam đến cho mọi người Việt ở Nhật và tạo một địa điểm để mọi người có thể tự do tụ tập, trò chuyện, đọc sách và mua sách”. Còn Cương cũng mong mỏi làm sao có một địa điểm để người Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với sách tiếng Việt vì số người Việt Nam tới Nhật ngày càng đông và những thế hệ người Việt Nam thứ 2 tại Nhật ngày càng nhiều. Hai ước mơ lớn gặp nhau và họ đã quyết định mở một cửa hàng cà phê sách. Nhưng việc thực hiện không phải dễ dàng. Khó khăn ngay từ khâu đi tìm địa điểm. Tìm được rồi nhưng phía chủ không muốn cho thuê với lý do là bên thuê là người nước ngoài. Có lúc tưởng chừng đã bỏ cuộc vì khó khăn, nhưng niềm đam mê đã khiến họ vượt qua tất cả và đầu tháng 1/2022, cửa hàng iShite - Cà phê Sách Việt Tokyo đã ra đời. Cà phê Việt Nam cùng với khoảng 5.000 đầu sách Do đại dịch corona, nên hiện menu của quán chỉ tập trung vào các loại đồ uống cà phê chủ yếu của Việt Nam như cà phê đen (400 yên), cà phê sữa (500 yên), bánh bông lan trứng muối – loại bánh được giới trẻ Việt Nam hiện nay ưa thích (500 yên) (xem ảnh), ngoài ra còn có cà phê sữa dừa và cà phê sữa chua (650 yên), giống ở quán Cộng Cafe, được nhiều người ưa thích. Nhưng tủ sách thì khác. Hiện tủ sách của iShite có tới 5.000 đầu sách được bày trên kệ, kể cả sách để bán và sách để khách tự do đọc. Nội dung sách rất phong phú. Ví dụ như sách liên quan tới bí quyết kinh doanh, sách văn học, sách cho thiếu nhi, sách phát triển bản thân v.v. Ngoài sách do các tác giả Việt Nam biên soạn, còn có nhiều loại sách được dịch sang tiếng Việt của các tác giả nước ngoài, kể cả sách của người Nhật. Chị Hương cho biết các loại sách liên quan tới kinh doanh như chứng khoán, bất động sản hoặc các loại sách phát triển bản thân được nhiều người tìm mua. Muốn biến nơi đây thành nơi tụ hội cho người Việt Nam Những ngày cuối tuần, thứ Bảy Chủ Nhật và ngày lễ, quán rất đông khách. Quán có đàn ghi-ta để các bạn có thể tới đọc sách, uống cà phê và cùng bạn bè đàn hát vui vẻ và nếu thích khách có thể tự mang đàn tới cũng được. Cũng có những bạn chọn nơi đây làm địa điểm gặp gỡ để cùng thảo luận về những hoạt động cho cộng đồng. Vào ngày 21/3 quán đã tổ chức một buổi giới thiệu ra mắt sách “Rèn Luyện kỹ năng phiên dịch Nhật - Việt” của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thanh Thủy (người ngồi ghế trong ảnh). Hương cho biết sự kiện đầu tiên này đã diễn ra rất suôn sẻ với khoảng trên 30 người tham gia. Cả Hương và Cương mong muốn từ nay về sau cửa hàng sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện tương tự cũng như các buổi nói chuyện của những người nổi tiếng, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, để truyền tải tri thức và niềm đam mê cho các bạn trẻ. Cương cũng mong muốn làm sao để nơi đây sẽ là điểm gặp gỡ của các gia đình Việt Nam có con nhỏ để các cháu có thể gặp gỡ và đọc sách, học tiếng Việt và gìn giữ được tiếng Việt. Nhập khẩu trực tiếp hạt cà phê Việt Nam vào Nhật Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hạt cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, sau Brazil nhưng rất tiếc là “thương hiệu cà phê Việt Nam” thì lại chưa nhiều. Cương cho biết dù hạt cà phê của Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài khá nhiều nhưng thương hiệu cà phê Việt Nam thì lại chưa nhiều. Anh mong muốn tạo dựng thương hiệu café của riêng mình, quảng bá nhiều hơn nữa cho hạt cà phê của Việt Nam bằng cách liên kết với nông dân trồng cà phê ở Việt Nam để có thể đảm bảo hạt cà phê có chất lượng cao, giá cạnh tranh. Anh cũng muốn giới thiệu những đặc điểm của hạt cà phê Việt Nam để người Nhật biết nhiều hơn nữa và yêu thích cà phê của Việt Nam. Trong khi chờ đợi từng giọt cà phê nhỏ xuống, tôi nhâm nhi miếng bánh bông lan trứng muối hơi mằn mặn, thật hợp với vị cà phê nâu nóng, ngọt ngào. Hương cho biết sắp tới thực đơn sẽ đa dạng hơn và sẽ có cả bánh mỳ nhân thịt thơm ngon để khách có thể ăn tại chỗ hoặc mang về nữa. Tổng quan về iShite - Cà phê Sách Việt Tokyo Cửa hàng iShite - Cà phê Sách Việt Tokyo, nơi có những kệ sách đầy ắp và những tách cà phê Việt Nam thơm ngon. Hương tâm sự khi đặt tên cửa hàng là iShite, đọc theo tiếng Nhật là “Aishite” có nghĩa là “Hãy yêu”, chị mong muốn khách hàng hãy yêu những dịch vụ mà cửa hàng cung cấp, đồng thời cũng để các bạn trẻ dễ nhớ vì chữ “i” ở đầu tương tự với chữ “i” trong từ iPhone. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một địa điểm thân thương cho người Việt Nam đủ mọi thế hệ đến để cùng nhau giao lưu, trợ giúp lẫn nhau khi cần thiết. iShite - Cà phê Sách Việt Tokyo ・ Tokyo-to, Shinjuku-ku, Yotsuya, 1-1-6, tầng B1 ・ Từ cửa Akasaka của ga Yotsuya, đường sắt JR, đi bộ khoảng 3 phút ・ Từ cửa số 1, ga Yotsuya, đường xe điện ngầm Tokyo Metro, đi bộ khoảng 3 phút ・ 03-6233-9468 ・ 11:00 ~ 22:00 (mở cửa quanh năm)
05/04/2022
Trong các buổi phỏng vấn xin việc, có một số câu hỏi sẽ thường xuyên xuất hiện, cũng như có những điều cần lưu ý khi trả lời những câu hỏi đó. Để hoàn thành buổi phỏng vấn một cách suôn sẻ thì việc chuẩn bị kỹ càng là vô cùng quan trọng. Trong bài viết lần này, chúng mình sẽ giới thiệu tới các bạn giới thiệu những câu hỏi thường gặp, cách trả lời những câu hỏi đó và cách chuẩn bị cho phỏng vấn. Hiểu rõ mục đích của phỏng vấn Vậy, tại sao lại những buổi phỏng vấn? Một phần là do công ty muốn kiểm tra năng lực tiếng Nhật của bạn, nhưng lý do chủ yếu là bởi họ muốn biết rõ hơn về ứng viên nên mới cần trực tiếp gặp mặt và nói chuyện. Đồng thời, buổi phỏng vấn cũng chính là cơ hội cho bạn được biết thêm về công ty đó. Trong lúc nói chuyện, người phỏng vấn sẽ suy nghĩ xem liệu bạn có phải là người phù hợp với “hình mẫu nhân viên” mà công ty đang tìm kiếm hay không. Mặt khác, bạn cũng sẽ kiểm tra xem công ty đó có phù hợp với nguyện vọng của bạn (ví dụ như nội dung công việc, động lực làm việc, chế độ lương bổng và phúc lợi, v.v…). Trong đa số các trường hợp, buổi phỏng vấn sẽ được tổ chức từ 2 cho tới 4 lần. Như vậy, thế nào là “hình mẫu nhân viên mà công ty đang tìm kiếm” ? Sau khi xem các thông báo tuyển dụng, có lẽ các bạn thường nộp đơn xin ứng tuyển vào những công việc mình “cảm thấy muốn thử sức”. Tiếp đến, khi đã hiểu rõ về các điều kiện như nội dung công việc cụ thể, mức lương, môi trường làm việc và phương châm đào tạo nhân viên, các bạn có lẽ sẽ chuyển từ cảm giác “tôi muốn thử làm công việc này” sang “tôi muốn làm ở công ty này”. Bên phía các công ty cũng tương tự như vậy. Bằng cách phỏng vấn và hỏi chuyện bạn một cách cụ thể, họ sẽ nắm được rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu của bạn và dự đoán xem bạn có thể làm những việc gì cho công ty. Họ sẽ so sánh các ứng viên và trao quyết định tuyển dụng cho những người được coi là có tiềm năng phát triển nhất”, hay nói cách khác là "hình mẫu nhân viên lý tưởng” mà công ty đó tìm kiếm. Dù được tổ chức nhiều lần nhưng các buổi phỏng vấn đơn lẻ thường không quá dài. Việc thể hiện rõ mong muốn, nhiệt huyết rằng “tôi muốn làm việc ở công ty này", “tôi muốn làm công việc như thế này ở công ty này” trong một khoảng thời gian giới hạn là rất quan trọng. Sự liên quan giữa sơ yếu lý lịch và phỏng vấn Doanh nghiệp không thể biết tất cả mọi thứ về ứng viên (là bạn) nếu chỉ nhìn vào sơ yếu lý lịch và đơn xin ứng tuyển (entry sheet) bởi những giấy tờ đó chỉ phản phản ánh một phần thông tin về bạn mà thôi. Từ phần thông tin ít ỏi đó, nhà tuyển dụng sẽ chỉ gửi giấy mời tham dự phỏng vấn cho những người mà họ cảm thấy muốn thử trực tiếp gặp mặt và nói chuyện. Vì vậy, việc viết sơ yếu lý lịch hay đơn xin ứng tuyển để khiến đối phương “muốn được gặp bạn" là vô cùng thiết yếu. Khi vào đến vòng phỏng vấn, sẽ có rất nhiều câu hỏi đi sâu hơn về những gì bạn đã viết trong sơ yếu lý lịch hay đơn xin ứng tuyển. Vì vậy, những việc bạn cần chuẩn bị đó là xem lại kỹ những nội dung đã viết trong sơ yếu lý lịch và đơn ứng tuyển và các câu trả lời dễ hiểu cho người nghe. Có 4 loại thông tin quan trọng trong sơ yếu lý lịch. ① Giới thiệu bản thân ② Lý do ứng tuyển ③ Sở trường - Sở đoản ④ Những trải nghiệm thời đi học Hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn liên quan đến những đề mục trên nhé. “Giới thiệu bản thân” Ở phần giới thiệu bản thân, “việc tạo ấn tượng tốt” cho người phỏng vấn là rất quan trọng. Bạn có từ 30 giây cho đến 1 phút để thực hiện phần này. Ấn tượng ban đầu có thể được quyết định chỉ bằng vài giây hoặc vài chục giây. Vì ấn tượng đầu rất quan trọng nên hãy luyện tập trước ở nhà không chỉ nội dung phần giới thiệu mà cả biểu cảm khuôn mặt và giọng nói nữa. Bạn có thể biết rõ biểu cảm mình như thế nào bằng cách luyện tập trước gương. Giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn Thời gian 30 giây đến 1 phút Những nội dung bắt buộc ・ Tên ・ Quê quán ・ Trường học ・ Chuyên ngành Những nội dung tùy chọn (không nhất thiết phải giới thiệu) ・ Sở thích ・ Thông tin cá nhân (điều mình đã nỗ lực làm thời còn đi học) Chú ý khác ・Nói tên một cách chậm rãi ・Giọng nói to, rõ ràng Mẫu: 「◯◯大学◯◯学部◯◯学科◯◯専攻の◯◯と申します。本日は、貴重なお時間をいただき、ありがとうございます」→「個人的な情報」→「よろしくお願いいたします」 “Lý do ứng tuyển” 時間 3〜4 phút Những nội dung bắt buộc ・ Bạn muốn làm công việc gì ở công ty này? ・ Bạn có thể cống hiến những gì cho công việc đó? (Kết nối với những trải nghiệm, câu chuyện mà bạn đã từng trải qua) Các cách hỏi tương tự ・ Vì sao bạn muốn làm ở công ty chúng tôi? ・ Tại sao bạn lại chọn công ty chúng tôi? ・ Bạn muốn làm công việc gì ở công ty chúng tôi? ・ Nếu được nhận vào làm, bạn sẽ muốn làm công việc gì? Để trả lời tốt các câu hỏi này, hãy xem lại nội dung mình đã viết trong mục "Lý do ứng tuyển” (shiboudouki) và chuẩn bị sao cho có thể giải thích nội dung đó một cách chi tiết hơn. Bạn cũng có thể tham khảo các bài viết dưới đây về cách viết shiboudouki để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cách viết lý do ứng tuyển (shiboudouki) “Sở trưởng - Sở đoản” Thời gian 3〜4 phút Những nội dung cần nhắc đến ・ Chọn 1-2 ý về điểm mạnh/ điểm yếu của bản thân và diễn đạt một cách xúc tích ・ Thể hiện rằng mình đã cố gắng khắc phục điểm yếu của bản thân Các cách hỏi tương tự ・ Hãy nói về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. ・ Bạn giỏi và không giỏi trong việc gì? Bạn cũng có thể tham khảo các bài viết dưới đây về cách viết về “sở trường - sở đoản" để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cách viết về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Những câu trả lời mẫu đi kèm diễn giải cho câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu “Những nỗ lực khi còn là học sinh” Điều người phỏng vấn muốn biết là bạn đã nỗ lực như thế nào để đạt được mục tiêu và vượt qua những thử thách. Khi gặp câu hỏi “Bạn đã nỗ lực đạt được những gì khi còn đang đi học” một số người trả lời rằng “Tôi luôn nỗ lực trong tất cả mọi thứ”. Tuy nhiên, những câu trả lời này không đủ cụ thể nên không có tính thuyết phục. Mặt khác, nếu bạn trả lời bằng cách nói về những điều bạn đã cố gắng thực hiện, cũng như cách bạn đã vượt qua những khó khăn, có thể nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng “Về sau dù có gặp khó khăn đến mấy đi chăng nữa thì người này cũng có thể vượt qua như trước đây họ đã từng.” Sau đây là danh sách các câu hỏi thường gặp về chủ đề “những nỗ lực khi còn là học sinh”, bạn hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời và luyện tập cách nói nhé. ・ Điều khó khăn nhất bạn đã gặp phải khi đi làm thêm là gì? Bạn đã vượt qua nói như thế nào? ・ Khó khăn lớn nhất của bạn từ khi sang Nhật là gì? ・ Bạn đã từng nhận ra điểm khác nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam chưa? Đó là những điểm khác biệt gì? ・ Bạn đang học về điều gì ở trên trường? ・ Chủ đề cho luận văn tốt nghiệp của bạn là gì? ・ Ngoài việc học ra, bạn đã cố gắng trong việc gì thời đi học? (chủ đề của câu hỏi này còn được gọi tắt là gaku-chika, bắt nguồn từ chữ gakusei-học sinh, và chikara-nỗ lực) [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cách viết về “Gakuchika” Đừng chỉ đơn thuần kể về trải nghiệm của mình mà hãy nhớ đề cập đến việc mình đã học được gì từ trải nghiệm đó và có thể vận dụng điều đó vào công việc như thế nào nhé! Những câu hỏi về dự định tương lai và công ty ・ Bạn nghĩ mình sẽ đang làm gì trong 5 năm, 10 năm sau? ・ Bạn muốn trở thành con người như thế nào trong vòng 5 năm, 10 năm tới? Đây là những câu hỏi được dùng để xem bạn suy nghĩ như thế nào về tương lai của mình. Trong công ty Nhật, những người mới vào công ty trong vòng 1-2 năm đầu hầu như sẽ không làm việc một mình mà sẽ làm việc cùng các tiền bối và cấp trên. Đây là khoảng thời gian để học hỏi và tiếp thu cách làm việc. Sau thời gian đó, các nhân viên mới sẽ bắt đầu làm việc độc lập và dần nâng cao kỹ năng của mình - đó là điều các công ty mong muốn. Dù ở hiện tại, suy nghĩ của bạn và điều công ty đang cần có thống nhất đi chăng nữa thì cũng có khả năng bạn thôi việc sau khi làm việc ở công ty một vài năm và nhận ra tình hình công ty không còn phù hợp với nguyện vọng của bạn nữa. Trong trường hợp đó, công ty sẽ buộc phải đào tạo nhân viên mới từ đầu dù đã cất công dành thời gian huấn luyện bạn. Vì vậy, người phỏng vấn cũng muốn biết trước về việc trong tương lai bạn có dự định làm gì và muốn trở thành người như thế nào. Với du học sinh, nếu có người muốn sống dài hạn tại Nhật thì cũng có người chỉ muốn tích lũy kinh nghiệm làm việc tại Nhật khoảng 10 năm rồi về nước. Không thể nói lựa chọn nào là tốt hay xấu, nhưng điều quan trọng ở đây là nguyện vọng của bạn có phù hợp với công ty hay không. Việc các bạn không trả lời thật lòng vì không muốn gây ấn tượng xấu cho công ty là thỏa đáng, nhưng cũng có trường hợp nhờ trả lời một cách trung thực mà công ty dễ hình dung hơn về tương lai làm việc với bạn. ・ Lý do bạn muốn làm việc ở Nhật là gì? ・ Bạn có hình dung thế nào về công ty của Nhật? Công ty có hình ảnh như thế nào trong mắt bạn? ・ Bạn muốn làm việc bao lâu ở công ty? Bạn dự định sống lâu năm ở Nhật hay về nước sau một vài năm nữa? ・ Bạn có muốn làm việc ở chi nhánh công ty tại Việt Nam không? Trong lúc suy nghĩ về cách trả lời những câu hỏi này, hãy tận dụng cơ hội để một lần lữa phân tích bản thân và suy nghĩ về dự định tương lai của mình nhé. ・ Bạn có câu hỏi gì cho phía công ty không? Đây là câu hỏi thường có ở phần cuối của buổi phỏng vấn. Hãy đặt câu hỏi nếu bạn có thắc mắc về những gì người phỏng vấn đã nói, triết lý công ty, hay môi trường làm việc của công ty, v.v… Việc đặt câu hỏi nói lên rằng bạn đang cố gắng mường tượng về hình ảnh mình làm việc ở công ty, thậm chí còn có thể tạo ấn tượng tốt cho người đối diện dựa trên nội dung câu hỏi. Lời kết Trên đây là danh sách các câu hỏi thường có trong phỏng vấn. Tùy vào công ty và người phỏng vấn mà tiêu chí đánh giá sẽ khác nhau. Nhưng điều mà công ty nào cũng muốn biết là “Bạn có phù hợp với công việc và công ty này hay không?”. Hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn và thể hiện mình cũng như những điểm tốt của mình một cách cẩn thận nhưng cũng không kém phần thoải mái nhé.
01/04/2022
Bên cạnh việc tham gia nhiều buổi giới thiệu doanh nghiệp và đăng ký ứng tuyển vào nhiều công ty qua các trang giới thiệu việc làm - phương thức đi xin việc điển hình tại Nhật Bản thì có rất nhiều du học sinh đã nhận được thông báo trúng tuyển (naitei) thông qua sự tư vấn, hỗ trợ khác ví dụ như từ phía nhà trường. Qua bài viết lần này, chúng mình sẽ chia sẻ câu chuyện đi tìm việc của các tiền bối, mong rằng sẽ hữu ích không chỉ với các bạn đang trong quá trình đi tìm việc mà cả những bạn đang trong giai đoạn chọn trường. Nhận được naitei sau khi ứng tuyển duy nhất 1 công ty thông qua sự giới thiệu từ nhà trường! Trong số các bạn đi du học tại các tỉnh và thành phố nhỏ, cũng có nhiều bạn có nguyện vọng đi xin việc ngay tại địa phương nơi mình đang sống với lý do có thể tận hưởng cuộc sống yên bình và chi phí sinh hoạt phải chăng. Bạn Nhi - cựu du học sinh tại tỉnh Kagawa đã tìm được nơi làm việc một cách suôn sẻ thông qua sự giới thiệu của nhà trường. Với tấm bằng N2 của kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT và kĩ năng hội thoại tốt, Nhi đã được nhận vào làm tại một công ty sản xuất các sản phẩm kim loại tại địa phương. Kinh nghiệm đi tìm việc của Nhi ・Tốt nghiệp THPT và học tiếng Nhật tại trung tâm tiếng Nhật ở Huế ・ Năm 2018: Nhập học Khoa Tiếng Nhật tại trường Cao đẳng Anabuki Business College ・ Năm 2020: Nhập học Khoa Kinh doanh Quốc tế tại trường Cao đẳng Anabuki Business College ・ Năm 2021: Nhận quyết định tuyển dụng (tháng 11) Lịch trình đi tìm việc của Nhi Ảnh chụp Nhi và các bạn cùng trường (Nhi đứng thứ hai từ trái sang phải) Với các bạn du học sinh theo học trường Anabuki Business College có nguyện vọng đi xin việc tại địa phương, phương thức tìm việc chủ yếu chính là thông qua sự giới thiệu của nhà trường. ① Đi theo nhóm đến thăm các doanh nghiệp được trường giới thiệu ② Gửi sơ yếu lý lịch vào doanh nghiệp mình muốn ③ Phỏng vấn sau khi qua vòng tuyển chọn hồ sơ Thời gian đầu, Nhi đã không nộp sơ yếu lý lịch xin việc vì muốn về nước theo nguyện vọng của gia đình nhưng cuối cùng, bạn đã chính thức bắt đầu quá trình xin việc từ tháng 8. Vào tháng 10, bạn đã tham gia buổi phỏng vấn đầu tiên thông qua lời giới thiệu của nhà trường và nhận được naitei của công ty đó vào tháng 11. ・ Tháng 7 năm 2020: bắt đầu chuẩn bị cho quá trình tìm việc (ôn thi các chứng chỉ và học các lớp liên quan đến việc đi tìm việc) ・ Tháng 8 năm 2021: chính thức bắt đầu quá trình tìm việc ・ Đến Hellowork (ハローワーク) xin tư vấn tìm việc (đã được giới thiệu khoảng 3-4 công ty nhưng vì không phải doanh nghiệp địa phương nên đã không ứng tuyển) ・ Đến thăm 1 trong 3 công ty đã được trường giới thiệu (tháng 10) ・ Nhận naitei (2 ngày sau khi phỏng vấn: tháng 11) Trong buổi đến thăm công ty vào tháng 10, bạn đã có cơ hội đi tham quan xưởng sản xuất, văn phòng làm việc và được nói chuyện với hai bạn kĩ sư người Việt đã vào làm từ nửa năm trước. Trường hợp nhận sự giới thiệu từ phía nhà trường Nhi (bên phải) và các bạn học cùng trường Có thể các bạn nghĩ rằng trường hợp nhận được naitei sau khi nộp sơ yếu lý lịch vào chỉ một công ty duy nhất như Nhi là rất hiếm. Tuy nhiên, trong trường hợp đó là công ty được nhà trường giới thiệu, sau khi tham quan, nếu bạn quan tâm đến công ty đó, bạn sẽ gửi sơ yếu lý lịch của mình tới công ty đó. Nếu như bạn nhận được naitei bạn sẽ vào làm tại công ty đó. Kể cả trong trường hợp không trúng tuyển, bạn vẫn có thể được trường giới thiệu cho những công ty khác. Dù Nhi chỉ ứng tuyển vào một công ty nhưng bạn ấy đã chuẩn bị một cách rất kỹ càng. Ngoài việc hoàn thành sớm sơ yếu lý lịch và Đơn xin ứng tuyển (Entry Sheet), Nhi cũng đã đạt được nhiều chứng chỉ, bằng cấp như Chứng chỉ kế toán hạng 3, Chứng chỉ Excel cận hạng 2, Chứng chỉ đánh máy tiếng Nhật hạng 3, Chứng chỉ đánh giá thường thức về phép tắc xã giao của người đi làm, Chứng chỉ đánh giá kỹ năng ứng xử trong kinh doanh hạng 3 và Chứng chỉ đánh giá kỹ năng soạn thảo văn bản kinh doanh hạng 3. Nhận naitei từ công ty mà mình đã tham gia thực tập Nhờ sự giới thiệu của trưởng Ehle Gakuen - một trường chuyên môn nổi tiếng mạnh trong hoạt động giới thiệu việc làm tại Osaka, Hiền đã có cơ hội trải nghiệm một kỳ thực tập dài hạn và nhận được naitei của công ty đó ngay trong quá trình thực tập. Bắt đầu từ tháng 4 này, bạn ấy sẽ bắt đầu phụ trách mảng PR sản phẩm cho khách hàng Việt Nam và mảng khai thác đối tác kinh doanh tại Việt Nam của công ty đó. Kinh nghiệm đi tìm việc của Hiền ・ Tốt nghiệp THPT và học tiếng Nhật trong vòng nửa năm tại Huế ・ Năm 2017: Nhập học trường tiếng Nhật ・ Năm 2019: Nhập học Khoa tiếng Nhật ứng dụng tại trường Ehle Gakuen ・ Năm 2020: Nhập học Khoa kinh doanh tại trường Ehle Gakuen ・ Tháng 11 năm 2021: Nhận quyết định tuyển dụng Quá trình tìm việc ban đầu của Hiền ・ Tháng 3 năm 2021: Bắt đầu làm sơ yếu lý lịch xin việc = Học cách viết sơ yếu lý lịch tại trường và nhờ giáo viên chỉnh sửa sau khi hoàn thành ・ Đi dự các buổi giới thiệu doanh nghiệp đã tìm được trên trang Mynavi (khoảng tháng 3~4) = Gửi Đơn xin ứng tuyển vào 20-30 công ty = Tham dự phỏng vấn tại tổng cộng 7 công ty nhưng đều không qua được vòng phỏng vấn lần một (khoảng tháng 6-7) ・Cùng thầy cô và các bạn tham gia buổi giới thiệu doanh nghiệp tổng hợp của nhiều công ty = Gửi Đơn xin ứng tuyển vào 5 công ty = Kết quả là đều không qua được vòng loại hồ sơ ・Đến Hellowork xin tư vấn tìm việc = Không tìm được công ty ưng ý Nhận được naitei từ công ty thực tập Ảnh bạn Hiền Tuy đã không tiến được tới vòng phỏng vấn cuối cùng khi thực hiện quá trình xin việc thông thường giống như các bạn sinh viên khác, Hiền đã được trường giới thiệu 3 công ty làm địa điểm thực tập. ・ Nộp sơ yếu lý lịch vào 3 công ty do trường giới thiệu (tháng 6) ・ Tham dự buổi phỏng vấn của 1 trong 3 công ty trên (tháng 6) ・ Tham gia thực tập (tháng 7) Công ty thực tập của Hiền là một công ty sản xuất mỹ phẩm tại thành phố Osaka (công việc văn phòng). Với tần suất 2 lần/tuần, thời gian từ 10-16 tiếng. Sau khi đi làm 4 tuần, bạn bước vào kỳ nghỉ hè rồi tiếp tục đi làm vào tháng 9. Công việc chủ yếu của bạn là lập và điều hành trang Facebook nhằm mục đích tiếp thị sản phẩm cho khách hàng người Việt Nam. Sau khi thực tập tại công ty, ngày 11 tháng 15, bạn ấy đã nhận được thông báo về quyết định tuyển dụng từ công ty. Nhận naitei qua sự giới thiệu từ WA.SA.Bi. Ngoài trường học thì du học sinh còn có thể nhận được sự hỗ trợ từ những nơi khác. Vy - cựu học sinh một trường nghề dạy IT - đã ứng tuyển vào công ty do WA.SA.BI. giới thiệu và đã nhận được naitei. Từ tháng 4 năm nay, bạn sẽ bắt đầu đảm nhiệm công việc phát triển phần mềm tại công ty này. Kinh nghiệm tìm việc của Vy ・ Tốt nghiệp trường THPT tại Việt Nam ・ Năm 2018: Nhập học trường tiếng tại Nhật ・ Năm 2020: Nhập học trường chuyên môn Nihon Kompyuta ・ Năm 2021: Nhận naitei (tháng 11) Quá trình đi tìm việc của Vy Vy đã tham dự vòng phỏng thứ nhất (hình thức online, kéo dài 20 phút) của một công ty IT tại văn phòng WA.SA.Bi..Vì qua được vòng đầu nên sau đó Vy đã đến công ty để trực tiếp tham dự vòng phỏng vấn thứ hai. Khoảng 2 tuần sau, bạn ấy đã nhận được thông báo naitei từ qua WA.SA.Bi.. ・Tháng 12 năm 2020: Học cách viết sơ yếu lý lịch, cách sử dụng trang tìm kiếm thông tin việc làm tại trường. ・Vì phân vân về việc đi làm ở Nhật hay về nước nên chưa bắt đầu ngay quá trình tìm việc. ・Tháng 9 năm 2021: Ứng tuyển 2 thông tin tuyển dụng được tìm thấy trên trang Facebook của WA.SA.Bi. ・Tháng 10: Đỗ vòng loại hồ sơ của 1 công ty, tiến đến vòng phỏng vấn đầu tiên (trực tuyến) ・Tháng 10: Tham dự vòng phỏng vấn thứ 2 (tại công ty tuyển dụng) ・Tháng 11: Nhận thông báo naitei Hệ thống hỗ trợ của WA.SA.Bi. Hình ảnh nhân viên WA.SA.Bi. phỏng vấn trực tuyến ứng tuyển viên Trên trang WA.SA.Bi. chỉ đăng tải các thông tin tuyển dụng của các công ty muốn tuyển du học sinh. Sau đây chúng mình sẽ giới thiệu quy trình hỗ trợ tìm việc ở WA.SA.Bi. ① Ứng tuyển vào công ty đang tuyển dụng do WA.SA.Bi. giới thiệu ② Sau khi buổi phỏng vấn với WA.SA.Bi., WA.SA.Bi. tiến cử tới phía doanh nghiệp Ứng viên không trực liên lạc với bên công ty mà phía WA.SA.Bi. sẽ liên lạc với doanh nghiệp. ③ Phía doanh nghiệp sẽ tuyển chọn hồ sơ và kết quả tuyển chọn sẽ do WA.SA.Bi. thông báo ④ WA.SA.Bi. sẽ hỗ trợ luyện phỏng vấn cho ứng viên cho đến ngày phỏng vấn chính thức Vy đã tham gia 2 buổi luyện phỏng vấn của WA.SA.Bi. (một lần online và một lần gặp mặt trực tiếp) ⑤ Tham dự buổi phỏng vấn chính thức của doanh nghiệp ⑥ WA.SA.Bi. thông báo cho học sinh về kết quả phỏng vấn và quyết định tuyển dụng Ảnh hưởng của Covid-19 Trong vòng 1 năm qua, dưới sự ảnh hưởng của Covid-19 dẫn đến tình trạng số lượng thông tin tuyển dụng giảm, quá trình đi tìm việc trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa mọi việc chỉ toàn là những điều xấu. Các nhân viên hỗ trợ tìm kiếm việc làm của WA.SA.Bi. sẽ giải thích cho các bạn tình hình tìm việc trong thời kỳ đại dịch Covid - 19. Những vất vả trong thời kỳ đại dịch Covid- 19 ・ Việc tham dự thực tập, những buổi giới thiệu doanh nghiệp gặp mặt trực tiếp, hay những buổi giới thiệu tập trung đã bị huỷ bỏ. ・ Vì không có những khách nước ngoài mới nhập cảnh nên thông tin tuyển dụng của nhiều ngành nghề ít dần (ví dụ như khách sạn hay hỗ trợ thực tập sinh). ・ Các hoạt động tham dự buổi giới thiệu doanh nghiệp cùng bạn bè giảm dần, cảm giác cô đơn trước tình trạng bị từ chối gia tăng. Những điểm tích cực trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ・Bạn có thể thực hiện quá trình tìm việc ngay tại nhà thông qua hình thức trực tuyến (như trên Zoom hay Skype.v.v.). Vì thế mà bạn có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian đi lại, ngoài ra, bạn còn có thể tham dự các buổi giới thiệu hay phỏng vấn tại các công ty ở xa. ・Không chỉ ở các thành phố lớn mà còn dễ dàng ứng tuyển tại các doanh nghiệp địa phương. Tổng kết Việc du học sinh tìm việc ở Nhật được cho là khó. Dù là vậy, giống như các tiền bối được giới thiệu trong bài viết lần này, đã có nhiều người nhận được naitei từ các công ty thông qua sự hỗ trợ của nhà trường. Trường Ehle Gakuen (thành phố Osaka) hay trường Anabuki Business College (thành phố Takamatsu tỉnh Kagawa) đều là những trường rất tích cực trong việc hỗ trợ tìm việc cho du học sinh. Khi chọn trường để du học, việc tìm hiểu xem việc hỗ trợ du học sinh trong quá trình đi tìm việc của ngôi trường đó cũng là 1 điểm quan trọng. Ngoài ra, bạn cũng hãy sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tìm việc dành riêng cho du học sinh của các tổ chức như WA.SA.Bi. với nhiều thành tích trong việc hỗ trợ du học sinh và có cả đội ngũ nhân viên (người Nhật, người Việt) am hiểu về quá trình đi tìm cho du học sinh sẽ hỗ trợ bạn.
29/03/2022
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài