Category | Tin mới nhất
Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...
7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất
02/05/2024Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...
18/03/2024Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản
13/03/2024Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Một cái ôm mà nhiều người Việt coi là thể hiện sự thân thiện có thể sẽ không được hiểu là “thân thiện” ở Nhật đâu nhé. Trong số này, hãy tìm hiểu cách tiếp nhận kiểu chào bằng cách ôm ra sao, văn hóa cúi người để chào và cách chào khi tiễn nhau của người Nhật như thế nào nhé. Người Nhật không thích ôm nhau khi chào Hãy tưởng tượng một tình huống thế này: Bạn đi du lịch và chọn việc trải nghiệm cuộc sống cùng người bản địa. Sau 1 tuần được chủ nhà tiếp đón nồng hậu, bạn rất cảm động. Giờ chia tay đã đến và bạn cảm thấy cần phải làm điều gì đó để thể hiện lòng biết ơn của mình trước tấm thịnh tình của gia chủ. Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nên một cái ôm tặng gia chủ là hoàn toàn bình thường. Thậm chí trong quá trình trải nghiệm cuộc sống cùng chủ nhà, bạn có thể khoác vai thân mật một chút với chủ nhà trong lúc đôi bên đang nhâm nhi vài chén rượu hoặc đơn giản là dùng chung bữa tối. Tuy nhiên, đừng làm điều tương tự với người Nhật nhé. Dù có thân thiết tới đâu thì người Nhật cũng ít chào nhau bằng cách ôm hoặc không bá vai bá cổ nhau khi ăn uống. Ngoài vợ chồng, người yêu của nhau hoặc người trong gia đình ra, người Nhật ít khi bắt tay hoặc ôm hôn để bày tỏ tình cảm. Đây là văn hóa của Nhật Bản. Có nhiều trường hợp một cái ôm như vậy có thể bị coi là không đúng cách. Khu vực Nakasu Để tôi kể thêm cho bạn một câu chuyện: Tại một hostel có tên Hana nằm ở khu Nakasu Kawabata (thành phố Fukuoka), trong cả phòng thay đồ và nhà vệ sinh đều có dán tấm bảng bằng tiếng Anh ghi thông điệp: In Japan, we don’t hug. We say Thank you (Arigatou gozaimasu) nghĩa là “Nếu bạn vui vẻ, hãy nói cảm ơn, đừng ôm. Chúng tôi không quen với những cái ôm”. Hỏi ra mới biết, 3 nữ tiếp tân làm việc tại đây thường xuyên phải từ chối khéo những cái ôm từ các vị khách phương Tây, đặc biệt là khách nam. Không phải họ chảnh hay xa cách đâu, mà trong văn hoá Nhật Bản thì những cử chỉ dẫn tới quá nhiều đụng chạm cơ thể sẽ gây sự mất tự nhiên, đặc biệt với phụ nữ. Văn hóa cúi chào của người Nhật Từ câu chuyện trên, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: Không ôm hôn, vậy người Nhật tạm biệt nhau một cách trịnh trọng bằng cách nào? Câu trả lời là: Họ cúi chào. Ngôn ngữ của sự cúi chào ở Nhật rất đa dạng. Tùy độ cúi chào cao thấp mà ý nghĩa khác nhau. Nếu như ở Việt Nam có văn hoá gặp nhau là bắt tay, uống xong một ly với nhau cũng bắt tay thì ở Nhật, dù cũng có bắt tay nhưng đã phần thì mọi người cúi chào nhiều hơn. Cách cúi chào của người Nhật có 4 cấp độ khác nhau. Cụ thể như sau: Cúi người ở góc khoảng 15 độ: Một lời chào thông thường. Cúi người thấp hơn, ở góc khoảng 30 độ: Thêm một chút trịnh trọng cho lời chào Cúi gập người ở góc 45 độ: Thể hiện lòng cảm tạ và sự tôn trọng Cúi gập hơn 45 độ: Là lời cảm tạ và tôn trọng sâu sắc nhất Ngoài việc bày tỏ sự “Cảm tạ”, “Tôn trọng” , việc cúi chào còn thể hiện sự “Xin lỗi”. Trường hợp xin lỗi thì càng cúi gập người bao nhiêu, càng tỏ ý chân thành bấy nhiêu. Cách tiễn khách lịch sự Đó là lời chào. Còn khi người Nhật tạm biệt nhau thì sự khác biệt sẽ thế nào. Trong cuộc sống đời thường, bạn có thể tạm biệt bạn bè của mình theo bất kỳ cách nào: Vẫy tay, bye bye… tuỳ. Điều này cũng giống ở Việt Nam. Nhưng trong văn hoá doanh nghiệp, nếu như Việt Nam sẽ thể hiện sự trịnh trọng bằng cách nhấn mạnh kính ngữ “Em chào anh ạ”, “Em xin phép về ạ”… thì người Nhật sẽ vừa nói và vừa cúi chào rất nhiều lần. Đối với người chức vụ càng cao thì mức độ cúi chào càng thấp hơn. Hoặc khi tiếp khách quan trọng, khi ra về, người ta sẽ tiễn ra tận thang máy hoặc cửa ra vào và cúi chào thật thấp. Và họ sẽ cúi chào cho tới khi cửa thang máy đóng lại mới thôi. Đối với người được tiễn ra tận cửa thì sau khi cúi chào, sẽ đi vài bước rồi quay lại chào lần nữa và đi một đoạn cho tới lúc không nhìn thấy nhau nữa lại nhìn lại và cúi chào lần nữa mới đi và người đi tiễn thì đợi cho tới khi khách đi khuất mới quay trở vào. Sống ở Nhật thì hãy làm quen với điều đó, đừng bye bye sếp rồi quay lưng đi ngay, như thế sẽ bị coi là bất kính đấy nhé. Văn hoá cảm ơn, xin lỗi Một blogger người Mỹ sống ở Tokyo từng live stream trên Facebook cá nhân về chủ đề “2 tuần đầu tiên trải nghiệm văn hoá Nhật Bản” nói vui rằng anh chưa từng sống ở đâu mà 2 từ “cảm ơn” và “xin lỗi” được nói nhiều như ở Nhật. Người Nhật cảm ơn và xin lỗi trong mọi tình huống diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Có một số tình huống mà cá nhân tôi cảm thấy lời cảm ơn và xin lỗi hơi gượng gạo. Ví dụ như bạn đang đứng trong thang máy, cửa thang sắp đóng thì một người Nhật bước vào và bỗng dưng nói: Xin lỗi. Có lẽ anh ý cảm thấy rằng vì mình chạy bổ vào nên thang máy bị chậm một chút nhưng tôi không hiểu họ đang xin lỗi vì điều gì. Trên khía cạnh này, đem người Nhật và người Việt lên bàn cân sẽ nhận ra sự khác biệt rất lớn khi người Việt thường bị chê là quá ít khi nói cảm ơn hoặc xin lỗi. Sự khác biệt này một phần do thói quen ứng xử mà thôi. Trong khi người Nhật thường chọn những cách trịnh trọng và lịch sự để thể hiện sự biết ơn và ái ngại, thì người Việt lại có xu hướng chọn những cách ít trịnh trọng hơn để biểu đạt. Ví dụ, một cháu bé được người lớn tặng cho một cái kẹo. Ở Nhật bé sẽ nói “cảm ơn” rất trang trọng, còn người Việt thường hay nói: Em/con xin cô/chú ạ. Bạn chẳng may giẫm vào giày người lạ. Người Nhật sẽ ngay lập tức “xin lỗi”, còn người Việt có thể nói: “Ôi, tôi vô ý quá”. Trong việc cảm ơn và xin lỗi, văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có phần khác nhau. Chúng ta cùng tìm hiểu văn hóa của nhau, để có thể “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hãy chọn cách ứng xử phù hợp nhé.
09/12/2021
Tình hình lây lan của COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nên làm gì nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh? Làm thế nào để kiểm tra? Làm thế nào để gọi xe cấp cứu? Những câu hỏi liên quan đến COVID-19 sẽ được giải đáp trong bài viết này. 1. Làm thế nào để phòng bệnh? Q: Để ngăn ngừa lây nhiễm, cần phải làm gì? A: Xin vui lòng thực hiện: Dù là trong tuần hay ngày nghỉ, hạn chế tối đa việc ra ngoài nếu không cần thiết Tránh nơi đông đúc Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng Thường xuyên sát trùng tay bằng cồn hoặc chất khử trùng Ngủ đủ giấc Ngoài ra, hãy tuân thủ “quy tắc giảm thiểu giọt bắn” để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Hãy đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng. Khi ho, hắt hơi, hãy dùng khẩu trang, khăn tay, ống tay áo, v.v. che miệng và mũi. Đặc biệt, người già và trẻ nhỏ rất dễ chuyển biến nặng khi mắc bệnh, vì vậy hãy hết sức cố gắng không đưa họ đến những nơi đông người. 2. Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh Q: Làm gì khi có dấu hiệu sốt và ho? A: Hãy thực hiện các biện pháp sau: Liên hệ với bác sĩ hoặc trung tâm y tế địa phương Nghỉ làm hoặc nghỉ học Tránh ra ngoài càng nhiều càng tốt Q: Khi người thân trong gia đình mình bị nhiễm bệnh thì mình nên làm gì? A: Hãy thực hiện các biện pháp sau: Người nhiễm bệnh hãy nghỉ ngơi trong phòng riêng và hạn chế tối đa việc rời khỏi phòng Hạn chế người chăm sóc cho người bệnh. Khi chăm sóc, tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt Đeo khẩu trang ngay cả khi ở nhà Rửa tay và súc miệng thường xuyên Mở cửa sổ, thông gió định kỳ Khử trùng những nơi và đồ vật mà người bệnh hay tiếp xúc Giặt quần áo và khăn tắm thường xuyên Vứt giấy xì mũi, v.v. ngay lập tức Tránh ra ngoài càng nhiều càng tốt Q: Mình đã gặp một người có thể bị nhiễm bệnh. Liệu mình có trở thành đối tượng tiếp xúc gần không? A: Bạn không thể là người tiếp xúc gần chỉ khi đi ngang qua một người bị nhiễm bệnh. Điều kiện cần để trở thành tiếp xúc gần là khoảng cách và thời gian tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Nếu bạn nằm trong số người dưới đây thì bạn sẽ trở thành người tiếp xúc gần: Đã nói chuyện hoặc chạm vào người khác mà không có khẩu trang, găng tay Mặc đù đã đeo khẩu trang nhưng đã nói chuyện với người đó từ 15 phút trở lên trong khoảng cách khoảng 1m 3. Cách khử trùng như thế nào? Q: Xin cho biết cách khử trùng trong nhà A: Virus bám vào vật gì đó có thể tồn tại trong một thời gian. ・ Đối với những nơi thường bị chạm vào, chẳng hạn như bàn, tay nắm cửa và ghế, hãy lau bằng dung dịch thuốc tẩy gia dụng đã pha loãng, sau đó lau bằng nước. ※ Dùng chất tẩy có chứa "natri hypoclorous axit" và pha loãng với nồng độ khoảng 0,05%. Ví dụ đối với chất tẩy với axit hypoclorous 5%, hãy pha loãng 25㎖ với 2,5ℓ nước. ・ Lau nhà vệ sinh và phòng tắm bằng chất tẩy rửa gia dụng thông thường và khử trùng bằng chất khử trùng gia dụng. ・ Giặt khăn tắm, quần áo, rửa đũa, thìa v.v. như bình thường, không cần giặt rửa riêng đồ của người nghi ngờ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hãy lưu ý những điều sau: Không sử dụng đũa hoặc dụng cụ ăn uống mà người bị ngờ nhiễm bệnh đã được sử dụng Tránh sử dụng chung khăn trong nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp, v.v. ◎ Hãy lưu ý những điểm sau khi khử trùng bằng chất tẩy với axit hypoclorous Thường xuyên thông gió trong phòng Mang găng tay nylon v.v. Không sử dụng để khử trùng tay hoặc cơ thể Khi khử trùng kim loại, lau sạch bằng nước sau khoảng 10 phút Chất khử trùng sẽ mất tác dụng theo thời gian, vì vậy hãy thay thế dung dịch mới hàng ngày 4. Xét nghiệm Q: Việc xét nghiệm được thực hiện như thế nào? A: Xét nghiệm PCR cần vài giờ để đưa ra kết quả, xét nghiệm kháng nguyên có thể cho kết quả sau khoảng một giờ. Các mẫu xét nghiệm có thể được lấy từ dịch khoang mũi, dịch nước bọt. Ngoài việc thực hiện xét nghiệm tại cơ sở y tế, bạn có thể mua một bộ xét nghiệm, lấy mẫu tại nhà và gửi qua đường bưu điện để kiểm tra. 5. Về việc hạn chế ra ngoài Chúng tôi sẽ giải thích những gì bạn cần làm khi Chính phủ Nhật Bản yêu cầu bạn không được ra ngoài. Q: Mình có thể đi mua sắm không? A: Bạn có thể đi mua những thứ bạn thực sự cần. Khi đi mua sắm, hãy cố gắng tránh xa những khu vực đông đúc và cách xa những người xung quanh ít nhất 2m. Q: Mình có thể đến bệnh viện không? A: Bạn có thể đến bệnh viện. Tuy nhiên, hãy đeo khẩu trang để phòng bệnh. Q: Mình có thể đi bộ hoặc chạy bộ không? A: Không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đồng thời tránh xa những người xung quanh ít nhất 2m. Q: Mình thực sự cần phải đi làm, không thể nghỉ làm được. A: Nếu có thể, hãy làm việc tại nhà để giảm tiếp xúc với mọi người, và nếu bạn đi làm, hãy cố gắng tối đa việc tránh tiếp xúc với đồng nghiệp. Hãy đi bằng xe đạp hoặc đi bộ nếu điều kiện cho phép. Q: Có bị phạt gì khi đi chơi không? A: Không có hình phạt nào cả. 6. Về việc gọi xe cấp cứu Q: Khi nào mình nên gọi xe cấp cứu? A: Nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên gọi xe cấp cứu. Môi tím tái Đột nhiên cảm thấy ngột ngạt, khó thở Nhịp thở tăng lên, rối loạn Đau ngực Không thể thở được khi nằm, cần phải đứng hoặc ngồi mới thở được Cảm giác mạch bị rối loạn Q: Cách gọi xe cấp cứu như thế nào? A: Đầu tiên là bấm số 119 ① Khi có người bắt máy, hãy nói: Cần cấp cứu「救急 - kyukyu」 ② Cho biết địa chỉ bạn muốn xe cấp cứu đến ③ Kể các triệu chứng của người bệnh ④ Cho biết tuổi và giới tính của người bệnh ⑤ Cung cấp tên và thông tin khi cần liên hệ Ngoài ra, có thể có câu hỏi từ phía tổng đài. Hãy trả lời trong phạm vi mà bạn biết. Tổng kết Chúng tôi đã giới thiệu những việc cần làm nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân bị nhiễm Covid-19, cách khử trùng theo hướng dẫn và cách gọi xe cấp cứu. Hãy đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, không tự tin quá mức rằng mình ổn, tránh ra ngoài càng nhiều càng tốt và tránh tụ tập đông người để phòng và chống dịch một cách hiệu quả nhất.
02/03/2022
Số lượng du học sinh, thực tập sinh kỹ năng hay nhân viên chính thức người Việt ở Nhật Bản ngày càng tăng, và trong số đó, số người Việt kết hôn với người Nhật cũng ngày một nhiều hơn. Chúng tôi được một số người Việt đã kết hôn với người Nhật chia sẻ câu chuyện về cơ duyên gặp gỡ bạn đời của họ. Bài viết lần này xin giới thiệu 4 trường hợp các cặp đôi gặp gỡ nhau ở Nhật và tiến đến hôn nhân. Kết hôn với đồng nghiệp người Nhật ở nơi thực tập kỹ năng Năm 2016: Bắt đầu thực tập kỹ năng ngành chế biến thực phẩm〈tỉnh Nara〉Năm 2017: Gặp gỡ bạn trai người Nhật ở chỗ thực tập kỹ năngNăm 2019: Kết hôn và kết thúc quá trình thực tập kỹ năng〈Sinh năm 1993, quê ở tỉnh Hải Dương〉 Chị Cúc vốn là thực tập sinh kỹ năng. Chị nhận được lời mời hẹn hò từ đồng nghiệp nam người Nhật làm cùng công ty nơi chị thực tập kỹ năng. Vào ngày nghỉ, hai người cùng nhau lái xe đi chơi đây đó. Đến khoảng 2 tháng trước khi quá trình thực tập của chị kết thúc, hai người đã kết hôn và từ đó chị tiếp tục ở lại Nhật Bản. Trước khi sang Nhật, chị Cúc làm việc tại một nhà máy của công ty Nhật. Chị nghĩ rằng nếu trong quá trình thực tập kỹ năng học được tiếng Nhật thì sau khi về nước sẽ tìm được công việc có mức lương tốt hơn tại các công ty Nhật. Vì vậy, chị Cúc đã rất nỗ lực học tiếng Nhật. Sau khi xong việc, vào các buổi tối, chị dành ra 2 tiếng đồng hồ để học tại kí túc xá. Sau khi sang Nhật được 2 năm, chị đã đỗ chứng chỉ năng lực tiếng Nhật (JLPT) N3. Ngoài việc tự học, Chủ Nhật hằng tuần, chị đến lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện tại địa phương để học miễn phí với giáo viên người Nhật. Ở lớp học có cả các ngày hội giao lưu như tiệc thịt nướng BBQ, là cơ hội để rèn luyện hội thoại tiếng Nhật. Nhờ nỗ lực như vậy, đến năm thực tập kỹ năng thứ hai, trong số 8 thực tập sinh (bao gồm cả người Việt và người Trung Quốc), chị trở thành người giỏi tiếng Nhật nhất. Khoảng thời gian đó, một chàng trai người Nhật hơn chị 2 tuổi vào làm nhân viên chính thức trong công ty. Hiện nay, anh đang phụ trách những việc như nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhưng hồi đầu, anh cũng trải nghiệm các công việc giống như thực tập sinh. Hồi đó, do giỏi tiếng Nhật nên chị Cúc được giao nhiệm vụ hướng dẫn anh trong công việc. Cứ thế, chị Cúc hướng dẫn cho anh và anh cũng thường xuyên hỏi chị về công việc, rồi dần dà, hai người trao đổi với nhau qua LINE ngay cả sau khi xong việc. “Chào buổi tối. Cúc đang làm gì vậy?”. “Em đang học ạ”. Từ những lời thăm hỏi, chuyện trò như vậy, hai người bắt đầu hẹn hò, cùng nhau đi ăn và lái xe đi chơi. Chị Cúc cũng từng đọc nhiều bài viết trên Facebook kể về chuyện yêu đương hẹn hò với người Nhật trong quá trình thực tập kỹ năng, rồi khi về nước thì mất liên lạc v.v... Tuy nhiên, sau khi yêu nhau được vài tháng, bạn trai nói với chị rằng “Sau khi em thực tập kỹ năng xong, chúng mình cưới nhau nhé”. 15 tháng sau, hai người đi làm thủ tục đăng ký kết hôn và đi chụp ảnh kỷ niệm. Về chuyện lấy chồng người Nhật, hồi đầu, mẹ chị Cúc bảo rằng “mẹ muốn con về Việt Nam”. Tuy nhiên, sau nhiều lần trò chuyện, mẹ chị đã chấp nhận chuyện chị lấy chồng. Hai người đã sống với nhau khoảng 2 năm nhưng vẫn dự định sau khi dịch COVID-19 lắng xuống sẽ cùng nhau về Hải Dương tổ chức lễ cưới. Kết hôn với bạn trai quen qua trang web mai mối Năm 2014: Tốt nghiệp đại học Tohoku, bắt đầu đi làm ở Nhật BảnNăm 2018: Gặp gỡ bạn trai người Nhật qua trang web mai mốiNăm 2019: Kết hôn〈Sinh năm 1989, quê ở tỉnh Hải Dương〉 Chị Lan Anh vốn là du học sinh, tốt nghiệp Đại học Tohoku năm 2014, sau đó chị đi làm ở Nhật. Chị quen biết với chồng từ năm 2018 qua trang web mai mối và năm sau đó, hai người đã kết hôn. Chồng chị Lan Anh đối xử với chị rất tốt. Hai người đã sinh được một bé gái và đang sống với nhau hạnh phúc. Một hôm, chị Lan Anh tình cờ thấy một trang web mai mối bằng tiếng Nhật trên Facebook nên đã đăng ký. Rất nhiều nam giới người Nhật sau khi xem ảnh chị xong đã liên lạc và chị đã nhắn tin qua lại với một người trong số đó. Cảm thấy hợp với người này, chị Lan Anh liền chuyển sang liên lạc tiếp với anh qua LINE. Khoảng 2 tuần sau đó, hai người quyết định gặp nhau tại một nhà ga trong nội đô Tokyo. Qua trang web mai mối, chị đã biết anh tốt nghiệp trường đại học hàng đầu và đang làm trong công ty lớn. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi qua LINE và điện thoại, chị thấy rằng anh là người rất chân thật. Hơn nữa, sau khi gặp nhau, anh cũng luôn tôn trọng chị Lan Anh và chấp nhận chuyện trước đây chị từng ly hôn. Sau khi bắt đầu hẹn hò với nhau 2 tháng, anh về nhà cha mẹ và thưa chuyện về chị Lan Anh. Sau đó, chị được anh giới thiệu với cha mẹ qua điện thoại video và 3 tháng sau đó gặp trực tiếp để chính thức ra mắt. Thế rồi, cha mẹ anh cũng sang Việt Nam và gặp mặt cha mẹ chị Lan Anh. 7 tháng kể từ ngày gặp nhau lần đầu, hai người đã đi đăng ký kết hôn và sau đó 2 tháng thì tổ chức hôn lễ tại Nhật Bản. Chị Lan Anh chia sẻ: “Sau khi kết hôn, năm tiếp theo chúng tôi đã sinh được một bé gái (hiện nay bé 8 tháng tuổi). Sau khi kết hôn, chồng tôi vẫn luôn coi trọng tôi, cứ đến cuối tuần là lại lau dọn nhà cửa, đi mua sắm hoặc nấu ăn giúp tôi. Được chồng đối xử tốt, yên tâm sinh sống ở Nhật Bản nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Có vẻ như đàn ông Nhật rất nhiều người có tinh thần trách nhiệm và rất coi trọng gia đình. Họ cũng không có kiểu ngày nào cũng rượu chè như nhiều người đàn ông Việt Nam. Vì rất thích Nhật Bản nên tôi muốn được tiếp tục sinh sống ở đây. Tôi thấy vui khi càng ngày càng có nhiều cặp đôi Nhật – Việt”. Gặp nhau ở lớp tiếng Nhật miễn phí Năm 2010: Thực tập kỹ năng ngành xây dựng〈Tỉnh Okayama〉Năm 2011: Đỗ JLPT N3, gặp gỡ cô gái người Nhật ở lớp học tiếng NhậtNăm 2013: Đỗ JLPT N2, về Việt NamNăm 2015: Vào học tại Đại học Minami Kyushu〈Tỉnh Miyazaki〉Năm 2016: Gặp lại cô gái người Nhật và bắt đầu hẹn hòNăm 2019: Tốt nghiệp Đại học Minami Kyushu, kết hôn và làm việc tại Nhật Bản〈Sinh năm 1990, quê ở tỉnh Nam Định〉 Anh Khanh dành dụm được một khoản tiền sau 3 năm thực tập kỹ năng. Anh dùng một phần số tiền đó để đi du học đại học ở Nhật Bản. Anh gặp vợ lần đầu hồi thực tập kỹ năng năm thứ hai. Hai người gặp nhau tại lớp học tiếng Nhật tình nguyện ở tỉnh Okayama. Anh Khanh đi thực tập kỹ năng với mục đích chuẩn bị cho việc du học (dành dụm tiền và học tiếng Nhật). Sau khi xong việc, mỗi buổi tối, anh Khanh dành 2, 3 tiếng đồng hồ để học tiếng Nhật ở ký túc xá. Ngoài ra, để luyện hội thoại tiếng Nhật, tối thứ Ba và ngày Chủ Nhật, anh đi tàu điện đến lớp học tiếng Nhật miễn phí (2 nơi khác nhau). Đi học tiếng Nhật như vậy tốn cả tiền tàu điện và thời gian nhưng anh vẫn cố gắng để mở rộng các lựa chọn trong tương lai. Ở một trong hai lớp học này, ngoài giáo viên phụ trách lớn tuổi, có cả cô giáo trạc tuổi anh Khanh. Ở chỗ làm, cô thấy đồng nghiệp người Việt gặp khó khăn do không nói được tiếng Nhật nên muốn đi dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài ở lớp học tình nguyện. Sau đó, cô thôi việc, đi đến thành phố Hồ Chí Minh và dạy tiếng Nhật 2 năm tại công ty phái cử. Cùng thời gian đó, anh Khanh đã về Nam Định và qua mạng xã hội (messenger), hai người đã trò chuyện với nhau rất nhiều về cuộc sống ở Việt Nam. Năm 2015, anh Khanh trở lại Nhật Bản để du học tại trường đại học ở tỉnh Miyazaki. Cô giáo ngày nọ cũng đã trở về Nhật Bản và làm việc tại tỉnh Okayama. Mùa xuân năm 2016, cô đã đến thăm anh tại Miyazaki. 3 năm rồi họ mới gặp lại nhau. Cô nói rằng “cảm thấy hợp với đất đai và khí hậu ở Miyazaki”rồi nửa năm sau đó chuyển đến đây và hai người bắt đầu hẹn hò với nhau. 3 năm sau, vào năm 2019, hai người tổ chức đám cưới với 500 khách tham dự ở Nam Định và dự kiến tháng 5 năm 2021 sẽ sinh con. Ở trường đại học, anh Khanh nghiên cứu về sản xuất rượu và hiện nay cũng đang làm việc tại một công ty sản xuất rượu ở Nhật Bản. Ước mơ của anh là sau này mở một cơ sở chưng cất, ủ rượu ở Nam Định. Vợ anh cũng không ngại ngần việc sinh sống ở nước ngoài nên cả nhà dự định khi đó sẽ về sống ở Nam Định. Đi du học sau đại học và gặp ý trung nhân ở trường Năm 2001: Gặp gỡ bạn trai người Nhật ở khoa sau đại học ở TokyoNăm 2003: Tốt nghiệp, về nước và quay lại công việc cũNăm 2005: Kết hôn, thôi việc và trở lại Nhật Bản〈Sinh đầu thập niên 1970, quê ở Hà Nội〉 Năm 2001, khi đi du học thạc sĩ tại một trường đại học quốc lập ở Tokyo, chị Tú quen và có cảm tình với một bạn nam người Nhật cùng khoá. Hai người hẹn hò cho đến năm 2003, chị tốt nghiệp và về nước. Tạm xa bạn trai, chị trở lại với công việc trước khi đi du học ở văn phòng đại diện của 1 tổ chức của Nhật Bản tại Hà Nội. Bạn trai của chị tiếp tục học lên tiến sĩ ở Tokyo, hai người liên lạc với nhau qua mail. Cứ hết học kỳ, anh lại sang Hà Nội để gặp chị, và hai người vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ. Năm 2005, anh ngỏ lời kết hôn. Mặc dù khi đó công việc của chị đang thuận lợi, nhưng chị nghĩ khó có thể vừa cống hiến hết sức cho công việc để đáp ứng kỳ vọng của mọi người vừa ổn định được cuộc sống gia đình. Sau khi suy nghĩ nhiều, chị đã chọn kết hôn và thôi việc. Sau 3 năm chung sống ở Tokyo, anh chị sinh được 2 cháu, chị chỉ ở nhà lo toan việc nhà trong 4 năm. Hồi mới cưới, anh vẫn đang là nghiên cứu sinh, chưa biết công việc sẽ ra sao, nên chị cũng có phần lo lắng. Hơn nữa, vốn là một phụ nữ có chuyên môn nên chị cũng chưa quen được với việc chỉ ở nhà làm nội trợ và nuôi con, hai vợ chồng thường xuyên cãi cọ, xích mích. Năm 2007, anh tốt nghiệp tiến sĩ và trúng tuyển vào 1 công ty tư vấn của Nhật Bản tại Việt Nam. Anh thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, thế là cả nhà về sống 1 năm tại đây. Sau đó, năm 2008, cả gia đình trở lại Nhật, và chị tìm được công việc liên quan đến biên dịch và phiên dịch phù hợp với khả năng và điều kiện gia đình. Hiện hai người đã có với nhau 3 mặt con. Do công việc, chồng chị thường xuyên phải đi công tác nước ngoài, nhưng những khi ở Nhật Bản, anh luôn cùng chị chăm sóc, dạy dỗ con cái, gia đình 5 người của anh chị luôn hoà thuận, vui vẻ. Chị cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của gia đình chồng, nên chị cảm thấy rất hài lòng với lựa chọn kết hôn ngày nào, cũng như cuộc sống hạnh phúc hiện nay tại Nhật Bản.
06/05/2021
Lần trước, chúng tôi đã giới thiệu 4 cặp vợ chồng Nhật - Việt gặp gỡ ở Nhật. Trong số này chúng tôi xin giới thiệu 4 cặp đã gặp gỡ nhau ở Việt Nam. Kết hôn với cấp trên ở công ty Nhật Bản Chị Châu (sinh vào thập niên 1980) tốt nghiệp Khoa tiếng Nhật, trường Đại học Ngoại ngữ ở Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, chị vào làm việc tại một công ty Nhật Bản vào năm 2005. Vì tính chất công việc nên chị thường xuyên phải liên lạc, báo cáo với một anh cấp trên qua thư điện tử hoặc tin nhắn và đôi khi, người cấp trên cũng có những tin nhắn ít liên quan tới công việc. Một hôm, do hiểu nhầm nội dung tin nhắn của chị, anh tìm tới tận nơi chị sống để hỏi và nhân tiện mời chị đi uống cà phê. Và từ đó, hai người bắt đầu tìm hiểu nhau. Vì anh cũng nói được tiếng Việt nên câu chuyện giữa hai người thường xuyên diễn ra bằng cả 2 thứ tiếng.Vài tháng sau, chị mời anh về nhà chơi và gặp bố mẹ. Ở Việt Nam thì việc mời bạn trai hay bạn gái tới nhà chào cha mẹ cũng là điều bình thường nhưng sau này anh cho chị biết “Người Nhật thì chỉ khi nào có ý định kết hôn với nhau thì mới mời về chào cha mẹ”. Vì thế mà anh đến thăm và chào bố mẹ chị với tâm thế là sẽ kết hôn. Do anh nói được tiếng Việt, nên dễ dàng trò chuyện và được bố mẹ chị quý mến. Sau đó hai người hứa hôn, cha mẹ anh cũng sang thăm Việt Nam và đến chào cha mẹ chị. Năm 2006, một năm sau khi quen nhau, anh chị kết hôn và năm 2009, sau khi anh hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, gia đình anh chị giờ có 3 người, chuyển về Nhật sinh sống. Sau đó, anh chị sinh thêm một bé nữa và giờ gia đình nhỏ 4 người của chị Châu sống hạnh phúc vui vẻ. Khi sang Nhật chị cũng tìm được việc làm hợp ý. Chị học hỏi thêm được nhiều điều về xã hội Nhật thông qua những bạn bè người Nhật ở xung quanh do cùng gửi con nhà trẻ và bạn người Việt Nam thông qua mạng xã hội Facebook. Nhờ đó mà cuộc sống của chị ở Nhật ngày càng phong phú hơn. Kết hôn với đồng nghiệp quen trong thời gian làm việc ngắn hạn Chị Thủy (quê ở Hà Nội) là giáo viên tại một trường đại học ở Việt Nam. Khoảng năm 2000, một nam giáo viên người Nhật được cử đến làm giáo viên tại trường của chị theo một dự án của cơ quan hành chính độc lập của Nhật Bản và anh chị đã quen nhau. Chị Thủy tốt nghiệp khoa tiếng Nhật nên tiếng Nhật của chị rất giỏi. Sau thời gian giảng dạy ngắn hạn, anh trở về Nhật. Năm 2001, chị Thủy đi công tác ở Nhật và trong thời gian ở Nhật, anh chị gặp lại nhau. Anh thường xuyên tới thăm chị và hai người thường hẹn hò, đi ăn, đi du lịch với nhau. Ngày chị Thủy kết thúc chuyến công tác về nước, anh cùng đi chuyến máy bay để đưa chị về Việt Nam và khi tới nơi, anh chính thức cầu hôn. Năm 2002, anh chị kết hôn và tổ chức đám cưới ở Việt Nam. Cha mẹ và bạn bè của anh từ Nhật cũng sang Việt Nam chúc mừng anh chị. Sau đó vài tháng, anh chị trở về Nhật và tổ chức đám cưới một lần nữa ở Nhật. Cha mẹ chị Thủy không hề phản đối việc chị kết hôn với người nước ngoài vì khi còn trẻ ông bà cũng đã từng du học nước ngoài. Nhiều khi có những tranh luận hoặc bất đồng ý kiến do khác biệt về văn hóa nhưng anh chị luôn tôn trọng giá trị quan của nhau và luôn trao đổi kỹ với nhau. Anh chị có với nhau một cô con gái. Để cho con có thể nói được tiếng Việt, chị luôn cố gắng tạo nhiều nhiều dịp như dẫn con đi cùng mỗi khi có dịp tụ họp với bạn bè người Việt, đưa con về Việt Nam hoặc nấu món ăn Việt để cháu có thể nói tiếng Việt. Tuy chưa nói được nhiều nhưng con gái chị đều tích cực nói tiếng Việt mỗi khi có dịp. Kết hôn với anh họ của chồng bạn thân Chị Bảo Nghi (Quê Bà Rịa, sinh năm 1977) có một người bạn thân đi du học Nhật Bản và kết hôn với người Nhật. Sau đó, vợ chồng người bạn trở về Việt Nam và lập công ty. Anh chồng của bạn Bảo Nghi có nhờ một người em họ sang giúp công việc kinh doanh ở Việt Nam và Bảo Nghi cũng hay đến công ty của người bạn và đã gặp người em họ của chồng bạn tại đây (Khoảng năm 2010). Vì người em họ kia không biết tiếng Việt nên bạn của Bảo Nghi thường nhờ chị làm phiên kiêm hướng dẫn mỗi khi anh muốn đi chơi vào cuối tuần bằng xe máy hoặc mỗi khi công ty tổ chức đi chơi xa. Bảo Nghi nói tiếng Nhật giỏi vì học ngành Nhật Bản tại khoa Đông phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau đó, hai người có thêm nhiều dịp gặp gỡ và dần dần hẹn hò với nhau. Tháng 7/2011, anh thôi việc tại công ty của người anh họ ở Việt Nam và trở về Nhật. Hai người tiếp tục giữ liên hệ qua skype. Vào tháng 11 cùng năm, anh trở lại Việt Nam và cầu hôn. Bảo Nghi đã nhận lời. Ban đầu, cha mẹ Bảo Nghi cũng phản đối vì lo ngại “dù có nói được tiếng Nhật nhưng ở nước ngoài không có gia đình thân thích thì vất vả lắm”. Bản thân chị cũng băn khoăn khi nghĩ tới việc phải thôi công việc yêu thích đã làm trong nhiều năm. Nhưng cuối cùng, vượt qua những khó khăn, anh chị đã kết hôn vào tháng 8/2012. Một năm sau, chị sang Nhật và hiện nay anh chị có một bé gái 5 tuổi và sống hạnh phúc với nhau, chị cũng tìm thấy công việc phù hợp tại một công ty ở Nhật. Quen nhau qua bạn học cùng lớp tiếng Nhật Sau khi đi làm, chị Hương (sinh năm 1972, quê ở Hà Nội) đi học thêm lớp tiếng Nhật ban đêm. Khoảng năm 2000, người bạn cùng lớp lập một nhóm bạn để thỉnh thoảng đi du lịch, trong đó có một nam giới Nhật Bản hay sang công tác dài hạn tại công ty nơi cô làm việc. Đây một công ty Nhật Bản tiếp nhận một dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Sau này chị Hương và anh kết hôn với nhau, nhưng lúc đó, chị cũng không để ý đến anh lắm do đang có một vài đối tượng khác theo đuổi. Sau khi kết thúc chuyến công tác dài ngày, anh trở về Nhật nhưng thỉnh thoảng vẫn sang Việt Nam và cả nhóm lại đi du lịch, đi ăn uống với nhau. Thỉnh thoảng đi chơi với cả nhóm, các bạn hay trêu đùa “Hai người này hợp nhau đấy” và anh hình như cũng có thích nên 2 người bắt đầu thư từ cho nhau và bắt đầu tìm hiểu nhau lúc nào không hay. Khoảng năm 2004, anh chuyển sang làm việc tại một công ty khác và tự mình sang thành phố Hồ Chí Minh để mở văn phòng đại diện. Phần vì muốn có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở nước ngoài, phần vì có người yêu là chị, đang sống ở Việt Nam. Hai người tiếp tục yêu xa trong một thời gian nhưng nhận thấy không thể tiếp tục như vậy được nữa nên năm 2005 anh quyết định chuyển sang một công ty lớn khác có văn phòng tại Hà Nội và cùng trong năm đó, anh chị kết hôn. Sau khi kết hôn, anh vẫn làm việc tại Hà Nội, chị quyết định thi học khóa thạc sỹ về quản trị kinh doanh tại trường Đại học Ngoại thương ở Hà Nội. Năm 2007 anh về Nhật trước, chị tiếp tục học nốt năm cuối và sau khi tốt nghiệp, chị sang Nhật đoàn tụ gia đình. Năm 2009 anh chị sinh được một cháu trai. Thời gian đầu, vì ít nói tiếng Nhật nên anh chị dùng tiếng Anh là chủ yếu. Khi con trai độ 3 tuổi, nhận thấy cháu có vẻ hơi bị chậm nói nên chị quyết tâm học tiếng Nhật để nói chuyện bằng tiếng Nhật với con. Hiện chị vẫn tiếp tục theo học lớp tiếng Nhật tình nguyện ở địa phương, vui với việc trồng cây, làm đồ thủ công mỹ nghệ mà chị yêu thích, hài lòng với cuộc sống của một phụ nữ nội trợ toàn phần ở Nhật Bản. Tóm lược Trong 2 số liên tiếp, chúng tôi đã giới thiệu 8 cặp kết hôn Việt Nhật và có thể tóm lược lại như sau. ◆ Nơi gặp gỡ, hoàn cảnh gặp nhau (Phần gặp gỡ ở Nhật) 【Tại công ty tiến hành thực tập kỹ năng】 Kết hôn với đồng nghiệp nơi tiến hành thực tập kỹ năng, là người nói được tiếng Nhật giỏi nhất trong số các thực tập sinh kỹ năng nơi làm việc. 【Thông qua trang mai mối kết hôn】 Quen nhau qua trang mai mối kết hôn. Lựa chọn người có trình độ học vấn cao và tính cách tốt. 【Qua lớp học tiếng Nhật】 Gặp nhau tại lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện với tư cách là cô giáo và học sinh. 【Quen nhau tại khóa cao học khi du học】 Kết hôn với bạn đồng khóa tại khóa cao học tại một trường đại học Nhật Bản. Sau khi về nước, hai bên tiếp tục yêu nhau trong xa cách. ◆ Nơi gặp gỡ, hoàn cảnh gặp nhau (Phần gặp gỡ ở Việt Nam) 【Gặp gỡ ở công ty Nhật Bản】 Gặp người cấp trên tại công ty và kết hôn. Do hai bên trao đổi tin nhắn ngoài công việc và do hiểu nhầm một tin nhắn, anh đến mời chị đi uống cà phê. 【Gặp ở nơi làm việc là trường đại học】 Gặp đồng nghiệp là người Nhật được phái cử tới làm giáo viên một thời gian tại trường đại học nơi làm việc. Sau đó, bản thân đi Nhật công tác và 2 bên bắt đầu giai đoạn tìm hiểu nhau. 【Do bạn thân giới thiệu】 Bạn thân kết hôn với người Nhật. Chồng của bạn mời em họ sang làm việc tại Việt Nam, sau đó quen nhau và tiến tới giai đoạn tìm hiểu. 【Quen qua bạn cùng học lớp tiếng Nhật ban đêm】 Do bạn cùng lớp tiếng Nhật rủ nhau đi du lịch, đi ăn uống trong một nhóm có người Nhật sang công tác dài ngày ở Việt Nam rồi tiến tới tìm hiểu nhau. Những dịp gặp gỡ của các cặp vợ chồng Nhật Việt thật ngẫu nhiên và đa dạng. Biết đâu, một ngày nào đó, người bạn đời sẽ đột ngột xuất hiện ở nơi các bạn đang du học, đang thực hành kỹ năng hoặc nơi học tiếng Nhật…Số mệnh quả là không thể đoán trước phải không các bạn.
12/05/2021
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất Nhập cảnh Nhật Bản vào thời điểm cuối tháng 6 năm 2020, có hơn 420,000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật, chiếm 14.6% trong tổng số người quốc tịch nước ngoài tại Nhật, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Chiếm phần lớn trong số người Việt Nam hiện đang ở Nhật là số lượng người lao động ngắn hạn, thực tập sinh, người có trình độ cao, trong khi đó số người đang có tư cách lưu trú “Có vợ/chồng là người Nhật” chiếm một con số khá khiêm tốn là 4,758 người. http://www.moj.go.jp/isa/content/930006222.pdf Theo một khảo sát nhỏ do Ban biên tập Kokoro thực hiện gần đây đối với 14 cặp kết hôn vợ Việt chồng Nhật, chúng tôi có thể thấy được một số khó khăn cũng như thuận lợi của việc kết hôn Việt - Nhật như sau. Những khó khăn trước khi kết hôn Có khá nhiều khó khăn trước khi kết hôn với người Nhật, đặc biệt nếu cặp đôi ở mỗi người một nước trước khi kết hôn. Có thể kể ra như sau: ✔ Cha mẹ phản đối ✔ Phải lựa chọn khi phải xa Việt Nam sang sống ở nơi lạ ✔ Phải lựa chọn bỏ công việc đang làm ✔ Thủ tục hành chính (kết hôn, xuất cảnh) phức tạp Trong những khó khăn kể trên thì có tới 50% bạn trả lời cho biết việc phải rời xa Việt Nam là điều khó khăn nhất cho các bạn quyết định kết hôn với người Nhật. Việc này cho thấy việc phải rời quê hương tới nơi sống mới lạ luôn là điều khiến nhiều người lo lắng và cân nhắc khi quyết định kết hôn với người Nhật. Chúng ta có thể thấy rõ hơn khi những người trả lời nêu ra những khó khăn sau khi kết hôn như trong phần 2 dưới đây. Những khó khăn sau khi kết hôn: ✔ Ít bạn bè ✔ Ngôn ngữ bất đồng ✔ Cách suy nghĩ khác nhau ✔ Phong tục, tập quán, ẩm thực khác nhau ✔ Cách nuôi dạy con khác nhau Trong những khó khăn nêu ra thì số người lựa chọn “ít bạn bè” là nhiều nhất. Xã hội Nhật là một xã hội nơi người dân chưa quen giao tiếp với những người nước ngoài là hàng xóm của họ. Chính vì thế, chuyện làm quen, kết bạn, chơi thân được với người Nhật rất khó khăn, làm cho các dâu rể quốc tế cảm thấy “ít bạn bè” là một trong những thứ khó khăn trên con đường hòa nhập sau kết hôn. Có thể nói phong tục tập quán khác biệt, hay ngôn ngữ bất đồng cũng là những điều khó khăn nguyên nhân dẫn tới việc “ít có bạn bè”. Những thuận lợi trong kết hôn với người Nhật Tuy có những khó khăn nhưng cuộc sống ở Nhật cũng có rất nhiều thứ thuận lợi, giúp các dâu/ rể người Việt ở lại và gắn bó lâu dài với đất nước hoa anh đào. Trong một cuộc khảo sát khác với khoảng 100 các gia đình kết hôn Nhật Việt thì có đến hơn một nửa những người trả lời cho biết họ cảm thấy rất thích “môi trường sống tốt” và “ẩm thực Nhật Bản” (thực phẩm chất lượng an toàn); kế đến là phong cách sống tôn trọng quyền tự do cá nhân, không sợ người khác để ý. Có thể đây là 1 trong những động lực để họ có thêm quyết tâm đi đến kết hôn với người Nhật chăng? Vậy để giải quyết những khó khăn để có cuộc sống sau kết hôn tốt hơn, các bạn đã có những giải pháp gì? Đa phần nêu ra giải pháp như sau. ✔ Đi học thêm tiếng Nhật ✔ Kết bạn với người Nhật để hiểu hơn phong tục tập quán ✔ Kết bạn với người Việt Nam cùng hoàn cảnh ✔ Tự tìm hiểu thông tin qua mạng, sách vở ✔ Tham gia vào các hội hoặc các hoạt động địa phương ✔ Giao tiếp nhiều hơn với chồng/ vợ, thẳng thắn chia sẻ các khúc mắc Theo như những gì tôi quan sát được với các cặp vợ chồng Nhật-Việt, vấn đề lớn nhất có lẽ là do không thông thạo tiếng Nhật. Không biết tiếng, bạn sẽ rất khó có thể giao tiếp tốt để người khác hiểu và bày tỏ quan điểm về suy nghĩ của mình. Giải pháp cho vấn đề chưa thông hiểu ngôn ngữ hoặc phong tục tập quán, có lẽ không còn cách nào khác hơn là cố gắng trau dồi học tập tiếng Nhật để có thể xem kênh tin tức tiếng Nhật hàng ngày hoặc giao tiếp nhiều hơn với bạn bè, hàng xóm người Nhật để nâng cao vốn từ và hiểu biết về xã hội Nhật. Gần đây mạng xã hội phát triển, đã có thêm rất nhiều các trang web chuyên về thông tin Nhật Bản bằng tiếng Việt cho cộng đồng và các hội nhóm của những người đồng cảnh trên mạng xã hội SNS nên cũng phần nào giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống ở Nhật. Mong các bạn cùng tích cực tận dụng những thông tin này. Bí kíp của riêng tôi để có mối quan hệ tốt với gia đình chồng Trong mỗi gia đình người Nhật, nhìn chung bố mẹ thường tôn trọng con cái và không hay xen vào đời sống riêng của gia đình con cái. Bản thân tôi ngay từ khi về làm dâu, tôi đã tâm sự với bố mẹ chồng rằng mặc dù sống ở Nhật cũng khá lâu và cố gắng tìm hiểu phong tục tập quán nhưng nhiều cái thật sự tôi không biết hết được, nếu có gì thì ông bà nên nói thẳng để tôi chuẩn bị hoặc cho tôi biết khi tôi không nên làm gì đó. Vì thế, sau này mỗi dịp lễ tết gì mẹ chồng tôi luôn nhắc nhở hoặc giúp tôi mua bán những thứ cần thiết. Ví dụ như ngày 5/5 là ngày của bé trai thì phải tắm bồn có lá Shobu để mang lại sức khỏe và điềm lành, tháng 8 ăn cá chình nướng để vượt qua cái nắng nóng mệt mỏi… Khi con tôi còn nhỏ, do công việc thường xuyên phải xa nhà, bố mẹ chồng tôi luôn hỗ trợ trong nhiều việc. Ví dụ như đưa đón con tôi đi nhà trẻ chẳng hạn. Sau cùng, tôi xin tóm lược vài bí kíp để có thể tạo được mối quan hệ hòa hợp với gia đình Nhật như sau: ✔ Thái độ chân thành. Coi bố mẹ chồng/vợ như bố mẹ mình ✔ Nói rõ những gì bạn không biết, chưa hiểu ✔ Luôn đặt mình vào vị trí của đối phương để lý giải những hành động của họ ✔ Luôn chủ động xin lỗi trước nếu cảm thấy có gì không ổn ✔ Lịch sự, đúng giờ và không to tiếng ✔ Chú ý ăn mặc đúng hoàn cảnh ✔ Không khoe khoang hay tự phụ ✔ Rõ ràng về tiền bạc Chúng tôi hy vọng bài viết phần nào giúp được các cặp vợ chồng Nhật-Việt hiểu rõ nhau hơn và tạo dựng cuộc sống hạnh phúc lâu bền. ※ Sau cùng chúng tôi xin giới thiệu “Một số bài viết có liên quan” tới cuộc sống gia đình ở Nhật. Mời các bạn cùng tham khảo. Nguyễn Việt Hà
25/01/2021
Lễ cưới ở Nhật Bản và ở Việt Nam có nhiều điểm khác nhau. Thông thường, lễ cưới ở Nhật có 2 phần. Phần thứ nhất là Lễ thành hôn, tiếng Nhật là “Gishiki” và phần thứ hai là tiệc liên hoan, tiếng Nhật là “Hiroen”. Khi dự đám cưới, nam giới thường mặc lễ phục là comple đen, nữ giới thường mặc váy đẹp. Nếu các bạn được mời đi đám cưới ở Nhật, chắc cũng có khi băn khoăn nên chọn cà vạt màu gì, tiền mừng bao nhiêu hoặc khi tham dự lễ cưới thì phải làm gì. Chúng tôi xin giới thiệu qua những điểm chính của đám cưới ở Nhật. 【 Nguyễn Việt Hà 】 Người Nhật thường tổ chức đám cưới vào mùa nào? Ở Việt Nam, các cặp đôi thường chọn làm lễ cưới vào dịp tháng 11-12, là khi vụ mùa đã thu hoạch và trước Tết. Thời tiết trong thời gian này cũng rất khô ráo và thuận tiện cho việc chuẩn bị cưới xin. Người Nhật thường hay chọn cưới vào mùa Xuân và mùa Thu, tránh mùa Hè nóng bức và mùa Đông lạnh lẽo. Tháng 6 ở Nhật là vào mùa mưa “Tsuyu” nên thường không thích hợp với việc tổ chức lễ cưới. Nhưng có một lý do khác để nhiều người lại chọn tháng 6 để tổ chức đám cưới. Lý do là vì nhiều cô gái muốn được là “Cô dâu tháng Sáu”, tiếng Anh là “June Bride” vì tin rằng nếu kết hôn vào tháng 6 sẽ được hạnh phúc suốt đời. Vì theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần Juno - thần bảo vệ phụ nữ, trẻ em và gia đình là nữ thần của tháng 6. Lễ cưới ở Nhật rất đa dạng về hình thức Một lễ cưới ở Nhật có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau tùy theo tôn giáo và sở thích của cô dâu chú rể, cũng như hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Thường các cặp đôi Nhật tự mình lên kế hoạch, làm đám cưới theo ý muốn của mình mà ít gặp những ý kiến trái chiều của gia đình. Người Nhật quan niệm về chuyện tự lập của con cái rất rõ ràng- con cái sẽ tự quyết định những hướng đi tương lai, kết hôn với ai hay làm nghề gì. Số khách mời dự đám cưới ở Nhật ngày càng giảm đi do thường người Nhật ít khi mời họ hàng sống ở xa, hoặc hàng xóm và bạn bè, đồng nghiệp không thân thiết lắm. Hiện nay, trung bình số khách mời chỉ độ từ vài chục tới 100 khách mời là bình thường tại Nhật. Theo một khảo sát của một trang mạng chuyên về tổ chức đám cưới thì số khách mời của một đám cưới trung bình là 67 người. So với đám cưới ở Việt Nam thì quá là nhỏ bé. Gần đây hình thức tổ chức đám cưới gọn nhẹ chỉ với vài người tới độ chục người trong gia đình họ hàng và bạn bè thật thân thiết cũng tăng lên. Những đám cưới quy mô nhỏ như vậy đôi khi được tổ chức tận Hawaii. Lý do là nhiều cô gái trẻ người Nhật rất thích Hawaii. Chi phí tổ chức đám cưới Chi phí cho việc tổ chức Lễ thành hôn - Gishiki tại các khách sạn hoặc trung tâm tổ chức đám cưới chỉ khoảng từ 100 nghìn đến 200 nghìn yên nhưng chi phí cho tổ chức tiệc liên hoan sau lễ thành hôn thì tốn kém hơn. Chi phí trung bình cho món ăn, đồ uống, quà mang về… cho một người khách là khoảng 25.000 yên. Vì vậy so với Việt Nam, số tiền mừng đám cưới cũng khá là cao. Chúng tôi sẽ nói kỹ hơn về số tiền mừng đám cưới ở phần sau. Dù chỉ tổ chức lễ cưới với quy mô nhỏ trong phạm vi họ hàng thì sau đó cũng có người tổ chức một buổi tiệc liên hoan để mời bạn bè tham dự vào một ngày khác. Trường hợp đó, đa phần là tổ chức tại nhà hàng và thường do bạn bè của cô dâu và chú rể đứng ra tổ chức. Trường hợp này thì thường chi phí không quá đắt như việc tổ chức đám cưới ở khách sạn hoặc ở trung tâm tổ chức đám cưới và thường khách mời sẽ trả tiền theo kiểu “hội phí” được cho biết trước. Tùy vào quy mô mà số tiền hội phí này có khác nhau, nhưng trung bình thường là khoảng 10 nghìn yên. Những hình thức Lễ thành hôn ở Nhật Lễ thành hôn theo kiểu Thần đạo Chúng tôi xin giới thiệu những hình thức tổ chức Lễ thành hôn ở Nhật Bản. Ở Nhật, đa phần người không theo đạo cũng có thể tổ chức theo hình thức này. ⚫ Lễ thành hôn theo Thiên chúa giáo Hôn lễ diễn ra tại nhà nguyện của khách sạn hoặc trung tâm tổ chức đám cưới. Nếu cả cô dâu và chú rể không theo đạo Thiên chúa thì phần lớn kiểu hôn lễ này được tổ chức theo phong tục của Đạo Tin lành. Mục sư sẽ tuyên bố cô dâu chú rể thành vợ thành chồng trước sự chứng kiến của gia đình, bạn bè. Hôn lễ diễn ra khá ngắn gọn, khoảng 20-25 phút. Sau đó, cô dâu chú rể bước ra ngoài để được mọi người chúc mừng, cô dâu sẽ tung bó hoa cưới cũng được tung lên để những bạn độc thân bắt lấy. ⚫ Lễ thành hôn theo kiểu Thần đạo Hôn lễ thường được tổ chức tại chính điện của đền thờ hoặc điện thờ của trung tâm tổ chức đám cưới. Ở Nhật, nhiều khách sạn hoặc trung tâm tiệc cưới lớn có cả nhà nguyện và thần điện. Lễ thành hôn này có nghi lễ cô dâu chú rể uống chung chén rượu "San-san-ku-do". ⚫ Lễ thành hôn theo kiểu Đạo phật Là lễ Hằng thuận được tổ chức tại chùa. Đây là buổi lễ để hai vợ chồng cảm tạ đức Phật, tuyên thệ và báo cáo tổ tiên và xin chứng kiến cho mối lương duyên của họ. ⚫ Lễ thành hôn trước sự chứng kiến của bạn bè, gia đình Đây là Lễ thành hôn không theo quy ước của bất cứ tôn giáo nào.Cô dâu chú rể cùng thề nguyện trước sự chứng kiến của những người tham dự. Cô dâu chuẩn bị tung bó hoa cưới Tôi có dịp được tham dự tất cả các hình thức Lễ thành hôn lễ kể trên, từ lễ nghi Thần đạo rất trang trọng đến lễ thành hôn tinh khôi trong nhà thờ hay đám cưới trong những nhà hàng Hawaii, trên bãi biển của khu resort… Tôi cũng đã được tham dự những đám cưới thuần Nhật, có đám cưới trong những khách sạn 5 sao lung linh hoàn hảo, có những đám cưới theo kiểu buffet (ăn tự chọn)... Tất cả đều đọng lại những ấn tượng rất sâu sắc. So với đám cưới ở Việt Nam thì đám cưới ở Nhật chỉ có ít người nên mọi người đều có nhiều cơ hội cùng nói những câu chuyện thân tình, những kỉ niệm với cô dâu chú rể. Những điều phải chuẩn bị khi bạn được mời đi đám cưới ➊ Nhanh chóng trả lời là có tham dự hay không ➊ Nhanh chóng trả lời là có tham dự hay không Thiếp mời thường được gửi khoảng 2-3 tháng trước đám cưới. Cô dâu chú rể muốn nắm vững số khách mời chắc chắn tham dự để báo lại cho phía tổ chức nên sau khi nhận được thiếp mời, ta hãy nhanh chóng trả lời. ➋ Chi phí đi lại ➋ Phí giao thông Trường hợp ở quá xa, đi lại tốn kém, ta có thể trao đổi với cô dâu chú rể về chi phí đi lại. Thông thường khi đi dự đám cưới, khách sẽ mang theo tiền mừng nhưng cũng có trường hợp nếu địa điểm tổ chức cưới khá xa thì bên mời có thể đề nghị “Chúng tôi không nhận tiền mừng, thay vào đó bạn hãy tự trả chi phí đi lại nhé”. Các chi tiết như vậy thường được chu đáo gửi kèm, cùng với những hướng dẫn khác để người được mời dễ xét xem có sắp xếp đi được không. ➌ Chuẩn bị tiền mừng ➌ Chuẩn bị tiền mừng Tiền mừng được cho vào phong bì dành riêng cho đám cưới, thường có bán ở những hiệu sách, cửa hàng bán đồ văn phòng hoặc cửa hàng tiện lợi. Tiền mừng nên dùng những tờ tiền mới. Với bạn bè thông thường là 30 nghìn để 50 nghìn yên, tùy theo mức độ thân thiết. Còn người thân trong gia đình thì tùy theo, có thể là 50 nghìn, 70 nghìn tới 90 nghìn yên. Nếu gia đình cô dâu chú rể trả tiền đi lại cho bạn mà bạn muốn trả một phần thì có thể mừng nhiều hơn mức thông thường. ➍ Trang phục ➍ Trang phục Những đám cưới theo kiểu truyền thống của Nhật thì người thân trong gia đình thường mặc lễ phục: Nam giới là comple đen, nữ giới là váy đầm dài. Nam giới thắt cà vạt trắng. Đối với khách mời thì nam giới thường mặc comple lễ phục còn nữ giới thường mặc váy áo đẹp. Ta có thể mặc áo kimono truyền thống của Nhật Bản hay áo dài của Việt Nam đều được. Nếu không quyết định được, hãy trao đổi với cô dâu chú rể. ➎ Tuyệt đối không nên đến muộn ➎ Tuyệt đối không nên đến muộn Đám cưới ở Nhật Bản luôn được tiến hành rất đúng giờ. Vì vậy việc đi muộn là không thể chấp nhận được. Trên đây là một số điểm chính trong lễ cưới ở Nhật Bản. Chắc chắn có nhiều đặc điểm khác với lễ cưới ở Việt Nam. Nếu bạn được mời đi dự đám cưới ở Nhật, hãy tham khảo thông tin trong bài viết này nhé.
08/03/2021
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài