Category | Tin mới nhất

“Seiza” (正座) có phải là kiểu ngồi truyền thống của Nhật Bản không?

Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...

04/05/2024
  • 7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất

    02/05/2024
    Chào các bạn! Mình là nhân viên tổng đài người Việt Nam tại một công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động cho người nước ngoài, chuyên tư vấn hỗ trợ cuộc sống hàng ngày cho khách hàng. Các bạn nghĩ rằng những vấn đề nào mà người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật cần được hỗ trợ nhiều nhất? Có rất nhiều cuộc gọi tư vấn đã gọi đến tổng đài như “Tôi đã nhận được khiếu nại về tiếng ồn”, “Tôi đột nhiên bị cắt điện”, “Tôi muốn đi khám nha khoa”, và “Tôi không biết cách đổ rác”. Trong số đó, mình sẽ nói về nội dung của 7 vấn đề cần được tư vấn nhiều nhất mà mình nhận được và cách xử lý các vấn đề đó. 〈Nội dung〉 1. Hỗ trợ cuộc sống cho người nước ngoài 2. “Tiếng ồn” - vấn đề rắc rối nổi cộm của người Việt 3. Rắc rối với việc đổ rác 4. Hỗ trợ về sử dụng dịch vụ y tế 5. Điện và ga đã bị cắt! 6. Tư vấn liên quan đến hợp đồng nhà ở 7. Câu hỏi liên quan đến tư cách cư trú và visa 8. Bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế 9. Tổng kết 1. Hỗ trợ cuộc sống cho người nước ngoài Chúng mình đang trả lời các cuộc điện thoại của khách hàng tại GTN, công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo lãnh thuê nhà người nước ngoài thuê nhà ở Nhật Bản và các hợp đồng điện thoại di động. Số lượng tư vấn mà chúng mình nhận được chỉ tính riêng ở nhóm Việt Nam (5 người) là hơn 2.000 cuộc gọi mỗi tháng. Trong số đó, mình sẽ giới thiệu 7 vấn đề đặc biệt có nhiều cuộc gọi nhất, bằng các câu chuyện thực tế để giới thiệu đến các bạn. Mình hy vọng rằng những điều mình chia sẻ hôm nay sẽ là những thông tin hữu ích mà các bạn có thể tham khảo để chính bạn và gia đình có thể sống thoải mái tại Nhật Bản. Tham khảo: Dịch vụ tư vấn của GTN bằng ứng dụng [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trợ lý GTN (GTN Assistants) ※Đây là một dịch vụ tùy chọn của GTN Mobile. GTN Mobile có các tính năng đặc trưng sau nên rất được các bạn người nước ngoài mới đến Nhật Bản ưa chuộng và cũng có nhiều cuộc gọi cần tư vấn của người dùng dịch vụ này. ・ Có thể làm hợp đồng mạng mà không cần thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng ・ Thời gian thẩm tra ngắn ・ Có thể làm thủ tục bằng tiếng Việt ・ Bạn có thể đăng ký một thẻ tín dụng cùng lúc. 2. “Tiếng ồn” - vấn đề rắc rối nổi cộm của người Việt Karaoke tại nhà ở Việt Nam Các cuộc gọi tư vấn nhiều nhất từ các bạn Việt Nam mà mình nhận được liên quan đến tiếng ồn. Có cuộc gọi của người Việt Nam như: “Em đã bị cảnh sát nhắc nhở vì hàng xóm bị quấy rầy bởi tiếng ồn do em gây ra”, thì cũng có các cuộc gọi từ công ty quản lý như: “Những người hàng xóm sống ở đây cảm thấy bị quấy rầy bởi tiếng ồn nên tôi muốn nhắc nhở những người sống trong toà nhà này”. Ở Việt Nam, phố xá, nhà cửa sôi động hẳn lên từ sáng sớm. Nhiều gia đình có dàn karaoke tại gia và việc người ta hát karaoke tại nhà vào ban đêm không phải là hiếm. Tuy nhiên, người Nhật thích môi trường sống yên tĩnh nên nếu bạn gây ồn ào trong phòng, hàng xóm sẽ ngay lập tức phàn nàn với công ty quản lý. Nguyên nhân của những phàn nàn về tiếng ồn thường không phải là vấn đề ở Việt Nam, nhưng ở Nhật, nó có thể gây phiền toái cho những người xung quanh bạn. ◆ Ví dụ về “tiếng ồn” gây ra phàn nàn ・ Khi gọi điện thoại, nói chuyện to tiếng khi đang mở cửa sổ. ・ Kết nối điện thoại di động với loa và xem video mở âm lượng to. ・ Tổ chức tiệc đông người trong nhà và gây ồn ào. ・ Bật nhạc nền hát karaoke bằng micro không dây trong nhà. Bên cạnh đó, công ty quản lý thường xuyên nhận được những lời phàn nàn về tiếng đóng mở cửa và tiếng bước chân trong phòng (điều này không chỉ ở người Việt Nam). Có gần 100 cuộc gọi tư vấn về tiếng ồn từ người Việt Nam trong một tháng. Chúng mình đã giải thích văn hóa Nhật Bản và yêu cầu không được tái diễn tình trạng này, nhưng nếu không có cải thiện, công ty quản lý nhà sẽ bắt viết cam kết không tái diễn và trong một số trường hợp sẽ bị buộc phải chuyển ra ngoài. 3. Rắc rối với việc đổ rác Cùng với tiếng ồn, có rất nhiều cuộc gọi tư vấn về cách đổ rác. Có rất nhiều người gọi cho mình khi không biết phải làm gì sau khi bị người quản lý hoặc hàng xóm nhắc nhở về cách đổ rác sai. 〈Tư vấn〉Tôi không biết cách phân loại và thu gom rác. Phương thức phân loại và thu gom rác sẽ khác nhau tùy thuộc vào quận, huyện nơi bạn sinh sống. Khi các tổng đài viên bọn mình nhận được tư vấn sẽ phải kiểm tra cách thức phân loại và đổ rác tại địa phương, sau đó liên hệ với người cần tư vấn và thông báo chi tiết cho họ. 〈Tư vấn〉Tôi không biết nơi đổ rác. Có nhiều điểm thu gom rác mà bạn không được phép bỏ rác cho đến sáng ngày thu gom. Trong trường hợp đó, sẽ khó tìm được điểm thu gom rác nên chúng mình sẽ liên hệ với công ty quản lý nhà ở để tìm hiểu. Rác quá khổ không được thu gom do vứt rác không đúng cách 〈Tư vấn〉Tôi không biết cách bỏ rác quá khổ (rác lớn). Câu hỏi thường gặp nhất về rác là làm thế nào để xử lý rác quá khổ. Các cuộc gọi tư vấn đến như “Em muốn vứt bỏ tấm nệm của mình”, “Em muốn vứt bỏ vali của mình”, “Em muốn vứt bỏ chiếc giường của mình”. Khi vứt rác lớn, ví dụ như ở Tokyo, quy trình sau đây là bắt buộc. ① Đăng ký trước cho “Trung tâm tiếp nhận rác quá khổ” qua điện thoại hoặc internet. ② Mua “phiếu xử lý rác” tại cửa hàng tiện lợi để được thu gom rác. ③ Dán phiếu xử lý rác vào rác cần được xử lý và bỏ rác đúng nơi quy định vào ngày thu gom đã được chỉ định. Tuy nhiên, có nhiều người nước ngoài không thể tự tìm hiểu được nơi để gọi điện thoại hoặc mua phiếu xử lý rác bao nhiêu tiền thì được. Khi đó chúng mình sẽ phải tìm hiểu về cách xử lý rác lớn trong khu vực của người cần được tư vấn, hoặc có khi cũng phải thay mặt họ để gọi cho “Trung tâm tiếp nhận rác quá khổ” để đặt lịch hẹn thu gom giúp. Ngoài ra, đôi khi mình gửi sẵn một văn bản tiếng Nhật cho người gọi tư vấn như “Vui lòng bán cho tôi phiếu xử lý rác giá ◎◎ yên” để đưa cho nhân viên cửa hàng tiện lợi. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Quy định - tập quán trong cuộc sống|KOKORO 4. Hỗ trợ về sử dụng dịch vụ y tế Số lượng cuộc gọi tư vấn khác ngoài tiếng ồn và xử lý rác là tương đương nhau, nhưng trong số đó, hỗ trợ y tế đặc biệt hữu ích cho khách hàng. Trước tiên, hãy để mình giới thiệu các đối ứng cơ bản của chúng mình đối với cuộc gọi cần tư vấn về y tế. ① Tìm kiếm các phòng khám trên internet. Khi đó mình thường phải đọc thật kỹ các bài đánh giá bằng tiếng Nhật. ② Giới thiệu một số phòng khám và nhờ họ lựa chọn. ※ Nếu có phòng khám nói được tiếng Anh hoặc tiếng Việt, chúng mình sẽ ưu tiên giới thiệu.※ Ngoài ra, chúng mình sẽ giới thiệu các phòng khám chấp nhận phiên dịch qua điện thoại. ③ Trong một số trường hợp, sẽ thay mặt người cần tư vấn đặt hẹn phòng khám do họ lựa chọn. ④ Có trường hợp sử dụng ứng dụng điện thoại để phiên dịch (phiên dịch viên y tế) khi người gọi tư vấn đi khám sức khỏe. Các tổng đài viên bọn mình để có thể phiên dịch y tế một cách chính xác thì phải được đào tạo bài bản, tự học và lấy chứng chỉ phiên dịch y tế. Bây giờ chúng ta hãy cùng xem một số ví dụ cụ thể. 〈Tư vấn〉Em muốn điều trị sâu răng Tư vấn y tế phổ biến nhất là tư vấn về điều trị nha khoa. Ngoài việc tìm và cho bạn biết nên đến phòng khám nha khoa nào, mình còn phụ trách việc phiên dịch y tế (qua điện thoại) khi người nhận tư vấn đến khám tại phòng khám nha khoa. 〈Tư vấn〉Em muốn phẫu thuật. ・ Giới thiệu bệnh viện ・ Phiên dịch qua điện thoại khi khám trước phẫu thuật (những việc không nên làm trước khi phẫu thuật, chuẩn bị phẫu thuật, thủ tục nhập viện) 〈Tư vấn〉Em bị nhiễm corona rồi. ・Người cần tư vấn (nam giới), trung tâm y tế công cộng và mình đã có một cuộc gọi ba bên bằng điện thoại có thể kết nối đủ 3 người. ・Dựa trên cuộc nói chuyện qua điện thoại, người cần tư vấn đã được nhập viện gần đó trong một tuần. Mình thường nhận được các cuộc gọi như “Em đã nhận được phiếu tiêm chủng, nhưng em không biết phải làm gì tiếp theo”. Mình sẽ tìm địa điểm tiêm chủng gần nơi bạn ấy sinh sống và đặt lịch tiêm giúp. Cũng có nhiều cuộc gọi thắc mắc của các bạn nữ trẻ “Em muốn được tiêm vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung”. 5. Điện và ga đã bị cắt! 〈Tư vấn〉Điện và ga đã bị cắt. Có rất nhiều trường hợp bị cắt điện, ga do không thanh toán hóa đơn. Những cuộc gọi tư vấn nội dung này nhiều nhất là của các bạn du học sinh, những người thanh toán chi phí tại cửa hàng tiện lợi. Có tháng bạn sơ ý quên thanh toán tiền điện, tiền ga, sau đó nhận được giấy nhắc nhở của công ty điện lực nhưng bỏ qua vì không biết đó là gì, và cho đến một ngày điện và ga đã bị cắt. Trong những trường hợp như vậy, mình sẽ liên hệ với công ty điện lực hoặc công ty ga và hỏi họ lý do tại sao điện hoặc ga lại bị cắt. Tuỳ theo trường hợp, mình cùng với người cần tư vấn sẽ nói chuyện với công ty điện lực thông qua cuộc gọi ba bên. Khi biết số tiền chưa thanh toán, sẽ được công ty cho biết mã số nhập vào máy tại cửa hàng tiện lợi. Khi đó mình sẽ giải thích cho người cần tư vấn và yêu cầu họ hoàn tất thủ tục thanh toán tại cửa hàng tiện lợi. 6. Tư vấn liên quan đến hợp đồng nhà ở Mình thường xuyên nhận được những thắc mắc về hợp đồng thuê nhà. 〈Tư vấn〉Thời gian hợp đồng sắp hết hạn. Em nên làm gì để gia hạn? Phương thức gia hạn hợp đồng ở mỗi công ty quản lý sẽ khác nhau, vì vậy mình sẽ gọi điện cho công ty quản lý để tìm hiểu và truyền đạt lại cho người cần tư vấn biết cách thực hiện. 〈Tư vấn〉Hãy chỉ cho em các thủ tục khi ra nhà. Có rất nhiều các cuộc gọi tư vấn về về thủ tục ra nhà (kết thúc hợp đồng) và các chi phí liên quan. “Nên báo trước cho công ty quản lý bao nhiêu ngày?”, “Tiền dọn dẹp phòng đã được thanh toán chưa? Hay bây giờ mới phải trả?”, “Tiền nhà tháng cuối cùng có được tính theo ngày không?”, v.v…là những câu hỏi mình phải tìm hiểu và truyền đạt lại cho người gọi tư vấn. Ở Nhật, nếu bạn thông báo với công ty quản lý về việc chuyển đi muộn, hợp đồng sẽ tự động được gia hạn và bạn sẽ bị tính phí gia hạn (ở vùng Kanto thường là một tháng tiền thuê nhà), vì vậy hãy cẩn thận. 〈Tư vấn〉Tôi không thể chấp nhận chi phí sửa chữa khi ra nhà Không ít trường hợp gặp rắc rối với chủ nhà và công ty quản lý về chi phí sửa chữa khi ra nhà. Nếu bạn đã hút thuốc trong phòng, bạn có thể bị tính phí thay thế giấy dán tường, giấy dán cửa, v.v. Trong nhiều trường hợp, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả tiền. Tuy nhiên, vẫn có chỗ có thể thương lượng vì nó phụ thuộc vào việc bạn đã sống ở nhà này bao lâu và mức độ bẩn của nó. Chúng mình cũng có thể hỗ trợ trong các cuộc đàm phán. 〈Tư vấn〉Điều hoà bị hỏng Có rất nhiều cuộc gọi về các thiết bị trong phòng bị hỏng. Đặc biệt là vào mùa hè, có nhiều cuộc gọi cần tư vấn về việc “máy lạnh bị hỏng”. Có rất nhiều trường hợp mình được nhờ hỗ trợ tư vấn vì “Em đã nói chuyện với công ty quản lý, nhưng bên đó mãi không sửa cho em, nên em muốn được hỗ trợ giúp”. Nếu điều hòa trên 10 năm thì có thể thay thế, còn trường hợp dưới 10 năm thì thường là sẽ được sửa chữa. 7. Câu hỏi liên quan đến tư cách cư trú và visa 〈Tư vấn〉Muốn được hướng dẫn thủ tục nhập cảnh Do sự phức tạp của các thủ tục nhập cảnh vì ảnh hưởng của corona, số lượng các cuộc gọi tư vấn như vậy đã tăng lên. Chúng mình sẽ cho bạn biết nên chuẩn bị những gì trước khi nhập cảnh vào Nhật Bản và những thủ tục cần làm sau khi đến Nhật Bản. Những người đã kí hợp đồng dịch vụ điện thoại với GTN có thể đăng ký tùy chọn dịch vụ Trợ lý GTN (GTN Assistants) và sử dụng dịch vụ tư vấn của chúng mình trước khi đến Nhật Bản. Ở Việt Nam cũng có văn phòng tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, và bạn có thể đăng ký điện thoại di động GTN và các dịch vụ tùy chọn trước khi đến Nhật Bản. Cục xuất nhập cảnh 〈Tư vấn〉Tôi là kỹ năng đặc định và có thể bảo lãnh vợ qua Nhật được không? 〈Tư vấn〉Tôi đã nhận được một tài liệu từ cục xuất nhập cảnh, nhưng không hiểu nội dung của nó. 〈Tư vấn〉Em là du học sinh và em nên làm gì để chuyển sang visa lao động hay kỹ năng đặc định? Các cuộc gọi tư vấn như thế này từ ngày xưa đã có rất nhiều. Chúng mình sẽ truyền đạt lại nội dung trong tài liệu, đối với những nội dung khó, sẽ thay mặt người cần tư vấn gọi điện lên cục xuất nhập cảnh và xác nhận thông tin. 8. Bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế 〈Tư vấn〉Em nhận được giấy yêu cầu thanh toán bảo hiểm hưu trí, em phải làm gì? Mình thường nhận được các cuộc gọi như: “Em đã nhận được giấy yêu cầu thanh toán bảo hiểm hưu trí quốc dân và bảo hiểm y tế quốc dân. Em nên làm gì?”. Theo nguyên tắc chung, những khoản này phải được thanh toán. Mình sẽ yêu cầu người gọi tư vấn gửi hình ảnh của giấy tờ và truyền đạt lại nội dung của giấy tờ đó. Trong một số trường hợp, chúng mình sẽ thay cho người cần tư vấn gọi cho uỷ ban thành phố để kiểm tra. 〈Tư vấn〉Em muốn biết số tiền bảo hiểm y tế quốc dân chưa đóng. Chúng mình sẽ đại diện gọi đến uỷ ban thành phố, hoặc sẽ phiên dịch thông qua một cuộc gọi ba bên, bao gồm cả người cần tư vấn. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Những điểm qua trọng liên quan đến bảo hiểm hưu trí|KOKORO Tổng kết Trong bài viết này, mình đã giới thiệu về dịch vụ tư vấn mà nhân viên tổng đài tư vấn qua điện thoại hỗ trợ cuộc sống của chúng mình thường nhận được từ khách hàng Việt Nam và cách trả lời chúng. 7 vấn đề đặc biệt phổ biến cần được tư vấn của người Việt ・ Tiếng ồn・ Rắc rối với việc đổ rác・ Hỗ trợ về sử dụng dịch vụ y tế・ Điện và gas đã bị cắt!・ Tư vấn liên quan đến hợp đồng nhà ở・ Câu hỏi liên quan đến tư cách cư trú và visa・ Bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm y tế Những tổng đài viên tư vấn sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ người dùng Trợ lý GTN (GTN Assistants), nhưng chúng mình hy vọng rằng những bạn đọc khác cũng sẽ tham khảo bài viết này để tránh những rắc rối nhiều nhất có thể và sống một cuộc sống vui vẻ ở Nhật Bản. Tác giả Hoàng Thị Đan Thi Sinh năm 1991. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Huế đã làm việc cho một công ty của Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng một năm rưỡi. Sau khi du học Nhật Bản trong 2 năm từ năm 2013, đã làm nhân viên tổng đài tư vấn của bộ phận hỗ trợ cuộc sống của GTN từ năm 2016. Sở thích là xem phim và đi du lịch.
  • Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...

    18/03/2024
    Ở Nhật Bản, dịch vụ điện thoại di động được cung cấp dưới hình thức hợp đồng với mức cước nghe gọi・dữ liệu rất đắt đỏ. Bài viết lần này sẽ gửi tới các bạn sắp sửa sang Nhật cũng như những ai đang sinh sống tại Nhật mà có ý định đăng ký sử dụng dịch vụ lần đầu hay chuyển công ty điện thoại di động (công ty viễn thông = nhà cung cấp dịch vụ) cách lựa chọn dịch vụ nghe gọi・dữ liệu (SIM) một cách khôn ngoan để tiết kiệm chi phí. 〈Nội dung bài viết〉 1. Những trường hợp cần có hợp đồng nghe gọi・dữ liệu 2. Nhà mạng lớn có chất lượng dịch vụ tốt nhưng giá cao 3. SIM giá rẻ ở Nhật 4. SIM giá rẻ mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký tại Nhật 5. Một số ví dụ về các gói cước SIM giá rẻ 6. Nhược điểm của SIM giá rẻ và cách khắc phục 7. Tổng kết 1. Những trường hợp cần có hợp đồng nghe gọi・dữ liệu Ở Nhật, cước dịch vụ di động nghe gọi・dữ liệu hàng tháng rất đắt đỏ. Do đó, có nhiều bạn thực tập sinh kĩ năng chỉ chủ yếu sử dụng Wi-Fi ở ký túc xá của công ty (hoặc nhà riêng) và không hề dùng thẻ SIM cho đến tận khi về nước. Thế nhưng, nếu như bạn là du học sinh hoặc kỹ sư, thì sẽ có những lúc cần có số điện thoại của riêng mình để đi xin việc hoặc liên lạc với chỗ làm. Vì vậy, có thể cuộc sống của bạn sẽ trở nên bất tiện nếu không có số điện thoại (SIM). Ngoài ra, sở hữu số điện thoại (SIM liên lạc) cũng sẽ có ích trong những trường hợp cần gọi cho cảnh sát (110) hay cứu thương (119). Ở Việt Nam, SIM trả trước được sử dụng rất phổ biến, nhưng ở Nhật lại gần như không có hình thức này. Chính vì vậy, bạn cần phải kí hợp đồng với nhà mạng (công ty viễn thông) và trả cước dịch vụ nghe gọi・dữ liệu hàng tháng. Tùy theo nhà mạng cũng như nội dung hợp đồng (gói cước + lựa chọn thêm) mà mức phí hàng tháng này có thể rất khác nhau. 2. Nhà mạng lớn có chất lượng dịch vụ tốt nhưng giá cao 3 nhà mạng lớn 3 nhà mạng (công ty viễn thông) lớn ở Nhật Bản là docomo, au và Softbank, cung cấp dịch vụ dữ liệu tốc độ cao và chất lượng nghe gọi tốt. Các nhà mạng này cũng có nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ nghe gọi trong nước không giới hạn và dung lượng dữ liệu cao (không giới hạn) với mức giá cố định. Cước dịch vụ hàng tháng Tuy nhiên, đa số cước dịch vụ nghe gọi・dữ liệu hàng tháng sẽ rơi vào khoảng từ 5,000 đến 8,000 yên. Nếu cộng thêm cả tiền mua điện thoại di động vào thì con số này sẽ vô cùng đắt đỏ. Nếu bạn mua một chiếc điện thoại được nhiều người ưa thích như iPhone chẳng hạn, rồi kí hợp đồng dịch vụ nghe gọi・dữ liệu nữa thì nhiều khả năng số tiền bạn phải trả hàng tháng (gồm tiền cước nghe gọi・dữ liệu + trả góp điện thoại) sẽ vượt quá 10,000 yên. Phí hủy dịch vụ (phí hủy hợp đồng) Tính đến năm 2021, nếu bạn chuyển sang sử dụng nhà mạng khác thì sẽ phải mất khoảng 10,000 yên. Nếu hủy hợp đồng vào giữa thời hạn hợp đồng hai năm, thì phải trả khoảng 10.000 yên "phí vi phạm hợp đồng" và thêm 3,300 yên cho thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, hiện nay cả hai khoản phí này đều đã được loại bỏ. Nhưng nếu bạn vẫn đang trả góp tiền điện thoại thì bạn cần phải thanh toán nốt số tiền còn lại khi hủy hợp đồng với nhà mạng. 3. SIM giá rẻ ở Nhật Gần đây, số lượng người sử dụng SIM giá rẻ không phải của các nhà mạng lớn đang dần tăng lên. Nếu bạn muốn giữ cước phí nghe gọi・dữ liệu trên điện thoại di động của mình ở mức thấp, thì hãy thử cân nhắc đến “SIM giá rẻ” nhé. Để sử dụng được SIM giá rẻ thì cần phải có điện thoại chưa lắp SIM, nhưng bù lại lại có những gói cước với giá dưới 1.000 yên mỗi tháng. Ngoài ra còn có cả loại SIM giá rẻ mà bạn có thể đăng ký thông qua website. Nếu chọn ký hợp đồng tại cửa hàng, thì cũng nhiều nơi có nhân viên người Việt, tuy nhiên nếu có người từ đoàn thể, công ty, trường học hoặc bạn bè đi cùng vẫn sẽ an toàn hơn. Các gói cước và mức giá Gói cước có nghe gọi và gói cước chỉ dùng dữ liệu Đối với SIM giá rẻ, có hai loại gói cước chính là “gói cước có nghe gọi” và “gói cước chỉ dùng dữ liệu”. Điểm khác nhau của hai gói cước này chính là khả năng nghe gọi điện thoại. Với gói cước có nghe gọi thì bạn có thể thực hiện cuộc gọi từ số điện thoại có đầu số là 080 hoặc 090. Cước cuộc gọi Giá cước nghe gọi trung bình của gói cước nghe gọi là 22 yên cho 30 giây. Ngoài ra còn có các gói và lựa chọn khác như “cước cố định 5 phút” cho phép bạn thực hiện các cuộc gọi có thời lượng dưới 5 phút không giới hạn số lần, “cước cố định 10 phút”, hay gói “gọi không giới hạn'' cho phép thực hiện cuộc gọi không giới hạn. Tuy nhiên, nếu bạn gọi điện bằng SNS (chẳng hạn như LINE hoặc Messenger) thì sẽ không bị tính phí. Có cả các gói cước nghe gọi với giá dưới 1.000 yên Một số gói SIM giá rẻ có giá dưới 1.000 yên mỗi tháng. Bạn có thể chọn gói cơ bản hoặc các gói lựa chọn tùy thêm dựa trên nhu cầu sử dụng dữ liệu và thời gian nghe gọi của mình. Nếu bạn có thói quen kết nối Internet qua Wi-Fi ở nhà, ký túc xá, trường học, hoặc nơi làm thêm v.v. và không sử dụng Internet nhiều ở những nơi khác, thì có thể đăng ký gói cước có dung lượng dữ liệu thấp. Các giấy tờ cần thiết để ký hợp đồng ・ Giấy tờ chứng minh nhân thân (như thẻ lưu trú v.v.) ・ Trường hợp thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng → Sổ ngân hàng (hoặc thẻ ATM) và con dấu cá nhân ・ Trường hợp thanh toán bằng thẻ tín dụng→Thẻ tín dụng 4. SIM giá rẻ mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký tại Nhật GTN Mobile GTN Mobile – Đăng ký không cần tài khoản ngân hàng Nhật Bản hay thẻ tín dụng〈quảng cáo〉 Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn hai loại SIM giá rẻ mà người nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký. GTN Mobile chỉ cung cấp dịch vụ cho người nước ngoài và cũng là một trong những loại SIM rẻ nhất mà người nước ngoài có thể đăng ký tại Nhật Bản. Nó có các ưu điểm như sau: có thể ký hợp đồng ngay cả khi bạn không có tài khoản ngân hàng tại Nhật hoặc thẻ tín dụng, có thể thanh toán tại cửa hàng tiện lợi và có thể đăng ký bằng tiếng Việt. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] GTN Mobile Đặc điểm của GTN Mobile Ngay cả những người mới đến Nhật Bản và chưa có tài khoản ngân hàng ở Nhật hoặc thẻ tín dụng cũng có thể đăng ký. Có thể thanh toán tại cửa hàng tiện lợi hoặc bằng cách tự động trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. Có thể sử dụng tiếng Việt (khi đăng ký hoặc liên hệ với nhà mạng). Có thể đăng ký SIM từ nước ngoài và nhận SIM tại sân bay ở Nhật. Có thể đăng ký thẻ tín dụng dành riêng cho người nước ngoài cùng lúc với thẻ SIM. Có thể nhận hỗ trợ, tư vấn miễn phí bằng tiếng Việt. 〈Ví dụ các gói cước có kèm nghe gọi〉 ・3GB:1,200 yên/tháng ・10GB:2,200 yên/tháng ※ Tất cả các cuộc gọi trong nước là 22 yên/ 30 giây (cũng có cả gói cước gọi không giới hạn) ※ Tất cả giá đã bao gồm thuế SIM VÀNG mà người Việt ưa thích Hợp đồng SIM VÀNG yêu cầu phải có thẻ tín dụng được phát hành tại Nhật Bản, nhưng bạn cũng có thể thảo luận về các phương thức thanh toán khác. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] SIM VANG 〈Ví dụ các gói cước có kèm nghe gọi〉 ・1GB:1,628 yên/tháng ・3GB:2,398 yên/tháng ・5GB:2,882 yên/tháng ※ Tất cả các cuộc gọi trong nước là 22 yên/ 30 giây (lựa chọn thêm: gói cước cố định 5 phút, cước cố định 10 phút, cước cố định 15 phút) ※ Tất cả giá đã bao gồm thuế 5. Một số ví dụ về các gói cước SIM giá rẻ Ở Nhật còn rất nhiều loại SIM giá rẻ khác. Nếu tìm kiếm bằng những từ khóa như "SIM giá rẻ", "so sánh", bạn sẽ thấy rất nhiều bài viết so sánh dịch vụ, giá cả của các nhà mạng khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn không có thẻ tín dụng được phát hành tại Nhật Bản thì có thể sẽ khó đăng ký hơn. Chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một số gói SIM giá rẻ của các nhà mạng khác nhau. ※ Có lẽ nhiều người nước ngoài muốn có điện thoại chỉ để liên lạc với nơi làm việc của họ, vì vậy chúng tôi chỉ giới thiệu tới các bạn những gói cước nghe gọi. ※ Bài viết này giả định rằng bạn sẽ kết nối Internet chủ yếu ở nhà, quán cà phê, cửa hàng tiện lợi, v.v. và sẽ giảm thiểu các hoạt động liên lạc dữ liệu khác. ※ Tất cả giá đã bao gồm thuế. ※ Tất cả "cuộc gọi thoại" là cuộc gọi được thực hiện trong phạm vi Nhật Bản (các cuộc gọi quốc tế sẽ được tính phí riêng). ◆ Giá cước một số loại SIM giá rẻ phổ biến tại Nhật (tính đến thời điểm hiện tại là tháng 3 năm 2024) LINEMO ・ 3GB:990 yên/tháng・ 20GB:2,728 yên/tháng・ LINE có gói Giga free (dùng không giới hạn)・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:5 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn) IIJmio (aiaijeimio) ・ 2GB:850 yên/tháng・ 5GB:990 yên/tháng・ 10GB:1,500 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 11 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:5 phút với mức giá cố định, 10 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn) mineo (maineo) ・ 1GB:1,298 yên/tháng・ 5GB:1,518 yên/tháng・ 10GB:1,958 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:10 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn) BIGLOBE Mobile ・ 1GB:1,078 yên/tháng・ 3GB:1,320 yên/tháng・ 6GB:1,870 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Nếu dùng ứng dụng thì là 9.9 yên/30 giây) Rakuten mobile ・ 3GB:1,078 yên/tháng・ 20GB:2,178 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:15 phút với mức giá cố định)(Nếu dùng ứng dụng thì miễn phí) UQmobile 〈Gói cước Mini mini〉・ 4GB:2,365 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây (Lựa chọn thêm:10 phút với mức giá cố định, nghe gọi không giới hạn)〈Gói cước Komi komi〉・ 20GB:3,278 yên/tháng・ Miễn phí cho các cuộc gọi dưới 10 phút, không giới hạn số lần(Nếu vượt quá 10 phút thì cước phí là 22 yên/30 giây đối với thời gian vượt quá giới hạn)(Lựa chọn thêm:Nghe gọi không giới hạn) Y!mobile (waimobile) ・ 4GB:2,365 yên/tháng・ Gói cước có nghe gọi là 22 yên/30 giây(Lựa chọn thêm:10 phút với mức gia cố định, nghe gọi không giới hạn) 6. Nhược điểm của SIM giá rẻ và cách khắc phục Chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn những nhược điểm của SIM giá rẻ và các cách khắc phục. ① Tốc độ truy cập dữ liệu không ổn định Nhược điểm của SIM giá rẻ là tốc độ truy cập dữ liệu. Các hãng SIM giá rẻ chỉ thuê lại một phần đường truyền của 3 nhà mạng lớn nên trong những khoảng thời gian có nhiều người cùng sử dụng thì tốc độ truy cập dữ liệu thường bị chậm đi. 〈Cách khắc phục〉 ・ Nếu kết nối với Wi-Fi ở nhà, quán cafe hoặc cửa hàng tiện lợi thì sẽ giải quyết được vấn đề tốc độ truy cập dữ liệu. ・ Nên duy trì kết nối Internet ở mức tối thiểu trong các nhà hàng đông đúc hay trên các chuyến tàu vào giờ cao điểm đi lại. ② Hầu như đều thanh toán bằng thẻ tín dụng Thanh toán cước phí hàng tháng của SIM giá rẻ chủ yếu được thực hiện bằng thẻ tín dụng, nhưng cũng có những loại SIM giá rẻ cho phép bạn thanh toán tại cửa hàng tiện lợi hoặc tự động trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] GTN Mobile, không cần thẻ tín dụng ③ Nhà mạng giá rẻ bán ít mẫu điện thoại hơn Nếu mua điện thoại khi ký hợp đồng với các nhà mạng SIM giá rẻ, bạn sẽ thấy có ít mẫu điện thoại có thể lựa chọn hơn so với 3 nhà mạng lớn. 〈Cách khắc phục〉 Gần đây có một số loại điện thoại không có sẵn SIM và có thể sử dụng bằng cách lắp thẻ SIM khác vào, vì vậy bạn có thể mua những chiếc như vậy từ Việt Nam sang, hoặc mua một chiếc đã qua sử dụng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tùy loại SIM mà có thể xảy ra trường hợp không tương thích với máy, thế nên khi kí hợp đồng thì hãy kiểm tra xem máy có nhận SIM không nhé. ④ Hỗ trợ 3 nhà mạng lớn có rất nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ, nhưng nhiều nhà mạng SIM giá rẻ lại thường chỉ hỗ trợ thông qua hình thức chat. 7. Tổng kết Bạn sẽ không thể sử dụng điện thoại di động ở Nhật Bản trừ khi ký hợp đồng với nhà mạng và trả cước hàng tháng. Ba nhà mạng lớn của Nhật Bản cung cấp tốc độ truy cập dữ liệu và chất lượng cuộc gọi tuyệt vời nhưng chúng có giá từ 5.000 đến 8.000 yên mỗi tháng. Tuy nhiên, ở Nhật Bản có rất nhiều loại SIM giá rẻ, và một số gói cước có giá dưới 1.000 yên mỗi tháng. Các cuộc gọi trong nước thường có giá 22 yên/30 giây và có các sự lựa chọn thêm như ''Gọi với mức cước cố định'' cho phép bạn thực hiện bao nhiêu cuộc gọi tùy thích trong vòng 5 phút (hoặc 10, 15 phút) và ''Gọi không giới hạn'' cho phép thực hiện cuộc gọi không giới hạn. Ngoài ra còn có gói "cuộc gọi không giới hạn". Nhược điểm của SIM giá rẻ là khả năng liên lạc có thể không ổn định, nhưng điều này có thể được khắc phục bằng cách sử dụng Wi-Fi của cửa hàng, hoặc hạn chế sử dụng ở khu vực đông người. Ngoài ra, trong khi nhiều nơi yêu cầu phải có thẻ tín dụng phát hành tại Nhật Bản để ký hợp đồng thì cũng có những loại SIM giá rẻ cho phép bạn ký hợp đồng mà không cần có tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng Nhật Bản.
  • Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản

    13/03/2024
    Sau khi đi du học tốt nghiệp ra trường, mình quyết định ở lại Nhật làm việc từ đó đến giờ thấm thoắt đã hơn 13 năm. Năm 2012, mình kết hôn và sinh được 2 bé. Bé lớn nhà mình đi nhà trẻ (hoikuen) được 4 năm và hiện giờ đã chuyển sang học mẫu giáo (yochien). Bé nhỏ mới được hơn 1 tuổi đang chuẩn bị đi nhà trẻ. Mọi người thường nói với nhau rằng rất khó để giành được một suất vào nhà trẻ ở Nhật Bản. Trong bài viết này, thông qua kinh nghiệm của bản thân, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số bí quyết về cách chuẩn bị và nộp đơn nhập học vào nhà trẻ của Nhật Bản. Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các mẹ bỉm sữa có con ở giai đoạn sắp đi nhà trẻ như mình nhé. (Bài viết được viết vào năm 2022. Sau đó, thông tin về các chế độ đã được cập nhật.) 〈Nội dung〉 1. 5 điểm khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam ・ Khác biệt 1: Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) ・ Khác biệt 2: Nơi nộp hồ sơ ・ Khác biệt 3: Thời gian nhập học và nộp đơn ・ Khác biệt 4: Phí giữ trẻ ・ Khác biệt 5: Phân chia lớp 2. Sự khác biệt giữa nhà trẻ và mẫu giáo 3. Cách chọn nhà trẻ của mình 4. Tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ! 5. Tham quan nhà trẻ sớm 6. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký 7. Bí quyết là biết số điểm mình có 8. Lời kết ◆Nội dung◆ 1. 5 điểm khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam ・ Khác biệt 1: Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) ・ Khác biệt 2: Nơi nộp hồ sơ ・ Khác biệt 3: Thời gian nhập học và nộp đơn ・ Khác biệt 4: Phí giữ trẻ ・ Khác biệt 5: Phân chia lớp 2. Sự khác biệt giữa nhà trẻ và mẫu giáo 3. Cách chọn nhà trẻ của mình 4. Tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ! 5. Tham quan nhà trẻ sớm 6. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký 7. Bí quyết là biết số điểm mình có 8. Lời kết 1. 5 điểm khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam Nhà trẻ ở Nhật Bản Trước tiên, mình sẽ giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu nhất về sự khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam. ◆ Nhà trẻ/ Mẫu giáo ở Việt Nam Các trường mẫu giáo và nhà trẻ ở Việt Nam bao gồm các cơ sở như dưới đây. Và nhà trẻ cũng được phân ra thành trường công lập và trường tư thục. Nhà trẻ Nhà trẻ sẽ đón nhận các bé trong độ tuổi từ 0 tuổi đến 3 tuổi Mẫu giáo Mẫu giáo sẽ đón nhận các bé vào học ở độ tuổi từ 3 tuổi cho đến trước tuổi vào tiểu học Cơ sở giống như trường giữ trẻ ở Nhật:Mầm non Cơ sở có đặc điểm của cả nhà trẻ và mẫu giáo ◆ Nhà trẻ ở Nhật Bản Nhà trẻ ngoài chứng nhận cũng có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau Ở Nhật cũng có nhà trẻ công lập và tư thục, nhưng chủ yếu người ta phân chia nhà trẻ theo nhà trẻ được chứng nhận và nhà trẻ ngoài chứng nhận. Nhà trẻ được chứng nhận là cơ sở giữ trẻ đáp ứng các tiêu chuẩn do chính phủ đặt ra (về quy mô cơ sở, số lượng nhân viên chăm sóc trẻ, có hay không có phòng ăn ở trường, v.v.) và được tỉnh trưởng phê chuẩn. Các nhà trẻ ngoài chứng nhận cũng đáp ứng được các nhu cầu cần thiết của phụ huynh, nhưng phí giữ trẻ thường cao hơn so với các nhà trẻ được chứng nhận. ◆ Sự khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam Sự khác nhau giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam bao gồm 5 đặc điểm lớn như dưới đây: ① Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) ② Nơi nộp hồ sơ ③ Thời gian nhập học và nộp đơn ④ Phí giữ trẻ ⑤ Phân chia lớp Khác biệt 1: Tiêu chuẩn nhập học (hệ thống điểm) Nhà trẻ ở Nhật Bản Điểm khác biệt lớn nhất giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam là tiêu chuẩn nhập học (điều kiện xét tuyển). Các trường mẫu giáo công lập tại Việt Nam tiếp nhận con em theo tuyến tức là cứ là cư dân ở địa phương là có quyền nộp đơn. Tuy nhiên, để đăng ký vào nhà trẻ được chứng nhận ở Nhật Bản thì bố mẹ (người giám hộ) phải có lí do chính đáng cho việc không thể chăm sóc con cái của mình như là do công việc, bệnh tật, hay phải chăm sóc bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo, v.v. thì mới có thể nộp đơn xin nhập học. Mỗi một khu vực có các tiêu chí xét tuyển do chính phủ thiết lập cho từng vùng và hoàn cảnh của người nộp đơn dựa trên tính thiết yếu của việc gửi sẽ được số hóa theo chỉ số xét tuyển. Các chỉ số xét tuyển được gọi là “điểm”. Nói một cách đơn giản là điểm càng cao thì nhu cầu gửi trẻ đi nhà trẻ càng tăng và ưu tiên được trúng tuyển càng cao. Dưới đây là một vài ví dụ về các yếu tố quyết định điểm số: ・ Số ngày và số giờ làm việc của bố mẹ ・ Ông bà có sống ở gần hay không? ・ Thu nhập của gia đình (thu nhập tính theo hộ gia đình) ・ Hộ gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân hoặc hộ gia đình mà bố hoặc mẹ đi làm xa nhà ・ Có anh chị em cũng đang học tại nhà trẻ đó Khác biệt 2: Nơi nộp hồ sơ Nơi nộp hồ sơ nhập học cũng có sự khác biệt lớn. Để vào nhà trẻ ở Việt Nam, dù là nhà trẻ công lập hay tư thục, bố mẹ đều phải trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký tại trường và sau khi có giấy báo trúng tuyển nhập học thì trẻ sẽ được vào học. Nhưng ở Nhật thì lại khác, để vào nhà trẻ được chứng nhận thì bố mẹ phải thông qua ủy ban quận để nộp đơn đăng ký. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn muốn đăng ký cho con mình học tại nhà trẻ ngoài chứng nhận thì bạn có thể nộp đơn xin nhập học trực tiếp tại trường. ・ Ở Việt Nam, vì bố mẹ sẽ nộp đơn trực tiếp vào nhà trẻ nên khi còn chỗ trống (chỉ tiêu tuyển sinh) thì bé có thể vào học. ・ Đối với các nhà trẻ được chứng nhận ở Nhật Bản, ủy ban quận sẽ quyết định bé có thể được nhập học hay không dựa vào hệ thống điểm số nên bố mẹ không thể tự do quyết định nộp đơn đăng ký vào nhà trẻ cụ thể nào. Khác biệt 3: Thời gian nhập học và nộp đơn Kết quả xét tuyển sẽ được công bố vào tháng 1 đến tháng 2. Trong trường hợp không trúng tuyển, bố mẹ có thể nộp đơn cho bé vào đợt tuyển sinh lần 2. Điểm khác biệt thứ ba là thời điểm nhập học. Ở Việt Nam, trẻ em sẽ đi nhà trẻ vào tháng 8 hàng năm, nhưng ở Nhật Bản, thời gian vào nhà trẻ của các bé lại là tháng 4 hàng năm. Ở Nhật Bản, thời hạn nộp hồ sơ để vào nhà trẻ là 5 đến 6 tháng trước khi trẻ nhập học nên bố mẹ cần chuẩn bị sớm các giấy tờ cần thiết. Về cách thức nộp đơn, có một số ủy ban quận nhận đơn trực tiếp, nhưng cũng có những nơi chỉ chấp nhận hồ sơ được gửi qua đường bưu điện. Hạn nộp hồ sơ đăng ký rất quan trọng khi bạn muốn cho trẻ vào nhà trẻ ở Nhật Bản, vì vậy bố mẹ cũng phải cẩn thận để ý thời hạn này nhé! ◆Quy trình từ nộp đơn đăng ký đến khi nhập học nhà trẻ (ví dụ) ・ Nộp hồ sơ tại ủy ban quận: Tháng 10 đến tháng 12 năm trước ・ Xét tuyển: Tháng 1 đến tháng 2 ・ Thông báo kết quả xét tuyển: Tháng 1 đến tháng 2 ・ Phỏng vấn / Kiểm tra sức khỏe: Tháng 2 đến tháng 3 ・ Nhập học: tháng 4 Khác biệt 4: Phí giữ trẻ Phí giữ trẻ tại các nhà trẻ công lập ở Việt Nam là chi phí cố định giống nhau bất kể hoàn cảnh gia đình như thế nào, nhưng mức phí ở các nhà trẻ tư thục là hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào từng trường. Ở Nhật Bản, phí giữ trẻ cho bé từ 0 tuổi đến 2 tuổi đi nhà trẻ được chứng nhận sẽ thay đổi tùy thuộc vào thu nhập của hộ gia đình. Với trẻ em từ 3 đến 5 tuổi ở các nhà trẻ được chứng nhận là miễn phí hoàn toàn. Còn trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học tại các nhà trẻ ngoài chứng nhận thì sẽ được nhận khoản hỗ trợ không hoàn lại tối đa là 37.000 yên mỗi tháng. Khác biệt 5: Phân chia lớp Con trai lớn của mình bắt đầu học từ lớp 1 tuổi (ảnh lúc con 2 tuổi) Trong trường hợp các nhà trẻ công lập ở Việt Nam, các lớp học được xác định theo năm sinh (tháng 1 đến tháng 12), nhưng ở Nhật Bản thì hơi khác một chút. Niên khóa của các trường học, mẫu giáo và nhà trẻ Nhật Bản bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 năm sau đó. Vì lý do này, các lớp được phân chia theo niên khóa tính theo mốc tháng 4 hàng năm. Cụ thể, các lớp học và năm học được phân chia theo độ tuổi của bé tính ở thời điểm ngày 1 tháng 4 hàng năm, và cứ vào tháng 4 các em sẽ được lên lớp. Tròn tuổi tính mốc ngày 1 tháng 4 Lớp trực thuộc 5 tuổi Lớp Nencho(trẻ 5 tuổi) 4 tuổi Lớp Nenchu(trẻ 4 tuổi) 3 tuổi Lớp Nensho(trẻ 3 tuổi) 2 tuổi Lớp trẻ 2 tuổi 1 tuổi Lớp trẻ 1 tuổi 0 tuổi Lớp trẻ 0 tuổi Tròn tuổi tính mốc ngày 1 tháng 4 Lớp trực thuộc 5 tuổi Lớp Nencho (trẻ 5 tuổi) 4 tuổi Lớp Nenchu (trẻ 4 tuổi) 3 tuổi Lớp Nensho (trẻ 3 tuổi) 2 tuổi Lớp trẻ 2 tuổi 1 tuổi Lớp trẻ 1 tuổi 0 tuổi Lớp trẻ 0 tuổi 2. Sự khác biệt giữa nhà trẻ và mẫu giáo Chỉ có nhà trẻ mới có thể nhận giữ trẻ dưới 3 tuổi Có rất nhiều điểm khác nhau giữa trường mẫu giáo và nhà trẻ ở Nhật Bản. Mình sẽ tóm tắt thông tin ở bảng bên dưới như sau: Nhóm tuổi đối tượng Các bé từ 0 đến 6 tuổi (trước tuổi đi học tiểu học) có thể đi nhà trẻ, nhưng chỉ có các bé từ 3 tuổi trở lên mới được đi học ở trường mẫu giáo. Các kỳ nghỉ dài Các trường mẫu giáo ở Nhật có nghỉ hè, nghỉ đông và nghỉ xuân nữa. Trong thời gian đó trường không nhận giữ trẻ, nhưng nhà trẻ thì nhận giữ trẻ quanh năm. Thời gian giữ trẻ Trường mẫu giáo hầu hết nhận giữ trẻ từ 9 giờ đến 14 giờ, nếu thời gian có kéo dài thì cũng chỉ là từ 8 giờ đến 17 giờ. Nhưng ở nhà trẻ, đa phần các trường nhận giữ bé từ 7 giờ đến 19 giờ. Vì cả hai vợ chồng mình đều phải đi làm, ông bà cả hai bên đều không ở gần, vì vậy bọn mình không còn cách nào khác là gửi con trai lớn vào nhà trẻ. Tuy nhiên năm ngoái do mình mang thai và nghỉ sinh bé thứ hai, đồng thời chuyển nhà nên hiện mình gửi con trai lớn ở trường mẫu giáo. 3. Cách chọn nhà trẻ của mình Con trai lớn (khi bé 1 tuổi) Mình thực sự bắt đầu công việc chuẩn bị hồ sơ để nộp đăng ký đi nhà trẻ cho con trai đầu (sinh năm 2016) là vào mùa hè năm 2017. Trong tiết trời nóng như đổ lửa, mình vẫn nhớ như in cảm giác vừa bế con vừa đi đến uỷ ban quận rồi tham quan nhà trẻ để lo đầy đủ tất cả các giấy tờ cần thiết. Khi lựa chọn nhà trẻ cho bé, mình đặc biệt chú trọng 4 điểm sau đây: ① Nhà trẻ được chứng nhận (Mình nghĩ sẽ an toàn hơn nếu trường đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc gia) ② Vị trí gần nhà (Vì công ty xa nhà nên mình muốn thời gian đưa đón bé càng ngắn càng tốt) ③ Giáo viên tốt nhiệt tình, đặc biệt chú trọng việc có nhiều thầy cô có kinh nghiệm lâu năm với trẻ nhỏ. ④ Có sân vườn với diện tích vừa đủ (để trẻ thoải mái vận động) Để xác định gần nhà mình có các nhà trẻ như thế nào cách đơn giản nhất là tải bản đồ nhà trẻ từ trên trang chủ của uỷ ban quận các bạn nhé. Đồng thời mình tải luôn danh sách ghi số lượng tuyển sinh của các trường để khoanh vùng tìm nhà trẻ phù hợp. Sau khi đọc cẩn thận và kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin, mình đã chọn ra được 7 trường đáp ứng nhu cầu của mình và lên lịch trình tham quan. 4. Tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp hồ sơ! Trước hết, hãy tập hợp thông tin ở uỷ ban quận và trên trang chủ! Để vào nhà trẻ ở Nhật ai cũng nói là không dễ dàng chút nào. Thế nên trong đơn đăng ký, bạn hãy viết tất cả tên các nhà trẻ mà bạn nghĩ có thể gửi bé vào được theo thứ tự nguyện vọng từ cao xuống thấp nhé. Tuy vậy vì tỷ lệ cạnh tranh cao nên thường thì khả năng được chọn của nguyện vọng một là thấp và thậm chí việc bạn không trúng nguyện vọng nào cũng không có gì là lạ cả. Vậy nên cách tốt nhất là ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh sai sót và tăng khả năng đỗ cho bé nhé. Đầu tiên, mình đã đến uỷ ban quận hỏi nhân viên tư vấn tuyển sinh nhà trẻ thời hạn nộp hồ sơ và các lưu ý và nhận đơn đăng ký. Bạn cũng có thể kiểm tra thời hạn đăng ký trên trang web hoặc qua điện thoại nhé. Mình đã thất bại trong lần “ra quân đầu tiên”...! Con trai đầu của mình sinh cuối năm 2016 (sau tháng 4 là lúc niên học bên Nhật bắt đầu). Vậy nên mình đã nộp hồ sơ xét tuyển vào tháng 11 năm 2016 để bé có thể đi nhà trẻ vào tháng 4 năm 2017, nhưng đáng tiếc là bé không được chọn. Năm 2017, một lần nữa mình nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển giữa kỳ nhưng lại không đỗ cũng cùng lý do là không còn chỉ tiêu trống cho bé. Vào tháng 11 năm 2017 mình đã nộp hồ sơ lần 3 và cuối cùng cũng đỗ nên con trai lớn của mình bắt đầu đi nhà trẻ từ tháng 4 năm 2018. Mình không có ấn tượng là xin vào nhà trẻ ở Việt Nam khó nên khi trượt hết lần này đến lần khác ở bên này thì mình đã rất bất ngờ. Xin nhà trẻ Nhật mệt thật chứ đùa đâu! Các bố mẹ cũng cần chú ý tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp đơn nhé. Một người bạn Việt Nam của mình đã gặp phải tình cảnh dở khóc dở cười là tuy chỉ nộp hồ sơ muộn có một ngày thôi nhưng đã không được ủy ban quận chấp nhận. Ngay cả khi bé nhà bạn đủ điều kiện nhập học thì cũng sẽ không thể đỗ nếu bạn trễ thời hạn, vì vậy các bố mẹ hãy cẩn thận điểm này nhé! 5. Tham quan nhà trẻ sớm Hãy đến tham quan nhà trẻ trước khi nộp đơn nhé. Nhà trẻ là nơi đầu tiên bé sinh hoạt cộng đồng và là nơi các bạn nhỏ trải qua tương đối thời gian trong 5 năm đầu đời nên mình thực sự rất lưu ý vấn đề này. Thêm một điều nữa là trong đơn đăng ký có cột điền tên nhà trẻ từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 5 nên mình quyết định dành thời gian tham quan nhà trẻ cũng là để xác định thứ tự trên dưới này cho dễ nữa. Mình đã gọi điện đến từng nhà trẻ và đặt lịch hẹn, sau đó đến thăm 7 nhà trẻ trong chỉ 2 tuần. Khi đến nơi và trực tiếp tham quan các nhà trẻ, mình phát hiện ra rất nhiều điều mà mình không thể biết được nếu chỉ đọc thông tin trên bản đồ hay trang web của nhà trẻ. Ví dụ, có nhà trẻ mặc dù nhìn trên bản đồ thì thấy rất gần nhưng thực tế khi đi thử đến đó thì đoạn đường lại có rất nhiều dốc và phải dừng nhiều vì đèn tín hiệu giao thông nên rốt cuộc có thể lại tốn rất nhiều thời gian cho việc đưa đón con. Ngoài ra, có nhà trẻ mặc dù ban đầu mình không thích lắm vì có vẻ xa nhà nhưng khi đến tận nơi thì mới biết là trường mới và các giáo viên rất tận tình và tất nhiên, ngược lại cũng có nơi gần nhà nhưng cơ sở thiết bị đã cũ lại không có sân vườn nữa. Có rất nhiều điểm mà chỉ sau khi tham quan thực tế bạn mới có thể nhận ra Ngoài ra còn là vấn đề về sở thích nữa. Ví dụ đơn giản là mình thì mình nghĩ là một nhà trẻ có nhiều cây xanh thì tốt quá rồi, nhưng có một cô bạn người Nhật của mình lại chia sẻ rằng: “Nhà trẻ mà có nhiều cây xanh bao quá thì chắc sẽ có nhiều muỗi và côn trùng lắm nên mình không thích lắm đâu!”. Đó là lý do tại sao tốt nhất bạn nên xác định rõ tiêu chuẩn của riêng mình và trực tiếp tham quan trường để xác nhận trước khi ghi nguyện vọng chứ không nên cứ nghe bảo tốt là xin vào. Bạn bận thì không còn cách nào chứ nếu có đôi chút thời gian thì mình khuyên các bạn hãy đến tham quan trường vì thực sự rất hữu ích đó. 6. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký Các hồ sơ đăng ký xét tuyển có thể hơi khác nhau tùy thuộc vào khu vực bạn sinh sống, nhưng nếu bạn sống ở quận Arakawa-ku, Tokyo thì các tài liệu sau đây là bắt buộc. ① Đơn đăng ký nhập học ② Đơn xin hỗ trợ (trợ cấp) ③ Giấy xác nhận các mục quan trọng / Giấy đồng ý ④ Giấy thông báo về tình trạng sức khoẻ của trẻ ⑤ Giấy chứng nhận việc làm * Của cả hai vợ chồng ⑥ Giấy xác nhận tổng thu nhập và số thuế phải đóng của năm gần đây nhất * Của cả hai vợ chồng Mình đã xin giấy ở mục ⑤ từ công ty qua bưu điện và mục ⑥ trực tiếp tại uỷ ban quận. 7. Bí quyết là biết số điểm mình có Kiểm tra các tiêu chí xét tuyển trên trang chủ của uỷ ban quận Ở Nhật Bản, quá trình chuẩn bị cho một đứa trẻ đi học mẫu giáo được gọi là “hoạt động tìm nhà trẻ” (tiếng Nhật đọc là “hokatsu”). Bí quyết hokatsu của mình là phải biết điểm số (chỉ số dùng để xét vào trường) của mình đang có là bao nhiêu. Mình đã tính số điểm mình theo các bước như sau: ◆ Cách kiểm tra điểm số ・ Mình đã kiểm tra các tiêu chí xét tuyển trên trang chủ của uỷ ban quận và tự thử tính điểm cho mình. Tuy nhiên có một vài điểm mình đọc mà vẫn không hiều nên mình đã gọi điện hỏi nhân viên phụ trách tuyển sinh ở uỷ ban quận. Các chuyên viên rất nhiệt tình giúp mình giải đáp mọi thắc mắc nên mình đã xác định tương đối chính xác số điểm của mình trước khi nộp hồ sơ. ・ Thêm nữa là khi đến tham quan thực tế các nhà trẻ, mình đã “khéo” hỏi mức điểm chuẩn để đỗ để xác định xem bé nhà mình có thể vào nhà trẻ với số điểm của mình đang có hay không. Dựa vào đấy để mình cân nhắc khi ghi thứ tự nguyện vọng. Tuy nhiên, một số nhà trẻ có thể không tiết lộ thông tin này nên mình có thu thập thông tin từ các mẹ bỉm trong cùng khu mình sống để có căn cứ phán đoán thêm đấy. ◆ Cách viết đơn đăng ký Trong đơn đăng ký chỉ có 5 dòng để ghi nguyện vọng, nhưng mình đã mạnh dạn viết tên của tất cả các nhà trẻ mà mình mong bé có thể vào được. Thêm vào đó, mình đã viết thêm mong muốn của mình vào rìa đơn đăng ký với nội dung là: “Mong quận xem xét vì đây là cơ hội cuối cùng để tôi có thể quay trở lại làm việc. Bất kỳ trường mẫu giáo nào trong số 7 nguyện vọng của tôi ghi ở trên nếu được chọn tôi cũng xin chấp nhận hết”. Thay vì chỉ đơn giản là yêu cầu giúp đỡ “Hãy cho con tôi vào học” thì sẽ hữu ích hơn nếu bạn viết ra các nội dung một cách cụ thể, chẳng hạn như “Tôi không thể kéo dài thời gian nghỉ chăm sóc bé” hoặc “Ông bà bị bệnh nên tôi không có ai để nhờ trông con hộ được”. Thật may mắn là sau nhiều lần đăng kí không được thì cuối cùng con trai lớn của mình đã vào được trường mẫu giáo mà là nguyện vọng một luôn các bạn ạ. 8. Lời kết Mình và con trai đầu Trong bài viết này, mình đã giới thiệu đến các bạn về một số điểm khác biệt giữa nhà trẻ ở Nhật Bản và Việt Nam, khác biệt giữa nhà trẻ và trường mẫu giáo của Nhật và những bước chuẩn bị căn bản để đăng kí vào nhà trẻ Nhật dựa trên kinh nghiệm của mình. Có thể là nửa đùa nửa thật thôi nhưng người Nhật có câu nói ví von là “để đỗ vào nhà trẻ ở Nhật Bản khó ngang như thi đại học” các bạn ạ. Cũng chính vì vào nhà trẻ khó nên bản thân mình từng chứng kiến nhiều gia đình bạn bè thậm chí đã phải chuyển nhà chỉ để được trúng nhà trẻ. Hơn nữa, đối với những người nước ngoài như tụi mình lại có thêm rào cản về ngôn ngữ nữa nên việc chọn và đỗ vào nhà trẻ lại càng vất vả hơn nhiều lần. Vì vậy mình viết bài này với mong muốn sẽ giúp ích phần nào cho các phụ huynh dễ dàng hơn trong quá trình tìm hiểu về việc vào nhà trẻ ở Nhật, làm sao để mình chuẩn bị cho hành trang đầu đời của bé thật suôn sẻ nhé. Việc nuôi dạy con cái rồi tìm nhà trẻ ở Nhật quả thật không đơn giản, nhưng mình mong các bạn hãy vững tin. Nghĩ một cách tích cực đi thì mọi vất vả sau này nhìn lại có khi lại thành chuyện vui để kể cũng nên. Vậy ngại gì đâu, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để cùng đạt mục tiêu nhé! Tác giả Nguyễn Thùy Nhung Sinh năm 1986 tại Hà Nội. Năm 2004-2009: Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia Hà Nội (Du học 1 năm tại Đại học Tokyo). Năm 2009-2011: Du học tại Khoa Du lịch, Đại học Rikkyo bằng học bổng của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Năm 2011: Làm việc tại công ty sản xuất máy móc công nghiệp của Nhật Bản. Kết hôn năm 2012, sinh con trai lớn năm 2016, sinh con trai thứ hai năm 2021. Vừa đi làm vừa chăm con.

Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư

[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]

  • Sổ tư vấn file 05: Sinh con khi đang lưu trú bằng visa ngắn hạn

    Người xin tư vấn là thực tập sinh kỹ năng nhưng bị ép thôi việc, trong thời gian tự mình đi tìm việc mới thì đã mang thai và sinh con. Cô ấy đã nhận được sự giúp đỡ của toà thị chính, các tổ chức hỗ trợ nên đã sinh con mà không tốn nhiều chi phí và xin được việc mới. Bài viết này sẽ giới thiệu về các hỗ trợ mà cô ấy đã nhận khi sinh con và tư cách lưu trú (visa) cho tới khi xin được việc mới. MụcSinh nở, con cái, tư cách lưu trú 【Người xin tư vấn】 ・Cựu thực tập sinh kỹ năng ・Nữ giới người Việt, độ tuổi 20 ・Đang lưu trú tại vùng Kanto 【Tóm tắt】Về nước giữa chừng → Trở lại Nhật Bản → Sinh con và tìm lại được việc làm Về nước giữa chừng khi đang thực tập kỹ năng Người xin tư vấn bắt đầu thực tập ngành hộ lý tại tỉnh Kagoshima, nhưng do việc kinh doanh của cơ sở thực tập đó không thuận lợi nên chỉ một tháng rưỡi sau đó, cô đã bị thuyên chuyển sang một cơ sở khác ở tỉnh Miyazaki. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng, một hôm, nhân viên của đoàn thể quản lý đột ngột đến ký túc xá. Người xin tư vấn bị đưa ra sân bay và bắt lên máy bay về Việt Nam. Vì đã vay khoảng 100 vạn yên để sang Nhật nên khi mới chỉ làm việc được 3 tháng đã phải về nước, người xin tư vấn lâm vào tình cảnh khó khăn. 4 ngày sau, cô đã tự bỏ tiền để quay trở lại Nhật Bản và tá túc nhờ nhà bạn bè người Việt ở nhiều nơi trong vùng Kanto. Trong hoàn cảnh đó, một lần, khi tham gia buổi liên hoan của nhóm người cư trú bất hợp pháp, cô quen biết với một người nam giới rồi quan hệ với người này và có bầu. Vì hai người cũng không có tình cảm với nhau, và người kia cũng không có điều kiện về kinh tế nên cô đã không cho anh ta biết việc mình mang bầu. Với dự định một mình sinh con, cô đã đến bệnh viện thăm khám và tiếp tục tìm việc. Tuy nhiên, cô không tìm được việc làm và lâm vào cảnh túng quẫn. Quay lại Nhật Bản, mang bầu, sinh con, tìm lại được việc làm Trong tình cảnh như vậy, người xin tư vấn đã tình cờ biết đến Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật. Nhờ sự giúp đỡ của hội, tháng 12/2020 cô đã tham gia phỏng vấn xin việc của một công ty chế biến thực phẩm và trúng tuyển. Cô ký hợp đồng lao động với công ty này và lấy được tư cách lưu trú mới rồi ngay sau đó đã sinh con. Dự kiến từ tháng 4/2021, cô sẽ đi làm, còn hiện tại cô đang tìm kiếm cơ sở trông giữ trẻ (ví dụ như nhà trẻ). Điểm quan trọng: Việc đoàn thể quản lý ép buộc về nước là phạm pháp Bị buộc phải về nước ngoài ý muốn Việc người xin tư vấn bị ép về nước là theo ý muốn của nơi cô làm việc. Ngày 12/12/2019, đoàn thể quản lý yêu cầu gặp mặt để trao đổi nhưng do đang mệt nên người xin tư vấn đã từ chối. 4 ngày sau, nhân viên của đoàn thể quản lý cùng người phiên dịch đến kí túc xá và thông báo rằng “Bây giờ sẽ ra sân bay nên cần phải thu dọn hành lý”. Ngoài ra, họ còn nói với cô rằng “vì không còn là nhân viên nên cô không được phép sống tại căn hộ này nữa”. Cô kể rằng sau đó, họ đưa cô ra sân bay bằng ô tô và yêu cầu cô ký tên vào đơn đồng ý về nước bằng tiếng Việt. Ép buộc về nước là phạm pháp Theo luật thực tập kỹ năng và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì việc về nước và sa thải thực tập sinh được quy định như sau: Việc ép buộc thực tập sinh về nước ngoài ý muốn là phạm pháp. 〇 Trường hợp cho thực tập sinh về nước khi chưa kết thúc chương trình thực tập kỹ năng thì phải thực hiện đầy đủ những việc như giải thích cho thực tập sinh biết rằng họ không bị bắt buộc phải về nước ngoài ý muốn, có giấy tờ xác nhận ý muốn về nước của thực tập sinh và phải gửi cho Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT). 〇 Nếu thực tập sinh có nguyện vọng tiếp tục thực tập kỹ năng thì công ty tiếp nhận và đoàn thể quản lý có trách nhiệm phải đảm bảo nơi thực tập khác cho thực tập sinh đó. Ứng phó khi bị ép buộc về nước Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật Nếu đoàn thể quản lý và công ty tiếp nhận không thực hiện đúng như trình bày ở mục trên thì các bạn hãy liên lạc với Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT). Có thể gửi nội dung trao đổi bằng tiếng Việt. Có cả số điện thoại để liên lạc (0120-250-168). Bạn cũng có thể trực tiếp đến trụ sở của hiệp hội. Nếu sau khi trao đổi với OTIT mà vẫn không giải quyết được vấn đề thì các bạn có thể liên lạc với các đơn vị tư vấn tư nhân sau đây. Trong trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp, người đại diện của tổ chức “Hỗ trợ thực tập sinh nước ngoài” có thể gửi ảnh chụp danh thiếp qua mạng xã hội. Ngoài ra, tổ chức này còn khuyên rằng khi thấy có khả năng bị ép buộc về nước, khi được kiểm tra hộ chiếu để xuất cảnh tại sân bay ở Nhật Bản, hãy nói rằng “Tôi bị ép buộc về nước. Thực ra, tôi không muốn về.” (Khi đó, các bạn có thể cho người kiểm tra hộ chiếu xem ảnh chụp danh thiếp của người đại diện tổ chức nói trên). “Hỗ trợ thực tập sinh nước ngoài” (Facebook) Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật Điểm quan trọng: Tư cách lưu trú sau khi quay lại Nhật Bản Chuyển tư cách lưu trú từ thực tập kỹ năng sang lưu trú ngắn hạn Người xin tư vấn đã tự quay lại Nhật Bản và tá túc nhờ tại nhà của những người lưu trú bất hợp pháp, tuy nhiên, tư cách lưu trú thực tập kỹ năng của cô lại sắp hết hạn. Sau khi người xin tư vấn đến đơn vị phụ trách thuộc văn phòng chính quyền thành phố để xin sổ tay mẹ và con, người phụ trách của văn phòng đã nhiều lần cùng người phiên dịch đến căn hộ cô đang sống để trao đổi. Người phụ trách này đã trao đổi với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và nhờ đó, người xin tư vấn chuyển đổi được sang tư cách lưu trú ngắn hạn (30 ngày) và mỗi tháng lại đi gia hạn một lần. Sau khi tìm được nơi làm việc mới, chuyển đổi sang tư cách lưu trú hoạt động đặc định Người xin tư vấn nộp hợp đồng lao động ký với công ty mà cô trúng tuyển lên cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và chuyển được sang tư cách lưu trú hoạt động đặc định (loại dùng để duy trì công việc) với điều kiện sẽ chuyển sang tư cách lưu trú kỹ năng đặc định. Thời hạn lưu trú của visa này là 12 tháng, trong thời gian đó, nếu cô thi đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT N4 và kỳ thi kỹ năng thì có khả năng sẽ chuyển sang được tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định số 1. Người có tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định số 1 có thể làm việc tối đa 5 năm. Điểm quan trọng: Chi phí sinh nở và nuôi con Người xin tư vấn và con. Bên phải là bà Yoshimizu chủ tịch Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật〈Năm 2021〉 Chi phí sinh con Nhờ sự thu xếp của người phụ trách bên chính quyền thành phố, người xin tư vấn được hưởng chế độ hỗ trợ sinh sản theo luật phúc lợi trẻ em nên chỉ phải trả chi phí sinh con là 5 vạn yên. Tiền hỗ trợ sinh con nhận một lần Ở Nhật Bản có chế độ cho phép người sinh con được nhận khoản tiền 42 vạn yên gọi là “tiền hỗ trợ sinh con nhận một lần”. Trong trường hợp người xin tư vấn này, phải thoả mãn các điều kiện sau đây: ・Để nhận được tiền hỗ trợ sinh con nhận một lần, cần phải tham gia bảo hiểm y tế quốc dân ・Để tham gia bảo hiểm y tế quốc dân, cần đăng ký lưu trú với chính quyền thành phố ・Để đăng ký lưu trú, cần phải có tư cách lưu trú với thời hạn dài hơn 3 tháng Tuy nhiên, việc chuyển tư cách lưu trú từ loại ngắn hạn (30 ngày) sang tư cách lưu trú hoạt động đặc định (12 tháng) được thực hiện sau khi người xin tư vấn đã sinh con nên cô không được nhận khoản tiền hỗ trợ sinh con nhận một lần nói trên. Nuôi con Người xin tư vấn dự định gửi con về cho mẹ mình ở Việt Nam trông nom giúp. Tuy nhiên, cho đến khi đó, cô mong muốn gửi được con ở nhà trẻ và đi làm.

    17/03/2021

  • Sổ tư vấn file 04: Người có tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định đột nhiên bị sa thải

    Người xin tư vấn bắt đầu làm việc trong một nhà hàng ở Nhật với tư cách Kỹ năng đặc định nhưng mới làm được 10 ngày thì công ty yêu cầu anh ấy nghỉ việc. Thông qua sự giúp đỡ của luật sư, anh ấy đã yêu cầu công ty “xác nhân tư cách nhân viên chính thức”, “thanh toán phần lương chưa trả”. Công ty đã nói rằng “người xin tư vấn tự nghỉ” nhưng sau khi luật sư phản biện, toà đã chấp nhận lời phản biện đó. MụcLao động・Tư cách lưu trú 【Người xin tư vấn】 ・Tư cách lưu trú: Kỹ năng đặc định ・Nam giới, trong độ tuổi 20 ・Sống tại tỉnh Yamanashi Tóm tắt nội dung tư vấn và giải đáp Đột nhiên bị thông báo cho thôi việc Người xin tư vấn mới bắt đầu làm việc tại nhà hàng ăn uống ở tỉnh Yamanashi với tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định. Khi vừa kết thúc quá trình thử việc và chính thức làm việc được 10 ngày thì người này bị công ty yêu cầu thôi việc và không được giải thích gì về lý do. Trao đổi với luật sư Qua giới thiệu của người quen, người này đã đến xin tư vấn của luật sư. Thông qua luật sư, người này yêu cầu phía công ty “xác nhận tư cách nhân viên chính thức" và “thanh toán phần lương chưa trả". Phía công ty phản bác rằng chính người xin tư vấn nộp đơn xin thôi việc, dẫn đến không giải quyết được qua đàm phán và người tư vấn đã nộp đơn lên toà án địa phương đề nghị “giải quyết tranh chấp lao động". Giành được thắng lợi trong giải quyết tranh chấp lao động và phân xử Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, toà án đã chấp nhận yêu cầu của người xin tư vấn và ra lệnh cho phía công ty phải thừa nhận tư cách nhân viên chính thức của anh cũng như thanh toán tiền lương 74 vạn yên (tiền lương tính từ ngày bắt đầu làm việc cho đến ngày đưa ra kết luận giải quyết tranh chấp lao động).Cửa hàng ăn uống nọ đã nộp đơn kháng nghị và làm thủ tục tố tụng để phân xử nhưng sau đó đã tuân theo khuyến cáo của toà và chấp nhận hoà giải. “Hoà giải" ở đây có hiệu lực giống như kết quả giải quyết tranh chấp, tức là bên cửa hàng chấp nhận trả số tiền lương chưa thanh toán. Đơn vị đã tư vấn cho người lao động Người xin tư vấn đã mất rất nhiều công sức mới gặp được luật sư hiểu rõ luật pháp về tuyển dụng nhân sự nước ngoài và các vấn đề về lao động. ◎ Bên tư vấn: Luật sư Sugita Shohei (Văn phòng luật Global HR Strategy) ĐIỂM QUAN TRỌNG: Có sự đồng thuận khi thôi việc hay không Cửa hàng ăn uống nọ khẳng định rằng “người lao động đã tự xin thôi việc". Để phản bác lập luận này, luật sư đại diện cho người nhận tư vấn đã biện luận theo cách dưới đây trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và được hội đồng giải quyết tranh chấp chấp thuận. 【Nội dung lập luận】 ・Kỹ năng đặc định là tư cách lưu trú có điều kiện phải ký hợp đồng lao động trước với nơi làm việc. Để chuyển việc, phải ký hợp đồng với nơi làm việc mới và làm thủ tục thay đổi tư cách lưu trú nên không phải dễ mà thay đổi công việc. ・Một công ty khi sử dụng lao động kỹ năng đặc định người nước ngoài thì ngoài việc phải hỗ trợ về đời sống cho người lao động đó, còn phải tuân thủ các luật liên quan về lao động nên không dễ gì tìm được những công ty như vậy. ・Với tình hình như vậy, khi còn chưa tìm ra nơi khác để chuyển việc thì chắc chắn chẳng có lý do gì người lao động vừa bắt đầu đi làm lại tự ý xin thôi việc. ĐIỂM QUAN TRỌNG: Có lý do để cho thôi việc hay không Người có tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định số 1 được phép làm việc ở Nhật Bản tối đa 5 năm. Người xin tư vấn đầu tiên ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm với công ty sử dụng lao động, sau khi lấy được tư cách lưu trú thời hạn 1 năm thì mới bắt đầu làm việc. Một năm sau đó, người lao động sẽ gia hạn hợp đồng lao động với bên tuyển dụng và dự định dựa trên hợp đồng lao động đã gia hạn để xin gia hạn tư cách lưu trú với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Trường hợp này, hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm, nhưng Khoản 1, Điều 17 Luật hợp đồng lao động quy định rằng với hợp đồng lao động có thời hạn như thế này, nếu không có “lý do bất đắc dĩ" thì không thể cho thôi việc khi chưa hết thời hạn hợp đồng. Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, đại diện của người xin tư vấn tuyên bố rằng người này “chưa được giải thích về lý do cho thôi việc, không có lý do bất đắc dĩ" và đã được chấp nhận. ĐIỂM QUAN TRỌNG: Cuộc sống trong thời gian tiếp theo Hai bên đã thống nhất hoà giải tại toà án và người xin tư vấn có quyền trở lại nơi làm việc. Tuy nhiên, dù có quay lại đó, khi hợp đồng lao động 1 năm hết thời hạn thì khả năng người đó không được gia hạn hợp đồng là rất cao. Do đó, sau khi thực hiện hoà giải và nhận số tiền lương chưa được thanh toán, người này đã thôi việc. Từ trước tới nay, người có tư cách lưu trú kỹ năng đặc định không được làm baito, nhưng với chính sách đặc biệt do dịch COVID-19, người nước ngoài có tư cách lưu trú kỹ năng đặc định bị mất việc làm hiện nay có thể được làm baito nên người xin tư vấn đã lựa chọn vừa làm công việc baito, vừa tìm công việc mới với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định. ĐIỂM QUAN TRỌNG: Giải quyết tranh chấp lao động là gì? Ảnh minh họa trên trang web của toà án tối cao. Ở phần cuối này, chúng tôi xin giới thiệu về thủ tục “Giải quyết tranh chấp lao động" mà người xin tư vấn đã thực hiện. ・Giải quyết tranh chấp lao động là biện pháp giải quyết nhanh chóng các vướng mắc liên quan đến lao động như cho thôi việc hay không trả tiền lương. Điểm khác biệt với thủ tục tố tụng thông thường là hình thức giải quyết này được thực hiện không công khai. ・Giải quyết tranh chấp lao động do uỷ ban giải quyết tranh chấp bao gồm một chủ toạ giải quyết tranh chấp lao động (thẩm phán) và 2 uỷ viên giải quyết tranh chấp lao động (chuyên gia tư nhân) tiến hành. ・Về nguyên tắc, trong vòng 3 lần điều tra phân xử là kết thúc giải quyết tranh chấp. Khoảng 70% số vụ việc được giải quyết xong trong vòng 3 tháng kể từ ngày nộp đơn đề nghị. ・Dựa trên trao đổi với các bên, uỷ ban giải quyết tranh chấp lao động sẽ đưa ra đề xuất về biện pháp giải quyết (hoà giải), còn nếu không thống nhất được các nội dung trao đổi thì uỷ ban sẽ dựa trên lập luận và yêu cầu của hai bên để đưa ra phán quyết giải quyết tranh chấp lao động. Nếu không hài lòng với kết quả giải quyết tranh chấp lao động thì có thể nộp đơn kháng nghị. Trường hợp này, giải quyết tranh chấp lao động sẽ mất hiệu lực và chuyển sang thủ tục tố tụng.

    16/03/2021

  • Sổ tư vấn file 03: Công ty không hợp tác trong việc gia hạn tư cách lưu trú

    Người xin tư vấn đã là nhân viên chính thức trong một công ty của Nhật và thời gian lưu trú của anh ấy sắp hết hạn. Thế nhưng công ty không chuẩn bị cho anh ấy các hồ sơ cần thiết để gia hạn thời gian lưu trú. Để tiếp tục ở lại Nhật, anh ấy có một số lựa chọn như tìm việc mới, khiếu nại với công ty rằng “Việc sa thải là điều không thể”. Mục Lao động・Tư cách lưu trú 【Người xin tư vấn】 ・Nhân viên chính thức trong công ty ・Tư cách lưu trú “Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” ・Nam giới ・Sống tại khu vực thủ đô Tokyo Nội dung xin tư vấn và trợ giúp Khi xin gia hạn tư cách lưu trú “Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế”, cần phải nộp cho Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú các tài liệu cần thiết như Giấy chứng nhận nộp thuế hay Hợp đồng lao động (tài liệu có ghi thời hạn lao động). Tuy nhiên, trong trường hợp này, dù người lao động đã nhiều lần đề nghị nhưng công ty vẫn không chuẩn bị cho các tài liệu đó. Nếu không nộp được các tài liệu cần thiết thì sẽ không thể gia hạn được tư cách lưu trú. Người xin tư vấn đã đến FRESC (Trung tâm hỗ trợ lưu trú dành cho người nước ngoài). Tại FRESC, người này đã được Houterasu (luật sư) tư vấn, giải thích về các lựa chọn như không tiếp tục làm việc tại công ty hiện tại nữa và bắt đầu tìm công việc khác, hoặc đấu tranh với công ty hiện tại để không bị sa thải cũng như các thủ tục pháp lý cần thiết. Ngoài ra, người này còn được tư vấn về các loại tư cách lưu trú có thể chuyển đổi trong trường hợp tư cách lưu trú hiện tại hết thời hạn và được giới thiệu đến cơ quan tư vấn pháp luật tại địa phương. FRESC (Tokyo) Điểm quan trọng: Sa thải bằng cách để thời hạn tư cách lưu trú chấm dứt Dựa trên thông tin có được thông qua việc phỏng vấn các chuyên gia do ban biên tập KOKORO thực hiện, chúng tôi xin được giới thiệu thông tin tham khảo từ các trường hợp tương tự. Nếu như bên sử dụng lao động đột ngột đưa ra quyết định sa thải mà không có thời gian thông báo trước thì sẽ vi phạm luật lao động, và nếu người lao động nộp đơn thì sở lao động có thể tiến hành điều tra và đưa ra các văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, trường hợp ở đây sẽ không áp dụng được ngay các luật này. Mặc dầu vậy, theo luật lao động, nếu không có lý do chính đáng thì công ty không thể sa thải nhân viên, kể cả nhân viên người nước ngoài. Trường hợp công ty sa thải nhân viên người nước ngoài mà không có lý do chính đáng thì có thể bị khởi kiện và có thể gặp bất lợi khi đăng ký xin các khoản trợ cấp như trợ cấp điều chỉnh về tuyển dụng v.v... Vì vậy, cũng có trường hợp công ty không đưa ra quyết định sa thải, mà sẽ để cho tư cách lưu trú của người lao động hết hạn để ngừng hợp đồng lao động. Nếu như công ty có ý đồ như vậy và trì hoãn không hợp tác trong việc xin gia hạn tư cách lưu trú thì vẫn có cơ hội để đấu tranh về mặt pháp lý. Điểm quan trọng: Xu thế sử dụng lao động trong đại dịch COVID-19 Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các công ty có kết quả kinh doanh xấu đi nên để cắt giảm chi phí nhân sự, một số công ty có xu hướng sa thải lao động người nước ngoài hoặc lao động không chính thức. Số trường hợp lao động người nước ngoài, đặc biệt là trong ngành khách sạn, du lịch, trường tiếng v.v... bị mất việc đang tăng mạnh.

    08/02/2021

  • Sổ tư vấn file 02: Chồng người Nhật bỏ đi mất tích

    Người xin tư vấn đã kết hôn với chồng người Nhật và sống ở Nhật với tư cách “Vợ/chồng của người Nhật”. Cô ấy sắp sinh em bé nhưng một ngày nọ, chồng cô bỏ nhà ra đi và không quay trở về. Để tiếp tục sống ở Nhật với đứa con sắp sinh, cô ấy cần lấy tư cách lưu trú nào? Mục Kết hôn・Ly hôn・Con cái 【Người xin tư vấn】 ・Cựu thực tập sinh kỹ năng ・Nữ giới ・Sống ở khu vực thủ đô Tokyo Đến xin tư vấn tại cơ sở hỗ trợ Người xin tư vấn đã cùng người trợ giúp người Nhật đi đến FRESC (Trung tâm hỗ trợ lưu trú dành cho người nước ngoài). Tại FRESC, người đặt câu hỏi đã được Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Tokyo, Houterasu (luật sư) tư vấn, giải thích về các loại tư cách lưu trú có khả năng xin được và cách xin kinh phí nuôi con. FRESC (Tokyo) Điểm quan trọng: Tư cách lưu trú Dựa trên thông tin có được thông qua việc phỏng vấn các chuyên gia do ban biên tập KOKORO thực hiện, chúng tôi xin được giới thiệu các thông tin tham khảo từ các trường hợp tương tự. Thông thường, khi kết hôn với người Nhật thì có thể chuyển được sang tư cách lưu trú “Người kết hôn với người Nhật hoặc tương tự”. Tuy nhiên, nếu Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh đánh giá là “không phải kết hôn thật” thì sẽ không được chuyển sang tư cách lưu trú này. Trường hợp mất liên lạc với người chồng/vợ của mình thì buộc phải xem xét đến các loại tư cách lưu trú khác. Dưới đây là các loại tư cách lưu trú có thể xem xét để xin chuyển đổi. Người định trú Trường hợp phụ nữ người nước ngoài sinh con với người Nhật, đứa trẻ đó có thể lấy quốc tịch Nhật Bản, còn mẹ đứa trẻ không cần thay đổi quốc tịch thì cũng có thể xin chuyển sang tư cách lưu trú “Người kết hôn với người Nhật hoặc tương tự”. Ngoài ra, nếu có lý do chính đáng thì người mẹ cũng có thể chuyển sang tư cách lưu trú “Người định trú”. Tuy nhiên, trường hợp chưa kết hôn thì về nguyên tắc, để chuyển đổi các loại tư cách lưu trú như trên, đứa trẻ đó cần được người cha (người Nhật) thừa nhận là con mình. Tư cách lưu trú để có thể làm việc Nếu tìm được công việc ở Nhật Bản thì có thể xin tư cách lưu trú liên quan đến công việc đó. Hoạt động đặc định Trong trường hợp phải thực hiện các thủ tục toà án liên quan đến việc thừa nhận con hoặc ly hôn v.v... thì có thể ở lại Nhật Bản theo tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” phục vụ cho việc phân xử. Tuy nhiên, khi việc phân xử tại toà kết thúc thì sẽ không thể xin gia hạn được tư cách lưu trú này. Trên đây là một số lựa chọn khác nhau để xin tư cách lưu trú, còn việc chấp nhận tư cách lưu trú đó hay không sẽ do Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú quyết định. Điểm quan trọng: Về cuộc sống trước mắt Cũng có các trường hợp người định trú hoặc người kết hôn với người Nhật có thể nhận được trợ cấp sinh hoạt tại Nhật Bản. (Nơi đăng ký xin trợ cấp là văn phòng phúc lợi xã hội của tỉnh hoặc trụ sở chính quyền thành phố v.v...) Ngoài ra, cũng có trường hợp trẻ em chưa tròn 18 tuổi và mẹ đơn thân có thể vào sống tạm thời trong “Cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con (ký túc xá mẹ và con)”. Sau khi được nhận vào đây, các cơ sở này sẽ tư vấn, hỗ trợ để mẹ và con được ổn định cả về vật chất và tinh thần, đồng thời giúp đỡ để họ có thể sống độc lập.

    08/02/2021

  • Sổ tư vấn file 01: Mang thai và sinh con với người Nhật khi chưa kết hôn

    Trong thời gian du học, người xin tư vấn đã sinh con với người yêu người Nhật. Hai người không thể kết hôn, người yêu của cô ấy không công nhận mình là cha của đứa bé. Với sự giúp đỡ của các tổ chức hỗ trợ và luật sư, người xin tư vấn đã nhờ tới toà án, toà đã công nhận anh người Nhật kia là cha của đứa bé. Nhờ thế, cả người xin tư vấn và đứa bé đã xin được tư cách lưu trú ở Nhật. Mục Kết hôn・Ly hôn・Con cái 【Người xin tư vấn】 ・Du học sinh đang học tại trường tiếng Nhật ・Nữ giới người Việt ・Sống tại tỉnh Aichi Muốn nuôi dạy con nhỏ ở Nhật Bản Xin tư vấn của các tổ chức hỗ trợ Người xin tư vấn đang du học tại trường tiếng Nhật. Tuy nhiên, năm thứ hai ở Nhật Bản, cô gái này phát hiện mình đang có thai 3 tháng. Bố đứa bé là bạn trai người Nhật của cô (người này đang là học sinh trường chuyên môn). Cha mẹ của bạn trai cô phản đối không cho hai người kết hôn, cô gái cũng đã từ bỏ việc kết hôn nhưng cô vẫn muốn sinh và nuôi con tại Nhật Bản nên đã xin tư vấn của trường học và các tổ chức hỗ trợ. Tổ chức Gaikokujin Helpline Tokai, Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật và giáo viên ở trường tiếng Nhật đã trợ giúp cho cô. Nội dung trợ giúp Các tổ chức hỗ trợ đã giới thiệu luật sư cho cô gái này và nhờ đó, cô thực hiện được thủ tục thừa nhận cho đứa trẻ. Con của cô được người bố (người Nhật) nhận là con và đã lấy được quốc tịch Nhật Bản. Vì là mẹ của người Nhật nên cô gái đã chuyển được tư cách lưu trú thành “Người định trú”. Hơn nữa, hai mẹ con hiện đang sống tại cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con (kí túc xá mẹ và con), mỗi tháng trang trải cuộc sống bằng vài vạn yên tiền làm thêm baito. Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật (tiếp nhận tư vấn từ khắp cả nước) Điểm quan trọng: Việc nhận con và nhập quốc tịch cho đứa trẻ Quốc tịch, tư cách lưu trú Trường hợp nữ giới người nước ngoài sinh con với người Nhật, đứa trẻ đó có thể lấy quốc tịch Nhật Bản. Ngoài ra, nếu không muốn chuyển sang quốc tịch Nhật Bản thì người phụ nữ đó cũng có thể chuyển tư cách lưu trú thành loại “Người kết hôn với người Nhật hoặc tương tự”. Hơn nữa, nếu có lý do chính đáng thì người mẹ có thể chuyển sang tư cách “Người định trú”. Tuy nhiên, trường hợp chưa kết hôn thì đứa trẻ cần phải được người cha (là người Nhật) thừa nhận là con mình. Việc thừa nhận con Trong trường hợp này, vì người yêu cũ của cô gái không thừa nhận đứa trẻ là con mình nên sau khi sinh con, cô đã nộp đơn lên toà án xin phân xử. Theo phân xử của toà, dựa trên kết quả giám định ADN, đứa trẻ đã được xác nhận đúng là con của anh người yêu cũ này. Nhờ vậy, đứa trẻ đã được nhập quốc tịch Nhật Bản. Thận trọng trong việc lựa chọn quốc tịch cho đứa bé Ban đầu, cô được cơ quan hành chính về bảo vệ trẻ em hướng dẫn lên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản làm giấy khai sinh để cho đứa bé được lấy hộ chiếu Việt Nam. Tuy nhiên, một khi đã lấy quốc tịch Việt Nam, nếu sau đó muốn chuyển sang quốc tịch Nhật Bản thì thủ tục sẽ vô cùng phức tạp. Các tổ chức hỗ trợ đã khuyên cô suy nghĩ thật kĩ lưỡng và sau đó, cô đã chọn cho con mình lấy quốc tịch Nhật Bản. Điểm quan trọng: Việc nuôi con Cơ sở hỗ trợ mẹ và con Vài tháng sau khi sinh nở, vì cô gái này không có khả năng tự xoay sở trong cuộc sống nên cơ quan hành chính về bảo vệ trẻ em đã dùng biện pháp cưỡng chế đưa em bé đi nuôi dưỡng. Cô gái vì muốn được sống cùng con nên đã nhờ luật sư do các tổ chức hỗ trợ giới thiệu đứng ra đại diện đàm phán với cơ quan hành chính về bảo vệ trẻ em. Song song với việc đàm phán, luật sư đã tìm kiếm cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con (kí túc xá mẹ và con) chịu tiếp nhận hai mẹ con cô gái. Sau đó, cô gái chuyển từ căn hộ thuê sang sống tại kí túc xá mẹ và con, nhờ vậy, luật sư mới có cơ sở để đàm phán rằng cô “đã có đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống và mong cho con được về với mẹ” và cuối cùng đứa bé đã được trả về cho cô. 【Cơ sở hỗ trợ cuộc sống mẹ và con là gì?】 Đây là cơ sở cho phép trẻ em chưa tròn 18 tuổi được tạm thời sống cùng với mẹ đơn thân. Sau khi được nhận vào đây, các cơ sở này sẽ tư vấn, hỗ trợ để mẹ và con được ổn định cả về vật chất và tinh thần, đồng thời giúp đỡ để họ có thể sống độc lập. Nhờ được trợ giúp, cô gái đã được sống cùng con nhỏ của mình Điểm quan trọng: Tư cách lưu trú ① Người định trú Như đã trình bày ở phần trên, nữ giới người nước ngoài sau khi sinh con với người Nhật, nếu có lý do chính đáng thì có thể lấy được tư cách lưu trú “Người định trú”. ② Tư cách lưu trú để có thể làm việc Nếu tìm được công việc ở Nhật Bản thì có thể xin tư cách lưu trú liên quan đến công việc đó. ③ Hoạt động đặc định Trong trường hợp các thủ tục toà án liên quan đến việc thừa nhận con hoặc ly hôn v.v... bị kéo dài, có thể xin tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” để ở lại Nhật Bản phục vụ cho việc phân xử. Tuy nhiên, khi việc phân xử tại toà kết thúc thì sẽ không thể xin gia hạn được tư cách lưu trú này. Trong trường hợp này, cô gái trong câu chuyện đã chuyển đổi tư cách lưu trú từ “Du học sinh” sang “Người định trú”. Trên đây là một số lựa chọn khác nhau để xin tư cách lưu trú, còn việc chấp nhận tư cách lưu trú đó hay không sẽ do Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú quyết định.

    08/02/2021

  • Sổ tư vấn

        Nếu bạn gặp khó khăn khi đến Nhật Bản xin hãy liên hệ ngay với quầy tư vấn của các cơ quan chức năng, chuyên gia, tổ chức tình nguyện, v.v.    “KOKORO” có dự kiến sẽ giới thiệu nhiều quầy tư vấn khác nhau trên cả nước.    Ngoài ra, chúng tôi sẽ liên tục đăng tải lời khuyên và câu trả lời tiêu biểu từ các chuyên gia đối với các câu hỏi của người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản. Vui lòng tham khảo trang này nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào liên quan đến cư trú, việc làm, du học tại Nhật Bản. Công ty không trả tiền làm thêm giờ      Mỗi ngày tôi đều làm 11 tiếng, mỗi tuần làm 6 ngày nhưng không được công ty trả tiền làm thêm giờ.(Anh A là người làm đầu bếp)     Đối với phần thời gian làm việc hơn 8 giờ trong 1 ngày, hơn 40 giờ trong 1 tuần thì bạn sẽ được trả thêm 1.25 lần so với mức lương giờ làm việc bình thường.    Để yêu cầu thanh toán tiền làm thêm giờ chưa được chi trả (phần tiền làm thêm chưa được chi trả trong khoản tiền làm thêm) thì bạn cần phải chứng minh thời gian lao động hoặc có thể sử dụng các chứng từ như thẻ chấm công, sổ tay tự ghi lại chính xác thời gian bắt đầu, kết thúc làm thêm giờ. Đối với phần tiền lương này, sau hai năm kể từ ngày chi trả lương hàng tháng, sẽ bị mất quyền yêu cầu thanh toán cho nên bạn hãy nhanh chóng yêu cầu thanh toán. (Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân) Bị thương tại nơi làm     Trong khi làm việc, tôi bị máy dập kẹp phải và mất 3 ngón tay nhưng công ty chỉ trả tiền chi phí điều trị, ngoài ra không trả thêm gì nữa. (Thực tập sinh B)     Nếu làm đơn xin bảo hiểm tai nạn lao động, bạn có thể được nhận 80% mức lương trong thời gian nghỉ không đi làm và viện phí cùng tiền trợ cấp một lần hay lương hưu trong trường hợp có di chứng để lại. Mặt khác, bạn cũng có thể yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại cho mình. Chúng tôi khuyên bạn nên ủy nhiệm cho luật sư. (Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân) Tử vong vì làm việc quá sức     Hằng ngày bố tôi đều phải làm thêm ngoài giờ đến tối muộn, thậm chí cả thứ 7, chủ nhật cũng phải đi làm và tự nhiên mất vì suy tim. (Người thân của anh C làm công việc sản xuất)     Người lao động bình quân mỗi tháng làm việc ngoài giờ hoặc trong ngày nghỉ trên 80 tiếng khiến tử vong vì bệnh tim hoặc não thì có khả năng nguyên nhân là do làm việc quá sức. Nếu tử vong do làm việc quá sức thì người thân có thể nhận được một khoản tiền trợ cấp từ cơ quan bảo hiểm lao động, còn đối với công ty bạn cũng có thể yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.    Việc xác định tử vong do làm việc quá sức dựa trên tiêu chuẩn cặn kẽ, và cần phải thu thập bằng chứng để chứng minh thời gian làm việc nên chúng tôi khuyên bạn nên ủy nhiệm cho luật sư. (Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân) Tôi bị công ty đuổi việc      Tôi đang làm việc với tư cách lưu trú là hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, tri thức con người, nghiệp vụ quốc tế . Hai tháng trước khi hết thời hạn lưu trú, đột nhiên tôi nhận được thông báo bị đuổi việc(Anh D là người làm việc trong một công ty thương mại)    Nếu để nguyên tình trạng như vậy thì bạn không có thu nhập, và cũng sẽ không thể xin gia hạn tư cách lưu trú được. Vì vậy bạn nên ủy nhiệm cho luật sư, luật sư sẽ nộp đơn xin bảo toàn vị trí như một giải pháp tạm thời và đưa ra tòa án lao động, trong thời gian ngắn nhất sẽ có phán quyết. Hơn thế nữa còn có một cách là nếu có vẻ sẽ tìm được công việc làm tiếp theo, thay vì nhận tiền giải quyết từ công ty thì bạn có thể dùng hình thức hòa giải bằng cách tự xin nghỉ việc. (Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân) Kinh nghiệm của tôi Con trai tôi mất vì bị tai nạn ô tô đâm (Người thân của du học sinh E)     Trong trường hợp người nước ngoài đã có tạm trú ở Nhật, các phương pháp tính toán bồi thường thiệt hại có thể khác với người Nhật. Trong trường hợp tai nạn tử vong còn có thêm vấn đề là dựa trên luật pháp của nước nào để quyết định ai thừa hưởng quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tốt nhất là bạn nên ủy nhiệm cho luật sư thông thạo về các vụ liên quan đến người nước ngoài để yêu cầu đàm phán hoặc đệ đơn ra tòa. (Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân) Muốn ly hôn với chồng người Nhật      Tôi đang nghĩ đến việc ly hôn với chồng là người Nhật. Mặc dù chúng tôi đã có 1 đứa con 1 tuổi nhưng sau khi ly hôn tôi muốn sống chung với con trai ở Nhật. (Câu hỏi của chị F, người mang tư cách lưu trú là vợ của người Nhật)      Để ở lại Nhật sau khi ly hôn, bạn phải có khả năng tự kiếm sống độc lập được, và phải đang nuôi dưỡng đứa con giữa bạn và chồng người Nhật, cho nên cần phải có việc làm và nhận được quyền nuôi dưỡng đứa trẻ.    Ly hôn đối với người nước ngoài thường gặp rắc rối về vấn đề pháp lý và tư cách lưu trú, cho nên bạn hãy thảo luận cụ thể với luật sư chuyên xử lý các vụ liên quan đến người nước ngoài và chuẩn bị kỹ lưỡng.(Người trả lời: Hội nghiên cứu về lao động di dân)

    01/09/2019

Đơn vị vận hành

Nhà tài trợ Bạch Kim

Đơn vị hỗ trợ

  • Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
  • Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam
  • Văn phòng JNTO Hà Nội
  • Liên đoàn kinh tế vùng Kansai
  • Hội Việt Nam (JAVN)
  • Hội hỗ trợ Tomoiki Việt Nhật
  • Hiệp hội phát triển giao lưu nguồn nhân lực quốc tế

Đơn vị hợp tác

Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)

Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài

WA.SA.Bi.

Danh mục

  • Khác biệt văn hoá

    Khác biệt văn hoá

  • Sinh hoạt - Chi phí

    Sinh hoạt - Chi phí

  • Xuất nhập cảnh - Visa

    Xuất nhập cảnh - Visa

  • Làm thêm - Xin việc

    Làm thêm - Xin việc

  • Bốn mùa - Du lịch

    Bốn mùa - Du lịch

  • Hỗ trợ người nước ngoài

    Hỗ trợ người nước ngoài

  • Cộng đồng

    Cộng đồng

  • Bí quyết học tiếng Nhật

    Bí quyết học tiếng Nhật

  • Y tế - Sức khoẻ

    Y tế - Sức khoẻ

  • Nhà hàng - Siêu thị Việt

    Nhà hàng - Siêu thị Việt

  • Thực tập kỹ năng

    Thực tập kỹ năng

  • Kỹ năng đặc định

    Kỹ năng đặc định

  • Nhân lực chất lượng cao

    Nhân lực chất lượng cao

  • Du học

    Du học

  • Phòng chống thiên tai

    Phòng chống thiên tai