Category | Tin mới nhất
Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...
7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất
02/05/2024Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...
18/03/2024Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản
13/03/2024Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Tổ chức pháp nhân phi lợi nhuận “Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật” đặt trụ sở tại một ngôi chùa ở quận Minato, thủ đô Tokyo. Tổ chức này từ lâu đã thực hiện việc hỗ trợ người Việt sống ở Nhật Bản (thực tập sinh kỹ năng, du học sinh v.v...). Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hội đặc biệt dồn sức hỗ trợ đời sống, tìm kiếm và tìm lại việc làm cho người Việt ở Nhật Bản gặp khó khăn. Hỗ trợ thực phẩm, đời sống, việc làm Hỗ trợ về thực phẩm Hội hỗ trợ thực phẩm cho những người Việt sống tại Nhật Bản gặp khó khăn trong cuộc sống do đại dịch COVID-19. Gạo, mì gói, gia vị v.v... được xếp vào các hộp các-tông gửi đi khắp các vùng miền trên đất Nhật. Từ tháng 3 ~ tháng 7/2020, hội đã gửi đi khoảng 5.000 hộp và sau đó lại liên kết với tổ chức phi lợi nhuận ở Kobe để tiếp tục thực hiện hỗ trợ thực phẩm. Hỗ trợ đời sống, hỗ trợ tìm việc Trong khoảng nửa năm tính từ tháng 3/2020, hội đã cưu mang khoảng 100 người Việt sống tại Nhật Bản, là cựu thực tập sinh kỹ năng hay cựu du học sinh v.v... chưa thể về nước do đại dịch COVID-19. Những người được hội cưu mang được ở miễn phí trong chùa và được cấp cả đồ ăn thức uống. Từ tháng 9/2020, hội chuyển hướng từ hỗ trợ người chờ về nước sang hỗ trợ những người muốn đi tìm việc hoặc tìm lại việc làm. Ngoài việc cung cấp chỗ ăn ở miễn phí tại chùa, hội còn hướng dẫn học thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) và thi kĩ năng, là những kỳ thi cần thiết để chuyển sang tư cách lưu trú Kỹ năng đặc định. Không chỉ thế, hội còn hỗ trợ chuyển đổi tư cách lưu trú và tìm việc làm. Hỗ trợ chuyển đổi tư cách lưu trú Hơn nửa số người Việt được hội cưu mang thời gian gần đây có nguyện vọng tìm việc hoặc tìm lại việc làm mới. Trong số đó có cả các cựu du học sinh hoặc cựu thực tập sinh kỹ năng từng bỏ trốn. Đối với các cựu thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn, trước tiên, hội giúp họ lấy tư cách “lưu trú ngắn hạn” để không còn cư trú bất hợp pháp. Bước tiếp theo, hội thực hiện đàm phán với Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để chuyển đổi từ tư cách “lưu trú ngắn hạn” sang loại tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” (để duy trì công việc). Dù là người đã bỏ trốn, nếu chứng minh được rằng việc bỏ trốn là vì lý do bất khả kháng như bạo lực ở chỗ làm v.v... thì vẫn có thể tìm lại công việc khác. Để chứng minh được điều đó, cần có các chứng cứ như nội dung trao đổi (qua Messenger, LINE v.v...) với đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn) hoặc công ty tiếp nhận, video, hình ảnh v.v... Từ tháng 9/2020 đến tháng 7/2021, trong số 305 cựu thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn mà Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật cưu mang, 189 người đã lấy được tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” (để duy trì công việc). Tuy nhiên, để thực hiện thủ tục xin chuyển tư cách lưu trú này, cần phải có các giấy tờ do đoàn thể quản lý cũ cung cấp. Do nhiều đoàn thể quản lý không chịu hợp tác, nên hội phải đàm phán, thuyết phục rất vất vả. Trường hợp thực tập sinh kết thúc quá trình thực tập kỹ năng một cách êm đẹp thì thủ tục chuyển tư cách lưu trú này là dễ dàng. Tuy nhiên, nếu đã bỏ trốn quá lâu thì vẫn có khả năng không chuyển được tư cách lưu trú. Trường hợp này, hội lại đứng ra hỗ trợ để người đó có thu nhập thông qua việc làm thêm baito cho đến khi về nước. Ngoài ra, trường hợp thực tập sinh kỹ năng chưa hết thời hạn lưu trú mà không thể tiếp tục quá trình thực tập, Hội lắng nghe để nắm được sự tình rồi trao đổi với 3 bên bao gồm Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT), đoàn thể quản lý, công ty tiếp nhận để giải quyết theo hướng đưa người đó trở lại làm việc tại nơi thực tập cũ hoặc nhờ tìm cho nơi thực tập mới. Dạy tiếng Nhật miễn phí Giờ học tiếng Nhật do hội tổ chức Tư cách lưu trú “Hoạt động đặc định” để duy trì công việc là tiền đề để chuyển sang tư cách lưu trú kỹ năng đặc định. Người nước ngoài muốn có tư cách lưu trú kỹ năng đặc định cần phải đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT trình độ N4 trở lên và đỗ kỳ thi kỹ năng đúng ngành nghề mình mong muốn. Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật cũng hướng dẫn người Việt do hội cưu mang trong cả việc học thi các kì thi này. Trong hội có một số nhân viên dạy tiếng Nhật, trong đó có 3 người đã hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên tiếng Nhật. Ngoài ra, cuối tuần còn có các sempai người Việt từng thi đỗ kì thi kỹ năng đến hướng dẫn học thi. Năm 2021, hội tổ chức lớp học tiếng Nhật miễn phí 3 tiếng mỗi ngày, hằng tuần còn tổ chức thi thử cả JLPT. Ngoài giờ học nói trên, các cựu thực tập sinh kỹ năng và cựu du học sinh muốn chuyển sang kỹ năng đặc định còn tự học mỗi ngày vài tiếng đồng hồ. Hỗ trợ tìm việc Song song với các hoạt động trên, khi tìm thấy công ty phù hợp với nguyện vọng của người Việt do hội đang cưu mang thì hội sẽ cung cấp cho họ thông tin của công ty đó. Nếu họ tìm thấy nơi muốn làm thì có thể đến dự phỏng vấn, nhưng hội hoàn toàn không thu phí giới thiệu. Phần đông trong số những người này sau khi đỗ phỏng vấn thì ban đầu sẽ đi làm theo hình thức baito. Khi thi đỗ JLPT và kỳ thi kỹ năng thì mới chuyển tư cách lưu trú từ “Hoạt động đặc định” sang “Kỹ năng đặc định”. Người có tư cách lưu trú “Kỹ năng đặc định” có thể làm việc ở Nhật tối đa 5 năm. Lịch sử gần 50 năm hỗ trợ người Việt Các buổi tối, những người đang trú tạm tại cơ sở của hội cùng nhau ăn tối Thời điểm hiện tại (ngày 15/7/2021), Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật đang cưu mang 26 người Việt. Đại diện của hội là bà Yoshimizu Rie (52 tuổi). Cha bà vốn là sư trụ trì của chùa. Từ năm 1963, ông đã bắt đầu giúp đỡ cho các nhà sư Việt Nam sang du học tại Nhật Bản và bố trí cho họ sống ở ngoài chùa. Tuy nhiên, sau trận Đại động đất Đông Nhật Bản năm 2011, nhà chùa đã cưu mang cho 86 du học sinh và thực tập sinh Việt Nam trong vòng 1 tháng. Kể từ đó, nhà chùa tiếp tục cưu mang những người Việt Nam cần hỗ trợ tới tạm sinh sống. Bà Yoshimizu Rie thương lượng với công ty tiếp nhận mới cho 1 thực tập sinh kỹ năng (người ngồi bên trái) Từ vài năm gần đây, bà Yoshimizu chính thức thực hiện việc hỗ trợ cho các thực tập sinh kỹ năng và du học sinh người Việt đang bế tắc. Bà cứu giúp các thực tập sinh kỹ năng gặp khó khăn do công ty tiếp nhận đối xử không thoả đáng, và thậm chí còn giúp đỡ trong việc sinh nở và đời sống cho người Việt chẳng may có thai ngoài ý muốn. Sau khi tiếp nhận nội dung xin tư vấn, bà vừa trao đổi với chuyên gia, vừa đàm phán với công ty tiếp nhận, đoàn thể quản lý, OTIT, trường học v.v... để giải quyết vấn đề. Trong năm tài chính 2019, Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật đã hỗ trợ 218 người (tính theo số vụ việc đàm phán với các bên liên quan), cưu mang được 46 người. Trong năm tài chính 2020, Hội hỗ trợ được 6.500 người, cưu mang 306 người. 【 NPO・Hội Hỗ trợ cộng sinh Việt Nhật】 ◇ Điện thoại:03-6435-6644 ◇ Địa chỉ:〒105-0011 Tokyo-to, Minato-ku, Shibakoen 2-11-1-203 (Chùa Nishinkutsu) ◇ E-mail:n.tomoiki@gmail.com ◇ Đại diện: Yoshimizu Rie (※Khi có người nghe điện thoại thì hãy nói “Rie san wo onegai shimasu.” thì sẽ được chuyển máy)
22/07/2021
Chúng tôi đã ghé thăm Trung tâm hỗ trợ lưu trú dành cho người nước ngoài (FRESC = FURESUKU) được thành lập tháng 7 năm nay tại Yotsuya, Tokyo. Tại đây, phòng tư vấn luật sư, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan giúp tìm việc làm Hellowork v.v. cùng tập trung tại một tầng nhà và liên kết với nhau thực hiện hỗ trợ cho người nước ngoài, thông qua phiên dịch. Trung tâm bao gồm 4 bộ, cục, 8 cơ quan với tổng số nhân viên khoảng 140 người. Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin về hoạt động của cơ sở mới nhất được thành lập này. FRESC được đặt tại đâu? ・Địa chỉ: Tokyo-to, Shinjuku-ku, Yotsuya 1-6-1 (Toà nhà CO・MO・RE YOTSUYA , tầng 13) Trung tâm nằm trên tầng 13 của một toà nhà cao tầng đồ sộ, cách ga Yotsuya của tuyến đường sắt JR Chuo・Soubu và tuyến tàu điện ngầm Tokyo Metro Marunouchi・Namboku khoảng từ 1 ~ 3 phút đi bộ. Tên toà nhà là “YOTSUYA TOWER” (tên gọi khác là CO・MO・RE YOTSUYA). ① Gần khu mua sắm atré nằm trên ga Yotsuya ② FRESC nằm trên tầng 13 toà nhà này ③ Lối vào tầng nổi ở đây ④ Đi thang cuốn lên tầng 2 (từ tầng 2 thì đi thang máy) FRESC (FURESUKU) là gì? Đây là cơ sở với 8 cơ quan của chính phủ tập trung lại một chỗ để có thể dễ dàng thực hiện tư vấn hỗ trợ người nước ngoài đang sống tại Nhật Bản và các doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài. Cơ sở này được bố trí để có có thể đáp ứng nhu cầu tư vấn, trao đổi nhiều vấn đề ở cùng một địa điểm. Ví dụ như những người vừa cần làm việc với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, vừa cần làm việc với cơ quan Hellowork, hay người muốn được trao đổi đồng thời với trung tâm hỗ trợ luật pháp Nhật Bản (gọi tắt là Houterasu) và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh... Từ ngày đi vào hoạt động, bình quân mỗi ngày nơi đây đã tiếp nhận khoảng hơn 100 cuộc tư vấn. Ngoài ra, từ tháng 9 năm nay, quầy hỗ trợ “FRESC Help desk” được thiết lập tạm thời để thực hiện tư vấn miễn phí qua điện thoại (bằng nhiều thứ tiếng) cho người nước ngoài đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian gần đây, quầy hỗ trợ này thực hiện khoảng 20 cuộc tư vấn mỗi ngày. Quầy hỗ trợ này cũng nhận tư vấn tại chỗ trong thời gian 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu. 8 cơ quan tập trung tại cùng một tầng 【Các cơ quan chủ yếu được đặt tại FRESC】 ❶ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Tokyo ・Nhận tư vấn cho người nước ngoài sống tại Nhật Bản và các doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động người nước ngoài. Về nguyên tắc, phải đặt lịch hẹn trước. (Số điện thoại ghi bên dưới). ❷ Phòng bảo vệ nhân quyền thuộc Cục pháp vụ Tokyo ・Tư vấn các vấn đề về nhân quyền khác nhau như phân biệt đối xử với người nước ngoài và người khuyết tật, bắt nạt, ngược đãi, lạm dụng quyền lực, quấy rối tình dục v.v. ❸ Houterasu ・Tên chính thức của cơ quan này là “Trung tâm hỗ trợ tư pháp Nhật Bản”. Trung tâm giới thiệu về các chế độ luật pháp hoặc các đơn vị tư vấn. Luật sư ở đây đưa ra những lời khuyên và các đề xuất để giải quyết vấn đề trên cơ sở pháp lý. Sau đó, nếu cần thuê luật sư, trung tâm sẽ giới thiệu các đơn vị tư vấn về pháp luật tại địa phương. Đối với những người không có điều kiện về kinh tế, trung tâm cũng có thể ứng trước phí thuê luật sư (có điều kiện đi kèm). ❹ Văn phòng tư vấn, hỗ trợ đặc biệt dành cho người nước ngoài của Cục lao động Tokyo ・Đây là cơ quan thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, thực hiện tư vấn các vấn đề như điều kiện làm việc cho lao động người nước ngoài. Cơ quan cũng tư vấn về pháp luật cho các công ty sử dụng lao động người nước ngoài. ❺ Hellowork ・Tên chính thức của cơ quan này là “Trung tâm dịch vụ tuyển dụng người nước ngoài Tokyo”. Cơ quan này hỗ trợ tìm việc làm và chuyển việc cho lao động tay nghề cao (như du học sinh, người nước ngoài có tư cách lưu trú về chuyên môn hoặc chuyên ngành kỹ thuật). So với Hellowork thông thường thì ở đây có đầy đủ người phiên dịch hơn. ❻ Thông tin visa Bộ Ngoại giao ・Tư vấn các thông tin như thủ tục xin visa cho gia đình v.v. Ví dụ trường hợp tư vấn cụ thể ★ Ví dụ tư vấn 1 Người xin tư vấn đang làm việc với tư cách lưu trú “Kỹ thuật・Tri thức nhân văn・Nghiệp vụ quốc tế”. Vì thời hạn tư cách lưu trú sắp hết nên muốn làm thủ tục gia hạn nhưng công ty lại không cung cấp các tài liệu cần thiết (như giấy chứng nhận nộp thuế, hợp đồng lao động...). 【Cục lao động, Houterasu, Cục quản lý xuất nhập cảnh, Hellowork thực hiện tư vấn】 ・Do có khả năng công ty muốn người xin tư vấn này thôi việc nên để chuẩn bị cho việc phải đấu tranh với công ty, các cơ quan này giải thích cho người đó hiểu cần phải lưu giữ lại các trao đổi với công ty, và giới thiệu cho người đó đơn vị tư vấn luật pháp tại địa phương. ・Tư vấn về việc tìm công việc mới cho người lao động đó trong trường hợp chỗ làm hiện tại không tiếp tục tuyển dụng người này. ・Giới thiệu về tư cách lưu trú tạm thời trong trường hợp chuyển việc. Quầy tư vấn ở FRESC ★ Ví dụ tư vấn 2 Không về nước được do dịch COVID-19, sắp hết thời hạn lưu trú. 【Cục xuất nhập cảnh và Hellowork thực hiện tư vấn】 ・Giải thích về chế độ và thủ tục gia hạn hoặc chuyển đổi tư cách lưu trú. ・Đưa ra lời khuyên về việc tìm việc cho đến khi về nước. ◎ Sau khi tư vấn xong thì làm gì tiếp theo? Ở FRESC, ngoài giới thiệu việc làm, các cơ quan còn cung cấp thông tin và tư vấn về chế độ và các chính sách hỗ trợ. Sau khi tư vấn xong, việc xử lý vấn đề sẽ do chính quyền, cơ quan hành chính hoặc người hỗ trợ tại địa phương và người được tư vấn tự thực hiện. Nhiệm vụ của FRESC là hướng dẫn cách giải quyết vấn đề và giới thiệu các cơ quan có liên quan. Phỏng vấn người đứng đầu Chúng tôi đã phỏng vấn ông Tabira Kouji, giám đốc trung tâm FRESC. Tabira Kouji, giám đốc trung tâm (người ngồi giữa, phía trước) Hỏi: Những người đến xin tư vấn là người nước nào? Ông Tabira: Trong khuôn khổ chúng tôi nắm bắt được thì đến xin tư vấn đông nhất là người Trung Quốc. Đông thứ hai thì tuỳ từng tháng có khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là người Việt Nam hoặc Hàn Quốc. Người Nhật với tư cách là người hỗ trợ hoặc người quen của người xin tư vấn cũng hay đến trung tâm. Hỏi: Những người đến xin tư vấn có tư cách lưu trú loại nào? Ông Tabira: Cho tới nay, có nhiều người có tư cách lưu trú “Kỹ thuật・Tri thức nhân văn・Nghiệp vụ quốc tế” yêu cầu được Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và Quầy hỗ trợ tư vấn. Có cả thực tập sinh kỹ năng và du học sinh cũng xin tư vấn. Chúng tôi cũng trao đổi ý kiến với cả Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT). Bất kể người có tư cách lưu trú nào đi nữa, khi gặp khó khăn thì đừng ngần ngại, hãy đến để chúng tôi tư vấn. Hỏi: Hellowork ở FRESC khác Hellowork ở các nơi khác ra sao? Ông Tabira: FRESC hỗ trợ tìm việc・chuyển việc cho lao động tay nghề cao (như du học sinh, người nước ngoài có tư cách lưu trú liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành). Ngoài ra, Hellowork ở đây có nhiều người phiên dịch hơn Hellowork ở các nơi khác. Đối với những người có visa vĩnh trú hoặc định cư thì có cơ quan Hellowork chuyên hỗ trợ người nước ngoài khác ở gần ga Shinjuku tiếp nhận, trợ giúp. Hỏi: Lợi ích của việc tập trung các lĩnh vực khác nhau vào một chỗ như thế này là gì? Ông Tabira: Dù là đến tận nơi để nhận tư vấn, hay nhận tư vấn qua Quầy hỗ trợ FRESC (số điện thoại 0120-76-2029), trong quá trình tư vấn, khi cần có sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau thì vẫn có thể giải quyết được tại chỗ. Ngoài ra, nếu đặt hẹn trước qua điện thoại của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (số 03-5363-3025) và biết trước được cơ bản nội dung tư vấn thì các cơ quan cần tham gia có thể cùng tiếp nhận tư vấn ngay từ đầu. Hỏi: Những người đến xin tư vấn thường sống những khu vực sống nào? Ông Tabira: Những người đến trung tâm này phần lớn là sống ở Tokyo và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, tư vấn qua điện thoại của Quầy hỗ trợ FRESC thì từ những người đang sinh sống trên toàn quốc. Tóm tắt FRESC được thành lập với mục đích thực hiện tư vấn tổng hợp cho người nước ngoài. Do trung tâm này có nhiều người phiên dịch và phiên dịch qua điện thoại, nên nếu các bạn gặp khó khăn, đừng ngần ngại sử dụng dịch vụ tư vấn của đơn vị này nhé. ◎ Quầy hỗ trợ FRESC (0120-76-2029): từ Thứ Hai đến Thứ Sáu (9:00 ~ 17:00) ◎ Số điện thoại đặt lịch hẹn trước của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại FRESC (03-5363-3025): từ Thứ Hai đến Thứ Sáu (9:00 ~ 17:00) ※ Trường hợp muốn được trợ giúp bằng tiếng Việt, dù gọi đến số điện thoại nào trong hai số trên thì bạn cũng cứ nói tiếng Nhật “Betonamugo de onegaishimasu” (có nghĩa là “Xin hãy trợ giúp bằng tiếng Việt” ) hoặc tiếng Anh nhé.
16/12/2020
Chùa là một biểu tượng thiêng liêng thấm sâu vào lòng người Việt Nam từ ngàn xưa. Nhật Bản cũng là một đất nước có nhiều chùa chiền nhưng gần đây, nhiều ngôi chùa của người Việt Nam cũng tăng lên. Chùa Việt Nam không những là nơi hỗ trợ tinh thần cho người Việt mà còn trợ giúp những người gặp khó khăn trong cuộc sống ở Nhật. Chùa Đại Ân (Tỉnh Saitama) Trong bối cảnh đại dịch vi-rút corona hiện nay, chùa Đại Ân đã cưu mang rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản gặp khó khăn (đặc biệt là cho tá túc tại chùa và cung cấp thực phẩm) cũng như hỗ trợ việc hồi hương. Nhà chùa còn giúp các bạn sinh sống tại chùa cách trồng rau để tự cung tự cấp, tư vấn khi gặp khó khăn. Ngoài ra chùa còn liên kết với các công ty ở Nhật để giới thiệu những người có nhu cầu tìm việc làm. Hiện nhà chùa do sư cô Thích Tâm Trí trụ trì. Hàng năm chùa tổ chức các sự kiện như Tết tây, Tết ta, lễ Phật Đản vào tháng 4, lễ Vu lan… Ngoài ra chùa còn có những hoạt động nhằm đoàn kết cộng đồng người Việt Nam tại Nhật, hướng về đất nước. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang Facebook của Chùa Đại Ân Chùa Đại Ân Địa chỉ Saitama-ken, Honjo-shi, Kodama-cho, Takayanagi 668-2 Điện thoại 080-4133-6999 Đường đi Chùa cách ga Kodama (đường sắt JR) 5km và không có xe buýt. Chùa Nam Hoà (Tỉnh Saitama) Chùa được xây dựng năm 2006 trong khuôn viên rộng trên 300m2 do Ni sư Thích Nữ Thông Thắng trụ trì. Chùa có tổ chức các hoạt động thường niên như Lễ Phật Đản, Vu Lan, ngày Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Các hoạt động của nhà chùa thường có tới trên 100 người tham dự. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang Facebook của Chùa Nam Hoà Chùa Nam Hòa Địa chỉ Saitama-ken, Koshigaya-shi, Osogawa 1019-2 Điện thoại 048-977-8323 Đường đi Xuống ga Koshigaya của đường tàu Tobu Isesaki, lên xe buýt đi về “Shirakobato Suijo Koen” rồi đi bộ khoảng 550 mét. Khi có sự kiện, chùa có xe đưa đón từ ga Koshigaya. Chùa Việt Nam (Tỉnh Kangawa) Chùa Việt Nam do cố hòa thượng Thích Minh Tuyền khai sơn và sáng lập năm 2010. Năm 2018, sau khi hòa thượng viên tịch, thầy Thích Nhuận Ân và sư cô Thích Nữ Giới Bảo tiếp tục quản lý và điều hành. Các hoạt động chính của Chùa Việt Nam gồm có Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan... Nhà chùa cũng tổ chức những lớp giảng dạy Phật Pháp nhập môn, Thiền, Yoga, dạy ngôn ngữ Tiếng Việt, tiếng Nhật, sinh hoạt giao lưu cộng đồng cho người Việt Nam và người Nhật ở địa phương (Hiện nay các hoạt động tạm dừng do đại dịch vi-rút corona). Ngoài ra, nhà chùa cũng thực hiện tư vấn những vấn đề lo lắng cho các bạn trẻ Việt Nam như vấn đề mang thai, cha mẹ mất nhưng không về nước thọ tang được hoặc làm tang lễ cho người qua đời tại Nhật Bản. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang Facebook của Chùa Việt Nam Chùa Việt Nam Địa chỉ Kanagawa-ken, Aiko District, Aikawa Hanbara 4889-1 Điện thoại 046-281-4226 Đường đi Từ ga Honatsugi, đường Odakyu, lên xe buýt số 1 hoặc số 2 đi Hanbara. Tới bến Hanbara xuống xe, đi bộ khoảng 500 mét. Chùa Tinh Tấn Hamamatsu (Tỉnh Shizuoka) Khóa tu hằng tháng tại chùa Nhờ sự ủng hộ và đóng góp kinh phí của cộng đồng bà con người Việt Nam tại thành phố Hamamatsu nói riêng, cộng đồng đang sinh sống tại Nhật Bản nói chung, chùa được xây dựng năm 2018. Với sự chung tay của mọi người, chùa đã trở thành nơi nuôi dưỡng đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng của bà con người Việt ở khu vực lân cận. Chùa không những thường xuyên tổ chức ngày lễ mang tính chất tôn giáo như Đại lễ Phật Đản, lễ Vu Lan mà còn tổ chức các sự kiện sinh hoạt văn hóa dân tộc như các Tết tây, Tết cổ truyền, lễ tết trung thu. Chùa có tổ chức khóa tu vào Chủ Nhật đầu tiên mỗi tháng. Trong bối cảnh đại dịch covid-19, được sự ủng hộ của các mạnh thường quân, chùa kết hợp với một số tổ chức để hỗ trợ cho các bạn tu nghiệp sinh, du học sinh hoặc những hoàn cảnh khó khăn liên hệ nhờ giúp đỡ về lương thực, thực phẩm hoặc tư vấn về các thủ tục pháp lý cần thiết. Tháng 1/2020, nhà chùa đã tổ chức buổi hòa nhạc từ thiện “Xuân yêu thương” và đã có khoảng 1.000 người tham dự. Năm 2021, đã phân phối khoảng 300kg gạo cho những người gặp khó khăn. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang Facebook của Chùa Tin Tấn Chùa Tinh Tấn Địa chỉ Shizuoka-ken, Hamamatsu-shi, Nishi-ku, Ohkubo-cho, 6044-1-2 Điện thoại 090-9819-1987 (Thầy Thích Thánh Duyên) Đường đi Từ ga Hamamatsu (đường tàu JR) lên xe buýt số 37, tới bến Nishinohira thì xuống xe (khoảng 30 phút). Từ đó đi bộ khoảng 500 mét. Hoặc đi xe taxi từ ga Maisaka (Đường sắt JR) mất độ 15 phút.
05/08/2021
Tại Nhật Bản, cùng với số người Việt Nam đến sinh sống và làm việc tại Nhật ngày càng gia tăng, ngày càng nhiều ngôi chùa Việt Nam cũng được xây dựng ở khắp đất nước Nhật, góp phần vào việc hỗ trợ tinh thần, giúp đỡ cho người Việt gặp khó khăn trong cuộc sống và làm việc ở xa xứ. Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu những ngôi chùa Việt Nam ở khu vực phía Tây Nhật Bản. 1. Chùa Đại Nam (tỉnh Hyogo) Chùa Đại Nam do Đại đức Thích Nhuận Phổ - du học sinh đang học tại trường đại học Ryukoku đã cùng với quý phật tử phát tâm mua lại mảnh đất với diện tích 1400m2 vào năm 2013 để chuẩn bị xây dựng một ngôi chùa thuần Việt tại Nhật Bản. Hiện nay chùa do thầy Thích Tường Nghiêm trụ trì. Chùa có các hoạt động thường niên như tổ chức Tết dương lịch, âm lịch, lễ Phật Đản vào tháng 4, lễ Vu Lan Báo Hiếu, tết Trung Thu… Ngoài ra chùa còn tổ chức các khoá tu hàng tháng (đang tạm dừng vì dịch bệnh vi-rút corona). Sứ mệnh của nhà chùa là giúp bảo vệ cuộc sống cho cộng đồng người Việt Nam, hỗ trợ tư vấn về đời sống, công việc cho cộng đồng. Để làm được việc này, chùa thực hiện tư vấn cho người Việt Nam gặp khó khăn về cuộc sống, công việc, du học. Giúp cho chỗ ở hoặc lời khuyên và các hỗ trợ cần thiết khác. Chùa có các hoạt động cộng đồng như sau: ✔︎ Giao lưu văn hoá Việt Nhật ✔︎ Hỗ trợ tư vấn, giải đáp về đời sống, công việc cho người Việt Nam tại Nhật ✔︎ Hỗ trợ các thủ tục tang lễ cho người Việt không may mất ở Nhật Bản ✔︎ Hỗ trợ nhu yếu phẩm, quyên góp hỗ trợ lũ lụt miền trung, các hoàn cảnh bị lâm bệnh nặng không đủ điều kiện chữa trị tại nhật ✔︎ Xây trường, nuôi cơm cho trẻ em vùng cao Việt Nam Ngoài ra chùa còn phối hợp cùng chùa Cửu Tạng (久蔵寺) ở Fuchumachi của tỉnh Hiroshima và chùa Vĩnh Minh (永明寺) ở thành phố Kitakyushu của tỉnh Fukuoka để hướng dẫn đạo tràng tu tập và các lễ hội văn hoá Việt Nam cho cộng đồng người Việt Nam. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang web Chùa Đại Nam [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang web Chùa Cửu Tạng [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang web Chùa Vĩnh Minh Chùa Đại Nam Địa chỉ Hyōgo-ken Himeji-shi, Shigo-cho, Sakamoto 157-1 Điện thoại 079-258-0961、090-9259-0696 (Thầy Thích Đức Trí) E-mail dainamtemple@gmail.com Cách đi Ga Gochaku(御着) của tuyến đường sắt Kobe (JR), đi bộ khoảng 1,7km. Cách ga khoảng 400m có bến xe buýt đi tới gần chùa nhưng giữa đường phải đổi xe. Mỗi lượt đi tốn 440 yên. Nếu đi 3 người trở lên có thể đi taxi sẽ lợi hơn. 2. Chùa Hòa Lạc (tỉnh Hyogo) Chùa Hòa Lạc và chùa Đại Nam là 2 chùa liên kết với nhau, bắt đầu hoạt động từ năm 2011. Chùa có sứ mệnh như chùa Đại Nam trong việc hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật. Chùa thực hiện tư vấn cho người Việt Nam gặp khó khăn về cuộc sống, công việc, du học. Giúp cho chỗ ở hoặc lời khuyên và các hỗ trợ cần thiết khác. Tháng 4/2021, khi ban biên tập của Kokoro có dịp đến thăm chùa thì có thấy ngoài người nhà chùa còn có 2 người Việt Nam khác đang lưu trú. Một người phụ nữ độ 30 tuổi, vốn là thực tập sinh kỹ năng.Vì bị bệnh nên cô phải nghỉ việc và tìm đến chùa xin tá túc cho tới khi được về nước. Do không có sự hỗ trợ của nghiệp đoàn tiếp nhận nên chùa Hòa Lạc đã hỗ trợ cô. Một người khác là nam giới, vốn là du học sinh ở một trường tiếng ở Sendai. Nhưng vì không thể vừa đi học vừa đi làm thêm nên đã bỏ học và ở quá hạn visa (lưu trú bất hợp pháp) và làm việc. Tháng 11/2020, trong khi đang làm thêm trong ngành chuyển phát thức ăn thì bị cảnh sát bắt giữ. Tuy bị phán quyết là có tội nhưng được cho thi hành án treo. Em đã tìm đến chùa để mong có dịp làm lại cuộc đời. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang FB của chùa Hòa Lạc Chùa Hòa Lạc Địa chỉ Hyogo-ken, Kobe-shi, Nagata-ku, Higashi Shiri-ikechō 8-2-14 Điện thoại 078-651-6505、090-9259-0696 (Thầy Thích Đức Trí) E-mail Thầy trụ trì Đức Trí: thichductrijp@gmail.com Cách đi Cách ga Karumo(苅藻) của đường xe điện ngầm Kaigan độ 200m 3. Chùa Phước Quang (tỉnh Osaka) Thầy trụ trì chùa Phước Quang chào hỏi phật tử trước cửa chùa. Ảnh của báo Mainichi Thành phố Yao của tỉnh Osaka hiện có khoảng 2.000 người Việt Nam sinh sống. Chùa tọa lạc trên một con đường nhỏ gần nhà ga Yao (JR). Từ xa ta có thể nhìn thấy có cờ Phật cắm trên nóc chùa. Chùa được cải tạo lại từ một ngôi nhà dân thành nơi sinh hoạt tâm linh cho người Việt Nam ở đây vào năm 2014. Chùa có tổ chức khoá tu vào Chủ Nhật đầu tiên vào mỗi tháng. Một buổi thuyết pháp tại chùa. Ảnh của báo Mainichi Chùa Phước Quang có đặt bức tượng Phật được mang từ Việt Nam sang. Là nơi sinh hoạt tâm linh cho người Việt ở khu vực này. Đây cũng là nơi để cộng đồng Việt Nam gắn kết với nhau. xung quanh đó có nhiều cửa hàng thực phẩm của Việt Nam và cửa hàng ăn món Việt Nam. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang FB chùa Phước Quang Chùa Phước Quang Địa chỉ Osaka-fu, Yao-shi, Yasunaka-cho 7-5-10 E-mail chuaphuocquangyao@gmail.com Cách đi Cách ga Yao(八尾) của đường tàu Kansai honsen (JR) khoảng 800m 4. Chùa Phước Viên (tỉnh Hyogo) Chùa do thầy Thích Quảng Niệm trụ trì, là nơi sinh hoạt của cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Nhật. Chùa có tổ chức khoá tu vào Chủ Nhật tuần thứ 2 mỗi tháng. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] 福圓寺のFBページ Chùa Phước Viên Địa chỉ Hyogo-ken, Himeji-shi, Hanada-cho Takagi 194-4 Điện thoại 090-6464-8597 Cách đi Từ ga Himeji (JR) ra của Bắc, lên xe buýt Shinki(神姫)đi về hướng 城見台行き (Shiromidai yuki). Tới bến Ohshoji(大小路) thì xuống xe, đi bộ khoảng 1,4km. 5.Chùa Tokurin-ji (thành phố Nagoya, tỉnh Aichi) Chùa Tokurin-ji đã có hoạt động hỗ trợ người nghèo khổ và người tỵ nạn từ trên 30 năm qua. Khi xảy ra Đại động đất Đông Nhật Bản năm 2011 chùa cũng tiếp nhận nhiều người cơ nhỡ khó khăn. Trong nhiều năm, chùa cũng tiếp nhận các nhà sư và du học sinh người Việt Nam. Nhà chùa có cơ sở lưu trú dành cho người nghèo khổ cơ nhỡ và thường xuyên có khoảng 10 người sinh sống. Nhà sư trụ trì là thầy Takaoka Shucho. Từ năm 2020 chùa cũng tiếp nhận nhiều người nước ngoài bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch vi-rút corona, hỗ trợ tìm việc hoặc hồi hương, thực phẩm và nơi lưu trú. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Bài viết về chùa Tokurin-ji của KOKORO Chùa Tokurin-ji Địa chỉ Aichi-ken, Nagoya-shi, Tenpaku-ku, Nonami Aioi Điện thoại 052-896-1606 Cách đi Đường tàu điện ngầm Sakura-dori, xuống ra Aioiyama (相生山), đi bộ khoảng 600m. 6. Chùa Phước Huệ Aichi (thành phố Inazawa, tỉnh Aichi) Chùa Phước Huệ Aichi được thành lập vào tháng 4/2013, được Hòa thượng trụ trì chùa Đức Lâm (Tokurin-ji) Takaoka Shucho cố vấn và hỗ trợ nơi sinh hoạt trong khuôn viên Tokurin-ji. Năm 2019 chùa Phước Huệ Aichi đã mua được khu nhà cổ tại thị trấn Inazawa và tháng 4/2019, chùa chuyển về chỗ mới sinh hoạt cho đến hiện tại. Chùa do sư cô Thích Như Tâm trụ trì. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, nhà chùa đã kết nối với Hội Phật Tử Việt Nam Tại Nhật Bản, các vị mạnh thường quân xa gần với chương trình “Món quà yêu thương”, trực tiếp chuyển những phần lương thực, nhu yếu phẩm đến các bạn gặp khó khăn tại vùng Tokai (Aichi, Mie, Gifu) và một số vùng phụ cận. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Trang FB của chùa Phước Huệ Aichi Chùa Phước Huệ Aichi Địa chỉ Aichi-ken, Inazawa-shi, Sobue-cho, Shinmyozu, Jizaemonnishi 3192 Điện thoại 090-9915-5347 Cách đi Đường Bisai của đường sắt Meitetsu, xuống ra Kamimarubuchi(上丸渕), đi bộ khoảng 3,8km. Vào khóa tu một ngày, chùa có dịch vụ xe đưa đón.
13/08/2021
Tôi đến thăm chùa Tokurinji ở thành phố Nagoya vào một ngày đầu tháng sáu. Có khoảng chục phòng (chỗ ở) tại ngôi chùa, và khoảng 40 người Việt Nam cùng hai người Sri Lanka đang tá túc tại đó. Họ là những người gặp khó khăn trong cuộc sống tại Nhật do ảnh hưởng của vi-rút corona chủng mới. Một trong số họ có Hanh (tên đã được thay đổi, 25 tuổi), sang Nhật với tư cách là thực tập sinh kỹ năng tại một công trường xây dựng ở tỉnh Okinawa vào năm 2018. Có lần khi Hanh mắc lỗi trong công việc, cấp trên của Hanh đã dùng thanh thép xây dựng đánh vào đầu từ phía trên mũ bảo hiểm của Hanh. Một ngày nọ, sau khi bị đánh vào cẳng chân bằng thanh thép, Hanh thấy đau dữ dội và đã xin tư vấn với tổ chức quản lý chăm lo thực tập sinh (tức nghiệp đoàn tiếp nhận). Tuy nhiên, người phụ trách của nghiệp đoàn đã đến kiểm tra mà không có người phiên dịch cũng không xem xét kỹ lưỡng sự việc, chỉ bố trí cho Hanh đi khám bệnh và đề nghị cho Hanh một ngày nghỉ phép. Những chuỗi ngày sau đó, việc bắt nạt bằng cách dùng thanh sắt đánh vào đầu Hanh vẫn tiếp tục và khoảng 2 tháng sau đó Hanh đã trốn đi. Thực tập sinh trốn khỏi nơi làm việc sẽ trở thành người cư trú bất hợp pháp, nhưng vẫn có những công ty hoạt động trái phép giới thiệu công việc cho họ. Hanh tìm đến các công ty này và bắt đầu cuộc sống nay đây mai đó trên khắp nước Nhật. Làm công việc bán thời gian được khoảng một năm rưỡi thì Hanh bị mất việc do ảnh hưởng của vi-rút corona, cuối cùng bạn đã đến đầu thú tại Cục quản lý xuất nhập cảnh ở Nagoya. Được phép của Cục quản lý xuất nhập cảnh, Hanh được ở tại chùa Tokurinji cho đến khi rời Nhật Bản. Ảnh: Bạn Hanh (phía bên trái) Người chăm lo cho những người đang tá túc tại chùa Tokurinji là chị Dương Thị Thuỳ Dương (41 tuổi), Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Tokai. Chị Dương đến Nhật Bản từ năm 2001 và phụ trách việc tư vấn cho người Việt Nam tại địa phương. Chị đã trao đổi với nhà sư trụ trì Takaoka Shucho (76 tuổi), về việc giúp đỡ các thực tập sinh và lưu học sinh gặp khó khăn trong cuộc sống, và từ tháng Tư chùa Tokurinji bắt đầu cưu mang cho người Việt Nam. Khu nghỉ trọ tại chùa Phòng ngủ của khu trọ tại chùa Người tạm trú ở đây chủ yếu là những thực tập sinh kỹ năng, lưu học sinh... đến từ khắp nơi như Hokkaido, Kanagawa, Osaka, Kagoshima, v.v. nhưng bị mất việc và đã liên lạc với chị Dương thông qua Facebook. Trong khoảng 40 người tại đây thì 70-80% vốn là thực tập sinh kỹ năng, và hơn một nửa trong số họ là người cư trú bất hợp pháp giống như Hanh. Ngoài ra, còn có những người từng là du học sinh hay kỹ sư hiện không thể về nước được. Từ khoảng 30 năm trước, chùa Tokurinji bắt đầu tiếp nhận những người nghèo khó và người tị nạn, và năm 2011 chùa cũng tiếp nhận các nạn nhân của trận Đại động đất Đông Nhật Bản năm 2011 tới tá túc tại chùa. Nhà sư trụ trì Takaoka cho biết “Những người cư trú bất hợp pháp dù có đầu thú với Cục xuất nhập cảnh thì cũng không thể làm việc được. Chúng tôi tiếp nhận họ bởi cần phải có ai đó hỗ trợ cuộc sống cho họ. Do ảnh hưởng của vi-rút corona chủng mới nên không biết khi nào họ mới có thể về nước, cần phải tiếp tục hỗ trợ chi phí và thực phẩm cho họ.” Chùa cung cấp chỗ ở và thực phẩm, còn Hội người Việt Nam phụ trách phần còn lại, mỗi bên có vai trò riêng của mình. Các bạn sống ở đây tự nấu ăn, dọn dẹp và giặt giũ. Để chuẩn bị cho số người cần cưu mang có thể tăng lên, những người Việt Nam tá túc tại chùa đang giúp xây dựng nơi ở trọ mới (tháng 6/2020). 【Chùa Tokurinji】 ◇ Địa chỉ: 〒468-0037, Aioi Nonami, Tenpaku-ku, Nagoya-shi, Nhật Bản ◇ Tư vấn liên quan đến đời sống và công việc: Chị Dương, Phó chủ tịch - Hội người Việt Nam tại Tokai (080-3610-6997) ◇ Liên hệ quyên góp (thực phẩm, tiền) = Sư trụ trì Takaoka Shucho (052-896-1606)
12/06/2020
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có rất nhiều thực tập sinh và du học sinh người Việt bị mắc kẹt tại Nhật Bản và không thể về nước. Tuy nhiên, quy trình về nước đang dần dần trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Ngày 9/11 vừa qua, chị Ngọc (21 tuổi), thực tập sinh kỹ năng tại thành phố Nagoya, đã về được Việt Nam trên chuyến bay tự trả phí cách li của hãng VietJet. Chị Ngọc (bên phải) thời còn đang thực tập kỹ năng 〈Năm 2019〉 Về nước bằng chuyến bay tự trả phí cách li xuất phát từ Kagoshima Chị Ngọc thực tập kỹ năng tại một nhà máy ở thành phố Nagoya. Tháng 7 năm nay, chị đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị đã không thể về nước và ở lại nhà máy để làm các công việc như hướng dẫn cho thực tập sinh lứa sau... Khi biết thông tin trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản rằng chuyến bay tự trả phí cách li từ Kagoshima về Việt Nam đang nhận đơn đăng ký, chị đã ghi tên ngay. Ngày 6/11, chị nhận được thông báo từ Đại sứ quán rằng mình sẽ được về nước. Sau đó, tối ngày 9/11, chị đã từ Kagoshima bay về sân bay Vân Đồn ở phía Bắc và hiện tại đang cách ly tại một khách sạn trông ra biển. chuyến bay tự trả phí cách li hạ cánh tại sân bay Vân Đồn〈Ngày 9/11/2020〉 Chi phí về nước và cách ly Dưới đây là chi phí về nước và cách ly (đã bao gồm thuế). Toàn bộ tiền vé máy bay của chị Ngọc do công ty tiếp nhận thực tập chi trả. Trước khi xuất phát, chị Ngọc đã chuyển khoản toàn bộ các chi phí cho hãng hàng không và khách sạn. 1Tiền vé máy bay từ Nagoya đến Kagoshima: 16.240 yên 2Tiền vé máy bay từ Kagoshima đến sân bay Vân Đồn: 12.900.000 đồng (khoảng 58.800 yên) 3Chi phí cách ly tại khách sạn ở Hạ Long (2 tuần): 18.700.000 đông (khoảng 85.300 yên) 1Tiền vé máy bay từ Nagoya đến Kagoshima: 16.240 yên 2Tiền vé máy bay từ Kagoshima đến sân bay Vân Đồn: 12.900.000 đồng (khoảng 58.800 yên) 3Chi phí cách ly tại khách sạn ở Hạ Long (2 tuần): 18.700.000 đông (khoảng 85.300 yên) Vé điện tử chuyến bay VietJet của chị Ngọc (ảnh chụp màn hình điện thoại) Giấy tờ cần thiết khi về nước Khi về nước, chị Ngọc được công ty tiếp nhận thực tập và đoàn thể quản lý (nghiệp đoàn) chuẩn bị sẵn cho các giấy tờ như “Giấy chứng nhận hoàn thành thực tập kỹ năng”, “Giấy chứng nhận đóng bảo hiểm lương hưu”... Dường như phía công ty tiếp nhận muốn chị Ngọc ở lại Nhật Bản lâu thêm một chút nữa, nhưng chị Ngọc đã nhờ Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế (OTIT) chỉ đạo, nhờ đó, trước khi chị lên đường về nước, công ty tiếp nhận đã chuẩn bị sẵn các hồ sơ cho chị. Theo quy định về chế độ thực tập kỹ năng, công ty tiếp nhận thực tập phải thanh toán toàn bộ tiền vé máy bay sang Nhật và về nước của thực tập sinh. Vì vậy, nhờ chỉ đạo của OTIT mà chị đã được công ty tiếp nhận thanh toán toàn bộ tiền vé máy bay. Các giấy tờ cần thiết của chị Ngọc Bay từ Nagoya đến Kagoshima và từ Kagoshima về Việt Nam 4 giờ sáng ngày 9/11, người phụ trách của đoàn thể quản lý đã tới đón chị Ngọc tại kí túc xá công ty và đưa chị ra sân bay quốc tế Chubu ở Nagoya (sân bay Centrair) bằng xe ô tô. Máy bay xuất phát lúc 6 giờ 30 phút sáng từ sân bay Centrair và hạ cánh tại sân bay Kagoshima lúc 8 giờ sáng. Vì thủ tục check-in bắt đầu từ lúc 11 giờ trưa nên chị ngồi chờ ở sân bay. Trong thời gian chờ đợi, chị đã gặp một thực tập sinh nam của một công ty khác từng làm việc trong nhà máy ở gần Nagoya. Ngọc và bạn thực tập sinh này đã từng gặp nhau nhiều lần trong các buổi liên hoan nhóm thực tập sinh trong khu vực, nhưng vì đã lâu không liên lạc với nhau nên khi gặp ở đây, cả hai đều rất bất ngờ. 11 giờ trưa, thủ tục check-in bắt đầu. Sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm tra xuất cảnh, khi tới cửa ra máy bay, tất cả mọi người đều được phát quần áo bảo hộ và mặc ngay vào. Cùng lên chuyến bay này có rất nhiều thực tập sinh khác. Tại sân bay Kagoshima, chị Ngọc gặp lại một thực tập sinh làm việc ở nhà máy gần nơi chị thực tập〈Ngày 9/11〉 Việt Nam sau 3 năm xa cách! Đêm đó, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn. Chị Ngọc vẫn phải mặc nguyên quần áo bảo hộ làm thủ tục nhập cảnh rồi lên xe buýt. Xe chạy khoảng 1 tiếng đồng hồ thì về tới khách sạn trong thành phố Hạ Long. Chị Ngọc ở trong phòng khách sạn rất đẹp cùng một phụ nữ lớn tuổi hơn. Người phụ nữ này nói rằng mình đi sang thăm cháu từ tháng 3 năm nay và có thời hạn lưu trú 6 tháng, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đã không thể về nước. Bữa sáng tại khách sạn hôm sau khi về nước〈Ngày 10/11〉 Bữa sáng hôm sau khi về nước có món phở. Khi cách ly tại khách sạn, không ai được phép ra hành lang, ăn uống ngay tại phòng. Mặc dù không được ra khỏi phòng như vậy cũng bất tiện, nhưng từ cửa sổ phòng khách sạn, chị Ngọc có thể trông thấy biển và đường phố nên vẫn có thể ngắm cảnh. Dự định tối ngày 23/11, gia đình chị ở Hải Dương sẽ đến khách sạn để đón chị về. Vì đã xa nhà 3 năm 4 tháng nên chị Ngọc đang đếm từng ngày để được gặp lại gia đình. Phong cảnh nhìn từ phòng khách sạn〈Thành phố Hạ Long, ngày 10/11〉 Khi gặp khó khăn, trước hết, hãy trao đổi với OTIT Khi chị Ngọc bắt đầu chuẩn bị về nước, công ty tiếp nhận thực tập của chị đã không chuẩn bị ngay tiền vé máy bay và giấy tờ cho chị. Ngày 6/11, khi nhận được thông báo từ đại sứ quán cho biết mình được bay chuyến thuê bao về nước, chị đã nghỉ làm để đi đến văn phòng của OTIT tại Nagoya. Trước đó, chị đã nhận tư vấn từ các đoàn thể hỗ trợ ở Nagoya như Hội hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài (Gaikokujin Jissyusei Shien)... và chuẩn bị sẵn một lá thư đơn giản để mang đến văn phòng OTIT. Trong thư có ghi tên tuổi, số thẻ lưu trú và ngày giờ với nội dung: “Tôi là thực tập sinh kỹ năng ở thành phố Nagoya. Tháng 7 vừa qua, tôi đã kết thúc quá trình thực tập nhưng do dịch COVID-19, tôi đang mắc kẹt lại Nhật Bản”, và “Tôi đã đặt được vé máy bay về nước, nhưng công ty không trả ngay tiền vé máy bay cho tôi”... Sau khi đưa thư này cho văn phòng OTIT, có hai người phụ trách bộ phận đến gặp và lắng nghe chị trình bày sự việc. Hội hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài(Facebook) Trang tư vấn của OTIT Sau khi nghe chuyện của chị Ngọc, hai cán bộ này đã liên lạc với công ty và đoàn thể quản lý để thúc giục các đơn vị này nhanh chóng giải quyết. Khi chị Ngọc quay về công ty, ngay trong ngày hôm đó chị nhận được đầy đủ giấy tờ cần thiết cũng như tiền vé máy bay để về nước. Trong khách sạn cách ly〈Thành phố Hạ Long, ngày 10/11〉 Lời nhắn nhủ của chị Ngọc Dưới đây là lời nhắn nhủ của chị Ngọc dành cho các độc giả người Việt. Gửi các bạn thực tập sinh Việt Nam Nếu may mắn, khi đến Nhật Bản, các bạn sẽ gặp được công ty và những người tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có quá trình thực tập kỹ năng thuận lợi và may mắn. Vì vậy, những khi gặp khó khăn, khổ sở, hãy trao đổi với những người có thể trợ giúp các bạn. Tuyệt đối đừng im lặng mãi cho đến lúc không chịu đựng nổi lại bỏ trốn khỏi chỗ làm. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm cách trao đổi và xin tư vấn của những người hoặc các đơn vị hỗ trợ hoặc OTIT, các bạn nhé! Gửi các bạn thực tập sinh Việt Nam Nếu may mắn, khi đến Nhật Bản, các bạn sẽ gặp được công ty và những người tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có quá trình thực tập kỹ năng thuận lợi và may mắn. Vì vậy, những khi gặp khó khăn, khổ sở, hãy trao đổi với những người có thể trợ giúp các bạn. Tuyệt đối đừng im lặng mãi cho đến lúc không chịu đựng nổi lại bỏ trốn khỏi chỗ làm. Thay vào đó, hãy cố gắng tìm cách trao đổi và xin tư vấn của những người hoặc các đơn vị hỗ trợ hoặc OTIT, các bạn nhé! Quá trình học tiếng Nhật của chị Ngọc Lá thư chị Ngọc đưa cho OTIT được viết bằng tiếng Nhật. Chị Ngọc cũng giải thích toàn bộ tình hình cho cán bộ của OTIT bằng tiếng Nhật. Đúng là OTIT có nhân viên phiên dịch, nhưng không phải lúc nào họ cũng có mặt để hỗ trợ. Hơn nữa, khi có thêm người phiên dịch, để có thể trình bày được chính xác tình hình và được hiểu rõ hoàn cảnh sẽ mất rất nhiều thời gian. Chính nhờ năng lực tiếng Nhật mà OTIT đã giải quyết khó khăn cho chị nhanh chóng như vậy. Chị Ngọc sang Nhật từ tháng 7/2017 và không lâu sau đó chị đăng ký học tiếng Nhật với tổ chức phi lợi nhuận “Lotus Works”, mỗi tuần học 2 lần qua Skype. Mỗi tuần, chị Ngọc luyện viết tiếng Nhật hơn 20 trang vở và nộp bài cho giáo viên của Lotus Works. Tháng 12/2019, chị đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N2, và khi được KOKORO phỏng vấn để viết bài trải nghiệm, chị cũng đối đáp trôi chảy bằng tiếng Nhật. Mặc dù đỗ vào trường đại học quốc lập danh tiếng, nhưng do hoàn cảnh gia đình, chị Ngọc đã không đi học đại học mà chọn sang Nhật Bản. Người viết bài này rất mong chị Ngọc có thể phát huy kinh nghiệm có được ở Nhật cũng như năng lực tiếng Nhật của mình để có thể mở ra một tương lai sáng lạm ở Việt Nam. Lotus Works (2 thứ tiếng) Bài viết “Kinh nghiệm của tôi” về chị Ngọc: “Thi đỗ trường đại học quốc lập nhưng sang Nhật làm thực tập sinh kỹ năng” (2 thứ tiếng) Vở học tiếng Nhật của chị Ngọc
19/11/2020
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài