Category | Tin mới nhất
Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...
7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất
02/05/2024Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...
18/03/2024Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản
13/03/2024Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Gặp gỡ sempai số này Phan Thị Cẩm Thúy Tháng 6/2017Tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Trãi 〈Tỉnh Bến Tre〉 Tháng 2/2018Làm việc tại một cửa hàng ăn uống 〈Tỉnh Bến Tre〉 Tháng 12/2018Nhập học trường Nhật ngữ 〈Hồ Chí Minh〉 Tháng 8/2019Đến Nhật và theo học lớp tiếng Nhật tập trung Tháng 10/2019Bắt đầu thực
13/08/2020
Khi bắt đầu làm việc ở Nhật, bạn sẽ nhận ra một số cách dùng tiếng Nhật khác với những gì bạn đã được học trong sách vở đấy! Thứ khiến mình bị bất ngờ đầu tiên là “ngôn ngữ chào hỏi”. Một hôm, mình làm thêm từ sáng ở một nhà hàng và đã gặp một chuyện như thế này. Bạn đồng nghiệp người Nhật đến làm vào buổi chiều nhưng khi đó bạn ấy lại chào là “おはようございます”. Mình thấy hơi lăn tăn, buổi chiều mà cũng có thể chào là “おはよう” hay lịch sự hơn là “おはようございます” à? Người Nhật dùng thì chắc là có thể dùng như vậy, tuy nhiên mình vẫn muốn biết rõ nguồn gốc và cách sử dụng đúng nên mình đã ngập ngừng thử hỏi những người xung quanh. 1. Ngôn ngữ chào hỏi trong công ty Dù là buổi chiều cùng chào “おはようございます” Như các bạn đã biết, “おはようございます” là câu chào vào buổi sáng. Nhưng ở một số nơi làm việc, vào buổi chiều, khi gặp đối phương lần đầu tiên, họ cũng chào là “おはようございます”. Đặc biệt là những nhà hàng, quán ăn hay các nơi có liên quan tới nghệ thuật, dù đã tối khuya thì họ cũng có thói quen chào như vậy. Hơn nữa, ngày càng nhiều các bạn trẻ hay các bạn sinh viên hiện nay cất tiếng chào là “おはようございます” với người mình gặp lần đầu vào buổi chiều. Điều này có thể là vì các bạn sinh viên làm thêm tại các nhà hàng, quán ăn v.v. đã bị “ngấm” cách chào của nơi làm thêm nên đã đem cách chào đó vào trường đại học cũng như trường chuyên môn v.v. Thông thường, vào buổi chiều mọi người sẽ chào “こんにちは” nhưng đối với những người thân thiết hay những người ngày nào mình cũng gặp, nếu chào là “こんにちは” thì sẽ có cảm giác xa cách nên hơi khó sử dụng. Vì vậy, thay vào đó, cách chào được sử dụng phổ biến là “お疲れさま”, một số nơi thì chào là “おはよう(ございます)”. Đối với bạn bè, mình có thể chào là “おはよう”, nhưng đối với khách hàng hoặc người lớn tuổi hơn, mình phải chào một cách lịch sự là “おはようございます”. Tuy nhiên, nhiều công ty sử dụng "おはようございます" vào buổi sáng và "お疲れさまです" khi bạn gặp nhau lần đầu tiên vào buổi chiều. Các bạn hãy quan sát thói quen chào hỏi tại nơi làm việc nhé. Lời chào vạn năng “お疲れさまです” Có một lời chào vạn năng để giữ vững các mối quan hệ trong đời sống, đó chính là “お疲れさまです(でした)” (bạn đã vất vả rồi). Câu chào này được xếp ngang hàng với những câu như “ありがとうございます” (cảm ơn), “すみません” (xin lỗi) v.v., đây là một trong những lời chào tạo nên mối quan hệ tốt tại nơi làm việc ở Nhật. Tại nơi làm việc, những người ở lại sẽ nói với người về trước là “お疲れさまでした”. Còn bản thân người về trước sẽ nói “お疲れさまでした” hoặc “お先に失礼します” (tôi xin phép về trước). “お疲れさまです” còn có thể sử dụng để nói với sempai (tiền bối), đồng nghiệp khi họ từ bên ngoài về văn phòng, hoặc nói với người mình gặp lần đầu tiên vào buổi chiều. Nếu bạn làm việc bên ngoài công ty vào buổi sáng, sau đó về công ty làm việc vào buổi chiều thì bạn sẽ chào những người trong công ty là “お疲れさまです”. Khi đó những người nhận được lời chào đó cũng sẽ chào lại là “お疲れさまです”. Với những đồng nghiệp thân thiết hoặc kohai (hậu bối), bạn cũng có thể chào ngắn gọn là “お疲れさま”. Không chào là “ご苦労さま” với người trên Có một hôm, sau thi kết thúc công việc và định ra về, mình được sếp chào là “ご苦労さまです” (bạn đã vất vả rồi). Vậy thì “ご苦労さまです” và “お疲れさまです” khác nhau như thế nào nhỉ? Theo nguyên tắc, “ご苦労さまです” không dùng với người trên. Lời chào này thường được người trên (sếp) chào người dưới (nhân viên). Nếu bạn được sếp chào như vậy thì không có vấn đề gì, nhưng bạn đừng chào lại sếp là “ご苦労さまでした” nhé. Ngược lại, “お疲れさまです” có thể dùng để chào cả người ngang hàng mình và người trên. Đối với người trên, nếu bạn chào là “お疲れさまでございます” thì càng lịch sự hơn. 2. Những câu chào hỏi đối với đối tác Cách nói お世話になっております “お世話になっております” là một lời chào được coi như tiêu chuẩn đối với các bên là đối tác kinh doanh. Bạn sẽ thường nghe thấy cách nói này khi bắt đầu một công việc hoặc dự án. Bạn cũng có thể đã từng nghe thấy cụm từ “お世話になります”. Vậy, sự khác biệt giữa hai cách nói này là gì? “お世話になっております” thể hiện lòng biết ơn vì đã "tiếp tục giúp đỡ" chẳng hạn như khi có một giao dịch "đã được giúp đỡ" và “お世話になります”để nói về các giao dịch và mối quan hệ sẽ tới "trong tương lai". Nó được sử dụng để truyền đạt kỳ vọng và lòng biết ơn với đối tác. Ngoài ra, “お世話になっております” và “お世話になります” không chỉ được dùng khi gặp trực tiếp, mà còn được dùng khi gọi điện thoại hoặc gửi email. 3. Cách diễn đạt thường thấy trong email 何卒(なにとぞ)よろしくお願いいたします Khi gửi email cho một đối tác kinh doanh, chúng ta thường sử dụng một câu chào như "いつもお世話になっております" ở đầu câu và một câu nói như "引き続きよろしくお願いいたします" ở cuối câu. Có lần mình đã thấy một email từ một đối tác kinh doanh có ghi là “何卒よろしくお願い申し上げます”. Ơ, "何卒よろしくお願い申し上げます" có nghĩa là gì? Từ này được sử dụng để nhấn mạnh ý nghĩa. Nó có nghĩa tương tự với từ "どうか", nhưng "何卒お願いいたします" phù hợp là một từ dùng trong kinh doanh hơn là "どうかお願いいたします". Ý nghĩa của "よろしくお願いいたします" là vậy nhưng nếu bạn muốn đưa ra một yêu cầu mạnh mẽ, hãy thêm "何卒" vào trước nó. Nhân tiện thì, "よろしくお願いいたします" là một cách diễn đạt lịch sự hơn "よろしくお願いします" đấy. Và cách nói "よろしくお願い申し上げます" là cách nói lịch sự nhất trong tất cả. "申し上げます" là một cách diễn đạt khiêm tốn, đưa cái tôi thấp xuống so với đối phương (khiêm nhường ngữ). 4. Những từ dùng trong giao tiếp qua điện thoại với đối tác Nếu được hỏi điều băn khoăn nhất khi lần đầu tiên làm việc tại Nhật Bản là gì, với mình chính là việc "nhận liên lạc từ đối tác qua điện thoại". Mình lo lắng về việc sử dụng các kính ngữ khác nhau và thường không biết chính xác tên và yêu cầu của đối tác kinh doanh là gì. Ngoài ra, có khi xảy ra những sự nhầm lẫn lên đến đỉnh điểm bởi vì mình không biết sự khác biệt giữa cuộc gọi cần được chuyển tiếp cho người trong công ty và những cuộc gọi chỉ bán hàng quảng cáo. Bạn có thể sử dụng các cụm từ “承知しました” hay “承知いたしました”, “かしこまりました” trong khi trả lời các cuộc gọi điện thoại này. Cả hai đều là cách diễn đạt lịch sự để diễn đạt bạn "đã hiểu" và "đã rõ vấn đề" đối với những giải thích và yêu cầu của đối phương. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục trả lời những từ tương tự như かしこまりました lặp lại mọi lúc, hãy thử trả lời bằng cách dùng khác đi các từ hay dùng nhiều như “かしこまりました” hay “承知いたしました”. Từ đó, có thể phát triển cách nói tiếng Nhật kinh doanh một cách tự nhiên hơn. Lần này, mình đã giới thiệu các từ chào hỏi được sử dụng trong các tình huống công việc khác nhau. Hãy quan sát cách những người Nhật xung quanh bạn sử dụng những lời chào bạn và đặc biệt, hãy chú ý họ dùng những từ này "với ai", "khi nào" và "trong tình huống nào" nhé!
02/08/2021
Từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ở Nhật Bản đã có rất nhiều người đeo khẩu trang từ khoảng nửa cuối tháng 2 đến nửa đầu tháng 5 hằng năm. Đây là biện pháp để chống chọi với chứng “kafunsho” (dị ứng phấn hoa), là triệu chứng dị ứng nặng xảy ra khi niêm mạc mắt, mũi phản ứng với phấn hoa mà rất nhiều người ở Nhật mắc phải. Chính bản thân tôi khi sang Nhật cũng bị mắc chứng kafunsho này. Sau đây, tôi xin được chia sẻ lại trải nghiệm của mình với kafunsho và các biện pháp để đối phó. “Kafunsho” là gì? ⬤ Triệu chứng của kafunsho Các triệu chứng đặc trưng của “kafunsho” là ngứa mũi, ngứa mắt, hắt hơi nhiều lần, ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu. Hai loại cây đặc biệt dễ gây ra kafunsho là sugi (tuyết tùng) và hinoki (bách xoắn). Hai loại cây này được trồng rất nhiều ở các vùng núi ở Nhật Bản. Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, nếu gặp phải những triệu chứng sau đây thì đáng tiếc thay, có thể nói là bạn đã bị mắc chứng kafunsho hoặc sau này có khả năng cao sẽ bị kafunsho: - Ngứa mũi và thường xuyên hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi - Ngứa mắt - Ngứa rát họng - Nhức đầu, chóng mặt ⬤ Người Việt như tôi cũng bị kafunsho Qua xét nghiệm máu, tôi được chẩn đoán là dị ứng với cây sugi và hinoki Kafunsho không phải là chứng bệnh gì nguy hiểm đến tính mạng, nhưng do triệu chứng tồn tại trong thời gian dài nên người mắc phải cảm thấy vô cùng khổ sở. Bản thân tôi đã bị mắc kafunsho từ 5 năm trước. Ngày đó, tôi bị ngứa mũi, hắt hơi còn mắt thì ngứa khủng khiếp và tình trạng đó kéo dài suốt cả tuần rồi đến 10 ngày sau cũng không thuyên giảm. Không thể chịu đựng nổi nữa, tôi đi khám tai mũi họng và nhờ đó mới biết là mình đã bị “kafunsho”. Kafunsho là bệnh của toàn dân Nhật Bản? Tại sao ở Nhật lại có nhiều người bị kafunsho nhỉ? Chứng bệnh này bắt đầu trở nên phổ biến từ khoảng năm 1970. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, trong khoảng thời gian 20 năm kể từ năm 1945, người Nhật trồng rất nhiều cây sugi và hinoki trên khắp các vùng miền để làm nguyên liệu gỗ, vì vậy, hoa của các cây này bắt đầu nở từ khoảng năm 1970. Oái oăm thay, người ta cho rằng có đến khoảng ¼ dân số Nhật Bản dị ứng với phấn hoa của 2 loại cây này. Nguyên nhân gây kafunsho chính là phấn hoa từ các khu vực rừng núi của Nhật Bản bay tới, vì vậy, chỉ cần rời khỏi Nhật Bản là các triệu chứng lập tức biến mất. Tôi nghe nói rằng vào khoảng thời gian này, người Nhật mà sang Việt nam để đi du lịch hoặc công tác thì vô cùng sảng khoái vì được giải phóng bởi nạn kafunsho. Làm thế nào để phân biệt COVID-19 và kafunsho Năm nay, vi-rút corona chưa qua phấn hoa đã tới, quả thật là hoạ vô đơn chí. Khi bị ho, ngạt mũi, mệt mỏi… nhiều bạn chắc sẽ hoang mang không biết mình bị làm sao, chỉ bị kafunsho hay là nhiễm vi-rút corona mất rồi. Tuy nhiên, bệnh do vi-rút corona gây ra và kafunsho có điểm khác biệt rất lớn. “Ngứa mũi kinh khủng”, “hắt hơi không ngừng”, “ngứa mắt” là những triệu chứng rất đặc trưng của kafunsho. Ngoài ra, người bị kafunsho về cơ bản sẽ không có các triệu chứng như sốt cao hay đau mỏi cơ như bệnh do vi-rút corona gây ra. Tuy nhiên, nếu cảm thấy lo lắng thì các bạn hãy đến khám tại các cơ sở y tế nhé. Cách đối phó với kafunsho (bằng dược phẩm) Quầy bán các sản phẩm đối phó với kafunsho ở hiệu thuốc Vì hằng năm đều phải chiến đấu với kafunsho nên người Nhật đã nghĩ ra nhiều “vũ khí” và “chiến lược” để đối phó với chứng bệnh này. Dưới đây, tôi xin chia sẻ với các bạn kinh nghiệm rút ra sau 5 năm chống chọi với kafunsho. Nếu không may bị kafunsho thì các bạn hãy thử áp dụng xem sao nhé. Trước hết là các biện pháp dùng thuốc. ⬤ Các loại thuốc khắc phục chứng kafunsho Thuốc nhỏ mắt cho người bị kafunsho Phương pháp hữu hiệu nhất đối với tôi là dùng dược phẩm. Cứ đến mùa kafunsho là các hiệu thuốc ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản lại dựng một quầy hàng riêng bày bán các sản phẩm có dòng chữ 花粉症対策 (đối phó với kafunsho). ■ Thuốc uống Giảm nhẹ các triệu chứng kafunsho. Các loại thuốc uống này đa số gây buồn ngủ nhưng vẫn có cả các loại thuốc quảng cáo là không gây buồn ngủ nữa. Giá cả của từng loại thuốc là rất khác nhau nhưng trường hợp của tôi thì mỗi tháng tốn khoảng 3.800 yên. ■ Thuốc nhỏ mũi Chữa triệu chứng sổ mũi và nghẹt mũi. Giá tiền từ 700 ~ 800 yên. ■ Thuốc nhỏ mắt Đây là thuốc làm giảm triệu chứng ngứa mắt. Giá của các loại thuốc này rất khác nhau, dao động từ vài trăm lên đến vài nghìn yên. ⬤ Mua thuốc theo đơn kê của bác sĩ sẽ rẻ hơn Ưu điểm của các loại thuốc kể trên là có thể mua dễ dàng tại các hiệu thuốc hoặc mua qua mạng, không cần có đơn kê của bác sĩ. (Tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay chắc cũng sẽ khiến nhiều người không muốn đến bệnh viện khám phải không nhỉ). Tuy nhiên, các loại thuốc này thường có giá cao. Trong khi đó, nếu đi khám tại phòng khám hoặc bệnh viện, các bạn sẽ nhận được đơn thuốc của bác sĩ. Những ai tham gia bảo hiểm y tế và sử dụng bảo hiểm này khi mua thuốc thì một phần tiền thuốc sẽ được bảo hiểm chi trả và giá sẽ rẻ hơn so với tự mua thuốc ngoài cửa hiệu. Cách đối phó với kafunsho (ngoài dùng thuốc) Kính phòng chống kafunsho bán tại cửa hàng 100 yên Ngoài thuốc ra, còn có một số biện pháp đối phó với kafunsho như dưới đây. ■ Đeo khẩu trang Bây giờ, khẩu trang đã trở thành vật dụng quen thuộc hằng ngày. Dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa qua đi nên hãy thường xuyên đeo khẩu trang nhé. ■ Rửa mắt Rửa trôi phấn hoa bám trên niêm mạc mắt. Có cả dung dịch chuyên dụng để rửa. ■ Rửa mũi Bằng cách súc rửa mũi, ta có thể rửa trôi phấn hoa khỏi khoang mũi. Khi chưa quen với việc này, có thể sẽ bị đau nhưng quen rồi thì sẽ cảm thấy rất dễ chịu. Có cả dung dịch chuyên dùng để rửa mũi. ■ Kính chống phấn hoa Để bảo vệ mắt khỏi phấn hoa, mỗi khi ra đường tôi luôn đeo kính chống phấn hoa. Các loại kính này có phần chụp bảo vệ để chắn không cho phấn hoa bay vào mắt. Có cả các loại kính quảng cáo là "ngăn chặn được 90% phấn hoa". Có thể mua được kính chống phấn hoa tại các cửa hàng 100 yên. ■ Không phơi quần áo, chăn đệm ra ngoài trời Để phấn hoa không dính vào quần áo và chăn đệm, có thể phơi quần áo trong nhà hoặc dùng máy sấy quần áo. Việc phơi quần áo trong nhà còn có tác dụng tránh bị dính cát vàng bay từ Trung Quốc sang vào mùa này. ■ Dùng máy lọc không khí Nếu có điều kiện, hãy sắm máy lọc không khí loại tốt dùng trong nhà. Ngoài việc trực tiếp lọc phấn hoa, nếu dùng tính năng giữ ẩm thì cũng có thể ngăn chặn bớt phấn hoa bay trong phòng. Trong bài viết lần này, tôi đã chia sẻ với các bạn về chứng kafunsho (dị ứng phấn hoa) mà rất nhiều người Nhật mắc phải. Chắc hẳn có nhiều bạn chưa từng nghe nói đến “kafunsho” trước khi sang Nhật Bản, nhưng cũng có trường hợp vừa sang Nhật đã bị mắc luôn như tôi. Nếu không may bị kafunsho thì các bạn hãy nhớ lại các nội dung bài viết này nhé.
12/03/2021
Gặp gỡ sempai số này Chị Phạm Phi Hải Yến Tháng 5/2002Tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm 〈Vĩnh Long〉 Tháng 9/2002Vào học Khoa Kỹ thuật xây dựng trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP Hồ Chí Minh Tháng 4/2007Vào làm việc tại công ty vốn nước ngoài về nội thất, làm việc tại đây
07/08/2020
Gặp gỡ sempai số này Lê Trung Hải Tháng 5/2014Tốt nghiệp trường THPT Phan Châu Trinh 〈TP Đà Nẵng〉 Tháng 9/2014Nhập học trường Nhật ngữ Đông Du 〈Hồ Chí Minh〉 Tháng 10/2015Tốt nghiệp trường Nhật ngữ Đông Du Tháng 10/2015Nhập học khoa tiếng Nhật trường Kamimura Gakuen 〈Tỉnh Kagoshima〉 Tháng 3/2017Tốt nghiệp khoa tiếng
05/08/2020
Đang có việc ở bên ngoài thì điện thoại hết pin hoặc là bỏ quên sạc dự phòng ở nhà...có bao giờ bạn gặp phải những ca khó xử như thế này không? Từ giờ bạn sẽ không cần phải đau đầu vì chuyện này nữa bởi lẽ hiện nay đã có dịch vụ cho thuê pin dự phòng vô cùng thuận tiện. Bạn có thể thuê nó ở một số nơi như các cửa hàng tiện lợi (combini), rồi trả lại nó ở bất kì chỗ nào bạn muốn. Bản thân mình đã có cơ hội dùng thử dịch vụ cho thuê pin dự phòng tại cửa hàng tiện lợi rồi nên sau đây mình sẽ chia sẻ một vài trải nghiệm của mình nhé. Thuê pin dự phòng cho điện thoại di động Dịch vụ này cho phép bạn thuê pin dự phòng cho điện thoại di động tại các điểm có đặt trạm sạc pin dự phòng. Pin dự phòng thường được đặt tại cửa hàng tiện lợi, quán karaoke, sân bay, nhà ga tàu điện lớn… Hiện nay trên thị trường có một số đơn vị cung cấp pin dự phòng cho thuê như Charge SPOT ▽JUREN ▽Mocha ▽hay ChargeMe. Mình đã phát hiện ra dịch vụ của Charge SPOT đặt tại khu ăn uống tại chỗ trong hệ thống cửa hàng tiện lợi Family Mart (như trong hình). Phí sử dụng dịch vụ và các cổng sạc hỗ trợ Phí sử dụng dịch vụ Mức phí sử dụng dịch vụ thuê sạc pin (chưa bao gồm thuế) như sau: ① Dưới 1 giờ bạn phải trả 150 yên, ② Dưới 48 giờ là 300 yên, ③ Từ sau 48 giờ trở đi, cứ thêm 1 ngày bạn phải trả thêm 150 yên. Bạn có thể thuê tối đa tới 168 giờ, tức 7 ngày kể từ ngày thuê. Nếu quá 7 ngày mà bạn chưa trả lại pin dự phòng bạn sẽ phải trả 2.280 yên (bao gồm phí sử dụng và tiền phạt do không trả lại pin đúng hạn). Nếu bạn thanh toán phí dịch vụ bằng Apple Pay, Paypay, MerPay hay, bạn sẽ phải đặt cọc 2508 yên (đã bao gồm thuế) và khi kết thúc sử dụng dịch vụ, số tiền này sẽ được trừ đi phần phí dịch vụ tương ứng và được hoàn trả lại cho bạn. Hỗ trợ nhiều cổng sạc Pin dự phòng hỗ trợ 3 loại cổng sạc là USB C, cổng dành cho iPhone và cổng Micro USB, do đó có thể đáp ứng được nhu cầu sạc pin cho hầu hết các loại điện thoại thông minh có trên thị trường hiện tại. Làm thế nào để thuê pin dự phòng? Sau đây mình sẽ giới thiệu cho các bạn các bước để thuê pin dự phòng ChargeSPOT nhé. ① Đầu tiên bạn truy cập vào kho ứng dụng của Apple (App Store) hoặc Android (Google Play), tìm “ChargeSPOT” để tải về. ② Sau khi tải xong, bạn mở ứng dụng lên và cho phép ứng dụng sử dụng thông tin xác định vị trí. Sau đó bạn cần nhập số điện thoại và nhận mã số qua tin nhắn rồi ấn nút đăng nhập. ③ Sau khi đăng nhập, bạn ấn vào dòng chữ “Tìm kiếm các trạm sạc pin dự phòng quanh đây” trên thanh tìm kiếm. ④ Sau khi chọn địa điểm thuận tiện, bạn tới đó dùng điện thoại thông minh đọc mã QR. Sau khi đọc mã, trên màn hình điện thoại sẽ hiện thị thông tin về cửa hàng nơi đặt trạm sạc, mức phí sử dụng dịch vụ… ⑤ Sau khi đã kiểm tra các thông tin, bạn chọn phương thức thanh toán và trên màn hình điện thoại sẽ hiển thị dòng chữ “Mời nhận pin” đồng thời trạm sạc sẽ tự động đẩy một thanh pin nhô lên lên. Khi đó bạn chỉ cần lấy thanh pin đó ra là có thể sử dụng rồi. Trả pin dự phòng ở bất kì đâu bạn muốn! Cách trả lại pin cũng rất đơn giản. ① Bạn có thể kiểm tra xem nơi nào có thể trả được pin dự phòng qua ứng dụng ban đầu. Bạn có thể trả pin ở một địa điểm khác, không nhất thiết phải là nơi bạn đã thuê. Khi muốn trả lại pin bạn cũng ấn vào nút “Tìm kiếm các trạm sạc pin dự phòng quanh đây” trên thanh tìm kiếm và danh sách các trạm mà bạn có thể thuê hoặc hoàn trả thiết bị ở gần đó sẽ được hiển thị trên màn hình điện thoại. ② Sau khi tới nơi đặt trạm sạc, bạn chỉ cần cắm thanh pin vào một trong các ô trống của trạm sạc là xong. Ngoài ra không cần thao tác gì thêm trên ứng dụng nữa. Thông qua ứng dụng, bạn cũng có thể kiểm tra lại thông tin trạm sạc nơi đã trả lại cũng như lịch sử giao dịch, thanh toán. Kết luận Trên đây mình đã giới thiệu về cách thuê pin dự phòng, mức phí cũng như cách trả lại pin của dịch vụ ChargeSPOT. Theo cảm nhận cá nhân của mình thì việc đăng kí thông tin ban đầu cũng như thiết lập phương thức thanh toán qua ứng dụng có thể hơi khó khăn đối với một số người không quen thao tác trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên bạn chỉ cần thiết lập xong những thông tin đó thì còn lại việc thuê pin rất đơn giản. Ngoài ra khi bạn trả lại pin cũng không nhất thiết phải tới đúng địa điểm bạn đã thuê mà có thể trả lại ở bất kì trạm sạc pin nào nếu còn chỗ trống. Do vậy bạn có thể thuê pin ở nơi bạn đi du lịch và trả lại ở một nơi gần nhà. Khi điện thoại của bạn hết pin, đồng nghĩa với việc bạn không thể xem được bản đồ hay tra cứu giờ tàu chạy, không thể thanh toán bằng mã QR…Nhất là đối với khách du lịch hoặc những bạn mới sang Nhật còn chưa thông thạo tiếng, do điện thoại hết pin mà không sử dụng được các ứng dụng dịch thì quả là bất tiện. Dịch vụ cho thuê pin dự phòng sẽ là cứu cánh của bạn những lúc như thế. Sau khi đọc bài này, nếu cần thiết, các bạn dùng thử xem sao nhé!
25/03/2021
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài