Category | Tin mới nhất
Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...
7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất
02/05/2024Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...
18/03/2024Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản
13/03/2024Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Trần Mạnh Hùng Sinh năm 1992, quê ở thành phố Hải PhòngTháng 5/2009: Tốt nghiệp trường trung học phổ thông Thủy SơnTháng 9/2009: Nhập học trường ngoại ngữ tại Việt NamTháng 7/2011: Nhập học trường Nhật ngữ tại tỉnh ChibaTháng 4/2013: Nhập học trường chuyên môn “Cao đẳng quốc tế IT Nihon”, tỉnh ChibaTháng 4/2016: Nhập học Đại học
24/07/2019
Các bạn có biết trẻ em tiểu học ở Nhật Bản mỗi khi đi học phải đi theo một đường đi đã định sẵn không? Bạn có nhận thấy rằng đường bộ ở Nhật Bản khá yên tĩnh, ít khi nghe tiếng còi xe ô tô không? Hoặc bạn đã từng gặp khó khăn khi tìm số nhà ở Nhật Bản bao giờ chưa? Chúng ta cùng tìm hiểu lý do vì sao nhé. Trẻ em đi học và tan học theo lộ trình cố định Việc đi học và tan học của trẻ con tại Nhật và Việt Nam có sự khác biệt vô cùng lớn. Ở Việt Nam, khi học trường tiểu học công lập, đa phần trẻ em sẽ được bố mẹ, ông bà đưa đón hàng ngày. Nhà trường sẽ quản lý học sinh trong khuôn viên trường, còn ra khỏi khuôn viên trường thì do gia đình quản lý. Nhưng ở Nhật thì rất khác. Đối với học sinh tiểu học, vào đầu năm học bố mẹ sẽ được nhà trường phát một tấm bản đồ và nhiệm vụ của phụ huynh là kẻ đường mà con mình sẽ đi bộ đi học và đi bộ về nhà mỗi ngày. Sau khi thống nhất với phụ huynh về lộ trình đi học và tan học thì học sinh có trách nhiệm và nghĩa vụ phải đi và về theo đúng lộ trình đó. Ngoài ra thì ở Nhật sẽ không có chuyện bố mẹ đưa đón con đi học trừ trường hợp có lý do đặc biệt. Thay vì việc đưa đón, nhiều trường áp dụng hình thức “đi học theo nhóm” từ vài em tới khoảng chục em một nhóm. Còn lúc tan học đi không cần đi theo nhóm. School Zone - Khu vực trường học Ở Việt Nam, đa phần học sinh tiểu học được cha mẹ đưa đón con cái bằng xe máy nhưng ở Nhật thì các em phải tự đi bộ tới trường. Và để đảm bảo an toàn, chính quyền thành phố sẽ cắm biển báo hoặc in xuống đường dòng chữ “School Zone”, nghĩa là “Khu vực trường học” để xe ô tô chú ý. Ngoài ra, chính quyền còn chỉ định một số ngôi nhà an toàn mà học sinh có thể chạy vào xin giúp đỡ nếu gặp tình huống ngoài ý muốn. Những ngôi nhà an toàn này sẽ được dán dòng chữ “Kodomo 110 ban no ie" bên ngoài cửa. Bấm còi để… cảm ơn Tham gia giao thông ở Việt Nam, điều quen thuộc nhất của chúng ta chính là những tiếng còi xe. Người Việt tạo nên một bản giao hưởng tiếng còi trên đường vì nhiều mục đích khác nhau, nhưng đa phần là để thông báo với xe khác và người đi bộ về sự hiện diện của mình trên đường. Nhưng ở Nhật, bạn sẽ nhận về những ánh mắt khó chịu, nếu bỗng dưng lại bấm còi. Giao thông Nhật rất ít tiếng còi, nếu không muốn nói là gần như không có. Tôi có hỏi một vài người bạn Nhật thì được biết đa phần người lái xe ở Nhật luôn đặt nặng việc nhường nhịn lẫn nhau nên ít khi bấm còi. Cũng có những lúc họ chỉ bấm còi thì đó là khi cảm thấy thực sự nguy hiểm hoặc là người lái xe hơi “ngang tàng” một chút. Có những lúc người lái xe bấm còi, nhưng đó là một tiếng còi rất ngắn và nhỏ “Pip” hoặc “Pip pip” là để cảm ơn người hoặc xe khác đã nhường đường cho mình. Một người bạn của tôi sống ở thành phố Nagasaki từng bị cảnh sát dừng xe chỉ vì lỡ tay bấm còi xin vượt hơi nhiều. Ở Nhật Bản việc cố tình xin vượt (lái xe không an toàn) và bấm còi để cố tình vượt cũng là vi phạm luật. Số nhà phức tạp Tại Hà Nội nói riêng, việc tìm địa chỉ dựa vào số nhà là tương đối dễ dàng. Ví dụ số 25 Hàng Đào, 95 Nguyễn Thái Học hay phức tạp hơn thì số 30, ngõ 200 u Cơ… Còn tại Sài Gòn thì bạn cũng chỉ cần thêm tên quận là xong. Nhưng ở Nhật, nếu bạn không có một thiết bị kết nối Internet trong tay và định tìm nhà dựa vào số thì không đơn giản chút nào đâu nhé. Người Nhật đánh số nhà theo khu vực hoặc từng khối (block) nhà. Ví dụ sau tên khu vực có ghi địa chỉ là 1-13-22 thì con số này lần lượt có nghĩa là trong tiểu khu 1 (1-chome) sẽ có khối nhà 13 (13-banchi) và trong khối nhà 13 này sẽ có ngôi nhà số 22. Thêm một khác biệt rất lớn nữa: Ở Việt Nam, đa phần thì các con phố sẽ có số nhà liên tiếp. Ví dụ nhà số bên lẻ 1, 3, 5, 7 và bên kia đường là số chẵn 2, 4, 6, 8… Tuy nhiên, ở Nhật thì số nhà được quyết định dựa vào thời điểm căn nhà đó được xây. Và điều đó có nghĩa là có nhiều trường hợp, 2 căn nhà cạnh nhau chưa chắc đã có 2 số nhà nối tiếp theo quy luật như ở nước ta. Tuy nhiên, người Nhật lại đánh mã bưu chính cho từng khu vực và điều này rất tiện lợi để chúng ta tìm kiếm thông tin trên mạng. Chỉ cần nhập mã bưu chính của toà nhà vào ứng dụng bản đồ là tự động hệ thống sẽ tìm ra địa chỉ chính xác của toà nhà đó. Hoặc ngoài mã số bưu điện, ta viết thêm tên của tòa nhà nữa thì ứng dụng bản đồ sẽ hướng dẫn bạn dễ dàng tìm được nơi cần đến.
08/07/2021
“Lau đũa khi đi ăn ở quán”, “Mượn điện thoại của bạn để thử game”, những việc tưởng chừng như đơn giản nhưng ở Nhật Bản có lẽ không được hoan nghênh cho lắm, so với người Việt thì người Nhật ít gọi điện cho cha mẹ. Chúng ta cùng tìm hiểu về sự khác biệt này Nhật Bản nhé. Vào quán ăn đừng lau đũa Việc dùng tờ giấy ăn lau chiếc đũa, hoặc chà xát hai chiếc đũa vào nhau để những vụn gỗ và dằm gỗ rơi ra ở Việt Nam là hoàn toàn bình thường. Chúng ta lau đũa như một thói quen diễn ra trong vô thức. Nhưng nếu sự vô thức này theo bạn sang Nhật thì coi chừng nhé. Hành động vệ sinh chiếc đũa bằng bất kỳ cách nào, đối với chủ quán ăn có thể bị coi là bất lịch sự. Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện có thật 100%: Vào năm 2013, tôi và một người bạn vào một quán ramen ở Kyoto. Sau khi đưa phiếu order món cho phục vụ, chủ quán mang cho chúng tôi 2 ly trà. Vào thời điểm đó, ở Việt Nam rất thịnh xem phim Hong Kong. Trong phim Hongkong thì ly trà đó có 2 tác dụng: Hoặc dùng để uống, hoặc để thực khách nhúng chiếc đũa vào đó vệ sinh rồi dùng giấy ăn lau khô (trong các quán ăn Việt Nam thì muốn có trà uống phải mất tiền, còn trà miễn phí phần lớn để… nhúng đũa). Chúng tôi theo thói quen nhúng 2 đôi đũa vào đó rồi xin chủ quán tờ giấy ăn để lau. Đang từ hồ hởi, gương mặt chủ quán bỗng dưng sầm lại, trở nên không thoải mái. Sau một hồi do dự, chủ quán tiến về phía chúng tôi cố gắng nói bằng tiếng Anh: Chiếc đũa sạch rồi, bạn không cần vệ sinh đâu. Lúc đó tôi mới hiểu người Nhật mở quán ăn phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu vệ sinh khắt khe. Họ rửa bát, đũa rồi hấp chúng bằng hơi nước nóng đảm bảo sạch nhất có thể, nên hành động khách lấy đũa ra lau chẳng khác nào mắng chủ quán để đũa bẩn. Họ tự ái là một chuyện, thực khách khác nhìn vào rồi xì xào mới là vấn đề. Vậy nên sang Nhật, hãy tuyệt đối tin tưởng vào sự sạch sẽ, chỉn chu của họ nhé. Ít gọi điện cho bố mẹ Bạn rời quê nhà lên thành phố học đại học hoặc đi làm, bố mẹ thì vẫn sống dưới quê. Chuyện này ở cả Việt Nam và Nhật Bản đều như nhau. Tuy nhiên, giữa người Việt và người Nhật sẽ có một khác biệt vô cùng lớn về văn hoá như sau. Ở Việt Nam, do xa nhà nên mật độ gọi điện về quê hỏi thăm bố mẹ của đa phần sinh viên hoặc lao động xa quê là rất thường xuyên. Tôi biết vài cô bạn làm thực tập sinh ở Nhật, ngày nào cũng phải gọi điện tỉ tê với mẹ cả tiếng đồng hồ. Thật ra cũng không có vấn đề gì. Nhưng nếu bạn tâm sự thói quen này với người Nhật, tôi tin chắc rằng họ sẽ rất ngạc nhiên đấy. Tại sao? Vì người Nhật xa quê rất ít khi gọi điện về cho bố mẹ. Đa phần người Nhật khi đã ra ở riêng thì thường là rất bận rộn và vì vậy ít có khi gọi điện về cho cha mẹ ở nhà. Ngược lại, cha mẹ vì lo lắng cho con cái nên thường hay gọi điện cho con. Tuy nhiên, nhiều người, nhất là nam giới trẻ, thường không kiên nhẫn nói chuyện qua điện thoại với cha mẹ nên dần dà, cha mẹ cũng giữ ý, ít gọi điện cho con cái. Để an ủi cha mẹ khỏi buồn, từ xưa người Nhật có câu: “Tayori ganai no wa yoi tayori”, nôm na là “không có tin tức gì có nghĩa là tin tốt”, nếu có gì cần thì chắc con sẽ gọi điện hoặc viết thư về thôi. Năm 2020, tôi có trải nghiệm ở homestay tại thị trấn nằm ngay cạnh núi Phú Sĩ: Fuji Yoshida. Bà chủ nhà có con đang làm việc ở tận Fukuoka và chính bà thừa nhận với tôi là “cũng không nhớ chính xác lần gần nhất con trai tôi gọi về là lúc nào, chắc là vào dịp năm mới. Nhưng nó cũng chỉ có nói “con khỏe” với lại “con bận”, thế thôi”. Điều này được chấp nhận trong văn hoá Nhật, nhưng nó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc tình cảm gia đình của người Nhật lỏng lẻo hơn Việt Nam đâu nhé. Chẳng qua đây là văn hoá thôi. Để phòng chống tội phạm lừa đảo, nhiều người gọi điện cho cha mẹ thường xuyên hơn. Trong bối cảnh xã hội Nhật Bản đang già hóa hiện nay, nhiều người lo lắng cho cha mẹ già nên thường xuyên gọi điện hơn trước. Vì ít khi gọi điện, nên có nhiều trường hợp bọn tội phạm giả làm con cái, gọi điện để lừa người già theo kiểu “Lừa đảo Ore ore” , khiến cho các cụ tin là con cái mình đang gặp khó khăn, cần phải giúp đỡ và đã chuyển tiền cho bọn lừa đảo. Để phòng tránh hiện tượng này, trên toàn nước Nhật đều kêu gọi “Hãy tích cực gọi điện cho cha mẹ”. Đừng mượn điện thoại Ở Việt Nam, mượn điện thoại bạn bè, đồng nghiệp để thử chất lượng chụp ảnh, chơi game là điều bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ phải trải nghiệm cảm giác bị từ chối khi ngỏ ý mượn điện thoại người Nhật đó. Đối với người Nhật thì điện thoại là vật riêng tư, và đặc biệt là có thể chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà họ không muốn bị lộ. Kể cả bạn không tò mò đến mức chui vào album ảnh hoặc lục lọi các folder chứa thông tin trong điện thoại thì người Nhật cũng cảm thấy rất không thoải mái vì lo ngại “nhỡ người ta xem được thì sao”. Vì vậy mà rất hiếm có trường hợp mà người Nhật hỏi mượn điện thoại của người khác. Nếu bạn sống ở Nhật, bạn sẽ biết được quy tắc bất thành văn là đối với người Nhật “dù có là người trong gia đình đi chăng nữa thì cũng không xem điện thoại của người khác” và cũng “không sờ vào điện thoại của người khác”. Có một người Nhật từng kể với tôi rằng, anh ta sống chung với một người nước ngoài ở ký túc xá và để bảo vệ chiếc điện thoại của mình, anh ta thậm chí còn mang cả điện thoại vào phòng tắm.
04/06/2021
Giữa tình hình dịch bệnh do vi-rút corona chủng mới bùng phát thì gần đây, một loại hình dịch vụ lại đang thu hút được nhiều sự chú ý. Ship đồ ăn đến tận nhà, từ trước đến nay tiếng Nhật vẫn gọi là “demae" hay “takuhai", nhưng thời gian gần đây, do Internet và điện thoại thông minh trở nên phổ biến nên dịch vụ này trở nên dễ sử dụng hơn rất nhiều. Hiện nay, tại Nhật Bản thì dịch vụ “Demae-can" và “Uber Eats" là nổi tiếng nhất. Mặc dù cả hai dịch vụ này có điểm chung là khách hàng có thể lựa chọn thực đơn của rất nhiều cửa hàng khác nhau, nhưng mỗi dịch vụ lại có hệ thống và đặc trưng hoàn toàn khác biệt. Sau đây, tôi xin được giới thiệu với các bạn về những điểm đáng chú ý cũng như cảm nhận thực tế khi sử dụng hai dịch vụ này. Thời gian gần đây, ta rất dễ bắt gặp các nhân viên đưa hàng của Uber Eats Demae-can: “Lão làng” Demae-can chính thức bắt đầu cung cấp dịch vụ ship đồ ăn từ năm 2000. Trước đây, nói đến “demae" thì mọi người sẽ hình dung đó là kiểu kinh doanh dùng tờ rơi và tạp chí để quảng cáo, và nhân viên quán sẽ tự đi giao hàng bằng xe đạp, xe máy hoặc ô tô. Tuy nhiên, Demae-can lại nhận uỷ thác từ các cửa hàng ăn uống, đứng ra làm đầu mối thay mặt các cửa hàng thực hiện việc tiếp nhận, thu thập đơn đặt hàng, giao hàng, giải quyết khiếu nại qua Internet, và xây dựng nên một hệ thống rất mới lạ vào thời điểm đó. Gần đây, ngoài việc hợp tác với các công ty như NTT Docomo hay LINE để mở rộng mạng lưới, công ty còn bắt tay với các toà báo có mạng lưới nhân viên giao báo trên khắp cả nước để tăng số lượng nhân viên giao hàng. Uber Eats: Số lượng đơn hàng, cửa hiệu và nhân viên giao hàng cùng tăng vọt! Uber Eats đã triển khai dịch vụ ở khắp các nước trên thế giới. Đối với thị trường Nhật Bản, năm 2016, công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Tokyo. Đặc trưng riêng độc đáo của dịch vụ này là “nhân viên giao hàng chính là người dân”. Các cửa hàng ăn uống sẽ không cần nhân viên giao hàng nữa. Và không chỉ ship các món như sushi hay pizza, Uber Eats có thể giao cho khách rất nhiều thực đơn với các dạng đồ ăn phong phú. Chỉ cần đặt hàng từ ứng dụng điện thoại hoặc máy tính, cửa hàng và shipper sẽ được kết nối với nhau. Đây là cơ chế giúp đưa được đồ ăn đến tay khách hàng với hiệu quả rất cao. Cách làm này cũng giống như các dịch vụ ship đồ ăn đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam như các Grab hay Go-Jek. Nhận xét sau khi dùng thử dịch vụ Tôi đã thử dùng hai dịch vụ này để gọi đồ ăn. Mặc dù cùng thao tác trên trang web nên việc tải ứng dụng hay nhập thông tin cho cảm giác tương tự nhau, nhưng tôi cũng đồng thời nhận thấy khá nhiều điểm khác biệt. Điểm mạnh của Demae-can ・Quy mô trên toàn quốc! Quả thực xứng danh là dịch vụ “lão làng", Demae-can cung ứng dịch vụ trên khắp cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, phạm vi giao hàng của Demae-can rộng hơn hẳn so với Uber Eats. ・Tạo cảm giác an tâm Thời gian chờ giao hàng được ghi rõ ràng, và đồ ăn trên thực tế được giao đúng hẹn. ・Chỉ thu thêm phí giao hàng Đôi khi cũng có cửa hiệu miễn luôn cả phí giao hàng. * Trong khi đó, Uber Eats thì thu thêm cả phí giao dịch, phí dịch vụ. ・Có thể thanh toán cả bằng tiền mặt Ví dụ một thực đơn của Demae-can Điểm mạnh của Uber Eats ・Giao hàng nhanh chóng! Có lẽ là nhờ hệ thống ghép quán và người giao hàng đã nêu ở trên chăng? ・Có thể xem được người giao hàng đang đi tới đâu Nhờ tính năng GPS, khách hàng có thể yên tâm vì biết được chính xác shipper đang đi tới đâu. ・Có thể đặt hàng dù chỉ một món Nhiều dịch vụ ship đồ ăn khác thường quy định số tiền đặt hàng hay số suất ăn tối thiểu, nhưng với Uber Eats, bạn có thể đặt duy nhất một món cũng được. * Tuy nhiên, thay vào đó, với các đơn hàng có giá trị dưới 700 Yên, khách sẽ bị thu thêm 150 yên tiền phí giao dịch. ・Người giao hàng rất lịch sự! Đây là một trong những điều khiến tác giả bài viết rất ấn tượng. Trước khi đặt hàng, tôi đã lo lắng vì nghe nói rằng “Mọi người mặc trang phục tự do, cũng chả biết shipper là người như thế nào”, nhưng cuối cùng người giao hàng lại cư xử hết sức đúng mực. → Sau khi nhận hàng xong, tôi mới hiểu lý do. Uber Eats có tính năng “đánh giá người giao hàng” ngay trong ứng dụng. Đây là tính năng nhằm cải thiện tác phong, thái độ của người giao hàng. ・Có thể đặt mua cả bữa ăn trưa tại một quán cà phê nhỏ ở địa phương Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của Uber Eats. Trong hoàn cảnh bệnh dịch vi-rút corona như hiện nay, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người mua hàng mà còn là cứu cánh đắc lực cho các quán ăn nữa. ・Có thể thanh toán cả bằng tiền mặt. Uber Eats quả thực có nhiều ưu điểm, nhưng… ・Hơi đắt và có gì đó không hoàn toàn an tâm? Uber Eats quả thực có rất nhiều điểm mạnh, nhưng cảm nhận thành thật của tác giả bài viết là “Hơi đắt thì phải…”. Ngoài phí vận chuyển, người mua còn bị thu thêm phí thủ tục và 10% phí dịch vụ. Hơn nữa, trong trường hợp của tôi thì không có trục trặc gì xảy ra, nhưng tôi có cảm giác rằng nếu phát sinh vấn đề gì đó trong việc đặt hàng, thì dù có gọi điện thoại đến quán cũng khó mà giải quyết được. Vì dịch vụ này còn mới nên tôi hi vọng sẽ có thêm các cải tiến sau này. Một số cửa hàng chấp nhận đặt đồ bằng cả hai dịch vụ Kết luận Ngoài hai dịch vụ đã nêu ở trên, dịch vụ giao hàng của các cửa hàng, quán ăn khác, ví dụ như “McDelivery" của McDonald’s, cũng đang có nhiều cải tiến. Trong hoàn cảnh phải hạn chế ra ngoài như hiện nay, các bạn hãy thử sử dụng dịch vụ ship đồ ăn một cách “tài tình” để được thưởng thức những món ăn thật ngon miệng nhé!
22/05/2020
Văn hóa doanh nghiệp cũng như phương thức làm việc của Nhật Bản được thế giới chú ý. Người Việt Nam mới đến làm việc ở Nhật, ban đầu không khỏi có những ngạc nhiên, bỡ ngỡ. Một trong những điểm được công ty Nhật Bản coi trọng là “Việc không tên”. Đó là những việc như thế nào? Ngoài ra, có thật sự là người Nhật “Coi trọng công việc hơn gia đình” hay không? Những “Việc không tên” Tôi có 16 năm làm việc ở Việt Nam và 3 năm gần đây làm lễ tân trong một khách sạn tại Nhật. Ở Việt Nam, ví dụ sếp ra lệnh: Thay cho chú một bình nước mới vào cây lọc nước, tôi sẽ vác bình nước mới, thay thế cái bình rỗng và thế là xong. Tôi nghĩ rằng đa phần các bạn đang đọc bài này cũng đồng ý rằng, sếp nhờ thay bình nước thì thay thôi. Ở Nhật thì khác. Không chỉ thay bình mà người làm việc đó sẽ để ý xem nước có bị tràn ra khay không, còn cốc giấy trong ống đựng hay không. Nếu nước bị lem ra khay, họ sẽ tự động đi tìm một cái khăn để lau sạch. Nếu nhìn thấy cốc giấy gần hết họ sẽ tự cho thêm vào v.v. Tôi gọi đó là những công việc không tên. Ở Nhật Bản, người được coi là “làm được việc” là người biết làm những “việc không tên” như vậy. Việc lau khay, thêm cốc giấy v.v như vậy, trước sau gì cũng có người phải làm để phục vụ khách hàng. Nếu như lúc thay bình mà không nhận ra những việc nhỏ như vậy và làm ngay thì lúc khác sếp cũng sẽ nhận ra và phải cử người khác làm. Hoặc chả may có người khách dùng mà hết cốc và góp ý… thì sếp lại phải xử lý. Thế nên nếu nhân tiện khi thay bình mà làm luôn mấy việc đó thì đỡ được cả sếp lẫn khách. Tôi cho rằng đây chính là một trong những đặc điểm tốt trong văn hóa công sở của Nhật Bản. Vậy tại sao nhiều người Nhật có ý thức như vậy? Lý do là vì do các doanh nghiệp ở Nhật thường huấn luyện nhân viên nói chung là khi làm việc, hãy luôn nghĩ “một việc này có liên quan tới một việc khác ra sao”. Ngoài ra, người Nhật có câu “Nghe một, biết mười”. Nếu việc gì cũng phải nghe chỉ thị từ 1 đến 10 mới làm thì chưa thành “người lớn” được. Chỉ cần nghe một mà học được nhiều, nghe một chỉ thị mà liên hệ được tới các việc khác để tự mình có cách xử lý mới là điều quan trọng. Đây là câu nói phổ biến tại nơi làm việc của Nhật Bản từ rất lâu đời và là một trong những yếu tố quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay. Người Nhật coi trọng công việc hơn gia đình? “Hôm nay con em ốm, sếp cho em về sớm 2 tiếng nhé”, “Hôm nay phải đi họp phụ huynh, cho phép em đến muộn nhé”, “Hôm nay đưa mẹ đi khám, em xin nghỉ nhé” v.v Đây là những đoạn hội thoại cực kỳ phổ biến trong các công sở Việt Nam. Cá nhân tôi cũng từng xin nghỉ làm để đưa con đi nhổ răng, vì bác sĩ quen của gia đình chỉ làm trong giờ hành chính. Từ phía các lãnh đạo cơ quan, họ cũng rất vui vẻ chấp thuận và coi việc “đặt gia đình lên trên công việc” là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên ở Nhật, vì lý do gia đình mà nghỉ việc, đi muộn, về sớm không được coi là chuyện đương nhiên. Người làm công ăn lương ở Nhật thường nghĩ “Nếu thường xuyên đi muộn, về sớm, nghỉ việc v.v thì sẽ ảnh hưởng tới việc thăng tiến”. Trước khi phải nói với công ty thì thường người ta tự mình cố gắng giải quyết việc riêng bằng cách nhờ cha mẹ hoặc bạn bè để không làm ảnh hưởng tới công việc. Thường các công ty ở Nhật không có chuyện nghỉ việc đột xuất. Ngoài ra, cách suy nghĩ “trong thời gian đã quy định thì việc của ai người nấy phải làm” là rất phổ biến. Cho nên nếu không xong việc thì người ta phải làm thêm cho xong mới về. Có người đi làm cả vào ngày nghỉ. Việc làm thêm giờ hoặc làm việc vào ngày nghỉ như vậy có trường hợp không được trả tiền làm thêm, và được gọi là “Service zangyou” , có nghĩa là làm thêm không lương, và đây là vấn đề tồn đọng lâu năm trong các doanh nghiệp Nhật Bản. Ý thức “Coi trọng công việc hơn gia đình” đã ngự trị lâu dài trong các doanh nghiệp Nhật và là động lực cho sức mạnh cạnh tranh của Nhật, nhưng nhiều người chỉ ra rằng cần phải cân bằng trong cách nghĩ này. Trường cấp 1 của con tôi là một ví dụ mà tôi đã trực tiếp chứng kiến: Để chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp, các giáo viên trong trường đã tình nguyện ở lại làm việc trong 2 ngày 2 đêm không về nhà. Bạn của con gái tôi có mẹ là một trong những giáo viên đó. Cô bé mới học lớp 6 nhưng đã tự giác về nhà, tự mua thức ăn tại cửa hàng tiện lợi, tự giác vệ sinh cá nhân, tự giác đi ngủ vì bố cô bé cũng làm việc tới khuya mới về nhà. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ có cách suy nghĩ “Coi trọng cuộc sống riêng hơn là thăng tiến hoặc danh vọng” và điều này buộc các doanh nghiệp buộc phải thay đổi văn hóa làm việc. Chính phủ Nhật cũng thực hiện cái gọi là “Cách mạng cách làm việc” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Nhờ đó mà các doanh nghiệp cũng đang dần thay đổi ví dụ như khích lệ người lao động sử dụng ngày nghỉ phép, linh hoạt cho nhân viên nghỉ sớm v.v.
14/05/2021
Ở Nhật, đừng thản nhiên đứng ăn uống trong các cửa hàng tiện lợi mà không biết cửa hàng đó có thể ăn uống hay không, không mang ô đã ướt vào siêu thị, trung tâm thương mại và khi cởi trần thì... đừng gọi video các bạn nhé. [THẠCH LONG] Ăn uống trong cửa hàng tiện lợi Trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K đã trở thành địa chỉ tụ tập quen thuộc của giới trẻ ở Việt Nam. Gần như không thời điểm nào trong ngày mà các cửa hàng Circle K vắng bóng các bạn trẻ ngồi ăn uống, nói chuyện, hút thuốc, học bài, hay thậm chí là… ngủ. Sang tới Nhật, số lượng cửa hàng tiện lợi sẽ còn nhiều gấp cả chục lần và độ tiện lợi thì cũng nâng lên vài lần. Tuy nhiên, không phải tất cả các cửa hàng tiện lợi đều cho phép bạn ăn uống hay ngồi tám chuyện trong đó. Chỉ có những cửa hàng tiện lợi có thiết kế khu ăn uống riêng biệt thì bạn mới được phép ngồi ăn một cốc mỳ tôm, nhấm nháp ly café. Còn nếu không thấy bất kỳ dấu hiệu tồn tại nào của bàn ghế thì làm ơn hãy ra khỏi cửa hàng để ăn uống nhé, đừng để nhân viên phải ra gãi đầu gãi tai nhắc “Làm ơn đừng ăn uống trong này”, ngại lắm. Thêm vào đó thì cũng không phải tất cả các cửa hàng tiện lợi ở Nhật đều cho phép bạn hút thuốc trước cửa. Nếu họ dựng gạt tàn ở góc thì hãy hút thuốc, còn nếu không thì đừng phì phèo thuốc lá trước cửa các chuỗi cửa hàng tiện lợi nhé, ảnh hưởng tới người già và trẻ nhỏ vì hút thuốc lá thụ động thì mất vui. Không mang những chiếc ô đã ướt vào cửa hàng Sống ở Việt Nam, tôi đã quá quen với việc mỗi khi trời đổ mưa là không chỉ mặt đường ướt nhẹp, mà sàn nhà của những trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn… cũng ướt lép nhép theo. Do hoàn cảnh khách quan nên đa phần người Việt sẽ mang cả ô ướt, thậm chí mặc nguyên áo mưa ướt sũng đi vào siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Nhưng sang tới Nhật thì bạn phải đặc biệt chú ý tới những chiếc ô đã ướt của mình nhé. Trước cửa ra vào của gần như tất cả các trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn đều sẽ có những chỗ để túi nilon để bọc chiếc ô của bạn lại. Thường sẽ có 2 loại tủ treo túi nilon để bọc ô. Thô sơ thì chỉ là những chiếc túi nilon bọc ô được treo trên một cái giá để trước cửa. Bạn sẽ tự lấy một chiếc túi rồi tự cho ô vào. Còn hiện đại hơn thì là những chiếc máy cho phép bạn cắm chiếc ô vào rồi rút ra là tự động ô của bạn được bao bọc trong một lớp túi nilon. Trong trường hợp bạn không thể tìm được một chiếc túi nilon để bọc chiếc ô của mình thì cứ chịu khó tìm nhé, kiểu gì cũng sẽ nhìn thấy một thiết bị để lau khô chiếc ô ướt sũng của mình. Cho chiếc ô vào, quay đi quay lại vài lần là chiếc ô sẽ trở nên khô ráo. Đặc biệt vào mùa mưa, người Nhật còn tự trang bị cho mình những chiếc túi chuyên dụng đựng ô gấp . Bạn chỉ cần cho chiếc ô của mình vào trong, lắc vài lần để những sợi microfiber thấm hút toàn bộ nước. Những chiếc túi này ngày càng được khuyến khích sử dụng để giảm thiểu việc sử dụng túi nilon không thân thiện với môi trường. Lúc cởi trần thì… đừng gọi video Chuyện thế này: Mới đây một đồng nghiệp người Nhật của tôi nhận được video call của anh bạn Việt Nam trẻ tuổi hơn, từ Việt Nam gọi sang. Người bạn Việt Nam trước có ở Nhật, nay đã về nước và đôi khi gọi video call để kể về tình hình hiện nay với anh bạn đồng nghiệp của tôi. Anh đồng nghiệp người Nhật của tôi vui mừng nhận cuộc gọi nhưng khi nhìn thấy hình ảnh người bạn Việt Nam trong điện thoại thì ngạc nhiên quá sức. Chả là anh chàng người Việt Nam đang cởi trần gọi điện thoại. Anh bạn Nhật có nhẹ nhàng khuyên “Đừng cởi trần khi gọi điện cho người khác nhé” nhưng anh bạn Việt Nam chắc không để ý, vẫn tươi cười bắt đầu câu chuyện. Hình ảnh người bạn Việt Nam cởi trần gọi video call khiến anh bạn tôi bị… sốc nặng. Với người Nhật hoặc châu u thì tác phong và trang phục là một phần trong nghi lễ xã giao. Ở VN việc vào mùa Hè, việc nam giới có thể thoải mái mặc quần đùi, cởi trần đi ở ngoài đường thì cũng không hẳn là hiếm có. Thêm nữa, các bạn trẻ Việt Nam sống ở Nhật Bản, lúc tụ tập ăn uống với nhau trong phòng mình thì việc ở trần cũng không phải là hiếm có. Nhưng ngoài những nơi như bãi biển hay bể bơi chắc không bao giờ ta thấy cảnh mọi người cởi trần rồi nói chuyện với nhau. Khi gọi video cũng tương tự. Chúng ta hãy lưu ý khi gọi điện với người Nhật thì hãy mặc áo cho đàng hoàng, đừng ở trần mà người đối diện tưởng nhầm mình là… kẻ đang say rượu gọi điện nhé.
07/04/2021
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài