Category | Tin mới nhất
Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...
7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất
02/05/2024Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...
18/03/2024Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản
13/03/2024Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Các bạn có biết “White day” (hay còn gọi là ngày Valentine trắng) ở Nhật Bản? Ở Nhật có văn hóa con gái sẽ tặng sô cô la cho người con trai mình thích vào ngày lễ tình nhân. Một tháng sau, ngày 14 tháng 3, con trai sẽ tặng quà để đáp lại tình cảm của người con gái đó, ngày này được gọi là Valentine trắng. Người ta cho rằng văn hóa tặng sô cô la vào ngày lễ tình nhân ở Nhật bắt nguồn từ ngành sản xuất bánh kẹo. Khi văn hóa này xuất hiện ở các quảng cáo truyền hình, nam giới bắt đầu có động thái tặng đáp lại cho nữ giới. Các công ty sản xuất bánh kẹo đã “bắt tay vào triển khai”, biến ngày 14 tháng 3 thành ngày tặng đáp lễ, và đặt tên là “Ngày Valentine trắng”. Hơn nữa còn thực hiện các chiến dịch lớn như quảng cáo lặp đi lặp lại nhằm khuyến khích nam giới tặng lại bánh kẹo cho nữ giới. Tuy quy mô không lớn bằng ngày lễ tình nhân nhưng nó cũng khiến văn hóa này trở nên gần gũi. Nó bắt đầu có từ những năm 70. Nguồn gốc của ngày Valentine trắng “White day” nghe nói do màu trắng là màu biểu tượng của tình yêu thuần khiết, dễ thương giống với tình yêu của giới trẻ. Như vậy, thói quen tặng bánh kẹo vào ngày Valentine và Valentine trắng được ra đời và phát triển ở Nhật. Ngày nay đã ít người quan tâm, tuy nhiên trong các loại bánh kẹo tặng vào ngày White day vẫn ẩn chứa các thông điệp: ■ Marshmallow (kẹo xốp) (có 2 ý nghĩa) ① Loại có sô cô la bên trong → Nghĩa là “Tình ý của bạn (sô cô la) được bao bọc bởi tình cảm thuần khiết (Marshmallow)” =(thích) ② Nghĩa là “Không thể đáp lại tình cảm của bạn. Gói trả lại nhẹ nhàng”. ■ Cookie (Bánh quy) ・Bánh quy khô có nhiều loại → Hàm ý là “Chỉ muốn trở thành một trong số những người bạn”. ■ Candy (Kẹo) ・Vị ngọt được giữ lâu trong miệng + cứng khó vỡ → Hàm ý là “Tôi yêu em”. Ngày nay, không chỉ bánh kẹo, mà còn có thể tặng nhiều quà khác như trang sức, mỹ phẩm, hoa… Điều quan trọng là đối phương thích gì. Các bạn nam hãy cố gắng chọn các món quà tuyệt vời để tặng nhé. (^_^)
02/03/2020
Nếu bạn sống ở Nhật hoặc có dịp đến Nhật Bản vào thời điểm cuối tháng 2, bạn sẽ được thấy tại các sân bay, công sở, hay các trung tâm mua sắm lớn đều trưng bày các bộ búp bê lớn kèm theo rất nhiều phụ kiện trang trí rực rỡ. Đó chính là Hinamatsuri - Lễ hội búp bê dành cho bé gái ở Nhật Bản. Vậy đây là một lễ hội như thế nào? Chúng ta cùng thử tìm hiểu nhé. Lịch sử của lễ hội Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của lễ hội Hinamatsuri của Nhật Bản, nhưng một trong những giả thuyết có sức thuyết phục nhất là lễ hội bắt nguồn từ thời Heian (794~1185) ở Kyoto. Vào thời kỳ Edo, lễ hội này diễn ra vào ngày 3/3 hằng năm với tên gọi Momo no sekku - tức là Tiết hoa đào, do dịp này vốn được tính theo âm lịch, là dịp hoa đào nở rộ. Nếu như dịp 5/5, tức “Tiết Đoan Ngọ” là lễ hội dành cho bé trai ở Nhật Bản thì “Tiết hoa đào” là ngày lễ cầu may mắn và sức khoẻ, ước nguyện cho các cô con gái một cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Búp bê Hinaningyo Vào dịp này, các gia đình có con gái thường trưng bày một bộ búp bê đặc biệt gọi là Hinaningyo (雛人形) trong vòng vài tuần trước ngày 3/3. Loại búp bê này được làm theo phong cách trang phục của tầng lớp quý tộc thời Heian. Những bộ búp bê nhỏ thì chỉ có đôi búp bê gọi là Dairibina. Còn các bộ búp bê lớn thì có nhiều tầng, phía trên cùng là búp bê Dairibina còn phía dưới và các loại búp bê khác và các đồ trang trí. Dairibina tượng trưng cho thiên hoàng và hoàng hậu còn các búp bê khác tượng trưng cho những người giúp việc, nhạc công, võ sỹ của thiên hoàng. Ngoài ra, người ta còn bày thêm và các loại tủ đựng quần áo, bánh kẹo và cả rượu trắng nữa. Món ăn truyền thống trong dịp Hinamatsuri Chirashizushi (đĩa giữa) và món canh ngao hamaguri (góc dưới, bên trái) Những loại bánh kẹo thường ăn trong dịp Hinamatsuri. ・Hishimochi: Bánh dày hình bình hành, một loại bánh dày ngọt, 3 tầng màu cắt theo hình bình hành. ・Hina-arare: Bỏng gạo ngào đường. Còn món ăn truyền thống trong Hinamatsuri thì thường có các món sau. ・Chirashizushi: Tức cơm sushi trộn với cá sống và các nguyên liệu khác đầy màu sắc. ・Canh ngao Hamaguri suimono: Nhiều gia đình dùng nghêu (asari) thay cho ngao hamaguri. Do loài nhuyễn thể này có hai cái vỏ nó khép vừa khít với nhau, nên món canh này thể hiện lòng mong muốn của cha mẹ, họ mong cho con gái mình sẽ tìm được người chồng xứng đôi vừa lứa, hợp nhau như đôi vỏ ngao. Vào ngày 3/3, các trường học phổ thông ở Nhật cũng thường có những món ăn truyền thống như thế này vào bữa trưa tại trường. Nếu bạn đi chợ vào những ngày đầu tháng 3, bạn sẽ thấy các siêu thị bán rất nhiều ngao, cũng như nhiều cành hoa đào, hoa cải nanohana, cơm sushi ... Nhìn những mặt hàng như vậy được bày bán ở siêu thị, chắc hẳn ai ai cũng cảm nhận được "mùa xuân đang đến gần". Người Việt Nam tại Nhật và lễ hội Hinamatsuri Búp bê Hinaningyou bằng giấy thủ công, do trẻ người Việt gấp ở nhà trẻ Hiện nay có rất nhiều gia đình Việt Nam sinh sống tại Nhật. Chia sẻ cảm nhận chung về lễ hội dành cho các bé gái Hinamatsuri, không chỉ các gia đình có con gái, mà ngay cả những du học sinh, người đi làm cũng đều công nhận rằng đây là một lễ hội rất đẹp, nhẹ nhàng và rất ý nghĩa. Một số người Việt Nam sinh sống tại Nhật cho biết như sau. Chị Kiều (sống tại tỉnh Chiba) Chị Kiều biết tới ngày Hinamatsuri từ lúc bé gái nhà chị đi học mẫu giáo. Vào ngày này bé thường được trường tặng quà bánh được để trong túi giấy có vẽ hình Hinaningyou rất đẹp cùng những hình búp bê Hinaningyo do chính tay bé cắt dán, tô màu. Vào ngày Hinamatsuri, chị Kiều cũng thường làm cơm sushi vào bữa tối và các bé được chọn bánh bé thích, ba mẹ sẽ mua bánh cho bé. Chị Thảo (sống tại Tokyo) Chị Thảo là một bà mẹ Việt có hai con gái và đang sống ở Tokyo. Chị cho biết ban đầu do chưa biết phong tục này nên khi chị sinh con gái đầu lòng, ông bà nội tặng búp bê làm chị rất cảm động. Chị biết thêm phong tục phải cất dọn búp bê đi ngay sau ngày 3/3 vì được ông bà gọi điện dặn “phải cất ngay bộ búp bê đi sau khi hết ngày 3/3 để tránh cho con bị ế”. Chị Bích Hạnh (sống tại Tokyo) Không chỉ những gia đình Nhật - Việt quan tâm đến Hinamatsuri, cả những gia đình người Việt cũng tổ chức Hinamatsuri cho các con gái của mình. Chị cho biết “Vì con sống ở Nhật từ bé, hiểu và tiếp xúc với văn hóa Nhật nên gia đình cũng luôn để ý đến những ngày lễ truyền thống như thế này để "bày biện búp bê làm bằng tay và những búp bê nhỏ làm bằng vải".」 Tôi được biết nhiều gia đình Việt ở Nhật cố gắng nấu những món ăn truyền thống của Nhật hoặc dẫn con đi tham quan triển lãm búp bê Hinaningyo trong những ngày này. Đây chính là những cầu nối văn hóa, con người giữa hai nước. Các lễ hội trưng bày búp bê Hinaningyo nổi tiếng Lễ hội ở Kasuisai Chúng tôi xin giới thiệu một số lễ hội/ triển lãm búp bê Hinaningyou lớn tại Nhật. Kasuisai Hinamatsuri Là lễ hội trưng bày búp bê Hinaningyo ở tỉnh Shizuoka, một trong những lễ hội Hinamatsuri lớn nhất ở Nhật Bản. Bục trưng bày Hinaningyo ở đây có tới 32 tầng, với khoảng 1.200 búp bê. ・ Thời gian: 1/1 ~ 31/ 3 năm 2022 ・ Thời gian mở cửa: 8:00 ~ 17:00 ・ Phí vào cửa: 500 yên (học sinh tiểu học trở xuống: miễn phí) ・ Địa điểm: Tỉnh Shizuoka, thành phố Fukuroi, Kuno 2915-1 Konosu Bikkuri Matsuri Quận Iwatsuki ở thành phố Saitama và thành phố Konosu ở tỉnh Saitama là 2 địa điểm nổi tiếng với việc sản xuất búp bê Hinaningyou. Ở thành phố Konosu, lễ hội búp bê lớn được trưng bày tại một trung tâm mua sắm gần ga Konosu (tuyến đường sắt JR) theo kiểu kim tự tháp với tên gọi “Kim tự tháp búp bê Konosu”. Năm 2020 lễ hội này trưng bày 1.655 con búp bê Hinaningyou. ・ Thời gian: 18/2 ~ 5/3 năm 2022 ・ Giờ mở cửa: 10:00 ~ 21:00 (ngày 5/3 đóng cửa vào lúc 15:30) ・ Ga Konosu (tuyến đường JR) cách ga Ueno (Tokyo) khoảng 50 phút đi tàu Hinamatsuri tại thành phố Suzaki, tỉnh Nagano Triển lãm trưng bày búp bê Hinaningyou tại Art Park Suzaka có tên là “三十段飾り 千体の雛祭り” - "Ba mươi tầng - một ngàn búp bê Hinamatsuri". Tổng cộng có khoảng 6.000 búp bê Hinaningyo được trưng bày ở 3 khu vực tại đây. ・ Thời gian: 15/1 ~ 28/6 năm 2022 ・ Giờ mở cửa: 9:00 ~ 17:00 (Giờ vào cửa đến 16:30) ・ Giá vé vào cửa: 500 yên (học sinh trung học phổ thông và dưới 18 tuổi miễn phí) ・ Địa chỉ: Tỉnh Nagano, thành phố Suzaka, Nobe 1386-8 Tổng kết Cặp búp bê Dairibina Lễ hội búp bê Hinamatsuri là ngày lễ truyền thống của Nhật Bản, nhằm cầu mong sức khỏe và hạnh phúc cho các bé gái. Nhiều người Việt Nam sống ở Nhật Bản cũng có cảm giác thân thuộc với những sự kiện trong ngày lễ này. Các bạn hãy cùng đi ngắm những con búp bê Hinaningyo được trưng bày tại các trung tâm mua sắm, cùng ăn thử những món ăn, bánh kẹo truyền thống của ngày lễ này để cảm nhận thêm niềm vui trong văn hóa Nhật Bản nhé.
24/02/2022
Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt và mùa Xuân là mùa của hoa anh đào, mùa của muôn loài sinh sôi nảy nở. Tháng Tư ở Nhật cũng là thời điểm bắt đầu một năm tài khóa đối với cơ quan hành chính và doanh nghiệp cũng như bắt đầu một niên khóa với các trường học. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu về các buổi lễ nhập học, đón nhân viên mới ở Nhật Bản. [Nguyễn Việt Hà] Phần lớn các công ty và trường học ở Nhật bắt đầu năm mới từ tháng Tư Lễ nhập học ở một trường đại học Tại Nhật Bản, đối với toàn bộ chính phủ, các cơ quan hành chính công địa phương và hầu hết các công ty và trường học, từ ngày 1/4 hàng năm là ngày bắt đầu năm tài khóa. Việc quy định năm tài khóa bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 năm sau đó được áp dụng từ năm 1886 và kể từ đó, đây là “Năm kết toán” đối với các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp và là “Niên khóa” đối với các trường học. Chỉ vì vậy mà tháng 4 là thời điểm quan trọng, là “bước chuyển đổi quan trọng” của nhiều người. Gần đây, để đón đầu xu hướng toàn cầu hóa, việc tuyển sinh vào tháng 9 (nhập học mùa Thu) đang được xem xét nhưng chưa thật sự có chuyển biến. Tuy nhiên, đối với những trường học tiếp nhận nhiều du học sinh nước ngoài, ví dụ như trường tiếng hoặc trường chuyên môn thì đã có nhiều trường thực hiện việc nhập học vào tháng 10. Thậm chí có nơi tổ chức nhập học vào tháng 7 nữa. Ngoài ra, dù không ảnh hưởng của việc quốc tế hóa, cũng có doanh nghiệp áp dụng “năm kết toán” theo giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 12 (ngành sản xuất bia) hoặc giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 2 (ngành các cửa hàng bách hóa tổng hợp). Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì “mùa hoa anh đào” nở rộ trên mọi nẻo đường rất phù hợp với mùa nhập học, vào công ty ở Nhật Bản. Lễ Nhập học (Nyugakushiki) Thầy hiệu trưởng nói chuyện với học sinh trong lễ nhập học Nhật Bản có 4 mùa rất rõ ràng. Mùa Xuân là lúc mọi sinh vật bắt đầu sinh sôi, cây cối đâm chồi nảy lộc, là thời điểm rất phù hợp để bắt đầu một năm tài khóa mới. Chúng ta cùng tìm hiểu xem một lễ nhập học trong mùa hoa anh đào nở rộ, học sinh trong bộ quần đồng phục mới và chiếc cặp sách mới trong nắng Xuân trong tháng 4 ở Nhật như thế nào nhé. Đối với các trường đại học và trường chuyên môn. Đối với các bạn trẻ Nhật nhập học đại học, cao đẳng, dạy nghề ... trang phục vào ngày khai giảng thường là comple. Các bạn tham dự lễ nhập học trong tâm thế chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ trở thành người lớn, một thành viên trong xã hội. Các bạn sinh viên năm trên cũng thường tập trung nguồn lực vào ngày khai giảng hàng năm để quảng bá cho hoạt động câu lạc bộ hoặc các hoạt động ngoại khóa của trường nhằm thu hút các bạn sinh viên mới vào câu lạc bộ của mình. Hoạt động ngoại khóa có 2 hình thức. Hoạt động trong “Câu lạc bộ” (bukatsu) thường mang tính bắt buộc, còn hoạt động trong “Circle” (Sa-kuru) thường là những hoạt động của những người cùng sở thích, tự do hơn. Hoạt động ngoại khóa của các trường Nhật rất phong phú, sáng tạo. Đây cũng là một nét thú vị trong cuộc đời học sinh tại Nhật Bản. Bản thân tác giả khi vào đại học ở Nhật cũng đã tham gia hoạt động câu lạc bộ và đã kết bạn và đã học hỏi được nhiều văn hóa cuộc sống Nhật Bản. Đối với tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Với các cấp học phổ thông, ngày khai giảng là những cột mốc quan trọng trong cuộc đời các em, nên cả gia đình đều rất quan tâm vui mừng. Thông thường thì cả cha lẫn mẹ đều tham dự buổi lễ nhập học của con. Ngày này, nếu các trường có đồng phục thì học sinh sẽ được chuẩn bị trước để đến ngày đó mặc đồng phục đồng loạt đến trường. Các bà mẹ cũng chuẩn bị trang phục trang trọng và thường đeo chuỗi ngọc trai và gài hoa ở ngực áo, các ông bố mặc comple. Nếu không có đồng phục thì thường học sinh nam mặc comple, nữ mặc váy trang trọng. Lễ nhập học của Nhật thường tổ chức trong các nhà thể chất có mái che rộng rãi. Cha mẹ đi dép đi trong nhà tự mang theo (khi đi nhớ mang theo túi nilon để khi thay đổi giày thì đựng giày vào) còn các con thì mang giày đi trong trường đã được chỉ định. Năm 2020 và 2021, do đại dịch vi-rút corona, nhiều trường đã tổ chức lễ nhập học trực tuyến hoặc tổ chức ngoài trời. Trong buổi lễ, thầy cô hiệu trưởng sẽ có lời chào mừng với gia đình và các em học sinh, các anh chị lớp trên có những màn biểu diễn âm nhạc hòa tấu hoặc đồng ca trang trọng chào mừng. Cách tổ chức ngày lễ khai giảng ở Nhật thường quy củ, ngắn gọn và trang trọng, khác với ngày lễ khai giảng rộn ràng đầy màu sắc như ngày hội ở Việt Nam. Khung cảnh đầu tháng Tư với các gia đình bố mẹ con cái đi khai giảng trong thời tiết mát mẻ mùa xuân, xung quanh là hoa anh đào nở rộ, có lẽ là những hình ảnh đẹp nhất trong một xã hội yên bình của Nhật. Lễ đón nhân viên mới (Nyushashiki) Trao giấy chứng nhận tiếp nhận vào công ty (Ảnh: Báo Mainichi) Đa phần các công ty Nhật dù lớn hay nhỏ, năm kết toán có bắt đầu từ tháng Tư hay không thì cũng thường tổ chức lễ đón nhân viên mới vào đầu tháng 4. Buổi lễ là dịp để ban lãnh đạo công ty bày tỏ lời chào mừng các nhân viên mới. Trước khi được phân về các ban phòng khác nhau để chính thức bắt đầu làm việc, nhân viên mới tuyển dụng sẽ được đào tạo chung trong một thời gian. Tùy theo công ty mà quá trình đào tạo tập trung cho nhóm nhân viên mới vào này kéo dài từ 1 tuần đến khoảng 1-2 tháng. Nội dung đào tạo thường là về triết lý trong kinh doanh, cách nghĩ và mục tiêu của công ty, hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ và cách làm việc cụ thể của công ty. Trang phục của mọi người trong lễ đón nhân viên mới thường là những bộ comple công sở có màu giản dị như đen, xám hoặc xanh dương, áo sơ mi trắng và đầu tóc được yêu cầu gọn gàng. Tháng Tư thời tiết vẫn còn khá lạnh ở một số vùng nên thường các bạn cũng có thêm áo khoác. Tại Việt Nam thường tuyển dụng không theo kiểu tuyển hàng loạt vào một thời điểm nhất định và đào tạo các bạn sinh viên mới tốt nghiệp kỹ như Nhật nên các công ty không có những buổi lễ đón nhân viên mới hoành tráng như Nhật mà thường nhân viên được tuyển dụng sẽ được phân ngay về các phòng ban và làm việc dưới sự chỉ đạo dạy dỗ ngay tại nơi mình làm việc. Cách tổ chức lễ nhập học hay lễ đón nhân viên mới thể hiện cách nghĩ về sự trân trọng các “bước ngoặt trong cuộc đời” của con người của đất nước Nhật. Đây là một buổi lễ truyền thống, là dịp để mọi người có thêm động lực mới tại những thời khắc quan trọng của cuộc đời. Nếu bạn đã đang và sẽ có dịp trải nghiệm những buổi lễ này, bạn sẽ thực sự cảm nhật được một góc của văn hóa Nhật Bản.
01/04/2021
Diễn ra từ ngày 29/4 đến 5/5 hàng năm, Tuần lễ Vàng (Golden Week) là kỳ nghỉ dài nhất trong năm của người Nhật. Năm nay, do dịch bệnh do vi-rút corona chủng mới, nên người dân được khuyến cáo hạn chế đi ra ngoài. Nhân dịp này chúng ta cùng tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa và các hoạt động phổ biến của người Nhật trong dịp này. Nhật Bản đang kêu gọi người dân thực hiện “hạn chế ra ngoài” và “ở nhà Tuần lễ vàng” để ngăn sự lan tràn của đại dịch COVID-19 Tại sao gọi là tuần lễ vàng? Vào tháng 7/1948, Nhật Bản ban hành đạo luật “Ngày lễ quốc gia” bao gồm 16 ngày lễ trong năm, trong đó có 4 ngày lễ nối tiếp nhau trong 1 tuần (từ 29/4 đến 5/5) tạo nên 1 tuần nghỉ ngơi cho người lao động Nhật Bản. Chính phủ Nhật với mong muốn tạo điều kiện cho người dân đi du lịch nghỉ ngơi giải trí nên đã tạo thêm một ngày nghỉ nằm giữa 4 ngày trên, làm thành kỳ nghỉ dài nhất trong năm tại Nhật. Một tuần thoát khỏi nhịp công việc hối hả và căng thẳng thúc đẩy người Nhật dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động giải trí mà thông thường chỉ có thứ Bảy và Chủ Nhật thôi thì không thể thực hiện được. Đây cũng là dịp hốt bạc của 2 ngành công nghiệp phim ảnh và du lịch. Vào năm 1951, bộ phim Jiyu Gakko (Trường học tự do) bán được số lượng vé cao kỷ lục trong dịp Tuần lễ vàng (nhiều hơn cả dịp Năm mới và lễ Obon). Xuất phát từ việc này, Giám đốc của hãng phim Daiei Film đã gọi 7 ngày nghỉ lễ này là Tuần lễ vàng. Cách gọi này dựa theo tiếng lóng “giờ vàng” thường xuất hiện trên sóng phát thanh Nhật. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đơn giản rằng, 7 ngày nghỉ kéo dài từ 29/4 đến 5/5 hàng năm là thời cơ hốt vàng hốt bạc của các ngành dịch vụ Nhật. Từ năm 2007 trở đi, tuần lễ vàng của Nhật bao gồm 4 ngày lễ sau: 1Ngày 29/4 là Ngày Showa, ngày sinh của Thiên Hoàng Showa. 2Ngày 3/5 là Ngày kỷ niệm Hiến pháp. 3Ngày 4/5 là Ngày Xanh. 4Ngày 5/5 là Ngày lễ Thiếu nhi Tên gọi của những ngày lễ đều có nguồn gốc của nó. - Ngày 4/5 vốn là ngày thường, nhưng do nằm kẹp giữa 2 ngày lễ 3/5 và 5/5 nên từ năm 1985, theo Luật ngày nghỉ lễ sửa đổi của Nhật Bản, ngày này được gọi là “Ngày nghỉ lễ quốc dân”. - Ngày 29/4 vốn là sinh nhật thiên hoàng Showa. Năm 1989, thiên hoàng Showa qua đời ngày này được đặt tên là “Ngày xanh” do sinh thời “Thiên hoàng Showa vốn là người hiểu biết sâu rộng về thực vật và rất yêu thích thiên nhiên”. Sau đó, năm 2007 với cách diễn giải “Thời kỳ Showa là thời kỳ trải qua nhiều biến động nhưng đã thực hiện được việc khôi phục và đảm bảo cho tương lai của đất nước” nên từ năm 2007, ngày 29/4 được đổi tên là “Ngày Showa”. Cũng nhân dịp này, ngày “Ngày nghỉ lễ quốc dân” vào ngày 4/5 được đổi thành “Ngày Xanh”. - Ngày 3/5 là ngày kỷ niệm “Hiến pháp Nhật Bản” được ban hành ngày 3/5/1947, tức 1 năm trước khi luật Nghỉ lễ của Nhật chính thức có hiệu lực. - Ngày 5/5 là “Ngày lễ Thiếu nhi”, được trở thành ngày nghỉ theo luật Ngày nghỉ lễ ban hành năm 1948. Theo luật này, ngày này là để “Bày tỏ sự tôn trọng nhân cách của trẻ em, mong muốn các em được hạnh phúc, đồng thời sự cảm tạ đối với người mẹ”. Ngày này vốn là tiết “Đoan ngọ” theo văn hóa Trung Hoa vốn để chúc phúc cho các bé trai nhưng cùng với việc ban hành đạo luật về ngày nghỉ lễ, ngày này được coi là ngày “chúc mừng sự trưởng thành và sức khỏe cho trẻ em”. Vào ngày Tết Thiếu nhi, Nhật Bản treo cờ cá chép koinobori trên cây nêu dựng trong vườn với 3 chú cá chép bằng vải tượng trưng hạnh phúc. Còn tại sao lại là cờ cá chép? Vì trong truyền thuyết của Trung Quốc có sự tích cá chép vượt vũ môn hóa rồng, nên những lá cờ cá chép ở Nhật được tạo ra với khát vọng tương tự. Hiện nay do nhiều gia đình sống ở các căn hộ chung cư nên cũng có nhiều bộ cá chép nhỏ để có thể treo ngay trên ban công mỗi gia đình. Cờ cá chép koinobori (trái) và búp bê võ sĩ (phải) trong ngày Tết Thiếu nhi Quang cảnh tuần lễ vàng năm 2020: khu vui chơi đóng cửa và người dân hạn chế ra ngoài Thông thường, vào dịp này, các khu vực công cộng ví dụ như công viên, Golden Week sẽ tô vào bầu không khí những sắc màu rực rỡ. Những tiếng cười giòn tan, những gia đình quây quần quanh bộ dụng cụ picnic, tận hưởng cuộc sống. Đáng tiếc rằng, Tuần lễ Vàng năm 2020 rơi đúng vào thời điểm thế giới đang phải căng mình chống chọi với căn bệnh COVID-19 do vi-rút corona chủng mới gây ra. Nhiều địa điểm giải trí công cộng vắng bóng người. Chắc hẳn, năm nay, các gia đình chỉ quây quần bên nhau tại nhà hoặc tới các địa điểm như công viên để vui chơi. Tuần lễ Vàng 2020, quang cảnh ở các địa điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản đều khác biệt. Thể theo tuyên bố tình trạng khẩn cấp của chính phủ Nhật Bản, chính quyền địa phương trên cả nước đều kêu gọi du khách hãy thực hiện giãn cách và không đến du lịch ở địa phương mình. Những khu vực nghỉ dưỡng suối nước nóng ở xung quanh núi Phú Sĩ cũng như những địa điểm nổi tiếng trong thủ đô Tokyo đều vắng lặng. Tình hình này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà trọ tại các địa điểm du lịch vốn đông khách hàng năm. Đỉnh núi Takano-san ở Tokyo : quang cảnh nhộn nhịp vào tuần lễ vàng thường niên (trái) và vắng lặng khi các cửa hàng đều đóng của năm nay ⒸẢnh của báo Mainichi Đường cao tốc vắng xe do hạn chế ra ngoài Cũng do tình trạng giãn cách xã hội mà hàng năm, cứ đến dịp Tuần lễ Vàng các tuyến đường cao tốc từ các trung tâm hướng ra địa phương thường tắc nghẽn trong những ngày đầu và từ địa phương về trung tâm thường tắc nghẽn vào những ngày cuối. Nhưng năm nay, các tuyến đường cao tốc cũng chỉ lác đác bóng xe ô tô mà thôi. Đường cao tốc Toumei trước trạm dừng Kouhoku : cảnh tắc đường hàng năm (trái) và vắng xe năm nay (phải) ⒸẢnh của báo Mainichi
08/05/2020
Mấy năm đầu khi mới du học Nhật Bản, cứ đến dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5, tôi thường thấy cảnh những con cá chép bằng vải sặc sỡ nhiều màu tung bay trên các góc nhà cao tầng từ các căn hộ hay trên ban công hoặc vườn nhà của những ngôi nhà ở Nhật và tôi thường tự hỏi không hiểu việc này có ý nghĩa ra sao. Sau này khi kết hôn (chồng tôi là người Nhật) và có con trai tôi mới được biết những chú cá chép vải đó là “Koinobori”, được treo lên trong ngày Kodomo-no-hi ( Ngày trẻ em ), một ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản. 1. Lịch sử của ngày Kodomo-no-hi Ngày lễ “Kodomo-no-hi” của Nhật Bản cũng tương tự như ngày Tết thiếu nhi 1/6 ở Việt Nam, ngày thể hiện tình yêu thương của mọi người đối với trẻ em. Ngày 5 tháng 5, vốn là tiết Tango no sekku (端午 の 節 句), tức “Tiết Đoan Ngọ” ở Trung Quốc, được tổ chức để chúc phúc cho các bé trai và sau đó được du nhập vào Nhật từ thời kỳ Nara. Năm 1948, chính phủ Nhật đổi tên chính thức thành “Ngày trẻ em- Kodomo no hi” với ý nghĩa là “Cầu mong cho sự trưởng thành và sức khỏe của trẻ em” và ngày này trở thành ngày nghỉ lễ của Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết người Nhật vẫn coi ngày này là “Ngày của bé trai”. Có lẽ là do ngày 3 tháng 3 hàng năm, các bé gái được toàn xã hội nâng niu kỷ niệm trong dịp Hinamatsuri - Lễ búp bê dành cho bé gái rồi. 2. Ý nghĩa của việc treo cờ cá chép Koinobori Cờ cá chép do học sinh tiểu học địa phương vẽ, được treo tại trung tâm mua sắm (4/2021, Quận Nakano, Tokyo) Tại sao “Cờ cá chép- Koinobori” lại là biểu tượng của ngày lễ này? Điều này cần quay ngược lại với câu chuyện văn hóa được lưu truyền và lan tỏa vào Nhật Bản từ thời xa xưa. Cá chép được coi là biểu tượng của sự cố gắng nỗ lực và cả sức mạnh bền bỉ qua câu chuyện truyền thuyết của Trung Quốc “ Cá chép hóa rồng”. Trong văn học Việt Nam cũng có câu chuyện du nhập tương tự về “ Vượt vũ môn” này. Câu chuyện kể rằng, một đàn cá hỗn hợp đã cố gắng chiến đấu để vượt lên một thác nước gọi là “Ryumon” (龍門- Cổng rồng). Trong khi tất cả những con cá khác bỏ cuộc và trôi dạt về phía hạ lưu, những con cá chép vẫn cố gắng, và khi vào trong Ryumon, chúng đã biến thành rồng. Do câu chuyện cổ này mà trong tiếng Nhật một câu tục ngữ “Koi no taki-nobori- 鯉 の 滝 登 り”, để chỉ sự “nỗ lực bền bỉ” hoặc “thăng tiến”. Dần dà, để cầu mong cho sức khỏe cũng như sự trưởng thành và tương lai của bé trai, người dân thường treo cờ cá chép Koinobori và những chú cá chép bằng vải lụa nhiều màu sắc, một truyền thống trong tháng của Nhật Bản cũng trở nên nổi tiếng thế giới này. 3. Người Nhật làm những gì trong dịp Kodomo-no-hi Ngoài treo cờ cá chép, các gia đình Nhật Bản cũng bày những búp bê tướng quân mặc giáp sắt, hoặc mũ tướng quân. Gia đình tôi khi sinh con trai, cũng được ông bà nội tặng một bộ trưng bày ngày lễ Kodomo no hi, mô hình mũ tướng quân và một bức tranh rất đẹp. Những sự động viên tinh thần mang tính biểu tượng này khiến tôi cảm nhận những thông điệp tinh tế của việc chúc phúc và trân trọng nhau. Bồn tắm có ngâm lá cây Shobu Vào ngày này, các gia đình cũng hay làm những bữa ăn đặc biệt, giàu hương vị và màu sắc để chúc phúc cho bé trai, cầu mong cho bé sức khỏe. Người Nhật thường thả vào bồn tắm một ít lá “菖蒲 - Shobu”, một loại lá có mùi thơm và vì tên gọi của cây đọc lên trùng với từ “尚武 - shobu”- nghĩa là “chiến đấu” trong tiếng Nhật. Ngày lễ Kokomo-no-hi nằm trong Tuần lễ Vàng, dịp nghỉ lễ dài ngày ở Nhật, nên đây cũng là dịp để gia đình quây quần, chứng kiến sự trưởng thành mỗi năm của con cháu. 4. Món ăn trong ngày Kodomo-no-hi Bánh dày nhân đỗ Kashiwa-mochi Cũng giống như ở Việt Nam, ở Nhật Bản, mỗi dịp lễ lại đi kèm theo những loại món đặc biệt. Dịp lễ Kodomo-no-hi cũng không ngoại lệ. Người Nhật hay nấu xôi đậu đỏ sekihan, hoặc chimaki, một loại bánh ngọt làm từ gạo nếp, gói trong lá tre. Các cửa hàng thường bày bán Kashiwa-mochi (柏 餅), một món bánh nếp nhân đỗ ngọt bọc trong lá kashiwa - lá cây sồi. Cũng có nhà người mẹ tự làm lấy loại bánh này. Sở dỹ dùng lá kashiwa là do đặc tính cây kashiwa chỉ rụng lá già khi có chồi mới đâm ra, và khi bọc chiếc lá vào miếng bánh, trông chiếc lá rất giống hình mũ tướng quân thời xưa của Nhật Bản. Nếu bạn có dịp đi thăm gia đình người Nhật có bé trai dịp này thì tại sao lại không mua một hộp Kashiwamochi, chắc chắn người Nhật sẽ rất cảm động vì sự hiểu về văn hóa phong tục của bạn. 5. Tạo trải nghiệm trong ngày lễ Kodomo-no-hi Dịp đầu tháng 5, năm tài chính mới bắt đầu được một tháng, các gia đình cũng bắt đầu quen với nhịp sống mới. Hơn nữa, đây là dịp nghỉ lễ dài ngày Golden Week - Tuần lễ vàng ở Nhật Bản. Mở đầu là ngày 29/4 là “Ngày Showa”, ngày 3/5 là “Ngày Hiến pháp”, ngày 4/5 là “Ngày Xanh” cộng thêm ngày thứ Bảy và Chủ Nhật xen vào giữa nữa. Vào dịp này, cùng với các gia đình bạn bè người Nhật và người nước ngoài tổ chức những sự kiện gia đình để các bé có những trải nghiệm khác nhau, ví dụ như vẽ cá chép bằng màu thật tại công viên với nhiều gia đình cả Nhật bản và Quốc tế là một trong những trải nghiệp rất vui của gia đình tôi. Bố mẹ con cái cùng nhau vẽ màu thật, trang trí con cá chép theo ý mình, và các bé được mang về nhà, như một cột mốc lớn lên. Tại các trường mẫu giáo ở Nhật, trước dịp lễ này, cũng luôn có những bài về nghệ thuật liên quan đến ngày này như gập origami mũ tướng quân, chơi trò tướng quân. Ở nhiều nơi, người ta còn treo hàng vài trăm cờ cá chép rực rỡ sinh động, rất đẹp mắt. Năm nay do ảnh hưởng của đại dịch vi-rút corona nên nhiều hoạt động liên quan tới ngày lễ này bị hủy hoặc không tổ chức. Nếu ở Nhật, các bạn có thể đi chơi kết hợp check-in một số địa điểm với cá chép vải tung bay trên bầu trời Nhật Bản nhé. Một số địa điểm nổi bật trang trí cờ cá chép Koinobori như sau ・ 333 cờ cá chép tại Tokyo Tower ・ Lễ hội “Koinobori no sato matsuri” (こいのぼりの里まつり) (Tỉnh Gunma, Kanra-machi) ・ Cờ cá chép thả trên sông Asanogawa (浅野川のコイ流し) (Tỉnh Ishikawa, Kanazawa-shi) ・ Lễ hội Koinobori ở Tsuetate Onsen (杖立温泉鯉のぼり祭り) (Tỉnh Kumamoto, Oguni-cho) Xin được gửi lời chúc đến tất cả các gia đình có trẻ em nhân dịp ngày lễ Trẻ em 5/5.
29/04/2021
Mùa hè đầu tiên của tôi tại Nhật, khi kí túc xá bắt đầu vào thời kì học căng thẳng hơn để thi kì đầu vào cuối tháng 6 thì cũng là lúc một cây tre to, xum xuê được dựng ngay trong phòng sinh hoạt chung, bên cạnh bày những xập giấy nhỏ dài đủ màu sắc và nhiều loại bút dạ. Các bạn người Nhật cho chúng tôi biết rằng sắp tới là lễ Tanabata – tức Tiết Ngâu ở Nhật Bản và người Nhật có phong tục là viết những điều mình mong ước lên tờ giấy hình chữ nhật gọi là tanzaku đủ màu ấy rồi buộc lên cây tre thì ước nguyện sẽ thành hiện thực. Ngày lễ Tanabata 7/7 năm ấy, chúng tôi đều cầu mong trời đừng mưa để chúng tôi được thấy nàng Orihime (Chức Nữ) và chàng Hikoboshi (Ngưu Lang) được gặp nhau một năm một lần. 【Nguyễn Việt Hà】 1. Lễ hội Tanabata là gì? Nguồn gốc của lễ hội này Tanabata còn được đọc là "Shichiseki", có truyền thuyết từ Trung Quốc được du nhập vào Nhật Bản và trở thành một trong 5 lễ hội truyền thống đại diện trong năm của Nhật Bản. Về nguồn gốc của lễ hội này thì có nhiều giả thuyết trong đó có những giả thuyết chính là (1) Tình yêu của nàng Orihime và chàng Hikoboshi; (2) Một nghi lễ của Thần đạo Nhật Bản và (3) là truyền thuyết “Kikoden” của Trung Quốc. (1) Truyền thuyết thứ nhất là phổ biến nhất liên quan tới tên của hai ngôi sao sáng nhất dải Ngân Hà vào ngày 7/7 âm lịch với câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng Orihime (Chức nữ) và chàng Hikoboshi (Ngưu Lang). Ngôi sao Chức Nữ ở chòm sao Thiên Cầm (Lyra) tượng trưng cho nữ giới làm nghề khâu vá còn ngôi sao Ngưu Lang ở chòm sao Thiên Ưng (Aquila) thì làm nông nghiệp; vì hai ngôi sao này xuất hiện rực rỡ nhất trên dải Ngân hà vào ngày 7 tháng 7 âm lịch nên người Trung Quốc xưa coi ngày này là “ngày quan trọng - Ngưu Lang - Chức Nữ có thể gặp được nhau một năm một lần”. Không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng có truyền thuyết như vậy. (2) Truyền thuyết thứ 2 pha trộn giữa một tập quán vốn có của Nhật Bản với truyền thuyết của Trung Quốc sau khi được du nhập vào Nhật. Theo truyền thuyết này thì vào ngày 7/7, một thiếu nữ được chọn ngồi trong một ngôi nhà bên cạnh dòng sông sạch đẹp và dệt áo cho vị thần hộ mệnh. Sau khi dệt xong, nàng đặt áo lên giá, bước ra ngoài và đợi thần đến. Người thiếu nữ này được gọi là "Tanabatatsume". Truyền thuyết này có trùng lặp với truyền thuyết Kikoden của Trung Quốc. Sau này, khi Phật giáo được du nhập vào Nhật thì thì lễ Bon tức lễ Vu lan vào ngày rằm tháng 7 âm lịch (tức ngày 15/8 dương lịch hiện nay) được coi trọng nên Tanabata được coi là những hoạt động chuẩn bị cho lễ Bon. (3) Đây là truyền thuyết Kikoden của Trung Quốc. Theo truyền thuyết này thì người phụ nữ ở Trung Quốc dùng chỉ màu xỏ vào 7 chiếc kim rồi đem bày cúng ở trước sân nhà và đây được cho là nguồn gốc của lễ cầu nguyện sao cho ngày càng giỏi giang trong nghề khâu vá. Từ xa xưa, ở Trung Quốc, người ta thường dùng chỉ hoặc vải 5 màu là xanh (xanh lá cây), đỏ, vàng, trắng và đen, để cúng là vì dựa trên thuyết Ngũ hành. 5 màu này được cho là nguồn gốc những miếng giấy 5 màu gọi là “Goshiki no tanzaku” dùng trong lễ hội Tanabata. 2. Các cách tổ chức lễ hội trong lịch sử Thời Heian, sự kiện Tanabata ban đầu là sự kiện trong cung điện. Giới quý tộc tổ chức cũng hoa quả, ngũ cốc và hải sản đồng thời ngắm nhìn các vì sao, chơi nhạc và thơ ca. Những giọt sương đêm đọng lại thành những giọt nước trên tàu lá khoai sọ được coi là “Những giọt sương của giải Ngân Hà" và được dùng để mài mực viết những bài thơ waka trên lá của cây Kaji để thể hiện những điều ước. Lá cây Kaji (梶の葉) từ lâu được coi là một loại cây linh thiêng và được sử dụng như một công cụ trong nghi lễ cúng thần. Vào thời kỳ Edo (thế kỷ 16 đến 19) lễ hội Tanabata dần dần lan rộng trong dân chúng và trở thành 1 trong 5 tiết quan trọng ở Nhật. Đây cũng chính là thời điểm hình thành tập quán viết điều ước lên giấy rồi treo lên cành tre. Vào thời kỳ này, người dân cũng bắt đầu có điều kiện để học thêm nhiều điều và trẻ em đi học chữ tại các nhà chùa, tiền thân của trường học hiện nay, cũng ngày càng nhiều nên nhiều người cũng muốn cầu nguyện với các vì sao mong cho mọi việc đều phát triển thuận lợi. Vậy nên, khi viết lên giấy thì không viết là “muốn có ○○” mà nên viết ước mơ của mình hoặc điều mình mong phát triển thuận lợi. Vậy tại sao lại dùng cành tre hoặc cành trúc để treo những điều ước đó? Vì giống như người Việt Nam, người Nhật cũng cho rằng, tre, trúc, loài cây tràn đầy sức sống và luôn xanh tươi ngay cả trong mùa đông, có một sức mạnh huyền bí. Sau lễ hội, những lời ước nguyện treo lên cành tre trúc thường được mang tới các đền Thần đạo để đốt chung với các loại bùa khác, hoặc có thể gói vào giấy và bỏ cùng rác đốt được. Còn cành tre, trúc cũng có thể tự đốt ở sân nhà hoặc bỏ cùng với rác có thể đốt được. Ngày xưa, có những vùng có tục thả trúc ra sông, biển nhưng nay do vấn đề môi trường nên người ta không còn làm thế nữa. Ngày nay ở Nhật Bản, trước lễ Tanabata vài tuần, các nhà trẻ, trường học, cơ quan, thậm chí cả ga tàu, không khí lễ hội Tanabata cũng rất náo nhiệt. Đi tới đâu ta cũng gặp những cành tre được dựng lên cùng với những xấp giấy tanzaku nhiều màu sắc đặt cùng với bút ở bên cạnh để mọi người viết và treo điều ước của mình. Nhiều địa phương còn tổ chức lễ hội Tanabata rất hoành tráng. Lễ hội Tanabata trở thành một nét văn hóa cầu ước và hy vọng của người Nhật. Khi con trai tôi học lớp 2, vào mùa lễ hội Tanabata, cháu có viết trong tanzaku treo ở trường và treo ở nhà là “Muốn được đi Kanransha- vòng quay khổng lồ”. Đọc được lời ước của con, đến tháng tiếp theo, vợ chồng tôi đã đưa con đi lên Karansha – giúp con thực hiện được điều ước ấy. Tanabata là sự kiện cả trẻ em lẫn người lớn ở Nhật đều nhiệt tình tham gia một cách vui vẻ và hạnh phúc. 3. Lễ Thất Tịch tại Việt Nam Cũng giống như Nhật Bản, truyền thuyết về chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ cũng được truyền tới Việt Nam nhưng dị bản của chuyện Ngưu Lang Chức Nữ trong văn hóa Việt Nam khác so với Trung Quốc. Ngưu Lang là vị thần phụ trách chăn trâu của Ngọc Hoàng được Ngọc Hoàng gả cho con gái yêu là Chức Nữ chuyên việc dệt vải. Hai vợ chồng quấn quýt nhau không rời. Chàng Ngư Lang vì mê nàng Chức Nữ mà bỏ bê việc chăn trâu còn nàng Chức Nữ vì mê tiếng sáo của chàng Ngưu Lang là bê trễ việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở hai bên bờ sông Ngâu và chỉ cho phép hai người gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành những cơn mưa và người Việt Nam gọi đó là mưa ngâu và Ngưu Lang – Chức Nữ còn được gọi bằng cái tên Ông Ngâu – Bà Ngâu. Vào tháng 7 âm lịch của Việt Nam (tức khoảng tháng 8 dương lịch) thời tiết ở Việt Nam rất nắng nóng, những cơn mưa ngâu là điều nhà nông rất mong chờ. Nhưng trong con mắt của người dân thì những trận mưa sụt sùi này chính là những giọt nước mắt của nàng Chức Nữ và chàng Ngưu Lang lúc chia tay nhau. Cũng vì câu chuyện “chia rẽ” này là ở Việt Nam, người ta thường tránh thời điểm tháng “ngâu” khi làm các thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, cưới xin để không gặp điều xúi quẩy. Cảm hứng từ câu chuyện tình mang nhiều nhớ thương này cũng là cảm hứng cho các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác rất nhiều bài hát khác nhau như “Mưa Ngâu” của Nhạc sĩ Thanh Tùng hay bài hát “Hẹn Hò” của nhạc sĩ Phạm Duy... 4. Tanabata trong đời sống văn hóa Nhật – các lễ hội Tanabata nổi tiếng Trong các câu chuyện của chú mèo máy Doraemon nổi tiếng có rất nhiều câu chuyện liên quan đến Tanabata như vũ khí bí mật "Tên lửa Tanabata" hay câu chuyện “Bầu trời đêm tanabata rơi xuống(七夕の空が落ちてきた). Qua những câu chuyện manga và phim hoạt hình gần gũi như vậy, văn hóa của Nhật được truyền tải một cách tự nhiên đến thế hệ tiếp theo. Một số lễ hội nổi tiếng tại các vùng của nước Nhật như sau : ・Lễ hội Tanabata tại Kyoto = được tổ chức tại các điểm tham quan như sông Kamogawa v.v. ・Lễ hội Tanabata tại Sendai = 1 trong 3 lễ hội Tanabata lớn của Nhật Bản, rất nhiều quả cầu có tua dài được treo lên. Lễ hội Tanabata này nổi tiếng khắp thế giới, có những năm thu hút đến hơn 2 triệu lượt khách tham quan. ・Lễ hội Tanabata Shonan Hiratsuka ( tỉnh Kanagawa) = 1 trong 3 lễ hội Tanabata lớn nhất Nhật Bản. Lễ hội Tanabata trên toàn Nhật Bản [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] https://travel.rakuten.co.jp/mytrip/trend/tanabata ※ Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch vi-rút corona, nhiều lễ hội bị hoãn hoặc bị hủy. Nếu muốn tham dự, các bạn hãy xác nhận kỹ nhé.
30/06/2021
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài