Category | Tin mới nhất
Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...
7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất
02/05/2024Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...
18/03/2024Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản
13/03/2024Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Fujita Hironobu Nhật Bản đón năm mới theo lịch dương nên ngày cuối cùng của năm (Omisoka) là ngày 31 tháng 12. Gần đây cùng với sự đa dạng hóa lối sống, cách chuẩn bị đón năm mới của người Nhật Bản cũng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên chúng tôi xin phép được giới thiệu về ngày Omisoka của một gia đình bình thường theo lối truyền thống. Tiếp sau Omisoka là ngày đầu năm nên mọi sự chuẩn bị cho năm mới thường được hoàn tất vào ngày này. Ở Nhật Bản, chuẩn bị cho năm mới bao gồm: viết và gửi bưu thiếp chúc mừng năm mới cho bạn bè, người quen; tùy từng gia đình mà có thể tự nấu hoặc đặt mua sẵn đồ ăn cho những ngày đầu năm mới (Osechi); chuẩn bị “Kagamimochi”, là một loại bánh có quả quýt đặt trên những lớp bánh dày; chuẩn bị vòng rơm “Shimenawa” để treo ở cửa nhà, vv.. Tiếp theo là những việc mà người Nhật làm vào ngày Omisoka theo tập tục truyền thống: ・Dọn dẹp nhà cửa: (cũng có nhiều người dọn dẹp xong vào ngày 30 trước đó) để đón ngày đầu tiên của năm mới (ngày 1 tháng 1) một cách thoải mái nhất, người ta làm những việc như thay lịch mới, dọn vệ sinh nhà cửa, trang trí Shimenawa và Kagamimochi... ・Ăn mì Toshikoshi Soba: là một nét văn hóa tiêu biểu của Nhật Bản vào ngày Omisoka. Mì soba dễ cắn đứt hơn các loại mì khác như Udon hay ramen, pasta ... nên mang ý nghĩa “cắt đứt những điều không may mắn của 1 năm vừa qua”. Người ta ăn mì vào đêm Omisoka, trước khi năm qua nên được gọi là mì Toshikoshi Soba (“Toshikoshi” dịch sang tiếng Việt là “năm qua”). Tùy theo địa phương mà còn có những cách gọi như Omisoka Soba (tạm dịch: mì soba ngày tất niên), Toshikiri Soba (tạm dịch: mì soba cuối năm), Un Soba (tạm dịch: mì may mắn) vv.. ・Xem chương trình NHK Kōhaku Uta Gassen: là chương trình ca nhạc có lịch sử lâu đời từ năm 1951 được người dân Nhật yêu thích, phát sóng trên kênh 1 của đài NHK. Các nghệ sĩ tham gia chương trình được chia thành hai đội: đội đỏ (bao gồm các nghệ sĩ nữ) và đội trắng (gồm các nghệ sĩ nam), từng thành viên của hai đội sẽ lần lượt trình diễn các ca khúc. Các nghệ sĩ được mời tham dự chương trình đều là những ca sĩ nổi tiếng của Nhật Bản nên chương trình có tỷ suất người xem rất cao, có vai trò khép lại một năm cũ. ・Joya no Kane: là một nghi lễ phật giáo được thực hiện từ cuối năm cũ đến đầu năm mới theo đạo Phật của Nhật Bản. Tại nhiều ngôi chùa sẽ gióng lên 108 hồi chuông vào khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của đêm Joya (là đêm giao thừa Omisoka). Chuông thường được do nhà sư của chùa đánh, song cũng có chùa cho phép người đến lễ chùa đánh chuông nên đây cũng sẽ là một trải nghiệm thú vị mà các bạn nên thử.
29/12/2019
Bắt đầu từ số này, chúng tôi mở mục “Trò chuyện cùng Sempai” để nghe các lớp anh chị đi trước tâm sự cảm nhận về khác biệt văn hóa giữa hai nước khi mới tới Nhật. Trong số đầu tiên hôm nay, chúng ta cùng nghe 4 sempai trò chuyện trực tuyến về “Giao thông ở Nhật Bản” nhé. Những thành viên tham gia Nguyễn Văn Hoàn: Sang Nhật từ năm 2018. Sau khi học trường tiếng Nhật thì vào đại học. Hiện là sinh viên năm thứ 2 trường đại học ở Nhật (chuyên ngành kinh tế). Trần Anh Tuấn: Sang Nhật năm 2009. Sau khi tốt nghiệp trường tiếng thì vào học trường Đại học Akita. Hiện là nhân viên của Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ). Nguyễn Thị Phương: Sang Nhật năm 2019. Sau khi học tiếng Nhật thì vào học trường Chuyên môn, chuyên ngành ngoại thương. Dẫn chương trình: Phạm Lan Anh, thành viên ban Biên tập Kokoro. Sống ở Nhật hơn 30. Hệ thống đường sắt và nhà ga phức tạp LA: Chủ đề của chúng ta hôm nay là: Giao thông ở Nhật Bản. Ở Việt Nam cũng có các loại giao thông công cộng nhưng có vẻ là không được phổ biến lắm. Khi mới sang Nhật thì ấn tượng của các em về cái hệ thống giao thông ở Nhật Bản như thế nào. Hoàn: Điều ngạc nhiên đầu tiên mà nói đến giao thông ở Nhật là hệ thống giao thông ở Nhật phát triển. Ấn tượng đầu tiên là “ở nhà ga nào cũng rất đông đúc tấp nập” nhưng do việc vận hành tốt nên luôn trật tự. Tàu thì lúc nào cũng đúng giờ. Khi bị chậm trễ thì nhân viên nhà ga sẽ báo ngay lập tức. Điểm cực kỳ hay của Nhật là thái độ phục vụ tận tình. Ngoài ra, ý thức của hành khách cũng cao. Lúc đợi tàu họ luôn xếp hàng nghiêm chỉnh. Khi tàu tới, đợi khách xuống đã rồi mới lên. Em thật sự ngạc nhiên. LA: Xếp hàng là một phong cách khá mới so với thói quen của người Việt Nam nhỉ. Phương: Ấn tượng nhất của em là tàu điện. Vì lần đầu tiên tự đi học là em đi nhầm tàu ngay. Hết giờ học, em ra ga và lên tàu về. Lẽ ra phải lên tàu đi về hướng Chiba thì em lại lên tàu đi hướng ngược lại. Đi được một lúc thì em thấy tên ga đi qua không giống như tên ga em đã được chỉ nên bắt đầu lo lắng. Tới ga tiếp theo em quyết tâm xuống tàu và rất may lại gặp ngay một nhân viên nhà ga ở gần đó. Dù mới học tiếng Nhật nhưng em có thể hỏi được “Tôi muốn đi về ga Nishi-Funabashi (Tỉnh Chiba) và được người nhân viên đó chỉ cho đường tàu đi về nhà. LA: Ở Tokyo thì việc đi tàu ngược hướng là rất hay xảy ra (cười). Được cái nhân viên nhà ga rất tận tình. Hoàn: Em thì khi đi tàu đi học thường xác định kỹ tên ga rồi mới đi. Chị gái của em chỉ cho em 1 mẹo nhỏ khi đi tàu lần đầu như sau: Lúc đi như thế nào thì lúc về cũng như vậy. Nhớ số ga và tên nhà ga là được.” Từ nhà em tới trường là 4 ga. Em nhớ kỹ số ga và tên ga mỗi khi tàu đi qua và lúc trở về thì em lên hướng ngược lại, đếm đúng số ga và nhớ tên ga là xuống. Tuấn: Sau khi sang Nhật, ngày đầu đến trường, em được 1 anh sempai giúp đi xe điện nên không có vấn đề gì. Sau khi đến lớp, nhà trường mới phát cho 1 bản đồ mạng lưới xe điện của Tokyo. Nhưng nhìn vào thì giống như mạng nhện (cười). Dù đã học tiếng Nhật 6 tháng tại trường Nhật ngữ Đông Du (Trường tiếng Nhật nổi tiếng ở TP.Hồ Chí Minh) nhưng hầu như em không đọc được tên nhà ga nào cả. Bản đồ hệ thống xe điện ngầm ở Tokyo. Liệu có giống mạng nhện!? Phương: Sau này quen rồi thì đi những chỗ nhà ga nhỏ không sao. Nhưng những nhà ga lớn như Shinjuku và Ikebukuro thì sợ lạc lắm. Vì đó là những ga tập trung nhiều tuyến đường sắt khác nhau, quy mô nhà ga lớn, phức tạp, cửa ra nhiều, không biết làm sao mà tìm đúng lối ra. Cùng làm quen với xe buýt nhé! LA: Hiện nay hệ thống xe điện ở Nhật thường sử dụng thẻ từ có tích hợp tính năng tiền điện tử để người dùng nạp tiền vào trước, sử dụng dần sau, rất tiện lợi. Thẻ này còn được sử dụng chung cho cả xe buýt nữa. Thẻ từ này cũng có thể dùng để mua hàng tại các nhà ga và cửa hàng tiện lợi nữa. Phương: Em hay sử dụng xe buýt đi chơi hoặc khi cần đi bệnh viện. Em thấy rất tiện lợi. Có thể dùng thẻ từ này để đi xe buýt. Lúc lên xe thì phải chạm thẻ gắn ở cửa ra vào để máy gắn trên xe đọc thẻ, lúc xuống thì lại chạm thẻ vào máy đọc thẻ ở cửa xuống. Ta chỉ cần nhớ vậy là đi đâu cũng được. Hệ thống xe buýt ở Nhật cũng nhất nhiều tiện lợi lắm. Và em thấy có khác với Việt Nam là xe buýt ở Nhật không có người soát vé, chỉ có lái xe. LA: Đúng thế. Xe buýt ở Nhật từ lâu đã áp dụng chế độ oneman bus - tức là xe buýt chỉ có 1 người vận hành. Hoàn: Khi mới sang, em có làm baito ở cửa hàng Mc. Donald và đôi khi phải đi hỗ trợ ở những quán khác nhau và phải đi xe buýt. Khi đó em sang Nhật được độ hơn 3, 4 tháng gì đó nên tiếng Nhật chưa giỏi. Họ gửi cho em đường linh và em tự đi. Để tìm đường ra bến xe, em cứ đi độ 5 phút lại hỏi người đi đường để tìm đúng bến xe. Sau khi lên xe em cũng nói ngay với lái xe tên bến em muốn xuống và nói thêm: “Đến lúc gần tới bến xuống, nhờ ông báo cho tôi biết.” Rồi em đứng ngay đằng sau lái xe để lúc họ gọi cũng dễ biết. Thế là đến lúc xuống, ông lái xe bảo “Đến bến xuống rồi đó.” Nếu không gọi người ta sẽ đưa mình đi chuyến cuối cùng luôn. Tuấn: Em thấy hệ thống xe buýt non-step của Nhật rất tuyệt vời. Loại xe này được thiết kế sàn thấp, cửa lên xuống không có bậc để hành khách cao tuổi và người đi xe lăn có thể lên xuống dễ dàng. Đi xe đạp chở người ngồi sau và bị cảnh sát cảnh cáo LA: Tiếp theo chúng ta nói về việc đi xe đạp, phương tiện giao thông gần gũi với mọi người. Các em có ai đi xe đạp và biết về luật giao thông đối với việc đi xe đạp không? Hoàn: Ở Nhật có quy định: Xe đi bên trái, người đi bộ bên phải. Đây là nguyên tắc mà người nước ngoài chúng ta cũng phải theo. Phương: Ngoài ra trên nguyên tắc là xe đạp không được đi trên vỉa hè. Với lại không được đi xe đạp đèo thêm người. Nếu đèo người phía sau, cảnh sát mà bắt gặp là họ sẽ bắt phải xuống. Hoàn: Thật ra có lần em đã bị cảnh sát cảnh báo là đi xe đạp đèo người phía sau rồi đấy. Lúc đó em đi học về cùng với bạn. Vẫn biết là đi xe đạp đèo người là vi phạm nhưng khi đó cứ tặc lưỡi đi. Đột nhiên, phía sau em nghe tiếng còi xe tuần tra của cảnh sát và họ gọi “Đi xe 2 người là vi phạm. Không được đi xe trên vỉa hè.” Lúc đó em đã học tiếng Nhật sang năm 2 nên em hiểu ngay và xuống xe ngay. Từ đó trở đi không bao giờ em đi xe đạp 2 người nữa. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Bài viết của Kokoro liên quan tới ý thức khi đi xe đạp Xe ô-tô không bấm còi LA: Ngoài xe điện, xe buýt và xe đạp, các em còn có ấn tượng gì về hệ thống giao thông của Nhật nữa không? Hoàn: Em còn thấy có đặc điểm là xe ô tô ở Nhật không mấy khi bấm còi. Đây là phát hiện hay nhất của em. Em thấy là người ta chỉ bấm còi khi muốn cảnh báo nguy hiểm thôi. Phương: Vâng vâng. Em thấy đúng là ở Nhật dù nhiều xe ô tô nhưng ít khi thấy bóp còi, thấy bấm còi còn thấy “lạ” nữa. Ở VN mình thì lúc nào xe cũng bóp còi inh ỏi (cười). Có lẽ do ít có bóp còi nên đường xá ở Nhật dù nhiều xe em thấy vẫn khá yên tĩnh. Đây là nét khác với ở Việt Nam. LA: Chị cũng có hỏi những người bạn Nhật lái xe thì họ nói là cũng như khi đi xe điện hoặc xe buýt, ý thức khi lái xe là mọi người cũng nhường nhịn lẫn nhau. Người ta chỉ bóp còi khi thực sự có gì nguy hiểm thôi. LA: Sau cùng mời các em tóm tắt lại điều mình muốn nói sau buổi nói chuyện hôm nay. Hoàn: Để kết thúc buổi trao đổi hôm nay, em xin được cảm ơn công ty du học đã hỗ trợ em rất nhiều khi mới sang Nhật. Cả trong học tập và đời sống và công việc. Vì vậy mà cuộc sống của em ở Nhật rất thuận tiện. Phương: Em thấy phương tiện giao thông ở bên này rất là thuận tiện. Rồi mình có gặp khó khăn gì thì hầu như là ở đâu thì mình cũng có sự giúp đỡ ngay từ nhân viên nhà ga hoặc là cảnh sát rồi người đi đường tận tình giúp đỡ mình cả người người nước ngoài hay là người Nhật. Đối với em, Nhật bản là một nước rất đáng sống. Tuấn: Ở Nhật Bản các loại biển báo thì mới có phổ biến là tiếng Nhật và tiếng Anh và tiếng Trung Quốc và hầu như chưa có tiếng Việt. Do hạn chế về ngôn ngữ nên đối với người nước ngoài có thể gặp khó khăn bước đầu. Tuy nhiên giống như Hoàn, khi gặp vấn đề gì, hãy tích cực hỏi những người xung quanh. Đa phần người Nhật rất thân thiện và nhiệt tình.
22/06/2021
Có thật là khi bị đánh rơi ví hoặc điện thoại di động ở Nhật Bản sẽ tìm lại được không? Trong bài “Trò chuyện cùng Sempai” số này, chúng ta cùng nghe các anh chị đi trước kể lại những trải nghiệm sốc văn hóa khi mới đến Nhật Bản. Chủ đề hôm nay là “Trị an ở Nhật Bản”. Các Senpai tham gia cuộc trò chuyện lần này Từ trái qua phải: Ngọc Linh, Bùi Linh, Vũ Hà Ngọc Linh: Sang Nhật năm 2016. Hiện sống ở tỉnh Kanagawa. Sinh viên tư phí, năm thứ 4. Bùi Linh: Sang Nhật năm 2019. Hiện sống ở tỉnh Osaka. Sinh viên cao học năm thứ 2 Đại học Osaka. Vũ Hà: Sang Nhật năm 2017, Hiện sống ở tỉnh Osaka. Sinh viên cao học năm thứ 2 tại Đại học Osaka. Trọng Dũng: Sang Nhật năm 2008. Sau khi du học thì ở lại Nhật Bản và hiện đang làm chủ một công ty ở Tokyo. Lan Anh: Dẫn chương trình, thành viên ban biên tập. Ở Nhật trên 30 năm. Từ trái qua: Trọng Dũng, Lan Anh Tìm lại được điện thoại di động và tiền đánh rơi! ーー (Lan Anh) Trong buổi nói chuyện với Senpai hôm nay, chúng ta nói chuyện về tình hình trị an ở Nhật Bản nhé. Nhiều du khách nước ngoài rất ngạc nhiên vì Nhật Bản rất an toàn. Là những du học sinh có kinh nghiệm sống ở Nhật, các em có ý kiến gì không? Ngọc Linh Lúc em mới tới Nhật được 3, 4 tháng, em lên tàu từ ga Ikeburo ở Tokyo. Tới ga Sugamo thì em xuống tàu và ngay khi xuống sân ga em không thấy ví của mình đâu. Thế là em nhìn lại chỗ ghế em đã ngồi và thấy cái ví nằm trên ghế. Chắc trong lúc ngồi ví bị rơi ra mà em không biết. Lúc đó tàu đang chuẩn bị đóng cửa lại em mới nói to là “Cái ví đấy là của tôi!”. May sao, hai bạn trẻ trên tàu ra hiệu cho em bảo là đến ga Tabata (tức là ga cách đó 2 ga) thì dừng lại để họ đưa ví cho em. Thế là em bắt chuyến tàu sau đến ga Tabata, đôi bạn đó đã chờ em ở sân ga và thấy em là đưa ví cho em luôn, em xúc động không nói nên lời. Trong ví của em lúc đó có thẻ cư trú, thẻ học sinh, thẻ ngân hàng và tiền mặt độ 10.000 yên (tương đương 1.983.000 đồng). Em chưa nói được nhiều tiếng Nhật, chỉ biết lặp đi lặp lại câu nói “arigatou” (cảm ơn). ※ Tỷ giá yên là khoảng 19,880 đồng (tính đến ngày 20/11/2012) ーー (Lan Anh) Nếu không tìm lại được ví thì phải làm thủ tục cấp lại thẻ cư trú v.v. như vậy sẽ mất thời gian và phiền toái lắm. Em thật là may mắn. Bùi Linh Em cũng có hai trải nghiệm tương tự. Lần đầu tiên thì em chỉ ở Nhật trong 2 tuần thôi. Vào tháng 8/2016, em cùng một số bạn người Nhật học ở Đại học Kyoto đi Osaka xem bắn pháo hoa. Hôm đó bọn em đi từ ga Kyoto-Kawaramachi của hãng đường sắt Hankyu tới ga Umeda ở Osaka. Giữa đường bọn em xuống ga để đi thăm 1 ngôi đền. Lúc xuống tàu do vội vàng nên em để quên điện thoại trên ghế ngồi. Đến lúc muốn chụp ảnh thì em mới nhận ra là em bị mất điện thoại. Mà cái điện thoại đấy lại là điện thoại bố em cho em mượn để mang đi chụp ảnh. Lúc nhận ra là mất điện thoại, mặt em tái đi, một bạn người Nhật đi cùng em hôm đó đã liên lạc với thầy giáo phụ trách đoàn giao lưu. Ngay sau đó, thầy đã liên lạc với công ty đường sắt Hankyu. Hôm sau, thầy bảo “công ty đường sắt nói là đã tìm điện thoại rồi”. Thầy đã đi từ Kyoto đến Osaka để mang cái điện thoại đó về cho em. Nơi trả lại đồ đánh rơi trong ga Umeda ở Osaka ーー (Lan Anh) Câu chuyện của em thật cảm động. Thật là may mắn quá! Bùi Linh Vâng, thật sự rất cảm động ạ. Người Nhật khi nhặt được đồ bị đánh rơi, chắc họ cũng nghĩ tới tâm trạng của người bị đánh rơi đồ chị nhỉ. Gần đây, em có thêm một trải nghiệm nữa. Em bị rơi 1 tờ 5.000 yên. Hôm đó em và một anh người Nhật phụ trách biên tập báo KOKORO đi thực tế để viết bài về du lịch ở Nara. Lúc tới ga Nihonbashi của hãng đường sắt Kintetsu (ở thành phố Osaka) em lấy máy tính bảng ra để chụp ảnh, lúc đó tờ tiền 5.000 yên để trong ba lô cũng rơi ra mà em không biết. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Bài viết về Du lịch ở Nara Xuống ga Nara rồi mới nhận ra bị mất tiền Bùi Linh Hôm đó em quên ví ở nhà nên đã vay anh phụ trách biên tập 5.000 yên. Vì không muốn gấp tiền nên em nhét thẳng vào ba lô, lúc rút máy tính bảng ra thì tờ tiền bị rơi ra. Lúc xuống ga Nara thì em mới nhận ra là bị rơi mất tiền. Nhưng em nhớ chỉ mở túi ra ở ga Nihonbashi nên chắc chắn tiền chỉ có thể rơi ở đó thôi. Sau 12 tiếng làm việc để thu thập thông tin viết bài, tối muộn em mới trở về Osaka. Anh phụ trách biên tập đã hỏi anh nhân viên nhà ga về việc rơi tiền. Anh nhân viên nhà ga hỏi thời gian và địa điểm mà có thể em đã làm rơi và sau khi anh phụ trách biên tập trả lời thì nhân viên nhà ga nói là có người nhặt được 1 tờ 5000 yên và đã gửi lại cho nhà ga! Và thế là em đã nhận lại được tiền. Tiền không để trong ví mà vẫn tìm lại được nên em thấy bất ngờ và xúc động hơn cả khi nhận lại chiếc điện thoại di động để quên mấy năm trước. Tờ 5.000 nhận lại được (tại ga của hãng đường sắt Kintetsu năm 2021) Không nên tin tưởng thái quá Trọng Dũng Tôi phụ trách việc giới thiệu du học sinh cho các trường tiếng Nhật. Sau khi sinh viên tới Nhật, chúng tôi phải hỗ trợ nhiều mặt. Một hôm, có một em sinh viên không kịp nhận tiền từ nhà gửi sang vì đã tới hạn nộp tiền học nên tôi cho em đó vay 90.000 yên (tương đương khoảng 17.890.000 đồng). Nhưng ngay sau đó, em sinh viên này đã đánh rơi ví ở đâu đó gần nhà ga Shinokubo, nơi có trụ sở của công ty tôi. Tôi đã cùng với em đó đi báo cảnh sát và 2 ngày sau, cảnh sát gọi điện cho biết đã tìm lại được ví nhưng trong ví chỉ còn lại 1 nghìn yên. Bạn sinh viên đó đã buồn mất một thời gian. Quang cảnh xung quanh nhà ga Shinokubo ーー (Lan Anh) Thật đáng ngạc nhiên khi ở Nhật có nhiều trường hợp đánh rơi, để quên đồ vật quý giá nhưng vẫn tìm lại được. Tuy vậy không phải lúc nào cũng tìm lại được như thế. Chúng ta không nên quá tin. Ngọc Linh Vâng, em cũng đã từng bị mất xe đạp rồi ạ. Em cho xe vào nơi gửi xe ở trước cửa nhà ga, em đã trả tiền nhưng lại quên khóa xe. Thế là lúc em về đến ga tìm xe thì không thấy nữa. Em có báo số xe cho cảnh sát ạ, nhưng cuối cùng cảnh sát cũng không tìm thấy. Em đợi mãi không thấy cảnh sát liên lạc lại nên em phải mua xe mới. ーー (Lan Anh) Trị an ở Nhật Bản khá tốt nhưng không vì thế mà chủ quan được. Một bạn người Nhật chơi thân với chị cũng nói việc mất xe đạp cũng thường xuyên xảy ra. Ô nhựa Bùi Linh Em muốn kể về chuyện mất ô. Vào ngày mưa, khi vào siêu thị hoặc cửa hàng nào đó, mọi người thường cho ô vào giá để ô bên ngoài cửa. Có nơi thì giá để ô có khoá, có nơi thì không. Kể cả ở những nơi không có khoá thì khi ra về cũng thường không bị mất ô. Thế nhưng, loại ô nhựa trong có thể mua với giá vài trăm yên là một trường hợp ngoại lệ. Có lần em để ổ ở bên ngoài quán ăn rồi vào bên trong dùng bữa. Tới lúc ra về thì em không thấy ô đâu, chỉ còn lại 1 chiếc ô cũ cùng loại. Em nói với một bác nhân viên là mình bị mất ô và ngay lập tức bác ấy mang 1 cái ô khác mới hơn đổi cho em. ーー (Lan Anh) Loại ô nhựa trong ở Nhật trông rất giống nhau mà giá lại rẻ nên cũng có nhiều người không để ý, cứ tiện tay thì cầm đi. Trọng Dũng Đúng rồi, loại ô nhựa đó đa phần giống nhau nên khó phần biệt lắm. Lần sau cẩn thận là phải dán thêm tên mình vào. Cẩn thận với người gõ cửa chào hàng Vũ Hà Ở Nhật cũng có hình thức bán hàng có vẻ đáng nghi. Nhất là kiểu gõ cửa chào hàng tận nhà. Có người đến gõ cửa nhà em vào buổi tối tự xưng là nhân viên công ty cung cấp mạng internet, công ty điện lực. Những người ấy nói “Hãy chuyển sang dùng dịch vụ của công ty tôi”, “Công ty điện lực của tôi có giá điện rẻ hơn công ty bạn đang dùng, hãy kí hợp đồng với công ty tôi”. Em từ chối vì không biết có tin được không, em cũng không nắm rõ về thông tin dịch vụ và điều kiện sử dụng nên em nói “Để cho tôi thời gian suy nghĩ đã”. Nhưng họ lại nói đi nói lại “Bây giờ mà không quyết thì chương trình giảm giá này sẽ kết thúc, bạn hãy kí ngay đi”. Lúc đấy thì em thấy hơi nghi rồi nhưng em vẫn cứ nói chuyện bằng tiếng Nhật với họ một lúc lâu, sau đó họ bỏ cuộc. ーー (Lan Anh) Cũng có một số hình thức chào hàng tận nhà hơi mang tính lừa đảo một chút như vậy. Chúng ta nên thận trọng. Vì người chào hàng là những người nhận ủy thác của các công ty, nên họ cũng phải cố gắng đạt được doanh thu theo như hợp đồng đã ký kết. Nếu gặp trường hợp đó, chúng ta nên cẩn thận, suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định. Trọng Dũng Gần đây có nhiều công ty kinh doanh điện ra đời nên họ tích cực đi tiếp thị để có thêm nhiều người biết tới dịch vụ của họ. Tất nhiên là có những dịch vụ thực sự tốt, mọi người nên trao đổi thêm với ai đó rồi hãy quyết định. Ngọc Linh Nhà em cũng hay gặp nhân viên của NHK đến để thu tiền xem tivi. Nhưng vì em không có tivi nên chắc không trả tiền cũng được.
23/11/2021
Tại các nhà hàng, nhân viên luôn hướng về phía khách hàng, chào thật to và rõ ràng là “Irasshaimase” (xin mời vào), khi đang phục vụ thì chú ý đến tốc độ ăn của khách để mang dần từng món lên. Đó là các trải nghiệm của những sempai làm việc lâu năm trong các nhà hàng ăn uống. Trong loạt bài “Trò chuyện cùng sempai” nói về những cú sốc văn hóa hoặc những trải nghiệm của những người đi trước, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về dịch vụ tận tâm Omotenashi của Nhật Bản nhé. Những sempai tham gia cuộc trò chuyện lần này Ngọc Linh: Sang Nhật năm 2016. Hiện sống tại tỉnh Kanagawa, sinh viên năm thứ 4, đại học tư thục. Vũ Hà: Sang Nhật năm 2017. Hiện sống tại tỉnh Osaka. Sinh viên cao học Đại học Osaka. Trọng Dũng: Sang Nhật năm 2008. Sau khi học xong ở Nhật thì mở công ty riêng. Lan Anh: Dẫn chương trình. Thành viên ban biên tập KOKORO. Đã sống ở Nhật trên 30 năm. Dịch vụ tận tâm Omotenashi ーー(LA)Ở Nhật Bản có từ "Omotenashi" để chỉ sự phục vụ tận tình, tận tâm. Các em sống ở Nhật đã lâu, đã có ai được phục vụ như vậy chưa? Ngọc Linh: Em từng đi làm thêm (baito) ở nhiều nơi như làm ở cửa hàng tiện lợi (combini), quán cà phê (ở Akihabara), quán ăn kiểu gia đình (Family restaurant), siêu thị, quán gà nướng (Shibuya), quán bít-tết (ở Shinjuku). Mỗi nơi đều có tiêu chuẩn về "omotenashi" riêng nên em có cảm giác như mình được biết rất nhiều tinh hoa trong dịch vụ ở Nhật. Em đã làm 5 năm ở một quán gà nướng ở Shibuya. Khách hàng của quán thuộc đủ mọi tầng lớp. Trước khi có đại dịch COVID-19, cũng có nhiều khách nước ngoài tới quán. Nơi này đã giúp em trưởng thành rất nhiều. Ví dụ: khi khách hàng vào thì tất cả mọi nhân viên phải nhìn về phía khách hàng và nói Irasshaimase (nghĩa là “Xin mời vào”). Dù lúc đó mình đang rửa bát, đang nhặt rau hay đang pha đồ uống… thì cũng dừng lại hết tất cả mọi việc, nhìn vào khách và nói lời chào. Việc này nhằm tỏ ý biết ơn khách hàng vì họ đã chọn đến quán của mình trong khi xung quanh có rất nhiều các cửa hàng khác. Nếu không quay mặt lại, không nói to và nhiệt tình thì lời chào không có ý nghĩa, không thực sự có tình cảm, thành ý. Lúc khách ra về, mình phải "miokuri" tức là ra tận cửa để tiễn khách. Em có nghe cảm nhận của khách hàng. Họ bảo là đến những quán mà nhân viên chào hỏi nhiệt tình là họ có ấn tượng tốt và muốn quay lại. Dù trong lúc ăn, các món có lên chậm một chút thì khách hàng cũng sẽ nhớ lại ấn tượng ban đầu là được chào hỏi nồng hậu nên có thể bỏ qua cho việc phục vụ chậm. Trong những quán nhậu, mọi người có thấy là toilet thường rất sạch sẽ không? Họ thường đặt sổ để khách hàng ghi ý kiến. Họ quan tâm tới những chi tiết nhỏ như để bông ngoáy tai, tăm, nước súc miệng, thậm chí là để cả một món đồ hơi hơi tế nhị một tí là băng vệ sinh cho khách nữ. Em thấy cái đấy chứng tỏ là họ quá là quan tâm. ーー(LA)Em được làm việc tại một cửa hàng tuyệt vời quá. Nếu được vào một nhà hàng có thái độ phục vụ, lời chào vui vẻ như vậy mình cũng thấy thích thú. “Mình đặt bản thân vào vị trí của khách và phục vụ họ với cả tấm lòng” đó chính là tinh thần của Omotenashi. Ngọc Linh: Dạ. Nhà hàng cũng luôn dạy cho bọn em là “Hãy đứng vào vị trí của khách” để làm việc. Ngoài việc chào hỏi nhiệt tình, khi phục vụ bọn em cũng được dạy phải để ý xem tốc độ ăn của khách ra sao để mang đồ ăn ra đúng lúc để khách có thể thưởng thức hương vị ngon nhất. Chứ nếu món trước chưa ăn xong, mình đã mang món tiếp theo ra thì đồ ăn nguội mất, không còn ngon nữa. Trọng Dũng: Để đạt được trình độ như vậy thì cần có nhiều năm làm việc và đúc kết kinh nghiệm. Việt Nam cũng đang ngày một phát triển nhưng chắc cũng phải mất thời gian mới theo kịp dịch vụ của Nhật. Mong sao ngành dịch vụ của Việt Nam cũng học hỏi những điểm hay của Nhật Bản. Công ty tôi cũng hay phái cử nhân viên tới làm việc tại quầy thu ngân hoặc vận chuyển hàng cho siêu thị. Chúng tôi có tới 50 nhân viên người nước ngoài đang làm việc tại siêu thị. Chúng tôi cũng luôn hướng dẫn các bạn mỗi khi có khách tới thì ngẩng lên chào khách và nói “Irasshaimase” (xin mời vào / xin chào) hoặc “arigatou” (cảm ơn). Phục vụ khách ở siêu thị: Vấn đề cần cải thiện Ngọc Linh: Em cũng làm thêm (baito) tại siêu thị. Hình như siêu thị càng lớn thì việc đào tạo nhân viên lại càng không được cẩn thận lắm. Em thấy mấy bạn người Nhật cùng độ tuổi với em, khi làm việc tại các siêu thị lớn đó thì không thực sự quan tâm tới khách hàng lắm, không thể hiện đủ thái độ omotenashi, mà chỉ làm cho xong việc và nhận tiền. Còn nhân viên lớn tuổi hơn thì họ quan tâm tới khách hàng hơn. Vì được đào tạo kỹ tại quán gà nướng nên em cũng rất quan tâm tới khách khi làm ở siêu thị. Nếu gặp khách hàng lớn tuổi, em tự động bê giỏ đồ cho họ ra tận bàn đóng gói hàng hoá. Nhưng các bạn trẻ người Nhật thì không để ý việc đó. Họ tính tiền xong là xong, không quan tâm tới khách có gặp khó khăn gì không. Các em bé đi siêu thị với cha mẹ thì thích tự mình mua những món đồ như kẹo có hình nhân vật mà mình thích. Bé không muốn đưa đồ vào giỏ hàng cùng với cha mẹ. Trong trường hợp đó, em sẽ tính tiền cho bé trước, như vậy bé sẽ ngoan, mình tính tiền cho cha mẹ bé dễ dàng. Nhưng một số bạn Nhật trẻ hoặc mới đi làm thì không kiên trì trong việc xử lý những việc như thế. Ở siêu thị như thế, bọn em cảm thấy họ không giáo dục nhân viên phải quan tâm chu đáo tới khách mà chỉ quan tâm là mình tính đủ tiền hay không, không bị lỗ là được. Muốn tự mình xem hàng kỹ cũng khó ーー(LA)Vũ Hà có cảm nhận gì về dịch vụ của Nhật Bản không? Vũ Hà: Có ạ. Một hôm em vào một cửa hàng giày. Thế là nhân viên chạy đến ngay và hỏi: "Anh cần cỡ bao nhiêu để tôi giới thiệu". Em thì vừa vào nên bảo: "Để từ từ mình xem mẫu mã đã". Thế là nhân viên họ đứng lùi ra sau nhưng em cảm thấy họ vẫn theo dõi em nên em ra khỏi cửa hàng đó luôn vì không đủ thời gian để xem thì rất khó mua. ーー(LA)Ở những cửa hàng sang trọng hoặc các cửa hàng nhỏ thì nhân viên luôn sẵn sàng lại gần khách hàng để hỏi han, hướng dẫn. Cách thể hiện dịch vụ như vậy cũng khiến nhiều khách hàng hài lòng nhưng nhiều khi cũng khiến khách hàng cảm thấy phiền toái nhỉ. Việc thông báo thông tin trên xe điện, xe buýt ーー(LA)Còn dịch vụ trên các phương tiện giao thông công cộng thì các em thấy thế nào? Ngọc Linh: Hồi tháng 10/2021 vừa qua, ở khu vực Tokyo và các tỉnh lân cận có 1 trận động đất khá mạnh, ảnh hưởng tới nhiều tuyến tàu. Hôm sau, em có đi tàu thì nhiều tuyến vẫn bị ảnh hưởng nên tàu đông và bị chậm chuyến. Nhà ga luôn thông báo tình hình tàu chạy và xin lỗi hành khách vì sự chậm trễ, rồi dặn dò hành khách hãy cẩn thận khi đi lại làm em rất cảm động. Vũ Hà: Ở Việt Nam, xe buýt không dừng hẳn cho người lên xuống mà vẫn đi chậm chậm vì thế người xuống, người lên cũng phải thật nhanh chân mới được. Trọng Dũng: Trên tàu điện hoặc xe buýt ở Nhật đều có những chỗ ngồi ưu tiên. Khi đi xe, lái xe thường xuyên thông báo “Trên xe có ghế ưu tiên. Nếu thấy người lớn tuổi, người khuyết tật hoặc phụ nữ có thai hoặc có trẻ nhỏ thì chúng ta hay nhường chỗ nhé”. Ở Việt Nam, khi đi xe buýt cũng đôi khi thấy thông báo “hãy nhường ghế cho người già hoặc trẻ nhỏ” nhưng tôi ít khi thấy ghế nào đề là ghế ưu tiên cả. Vũ Hà: Ở Osaka thì em thấy là ngoài thành phố Osaka, các tàu điện và xe buýt ít có biển báo hoặc thông báo bằng tiếng Anh nên đối với người mới sang hoặc chưa giỏi tiếng Nhật thì cũng gặp nhiều khó khăn. Em rất mong là có thêm nhiều nơi có nhiều thông tin, biển báo bằng tiếng Anh hơn nữa.
25/11/2021
Vì công việc mà tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều bạn trẻ người Việt Nam sang làm việc hoặc học tập tại Nhật Bản. Cách đây một thời gian, tôi có dịp đi công tác xuống địa phương và được một số bạn trẻ người Việt Nam làm thực tập sinh ở đó mời về nhà ăn cơm. Bữa cơm vui vẻ và đầm ấm với những món ăn đơn giản nhưng mang đậm hương vị quê nhà như nem rán, cá rán và đặc biệt là có một bát canh chuối xanh nấu ốc thơm lừng mùi lá tía tô. Các bạn mang canh ra và nói “Chị ăn đi, ngon lắm. Hôm nay có chị đến chơi, bọn em cũng nghĩ chắc chị ở thành phố thì ít có dịp ăn ốc nên hôm nay nấu ốc chuối xanh đãi chị đó ạ.” Thấy các bạn đã chuẩn bị công phu, khêu từng con ốc và tình cảm các bạn dành cho, tôi đã ăn một bát và quả thật là rất ngon vì lần đầu tiên sau bao năm tôi mới được ăn món canh ốc này. Cơm nước xong, ngồi trò chuyện với nhau, tôi mới hỏi xem các bạn mua ốc ở đâu thì bạn cho biết “Bọn em đi bắt ở những thửa ruộng lúa gần chỗ làm ạ. Ở đây nhiều lắm mà hình như người Nhật không ăn chị ạ”. Ốc trong ruộng lúa Nghe vậy tôi mới giật mình và nói cho các em biết là ốc ở những thửa ruộng trồng lúa là KHÔNG THỂ ĂN ĐƯỢC và từ nay trở đi KHÔNG ĐƯỢC ĂN ỐC MÒ Ở RUỘNG LÚA. Lý do là vì việc trồng lúa hiện nay dùng rất nhiều hóa chất, từ thuốc trừ sâu đến thuốc diệt cỏ… Nên các loài sinh vật sống ở đây đều nhiễm hóa chất nặng. Các ruộng lúa dùng rất nhiều hóa chất Liên quan tới việc bắt sinh vật, động vật trong thiên nhiên về ăn có một sự việc xảy ra năm 2019. Một bạn trẻ, nam giới, người Việt Nam ở Nhật bắt 2 con vịt trời ở một khu vực sông ở Tokyo định mang về ăn nhưng đã bị bắt và bị truy tố vì tội “Vi phạm Luật Bảo hộ Động vật” của Nhật Bản. Theo luật này việc tự tiện bắt chim muông và động vật ở Nhật Bản, trên nguyên tắc là bị cấm. Chỉ được phép săn bắt những loài thú được phép “Săn bắt” và phải có “Giấy phép”. Và việc “Săn bắt” phải được cấp phép và được đăng ký. “Giấy phép” được cơ quan hành chính có chức năng cấp cho mục đích loại bỏ những động vật gây nguy hại hoặc vì mục đích nghiên cứu. Ngoài 2 mục đích này ra thì dù chim trời hay động vật hoang dã thì cũng không được phép đánh bắt. Chim trời hay động vật hoang dã thì cũng không được phép đánh bắt Quay lại việc mò bắt ốc ở ruộng lúa, việc làm này không vi phạm luật nhưng nếu ăn phải có khả năng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Có thể ta không nhận thấy tác hại ngay sau khi ăn nhưng nếu không biết mà cứ tiếp tục ăn thì lâu dần, những hóa chất độc hại sẽ tích tụ lại trong cơ thể và trong tương lai có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng. Vì thế lời khuyên của tôi là “Nhất định không được ăn ốc ở ruộng lúa” các bạn nhé.
17/08/2020
Rất nhiều bạn lưu học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư đã nói được tiếng Nhật thông qua việc tham gia “lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện”. Đây là các lớp học do các cơ quan nhà nước mở ra, bạn có thể tham gia học miễn phí hoặc học với học phí thấp. Ngoài việc học tiếng Nhật, lớp học cũng có rất nhiều ưu điểm như có cơ hội làm quen với giáo viên người Nhật ▽ có thêm bạn bè người Việt ▽ có các hoạt động giao lưu bạn bè. Lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện là gì Ở Nhật có rất nhiều lớp dạy tiếng Nhật miễn phí hoặc học phí thấp do các tổ chức giao lưu quốc tế, hội nhóm người Việt tổ chức. Phần lớn các lớp không tập trung vào dạy từ vựng và ngữ pháp như các trường học tiếng, mà tập trung nâng cao kỹ năng giao tiếp của học sinh. Để bổ trợ cho việc học ở trường Nhật ngữ, một số lưu học sinh cũng đã mang sách vở của trường đến lớp tiếng Nhật tình nguyện để nhờ thầy cô ôn tập cho. Cách tìm lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn một số cách tìm lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện. 【Các tổ chức của địa phương, các hội giao lưu quốc tế】 ・ Hỏi bộ phận hỗ trợ người nước ngoài hoặc phụ trách giao lưu quốc tế của các tỉnh thành.・ Hỏi các hội quốc tế hoá (国際化協会) hoặc hội giao lưu quốc tế (国際交流協会) của địa phương. (Có giới thiệu trang chủ) Danh sách các tổ chức quốc tế hóa và các tổ chức giao lưu quốc tế trên toàn Nhật Bản (tiếng Nhật) 【Các trang web】 Đây là một số trang web có giới thiệu về lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện U-Biq (Thông tin về các lớp tiếng Nhật tình nguyện trên toàn Nhật Bản) Hội người Việt ở Sendai (SenTVA) Hội người Việt tại Ibaraki 【Nguồn khác】 ・ Các tờ rơi về lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện được để tại trường Nhật ngữ - nơi bạn đang theo học.・ Được phiên dịch viên của nghiệp đoàn quản lý thực tập sinh kỹ năng giới thiệu. Trải nghiệm của tiền bối Trải nghiệm của tiền bối (kỹ sư, nam giới) Tôi đã từng làm kỹ sư ở tỉnh Gunma. Tôi đón vợ sang sau nhưng khi mới sang thì cô ấy không hiểu tiếng Nhật nên đã rất khổ sở. Người đã giúp đỡ cô ấy vượt qua giai đoạn khó khăn đó chính là các giáo viên người Nhật ở lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện. Hai cô giáo lớn tuổi không chỉ dạy tiếng Nhật cho vợ tôi, hai cô ấy còn rất quan tâm đến vợ tôi, cùng vợ tôi đi đi khám ở bệnh viện, đi mua sắm v.v. Chúng tôi đã được giúp đỡ rất nhiều, hai cô giáo ấy chính là ân nhân của chúng tôi. Sau đó, tôi chuyển đến tỉnh Kanagawa để làm việc. Ở nơi làm việc mới, chỉ có tôi là người nước ngoài nhưng tại lớp tiếng Nhật ở nơi tôi chuyển đến, tôi đã gặp được 3 gia đình người Việt có hoàn cảnh giống vợ chồng tôi nên chúng tôi đã trở thành bạn bè và thường giao lưu với nhau. Trải nghiệm của tiền bối này Trải nghiệm của tiền bối (thực tập sinh kỹ năng, nữ giới) Ngoài việc tự học tiếng Nhật hàng ngày, tôi thường tham gia lớp tiếng Nhật miễn phí vào cuối tuần, sang năm thực tập thứ hai, tôi được nhận nhiệm vụ hướng dẫn cho một nhân viên người Nhật mới vào. Tôi nảy sinh tình cảm với người ấy rồi chúng tôi đã lấy nhau. Trải nghiệm của tiền bối này Trải nghiệm của tiền bối (thực tập sinh kỹ năng, nam giới) Mỗi cuối tuần, tôi tham gia các lớp tiếng Nhật, các hoạt động tình nguyện hoặc hội giao lưu bạn bè, tôi đã có thêm nhiều bạn mới, cuộc sống thực tập của tôi tràn đầy niềm vui. Trải nghiệm của tiền bối này Tổng hợp Lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện có mặt ở khắp mọi nơi. Ngoài việc năng lực tiếng Nhật được cải thiện, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ giáo viên người Nhật và bạn bè người Việt, có các buổi liên hoan và vui chơi giải trí cùng nhau. Việc có kế hoạch vào cuối tuần cũng sẽ khiến cuộc sống của bạn cân bằng hơn. Để cuộc sống tại Nhật Bản tràn đầy màu sắc, nâng cao năng lực tiếng Nhật cho bản thân và tìm kiếm thêm cơ hội cho mình trong tương lai, bạn có muốn tham gia thử lớp tiếng Nhật tình nguyện không ? Nếu bạn muốn biết thông tin chi tiết hơn thì hãy đọc bài viết này nhé.
04/05/2021
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài