Category | Tin mới nhất
Kiểu ngồi quỳ trên đầu gối và giữ thẳng lưng được gọi là “seiza” (正座). Trong thời kỳ Edo (1603-1868) của Nhật Bản, khi gặp tướng quân, các võ sĩ sẽ thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách ngồi quỳ thẳng lưng. Thậm chí ngày nay, “seiza” vẫn được coi là cách ngồi chính thức trong những bộ môn văn hóa truyền thống của Nhật Bản như trà đạo, cắm hoa, thư pháp, ngay cả trong đời sống hàng ngày thì ngồi “seiza” cũng là quy tắc khi gặp gỡ người trên trong những căn phòng kiểu Nhật. Tuy nhiên, “seiza” chỉ mới trở nên phổ biến ở...
7 vấn đề trong cuộc sống cần được hỗ trợ tư vấn nhiều nhất
02/05/2024Ví dụ về các gói SIM giá rẻ của Nhật: Hãy cùng lựa chọn điện thoại di động...
18/03/2024Làm thế nào để vào nhà trẻ ở Nhật Bản
13/03/2024Trang web hỗ trợ du học sinh, thực tập sinh kỹ năng, kỹ sư
[Được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam]
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội đã được chính thức đi vào hoạt động. Do chưa có thói quen đi tàu điện đô thị nên những ngày đầu chạy thử cũng có chút trục trặc. Để cải thiện việc đi tàu tôi muốn các bạn cùng tham khảo tác phong đi tàu ở Nhật Bản, nơi có phong cách đi tàu đã được phát triển lâu đời. 〈※Ảnh trên cùng của Quách Phong〉 Bản đồ đường tàu 〈Nguồn: Hanoimetro.net〉 Ngày 6/11/2021 tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông” đã được khai thông. Tuyến đường sắt này được khởi công vào năm 2011 với mục đích để giảm tắc nghẽn giao thông. Dự định ban đầu sẽ khai trương vào năm 2015 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần. Tổng chi phí vào khoảng 18 nghìn tỷ đồng (khoảng 900 tỷ yên). Đây là tuyến đường sắt hoàn toàn trên cao, giá tối thiểu là 8.000 đồng (khoảng 40 yên). Tổng chiều dài từ ga Cát Linh tới ga Hà Đông là 13.1km với 12 ga. Ngày đầu khai trương và những vấn đề cần cải tiến Ảnh Quốc Thái Khác với những tuyến đường xe điện cũ, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một phiên bản nâng cấp xịn xò hơn, hiện đại hơn giúp diện mạo thủ đô Hà Nội gọn gàng và mang hơi thở thời đại hơn rất nhiều. Còn đối với những công dân trẻ thời IT (công nghệ thông tin) đã được tiếp xúc với phương tiện công cộng hiện đại thông qua internet hay phim ảnh, rốt cuộc giấc mơ được ngồi tàu đi giữa thủ đô cũng đã trở thành hiện thực. Người dân Hà Nội dĩ nhiên là vui mừng. Rất nhiêu bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên học ở những ngôi trường nằm dọc tuyến tàu chạy, ngồi café nói với nhau về viễn cảnh “ngồi tàu đi học” như trong phim Nhật, phim Hàn. Một gia đình cùng nhau đi tàu 〈Ảnh Cao Minh Ngọc〉 Tuy nhiên, dẫu sao thì hoạt động đi tàu cũng là hoàn toàn mới mẻ với một bộ phận lớn người dân sống tại Hà Nội nên khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, chệch choạc. Theo thống kê từ Sở giao thông vận tải Hà Nội, chỉ trong 2 ngày đầu tiên đưa vào hoạt động, tuyến tàu Cát Linh – Hà Đông đã phải “cõng” tới 80.000 lượt hành khách. Đông ắt sẽ có chuyện. Ít nhất thì đã có một vụ ẩu đả xảy ra do người này đứng che mất góc chụp ảnh của người khác. Rất nhiều người dân do quá háo hức trải nghiệm nên có đôi chút chen lấn, xô đẩy giữa người lên và xuống tàu. Nhiều người bạn của tôi thì than phiền về tiếng ồn trên tàu. Những cuộc video call gọi về cho bố mẹ ở quê khoe đang đi tàu diễn ra với âm lượng quá lớn, tiếng trẻ con khóc, gào thét vì đông đúc mệt mỏi… đã tạo nên một bầu không khí hơi huyên náo thái quá so với một ga tàu bình thường. Bãi đỗ xe và những vấn đề phát sinh Bãi đỗ xe ở tầng 1 ga Cát Linh Ngoài ra, theo phản ánh của người dân thì có hiện tượng thu phí cao hơn so với mức giá niêm yết. Tại bãi đỗ xe ở ga Cát Linh, giá quy định là 5.000 đồng đối với xe máy và 25.000 đồng đối với ô tô nhưng đã bị nâng lên 10.000 cho xe máy và 50.000 đồng đối với ô tô. Tuy nhiên, hiện tại thì chỉ ở ga chính Cát Linh mới có bãi đỗ xe còn các ga nhỏ dọc tuyến thì vẫn chưa có những địa điểm chính thức để người dân gửi xe. Trong thời gian sắp tới Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty Đường sắt Hà Nội phối hợp, đề xuất các vị trí gửi xe tại các ga tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đi tàu, nên học tác phong của người Nhật Một sân ga xe điện ở Tokyo Tàu điện là một “sân chơi” khá mới đối với đa phần người Việt nhưng tại Nhật Bản, tàu điện đô thị, tàu điện ngầm có bề dày lịch sử khoảng 150 năm. Tại các đô thị lớn ở Nhật, hệ thống xe điện nổi cộng với hệ thống xe điện ngầm có rất nhiều tuyến đường, đan xen nhau như mạng nhện. Ở Tokyo, chỉ riêng tuyến xe điện ngầm đã có 9 tuyến với tổng cộng 180 nhà ga. Hầu hết những người sử dụng tàu đều đi bộ từ nhà tới ga. Vì vậy ở Tokyo, nhiều người không có xe máy hoặc xe ô tô và chỉ cần sử dụng tàu điện và xe buýt trong sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy mà người Nhật cũng quen với “bộ quy tắc ứng xử ngầm” khi đi xe điện như không làm nói chuyện qua điện thoại, không ăn uống, không vứt rác, xếp hàng khi tàu đến… khá giống với việc đi máy bay hay đi xe khách. Khi đi tàu, chúng ta có thể tham khảo những tác phong đi tàu của người Nhật mà chúng tôi xin giới thiệu sau đây. Phong cách khi đợi tàu và lên tàu Xếp hàng đợi tàu 〈Ga Osaka, đường tàu JR〉 Khi đợi tàu, văn hoá xếp hàng của người Nhật có nét khác biệt. Họ sẽ xếp thành 2 hoặc 4 hàng và khi tàu đến, họ sẽ đứng dạt sang 2 bên cửa tàu, mở ra một lối đi rộng rãi cho những người từ trên tàu bước xuống hết rồi mới lên tàu. Vào những lúc cao điểm như giờ đi làm buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều, những nhà ga lớn sẽ rất đông khách nhưng thường không có bất kỳ sự chen lấn, va chạm nào ở cửa tàu. Trong 3 ngày đầu chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông được đưa vào hoạt động, đã diễn ra tình trạng chen lấn, va đập, thậm chí… ẩu đả. Các bạn thử tưởng tượng xem nhà ga Shinjuku ở Tokyo, mỗi ngày với các tuyến đường của 5 công ty đường sắt khác nhau, mỗi ngày có tới trên 3,5 triệu lượt khách qua lại mà không hề xảy ra vấn đề gì thì đủ thấy tác phong đi tàu của người Nhật đã phát triển đến mức nào. Chúng ta hãy tham khảo tác phong tại các ga xe điện của Nhật để cải thiện dần cách đi tàu ở mình nhé. Đeo ba lô phía trước ngực Ở Nhật, nhiều hành khách đeo ba lô phía trước ngực Để tránh những va chạm không đáng có, ngoài việc tuân thủ chuyện xếp hàng, người Nhật còn luôn lưu ý vào lúc tàu đông mà đeo ba lô to thì thường quay balo về trước ngực thay vì để sau lưng. Việc ôm balo trước ngực sẽ tránh được việc bạn vô tình đập ba lô hoặc vướng vào mặt người lạ. Khu vực dành riêng cho xe lăn và ghế ưu tiên Tàu điện ở Nhật Bản còn có khu vực riêng dành cho người đi xe lăn hoặc người dùng xe đẩy trẻ em để có thể lên xuống dễ dàng với sự giúp đỡ của nhân viên nhà ga. Ngoài ra thì người Nhật rất chú ý đến ghế ngồi dành riêng cho những đối tượng đặc biệt như: Người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già… Ghế ngồi này thường có màu khác với các ghế ngồi bình thường, thường được đặt ở cuối hoặc đầu toa, có ghi rõ là “ghế ưu tiên” để mọi người lưu ý nhường chỗ khi cần. Sẽ có rất ít người Nhật bình thường ngồi vào những ghế này, trừ khi tàu rất vắng. Khi tàu đông, cũng có khi có bạn trẻ người Việt Nam không nhận ra nên vô tư dùng các ghế ngồi ưu tiên đó. Hãy chú ý điều này nếu như bạn không muốn bị lườm nguýt ở Nhật nhé.
02/12/2021
Trước các nhà hàng, quán ăn ở Nhật Bản thường có tủ kính, trong đó bày các món ăn của quán trông rất ngon mắt. Hồi mới sang Nhật, nhìn thấy các món trong tủ, tôi vẫn tưởng là đồ ăn thật cơ đấy. Nhưng tôi đã nhầm! Đó chỉ là “Shokuhin Sampuru”, hay “mô hình đồ ăn” mà thôi. Phía ngoài quán mà bày Shokuhin Sampuru thì thực khách sẽ biết ngay “trong quán có món gì, giá bao nhiêu”. Hơn nữa, độ chân thực của các mô hình này sẽ kích thích vị giác, khiến khách cảm thấy muốn được thưởng thức ngay lập tức. Trong bài viết lần này, tôi xin giới thiệu một nét văn hoá độc đáo của Nhật Bản, đó là “Shokuhin Sampuru”, mô hình đồ ăn tinh xảo, giống đến mức khó phân biệt với đồ thật. Lịch sử của Shokuhin Sampuru Có vẻ việc sử dụng Shokuhin Sampuru của Nhật Bản bắt đầu từ những năm 1920, khi chuyện đi ăn hàng quán ở ngoài trở nên phổ biến. Ban đầu chỉ là chủ các quán ăn tự tìm tòi nghiên cứu và làm ra mô hình đồ ăn của quán mình. Thời đó, người dân từ nhiều địa phương đổ về các khu đô thị đông đúc. Nhờ mô hình đồ ăn bày ngoài cửa quán mà người dân địa phương dù chưa quen với hàng quán ở chốn phồn hoa đô hội vẫn có thể quyết định có nên bước chân vào quán hay không. Thời đó, Shokuhin Sampuru được gọi là “Shokuhin Mokei” (Mô hình thực phẩm) hay “Ryori Mokei” (Mô hình đồ ăn). Năm 1931, một người tên là Iwasaki Takizo, quê ở tỉnh Gifu, bắt đầu tính chuyện sản xuất, kinh doanh mô hình thực phẩm. Iwasaki Takizo dày công thử nghiệm nhiều cách khác nhau để tìm phương pháp chế tạo mô hình đồ ăn. Vào năm 1932, ông đã chế tác thành công mô hình món cơm trứng chiên (omuraisu) bằng sáp có độ tinh xảo khác hẳn so với các sản phẩm khác từng có. Sau đó, Iwasaki Takizo thành lập “Iwasaki seisakusho” (cơ sở chế tác Iwasaki, nay là Công ty cổ phần Iwasaki) tại thành phố Osaka. Mô hình thực phẩm do công ty sản xuất nhanh chóng trở nên nổi tiếng, với sản phẩm xuất hiện tại các nhà hàng ăn uống trên khắp Nhật Bản. Sau Thế chiến thứ 2, khoảng những năm 1950, ngày càng có nhiều người Mỹ đến Nhật và từ đó ngành sản xuất Shokuhin Sampuru càng phát triển mạnh mẽ. Thời đó, trong các quán ăn ở Nhật không có thực đơn bằng tiếng Anh cũng như hình ảnh. Vì vậy, Shokuhin Sampuru và bảng giá bày ngoài cửa quán trở nên hết sức hữu ích cho người Mỹ. Đến những năm 1970, nguyên liệu làm Shokuhin Sampuru chuyển từ sáp dễ chảy, dễ hỏng sang vật liệu tổng hợp có độ bền cao hơn. (Hiện nay, vật liệu chủ đạo là cao su silicon). Nhờ sự xuất hiện của khuôn kim loại dùng cho chất dẻo tổng hợp mà người ta có thể làm ra được cả các chi tiết rất nhỏ trong mô hình. Nhờ sự phát triển của kỹ thuật chế tác mà tính năng “công cụ xúc tiến bán hàng” của Shokuhin Sampuru ngày càng được nâng cao. Do đó, khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, ví dụ như “độ chân thực” hay “trông ngon mắt”. Vì vậy, hạng mục chủ đạo của ngành sản xuất Shokuhin Sampuru chuyển từ sản xuất số lượng lớn sang chế tác theo đơn đặt hàng. Đối với sản phẩm chế tác theo đơn đặt hàng, tất cả các bước đều được làm bằng tay. Càng ngày kĩ thuật và chất lượng của ngành sản xuất Shokuhin Sampuru càng tăng tiến, hiện nay đã đạt tới mức dù có gọi là một môn nghệ thuật cũng chẳng phải quá lời. Phố dụng cụ Kappabashi, nơi có các cửa hàng Shokuhin Sampuru “Phố dụng cụ Kappabashi” ở quận Taito, Tokyo, chuyên bán các dụng cụ nấu ăn, là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán buôn. Nơi đây có phong vị phố cổ, dọc hai bên đường là hàng dãy cửa hàng bán bát đĩa, nồi niêu, xoong chảo, dao, và cả quần áo đầu bếp v.v... Ngoài ra, tại đây còn có cả các cửa hàng chuyên bán Shokuhin Sampuru. Trước đây, tại khu phố này có 4 cửa hàng chuyên bán Shokuhin Sampuru, nhưng năm 2020, một trong số đó đã đóng cửa. Hiện nay chỉ còn 3 cửa hàng vẫn tiếp tục kinh doanh. Khu phố dụng cụ Kappabashi nằm giữa Asakusa và Ueno, đi bộ từ ga Ueno tuyến JR Yamanote khoảng 15, còn nếu đi từ ga Tawaramachi tuyến Tokyo Metro Ginza thì mất khoảng 5 phút. Trải nghiệm làm Shokuhin Sampuru! “Ganso Shokuhin Sampuru-ya” ở Kappabashi (※Hình ảnh lấy từ trang web cửa hàng) Tại cửa hàng “Ganso Shokuhin Sampuru-ya” (có liên quan đến công ty Iwasaki) ở phố dụng cụ Kappabashi, ta có thể tự làm thử Shokuhin Sampuru. Tôi đã thử sức với mô hình tempura và rau xà lách. Tại đây, tôi sẽ trải nghiệm cách làm mô hình món ăn theo ý tưởng và kỹ thuật của thợ làm Shokuhin Sampuru hiện đại nhưng dựa trên phương pháp chế tác bằng vật liệu sáp từ thời xưa. Làm mô hình tempura 〈Trái〉Đầu tiên, rót sáp màu vàng nóng chảy từ độ cao khoảng 60cm xuống nước ấm để làm phần vỏ tempura. Sáp khi chảy xuống nước ấm thì dần cứng lại. 〈Phải〉Quấn lớp vỏ trong chậu nước ấm quanh nhân tôm, cà tím v.v. đã có sẵn. Lấy sản phẩm từ trong nước ra rồi dùng tay nặn, chỉnh sửa chi tiết là xong. Món “Tempura tôm” và “tempura cà tím” đã hoàn thành! Làm “rau xà lách” 〈Trái〉Rót sáp màu trắng vào nước ấm rồi dàn mỏng ra là có ngay lá rau màu trắng. 〈Phải〉Tiếp theo, rót sáp màu xanh lục vào nước ấm rồi dàn mỏng để làm “phần lá rau màu xanh”. Phần lá xanh này nối liền với “phần lá trắng” vừa làm. Kéo để “phần lá rau màu xanh” rộng ra và mỏng đi. Cuốn “lá rau” để tạo hình rau xà lách. Sau khi hoàn thành, cắt rau xà lách ra ta sẽ thấy phần bên trong cũng rất giống thật! Trải nghiệm xong, ta có thể mang các tác phẩm về nhà. Ganso Shokuhin Sampuru-ya Địa chỉ Tokyo-to, Taito-ku, Nishi Asakusa 3-7-6 Thời gian mở cửa 10:00~17:30 Số điện thoại 0120-17-1839 Phí trải nghiệm Tempura và rau xà lách: 2.500 yên ※Giá cả có thể thay đổi tuỳ theo nội dung trải nghiệm. ※Cửa hàng cũng có ngày kín khách, vì vậy, nên gọi điện thoại hẹn trước. Tổng kết Chắc hẳn là có nhiều khách nước ngoài rất bất ngờ trước sự tinh xảo của Shokuhin Sampuru bày trong tủ kính của các quán ăn. Shokuhin Sampuru là một nét văn hóa rất đặc biệt của Nhật Bản. Shokuhin Sampuru của Nhật Bản, với vai trò là “công cụ xúc tiến bán hàng”, giúp tái hiện hình ảnh món ăn. Kĩ thuật làm Shokuhin Sampuru của Nhật Bản trải qua nhiều năm phát triển và nay đã lên tới tầm nghệ thuật. Không chỉ vậy, hiện nay, các mặt hàng Shokuhin Sampuru còn được bán cho khách hàng tiêu dùng cá nhân dưới dạng đồ lưu niệm nhỏ như móc chìa khoá v.v. Khi đến Nhật Bản, các bạn hãy thử tìm hiểu và khám phá các món “Shokuhin Sampuru” này nhé!
14/10/2021
Gần 4 năm trước, một ngày giữa tháng 8, Nhật nắng chói chang. Sau một chặng đường dài từ sân bay Narita về ký túc xá, tôi mệt mỏi thở dài: “Khát nước ghê!”. Vừa than vãn, người chị khóa trên hướng dẫn đoàn tân sinh viên đã dúi ngay vào tay tôi một chai nước mát lạnh. Đầy bất ngờ, tôi hỏi: “Ở chỗ hoang vắng như thế này, chị mua ở đâu vậy ạ?”. Chị cười, “Ở kia đó”, rồi chỉ về hai chiếc máy bán hàng tự động nằm yên ắng bên đường ray, giữa con đường hẻo lánh. Nhớ ngày cấp 3, cả trường tôi đã từng hò reo hứng khởi khi thấy ở sân bóng của trường xuất hiện một chiếc máy bán hàng tự động. Buồn một nỗi, tiền cho vào máy rồi, nhưng chai nước không “xuất đầu lộ diện”. Ở Nhật thì khác, dù có ở nơi nào, hẻo lánh đến mấy, bạn cũng sẽ tìm được một chiếc máy bán hàng tự động. Có khi còn tìm được cả dãy máy, và tất nhiên chiếc máy nào cũng vận hành rất mượt mà. Tuy Mỹ là đất nước có nhiều máy bán hàng tự động nhất trên thế giới, nhưng xét về mật độ máy bán hàng tự động, không đâu bằng được nước Nhật. Cứ 23 người sẽ có 1 máy bán hàng tự động. Hàng năm, doanh thu từ những chiếc máy bán hàng tự động này là 5 tỷ yên, tương đương hơn 1 nghìn tỷ Việt Nam đồng, giúp Nhật trở thành quốc gia có doanh thu từ máy bán hàng tự động cao nhất thế giới. Nhịp sống hối hả ở Nhật khiến những chiếc máy bán hàng tự động vận hành 24/7 trở thành một phần quan trọng không thể thiếu. Sáng sớm chưa kịp bỏ gì vào bụng, chạy vội vào ga cho kịp chuyến tàu đến công ty hay trường học, mua ngay được cái bánh ngọt ở chiếc máy bán hàng tự động đặt dưới ga tàu. Thế là ấm bụng! Những chiếc máy bán hàng tự động ở Nhật, đương nhiên cũng rất “Nhật”, đầy sáng tạo và tiện nghi. Tuy khởi điểm được phát minh ở Anh vào thế kỷ 19, dùng để bán thuốc lá, bánh kẹo, chiếc máy bán hàng tự động lâu đời nhất ở Nhật Bản, có từ năm 1904, là máy dùng để bán tem và bưu thiếp. Đặc biệt hơn cả, chiếc máy ấy không chỉ bán bưu thiếp và tem, mà còn cho phép bỏ thư từ vào để gửi đi, như một chiếc bốt bưu chính thu nhỏ. Đến giờ, người Nhật vẫn tiếp tục sáng tạo đủ kiểu với những chiếc máy bán hàng tự động của mình. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc máy bán hàng tự động bán những món cực đặc biệt như súp ngô, chuối, bánh ngọt, oden (một thức ăn truyền thống của Nhật Bản), trứng lòng đào, kem hay pizza. Bên cạnh đó, máy bán đồ uống ở Nhật có chia hai loại nước: lạnh và ấm. Chỉ cần mua một chai nước chanh mật ong ấm nóng từ máy bán hàng tự động ở nhà ga để mân mê là vừa đủ để xua đi mùa đông lạnh giá. Vẻ ngoài của những chiếc máy bán hàng tự động ở xứ sở hoa anh đào cũng rất đa dạng và thú vị. Có chiếc khoác lên mình chiếc áo Pikachu vàng ruộm. Có chiếc lại tự tin tỏa sáng với hình hài chú robot đỏ rực. Những chiếc bán hàng tự động ở Nhật, với tôi, không đơn giản chỉ là những chiếc máy bán hàng, mà còn là những sứ giả kết nối yêu thương. Nhớ một lần, giữa ngày đông 0 độ C, đi làm về mệt quá, tôi ngủ quên trên chuyến tàu cuối. Tàu bon bon chạy đến bến cuối cùng. Đến lúc mở mắt thì tàu hết, không về được nhà. Ga đó hẻo lánh, không có lấy một cửa hàng mở 24 giờ, xung quanh tối đen như mực. Tôi đã nghĩ mình sẽ co ro đến hết đêm ở sân ga, trong sự đơn độc, lạnh giá và sợ hãi. Nhưng một bác người Nhật cũng kẹt lại khi ấy đã đưa tôi một chai trà nóng mua ở máy bán hàng tự động gần đó và mấy miếng bìa bác xin được ở cửa hàng tiện lợi. Chai trà dù nhỏ bé thôi, nhưng sự quan tâm của một người xa lạ, ở một nơi chốn chẳng mấy thân quen, làm tôi không thôi cảm động. Sự ấm áp truyền đến nơi bàn tay, nơi cổ họng, cũng từ đó được lan truyền đến trái tim, làm tôi thêm yêu nước Nhật, con người Nhật, và cũng yêu hơn những chiếc máy bán hàng tự động ở nơi đây.
28/07/2020
Câu cá là một trong những hoạt động vui chơi ngoài trời đơn giản và dễ dàng tiếp cận, giúp cơ thể khoẻ mạnh, và giảm bớt nhiều căng thẳng, áp lực. Nhật Bản được bao quanh bởi biển và có nhiều sông nên có rất nhiều điểm lý tưởng để câu cá, và rất nhiều người Việt Nam thích câu cá tại đây. Tuy nhiên, để có thể câu cá ở Nhật Bản, bạn phải tuân thủ các luật và cách cư xử cơ bản, ghóp phần bảo vệ môi trường và tránh gặp phải các rắc rối không đáng có. 1. Trải nghiệm của tôi Tôi sang Nhật Bản đã đến nay đã là năm thứ 13. Từ khi còn ở Việt Nam tôi đã có đam mê với các hoạt động câu cá. Thường thường tại Việt Nam không có chuyện đi học cả ngày mà sẽ là học một buổi, buổi còn lại sẽ dành cho các hoạt động khác như đi học thêm, hoặc ở nhà phụ giúp cha mẹ, các hoạt động ngoại khoá, giải trí khác. Các anh hàng xóm hàng tuần thường rủ tôi một hoặc hai buổi đi câu. Địa điểm thường là ao hồ, sông suối và cá mà chúng tôi nhắm đến sẽ là các loại cá như cá chuối, cá trê hoặc cá chim trắng. Mua đồ câu sau khi đến Nhật Sau khi tốt nghiệp cấp 3 và trải qua một khoá học ngắn hạn 6 tháng tại một trường tiếng, tôi đến Nhật Bản học tiếp 2 năm để chuẩn bị cho kì thi vào đại học. Thời gian này thực sự là tôi không có nhiều tiền và thời gian cho lắm. Sau khi lên đại học, và có một chút dư giả về thời gian, cộng với việc trường đại học khá là gần biển cho nên tôi đã bắt đầu chạy ra biển câu cá trên chiếc xe máy con con của mình. Tuy nhiên, câu cá trên biển rất khác với câu cá ở ao hồ tại Việt Nam. Tôi phải tìm hiểu loại cá để câu, độ dài dây câu cần thiết, phương pháp câu cá, v.v. trên các video YouTube. Sau đó, tôi quyết định sử dụng Sabiki để bắt cá thu ngựa (aji) và cá thu (saba), vì chúng tương đối dễ câu. Sabiki là một phương pháp câu trong đó các lưỡi câu sẽ được xếp thành hàng và gắn với các mồi giả để dụ cá. Phương pháp này rất dễ dàng cho người mới bắt đầu và không tốn nhiều chi phí.。 Về dụng cụ câu, tôi có ghé qua cửa hàng Hard 0ff - một cửa hàng chuyên về đồ cũ tại Nhật Bản. Tôi chọn một chiếc cần có thể điều chỉnh độ dài, một máy câu dọc của Daiwa với mức giá tầm 7,000 yên. Về thẻo câu, tôi ra Daiso để mua, vì ở đây có bán thẻo câu khá là rẻ và vừa đủ đối với Sabiki. Mồi thì mua ở siêu thị gần nhà, đó là loại tôm bột đông lạnh, bán theo túi 500g một, bỏ vào tủ lạnh và chờ cho đến hôm đi câu. [iconpress id="local_1803" title="external link" style="color:#525252; font-size:22px;" ] Cửa hàng đồ cũ(KOKORO) Hành trình rong ruổi câu cá ở Akita Khoảng cách từ trường đại học quốc lập Akita đến Cảng Akita là khoảng 8 km, và mỗi lần chạy xe đến đấy câu cá khoảng 20 phút. Trong vài lần đầu tiên bắt đầu câu cá biển, tôi đã câu được 10 đến 15 con cá thu ngựa và cá thu dài tầm khoảng 15 cm. Sau đó, tôi có một bữa tối rất ngon với cá tươi, vì mùi vị hoàn toàn khác với cá đông lạnh trong siêu thị. Sau khi đi câu về, tôi thường hay rủ bạn bè qua nhà ăn cá rán và qua những buổi như vậy, đã có thêm một số người tỏ ý muốn đi câu cùng tôi. Tôi chia sẽ kinh nghiệm mua đồ câu của mình cho họ, và sau đó tất cả đã đi câu cùng nhau, có khi lên đến 8 người. Lần này vì không phải ai cũng sở hữu xe máy cho nên chuyển sang phương tiện đi xe đạp, cả nhóm đi xe đạp tầm 8km để đi câu. Tất nhiên không phải hôm nào cũng câu được cá, những hôm đấy chúng tôi hay gọi là “móm” và khá là uể oải khi ra về. Tuy nhiên với tôi, dù câu được hay không câu được chúng đều là những kỉ niệm đáng quý của tôi khi còn học tại Akita. Đến bây giờ tôi đang làm việc tại Tokyo, bẵng đi một thời gian tôi đã không còn đi câu kéo gì cả. Tuy nhiên bây giờ đã có một chút dư giả về tài chính cũng như thời gian, tôi đã tái khởi động lại hoạt động này của mình. Mua một bộ đồ câu mới dành cho các loại cá kích cỡ to hơn, lấy bằng lái thuyền để chủ động câu cá ở ngoài khơi, đánh tiếng xung quanh để tập hợp những người có cùng sở thích. Và tôi hi vọng sẽ có nhiều trải nghiệm mới tại vịnh Tokyo vào thời gian sắp tới. 2. Luật liên quan đến câu cá giải trí Câu cá là một hoạt động giải trí để đánh bắt cá ở biển, sông, hồ, v.v.. Tuy nhiên cần có sự cân bằng giữa việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quyền khai thác thủy sản, và câu cá giải trí ở Nhật Bản (Yuryo = thu thập cá, động vật có vỏ và rong biển cho mục đích phi thương mại) được pháp luật quy định. Luật câu cá giải trí Quy định của Luật ngư ngiệp Luật ngư nghiệp quy định về quyền khai thác và giấy phép khai thác thủy sản. Quyền nghề cá là quyền được độc quyền hoạt động một nghề cá cụ thể trong một vùng nước cụ thể. Câu cá giải trí không bị cấm hoàn toàn ngay cả ở những vùng nước mà quyền này đã được thiết lập, nhưng bạn có thể sẽ bị vi phạm nếu thực hiện bất kỳ hành vi nào sau đây. ✔︎ Cản trở hoạt động của nghề cá. ✔︎ Làm tổn hại đến giá trị của ngư trường ✔︎ Thu thập động vật có vỏ như bào ngư và tảo bẹ, rong biển như rong biển wakame và tảo bẹ, và các động vật thủy sinh như tôm Ise và bạch tuộc tại ngư trường nơi ngư dân thu thập sò và rong biển. Ngoài ra, khi câu cá thuộc đối tượng quy định trong Quyền nghề cá trên mặt nước nội địa (sông, hồ, ao, ...) thì phí câu cá giải trí và thời gian câu cá giải trí được quy định cụ thể và các bạn phải tuân thủ các quy tắc này. Luật bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Bộ luật trên có một số quy định về việc câu cá giải trí như sau. ✔︎ Cấm đánh bắt bằng phương pháp sử dụng chất nổ hoặc chất độc. ✔︎ Trừ những trường hợp được cấp phép, không cho phép đánh bắt cá Sake (một chủng cá hồi) tại vùng nước nội địa. Các quy định về điều chỉnh nghề cá Các Quy định điều chỉnh nghề cá là các quy định do các thống đốc tỉnh thành lập dựa trên Luật ngư nghiệp và Luật bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, đưa ra các quy định cụ thể đối với hoạt động câu cá giải trí trên biển và nội dung của các quy định này khác nhau tùy thuộc vào từng tỉnh. ✔︎ Người đánh bắt giải trí được phép thu gom cá, sò bằng các phương tiện như sào, lưới, tay, ... nhưng trong nhiều trường hợp không được phép sử dụng các dụng cụ mà ngư dân có thể sử dụng. ✔︎ Đối với cá tráp biển đỏ, cá trắm, cá diếc, nghêu ... quy định kích thước nhỏ nhất có thể đánh bắt. ✔︎ Với một số loại cá đặc thù như Ayu sẽ có quy định về thời gian được phép đánh bắt. 3. Quy tắc hành xử khi câu cá Tuân thủ luật và quy tắc hành xử để tận hưởng thú vui câu cá Chúng ta hãy không chỉ tuân thủ luật pháp mà còn phải để ý xung quanh khi câu cá. Hãy để tôi cho bạn một số ví dụ về các quy tắc hành xử này nhé. Tránh xa các khu vực cấm. Hãy bảo vệ môi trường tự nhiên của điểm câu cá. Nhớ mang theo lon rỗng, túi ni lông, cặn mồi, móc câu và dây câu về nhà. Không neo đậu tàu thuyền gần các phương tiện khai thác thủy sản như lưới giăng sẵn, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tránh xa các dụng cụ đánh cá được đặt trong bến cảng. Thả cá nhỏ và cố gắng bảo tồn tài nguyên. Tránh đánh bắt cá nhiều hơn mức bạn cần. Nếu bạn bắt được thứ gì đó không phải là thứ bạn nhắm tới, chẳng hạn như cá nóc hay sao biển, hãy thả nó trở lại nước. 4. Những lời khuyên về an toàn Khi đi câu một mình, nhớ nói với người thân về địa điểm câu và thời gian mình về nhà. Đây là một gợi ý để câu cá an toàn. Chủ động đảm bảo an toàn cho mình khi đi câu cá nhé. Kiểm tra thời tiết trước khi đi câu Cố gắng đi câu với nhiều hơn một người. Nếu bạn đi một mình, hãy cho gia đình biết bạn sẽ đi đâu và khi nào bạn sẽ quay về. Khi quăng cần, hãy đảm bảo rằng không có người xung quanh bạn. Không câu cá gần dây điện, hoặc cột điện. Khi đi câu bằng thuyền, triệt để tuân thủ các quy tắc hàng hải.
02/09/2021
THẠCH LONG Khoảng 60% dân số Nhật Bản sử dụng xe đạp, giúp xứ sở hoa anh đào trở thành quốc gia xếp thứ 6 đến 7 thế giới về số lượng xe đạp/đầu người. Cùng tìm hiểu về văn hóa xe đạp ở Nhật nhé. 70 triệu xe đạp có chủ Theo thống kê hiện Nhật Bản có khoảng 70 triệu xe đạp đang có chủ, Nhật Bản và là quốc gia có số xe đạp đang hoạt động nhiều thứ nhì thế giới (xếp sau Trung Quốc, với 500 triệu xe đạp đang hoạt động). Mỗi năm, Nhật Bản sản xuất khoảng 800.000 chiếc xe đạp nhưng số lượng xe đạp bán ra thường cao gấp bội. Năm 2010, có tới 3 triệu chiếc xe đạp được bán ra. Đến năm 2019, con số này giảm xuống còn 1,63 triệu chiếc nhưng vẫn nằm trong top đầu thế giới về lượng tiêu thụ xe đạp mỗi năm. Đi xe đạp không phải là cảnh hiếm hoi ở Nhật Bản Chiếc xe đạp được tiêu thụ nhiều nhất ở Nhật có tên mamachari, hay còn được hiểu vui là “xe đạp của má”. Đây là kiểu xe đạp truyền thống thường dành cho các bà nội trợ, các em học sinh trung học. Mamachaly là chiếc xe đạp do người Nhật sáng tạo ra để phục vụ cho những phụ nữ mặc váy dễ điều khiển. Trong quá khứ, chiếc mamachari này từng rất phổ biến ở Việt Nam với cái tên thân thuộc: Mini Nhật. Mamachaly là chiếc xe gần như duy nhất ở Nhật Bản có thể gắn ghế đèo trẻ em ở cả yên sau và phần đầu xe. Trên đường phố Nhật, hình ảnh những bà nội trợ đèo 2 con: một ngồi yên sau, một ngồi lọt thỏm ở giỏ phía trước, luôn thu hút được sự chú ý của khách du lịch. Lưu ý là luật Nhật chỉ cho phép trẻ em dưới 6 tuổi ngồi ở yên sau. Vào khoảng 3-4 năm trở lại đây, sự phát triển của những chiếc xe đạp trợ lực (hay còn được gọi là xe đạp điện) đã hỗ trợ rất nhiều cho các bà nội trợ. Trong năm 2019 xe đạp điện chính là loại xe bán chạy thứ 3 ở Nhật, chiếm 10% số lượng xe đạp tiêu thụ. Những chiếc xe đạp trợ lực đang dần phổ biến hơn ở Nhật Bản Xe đạp Mamachaly, từng được biết đến với cái tên "Xe mini Nhật" nổi tiếng một thời những năm 1990 Những điều có thể bạn chưa biết Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia an toàn bậc nhất thế giới, với tỉ lệ tội phạm vô cùng thấp. Tuy nhiên, khá ngạc nhiên khi biết rằng chuyện ăn cắp xe đạp lại tương đối phổ biến. Theo báo cáo từ cảnh sát, vào năm 2013, Nhật Bản từng ghi nhận hơn 300.000 vụ mất cắp xe đạp. Con số này đã giảm xuống còn 170.000 chiếc vào năm 2018, nhưng vẫn gây ngỡ ngàng với những người cho rằng xứ sở hoa anh đào tuyệt đối không có nạn trộm cắp. Liên quan tới chuyện mất cắp xe đạp: Rất nhiều người Nhật sau khi đã đổ rất nhiều tiền để sắm một chiếc xe đạp xịn, thường đồng thời chi một số tiền lớn để mua chiếc khóa dây khóa dây này rất to và dài, và cũng xịn xò không kém. Dù đường phố rộng rãi, vắng vẻ nhưng cũng không đồng nghĩa với việc bạn được dựng chiếc xe đạp của mình ở bất kỳ đâu. Bạn đừng ngạc nhiên khi chiếc xe của mình bị đưa lên ô tô chở đến các bãi tập trung xe đỗ trái phép. Thường thì bạn sẽ nhận được giấy cảnh báo về việc đỗ xe trái phép dán ngay trên giỏ xe. Nếu bạn tái phạm, bạn sẽ phải tới các điểm đỗ tập trung để nộp phạt và lấy xe của mình. Bãi giữ những xe đạp vi phạm nơi để xe Để lấy lại xe, bạn phải trả một số tiền phạt nhất định Ngoài ra tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân cho các bạn: Sang tới Nhật, bạn đừng vội chi ra một số tiền lớn để mua xe đạp. Có rất nhiều cửa hàng đồ cũ bán xe đạp với giá rất rẻ và chất lượng thì không tồi chút nào.
27/10/2020
Tháng 6 đến, Nhật Bản vào mùa mưa. Mưa rất nhiều, có khi cả tuần liên tiếp mới có một ngày nắng đẹp. Những ngày mưa tầm tã ấy, cũng là lúc ta được nhìn ngắm vô vàn những chiếc ô mang hồn nước Nhật. Do sử dụng chủ yếu là tàu điện, nên thay vì mặc áo mưa, người Nhật rất thích dùng ô. Với người nước ngoài, mang ô theo khắp nơi là một việc gây nhiều phiền toái. Nhưng với người Nhật, họ cầm ô theo như một phụ kiện thời trang. Dưới mưa, dưới tán ô, họ bước đi rất thoải mái, rất quen thuộc. Nếu như người lớn ở Nhật có “đồng phục” là những chiếc ô, thì trẻ con mùa mưa thường đi ủng. Những chiếc ủng vô số màu sắc của lũ trẻ, cùng sự đáng yêu, hồn nhiên, tinh nghịch của chúng tạo nên những nét chấm phá rất riêng cho xứ sở hoa anh đào. Trời mùa mưa, hình như cũng giống những đứa trẻ, có chút nghịch ngợm. Cũng thích đùa vui, rồi thay đổi nhiệt độ trong ngày đầy đột ngột. Có lúc buổi trưa nắng và oi bức. Ấy thế mà đến tối, khi cơn mưa bất chợt ghé qua, lại ngúng nguẩy đổi se lạnh ngay. Thời điểm Nhật vào mùa mưa, cũng là lúc hoa cẩm tú cầu nở. Cũng như khi hoa nở, người ta biết mùa mưa ở Nhật đã đến. Loài hoa đặc trưng của mùa mưa Nhật khoe sắc màu rực rỡ, nhẹ nhàng tỏa sáng, như xua đi cái âm u của những ngày mưa nối đuôi nhau không ngớt. (Ảnh & Bài viết: Thach Long) Mưa đêm (Fukuoka) Mưa đêm ở quận Hakata (Thành phố Fukuoka) Chiếc ô nhựa trong, giải pháp tạm thời khi mưa đột ngột rơi khi vừa xuống xe điện (Thành phố Fukuoka) Bên ngoài trung tâm thương mại Solaria ở Tenjin, Fukuoka Chờ xe bus gần tòa nhà Acros, Tenjin, Chuo Ward, Fukuoka Khu phố Tenjin sầm uất vẫn lung linh trong mưa (Thành phố Fukuoka) Đường phố như lung linh hơn với cảnh mưa đêm (Thành phố Fukuoka) Chiếc ô như một phụ kiện thời trang trong mùa mưa (Thành phố Fukuoka) Hoa cẩm tú cầu nở rộ ở công viên Ohori (Thành phố Fukuoka) Mùa mưa, mùa săn ảnh hoa cẩm tú cầu (Thành phố Fukuoka)
08/07/2020
Tổ chức hỗ trợ du học sinh
Nhật Bản (JASSO)
Mạng lưới luật sư cho lao động người nước ngoài